Nhìn ra thế giới

Bước đầu tìm hiểu văn hoá dân gian Huế

Về cộng đồng dân cư

Huế (hiểu theo khái niệm vùng văn hoá bao gồm Thừa Thiên Huế) nằm trên dải đất hẹp tương diên giữa đại ngàn và đại dương. Bởi vậy có người ví Huế như cái bàn chân của Trường Sơn hướng ra biển cả. Thế cũng phải.Với những đỉnh cao như Động Ngại (1.774m), Động Pho (1.436m) trong dãy núi Dài nằm ở phía tây và Động Ruy (1.220m), Bạch Mã (1.444m), Động Mang 1.702m) thuộc nhánh núi nằm ngang ở phía nam ... vừa sãi xuống vài nhịp đã gặp sóng mặn.

Đồng bằng hẹp, lại bị các dải núi thấp, gò đồi, sông ngòi cắt vụn ra nằm men đầm phá vừa làm nội đồng vừa làm duyên hải như những diềm đăng ten. 50 km bề ngang tính từ tây sang đông với 1.000m bề đứng tính từ đỉnh núi xuống đường đồng mức số 0 của mực nước biển đã làm nên địa hình tự nhiên của Huế có độ dốc khá lớn (25%). Về mặt lãnh thổ, đồi núi chiếm 70%; sông ngòi, đầm phá, hoang mạc chiếm khoảng 20%; đồng bằng chỉ có 9,89%.

    Đặc điểm địa hình và thổ nhưỡng này được đặt trong khung toạ độ 15.59’30” – 16.44’30” vĩ bắc, 107.00’56” – 108.12’57” kinh đông là điểm giao hoà chuyển tiếp của hai miền khí hậu bắc nam tạo nên một vùng gió mùa nhiệt ẩm với hệ sinh thái phổ tạp.Lẽ đó tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng lượng nắng ấm chiếm  thời gian dài trong năm lại là môi trường thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển vạn vật – trong đó có con người.

    Để tìm hiểu văn hoá dân gian Huế không thể không tìm hiểu nguồn gốc sinh thành cộng đồng dân cư Huế. Bởi có con người mới có văn hoá dân gian. Suy cho cùng, văn hoá là sản phẩm của sự tương tác giữa con người với con người và giữa con người với thế giới vạn vật được quy bởi không gian, thời gian cùng môi trường sinh thái tương ứng. Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta là : con người có mặt trên đất Huế từ bao giờ ? Bản địa hay di trú ? Theo Thạc sĩ Lê Duy Sơn cán bộ giảng dạy trường Đại học Khoa học Huế qua bài “Về các dấu tích khảo cổ học thời Tiền sử - Sơ sử trên đất Thừa Thiên Huế”  thì “Trên thực tế, nếu chúng ta xây dựng một tấm bản đồ Khảo cổ học thời tiền – sơ sử khu vực Thừa Thiên Huế, quả là còn quá nhiều khoảng trống trên cả hai trục không gian lẫn thời gian. Với vài di tích với một vài di vật rải rác được tìm thấy, chúng ta sẽ chưa đủ để dựng lại một cách chân thực, toàn diện bức tranh lịch sử - xã hội của cư dân thời cổ trên đất này. Vấn đề còn lại là phải tiếp tục khảo tìm thêm...

    Với trục thời gian, theo tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, ở Thừa Thiên Huế còn thiếu nhiều mắt xích nối giữa các thời đại (dĩ nhiên, điều này chỉ có thể đúng với tình hình tư liệu hiện tại).

    Nếu đúng rằng những viên cuội “có gia công” được tìm thấy ở sân chùa Báo Quốc – chân núi Kim Phụng - Cẩm Kê hay ở trong khu vực một trang viên tại vùng gò đồi Long Hồ (phía tây thành phố Huế) là loại công cụ đích thực của con người thời hậu kỳ đồ đá cũ thì đây là một trong những phát hiện khảo cổ học có giá trị lớn. Lúc đó bề dày lịch sử của vùng đất Thừa Thiên Huế không chỉ là 2.000 năm hay trên dưới 4.000 năm nữa mà được nhân lên 10 lần, những trang sử thời sơ khởi lại được mở ra ít nhất từ 2 vạn đến 2 vạn rưỡi năm cách ngày nay (1).”

 (1. Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Cố đô Huế Xưa và Nay, nhà Xuất bản Thuận Hoá, 2005, trang 11-14)  

 Thật tiếc, những viên cuội có gia công, những end-chopper thô sơ và cả “một di vật đá kỳ lạ” đều được nhặt lượm ngẫu nhiên tình cờ lại không thuộc họ “đá đỏ” càng không phải là những mẫu quặng kim loại có mầu nên chẳng mấy ai quan tâm và độ vũ đoán đầy hoài nghi cũng nháo lên như một thứ bệnh hoạn rồi bỏ quên và đâu lại nằm yên ở đó. Vì thế “bản đồ Khảo cổ học thời tiền – sơ sử khu vực Thừa Thiên Huế, quả là còn quá nhiều khoảng trống”.  Những viên cuội có gia công, một end-chopper đã được khẳng định tuy chưa đủ độ tin cậy để vẽ lên bản đồ khảo cổ học nhưng chí ít cũng le lói một tia sáng thời gian, không gian để ta định hướng soi tìm bóng dáng lớp người xưa. Bởi, chẳng lẽ những viên cuội được gia công ở sân chùa Báo Quốc có nguồn gốc từ núi Cẩm Kê (chân Kim Phụng) và end-chopper tìm thấy bên khe Cổ Hộp làng Ngọc Hồ lại do người từ xa mang đến để cho ta làm ra vẻ cũng đã từng có một thời Sơn Vi (2vạn rưỡi đến 2 vạn năm) sao? Thành tựu khoa học không bao giờ đến giữa thờ ơ. Đó là điều đáng tiếc. Là người ngẩu nhiên nhặt được end-chopper Ngọc Hồ, tôi rất mừng nhưng vẫn băn khoăn đúng hay không đúng. Dịp đó (cuối năm 1995) Giáo sư Trần Quốc Vượng, một chuyên gia có hạng về Khảo cổ học và bạn của ông là Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Hayden Brian thuộc bộ môn Khảo cổ học trường Đại học Colombo (Canada) đang có mặt ở Huế nên tôi đã đưa đến khách sạn Thành Nội để trình với hai chuyên gia bậc thầy về viên đá có dấu vết gia công. Cả hai đều hoan hỷ mở ngay một chai rượu để cả ba cùng uống với nhau như là một cuộc mừng. Sau đó Giáo sư Vượng mang end-chopper này ra Hà Nội giám định khoa học và dự đoán niên đại tương đối của nó trên dưới 2 vạn năm (tương đương với văn hoá Sơn Vi, hậu kỳ đá cũ). Một chút loé sáng tuy còn yếu ớt nhưng cũng đủ cho ta nhìn về phía bóng tối quá khứ xa xăm ở địa vực Cẩm kê - Kim Phụng. Giá mà đó là niềm vui vô tư của tất cả chúng ta thì sự huy động “sức mạnh tổng hợp” (khái niệm ngôn ngữ ta sính dùng) chắc chắn đã đưa chúng ta lần tới đích và tránh được tình trạng nhận thức nước đôi rằng là “phát hiện khảo cổ học có giá trị lớn” nhưng vẫn “nếu” trong suốt 10 năm có lẻ.

