Góc nhìn văn hóa
Văn hóa đọc - Từ cảm nhận đến hiện thực cuộc sống
Ảnh minh hoạ ( nguồn internet)
1. Từ truyền thống văn hóa đến hành lang pháp lý
Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên bình diện thế giới, văn hóa đọc là một phần quan trọng của đời sống tinh thần của nhân loại. Ở gần chúng ta, Indonesia là quốc gia có truyền thống đọc sách lâu đời và được duy trì qua nhiều thế hệ. Cùng với các chương trình phát triển văn hóa đọc, Chính phủ Indonesia đã thỏa thuận với ngành Bưu điện chuyển sách miễn phí tới các vùng sâu, vùng xa để cân bằng văn hóa đọc giữa các vùng miền của đất nước. Vì thế, hội sách lớn nhất Thế giới “Frankfurt Book Fair” năm 2015 đã mời Indonesia tham gia chính thức với tư cách đại diện khu vực Đông Nam Á. Tại Singapore, Thư viện Quốc gia được Nhà nước ủy quyền phát động một chiến dịch văn hóa đọc. Từ đó biến thành phong trào quốc gia (National Reading Mouvement) kéo dài 5 năm, trong đó ưu tiên hướng tới người lớn, người cao tuổi, khuyến khích cộng đồng thúc đẩy phong trào đọc sách tiếng mẹ để….với slogan là “Đọc nhiều hơn, đọc rộng rãi và đọc cùng nhau”.
Trên thế giới, văn hóa đọc đã lan tỏa đến các nước có nền kinh tế chậm phát triển như châu Phi. Tại đây, thế hệ trẻ có điều kiện tiếp cận văn hóa mở, đã dấy lên phong trào đưa sách đến người lớn tuổi, người cao tuổi, người bệnh tật và cả phong trào đọc sách cho người mù lòa nghe.
Tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Đức, Pháp, Anh, Ý, Mỹ,… và các nước có nền kinh tế ổn định như các quốc gia Bắc Âu đều là những nước tiên phong về văn hóa đọc và có truyền thống văn hóa đọc lâu đời. Riêng tại Tây Ban Nha, người dân xứ Catalonia đã lấy ngày lễ thánh Goerge (23 tháng Tư) là ngày hội sách trong không gian lễ hội đường phố. Chính từ đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc trong phiên họp lần thứ 28 tại Paris (25-10 đến 16 tháng 11 năm 1995) đã chấp thuận đề nghị của UNESCO lấy ngày 23 tháng Tư hàng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền Thế giới”.
Vài nét khái lược như vậy để thấy văn hóa đọc đã và đang là một hình thái văn hóa phổ biến trên toàn thế giới, có truyền thống lâu đời và được kế thừa, phát triển trong thời kỳ đương đại. Điều đó có thể khẳng định văn hóa đọc đang tồn tại bền vững trước mọi áp lực của các phương thức truyền thông đa phương tiện.
Sở dĩ văn hóa đọc tiếp tục có chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của Nhân dân trước mọi thử thách là bởi, bên cạnh sự thỏa mãn các thành tố thông tin (văn hóa truyền thông), tri thức (văn hóa nhận thức), thẩm mỹ (văn hóa cảm nhận) thì văn hóa đọc là hình thức ưu việt về khả năng tạo lập và lưu giữ cảm xúc.
Ở Việt Nam, văn hóa đọc đã hình thành cùng với quá trình hình thành văn hóa dân tộc.
