Khách mời văn hóa

Nếu trí thức mà tham tiền, tham quyền thì xã hội thực sự đã suy đồi

VHNA: Cuối năm,  Hà Văn Thịnh đã làm khách của tạp chí Văn hóa Nghệ An. Khách và chủ đã có cuộc trao đổi xung quanh chuyện nghề. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi được biết, bên cạnh nghề dạy học ông còn viết văn, viết báo. Dạy học và viết báo, ông thích nghề nào hơn?

Nếu có thể nói được thì phải thừa nhận rằng tôi là người thích "ngoại tình": Viết báo nhiều quá, thèm dạy và, ngược lại. Một nghề là dạy người, đam mê nhiều nhưng không đủ sống. Nói thật, nếu không có những ánh mắt tin yêu của sinh viên, sự hy vọng từ những "bừng tỉnh" của niềm tin thức đợi vào lớp trẻ, chẳng ai đam mê nổi với cái nghề bạc bẽo này đâu. Còn nghề báo? nếu trí thức không có "trách nhiệm" để góp vài cọng cỏ cho đời thì sinh ra trí thức để làm gì? Chẳng lẽ cứ ăn rồi khụt khịt cái lặng im không rõ hình hài sao?

Tôi được biết ông đã và vẫn có nhiều ý kiến phản biện về tư duy sử học, nhất là giảng dạy lịch sử trong nhà trường hiện nay của chúng ta. Theo ông căn gốc vấn đề là ở đâu?

Cái này tôi nói nhiều và lâu rồi. Sử học của chúng ta nhàm chán. Chẳng ai yêu nổi sự nhàm chán - kể cả Chí Phèo. Ông không thấy là Thị Nở thỉnh thoảng vẫn đột phá thực sự về tính cách và tình cảm sao? Mối tình đó vụng về và đáng yêu trong cái mênh mông của sự chân thành. Nền sử học của chúng ta có không ít sự thiếu chính xác, chân thực. Vì thế, tôi cứ tiếp tục phản biện như dê kêu. Ông đã bao giờ coi người ta làm thịt con dê chưa? Họ cho dê uống rượu, dùng roi, dùng chày đánh cho nó kêu thảm thiết, khủng khiếp cho đến khi chết. Họ nói rằng làm thế thịt dê không có mùi hôi...(!)

Sử học là không thể thiếu trong tồn tại xã hội. Nó là tập hợp những nhận biết tri thức từ trong lịch sử để làm chỗ dựa cho các nhận thức về hiện tại và tương, để mà có cách ứng xử đúng đắn và thông minh. Bởi vậy, sử học chính là một hoạt động văn hóa không thể thiếu từ xưa đến nay của mọi xã hôi. Và vì thế, sử học cũng là một động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Cái nền của văn hóa là truyền thống, là đặc tính, là sự trường tồn. Trong Kinh Thánh có đoạn (đại ý): Cain nói với Abel (đây là 2 người con trai duy nhất của Éva và Adams). Khi ra đến ruộng, Cain xông tới giết Abel. Hàng ngàn năm, người ta không biết Cain đã nói những gì, nghiêm trọng đến mức nào để đến nỗi anh em phải tàn sát lẫn nhau. Theo Dan Brown (tác giả của Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Leonardo da Vinci...) thì Cain đã nói về sự tranh chấp muôn đời: Đất đai là của tao, nếu mày không từ bỏ, tao sẽ giết mày. Mẹ Éva là của tao, tao phải giết mày để lấy Mẹ. NGÔI ĐỀN kia là của tao, không thể chia sẻ cho bất kỳ ai, kể cả mày. Vậy đó, Ngôi Đền linh thiêng là văn hóa, không thể chia sẻ với bất kỳ dân tộc nào, với bất kỳ ai. Sử học được sinh ra để bảo tồn và nuôi dưỡng, làm đẹp hơn, linh thiêng hơn giá trị của ngôi đến ấy. Nếu không hiểu lịch sử, thì con người đã tiến một bước dài về phía loài vật mất rồi.

Theo ông, lý do tồn tại của sử học, nói cách khác là vai trò, chức năng của nó đối với đời sống xã hội là những gì?

Sử học chỉ có ý nghĩa, chỉ có giá trị khi nó trình bày sự thật, bảo vệ sự thật. Xét theo nghĩa này, tôi đang là kẻ nhìn thấy cốc nước vơi một nửa, như Helmut Kohn đã nói.

Sự phát triển của sử học hôm nay chắc chắn có nhiều thuận lợi hôm qua. Vấn đề là tư duy sử học của chúng ta đã có nhiều chuyển biến và đổi mới chưa và chuyển biến, đổi mới như thế nào?

