Đất Nghệ

Lịch trình các đoàn đại biểu của Đảng bộ Nghệ An đi dự các Đại hội Đảng toàn quốc

Khoảng từ 1924-1925, Nghệ Tĩnh là nơi các nhà yêu nước đã có ý thức tìm kiếm một con  đường hoạt động cách mạng sao cho có hiệu quả. Họ biết cụ Phan Bội Châu cũng đã thay đổi từng bước đi.

Từ chỗ lập Kỳ ngoại hầu Cường Để làm hội trưởng hội Duy Tân rồi từ 1913, cụ lại chủ trương theo bước cách mạng Tân Hợi Trung Hoa, lập ra hội Việt Nam Quang phục (khoảng tháng 3-1913), mưu đồ thành lập Cộng hoà dân quốc cho đến chỗ tìm kiếm các chính khách Nga ở Bắc Kinh (1920) để hướng thanh niên Việt Nam đi theo con đường cách mạng mới. Sau đó thủ tiêu hội Việt Nam Quang phục, lập ra Việt Nam Quốc dân đảng (khoảng tháng 8-1924). Họ có nghe sự vang dội về tiếng bom và sự hy sinh của Phạm Hồng Thái (19- 6-1924) tại Quảng Châu mà liệt sĩ là người của Tâm tâm xã và cũng biết trong tổ chức đó có đông người Nghệ - Tĩnh: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng... Quan trọng hơn, họ được biết từ cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đã về đến Quảng Châu trước khi biết cụ Phan Bội Châu đã bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải (18- 6-1925).