Thiết nghĩ, với điều kiện địa lý cùng môi trường sinh thái như đã trình bày thì con người có mặt ở Thừa Thiên Huế trên dưới 2 vạn năm là điều có thể. Họ là ai ? Người Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ – Phú Thọ) hay đương thời Sơn Vi? Văn hoá dân gian Huế phải được tính từ thời đó. Theo số liệu của Cục Thống kê, cộng đồng dân cư Thừa Thiên Huế hiện thời có 17 tộc người. Trong đó chiếm tỷ lệ đa số là người Kinh. Người Kinh theo thuật ngữ thông dụng ngày nay là người Việt. Thật ra ngày xưa, người xưa không nghĩ vây. Người Kinh thoạt kỳ thuỷ là sự phân định theo vùng miền cư trú để chỉ người thành thị sống bằng nghề buôn bán, tiểu thủ công mỹ nghệ hoặc viên chức binh lính quanh Kinh đô. Đó là Kinh kỳ nhân (người ở đất kinh kỳ) khác với người làm ruộng ở nhà quê là Hương dã nhân và người làm nghề Sơn tràng, hoả canh nương rẫy ở miền núi là Sơn dã nhân. Định danh tính không căn cứ nguồn gốc nhân chủng, hệ ngôn ngữ mà chỉ xét theo vùng cư trú thì người Kinh không chỉ là người Việt mà có thể có cả người Chăm hoặc người Việt gốc Chăm và người Chăm gốc Việt. Hai tộc người này đã hoá vào nhau và là chủ thể chủ yếu của văn hoá dân gian Huế.

Với Huế, tuy “quả là còn quá nhiều khoảng trống”, nhưng thành tựu Khảo cổ học trên phạm vi toàn quốc lại cho ta một tầm nhìn rộng hơn và liên tục hơn chí ít là từ hậu kỳ đá mới sang sơ kỳ kim khí (trên dưới 4.000năm) ở dải đất miền Trung nước Việt. Huế nằm giữa hai dòng văn minh điển hình của thời đại này là Đông Sơn (bắc) và Sa Huỳnh (nam). Chưa thật phong phú nhưng cũng đủ để chúng ta nhận rằng một thời cư dân Sa Huỳnh và cư dân Đông Sơn đã hội cư trên mãnh đất này. Họ là chủ nhân của Bộ Việt Thường thuộc Vương quốc Văn Lang chăng? Và có thể ngay từ  những ngày đầu dựng nước cộng đồng cư dân Huế đã có sự hỗn dung các tộc người thuộc hai dòng ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo. Tìm hiểu nguồn gốc văn hoá dân gian Huế không thể không tính đến những nét riêng, chung của quá trình sinh thành và tiếp nhận. Văn Lang chuyển sang tay Âu Lạc chưa được bao lâu thì bị thôn tính. Bộ Việt Thường xa tầm với của các quan Thái thú, Thứ sử nên trải qua ngót 4 thế kỷ (năm 208 trước Công nguyên – 190 sau Công nguyên) bị trị nửa vời. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, những nhen nhóm đoàn tụ trong mối tình liên bang cố cựu bất thành. Một bộ phận dân cư Việt Thường nằm bên ngoài những cái “vòi bạch tuộc”, buộc lòng phải ly khai đất Tổ để thành lập Vương quốc riêng. Đèo Ngang nội hạt trở thành biên giới quốc gia.Có chăng một cuộc chuyển cư thuở đó đã mở đầu cho tiến trình nam tiến liên tục về sau ? Những giếng khơi có tiết diện hình vuông khuông bằng gỗ dạng chuồng lợn (heo) còn rãi rác dọc duyên hải Hà Tĩnh mà rõ nhất là ở xóm Minh Đức, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh bên ngoài Đèo Ngang là của người Sa Huỳnh xưa. Cư dân tiền Chămpa rút lui dần vào phía trong sau khi Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và cho dựng cột đồng trụ xác định lãnh thổ bị trị chăng? Huế của Bộ Việt Thường thuộc Vương quốc Văn Lang trở thành một bộ phận của quận Nhật Nam ngót 400 năm đầu thời Bắc thuộc rồi buộc phải ly khai để trở thành hai châu Ô, Rí của Vương quốc Chămpa. Vậy là từ năm 192 sau Công nguyên quận Nhật Nam trong tổ chức hành chính Bắc thuộc bị vở thành hai mãnh. Trong tình thế đó, chống ách đô hộ phương bắc cũng có nghĩa là chống phía bắc hình thành ngày càng sâu tính đối lập hận thù trong ngoài Đèo Ngang. Vương quốc Lâm Ấp (Tiền Chămpa) ra đời. Đèo Ngang nghiễm nhiên trở thành biên giới quốc gia và nghiễm nhiên trở thành ranh giới khu vực văn hoá Đông Á – Đông Nam Á. Bên ngoài Đèo Ngang tiếp thu và chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa hình thành dần một nền văn hoá lưỡng hợp Hán - Việt. Bên trong Đèo Ngang ấm áp xa gió mùa Đông-Bắc giá lạnh trở lại trạng thái an nhiên nằm bên ngoài chính sách đồng hoá của các quan Thái thú, Thứ sử Hán, Tấn Tuỳ Đường. 877 năm (192-1069) Vương quốc Chămpa sống trong tư thế độc lập tự chủ mà bộ phận cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo chiếm ưu thế đã từ chối ảnh hưởng văn hoá Hán, phát huy bản lĩnh, bản sắc văn hoá Nam Á làm nên một thời cực thịnh với các công trình kiến trúc đền tháp rực rỡ kiêu sa theo phong cách Ấn độ cổ đại tồn tại cho đến ngày nay. Huế nằm trong sự phát triển chung của Vương quốc Chămpa thuở đó.