Đúng vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy, có mặt, có những lúc, những vấn đề, ngược lại, nó đang cũ đi, cũ đi một cách trầm trọng. Các nhà sử học thời nay đang tự biến mình thành những kẻ chỉ thích ngồi nhìn, im lặng và..., thở dài; rồi, nói và nghiên cứu …không như mình nghĩ. Các GS, PGS hỉ hả khoe với nhau đề tài này nọ, kiếm đượcmấy trăm triệu nhưng họ quên mất rằng đó chỉ là cái gạch ngang thấp nhất trong chữ SĨ mà Thầy Cao Xuân Huy đã giảng rõ ràng. Nếu trí thức mà tham tiền, tham quyền, tham ghế thì xã hội thật sự đã suy đồi. Tôi có viết bài "Nỗi buồn sử học" trên VHNA. Không hiểu có nhiều các nhà sử học đọc không?

Tôi xin chia sẻ một phần với góc nhìn của ông. Tuy nhiên, có những điểm tôi chưa đồng tình với ông vì tôi thấy giới sử học nước ta trong những năm qua cũng đã có nhiều nhận thức lại, nhận thức mới, khách quan và khoa học hơn khi đánh giá lại một số vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử. Ví như về nhân vật Phan Thanh Giản chẳng hạn. Rồi cách nhìn về Mậu Thân 1968 cũng khách quan hơn. Và kiến nghị của giới sử học về cách ứng xử với một số di tích lịch sử, văn hoá ở Hà Nội và một số địa phương cũng đã có tác dụng tốt, được dư luận đồng tình. Thưa, ông là người bình luận các vấn đề chính trị và xã hội sắc sảo. Ông thấy nghề sử đã giúp ích gì, như thế nào cho ông khi nhận thức các vấn đề đương đại?

 Sắc sảo thì không dám nhận (mặc dù rất thích) nhưng tôi nghĩ rằng nếu nhà báo mà không có cái nền là kiến thức sử học, triết học, xã hội học...; thì những bài báo sẽ không thể có hồn.

Mối quan hệ giữa báo chí và sử học là vô cùng gắn bó. Ông có thể giúp điểm lại mối quan hệ này nhìn từ lịch sử báo chí nước ta.

Có lẽ, dông dài không đủ nên tôi chỉ trả lời ngắn: Tôi chưa thấy nhà báo nào am hiểu lịch sử, kiến thức xã hội giỏi như Nguyễn Ái Quốc. Cái nền văn hóa của Người thật khó mà lượng định nổi - dù chỉ ở mức tương đối nhất. Chẳng hạn, báo Le Paria - Người cùng khổ. Ai cũng hiểu thế và tin là đúng thế. 20 năm sau khi dạy lịch sử văn minh Ấn Độ, tôi mới chợt vỡ òa ra rằng Paria là loại người tận cùng trong những người nghèo khổ nhất - họ phải ăn cơm trong bát mẻ, đi đâu phải đeo chuông vào cổ như súc vật... Hiểu từ ngữ, hiểu lịch sử như thế, lúc chỉ mới 30 tuổi, quả là bậc thượng thừa.

Với tư cách là một chứng nhân lịch sử, một biểu hiện, một giá trị của đời sống văn hóa, báo chí thể hiện vai trò động lực cho phát triển của mình như thế nào?

Mọi người nói báo chí là quyền lực thứ tư, các trang mạng xã hội là quyền lực thứ năm. Ở nước ta, chưa hẳn là thế... Tôi hay nói đùa rằng làm báo ở Việt nam phải giỏi gấp 10 lần ở Mỹ. .. Theo tôi, nền báo chí hiện nay mới chỉ đạt đến chỗ kích hoạt, xé rào chút chút chứ nói là động lực, e rằng chưa phải. Thôi thì cũng đành chấp nhận phần nào. Từ khi Huyền Trân bước xuống thuyền để Nước Việt có Nam sông Gianh (1306) đến khi K'sha dek (Chợ Sắt = Sa Đéc) trở thành lãnh thổ cuối cùng được tiếp nhận năm 1757; 450 năm để "đi" hết quãng đường 1.400 km. Đó là cách đi của một dân tộc vừa đi vừa... ngủ gật. Tính ra, tốc độ là hơn... 3km = 3.000m/365 ngày X 24h X 60' X 60" = ... tự tính lấy! Vậy đó, thay đổi lâu nay là thế. Có "động lực" nào, có "tốc độ" vài phần ngàn mi li mét/ giây không?