 Đó cũng là khi giai cấp công nhân Vinh- Bến Thuỷ đã trưởng thành, đội ngũ trí thức ở đây cũng đã có tinh thần giác ngộ cao, phong trào yêu nước trên đất Nghệ - Tĩnh đòi hỏi phải có một tổ chức cách mạng mới, mong đừng lặp lại những điều bất cập trước kia để tiến kịp với trào lưu chung. Ngày 14-7-1925, tại Vinh, Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, Phan Kiêm Huy,Trần Phú, Hà Huy Tập... thành lập Hội Phục Việt rồi cử Lê Duy Điếm đi bắt liên lạc với các nhà hoạt động ở nước ngoài để nhằm đạt được mục đích đó. Sau một quá trình qua Xiêm rồi sang Trung Quốc, Lê Duy Điếm đã tạo được mối dây liên lạc giữa hội Phục Việt với hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí là đoàn thể do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc cải tổ từ Tâm tâm xã mà thành. Từ đó, khoảng 1926-1929, trên đất Nghệ - Tĩnh tuy đã tồn tại hai tổ chức:Thanh Niên là lực lượng nòng cốt lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929) và Tân Việt (do Phục Việt đổi thành, có chịu ảnh hưởng của Thanh Niên) lập ra Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1-1930) nhưng cả hai cùng hoạt động vì một mục đích chung là đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Còn Nam Kỳ thì có An Nam Cộng sản Đảng. Nhờ đó, đến ngày 3-2-1930 có Hội nghị thống nhất Đảng, đưa cách mạng Việt Nam tiến lên một bước ngoặt mới.
 Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 1960 đến 1976 là Đảng Lao động Việt Nam) đã trải qua 10 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc. Và nay, ta đang đứng trước thềm Đại hội lần thứ XI. Trong các sự kiện lịch sử trọng đại của Đảng, của Đất nước và Dân tộc ấy, các đoàn đại biểu đại diện cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An lần lượt đến với các lần Đại hội Đảng toàn quốc đã có phần đóng góp rất xứng đáng của mình:
Tại Hội nghị thống nhất Đảng (3-2-1930,được coi như Đại hội thành lập Đảng), Đông Dương Cộng sản liên đoàn vì bị địch o ép nên mở Đại hội tuyên bố thành lập muộn (tại Đức Thọ, 1-1930) và khi Đại hội đó kết thúc thì hầu hết các thành viên dự họp bị địch bắt nên tổ chức này chỉ gửi điện báo cáo chứ không kịp có đại biểu tại Hội nghị thống nhất (Hương Cảng). Về các đại biểu là người Nghệ An tại Hội nghị này, ngoài lãnh tụ Nguyễn ái Quốc đại diện cho Quốc tế Cộng sản và giữ cương vị chủ trì, Nghệ An có hai đại biểu cùng là thành viên của Quốc tế cộng sản lo chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị. Đó là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn.
Khi họp trù bị nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương, có ý kiến đề nghị Đồng chí Nguyễn ái Quốc vào Ban Chấp hành để chỉ đạo sát sao mọi công việc cho Đảng trong bước đầu. Nhưng Đồng chí từ chối vì còn bận trách nhiệm trước Quốc tế Cộng sản nên chưa thể về nước. Cũng vì lý do chưa thể về nước ngay được nên các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn không dự bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lúc này. Hội nghị Thống nhất Đảng bầu Trịnh Đình Cửu làm Tổng Bí thư lâm thời, đến 10-1930 là Trần Phú.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I (Đại Hội I): Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) là một sự kiện lịch sử cách mạng hiển hách chưa từng có ở các nước thuộc địa. Đế quốc Pháp thực hiện một cuộc khủng bố trắng, mưu dìm phong trào trong biển máu nhưng rồi chính từ đây các cơ sở của Đảng lại sớm được hồi phục. Các đảng viên nòng cốt từ đây sớm liên lạc được với Ban hoạt động hải ngoại của Đảng do Lê Hồng Phong phụ trách. Nhờ đó, Đại hội I của Đảng được triệu tập tại Ma Cao (Trung Quốc),3-1935. Tại Đại hội này, Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; một thời gian sau, Hà Huy Tập thay, tiếp đến là Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh...
Đại hội II: Họp từ ngày 11 đến ngày 19- 2- 1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, có 158 đại biểu tham dự. Đại hội quyết định đẩy mạnh cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và quyết định đưa Đảng ta ra hoạt động công khai. Đại hội bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Đoàn đại biểu của Đảng bộ Nghệ An dự Đại hội này do Minh Châu (Bí thư Tỉnh ủy) dẫn đầu. 
Đại hội III: Họp tại Hà Nội (từ đây, tất cả các Đại hội toàn quốc của Đảng đều họp tại Thủ đô Hà Nội) từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, có 500 đại biểu tham dự. Đại hội vạch ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
 Đoàn đại biểu Nghệ An tham dự Đại hội III do Võ Thúc Đồng (Bí thư Tỉnh uỷ) dẫn đầu. Đoàn đã mang đến Đại hội Đảng toàn quốc những thành tích vừa đạt được của tỉnh nhà. Nổi bật nhất có việc xây dựng được 670 hợp tác xã nông nghiệp gồm 18.556 hộ, trong đó có 12 hợp tác đạt tiêu chuẩn bậc cao. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần này, Võ Thúc Đồng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Đại hội IV: Họp từ 14 đến 20-12-1976, gồm 1.000 đại biểu trong cả nước tham dự, là Đại hội tổng kết thắng lợi sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất nước nhà và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tổng Bí thư của Đảng: Lê Duẩn.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ Tĩnh tham gia Đại hội do Nguyễn Sĩ Quế (Bí thư Tỉnh ủy) dẫn đầu. Đoàn mang đến Đại hội những thành tích mới của tỉnh trong đó có việc khởi công công Công trình Đại thuỷ nông Kẻ Gỗ và công tác di dân khai hoang, phát triển kinh tế. Tại Đại hội này, Trương Kiện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội V: Họp từ ngày 27-2 đến ngày 3-3-1982, quyết định những vấn đề lớn về phát triển kinh tế, trong đó coi nông nghiệp là Mặt trận hàng đầu. Tổng Bí thư: Lê Duẩn và sau đó là Trường Chinh (7/1986 - 12/1986).