Năm 938 sau Công nguyên Ngô Quyền làm nên chiến công Bạch Đằng giành được quyền tự chủ thì nửa phía nam của Bộ Việt Thường thuộc Vương quốc Văn Lang xưa đã quá xa lạ với vùng đất Tổ. Thu hồi và ly khai là hai trạng huống lập thành hai cực đối lập giữa Đại Việt với Chămpa. Năm 1069, nhà vua Lý Thánh Tông (1054-1072) tiếp nhận ba châu Đại Lý, Ma Linh, Bố Chính. Quá trình thu hồi lãnh thổ đồng hành với quá trình di dân bắt đầu từ năm 1075, khi Lý Thường Kiệt tổ chức đưa người từ Hoan - Diễn vượt Đèo Ngang vào phần lãnh thổ mới nhập về Đại Việt. Sự kiện này tuy chưa có tác động trực tiếp xáo trộn cộng đồng cư dân Huế, nhưng từ sau năm 1069 chiến tranh giành và giữ vùng lãnh thổ cũ - mới này giữa hai Vương triều Việt - Chăm lại thường xuyên diễn ra. Ngũ Bồ ? (Có lẽ là vùng Ô, Rí trước khi trở thành Thuận Hoá) nhiều năm là chiến địa. Đấu tranh tự tồn đã làm nên tính tự tôn và truyền thống liên minh thị tộc được gọi dậy càng trở nên bền vững. Phải chăng đó là nguyên nhân hình thành tính cục bộ khép kín của mỗi vùng cư dân bản địa. Huế nằm trong bối cảnh này. Hôn nhân Việt – Chăm qua Trần Huyền Trân - Chế Mân (Jaya SimhavarmanIII) là sự kiện lớn giữa hai nhà nước nhưng cụ thể trực tiếp lại diễn ra trên đất Huế. Thuận Hoá ra đời.Thuận và Hoá là địa danh thể hiện khát vọng hoà thuận xum vầy nhưng thuận vẫn có bất thuận, hoá chưa thể hoá ngay.Cộng đồng cư dân Huế vừa tan vở vừa hội tụ khi những lớp người Chăm bản địa rời quê cũ lùi xa về phía trong và lớp cư dân Việt từ Bắc bộ mà chủ yếu là bắc Trung bộ theo Đoàn Nhữ Hài chuyển cư vào tiếp nhận.Văn hoá dân gian Chăm mang đậm bản sắc Nam Á lùi một bước, văn hoá dân gian Việt đã chịu ảnh hưởng văn hoá Đông Á tiến lên một bước. Thuận Hoá - Huế trở thành vùng đất đụng độ giữa hai thế lực và giữa hai dòng văn hoá Bắc - Nam. Nhưng nhờ nền tảng sinh thành văn hoá Huế vốn là sản phẩm tương tác đồng thời của hai tập đoàn cư dân Đông Sơn – Sa Huỳnh trong tinh thần đồng cam cộng khổ buổi đầu. Bởi thế, tính tiếp thu hội nhập trội hơn tính đối kháng cực đoan .Vậy là từ tuổi đầu thế kỷ XIV qua sự giao hoà giữa văn hoá mang bản sắc Đông Á (di trú) và văn hoá mang bản sắc Nam Á (bản địa) đã làm nên văn hoá Huế có những nét đặc trưng Đông Nam Á.

Đợt Nam tiến ồ ạt của Hồ Quý Ly về hình thức đã lập nên các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa có di dân nhưng quá vội vàng khi chỗ đứng ở mạn ngoài chưa vững nên rơi vào tình thế “đưa con bỏ chợ”. Lớp cư dân đầu thế kỷ XV của Hồ Quý Ly bơ vơ đành phải tìm ra lối sống biết đổi mầu để tự tồn là nhanh chóng hoà nhập vào cộng đồng cư dân bản địa (Chăm hoá). Đó là cách hành xử khôn ngoan nhất mà có lẽ những người miền ngoài sinh kế trên biển không may bị gió bão hất vào vùng đất lạ từ nhiều thế kỷ trước đã trải qua. Bởi biển Đại Việt – Chămpa không chấp nhận ranh giới Đèo Ngang, đèo Hải Vân hay bất cứ một thứ chướng ngại vật nào trên bộ. Những người Việt đi buôn (ngày trước gọi là trẫy) bằng thuyền mành, những ngư dân gặp nạn trên biển bị gió bão hất vào phía trong ở lại hoặc trở về. Những người trở về mặc nhiên thành các nhà thám hiểm thông báo tiềm năng môi trường sống và có khi là hoa tiêu tiền trạm đưa những người di cư tự do vượt biển đi tìm đất mới. Đương nhiên là lẻ tẻ và đương nhiên là trước Công chúa Trần Huyền Trân. Người Chăm gốc Việt ở trung và nam Trung Bộ, người Khơme gốc Việt ở Nam Bộ có nguồn gốc xa xưa có lẽ là như thế (dự đoán). Trong một buổi hàn huyên thầy trò bên tách trà Thái, giáo sư Trần Quốc Vượng có nhắc đến nội dung một bản sớ dâng lên vua Lê Anh Tông (1557-1573) vào năm Kỷ Tỵ - 1569, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã viết về sự có mặt của những người Việt trên đất Đông Phố. Năm đó (1569), bên trong đạo Quảng Nam vẫn còn Vương quốc Chămpa. Người Việt vào Đông Phố hẵn là do đường biển.

