Cuộc sống quanh ta

Giữa độ giao thừa

Ông Nội tôi là Mai Đình Hòe, ra đời vào năm Đinh Mão (1867) tại làng Đĩnh Lữ nay thuộc xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, tạ thế năm Nhâm Thìn (1952). Hưởng thọ 85 tuổi. Tôi nghĩ thời đoạn vắt qua hai thế kỷ XIX – XX này chính là độ giao thừa giữa hai thể chế xã hội Quân chủ Chuyên chế và Dân chủ Cộng hòa. Tôi nhận thấy những bước chuyển mình từ ông Nội tôi để suy ra sự chuyển mình của toàn dân tộc trong thời buổi đó. Cách mạng Tháng Tám không bổng dưng thành công nếu thiếu lớp người ở giữa độ giao thời này.

Trước hết xin nói về làng Đĩnh Lữ. Làng Đĩnh Lữ xin đừng viết, đừng gọi là làng Đỉnh Lự. Đĩnh Lữ nguyên văn đều dấu ngã là do Lê Lợi ban cho dân làng Kẻ Mát khi cánh Nghĩa quân Lam Sơn của Ông bị giặc Minh truy đuổi về vùng biển này. Đương lúc cùng đường thì dân Kẻ Mát và Kẻ Lã ùa ra giúp Nghĩa quân, Nguyễn Xí níu dây cương ngựa Chủ tướng dừng lại xin quyết chiến. Thế trận lật ngược. Quân Minh đại bại một số bị diệt, số sống sót chạy về Lam Thành. Làng Kẻ Mát được Lê Lợi ban tên Đĩnh Lữ (trội hơn, gan góc hơn), Kẻ Lã được ban tên Đại Lữ là thế. Về sau dân làng lập đền thờ Nguyễn Xí để ghi nhớ một sự kiện đáng nhớ và đáng tự hào gọi là đền ngài Cương Khấu (Gò dây cương ngựa thực ra là Cương Quốc Công). Thưở ấu thơ tôi thường nghe lời truyền ngôn này từ ông Nội Mai Đình Hòe và ông Ngoại Nguyễn Trực. Lớn lên tôi mang địa danh Đĩnh Lữ vào lính để tham gia chiến dịch Điện Biên phủ năm 1954 và luôn luôn nhắc nhủ mình là người Kẻ Mát - Đĩnh Lữ.
Đình Cương Quốc Công bị phá một phần vào năm 1952 theo chủ trương hợp tự đền chùa, một phần vào năm 1955 trong thời cải cách ruộng đất và một phần vào năm 1958 với phong trào hợp tác xã nông nghiệp cần vật liệu làm kho phân bón. May có dính vào cuộc đấu tranh của nông dân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nên am thờ nhỏ gọi là Thượng điện được giữ lại để làm di tích cách mạng. Sau ngày hợp tự phá đình ông Nội tôi rất buồn vài tháng thì đổ bệnh rồi qua đời. Ngôi đình Nguyễn Xí gắn với tình cảm người Kẻ Mát – Đĩnh Lữ hàng trăm năm bị phá tan tành không buồn sao được. Sự gắn bó trân trọng làm nên trang nghiêm, người làng tôi ai cũng tin đình thờ ngài Cương Khấu rất thiêng.
Vẽ đẹp toàn cảnh của đình Đĩnh Lữ trong ký ức tôi bao gồm cột cơn nanh, hồ sen, cổng tam quan, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, cây cổ thụ ... như một cái neo nỗi nhớ cho người đi xa.
Ông Nội tôi là lớp người “giữa độ giao thừa” mang trong lòng mình hào khí đình Cương Khấu Đĩnh Lữ để theo Tuần vũ Hoàng Xuân Dương và Bố chánh Ngụy Khắc Kiều lên Sơn phòng Hương Khê phò vua Hàm Nghi vào năm 1885. Sau đó ít năm lại tham gia khởi nghĩa Vụ Quang của Thủ lĩnh Phan Đình Phùng với cương vị là Suất đội. Khởi nghĩa Vụ Quang thất bại ông Nội tôi bị Nguyễn Thân bắt giam tại đồn Linh Cảm. Nhờ mang tên mới là Mai Khắc Nhượng khác với Mai Nhường, Mai Đình Hòe nên ông Nội tôi sống sót trong đợt khủng bố đẩm máu này. Thế kỷ XIX kết thúc những lớp người thức thời thuở đó vắt sang thế kỷ XX với phong trào Duy tân, phong trào chống thuế Trung Kỳ, phong trào Đông du. Ông Nội tôi cùng bạn thân là Lê Huân (Giải Huân) làm hai con thoi nối thanh niên Hà Tĩnh với Thanh niên Nghệ An dấy lên một trào lưu nô nức xuất dương vào những năm hai mươi của thế kỷ XX. Năm 1963 tôi đang học năm thứ 2 khoa Sử tại trường Đại học Tổng Hợp cơ sở Mễ Trì thì được chú Thiều lái xe cùng ông Thạch bí thư riêng của ông Hoàng Văn Hoan về đón lên nhà ông Hoan ở đường Phan Đình Phùng. Tại đây tôi được biết năm 1924 ông Nội tôi cùng ông Lê Huân đã ra làm lễ ăn thề tại chùa Đồng Tương làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu với lớp thanh niên xứ Nghệ thuở đó. Qua cuộc tiếp xúc này tôi được biết ông Nội tôi và ông Giải Huân là bạn của ông Hoàng Minh Kha (thân sinh Hoàng Văn Hoan). Lớp người giao thời cuối thế kỷ XIX làm nên lớp người tân tiến đầu thế kỷ XX là vậy. Lê Duy Điếm, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu (sinh thời ông Nội tôi thường gọi là Hồ Bá Cự)…như là những người được bàn giao thế hệ. Trong lớp sĩ phu giữa độ giao thừa ấy ông Nội tôi là người duy nhất ở làng tôi tiếp nhận tư tưởng tiên tiến đứng ra tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hà Tĩnh. Dấu nối cho sự thành lập này cũng lại xuất phát từ chùa Đồng Tương vào năm 1924. Năm đó ông Nội tôi đã gặp Nguyễn Phong Sắc. Vì thế đến năm 1929, sau khi tham gia sáng lập Đông Dương Cộng Sản Đảng tại 5D Hàm Long, Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc về Nghệ rồi vào Đĩnh Lữ gặp ông Nội tôi và Chi bộ Cộng sản Đĩnh Lữ ra đời tại nhà ông Nội tôi từ đường dây đó. Tuy không phải là Đảng viên vì tuổi cao sức yếu lại là người sáng lập Chi bộ Đảng. Nghe thì vô lý