Ông lại hỏi khó tôi rồi. Tôi lại nhận thức câu chuyện này theo một hướng khác. Tôi thấy báo chí của ta trong những năm vừa qua đã trưởng thành và phát triển rất nhanh so với trước đây.Điều đáng nói là tư duy về báo chí của Nhà nước và của người dân đã có nhiều chuyển biến và đến gần hơn với nhận thức chung của thế giới về báo chí. Báo chí đã làm được rất nhiều việc ích nước lợi dân. Hãy cứ nhìn vào số vụ việc chống tiêu cực do báo chí phát hiện, phanh phui thì cũng đã phần nào nói lên điều đó. Rồi nhìn vào lượng thông tin, tri thức mà báo chí đem lại cho cộng đồng mỗi ngày là chúng ta cũng có thể hiểu hơn về vai trò của báo chí hôm nay. Trở lại câu chuyện, tôi cứ hiểu rằng, sử học và báo chí hình như có cùng chung một đặc tính, hay có thể gọi là chức năng, đó là phản biện xã hội. Điều đó có đúng không, thưa ông?

Đúng là báo chí làm được khá nhiều trong việc thay đổi – làm chuyển biến nhận thức xã hội, lôi ra giữa ban ngày biết bao khuôn mặt độc ác, vô lương, làm cho người dân tin tưởng hơn với sự dè dặt rằng cái đúng, cái tốt vẫn còn… Thế nhưng, như thế vẫn là chưa đủ. Tôi thấy báo chí thời nay vẫn còn không ít sự buông xuôi, thông tin nửa vời. Vụ việc nổi cộm nào cũng được thông báo là “chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và gửi đến bạn đọc những thông tin về diễn biến của các vụ việc”; nhưng hầu hết – trên 90% các lời hứa đó đều là lời nói thoảng gió bay. Tuy nhiên, tôi rất cảm phục báo chí thời nay ở chỗ, mặc dù bị mang tiếng “ăn xổi”, chụp giựt, vội vàng nhưng có khối nhà báo hiện nay có tư duy khoa học với những cái nhìn sắc và sáng còn giỏi hơn nhiều ông TS, PGS. Nói như thế là tôi sẽ chuốc thêm không ít người thù ghét nhưng đành phải nói. Vì ở trong chăn lâu ngày, tôi biết chỉ có vài chục phần trăm TS, PGS là đáng để tàm tạm cho tôi nghĩ đến niềm tin.

Vậy phản biện báo chí và phản biện khoa học có gì giống và không giống nhau?

Nhà khoa học giống như tầm vĩ mô còn báo chí chủ yếu phát hiện cái vi mô. Dù có phát hiện ra cái vĩ mô đi nữa thì báo chí (do khuôn khổ, số lượng chữ, các chế tài thành văn và bất thành văn, cái nhạy cảm vô lý vô vàn…), không thể diễn đạt và đủ thời gian để suy ngẫm, so sánh, kiểm chứng như các nhà khoa học. Ngược lại, hầu hết các nhà khoa học chạy theo thời cuộc, tức là “chạy theo” cả cách nhìn từ báo chí.. Tuy nhiên, vì các nhà khoa học luôn “đi giữa hàng quân” nên chẳng chết bao giờ...

Câu hỏi cuối cùng của cuộc trao đổi hôm nay, ông có lúc nào tự tìm câu trả lời cho hỏi rằng tại sao xứ Nghệ xưa nay lại có nhiều người làm nghề viết sử, từ cha con nhà Sử Hy NHan, Sử Đức Huy đến bộ ba Phan Huy Lê – Hà Văn Tấn – Đinh Xuân Lâm thời nay?

 “Gian nan nhiều tư lực sâu” là đúc kết của người xưa. Ở mảnh đất nghèo đến thế, vất vả và bầm dập nhiều như thế, con người có trí lự không trăn trở, day dứt mới là chuyện lạ. Cha ông cũng nói về địa linh nhân kiệt. Xứ Nghệ (trong tâm khảm của tôi là Nghệ Tĩnh đó chứ không phải theo cách chia hai để nhiều ghế, lắm quan như bây giờ) là nơi có chè xanh ngon nhất thế gian (ít nhất tôi đã uống trà Long Tỉnh ở Hàng Châu, thua xa chè Tân Kỳ), bưởi Phúc Trạch, cam Xã Đoài… Tôi đã ăn hải sản từ Quảng Ninh đến Hà Tiên, chưa có đâu có con cá trích, cá mực… ngon như cá quê mình…

Nói tóm lại, tài năng + sự trăn trở + ý thức cội nguồn (vì văn hóa Hồng Lam là một trong những cái nôi của Hồn Việt, trí thức Việt) + với chút ngông nghênh như làm sử để được “chửi” đời + với truyên thống dùi mài kinh sử tự ngàn xưa, là những yếu tố có thể thỏa mãn phần nào đó cho câu hỏi đầy tính tư biện và khó hiểu của ông.

                                                      Vĩnh Khánh(Thực hiện)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528547

Hôm nay

2203

Hôm qua

2291

Tuần này

2820

Tháng này

215243

Tháng qua

0

Tất cả

114528547