Năm 1470 với cuộc Ngự giá thân chinh bách thắng của nhà vua Lê Thánh Tông để lập nên Đạo Quảng Nam đã đưa biên giới Đại Việt vào đèo Cù Mông thì Thuận Hoá - Huế trở thành hậu phương vững chắc của cuộc viễn chinh này. Văn hoá Việt -  Đông Á chiếm lĩnh thế thượng phong. Văn hoá dân gian mang tính bản địa chấp nhận sự dung hợp mà tính trội thuộc về cư dân di trú. Nội chiến Nam - Bắc triều, Mạc chiếm Huế, Trịnh xây dựng lực lương chống Mạc. Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), sau khi đã lập mưu sát hại Nguyễn Uông, Trịnh Kiểm tìm cách gạt Nguyễn Hoàng ra khỏi bản doanh Hoàng Mai để độc chiếm ngọn cờ phò Lê. Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hoá theo thâm ý của Trịnh là để đánh nhau với Mạc nhưng nhờ vậy mới có cơ hội xây dựng đất đứng chân chống Trịnh. Đợt Nam tiến có tổ chức dưới sự chỉ huy khôn ngoan của một danh tướng 34 tuổi văn võ toàn tài từng bước làm thay đổi cục diện Thuận Hoá rồi Thuận - Quảng. Từ đây văn hoá dân gian Huế phát triển với sự lớn mạnh nhanh chóng của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. Huế Thủ phủ (1636-1774), Huế Kinh đô của phong trào Tây Sơn (1788 – 1801), Huế Kinh đô của Vương triều Nguyễn (1802-1945) là trung tâm hội tụ anh tài đất Việt làm nên cộng đồng cư dân Huế. Văn hoá dân gian Huế thừa hưởng tinh hoa của cả nước góp về.

Tuy hiện thời cộng đồng cư dân Huế gồm 17 tộc người nhưng tính trội để làm nên bản sắc văn hoá dân gian Huế chủ yếu là Việt, Chăm, Katu, Taôi trong đó văn hoá Việt giữ vị trí chủ thể (xin xem tiếp phần “Văn hoá dân tộc thiểu số”ở chương sau).

 Nghề và làng nghề truyền thống

 Nghề xuất phát trước tiên vì lẽ sinh tồn. Ăn - Ở - Mặc. Thoạt đầu thức ăn chủ yếu là chiếm đoạt nguồn thực phẩm tự nhiên bằng phương thức săn bắt và hái lượm. Ngẫu nhiên những hạt, quả thừa vứt quanh chỗ cư trú lên cây kết trái gợi ý cho con người biết trồng trọt. Những con chim thú săn bắt được như chó, lợn, gà, vịt...còn sống cần để lại cho những ngày sau phải nhốt và phải cho chúng ăn uống. Trồng trọt, chăn nuôi manh nha và nghề nông ra đời từ đó. Có lẽ đây là nghề xuất hiện đầu tiên của con người trong quá khứ. Vùng mưa nhiệt đới thích hợp với quá trình sinh trưởng của vạn vật nên Đông Nam Á đã là “quê hương phát minh” nghề trồng lúa nước cống hiến cho nhân loại nguồn thức ăn bền vững.

Di vật đá kỳ lạ” mà Thạc sĩ Lê Duy Sơn nhắc đến (bài đã dẫn) chỉ là một phiến đá khá lớn có gia công do ông Phan Thị ở làng Ngọc Hồ đi đốt than tình cờ nhặt ở khe Bùn (Kim Phụng) khi gánh của ông bị lệch. Sinh thời Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng thì nghiêng về phía một mãnh (phím) đàn. Cố Giáo sư Trịnh Cao Tưởng lại cho đó là lưỡi cuốc dùng trong lễ nghi của cư dân nông nghiệp lúa nước.   

Người Đông Sơn và người Sa Huỳnh đều đã hiện diện trên đất Huế nên để có trống đồng, có chum vại...một việc đương nhiên trước hết là phải có cái ăn.Vì thế nghề Nông lúc nào cũng đi trước mọi ngành nghề khác một bước. Tư liệu sản xuất của nghề Nông là ruộng. Ruộng liên tiếp làm nên những cánh đồng. Nhiều người làm ruộng hợp lại với nhau trên các dãi đất cao ráo bên ruộng hình thành từng ấp sơ khai. Ấp nối với ấp thành làng. Làng nghề Nông có mặt khắp ba miền Bắc – Trung – Nam của nước ta. Huế là sự góp mặt trước tiên và chủ yếu là cư dân nông nghiệp ba miền.

Đất Huế hẹp. Ruộng Huế nhỏ. Huế không có những cánh đồng rộng “thẳng cánh cò bay” như châu thổ sông Hồng, châu thổ sông Cửu Long nên người Việt Huế làm nên làng nghề Nông Huế có những nét khu biệt so với làng mạc ở hai đầu đất nước. Miền Bắc nhiều đê, cư dân bám theo đê làm thành các dãi làng dạng xương cá. Miền Nam đất bằng phẳng lại mênh mông nên làng là sự liên kết các miệt vườn thưa. Đó là những nét đại thể. Huế hẹp lại lắm núi đồi, nhiều sông ngòi đầm phá nên làng thể theo địa hình mà tạo lập. Ở vùng núi và gò đồi làng men bên triền các thung lủng để vừa cấy lúa nước vừa trỉa lúa khô, trồng rau khoai sắn đồng thời thu lượm sản phẩm sẵn có của rừng. Làng ở đồng bằng thường lũ lụt nên tụ lại trên những doi đất cao bên ruộng. Thế làng, dáng làng theo thế đất mà thành. Với nền kinh tế tự cung tự cấp nghề Nông chiếm ưu thế thì làng nông mang tính phổ quát trên toàn bộ các khu dân cư Huế. Bởi yêu cầu tự vệ (vì một thời Huế là bãi chiến trường), lại bởi các doi đất cao không rộng bên những cánh đồng và cả bởi gió bão lũ lụt, con người co cụm lại với nhau lúc tối lửa tắt đèn, để hoạn nạn có nhau nên mật độ dân cư chen chúc trong các làng mạc tương đối cao, tính liên kết cộng đồng làng xã tương đối vững. Đây là ưu thế để cư dân nông nghiệp Huế có thể tiếp thu, phát huy phát triển các ngành nghề thủ công phù trợ khi nông nhàn buổi đầu và khi có nhu cầu xã hội thì dễ trở thành từng làng nghề thủ công chuyên nghiệp về sau.