nhưng sự thực đã xẩy ra như thế. Trong số 7 Đảng viên đầu tiên của Chi bộ này ông Nội tôi góp 3 người con trai là Mai Cát, Mai Đĩnh (Cha của tôi), Mai Trác (bị Pháp bắt và đánh chết tại Can Lộc năm 1932. Cùng năm đó chúng đã dỡ nhà Cha Mẹ tôi để làm đồn Kim Trì. Đây là hành vi tịch biên gia sản duy nhất ở vùng hạ Can Lộc) cùng một người trai cày ở giúp việc thường xuyên trong nhà là Phan Gần (Trưởng ban Tài chính Xứ ủy Trung Kỳ, bị Pháp bắn tại rú Bin năm 1933) và 3 người cháu bên bà Nội tôi là Nguyễn Cứ, Hoàng Liên, Nguyễn Sáng. Coi như Chi bộ Đảng đầu tiên thuộc con cháu trong đại gia đình tôi. Chỉ thế thôi ông Nội tôi cũng đủ sánh vai với các vị sĩ phu quê hương nếu không muốn nói là trội hơn về mức cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước. Bền bỉ và liên tục từ phong trào Cần vương đến phong trào Cộng sản và Xô Viết Nghệ Tĩnh lại là yếu nhân trong lớp người vận động Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở huyện Can Lộc.
Để minh chứng cho điều tôi trình bày trên xin được giới thiệu vài tư liệu liên quan mà ông Nội tôi để lại dưới dạng văn vần.
         1.   Tự sự
Lấy trong sự tích kể ra
Ân nhờ trời đất mẹ cha sinh thành.
Sinh năm Đinh Mão rành rành
Theo đòi những sự học hành đua nhau.
Đến năm 16 tuổi đầu
Vừa năm Nhâm Ngọ bắt đầu hạch thi.
Nào hay vận chẳng ra chi
Thành trì Hà Nội Tây di đã vào.
Liền năm Ất Dậu (1885)lao đao
Kinh đô thất thủ lẹ nào ngồi yên.
Trung thần tả hữu hai bên
Rước vua xa giá lên miền thương du.
Sơn phòng Hà Tịnh trùng tu
Chỉ cho khắp mặt phục thù ai ai.
Lại sai chánh phó hai người
Hoàng Xuân (Dương),Ngụy Khắc (Kiều) tới nơi sơn phòng.
Bèn theo phó sứ ruỗi dong
Nam nhi đã quyết cam lòng một khi.
Nào hay sức yếu thân suy
Tư đơn báo bệnh xin về thuốc thang.
Vả chăng phụ mẫu tại đường
Tuổi già sức yếu lại càng thêm nguy.
Văn chương khi ấy kể chi
Tìm thầy kiếm bạn quyết đi tập tành.
Nghề thao lược, phép Khổng Minh
Nào Du nào Lộ cũng kinh nghiệm rồi.
Đến năn hâm bốn (tuổi) thảnh thơi
Nghe Sơn Trung Lão xướng lời Cần Vương
Lòng mừng vạch lối tìm đường
Phát bằng Suất đội Mai Nhường là tên.
Nào hay sự bởi hoàng thiên
Cụ xem thế lực vào miền Sơn Trung
Đến năm (Ất Vị) thế cùng
Nguyễn Thân khi ấy được dùng Khâm Sai.
Thú rồi khắp mặt ai ai.
Mình không ra thú nên ngài bắt giam
Liều mình sống chết cũng cam
Gông cùm tra tấn họ làm thật ghê
Lòng kiên tang tích không hề
Hoàng thiên bất phụ may về được tha.
Nghĩ tìm một chước cho qua
Xoay làm Lý trưởng phải ra độ thời.
Ba năm mãn khóa vừa rồi
Tư đơn từ dịch khất hồi dưỡng thân
Theo đòi y tế ân cần
Để cho ngày tháng đỡ đần cho qua.
Đến năm Giáp Tý đã già (1924)
Năm mươi chín tuổi lại ra huyện Quỳnh
Đào viên kết nghĩa thề minh
Nhận lời huấn luyện trong mình một khi
“Dạy con” chuyện đặt tức thì
Xem bầu máu nóng ai thì tính sao
Tuyên truyền tổ chức đã nhiều
Xem trong đảng phái cũng đều hy sinh.
2.     Dạy con (1924)
Con hay cha bảo cho con
Làm người phải giự vuông tròn thủy chung
Làm sao rõ mặt anh hùng
Làm sao có tiếng non sông để dành
Hội này thế giới đua tranh
Cha già phải dạy con giành một phân
Học hành sự phải chuyên cần
Khí cơ kỷ nghệ chuyển vần trong tay
Dốt thời con phải cậy thầy
Vống vây cậy thợ có ngày nên công.
Giang sơn bất thiểu anh hùng
Cũng ngoài tai mắt cũng trong can trường
Chữ rằng hồ thỉ bốn phương
Thánh thần nghe đã lắc chuông boòng boòng
Đất nào chẳng có mây soong
Hãy xem con kiến con oong hợp quần
Huống người dáng có nhân luân
Lẹ đâu trương mắt mà nhìn trơ trơ.
Trầm luân bể lấp bao giờ
Mình không hò hét đợi chờ ai đây.
Cơ trời dễ biết dễ hay.
Nước xoi ra vực gát xây nên cồn
Kiến tha lâu lộ cũng chồn
Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim.
Khuyên con phải nghĩ phải chăm
Anh em giữ lấy nhất tâm đồng bào
Tre già măng mọc càng cao
Trai già hẵn có sinh châu rỡ ràng
Học cho cách trí mở mang
Muốn khôn trước đã nghĩ đàng khôn cho.
Bánh kia có bột mới vo
Lời rằng có cấy vậy hồ mới nên
Làm sao có ló có tiền
Có tiền khi đã mua tiên cũng vừa
Học cho cách trí hơn xưa
Hội này đang hội gió mưa nặng nề
Anh em đắp nhém mọi bề
Muốn thông trước phải đề huề cho tinh
Nghĩ ngoài các nước văn minh
Cũng trong một sự học hành mà ra.
Trông người thì biết việc ta
Học người thái ái mới ra hợp quần
Gan vàng càng đúc càng bền
Vừng đông càng sớm càng lên ngất trời
Nam nhi lập chí đương thời
Sao cho mục đích giữa trời Á Đông.
Trứng rồng lại nở ra rồng
Cho người biết mặt Lạc Long con nòi
Khuyên con con có nghe lời
Già sau chín suối ngậm cười kha kha.
Người già mà nước không già.
(Bài “Dạy Con” viết sau khi làm lễ ăn thề với Lê Huân, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Phong Sắc… tại chùa Đồng Tương, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu năm 1924. Ông Nội tôi được phân công phụ trách tổ chức và huấn luyện)
 
