Khách mời văn hóa

Hòa nhập về văn hóa là phải tự giác, bình đẳng

VHNA: Đặng Ngọc Thăng không chỉ kinh doanh mà còn làm thơ với bút danh Thạch Cầu(*). Ông là một người quan tâm và am hiểu khá nhiều về văn hóa. Là người Nghệ, sống và làm ăn ở Sài Gòn có nhiều đóng góp với hoạt động của cộng đồng người Nghệ ở TP này và ông luôn để tâm hướng về quê hương. Nhân dịp cuối năm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về chuyện Sài Gòn, về bà con Nghệ trong đó với một cái nhìn từ văn hóa. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Chào ông, được biết ông đã từng học tập,công tác, làm việc ở nước ngoài, từng ở Hà Nội, ở Nghệ An, và rồi vào sinh sống và làm ăn, lập nghiệp ở Sài Gòn. Đi nhiều rồi cuối cùng đậu lại ở đất Sài Gòn từ gần hai chục năm nay. Đến bây giờ, ông đã hiểu về vùng đất phương Nam này như thế nào, nhất là về con người, cuộc sống xã hội?

Để có thể hiểu cho nhiều, cho tường tận, cho sâu sắc về một vùng miền thì là rất khó. Khó với bất cứ ai vì mỗi vùng quê là cả một trầm tích văn hóa có niên đại hàng ngàn năm. Sài Gòn - Gia Định và cả một vùng rộng lớn Đất Việt Phương Nam này cũng vậy. Mang tiếng là trẻ nhưng giới khảo cổ học đã chứng minh ngược lại rằng cũng không là trẻ qua chứng cứ của văn hóa óc Eo. Tôi không học sử, học văn, tôi cũng không phải là nhà khoa học, tôi chỉ xin nói những điều mà mình cảm nhận được thôi. Tôi thấy, Đất Phương Nam, chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh lúa nước, cuộc sống làm ăn, và sau đó là các sinh hoạt văn hóa, phụ thuộc vào mùa nước, con nước. Nông dân làm ăn theo mùa vụ, chuyên nông, có thời gian nông nhàn khá dài trong năm khi con nước lên. Nói nông nhàn nhưng thời gian này họ tìm cách thu nhập bằng nghề đánh bắt thuỷ hải sản trên đồng nước mênh mông. Làm ăn trên cánh đồng bao la bát ngát này tuy phải vất vả, nhất là mùa nước về nhưng không phải là khó sống. Thiên nhiên ưu đãi con người, cưu mang con người. Có lẽ vì vậy, sự tích luỹ, dành dụm không được chú ý chăng? Và từ đây, tính thoáng đạt hình thành chăng?

Người dân phương Nam rất cần cù, chịu thương chịu khó, nhưng ít tính toán và chắt chiu. “Anh Hai” là có lẽ xuất phát từ chỗ này. Họ phóng khoáng, chân chất, nhiệt tâm, nhiệt tình và sòng phẳng, thân thiện và quý trọng khách. Và dĩ nhiên họ cũng muốn người ta đối xử lại với họ như vậy. Họ không chấp chiếm, tính hợp tác và cộng đồng cao. Họ không can dự vào việc của người khác, miễn sao người khác không đụng chạm đến họ.

 Thành phố Sài Gòn đã được những con người như thế tạo lập và gây dựng nên, cộng với tài năng và đoàn kết của cộng đồng người Hoa, rồi có ảnh hưởng sớm, và sâu sắc, của văn hóa phương Tây, cụ thể là văn hóa Pháp, và về sau là văn hóa Mỹ. Tất cả hòa nhập vào nhau trên cái nền tảng văn hóa Việt của người Việt vùng sông nước này, để tạo nên nhân cách, tính cách riêng biệt của người Sài Gòn - Gia Định nói riêng và Nam bộ nói chung. Điều đáng chú ý là: Sự ảnh hưởng của thời kinh tế quan liêu, bao cấp, cách sống “làm chủ tập thể” thực sự ngắn ngủi với Sài Gòn. Bởi vậy mà Sài Gòn luôn năng động, náo nhiệt, làm ra làm, ăn ra ăn, và chơi ra chơi.

Đây thực sự là vùng đất thi thố tài năng và nghị lực, tính kiên nhẫn và cần cù chịu thương chịu khó.

Có mẫu số chung nào không giữa tính cách người Sài Gòn với dân Nghệ Tĩnh?

Đó là tính cần cù, chịu khó, dám đương đầu với mọi hoàn cảnh và điều kiện khách quan như thiên tai, địch họa.