Trước thế kỷ XX người làm nghề nông chiếm tỷ lệ 95% trong tổng số số nhân khẩu cả nước. Huế cũng vậy. Nông thôn (thôn làm nghề nông) nằm giữa Kinh đô là chuyện thường. Dĩ nông vi bản. Nghề Nông đứng đầu bách nghệ.

Sau ăn là đến mặc. Nghề dệt đứng bên cạnh nghề nông đương nhiên phải ra đời. Nhu cầu mặc trong một nền kinh tế tự sản tự tiêu còn manh mún và được coi là nghề phụ gia đình phục vụ một vài nhà một vài làng trong phạm vi hẹp. Mặt khác, bởi sức mua nội hạt mang tính vùng miền nên chưa thể trở thành những làng dệt tập trung đúng với nghĩa làng nghề nhưng dường như đã xuất hiện từng cụm ở khắp ba huyện Đan Điền, Hương Trà, Tư Vinh (nay là Thừa Thiên Huế).Ô châu cận lục do Dương Văn An, Tiến sĩ thời Mạc nhuận sắc đủ cho ta nhìn thấy điều này. Nghề dệt ở Huế vừa mang tính bản địa (do người Chăm) vừa mang tính tiếp thu (do người Việt mang từ phía Bắc vào). Nhạc Nô, Thư Chí có nghề dệt vải. Niêm Phò, Nam Phò có nghề dệt lụa. Vĩnh Cố có nghề dệt gấm thêu hoa. Tính tự cung tự cấp vốn thế. Cái ăn tự lo, cái mặc tự lo. Nguyên liệu dệt chủ yếu là tơ, sợi lấy từ cây dâu, cây bông, cây gai... nên nghề nông và nghề dệt có trong một nhà, có trong một làng là chuyện bình thường.Nhưng cây bông và cây dâu chỉ phát triển thành vùng nguyên liệu nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp và ngành dệt phải trãi qua nhiều công đoạn lại đòi hỏi khéo tay nên không phải bất cứ làng nào cũng  trồng dâu nuôi tằm dệt lụa được. Ngày xưa làng có nghề dệt thường sầm uất hơn, thịnh vượng hơn. Con gái ít lam lủ lại làm nên tiếng canh tiếng cửi rộn ràng. Làng có nghề dệt lúc nào cũng vui với dập dìu nam thanh nữ tú. Địa danh Bãi Dâu còn đó có lẽ một thời từng cung cấp nguyên liệu cho làng Thụy Lôi (sở tại) nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, đan lưới.

Sau ăn mặc nhu cầu thiết yếu thứ ba là ở. Nghề làm nhà ra đời với việc dựng làng lập nghiệp. Người Việt Nam ta ai đã biết làm ruộng là đều biết làm nhà tranh tre nứa lá. Tính tự lập dạy cho con người tự tìm lấy cái ăn, cái mặc, cái ở nên ba loại ngành nghề này gắn bó mật thiết với nhau từ thuở mới sinh thành. Trên thế gian này (tôi nghĩ thế) không ở đâu mà con người lại khéo tay hay làm như nông dân nước ta. Nghề làm nhà tre mang tính phổ biến của cư dân nông nghiệp Việt Nam cũng mang tính phổ biến của cư dân nông nghiệp Huế. Không người nông dân nào không biết làm nhà tre. Hơn nhau là ở phần khéo tay tạo nên kỹ thuật và mỹ thuật. Cuộc sống ngày một khá lên, nhu cầu ăn no hơn, ngon hơn, mặc ấm hơn, đẹp hơn, ở rộng hơn, cao ráo bề thế hơn. Văn hoá cư trú đồng hành với văn hoá nông nghiệp là vậy.Nhà không dừng lại ở nguyên liệu tre nứa dễ kiếm mà vươn lên gỗ, đá, gạch, ngói. Nghề mộc, nghề nề, nghề ngoã ra đời. Nhu cầu ăn mặc ở càng cao, yêu cầu sản lượng nông nghiếp tương ứng. Nông cụ, công cụ đòi hỏi tốt hơn, tiện hơn. Nghề rèn, nghề gốm, ...xuất hiện. Với 120km bờ biển, 22.000ha mặt nước đầm phá và nhiều sông ngòi nghề cá tiếp sức và bổ túc vào nghề nông. Nhiều làng  nằm trên dải cồn cát chạy dài từ Điền Hương vào Vinh Hiền hoặc bám bên đầm phá không có ruộng trở thành những làng đánh bắt thuỷ sản. Ngư nghiệp xuất hiện thì nghề làm đăng, đan lưới, đóng thuyền, đan lát cũng sinh thành. 252 năm (1306-1558) đầu của xứ Thuân Hoá  nghề và làng nghề Huế ra đời theo lẽ tự nhiên, liên đới với nhu cầu của nền kinh tế tự cung tự cấp trong một vùng đất hẹp thường bị bỏ quên hoặc thường bị “cấm vận”. Không tự túc không tồn tại. Bởi tính tự sản tự tiêu nội sinh đủ phục vụ nhu cầu thiết yếu thường ngày, nghề và làng nghề ra đời trong 252 năm ấy chưa tách thành các làng nghề đúng với nghĩa của nó.Có chăng đó mới là các cơ sở thủ công phục vụ nhu cầu tại chỗ. Hoá Châu từng là trung tâm một thời : Rí – Lý – Hoá vẫn không tạo nên được các làng nghề “vệ tinh”. Nghĩa là thị chưa có sức mua lớn, chưa phát huy thế mạnh giao lưu xuất nhập rộng.

