Đất và người xứ Nghệ

Một nhà hai anh em là đại biểu Quốc hội khóa I

Đó là Tôn Quang Phiệt và Tôn Thị Quế. Người anh hoạt động yêu nước từ năm 1925, là sáng lập viên Việt Nam nghĩa đoàn, Hội Phục Việt/Hội Hưng Nam/Tân Việt đảng, là thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người em theo bước chân anh cũng đã tham gia Hội Hưng Nam/Tân Việt đảng rồi gia nhập Đảng Cộng sản từ những ngày đầu tiên. Họ là những đảng viên cộng sản kiên trung, chịu đựng tù đày, đi suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng. Năm 1946, cả hai anh em đều ứng cử và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I ở tỉnh nhà Nghệ An.

Truyền thống gia đình

Tôn Quang Phiệt (1900 - 1973) và Tôn Thị Quế (1902 - 1992) được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ Tôn ở làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An, gốc ở làng Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), có truyền thống nho học lâu đời. Ông nội là Tôn Đức Tiến (1794 - 1877), hiệu Lỗ Xuyên, ba lần đỗ tú tài (tú mền), có 5 con trai thì 4 người đậu cử nhân, 1 người đỗ tú tài.Cụ làm nghề dạy học, có hai học trò đỗ tiến sĩ là Phan Sỹ Thực và Nguyễn Tài Tuyển. Thân phụ của anh em Tôn Quang Phiệt là cụ Tôn Thúc Định (1870 - 1926) [có tên là Tôn Huy Định do cách đặt tên của dòng họ], đậu tú tài khoa Canh Tý (1900), ở nhà làm nghề dạy học.

Dòng họ Tôn (Võ Liệt) rất coi trọng truyền thống gia phong, gia đạo. Cụ Lỗ Xuyên dạy con cháu: “Họ Tôn là một dòng họ có lối sống thuần phác, đạo đức, nên phải coi việc giữ gia phong đạo lý của mình như ăn cơm bữa hàng ngày. Đời sau sinh con phải lấy việc nhân đức làm đầu. Trong cuộc sống, nên thật thà, liêm khiết và giản dị. Những người trong dòng họ khi đang làm việc nước đến khi về hưu nên làm một trong hai nghề: một là làm thầy thuốc để cứu người; hai là làm nghề giáo để dạy chữ cho người (Hồi ký Tôn Quang Phiệt).

Không chỉ có truyền thống hiếu học, khoa bảng mà họ Tôn còn có truyền thống yêu nước. Trong phong trào Cần Vương, hậu duệ của cụ Tôn Đức Tiến có Tôn Quang Bốn, Tôn Quang Điếng, Tôn Quang Huống từng chiêu mộ nghĩa quân, sắm sửa giáo mác chiến đấu dưới ngọn cờ của Đinh Văn Chất và Phan Đình Phùng.

Được sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình có những truyền thống tốt đẹp đó, các anh em Tôn Quang Phiệt đã không những được học hành tử tế mà còn được giáo dục lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, dám đứng lên làm cách mạng để cứu dân, cứu nước.

Tôn Quang Phiệt - Chính khách, học giả

Hồi nhỏ ông học chữ Hán với cha. Năm 12 tuổi được đi xem thi hương. Năm 15 tuổi, ông đi thi hạch và học ở trường Đốc học Vinh, học chữ Pháp ở huyện và ở Vinh. Năm 1920 vào học Trường Quốc học Vinh. Năm 1923, ông ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1925, ông cùng Đặng Thai Mai, Phạm Thiều... sáng lập tổ chức Việt Nam nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu.

Ngày 14 tháng 7 năm 1925, Tôn Quang Phiệt đã cùng Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Trần Đình Thanh, Trần Phú, Ngô Đức Diễn nhóm họp tại rú Con Mèo (Bến Thủy - Vinh) chính thức thành lập Hội Phục Việt; Tôn Quang Phiệt là hội trưởng.

Sau khi tổ chức vận động đòi thả Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh (3.1926), để tránh bị lộ, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam. Tiếp đó, để chuẩn bị cho việc sáp nhập với hội Thanh Niên, đầu năm 1927, Hội lại đổi tên thành Việt Nam Cách Mạng Đảng; Giữa năm 1927, lại đổi tênthành Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội. Sau đó, ngày 14.7.1928, Việt Nam Cách Mạng Đảng Đồng Chí Hội đại hội tại Huế và đổi tên thành Tân Việt Cách Mạng Đảng (Đảng Tân Việt). Do sự phân hóa trong nội bộ, tháng 9.1929, phái tả của Tân Việt đã ra tuyên cáo giải tán Đảng Tân Việt và thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn.

Tháng 6 năm 1926, khi cùng Trần PhúVương Thúc Oánh…do Lê Duy Điếm dẫn đường sang Trung Quốc gặp các nhân vật trong Việt Nam Cách mạng đảng thì Tôn Quang Phiệt bị Pháp bắt ở Móng Cái, sau đó bị đem về giam tại Hà Nội. Sau một thời gian, ông được trả tự do, tiếp tục bí mật hoạt động và dạy tại trường tư thục Thăng Long.

Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng lại bị bắt và bị kết án tù 7 năm, đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1934, ra tù, ông dạy học ở Vinh một thời gian rồi vào Huế xin mở trường tư thục Thuận Hóa và bắt liên lạc với phong trào cách mạng. Từ 1936-1945, ông tham gia vào Mặt trận Dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và sau đó hoạt động trong Thành bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương (mật danh Thừa Thiên Huế).