Cộng đồng người Xứ Nghệ làm ăn có hiệu quả vì biết phát huy truyền thống tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau do cha ông để lại. Điều nổi bật là sợ nghèo, sợ nhục nên cứ cố gắng, cứ vươn lên. Và ai ai cũng rất tự hào mình là gốc gác, là con cháu Nghệ - Tĩnh.

Tất nhiên, nói đến con người, đến cách tổ chức xã hội là đã nói đến văn hóa rồi. Thế nhưng, những phương diện khác của văn hóa Sài Gòn, ông có cảm nhận thế nào?

Như đã nói ở trên, nơi đây là chốn thực sự thi thố tài năng và bản lĩnh. Là nơi nhanh nhạy nhất và thích ứng ngay với mọi biến chuyển của thời cuộc.

Sài Gòn, như tôi đã nói, khá đa dạng về văn hóa. Từ cách hàng trăm năm, do những điều kiện lịch sử riêng biệt của mình mà nó luôn tiếp xúc, cọ xát để rồi lựa chọn và tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa từ bên ngoài vào. Bởi vậy mà văn hóa của vùng đất này là văn hoá mở.

ở đây con người chăm chút nhau bằng sự thăm hỏi, quan tâm nhau bởi phép lễ nghĩa. Việc ai người đó làm, nếu không cùng nhóm hợp tác. Người ta không săm soi, xoi mói; Không kỳ thị và tự phụ. Họ thi thố nhưng không bon chen lường gạt. Mọi người chăm chỉ làm việc, tự nguyện đóng góp thuế cho nhà nước và các công tác xã hội. Tiếp đến là gây dựng phát triển cơ ngơi về cái ở, cái ăn, cái chơi. Cái gì họ cũng làm ra trò. Nếu ai “sống ngoài vòng” ấy, không chóng thì chầy, sẽ bị đào thải vì uy tín, danh dự và cả luật pháp.

Ai cũng nhận thấy văn hoá Sài Gòn là văn hoá mở, anh thấy nó nhận nhiều hơn hay cho nhiều hơn? Văn hoá của các vùng miền khác đi theo hàng triệu người trong cả nước về đây có làm cho phai nhạt đi chất Sài Gòn hay nó làm cho những dòng người xa xứ về đây, từ từ và từng bước một trở thành dân Sài Gòn với những tính cách Anh Hai?

Thật khó trả lời một cách rành rẽ chuyện này. Anh thấy tôi là người Sài Gòn hay người Nghệ Tĩnh?

Hình như là cả hai.

Đúng. Tôi cũng tự nghĩ vậy. Tôi đã tiếp nhận được rất nhiều đặc trưng, tính cách của người Sài Gòn, nhưng cũng giữ được gần nguyên vẹn phẩm chất của một anh chàng người Nghệ. Ai đến với mảnh đất phương Nam này đều ít hay nhiều cảm phục tính cách phóng khoáng và hào hiệp của Anh Hai. Và, họ đã ít hay nhiều, học được tính cách của Anh Hai. Tuy nhiên, việc tiếp nhận Anh Hai mỗi người một khác. Người Nghệ, người Huế, người Bắc kỳ, người Quảng... mỗi người tiếp nhận một cách và chuyển hóa vào thành cái của mình theo những cách khác nhau tùy vào cái văn hóa gốc của mình. Và cứ thế, tất cả các dòng người này, kể cả ngoại quốc, hòa hợp với nhau một cách từ từ và tự giác để làm phong phú thêm đặc trưng nhân cách Anh Hai. Xét từ những quan sát và chiêm nghiệm của bản thân, tôi thấy thì nhận và cho về văn hóa ở mảnh đất này đều như nhau. Nhận cũng nhiều và cho cũng lắm. Và tôi thấy, cả hai bên, nhận và cho, đều tự giác, minh bạch, sòng phẳng, tế nhị và đều có trách nhiệm với sự nhận và cho ấy. Không ai ép được Anh Hai trong việc giao lưu văn hóa. Sài Gòn - Gia Định có nội lực văn hóa rất riêng, rất mạnh của mình.

Và vì vậy, không có và không thể có chuyện làm phai nhạt, mà chỉ là củng cố thêm, phong phú thêm, ngày càng hoàn thiện đặc trưng văn hóa Nam bộ, văn hóa Gài Gòn - Gia Định. Tôi xin lấy ví dụ như thế này:

Văn hoá người Hoa là của người Hoa. Người Việt học hỏi “thêm mắm muối” vào (thờ cúng, phong tục tập quán v.v...). Ví như Người Hoa kiêng quét dọn một phần nào đó trong nhà ở quanh năm để giữ lộc thì người Việt không theo. Và người Hoa lại theo người Việt. Ngôi nhà hay công xưởng người Hoa đang ăn nên làm ra thì họ chỉ bảo trì, không phá bỏ làm mới, nhưng người Việt có tiền là phải lo an cư, là thay đổi mới hơn v.v...