Từ trong lịch sử, người Việt Nam đã có truyền thống đề cao việc học, đúng hơn là “học qua đọc”. Sách “Huấn mông ấu học thi” từng dạy: “Thiên tử trọng anh hào/Văn chương giáo nhỉ tào/Vạn ban giai hạ phẩm/Duy hữu độc thư cao”. Cụ Phan Bội Châu, nhà yêu nước, bậc trí thức cấp tiến thời cận đại đã từng bày tỏ quan điểm và chính kiến về đọc sách của tổ tiên như một phương châm sống: “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch…” (nghĩa là: trước mỗi bữa cơm không quên đọc sách của tổ tiên để lại). Lịch sử còn ghi lại câu chuyện khá thú vị về câu chuyện đọc sách của danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255-1320) thời nhà Trần. Lần ấy, giặc Nguyên Mông xâm chiếm nước ta lần thứ nhất, đội quân của Trần Hưng Đạo trên đường ra trận, đi qua ngôi làng của Phạm Ngũ Lão, thấy một người ngồi đan sọt không chịu tránh đường, ngạc nhiên, một người lính đến đứng ngay trước mặt, hất hàm hỏi: “Ngươi là ai? Tại sao lại ngồi cản đường đại quân của Thiên tử? Nhà ngươi muốn gì? Phạm Ngũ Lão bình thản trả lời: “Ta chỉ muốn người tránh đi chỗ khác để ta còn đọc sách”. Hóa ra Phạm Ngũ lão đang đọc cuốn “Binh thư”, nhờ đọc sách mà ông có được những tri thức quân sự lỗi lạc, sau thành vị tướng tài, có công lớn trong kháng chiến chống Nguyên Mông.
Những câu chuyện có thật và những huyền tích đã cho thấy đọc sách vốn đã là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ ngàn xưa.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, Việt Nam là một trong những nước sớm ban hành những chính sách phát triển văn hóa đọc Có thể kể đến một số văn bản của Đảng và Nhà nước đưa ra những quyết sách thúc đẩy văn hóa đọc.
Về Đảng, có Chỉ thị số 42, ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản…”
Về Nhà nước đã ban hành:
- “Luật Thư viện” đã dành hẳn điều số 30 để quy định về phát triển văn hóa đọc
- Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc…
- Thông tư số 32/2018 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực… trong đó dành phần thích đáng đề cao năng lực học tập bằng văn hóa đọc
Đặc biệt, lần đầu tiên có một vị nguyên thủ quốc gia là Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi “Thư ngỏ” cho Ban Tổ chức Tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách học sinh…”.
Và, gần đây nhất, ngày 04 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quan trọng số 1862/QĐ-TTg “Về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Từ đó, ngày 21 tháng 4 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, đưa Việt Nam hiện diện trên bản đồ Văn hóa đọc thế giới.
Như vậy, từ bối cảnh quốc tế về Sách và Văn hóa đọc, truyền thống văn hóa đọc của tổ tiên đến hành lang pháp lý về Sách và Văn hóa đọc đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho các thế hệ người Việt Nam có môi trường thuận lợi để phát triển sách và văn hóa đọc. Đó là cơ sở xã hội hết sức cơ bản để tiếp tục phát huy truyền thống trân quý sách, đam mê đọc và duy trì sự phát triển bền vững về sách và văn hóa đọc. Nhờ vậy, sách và săn hóa đọc luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của cộng đồng, góp thêm một động lực to lớn về văn hóa nhận thức trên con đường xây dựng đất nước văn minh và hiện đại.
2. Thực trạng sách và văn hóa đọc của Việt Nam hiện nay và những trăn trở
Điều rất đáng lưu tâm khi đề cập văn hóa đọc của thế giới là: Trong tốp 61 nước có số lượng người đọc sách cao nhất thì Khu vực Đông Nam Á góp mặt được 3 đại diện, đó là Singapore (đứng thứ 37), Malaixia (đứng thứ 53) và Indonesia (đứng thứ 60)…
Một câu hỏi khiến không ít người băn khoăn là: Tại sao Việt Nam chưa có thế trong bản đồ đọc sách thế giới?
Chúng ta hãy cùng tìm câu trả lời qua một vài nét tổng quan về thực trạng đọc sách của Việt Nam.