Sau Cách mạng tháng 8/1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạngỦy ban Kháng chiến đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1946, ông ứng cử ở Nghệ An và trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I. Kì họp thứ I (02/3/1946) ông được bầu vào Ủy ban dự thảo Hiến pháp; Kì họp thứ II (28/10 - 9/11/1946), ông được bầu làm Phó ban Thường trực Quốc hội và Phó ban Thường vụ Quốc hội, là Trưởng Tiểu ban Pháp chế Quốc hội.

Tôn Quang Phiệt tiếp tục được bầu là Đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV; là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III, IV.

Ông còn là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Nhân dân Á - Phi của Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt - Xô.

Tôn Quang Phiệt không chỉ là chính khách nổi tiếng mà còn là một nhà nghiên cứu văn học, sử học, là nhà văn có nhiều thành tựu. Từ năm 1953, ông là thành viên ban lãnh đạo của Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa trực thuộc Trung ương Đảng.

Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: Phan Bội Châu và một giai đoạn lịch sử chống Pháp của Nhân dân Việt Nam; Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám: Qua một số tài liệu và truyền thuyết; Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh; Thơ văn chữ Hán của Phan Bội Châu. Về thơ văn có: Thanh khí tương cầu (thơ); Khách không nhà (truyện thơ); Bẻ nạng chống trờiDuyên nợ bên hồMột ngày ngàn thu (tiểu phẩm). Về dịch thuật có: Phan Bội Châu niên biểu (dịch cùng Phạm Trọng Điền); Việt Nam nghĩa liệt sư (của Phan Bội Châu).

Tôn Thị Quế: Một đời với cách mạng

Bà là em gái Tôn Quang Phiệt. Thuở nhỏ bà còn có tên là Tôn Thị Em, sinh ngày 10-8-1902 (theo hồ sơ mật thám Pháp, bà sinh 1906). Tôn Thị Quế là bí danh từ ngày trở thành đảng viên Đảng Cộng sản (1930).  Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống học hành và yêu nước, được học chữ quốc ngữ, lại được tiếp xúc với nhiều bạn bè của cha và anh nên bà sớm có tinh thần yêu nước và có ý chí hoạt động cách mạng.

Đầu năm1926, được sự dẫn dắt của anh, Tôn Thị Quế gia nhập Hội Hưng Nam, sau lại được kết nạp vào Đảng Tân Việt (7/1928). Nhiệm vụ của bà là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng Nhân dân tham gia, ủng hộ và gia nhập Đảng.

Đầu năm 1929, bà được bầu vào Ban Chấp hành Đảng Tân Việt huyện bộ Thanh Chương. Nhưng chồng con bà không may bị chết.  Lúc này, Tôn Quang Phiệt là lãnh đạo của Tổng bộ Tân Việt Bắc Kỳ, vừa học xong chương trình của trường Cao Đẳng Sư phạm Đông Dương nhưng cáo ốm không thi để dành thời gian và tâm huyết cho hoạt động cách mạng. Để cả hai anh em có điều kiện hoạt động, Tổng bộ Đảng Tân Việt bố trí Tôn Thị Quế ra Hà Nội giúp việc cho Kỳ bộ Đảng Tân Việt ở Bắc Kỳ. 

Tôn Thị Quế ra Hà Nội được một thời gian thì Kỳ bộ Đảng Tân Việt Bắc Kỳ bị khủng bố. Hai anh em về Vinh thì Tôn Quang Phiệt bị bắt. Tôn Thị Quế tìm cách bắt liên lạc với tổ chức. Lúc này, Đảng Tân Việt đã chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và Đông Dương Cộng sản Đảng đang xây dựng tổ chức ở Nghệ An. Sau khi hợp nhất ba tổ chức cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Tôn Thị Quế đã trở thành đảng viên của Đảng.

Trong Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), bà tham gia lãnh đạo phong trào ở xã Võ Liệt, các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Yên Thành…

Cuối tháng 11-1931, Tôn Thị Quế được bổ sung vào BCH Tỉnh uỷ Nghệ An phụ trách tuyên truyền và huấn luyện.

Ngày 4- 4 -1932, bà bị bắt ở Nam Đàn và bị giam ở Nhà lao Vinh, bị kết án 20 năm; năm 1941 chuyển vào Nhà lao Nha Trang.

Tháng 4- 1945, bà được trả tự do, bà trở về Nghệ An tiếp tục hoạt động. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, Tôn Thị Quế ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I tại Nghệ An.

Từ năm 1946, bà là Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Liên khu IV. Năm 1960, bà làỦy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tiếp tục được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa II (1960-1964) và được cử tham gia lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Hành trình yêu nước và cách mạng của anh em Tôn Quang Phiệt, Tôn Thị Quế từ Việt Nam nghĩa đoàn, Hội Hưng Nam đến Đảng Cộng sản là một quá trình nhận thức và chuyển hóa tư tưởng cách mạng. Nền tảng cho sự nghiệp đó chính là lòng yêu nước và tri thức được khởi đầu từ truyền thống gia đình và quê hương. Đặc biệt, ở Tôn Quang Phiệt hành trình cách mạng còn gắn liền với hành trình văn hóa, bổ sung, nâng đỡ cho nhau để ông trở thành một trí thức lớn, một chính khách tầm cỡ.

Một nhà hai anh em, hai nhà cách mạng, hai đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và cùng trúng cử ở tỉnh nhà là điều hiếm, chưa từng có và rất đáng tự hào của Nghệ An./.

(Bài đăng trên Văn hoá - Thể thao Nghệ An, số 05, năm 2022)

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441367

Hôm nay

284

Hôm qua

2283

Tuần này

21271

Tháng này

216541

Tháng qua

112676

Tất cả

114441367