Có một việc tôi để ý và suy nghĩ nhiều, cho đến bây giờ vẫn tự đặt cho mình câu hỏi rằng là, sau 30/4/1975, Sài Gòn - Gia Định cũng nằm trong tọa độ bao cấp với rất nhiều áp đặt phiền toái nhưng vẫn không thể làm thay đổi tính cách anh Hai Nam bộ.

Tôi nghĩ hình như tính cách Anh Hai là một tác nhân cho việc hình thành và hoàn thiện dần tư duy đổi mới của Đảng ta với thủ lĩnh Nguyễn Văn Linh, tuy là dân gốc miền Bắc, nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng đã sống và chiến đấu ở Nam bộ, ở Sài Gòn Gia Định suốt mấy chục năm trời. Cái chất Nam bộ, chất Sài Gòn Gia Định đã ngấm vào vị thủ lĩnh này  và nhờ đó đã góp phần làm nên một Việt Nam, một Sài Gòn hôm nay chăng?

Hình như anh có lý. Tôi đánh giá rất cao các ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, và nhiều người khác vì sự thành công của công cuộc “đổi mới”. Đất nước ta, mỗi chúng ta phải chịu ơn họ.

Ông thấy dân Nghệ ở Sài Gòn có nhiều không? Nếu chỉ tính khoảng thế hệ thứ hai trở lại thì có khoảng bao nhiêu người?

Tôi đoán chắc rằng không ai có thể trả lời tương đối chính xác được điều này chứ chưa nói là chính xác. Điều này thật khó. Chúng tôi cũng bàn thảo nhiều, nhưng không thể nào chính xác được đâu. Chỉ biết là “đi mô cũng toàn dân trọ trẹ” nhà mình. Có người nói khoảng 25 đến 30%. Ước lượng cả thôi. Nhưng rất chi là nhiều, đủ tầng lớp, đủ lứa tuổi... Và bây giờ đã đến thế hệ thứ tư, thứ năm rồi đấy.

Vấn đề tôi quan tâm là người Nghệ, và người gốc Nghệ, đã giữ những tính cách Nghệ mình như thế nào ở trong môi trường sôi động của Sài Gòn? Có nhiều lệch pha không?

Đây là một câu hỏi, không, một vấn đề thật thú vị, trên cả thú vị. Vì vậy đây là một đề tài khoa học rất cần được nghiên cứu một cách công phu và nghiêm túc. Và không chỉ là người Nghệ mà cả người Thanh, người Quảng, người Huế, người Bắc nữa... Nếu nghiên cứu có kết quả đúng thì chắc là sẽ có ý nghĩa trên nhiều phương diện, từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến các vấn đề quản lý xã hội...

Trở lại vấn đề của chúng ta, tôi thấy rằng, trước hết phải sơ bộ thống nhất với nhau rằng phải hiểu tính cách Nghệ là gì? Có phải bản chất cần cù, chịu khổ, chịu khó, luôn sống có chí hướng không? Hay là ngôn ngữ, giọng và điệu nói phong phú của Xứ Nghệ? Nếu như thế thì hầu hết người Nghệ mình ở trong này đều gìn giữ được khá đầy đủ cả đấy. Trong sự tồn tại, hòa nhập cộng đồng, tôi thấy, dân ta chẳng có gì lệch pha với cộng đồng cả. Chúng tôi là dân Nghệ nhưng đồng thời là công dân của Sài Gòn, không chỉ là ở cái sổ hộ khẩu, cái bìa đỏ nhà, đất mà cái chính là cái căn cước văn hóa cơ. Mà đáng trân trọng, tự hào là chúng tôi đã hòa nhập một cách tự giác, tự nguyện, bình đẳng, có đi có lại về mặt văn hóa. Hòa nhập để trở thành dân Sài Gòn mà vẫn giữ được cốt cách của người Nghệ. Đó là điều đáng trân trọng nhất đối với cộng đồng dân Nghệ xa quê vào đất này lập nghiệp. “Choa cứ nói kiểu choa” mà bà con Sài Gòn - Gia Định, bà con Nam bộ vẫn nghe, hiểu hết và tôn trọng.

Nhiều người nói dân Nghệ ta cũng có khó khăn trong hòa nhập, không biết điều đó có không đối với cộng đồng dân Nghệ ở trong đó? Nếu có, theo ông nguồn gốc là ở đâu?

