Trong lịch sử văn học Việt Nam xưa nay, có nhiều nhà văn, nhà thơ có những bài thơ Xuân thật độc đáo thể hiện sự thông minh, sáng tạo và cả nét đẹp văn hóa Á Đông diệu vợi. Mùa xuân này xin trân trọng được giới thiệu một vài bài thơ xuân như thế.
Trong lịch sử văn học Việt Nam xưa nay, có nhiều nhà văn, nhà thơ có những bài thơ Xuân thật độc đáo thể hiện sự thông minh, sáng tạo và cả nét đẹp văn hóa Á Đông diệu vợi. Mùa xuân này xin trân trọng được giới thiệu một vài bài thơ xuân như thế.
Ngày còn “mài đũng quần” trên giảng đường, chúng tôi đã được nghe các thầy ca ngợi tài học của Hoàng giáp Trần Bích San. Ông là người đã đỗ đầu ba kì thi (Hương, Hội, Đình) liên tục nên được vua ban cho lá cờ thêu 4 chữ “Liên trúng tam nguyên”. Ông có nhiều tác phẩm để đời và bài thơ Xuân chơi chữ khá độc đáo như sau : “Nhật nhật cam lâm nhật nhật tân/ Tân niên, niên thủ, thủ xuân xuân/ Đình hoa, hoa diễm, hoa hoa cẩm/ Viên thảo, thảo phô, thảo thảo nhân/ Yến yến đối minh, minh đối đối/ Oanh oanh tần chuyển, chuyển tần tần/ Vấn tâm, tâm hỷ, hỷ hà sự/ Tiễu tặc, tặc bình, bình vạn dân”. Dịch nghĩa là : “Ngày ngày mưa dầm, ngày ngày mới/ Năm mới, đầu năm, đầu xuân/ Hoa ngoài sân, hoa đẹp, muôn hoa (như) gấm/ Cỏ sau vườn, cỏ rợp khắp, muôn cỏ (như) thảm/ Đàn chim yến đối nhau (mà) hót, con này hót, con nọ hót đối nhau mà hót/ Bầy chim oanh chuyền nhau hót, tiếp con này chuyền sang con nọ/ Hỏi lòng, lòng vui, vui vì điều gì/ Vì đánh dẹp giặc, giặc yên, yên muôn dân”. Bài thơ chơi chữ không chỉ thể hiện sức Xuân tràn đầy mà còn là khát vọng “cốt để yên dân”- một nét đẹp ngàn đời của dân tộc. Cả bài thơ độc đáo ở chỗ cách sử dụng điệp tự với mật độ dày đặc (mỗi câu ít nhất có hai lần điệp tự). Có câu là điệp thực, có câu là điệp ảo, tạo nên sự linh hoạt uyển chuyển cho bài thơ.
Còn nhắc đến bảng nhãn Vũ Duy Thanh (Trạng Bồng) là chúng ta nghĩ về một vị quan thanh liêm, giản dị. Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục, ông đã nhìn thấy những bất hợp lý trong giáo dục và đào tạo đương thời, và ông có nhiều quan điểm, ý kiến tích cực về vấn đề này. Ông có nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu. Chỉ riêng mỗi bài thơ “Xuân hứng” được sáng tác theo thể thất ngôn bát cú với lối chơi chữ đến độ “cao siêu”, “trác việt” đã nói lên được cái tài của ông. Xin được giới thiệu bài thơ này : Xuân hứng- Đọc xuôi (chữ Hán) : “Thi đàn tế liễu lộng hoa hài/ Khách bộ tùy sương ấn bích đài/ Kỳ cuộc đả phong thanh áp trận/ Tửu biều nghinh tuyết bạch hòa bôi/ Sơ liêm thấu nguyệt hương ly cúc/ Yến tịch lăng hoa vị át mai/ Phi phất thảo am đầu tĩnh điếm/ Ư tình cố ý thuộc quyên ai”. Đọc ngược (chữ Nôm) Hứng Xuân : “Ai quen thuộc ấy có tình ưa/ Đêm tĩnh đầu am thảo phất phơ/ Mai át mùi hoa lừng tiệc yến/ Cúc lìa hương nguyệt thấu rèm thưa/ Bôi hòa bạch tuyết nghiêng bầu rượu/ Trận áp thanh phong đánh cuộc cờ/ Rêu bước in sương tùy bước khách/ Giày hoa lõng léo tới đàn thơ”. Theo nhà nghiên cứu Hải Trung thì, bài Xuân hứng của Vũ Duy Thanh quả là diệu bút, tài tình vì nhiều lẽ, vừa là một bài thơ chữ Hán, vừa là bài thơ chữ Nôm, bài Nôm lại là bản dịch thơ của bài Hán, nhưng vẫn bảo đảm tất cả những qui định của một bài thất ngôn bát cú Đường luật, gồm nhiều yếu tố như vần, niêm, luật bằng trắc, đối ngẫu ...