Một khảo sát của báo “Dân trí” do ông Lý Trường Chiến - Giám đốc phía Nam của tờ báo này thì, quan sát 50 người hiện diện trên hành trình 3 tiếng bay từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh gồm 8 người nước ngoài (6 châu Âu và 2 châu Á), hơn 40 người Việt thì có 4 người châu Âu và 2 người châu Á đọc sách, 2 người châu Âu còn lại trò chuyện cùng nhau. Trong khi đó, hơn 40 người Việt chỉ có 3 người trong số họ đọc báo, còn lại là ngồi chờ, đi lang thang và… ngủ.
Có một câu chuyện vui cần kể ra đây là: Người châu Âu phát hiện: Trong cộng đồng người Việt tại các chung cư, nếu chỉ có 1 người là… ngủ, hai người là… uống trà, 3 người là… uống rượu bia, 4 người là… nấu ăn và 5 người là nói chuyện chính trị. Trong khi, người châu Âu có 1 đến 5 người thì vẫn cứ có người nói chuyện, uống gì đó nếu cần nhưng vẫn có thể đọc sách khi là một hay hai, ba, bốn hay cả năm người.
Vậy, thực trạng sách và văn hóa đọc Việt Nam ra sao?
Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam, mỗi năm cả nước xuất bản trên dưới 3 vạn tên sách với chừng từ 350 triệu đến 400 triệu bản sách.
Cụ thể, chỉ lấy 3 chỉ số: Số tựa/tên sách, số bản in và tỷ lệ bình quân đầu người thì:
- Năm 2015 có 29.120 tên sách; 363.012.000 bản in; Tỷ lệ 4,1 sách/người
- Năm 2020…..36.218………..; 403.500.000………; …….4,13………….
Theo số liệu của ông Lê Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) cung cấp, cứ một niên độ 5 năm, tỷ lệ tăng số tên sách chỉ khoảng dưới 30% , số bản in tăng 19% và tỷ lệ sách/người tăng 0,02%.
Nếu lấy các chỉ số trên vào năm 2019 là năm cao nhất trong hoạt động xuất bản thì, trong năm 2019, VN xuất bản 400 triệu bản sách, trong đó khoảng chừng 300 triệu bản là sách giáo khoa, còn lại 140 triệu bản sách thông tin các loại. Với dân số 95 triệu người, năm 2019, loại trừ sách giáo khoa, Việt Nam đạt chỉ số 1,4 bản sách cho 1 người/năm.
Mở rộng tầm nhìn ra các nước lân bang, trong khi hàng năm Việt Nam ấn hành trên 30 nghìn tựa sách/95 triệu dân thì Malaixia chỉ ấn hành 17 nghìn tựa sách/25 triệu dân; Thái Lan 14 nghìn tựa sách/65 triệu dân, Hàn Quốc 30 nghìn tựa sách/53 triệu dân… Những chỉ số đó cho thấy Việt Nam thua kém không nhiều so với các nước lân bang về chỉ số tựa sách xuất bản.
Mặc dù chỉ số xuất bản của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực nhưng số đầu sách và tên sách chỉ là điều kiện cần cho việc phát triển văn hóa đọc, bản chất vấn đề là không nằm ở số lượng xuất bản mà là ở khả năng tiếp cận sách.
Theo tài liệu của Lê Hoàng thì, một cuộc điều tra xã hội học được thực hiện bởi Báo “Dân trí” cho thấy trong một nhóm đối tượng khảo sát, có tới 80% không đọc sách trong một năm qua. Trong nhóm các đối tượng có đọc sách trong năm thì có tới 98% không đọc sách trong tuần qua. 70% trong số học sinh được khảo sát thì 70% chỉ đọc sách trực tiếp môn học, chỉ có 12% có đọc sách tham khảo thêm. Điều này cho thấy việc đọc sách của các đối tượng bên ngoài xã hội cũng như trong nhà trường là không thường xuyên và không thành nhu cầu; trong khi, đọc sách trở thành một phần trong thời lượng sống, sinh hoạt của học sinh ở các nước lân bang: Học sinh ở Indonesia đọc sách 15 phút mỗi ngày trước giờ học chính thức; ở Hàn Quốc, cha mẹ và con cùng đọc sách ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút; còn ở Thái Lan thì trẻ con dưới 6 tuổi đọc 71 phút /1 ngày, thanh niên 94 phút, người ở độ tuổi lao động 61 phút, người già 44 phút (kết quả khảo sát 56 nghìn hộ gia đình trong năm 2015 tại các quốc gia trên).