         3.    Chợ Lù tức cảnh
Tạo hóa yên bài
Thái bình cảnh tượng
Sách có chữ điều nghiên y sĩ tướng
Trong tay ta đồng, lượng cầm cân.
Rồng kia còn chưa gặp hội phong vân
Cũng có kẻ canh Sằn, điếu Vị
Nhân sinh qúy thích chí
Cuộc phong lưu ông nghĩ chẳng gì hơn
Miệng tiêu dao thánh dược thần đơn
Tay hằng nhởi sâm kỳ quy thục.
Nói rằng học nho y lý số
Trong mười phần cũng có dăm ba
Nghề vui chơi đàn khúc Bá Nha
Thi Lý Bạch ngâm nga đôi vận
Khi thích thú thi thần rượu thánh
Áng công danh một gánh ở trên
Chữ rằng phú quý do thiên
Ông vẫn biết vô sự cũng thần tiên nhỏ nhỏ.
Mừng chốn ấy sơn hồi thủy tụ
Khí Hồng Sơn chung tú yên bài.
Cánh Phượng Hoàng lại ngó bên vai
Tay Sư Tử chơi cù trước mặt.
Mừng chốn ấy cây cao bóng mát
Khói hương trầm ngao ngát thần cho.
Nào là hàng thịt lợn, thịt bò.
Nào cô bán rượu nào lò bánh khô.
Của quý vật nơi mô cũng đến
Đồ trân cam cung tiến từng phiên
Dưới sông Ên của nước dâng lên
Trên rú Mả ngàn hoa hớn hở.
Người mừng cảnh cảnh càng đua nở.
Cảnh mừng người hằng bữa tiêu dao
Sáu ngàn ba vạn biết bao
Ngày xuân càng mới non cao chẳng già
Tết vừa vui chén hoàng hoa
Ngâm câu vạn tuế quốc gia vững bền
Ngụ tình ngụ cảnh một thiên
Thà quê gọi có bút nghiên theo đòi
Còn non còn nước còn người.
(“Chợ Lù tức cảnh” viết sau khi cuộc Khởi nghĩa của Phan Đình Phùng thất bại, bị Nguyễn Thân bắt giam rồi được tha về tạm thời làm nghề bốc thuốc Bắc độ nhật)
 