Đừng vơ đũa cả nắm nghe! Riêng ở Sài Gòn, theo như tôi biết thì có gì đâu mà khó với dễ. Người Nghệ ở đâu cũng hòa nhập được, thậm chí có phần nổi trội. Nổi trội vì có một bộ phận giàu có, có vị thế xã hội. Nhưng cũng buồn bởi có “sự nổi trội” khác!

Sao vậy. Nổi trội mà lại buồn?

Có đấy ông ạ. Chúng ta phải thừa nhận và đã đến lúc phải nói nhiều đến một sự thật không mấy hay ho gì như thế này: Thứ nhất, những năm gần đây, các vụ án ma tuý, nhất là những vụ án lớn, đa phần đều có dính đến khá nhiều người Nghệ.

Thứ hai, dân Nghệ ta, có một bộ phận thể hiện sự đoàn kết có nhiều khi hơi thái quá, cực đoan và thậm chí dẫn đến vi phạm pháp luật. Điều này biểu hiện rõ nét nhất là lớp trẻ vào làm công. Có phải vì các cháu học hành chưa đến nơi đến chốn? Có phải vì các cháu muốn một lúc thành tiên? Rồi hiện tượng rượu chè, cờ bạc, tụm năm, tụm bảy gây rối trật tự là có không ít.

Rồi hiện tượng thứ ba nữa rất đáng nói là một bộ phận, tuy không nhiều, vì lý do này, lý do khác, cũng gây nên những xáo trộn trong cộng đồng. Lừa lọc, dối trá, tự ti, mặc cảm... đều có cả.

Nhưng tôi nghĩ, đây cũng là chuyện đời, chuyện tồn tại xã hội, ở đâu chẳng có chuyện này chuyện khác. Ngay như ở bản quê của chúng ta vẫn có những chuyện như vậy đó thôi. Tuy nhiên, chúng ta nên bình tĩnh để nhìn nhận, để hiểu và có trách nhiệm với điều đó nhằm hy vọng bảo ban nhau sống tốt hơn, hòa nhập và phát triển tốt hơn trong một cộng đồng to lớn hơn.

Ông có thể cho biết sinh hoạt cộng đồng của bà con người Nghệ chúng ta ở Sài Gòn như thế nào? Có thường xuyên không và quan trọng là ý thức vọng quê, giữ gìn văn hoá quê Nghệ như thế nào?

Nhìn chung sinh hoạt cộng đồng bà con chúng ta ở trong này là gắn bó, có tình cảm và trách nhiệm với nhau. Dù gì đi chăng nữa thì cái tình cảm đồng hương, đồng quận của người Việt, người phương Đông vẫn cứ tồn tại trong tâm thức và cuộc sống của mỗi người. Và điều đó đã đem lại nhiều hạnh phúc cho cả cộng đồng.

Hiện tại, tôi thấy có hội đồng hương Nghệ An và Hà Tĩnh, hội đồng hương các huyện, xã, rồi có các hội đồng môn, hội đồng tuế... của người Nghệ ta nữa. Nói chung là nhiều. Ai cũng muốn gắn bó với người đồng quê vì chí ít ở đó có một cái chung về văn hóa.

 Riêng tôi thì thường xuyên sinh hoạt ở hai Hội: Hội Doanh nghiệp Nghệ - Tĩnh và Hội Thơ Nghệ - Tĩnh tại TP. HCM. Hai Hội này sinh hoạt định kỳ, rất nhiều người tham gia.

Hội này hay hội khác tôi thấy đều ít nhiều đem lại niềm vui và hiệu quả trong làm ăn sinh sống. Qua các sinh hoạt cộng đồng này, mọi người có thông tin và từ đó cảm thông và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong làm ăn.  

Còn ý thức vọng về quê thì khỏi phải bàn, sâu sắc và mạnh mẽ lắm. Chúng tôi ở trong này, ai cũng vậy, lo trích giúp cho gia đình, cho làng xóm, dòng tộc khi bình thường cũng như khi hoạn nạn. Tết, rằm tháng Giêng, tháng Bảy, giỗ chạp, cưới hỏi... không về quê được áy náy lắm, nhớ lắm. Chúng tôi gắn bó với quê thường xuyên vậy thì làm sao mà bỏ cái văn hoá quê được, phải không?

Tôi tin điều ông nói nhưng liệu đến thế hệ thứ hai, thứ ba thì sao?