Như vậy, dù lượng sách ở Việt Nam in ra không hề ít những khả năng thu hút tiếp cận sách bằng văn hóa đọc ở Việt Nam đang có vấn đề.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiếp cận văn hóa đọc với chỉ số thấp, có thể khái quát một số nguyên nhân chính sau đây:
Một là, bị đứt đoạn văn hóa và gãy khúc tâm lý do các biến cố chính trị của đất nước. Những giá trị truyền thống về văn hóa đọc được duy trì suốt hàng nghìn năm với người có điều kiện học hành, được thăng hoa trong thời kỳ mở cửa ra với thế giới trước những năm 50 của thế kỷ XX. Thời kỳ đó, sách như một tài sản hiếm hoi và vô cùng có giá trị do ngoài sách ra không có nguồn thông tin tri thức nào tốt hơn. Sau khi chiến tranh kết thúc, khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1979-1989 ập đến đã xáo trộn tâm lý đọc do con người phải tập trung toàn tâm cho việc chống chọi với mưu sinh, sách trở nên thứ yếu. Giữa lúc tập quán và đam mê đọc sách bị đứt gãy ngoài ý muốn thì sự phát triển ồ ạt của truyền thông đa phương tiện sau thời kỳ đổi mới đã tiếp tục đẩy xa tâm lý tiếp cận sách. Tốc độ sống nhanh hơn, quyết liệt hơn, cùng với tác động tâm lý đọc đứt gãy đã thành trở lực rất lớn cho việc nối lại văn hóa đọc trong cộng đồng.
Hai là, Thiếu những điều kiện thuận lợi về không gian văn hóa đọc. Trong khi ở các nước có nền chính trị - kinh tế - xã hội ổn định, điều kiện sống được cải thiện thì việc đọc sách có thể thực hiện mọi nơi, mọi lúc. Môi trường sống ở nhà sau giờ làm việc của người nước ngoài ít công việc hơn, họ chỉ nghỉ ngơi và đọc sách, trong khi với người Việt, việc nhà còn nhiều hơn đi ra ngoài. Khi đi ra ngoài, tham gia vào cộng đồng, người Việt bị hút vào giao thông, hút vào họp hành, hút vào những diễn biến công sở, thời lượng đọc sách của người Việt trên phương tiện di chuyển gần như không có, thời lượng đọc sách ở nơi làm việc cũng không nốt, thời lượng đọc sách ở nhà chỉ còn lại trước khi đi ngủ, mà lúc đó lại bị hút vào truyền thông đa phương tiện.
Ba là, Sự thay đổi quá nhanh về khả năng tiếp cận văn hóa trong một gia đình người Việt khác quá xa so với các nước phát triển gây ra cản trở môi trường văn hóa đọc trong tế bào gia đình. Trong một gia đình người Việt, do nhiều nguyên nhân khác nhau của đối nội và đối ngoại, tốc độ tiếp cận văn hóa của người lớn tuổi ngày càng chậm đi khiến họ lạc hậu rất nhanh trong bối cảnh văn hóa hội nhập, trong khi giới trẻ nhạy cảm với văn hóa mới và truyền thông đa phương tiện. Vậy là cái khoảng cách giữa các thế hệ trong một gia định gây ra không ít trở ngại trong kết nối sinh hoạt văn hóa giữa các thành viên trong một nhà. Đó là lý do nhiều gia đình thiếu một thư viện gia đình dẫn tới các thành viên gia đình không quan tâm văn hóa đọc của nhau, thậm chí cản trở nhau.