Đây là một trường hợp chơi chữ hi hữu, phản ánh rõ cái tài chữ nghĩa của người xưa. Dòng văn học dùng chữ quốc ngữ sau này cũng có nhiều bài thơ Xuân có dạng thuận nghịch độc như trên. Xin giới thiệu bài “Xuân ý” của Hoàng Cao Phan nữ sĩ : “Xuân vương ý đẹp mộng tìm thơ/ gợi thắm lòng ai những ước mơ/ Ngần ngại bút hoa sầu nhuốm vận/ Dở dang đàn nhịp lỡ buông tơ/ Sân trăng thoáng liễu hương nồng đậm/ Suối nước lồng mai dáng hững hờ/ Nhân nghĩa thiếu chi cười thế cuộc/ Xuân vương ý đẹp mộng tìm thơ”. Còn cách đọc ngược, xin theo chữ thứ 7 của mỗi câu từ dưới lên sẽ có bài còn lại.
Không chỉ những bài thơ Xuân của những người nhiều chữ, lắm nghĩa viết mới thể hiện được sự độc đáo, thông minh, hóm hỉnh, mà ngay cả những người bình dân xứ Việt tài hoa của chúng ta cũng có những bài thơ Xuân độc đáo chẳng kém gì. Chuyện rằng, vào một ngày đầu xuân, một anh nọ vốn là người hay chữ, đến thăm một người bạn, Vì rất qúi mến bạn nên anh ta có mạng theo tặng bạn một nhành mai và mẫu giấy có 10 chữ Hán được viết theo thứ tự : “Lai tình vị ký nhất chi mai hữu biệt hoài” (nghĩa là : Tình sẽ đến vì một nhành mai gửi có nỗi nhớ lúc xa cách). Người bạn cắm nhành mai vào chiếc độc bình và cất mẫu giấy có 10 chữ Hán đó vào tủ mà không nghĩ ngợi gì thêm. Mùa xuân năm sau, trong lúc dọn nhà cửa, anh ta bắt gặp lại được 10 chữ hán được người bạn tặng năm trước. Chạnh nhớ đến bạn, anh đọc kỹ và “a” lên một tiếng rõ to. Thì ra, 10 chữ ấy là một bài thơ tứ tuyệt tuyệt hay mà trước đó anh đã vô tình không để ý. Bài thơ hoàn chỉnh sẽ như sau : Phiên âm : “Lai tình vị ký nhất chi mai/ Ký nhất chi mai hữu biệt hoài/ Hoài biệt hữu mai chi nhất ký/ Mai chi nhất ký vị tình lai”. Dịch nghĩa : “Tình sẽ đến vì gửi một nhành mai/ Gửi một nhành mai với nỗi nhớ lúc xa cách/ Nỗi nhớ lúc xa cách có nhành mai gửi một lần/ Nhành mai gửi một lần vì tình cảm mai sau”. Bài thơ thú vị bởi lối hồi văn liên hoàn thuận nghịch độc. Chữ nghĩa chỉ gói gọn trong 10 ký tự nhưng ý tứ lại sâu xa, khoáng đạt. Nhà nghiên cứu văn học Hải Trung (Huế) dịch bài thơ này, từ cách phỏng dịch với cách đọc xuôi, đọc ngược 10 chữ Hán “Lai tình vị ký nhất chi mai hữu biệt hoài” (Ai tình đến gửi độc nhành mai có nhớ hoài) : “Ai tình đến gửi độc nhành mai/ Gửi độc nhành mai có nhớ hoài/ Hoài nhớ có mai nhành độc gửi/ Mai nhành độc gửi đến tình ai”.
* Bài viết có tham khảo Thơ ca Việt Nam (Hình thức và Thể loại), Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên. Chơi chữ- Lãng Nhân, NXB Văn học. Đặc biệt, người viết cảm ơn nhà thư pháp, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Phước Hải Trung đã cung cấp nhiều tư liệu quí cho bài viết này.
2137
2454
21489
213635
0
114526939