Sau năm 1558, khác với các quan lại trước, Nguyễn Hoàng ngoài chức trách Trấn thủ của triều đình Lê - Trịnh vào dẹp Mạc, an dân, ông còn mang trong lòng một sứ mệnh cao cả là bảo tồn giống nòi và xây dựng đất dấy nghĩa cho dòng họ mình để giành lại vị thế Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công đã bị Trịnh cướp. Hợp tác trong tình thế đối đầu đã tạo nên sách lược hai mặt là vừa đóng góp đầy đủ quân nhu cho triều đình Lê - Trịnh đồng thời với việc xây dựng cơ sở tự thủ cho mình. Ngay từ đầu trong đoàn quân bản bộ theo ông làm nên cuộc nam tiến lịch sử có không ít những người thợ lành nghề. Công việc xây doanh trại ở Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát (Quảng Trị) đã nói lên điều này. Làng nghề đúng với nghĩa của nó lần lượt xuất hiện. Làng gốm Phước Tích, làng kim hoàn Kế Môn, làng điêu khắc Mỹ Xuyên, Làng rèn Hiền Lương, làng mộc Phước Yên, làng kim khí Mậu Tài, làng đúc Dương Xuân ... lập thành một vệt bắc nam theo dấu chuyển dịch của phủ Chúa xứ Đàng Trong.

Xuất phát từ nhu cầu cung ứng sinh hoạt của làng xã khép kín nâng lên thành cung ứng nhu cầu vương phủ, quan lại thuộc quyền, binh sĩ, vùng miền, chiến tranh... . Sang thế kỷ XVII khi thương cảng Hội An và Thanh Hà ra đời thì nhu cầu trao đổi hàng hoá mang tính xuất khẩu kích thích như một chất xúc tác mạnh. Nghề và làng nghề Huế có một bước vươn lên đột biến. Nhiều làng nghề thủ công phi nông nghiệp đủ mạnh, đủ sức cung ứng mọi nhu cầu xã hội Đàng Trong. 11 vạc đồng được đúc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), 9 khẩu súng thần công được đúc đầu thời Gia Long, 9 đỉnh đồng được đúc giữa thời Minh Mệnh còn lại với Huế hôm nay là thành tựu tuyệt vời của ngành đúc đủ đại diện kiêu hãnh cho toàn ngành thủ công mỹ nghệ Huế. Đương nhiên sang thế kỷ XIX với yêu cầu xây dựng Kinh đô Phú Xuân thợ thủ công cả nước được mộ về đã góp phần làm nên bước phát triển có tính nhảy vọt của ngành thủ công Huế. Nghề và làng nghề truyền thống Huế thực sự định hình.

                    Đệm lác Phò Trạch, ngói gạch Triều Sơn

                        Bao La thúng mủng, Hiền Lương nghề rèn

                        Chạm trổ nổi tiếng Mĩ Xuyên

                        Phước Tích đồ gốm, đóng thuyền Thuận An

                        Kim Luông thêu, dệt đảm đang

                        Đốc Sơ làm giấy, dâu tằm Bao Vinh...

                                                   (Triều Nguyên, Ca dao Thừa Thiên Huế)

 Trong bài “Lược khảo thủ công nghiệp Thừa Thiên Huế trước năm 1945” Tiến sĩ Nguyễn Thị Đảm đã có nhận xét xác đáng rằng : “Thủ công nghiệp Thừa Thiên Huế có tốc độ phát triển nhanh, trình độ sản xuất cao, không trải qua quá trình lâu dài như thủ công nghiệp Việt Nam. Thủ công nghiệp Việt Nam phải mất hơn chục thế kỷ mới đạt tới giai đoạn thịnh vượng. Thủ công nghiệp Thừa Thiên Huế chỉ hơn một thế kỷ sau khi hình thành đã tiến đến sự thịnh vượng. Đến thế kỷ XVII – XVIII đã tiến kịp mức phát triển chung của thủ công nghiệp Việt Nam. Thế kỷ XI X, một số ngành đã đạt đến đỉnh cao, như chế tạo máy móc thì chưa nơi nào ở Việt Nam có thể làm được”. (Cố đô Huế Xưa và Nay, nhà Xuất bản Thuận Hoá, Huế, 2005, trang 268)

 Tín ngưỡng – tôn giáo

Huế một thời thuộc Bộ Việt Thường, một thời thuộc Tiểu quốc Hồ Tôn, một thời Lâm Ấp, một thời Chămpa, một tời Thuận Hoá - Đại Việt và một thời Kinh đô đất nước. Bởi vậy giành và giữ, ly khai và hội nhập, tiếp thu và truyền bá...luôn luôn tạo thành hai mặt đối lập của sự thống nhất đã làm nên thuộc tính hỗn cư đa sắc. Người Chăm Sa Huỳnh, người Việt Đông Sơn thuộc hai dòng ngôn ngữ Nam Đảo và Nam Á làm nên vùng cư dân Huế lưỡng hợp thuở ban đầu là cơ sở đoàn tụ các lớp người “nam tiến” (chủ đạo) và “bắc tiến”(nhất thời) về sau. Người Việt, người Việt gốc Hoa, người Việt gốc Chăm, người Katu, người Taôi, người Bơru ... tạo lập thành từng vùng cư trú chung và riêng làm hằn lên các mảng mầu địa văn hoá tương ứng.Tín ngưỡng dân gian Huế ra đời trên nền hội tụ bởi sự hợp cư và phân giải đó. Tín ngưỡng mang tính phổ biến là thờ cúng tổ tiên ông bà. Nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên (Giáo dân Cơ đốc giáo một thời xoá bỏ nay đã thiết lập lại) đặt ở trung tâm trang trọng nhất trong nhà. Họ nào cũng có nhà thờ họ xây dựng ở khu đất đẹp nhất của mỗi họ. Làng nào cũng có đình, đền, am, miếu thờ linh thần, phúc thần, nhân thần, thờ Thành hoàng, thờ người khai canh, khai cư...Thế giới tâm linh càng phong phú thì tính nhân văn càng cao và nhân tình thế thái càng đẹp. Vong ân bội nghĩa phá hoại đền miếu thường dẫn đến bất trị và đạo tặc hoành hành. Cho hay, người xưa lập đình chùa đền miếu thờ người đã khuất chính là để dạy bảo người còn. Ta không biết đó thôi. Ông cha ta tinh tế lắm.

