Người xứ Nghệ

Nguyễn Tài Cẩn, nhà học giả “bất yếm, bất quyện”

Ông là người Việt đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ ngôn ngữ học tại Nga, và là nhà ngôn ngữ học đầu tiên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sinh năm Bính Dần - 1926, GS Nguyễn Tài Cẩn hiện đang ở tuổi 84. Quê ở Thanh Chương, Nghệ An, ngay từ thời trẻ, ông đã gắn bó với nghề dạy học.

Năm 2000, ông được Nhà nước ta tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Vào dịp ấy, Đại học Quốc gia Hà Nội tặng ông một chiếc đĩa sứ lớn phủ men trắng, trên mặt có in bốn chữ Hán viết tay bằng men lam: Bất yếm, bất quyện (rút ngắn lời Khổng Tử trong Luận Ngữ: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” - học không biết chán, dạy người không biết mỏi). Thật quá đúng tính cách thầy Cẩn!
Sau khi về hưu, ông sang sống tại Moskva, LB Nga, cùng vợ, nữ giáo sư người Nga Nona Stankyevich. Cư trú trên đất Nga để được các con chăm sóc, nhưng cả hai ông bà vẫn mải mê nghiên cứu tiếng Việt như những năm nào còn làm việc tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Xuân Bính Tuất - 2006, gặp lại ông tại Hà Nội, tôi được ông tặng cuốn sách dày 645 trang khổ nhỡ, cuốn Tư liệu Truyện Kiều: từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Và rồi, sau đó, qua thư điện tử từ Moskva, tôi liên tiếp nhận được nhiều bài nghiên cứu mới của ông, khám phá dấu vết kỵ huý thời Lê - Trịnh trong các bản Kiều Nôm cổ, chứng tỏ Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều sớm hơn thời điểm mà nhiều nhà “Kiều học” trước đây vẫn tưởng.

Đối với mình - ông tâm sự - tìm tòi cái mới là lẽ sống, là niềm vui suốt đời.

Tết Kỷ Sửu - 2009, trong những ngày ông trở về Hà Nội, tôi lại có dịp gặp ông và được ông tặng mấy cuốn sách mới in.

Xuân Canh Dần - 2010, qua Internet, tôi nhận được bản thảo một công trình nghiên cứu mới của ông, khám phá sự ra đời của chữ Nôm qua bản dịch kinh Phật vào thế kỷ thứ 10, đời nhà Lý, vài trăm năm trước các truyền thuyết về Hàn Thuyên, Chu Văn An...

Đổi mới nhận thức của giới Việt ngữ học

Trên số báo Lao Động ngày 8/9/2000, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Cao Xuân Hạo đã nhận xét về cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng, từ ghép, đoản ngữ) của Nguyễn Tài Cẩn (viết xong năm 1960 tại Leningrad, được xuất bản tại Hà Nội năm 1975):

“Cách đây 40 năm, bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã đem từ Liên Xô về lý thuyết âm tiết - hình vị. một lý thuyết có thể giải quyết những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, từ đó vạch ra con đường khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung” (coi châu Âu là trung tâm - europeocentrism). Tiếc rằng hồi đó không ai hiểu ông.”

Phải nói rằng, cho đến những năm 1960 - và đến cả hôm nay - không ít người viết sách ngữ pháp tiếng Việt không xuất phát từ văn, thơ và câu nói tự nhiên của người Việt để phân tích, khái quát, tìm ra quy tắc ngữ pháp. Trái lại, họ đơn giản đem bộ khung ngữ pháp tiếng nước ngoài - chủ yếu là tiếng các nước châu Âu - “đóng đinh bắt vít” vào tiếng Việt, rồi “phán” rằng câu nói hồn nhiên của các em học sinh “chiếc lá này xanh” cần phải chữa lại thành “chiếc lá này là xanh” cho đúng với cách viết “cette feuille est verte” trong tiếng Pháp, hoặc “this leaf is green” trong tiếng Anh!

Cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Tài Cẩn mở ra hướng mới cho việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập, khác với các thứ tiếng châu Âu.

Soi rọi ngọn nguồn của cách đọc Hán - Việt

Một công trình khác của Nguyễn Tài Cẩn gây tiếng vang trong giới ngôn ngữ học Việt Nam và nước ngoài là cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt in năm 1979.

Ngày nay, một học sinh trung học đọc bài thơ Nam quốc sơn hà (tương truyền là của Lý Thường Kiệt) vẫn có thể hiểu ý nghĩa dù chưa được học chữ Hán. Giả sử bài thơ ấy được đọc theo âm phổ thông của tiếng Trung Quốc, thì chắc chắn em học sinh kia chẳng hiểu tý gì! Công lao to lớn của cách đọc Hán - Việt chính là chỗ đó.
Nhờ cách đọc này, tiếng Việt có thêm một lớp từ mà mức độ phong phú coi như vô tận, bởi vì trong mấy thập niên gần đây, cũng như từ nay về sau, khi cần thiết, chúng ta vẫn có thể mượn thêm những từ Hán mới mà không phá vỡ cấu trúc nội tại của tiếng Việt.
GS Hoàng Xuân Hãn đã làm phong phú thêm tiếng Việt bằng cách mượn rất nhiều thuật ngữ khoa học trong tiếng Hán nhưng đọc theo cách đọc Hán - Việt: định lý, định luật, đẳng thức, phương trình, nguyên tử, lượng tử...
Nhưng hai câu hỏi lớn được đặt ra: Cách đọc Hán - Việt xuất hiện từ bao giờ? Và đã biến đổi ra sao qua bao thế kỷ? Để trả lời cặn kẽ hai câu hỏi ấy, Nguyễn Tài Cẩn đã phải viết cả một cuốn sách dày 400 trang khổ nhỡ.

Không chỉ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và Trung Quốc, mà cả giới Đông phương học quốc tế cũng chú ý đến cách đọc Hán - Việt, bởi vì muốn nghiên cứu tiếng Hán trung đại, nghiên cứu cách đọc chữ Hán ở Nhật Bản theo Go-On (Ngô âm) hay theo Kan-On (Hán âm) hay cách đọc chữ Hán ở Triều Tiên theo cách đọc Hán - Triều , đều rất cần sự so sánh, viện dẫn cách đọc Hán - Việt, từ đó lắm khi có thể rút ra những kiến giải bất ngờ, lý thú.
Cách đọc Hán - Việt hiện nay chính là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời nhà Đường ở kinh đô Trường An, từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán được dạy lần cuối cùng ở Giao Châu trước khi Việt Nam giành được độc lập vào thế kỷ 10.
Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20, cách đọc Hán - Việt phát triển theo quỹ đạo phát triển của tiếng Việt, không còn lệ thuộc vào những gì biến đổi trong ngữ âm tiếng Hán ở bên kia biên giới. Lớp từ Hán - Việt ngày càng lọt sâu vào kho từ vựng tiếng Việt, những nét xa lạ về mặt ngữ âm mất dần, và rồi trở thành một bộ phận khăng khít, chứ không phải được “cấy ghép” vào hệ thống Việt ngữ.

Trên đây là những kết luận khái quát. Tất nhiên, trước khi đi đến những kết luận ấy, Nguyễn Tài Cẩn đã phải bỏ ra biết bao công sức. Chẳng hạn, nói rằng cách đọc Hán - Việt hiện nay chính là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời nhà Đường, vậy thì vào đời nhà Đường, người Trung Quốc ở kinh đô Trường An đọc chữ Hán ra sao? Tiếng Hán thời ấy có những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Nếu dùng lối phiên âm quốc tế hiện nay để ghi lại, thì cụ thể ra sao?