Bốn là, tình trạng “đọc cưỡng bức” của giáo dục đào tạo với hàng loạt các loại sách công cụ mang tính thị trường khiến thành phần cốt lõi của văn hóa đọc là học sinh, sinh viên bị dị ứng sách, sợ sách. Sách giáo khoa, sách tham khảo cho sách giáo khoa ngồn ngộn, phát ngấy trong đầu học sinh, sinh viên, không còn chỗ cho các loại tựa sách khác khiến cho “văn hóa đọc tự thân” thành “văn hóa đọc cưỡng bức”. Đặc biệt, cơ chế giáo dục đào tạo nhiều bất cập đã tạo ra “động lực”, học để thi, nhất là thi trắc nghiệm đã dần triệt tiêu nhu cầu đọc sách của học sinh để bổ sung kiến thức, trong khi lứa tuổi học sinh chính là khởi nguồn của văn hóa đọc.
Năm là, Chất lượng nội dung ấn phẩm xuất bản bị hạn chế trên cả 3 phương diện: chủ đề nội dung ấn phẩm đậm chất thị trường, khai thác thị hiếu tầm thường và tâm lý tò mò, dễ nhàm chán; tầm vóc tác giả và tác phẩm chưa đạt tới khả năng thu hút; loại hình không mới. Trong những năm vừa qua, thị trường sách Việt Nam chỉ được cải thiện về hình thức in ấn, mẫu mã, còn lại đều không mang đến cái mới cho người đọc.
Sáu là, chính sách vĩ mô để kích hoạt văn hóa đọc tuy có nhưng chậm và không mạnh. Bằng chứng là cho đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước mới ban hành Chỉ thị 42 là quá chậm (chưa nói là cấp độ “Chỉ thị” chưa đủ để kích hoạt một phong trào). Phải đợi có chỉ thị đã mới có những giải pháp, quy phạm về mặt Nhà nước những các giải pháp gần như chỉ nặng hình thức. Theo đó, môi trường văn hóa đọc chưa được quan tâm. Hệ thống thư viện tuy đủ về số lượng nhưng quy mô kiểu cũ, không đầu tư để hiện đại hóa, thiếu đồng bộ. Các nhà văn hóa phường xã, trạm bưu điện chỉ có những tủ sách lạc hậu, nghèo nàn, không có cơ chế liên kết, không có nguồn lực đổi mới trong khi thư viện cần sự thay đổi liên tục về nguồn lực ấn phẩm.
Bảy là, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện chủ trương phát triển văn hóa đọc. Nhiều chính sách đề ra nhưng không kiểm soát việc thực hiện. Chỉ thị 42 (mục 2.3.) đề ra mục tiêu: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp Nhân dân; tổ chức và phát triển các mạng lưới phát hành, xuất bản phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miến núi…. Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. Tập trung củng cố, phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc, trước hết ở cơ sở…”
Đề ra như vậy nhưng không hề có chế tài kiểm soát. 12 năm sau, cái chỉ tiêu 6 đầu sách/người/năm, đến nay cũng chỉ dừng lại ở 1,4 đầu sách/người/năm, hệ thống thư viện nằm yên tại chỗ nhưng không một ai chịu trách nhiệm.
Một thực trạng như vậy là rất đáng lo ngại.
3. MỘT VÀI SUY NGHĨ
3.1. Nghĩ về văn hóa đọc
Có rất nhiều định nghĩa về văn hóa đọc nhưng chung quy lại, văn hóa đọc là sự tổng hòa của ứng xử đọc, giá trị đọc, và chuẩn mực đọc. Môi trường dung chứa văn hóa đọc là cá nhân, cộng đồng xã hội, nhà quản lý và tổ chức quản lý. Ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc là nội hàm quy chuẩn. Cá nhân, cộng đồng xã hội, nhà quản lý và cơ quan quản lý là ngoại diên đảm bảo cho văn hóa đọc phát triển.