Ngoài tín ngưỡng thờ cúng gia tiên thể theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” muôn thuở, cư dân Huế vốn là cư dân nông nghiệp thuộc vùng văn hoá lúa nước Đông Nam Á nên từ xa xưa con người coi “đất” và “nước” là nguồn sinh thành dòng sữa mẹ. Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ đó. Mẫu Thoải (thuỷ - nước), Mẫu bà chúa Ngàn (núi - đất) trong các am thờ Mẫu ở các làng quê Huế suy cho cùng là hình tượng Đất và Nước - nguồn sống của cây lúa suy rộng hơn là nguồn sống của con người. Thờ Mẫu là thờ một hình tượng ân nhân vô hình mà con người sơ khai cho rằng không có “Mẫu - Mẹ” (Đất và Nước) thì không có sự sống. Công chúa Liễu Hạnh (Bắc),Thiên Y A Na (Trung, Nam) là Thánh Mẫu đứng đầu các Mẫu được thờ tại điện Hòn Chén và nhiều am miếu khác gợi nên nguồn gốc hợp dung tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp Việt - Chăm trong quá khứ.

Cộng đồng cư dân Huế là sự hợp dung sinh thành từ nhiều nguồn nhiều lớp bản địa và di trú diễn ra trong trường kỳ lịch sử làm nên tính đa dạng về tâm lý, tâm linh, đa dạng về tín ngưỡng. Người bản địa và miền núi Huế một thời chịu ảnh hưởng tư tưởng đa thần giáo. Người Việt phía bắc vào mang theo tâm thức của cư dân sông Thao, sông Đà, sông Hồng, sông Mã, sông Cả. Người Việt từ phía nam ra mang theo tín ngưỡng dân gian vùng sông nước Cửu Long..., đã chung sức chung lòng làm nên vùng văn hoá Huế đa sắc vừa là cái nôi sinh thành vừa là cái nôi hội nhập. Tín ngưỡng Huế thể hiện đầy đủ trong mỗi nhà, mỗi vườn, mỗi xóm, mỗi làng. Đình, chùa, đền, đài, miếu, vũ, nhà thờ họ tộc, nhà thờ làng xã, am, đàn... đủ các loại hình, đủ các quy mô. Với hình thức đẹp, với vị trí phong quang, với tấm lòng thành kính thực sự Huế là nơi có thể nói là duy nhất làm nên thế giới tâm linh tương ứng với thế giới sinh tồn. Bởi niềm tin bất hoại từ thuở sơ sinh, khi con người chưa đủ tri thức để nhận biết mọi hiện tượng thiên nhiên và tính toàn năng của vũ trụ đeo đẳng trong tâm thức và lẽ sống còn càng ngày càng sâu thẳm, càng thiêng liêng. Thờ cúng gia tiên - nguồn gốc của giống nòi, thờ Mẫu - nguồn gốc của sự sống, mỗi làng, mỗi xóm còn do một hoặc nhiều vị Thành hoàng, nhiều vị Phúc thần, nhiều vị khai canh khai cư  -  nguồn tạo lập...Ngoài những nét chung như thế ở mỗi vùng mỗi miền cụ thể còn tuỳ thuộc điều kiện môi trường sinh thái và nghề mưu sinh chính, tín ngưỡng dân gian còn mang những nét đặc trưng riêng biệt. Vùng cư dân đánh cá ven biển, ven đầm còn có đền miếu thờ Càn Hải Đại Vương, thờ cá Ông, cư dân miền núi (Katu, Taôi...) thì chủ yếu thờ thần núi, thần suối, thần rừng đầu nguồn. Việt Chăm làm cái lõi của cộng đồng cư dân Huế nên tín ngưỡng Huế nhìn chung là sự hỗn dung chủ yếu của hai dòng tâm thức Bắc - Nam. Cũng ở thế kỷ này nhà Minh (1369-1649) bước vào cõi suy. Nhà Thanh (1649-1916) giành được quyền thiết lập Vương triều. Nhiều người Trung Hoa kỳ thị chủng tộc nuôi tư tưởng “bài Thanh phục Minh” không thành, chạy sang đất Nam Hà tá túc. Với tấm lòng cứu người hoạn nạn, các chúa Nguyễn đã đón nhận và che chở họ. Một vài Minh Hương (làng người Minh) ra đời. Tín ngưỡng thờ Thiên Hậu cung, Quan Thánh đế... bắt đầu góp mặt trong thế giới tâm linh và làm phong phú thêm tín ngưỡng dân gian Huế.

“Thái quá thì bất cập” có nơi có lúc tín ngưỡng bị lạm dụng bởi toan tính riêng, gây nên nhiều bức xúc (đốt vàng mã vô lối, làm chay, hầu bóng...) gây nên tốn kém, ô nhiễm làm băng hoại sự lành mạnh trong niềm tin ban đầu xuất phát từ lòng biết ơn quá khứ.

Như đã trình bày ở phần trên. Vương quốc Âu Lạc bị thôn tính. Bộ Việt Thường bị xoá. Vương quốc Chămpa ra đời trở nên đối lập với Giao Chỉ bị trị. Vào thời điểm đó văn minh Ấn Độ toả sáng cả vùng Nam Á rộng lớn và đang lan toả mạnh sang phía đông.  Trong bối cảnh đó Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo, Bani giáo, Siva giáo, Phật giáo theo các lớp tu sĩ, lái buôn đến với Chămpa. Người Việt di trú mang tâm thức tín ngưỡng du nhập từ hàng nghìn năm Bắc thuộc bổ sung hoà hợp làm nên tín ngưỡng dân gian Huế. Tín ngưỡng dân gian mở ra những “lối mòn tâm thức” dẫn con người tìm đến tôn giáo.Việt Chăm chung sức, chung lòng đánh bại đế quốc Nguyên Mông. Hôn nhân Chăm - Việt vào đầu thế kỷ XIV thể hiện sự hoà hợp lịch sử trong niềm vui chiến thắng đó. Người Việt thời Trần, người Việt thời Lê sơ mang Phật giáo Đại Thừa (Bắc Tông) vào Huế. Chùa Phật dưới dạng thảo am đây đó đã được dựng lên để làm điểm đồng quy và làm chỗ dựa tinh thần cho những người con tha hương. Vương quốc Chămpa đa tôn giáo lại bị chia cắt bởi địa thế, địa hình nên tính liên kết quốc gia giữa các vùng dân cư kém bền vững là nguyên nhân làm nên tan rã. Có lẽ chúa Tiên Nguyễn Hoàng là người đã nhìn ra điều đó. Sau 43 năm (1558 – 1601) trăn trở xây dựng đất đứng chân vị chúa Nguyễn thao lược này đã nghĩ đến sự cố kết nhân tâm. Huyền thoại về chúa Nguyễn Phúc Tần được thần nhân báo mông hai câu thơ: “Tiên kết nhân tâm thuận. Hậu thi đức hoá chiêu” phải chăng là di huấn cuả Nguyễn Hoàng thấm sâu trong tâm khảm các vị chúa Nguyễn kế nghiệp.