Và nữa: Cách đọc chữ Hán của người Việt hồi thế kỷ 8 - 9 ra sao? Gồm những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20, cách đọc Hán - Việt đã thay đổi ra sao? Để trả lời những câu hỏi đó, phải sử dụng những phương pháp hiện đại của ngữ âm học lịch sử.

Đọc hàng vạn trang sách của các nhà Đông phương học bằng các thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, v.v. về vấn đề liên quan, đưa ra thêm những luận cứ mới, những kiến giải riêng, Nguyễn Tài Cẩn đã soi rọi đến tận ngọn nguồn cách đọc Hán - Việt, một cách đọc giúp người Việt Nam dễ dàng tiếp nhận tinh hoa văn hoá Hán - nền văn hoá lớn nhất phương Đông - mà không bị “Hán hoá”.

GS A. G. Haudricourt, một bậc thầy trong ngành ngôn ngữ học thế giới, đánh giá cao công trình của Nguyễn Tài Cẩn, và giao cho người học trò của mình là nữ tiến sĩ Barbara Niedeer dịch ra tiếng Pháp, để phổ biến rộng hơn trên thế giới.

Nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt và Truyện Kiều

Cuốn Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của Nguyễn Tài Cẩn in năm 1995 cũng là một công trình nghiên cứu 350 trang trình bày một cách sáng tỏ lai nguyên của hệ thống phụ âm đầu, hệ thống vần đệm w và hệ thống thanh điệu tiếng Việt từ 4.000 năm trước cho đến tận ngày nay.
Để viết cuốn sách này, Nguyễn Tài Cẩn đã phải tham khảo hàng trăm công trình nghiên cứu tiếng Việt, tiếng Mường và những ngôn ngữ bà con gần xa như Nguồn, Pọng, Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, Arem, Thà Vựng, Pakatan, Phon Soung, Khạ Phọng... Riêng tiếng Mường, thì cũng không phải đồng nhất, mà theo sơ bộ điều tra, có tới 29 thổ ngữ, xếp thành 9 nhóm, ở rải rác tại các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ!

Ngoài ba công trình của ông mà giới ngôn ngữ học nước ta đề nghị Nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn còn công bố nhiều bài báo và sách chuyên khảo có giá trị cao như các cuốn: Một số vấn đề về chữ Nôm (1982), Ảnh hưởng Hán văn Lý - Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn (1998), Tư liệu Truyện Kiều: từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (2004)...

Tác giả đã khảo sát cặn kẽ, chi li 9 bản Kiều ở thế kỷ 19, gồm 7 bản Nôm là Duy Minh Thị (1872, 1879), Liễu Văn Đường (1871), Quan Văn Đường (1879), Thịnh Mỹ Đường (1879), Lâm Noạ Phu (1870), Kiều Oánh Mậu (biên tập cuối thế kỷ 19, xuất bản năm 1902); 1 bản nửa Nôm nửa Quốc ngữ của Abel des Michels (1884); và 1 bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký (1875).
Công phu bỏ ra thật không kể xiết! Điều tra về 9 bản Kiều cổ tức là phải khảo sát 29.000 câu thơ với khoảng 205.000 chữ, hầu hết là chữ Nôm viết tay, in mộc bản hàng trăm năm trước, nay chữ mờ, khó đọc, lại thêm có nhiều tự dạng Nôm cổ khó “giải mã”.

Khảo sát kỹ lưỡng một số văn bản Kiều Nôm cổ, Nguyễn Tài Cẩn phát hiện vết tích kỵ huý thời Lê - Trịnh. Điều đó chứng tỏ Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vào thời kỳ Tây Sơn, trong “mười năm gió bụi”, chứ không phải sau khi đi sứ Trung Quốc trở về.

GS Nguyễn Tài Cẩn thường được mời đến giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn ở Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản...

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521641

Hôm nay

270

Hôm qua

2345

Tuần này

2415

Tháng này

219580

Tháng qua

121009

Tất cả

114521641