Trên đây là cách tiếp cận khái niệm “văn hóa đọc” đã được Thư viện Quốc gia Hà Nội đề xướng và nhận được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, văn hóa đọc đương đại cần thiết phải thoát ra khỏi nhận thức văn hóa đọc theo kiểu phong trào vốn đã cũ từ bao nhiêu năm trước, đặc biệt là từ khi có truyền thông đa phương tiện (theo kiểu đọc sách tập thể, báo tập thể, mẫu chuyện tấm gương tập thể tại các tổ chức Đảng, Hội đoàn, lực lượng vũ trang hiện nay). Dưới góc nhìn về tiếp cận tri thức, lấy ấn phẩm làm trung tâm, thì văn hóa đọc, theo tôi là hệ thống ứng xử của cá nhân và cộng đồng để chuyển hóa những giá trị tri thức, giá trị thẩm mỹ và giá trị cảm xúc từ ấn phẩm văn hóa thành giá trị đời sống. Ứng xử cá nhân đóng vai trò chính trong chuyển hóa giá trị đọc thành thực tiễn cuộc sống. Ứng xử cộng đồng có vai trò thúc đẩy trong trường hợp cần thiết. Như vậy, theo tôi, cần nhìn văn hóa đọc từ sản phẩm cuối cùng của nó là giá trị cuộc sống, còn “ứng xử đọc” và “chuẩn mực đọc” như đã nói ở trên chỉ là một phần trong kỹ năng đọc mà thôi.
Như vậy, văn hóa đọc bao gồm ứng xử đạt chuẩn văn hóa với nguồn lực của văn hóa đọc (sách, tài liệu, tác phẩm nghệ thuật và các loại hình xuất bản), bao gồm:
Một là, Lựa chọn đối tượng đọc chuẩn mực để đảm bảo chuẩn mực cho văn hóa đọc:
+ Lựa chọn thể tài đúng chuẩn mực văn hóa để không bị kéo lùi khỏi cuộc sống đương đại
+ Lựa chọn đúng chuẩn mực để không làm tổn thương tâm lý khi tiếp cận nguồn lực
+ Lựa chọn đúng chuẩn mực để luôn kích hoạt sự thăng hoa của sở thích đọc
+ Lựa chọn đúng chuẩn mực để bổ sung nhưng giá trị cuộc sống được chuyển tải từ nguồn lực văn hóa đọc.
+ Lựa chọn đúng chuẩn mực để đối tượng của văn hóa đọc trở thành một người bạn không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.
Hai là, Kỹ năng đọc đạt hiệu quả và chuẩn mực văn hóa.
+ Thoát ra khỏi lối đọc thông tin, nếu không có thời gian dành cho việc đọc thì dứt khoát không đọc để chống lối đọc thông tin.
+ Rèn luyện thói quen đọc song song giữa đọc cảm thụ và đọc cảm xúc. Theo đó, người đọc nhập thân vào nội dung của đối tượng đọc như chính mình là người trong cuộc.
+ Đọc so sánh là đọc và cảm nhận nó với hình mẫu cuộc sống và thực tại cuộc sống
+ Đọc phán xét là đọc cảm nhận cái hay dở, đúng sai, tiếp nhận hoặc không tiếp nhận
+ Đọc tích lũy và chắt lọc tinh hoa từ văn hóa đọc để làm dày thêm văn hóa của mình.
Những kỹ năng này không tồn tại độc lập và không phải tạo lập gượng ép, nó sẽ hình thành dần trong thói quen đọc và tự nó sẽ trở thành giá trị đọc trong văn hóa đọc của mỗi cá nhân.
2. Nghĩ về con đường lan tỏa văn hóa đọc
Hình thành văn hóa đọc của mỗi cá nhân và cộng đồng đã là một điều rất khó, nhưng để văn hóa đọc lan tỏa trong xã hội đương đại lại càng khó hơn nhiều. Vì thế, cần một hành động có tính cộng đồng với những điều kiện sau đây:
- Cần sự tôn trong nguồn lực cho phát triển văn hóa đọc bằng việc đồng bộ hóa hệ thống thiết chế cho văn hóa đọc: đó là các loại hình phục vụ người đọc. Không thể nào cổ súy cho một giá trị văn hóa đọc đúng nghĩa khi mà một tỉnh thành cấp này, cấp kia lại không thể có một Nhà xuất bản đúng nghĩa.