Quả thực, đây cũng là điều mà chúng tôi, ai cũng như ai, đều quan tâm. Có lẽ, không gì khác là phải thường xuyên thể hiện, bộc lộ một cách rõ ràng nhất, sâu sắc nhất các giá trị văn hóa của quê hương trong mọi sinh hoạt, từ không gian gia đình đến không gian văn hóa cộng đồng rộng lớn hơn, như các hội đồng hương chẳng hạn, để cho con cháu mình hiểu và ngấm dần những giá trị, những phẩm chất văn hóa của cha ông, của quê hương vào trong tình cảm, trong tâm thức của mình. Rồi phải xây dựng và củng cố cho được mối liên hệ văn hóa, tình cảm, hữu hình và vô hình, giữa con cháu mình với quê hương, dòng tộc...

Tôi nghĩ, tất nhiên, cái gì cũng có giới hạn của nó và tin rằng các thế hệ con cháu sẽ có cách tiếp cận vấn đề này một cách thông minh hơn. Trở lại với những điều cụ thể hơn, ông có thể cho biết: Hội đồng hương Nghệ Tĩnh, Hội doanh nghiệp NT tại TP HCM đã làm gì để góp phần bảo tồn văn hoá Nghệ trong lúc vẫn phải hoà nhập với cuộc sống sôi động của TP HCM?

Có lẽ nói thêm thì sợ thừa mất. Thời buổi thông tin nhanh nhạy, phương tiện và điều kiện đi lại khá thuận lợi này, quê như gần lại. Không ai bảo ai, không có quy ước nào cả, không lời tuyên bố nào cả, nhưng “Nghệ kiều” cứ rong ruổi theo nhau để giữ gìn bản sắc Nghệ từ giọng nói, sinh hoạt và lối sống. Dù mấy thế hệ rồi, hầu hết dân Nghệ vẫn là dân Nghệ. Thật đáng trân trọng. Nhưng cũng như trên chúng ta đã nói, đây vẫn là một mối lo của các bậc làm cha làm mẹ khi nghĩ về quê từ một phương trời xa.

Đồng bào ta trong đó, nhất là các doanh nhân người Nghệ có theo dõi báo chí và văn chương quê hương không?

Về vấn đề này, tôi xin đề nghị ngành văn hoá thông tin và các tổ chức tỉnh nhà nên có kế hoạch liên hệ với các tổ chức đoàn hội trong này. Bà con rất khát khao được tiếp cận với báo chí và văn chương cũng như thời sự quê hương. Không phải ai cũng ngồi và sử dụng được mạng và máy vi tính. Báo và tạp chí viết của tỉnh nhà, nên tìm cách phát hành rộng rãi.

Tôi đã nhiều lần bàn bạc với các anh chị em đồng hương trong này và cũng tìm nhiều cách để làm chuyện đó rồi, còn tham gia viết bài nữa nhưng tự nhận thấy rằng chưa có kết quả khả quan. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể đề xuất thôi, còn để làm cho có kết quả và hiệu quả tốt thì tôi nghĩ các nhà chức trách và các hội đồng hương, đồng nghiệp, đồng tuế trong này nên có mối liên hệ để bàn bạc và tìm cách thực hiện. Làm được điều này là có lợi cho cả hai. Người ở quê cũng được và người xa quê càng được hơn.Tôi cho đây là một nhiệm vụ, nghĩa vụ của nhiều người đấy.

Ông có đọc tạp chí Văn hóa Nghệ An không?

Có. Nhưng rất tiếc là mãi gần đây tôi mới biết và mới đọc. Đây là tờ tạp chí tôi cho là số một hiện nay về văn hóa. Trí tuệ, sang trọng và hấp dẫn. Mới được đọc nhưng bà con trong này mừng lắm, cứ mong sao thường xuyên có mà đọc.

Ông có quá khen không?

Không đâu. Tôi làm nghề xây dựng nên đo đạc chính xác lắm.

Cảm ơn ông!

Nhân dịp năm mới đến, xin phép thay mặt Hội Doanh nghiệp Nghệ - Tĩnh tại TP. HCM, bầu bạn, gia đình và nhân danh cá nhân xin kính chúc quý độc giả và BBT Tạp chí VHNA An khang, thịnh vượng, hạnh phúc và thành đạt!

Mong muốn năm mới trở đi, Tạp chí VHNA sẽ đến được với đồng bào xa quê trên mọi miền đất nước.

Một lần nữa cảm ơn ông và chúc ông cùng cộng đồng người Nghệ ta trong đó mạnh khỏe, vạn sự như ý và dành nhiều quan tâm hơn cho Văn hóa Nghệ An.

                         Phan Thắng (Thực hiện)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445534

Hôm nay

234

Hôm qua

2237

Tuần này

21143

Tháng này

211793

Tháng qua

120141

Tất cả

114445534