Đoàn đại biểu Đảng bộ Nghệ An đi dự Đại hội lần này do Nguyễn Kỳ Cẩm (Bí thư Tỉnh uỷ) dẫn đầu. Đoàn đại biểu của tỉnh đã mang tới Đại hội Đảng toàn quốc thành tich là các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đức Thọ, Can Lộc, Hưng Nguyên Đô Lương đạt năng suất lúa bình quân 5 tấn/ha, đưa tổng sản lượng lúa năm 1981 lên 72,2 vạn tấn (cao nhất kể từ 1976). Nguyễn Kỳ Cẩm được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội VI: Họp từ 15 đến 18- 12-1986. Đại hội quyết định đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư của Đảng: Nguyễn Văn Linh.
Đoàn đại biểu của Đảng bộ Nghệ An tham dự Đại hội do Nguyễn Bá (Bí thư Tỉnh ủy) dẫn đầu. Đoàn mang đến Đại hội quyết tâm của tỉnh trong những năm tới là sẽ thực hiện tốt công cuộc đổi mới, đưa sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh đạt từ 950.000 tấn trở lên và đến năm 1990, tổng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương của Nghệ Tĩnh sẽ là 2.800 triệu đồng. Nguyễn Bá được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội VII: Họp từ 24 đến 27-6-1991, là Đại hội tiếp tục đổi mới, quyết định mở cửa và hội nhập quốc tế, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tổng Bí thư của Đảng: Đỗ Mười.
Đoàn đại biểu Nghệ An tham gia Đại hội lần này do Nguyễn Bá (Bí thư Tỉnh uỷ) dẫn đầu. Thành tích mới của tỉnh dâng lên Đại hội là Nghệ An đã đẩy mạnh công tác liên doanh và hợp tác với bên ngoài, tạo ra những sản phẩm mới như: bia, thịt đông lạnh, dệt kim, thuộc da, mì ăn liền. Công nghiệp ngoài quốc doanh đã được khuyến khích. Năm 1990, sản lượng điện trong tỉnh tăng 90.000 KW/giờ. Nguyễn Bá được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội VIII: Họp từ 28-6 đến 1-7-1996, tổng kết mười năm đổi mới và quyết định đường lối đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh. Tổng Bí thư của Đảng: Đỗ Mười và sau đó là Lê Khả Phiêu (từ 12-1997 đến 4- 2001).
Đoàn đại biểu của Đảng bộ Nghệ An tham dự Đại hội do Nguyễn Bá (Bí thư Tỉnh ủy) dẫn đầu. Đoàn mang đến Đại hội Đảng toàn quốc thành quả của mười năm thực hiện đổi mới trên đất Nghệ An. Năm 1995, Nghệ An đạt gần 66,7 vạn tấn lương thực, 24,2 triệu USD hàng xuất khẩu; thu ngân sách trên địa bàn đạt được 291 tỷ đồng, tăng 37% so 1994. Nguyễn Bá được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội IX: Họp từ 19 đến 22- 4-2001 quyết định đẩy mạnh công nghiệp hóa, khoa học hóa, hiện đại hoá toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Đảng: Nông Đức Mạnh.
Đoàn đại biểu Đảng bộ Nghệ An tham dự Đại hội lần này do Trương Đình Tuyển, Bí thư Tỉnh uỷ) dẫn đầu. Đó là lúc Nghệ An đã đạt thêm nhiều thành tích mới: năm 2000, toàn tỉnh đạt 85 vạn tấn lương thực. Nét mới là cũng năm đó, tỉnh đã có 13.000 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, đưa tổng sản lượng đánh bắt lên 29.000 tấn và hàng xuất khẩu về mặt này đạt 4 triệu USD. Năm 1998, Nghệ An đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xoá xong nạn tái mù chữ. Trương Đình Tuyển tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội X: Họp từ 18 đến 25-4-2006 quyết định tăng cường phát triển kinh tế, định ra phương hướng phấn đấu cho kế hoạch kinh tế quốc dân 2006 - 2010. Hội nhập và phát triển. Tổng Bí thư Đảng: Nông Đức Mạnh.
Đoàn đại biểu Đảng bộ Nghệ An tham gia Đại hội do Nguyễn Thế Trung (Bí thư Tỉnh uỷ) dẫn đầu. Thành tích của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An dâng lên Đại hội Trung ương lần này là: Trong 5 năm (2001-2005), tốc độ tăng trưởng của Nghệ An đạt 10,3% do có sự phát triển đồng đều trong nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng nông nghiệp của tỉnh từ 44,3% năm 2000 đến năm 2005 còn 34,2%. Đó cũng là thời kỳ Nghệ An đã thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả các chương trình: Xoá đói giảm nghèo, Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nguyễn Thế Trung được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nay chúng ta đang đứng trước thềm Đại hội XI (sẽ họp vào tháng 1-2011). Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần này sẽ có những quyết sách cực kỳ quan trọng mở ra một bước phát triển, hội nhập mới đưa đất nước sánh vai với các quốc gia phát triển trong khu vực.
Đoàn đại biểu Nghệ An đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần này gồm trên 25 đại biểu, sẽ do Phan Đình Trạc (Bí thư Tỉnh ủy) dẫn đầu. Quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An dâng lên Đại hội XI là: Từ 2011 đến 2015, tỉnh sẽ phấn đấu để có tốc độ tăng trưởng GDP: 11-12%/năm. GDP bình quân đầu người sẽ đạt từ 33 đến 34 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm... (Báo Nghệ An ngày 16-10-2010).


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521443

Hôm nay

2217

Hôm qua

2303

Tuần này

2217

Tháng này

219382

Tháng qua

121009

Tất cả

114521443