Một cấp hành chính trực thuộc Trung ương có những đặc thù về chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng không được phép xuất bản bất cứ một ấn phẩm nào (kể cả ấn phẩm truyền thống trên giấy và ấn phẩm điện tử). Mọi giá trị sáng tạo đều phải đi ra ngoại tỉnh để được một nhà xuất bản nào đó cấp phép một cách dễ dãi. Gần đây, nhiều ấn phẩm có nội dung bộc lộ nhiều sai sót trầm trọng về lịch sử - văn hóa được nhưng nhà xuất bản không đủ khả năng kiểm soát văn hóa cấp phép.
Không thể có một văn hóa đọc đúng nghĩa văn hóa khi mà một thành phố trung tâm lại không có một nhà sách đúng nghĩa. Làm thế nào để có một nhà sách theo nghĩa kinh tế là công việc của nhà kinh doanh xuất bản phẩm, nhưng làm thể nào để có một nhà sách phục vụ văn hóa đọc lại là trách nhiệm của hệ thống chính trị.
Không thể phát triển văn hóa đọc đúng nghĩa khi mà hệ thống thư viện đang tồn tại như một “Thư khố”, chỉ là nơi chứa sách mà không có lấy bất cứ một không gian văn hóa và trang bị kỹ thuật để chuyển hóa từ tri thức tiếp thu thành tri thức cảm nhận.
Nghĩa là, cần hệ thống thiết chế cho văn hóa đọc được cải thiện đúng nghĩa.
Coi thường nguồn lực quan trọng nhất của văn hóa đọc thì sẽ không bao giờ có văn hóa đọc.
- Cần tạo lập không gian văn hóa đọc không phải chỉ ở những thiết chế xây dựng ra để đọc mà trong mỗi tế bào xã hội, mỗi gia đình. Muốn như vậy phải kích hoạt các mẫu hình văn hóa đọc bằng những sinh hoạt văn hóa như các chương trình giới thiệu ấn phẩm trên các phương tiện truyền thông, các hội thảo về sách, các tiếp xúc với tác giả thông qua các wordshop, các gặp gỡ, trao đổi.
Nhiều địa phương và tổ chức chính trị - xã hội hầu như chưa từng diễn ra không giám tổ chức một buổi nói chuyện nào của các học giả, chưa có một tiếp xúc có tính cộng đồng nào giữa những nhà hoạt động xã hội và công chúng. Nhiều vùng miền đa sắc thái văn hóa nhưng ngoài vài ba hội thảo để kỷ niệm sự kiện, gần như không có hội thảo chuyên đề nào. Tình trạng đó tạo nên sức ỳ tâm lý có hại đến văn hóa đọc.
- Cần đột phá văn hóa đọc tại những điểm có nhu cầu đọc tần suất lớn, từ đó lan tỏa văn hóa đọc với đa dạng tri thức, thay dần lối đọc kiểu áp đặt đang được thực hiện rộng rãi ở các tổ chức chính trị, xã hội.
Văn hóa đọc cũng như tất cả các loại loại hình văn hóa khác đều có đặc thù là không phải ngày một, ngày hai mà có, cần một quá trình xây dựng bền bỉ và lâu dài, đúng chuẩn mực. Sự nóng vội và duy ý chí không là bạn đồng hành với văn hóa mà chỉ làm tổn thương văn hóa. Hy vọng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, văn hóa đọc sẽ được khơi dậy và phát triển ở vùng đất giàu bản sắc văn hóa này. Văn hóa đọc sẽ được tiếp nối với truyền thống trọng thư, bởi:
“Vạn ban giai hạ phẩn
Duy hữu đọc thư cao”.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528711
292
2275
2984
215407
0
114528711