        4.    Tiễn con chim cu gáy
     
Câu hởi câu
Gáy gù hay dở suốt ngàn thâu.
Khôn dại trong lồng sao xiết kể
Bay ra mở mắt ngó năm châu.
(Năm 1932 Bang tá Trịnh Quang Anh dẫn lính Pháp đến khám nhà bắt ông Nội tôi giải ra đình làng và cướp luôn con chim cu gáy. Ông Nội tôi hỏi hắn : “Con người các ngài tình nghi làm cọng sản thì bắt. Con chim là đồ cầm thú biết chi cọng sản mà cũng bắt là cớ làm sao”. Bang Anh thẹn đỏ mặt nên đập lồng chim vào cột đình. Lồng vở chim bay lên trời. Ông tôi xuất khẩu đọc mấy câu tiễn chim để chửi Bang Anh. Bang Anh tức giận đánh ông tôi tại đình để trả thù. Bay đồng nghĩa với chúng mày).
 
Nhân tết, tôi nghĩ đến sự trăn trở của dân tộc ta từ nửa cuối thế kỷ XIX sang nửa đầu thế kỷ XX giống như là sự chuyển mình giữa độ giao thừa. Lớp người ở độ giao thừa này thực sự đã bắc cho chúng ta một nhịp cầu thời đại. Tuy không khoa bảng như ai – vì bỏ thi để đi cứu nước - nhưng so với mức cống hiến ở lớp người đó ông Nội tôi không thua kém ai. Lịch sử và sự cư xử của hậu thế hình như thiếu lẽ công bằng.
 
                                                                                       

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114526493

Hôm nay

2145

Hôm qua

2297

Tuần này

21043

Tháng này

213189

Tháng qua

0

Tất cả

114526493