Tạo dựng chùa Thiên Mụ (1601), tái thiết chùa Sùng Hoá và hàng loạt chùa chiền khác trên đất hai trấn Thuận - Quảng trong những năm đầu thế kỷ XVII chính là xây dựng căn cứ trong lòng người để thực hiện tư tưởng “Tiên kết nhân tâm thuận”. Một nhà Nho lại xiển dương Phật giáo để thực hiện sứ mạng lịch sử đang đặt lên vai ông là xây dựng căn cứ đứng chân “vạn đại dung thân” trên vùng đất ô hợp đầy bất ổn này. Một tôn giáo chính thống sẽ làm nên một vùng dân cư chính thống. Nho giáo xa lạ với cư dân bản địa. Bà La Môn giáo hay Ấn độ giáo lại xa lạ với các lớp cư dân di trú từ Đàng Ngoài vào. Phật giáo dung hoà cả hai phía cư dân trở thành ngọn cờ tập hợp và chùa Thiên Mụ trở thành điểm đồng quy xứ sở tính từ năm đó (1601). Sức mạnh bởi sự cố kết của xứ Đàng Trong mỗi ngày một mở rộng làm nên chỗ dựa khi họ Nguyễn thất thế lâm nguy và góp sức làm nên Vương triều Nguyễn thế kỷ XIX. Nhà Tây Sơn phá chùa Thiên Mụ đã đánh mất niềm tin của dân chúng và khi sa cơ ít người muốn cứu. Phật tử Huế trong một lúc nào đó được coi là lương dân - dân lương thiện trước sự du nhập của Cơ đốc giáo – “tả đạo”từ mạch thấm này.

Do nhu cầu xây dựng lực lượng chống Trịnh và sự kích thích phát triển khi Hội An đã giang rộng cánh tay ra phía biển, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên  mời cha con nhà Jean De La Croix, người Bồ Đào Nha từ Hội An ra Huế giúp nhà Chúa mở xưởng đúc vũ khí đạn dược. Jean De La Croix theo đạo Thiên Chúa cần có nơi hành lễ hàng tuần. Nhà Chúa cần vũ khí và một số sản phẩm đúc theo kỷ thuật và phương pháp châu Âu, không có cha con nhà Jean không làm được. Nhà thờ Cơ đốc giáo đầu tiên xuất hiện trên đất Huế từ lẽ đó. Do những giáo lý xa lạ lại can thiệp vội vả vào tín ngưỡng thờ gia tiên của cư dân bản xứ, nên cuối thế kỷ XVII và nhất là sang thế kỷ sau, các vị chúa Nguyễn lạnh nhạt dần với tôn giáo này, có khi đã trục xuất một số người truyền đạo ra khỏi xứ. Kinh đô Huế thất thủ (1885), các vua Nguyễn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nằm trong sự khống chế của các quan Toàn quyền, Khâm sứ, Công sứ Pháp. Cơ đốc giáo có cơ hội thuận lợi đã mở rộng vùng ảnh hưởng để thực hiện công cuộc Phúc Âm hoá. Nhà thờ với tháp chuông cao theo phong cách kiến trúc Gô tích lần lượt trình diện trên đất Thần kinh. Vậy là tôn giáo đông tây nam bắc đều có mặt ở miền núi Ngự sông Hương. Ấn độ giáo, Bà La Môn giáo phai dần theo từng bước chuyển cư hoặc Việt hoá của những lớp người Chăm sau năm 1306. Cơ đốc giáo phát triển nhanh sau năm Ất Dậu, 1885. Tuy nhiên, Phật giáo đã từng đồng hành với những lớp người đi mở nước, đã từng cứu vớt an ủi và chia sẻ vui buồn với nhiều số phận tha hương nên sớm trở thành chỗ dựa của phần lớn cư dân Huế. Chùa và vườn Chùa lại là biểu tượng của thanh bình, êm hoà, thân ái trở thành hình mẫu cư trú ngoạn mục góp phần làm nên tâm thức chân, thiện, mỹ ở mỗi con người. Nho giáo, Lão giáo vốn dĩ là “bạn đồng hành” của Phật giáo nên dễ được người Huế khoan dung tiếp nhận đã làm nên một vùng tín ngưỡng “tam giáo đồng nguyên”.

Bởi mang đặc tính sinh thành trong lẽ đoàn tụ cư dân Huế có Bắc có Nam đã làm nên một vùng văn hoá tâm linh đa sắc thì cũng làm nên một vùng tín ngưỡng tôn giáo đa dạng giàu chất nhân văn. Lễ và hội bắt nguồn từ đó.

 Lễ và Hội  

Huế là vùng đất hội tụ nhân sinh cũng có nghĩa là hội tụ tín ngưỡng. Lễ từ tín ngưỡng mà thành. Hội nhờ lễ mà có. Tín ngưỡng Huế phong phú và đa dạng. Lễ và hội ở Huế thực sự cung kính trang nghiêm, muôn mầu muôn vẻ.

Mang tính phổ biến trước hết là lễ gia tiên.

Mỗi gia đình người Huế đều dành một vị trí trang nghiêm nhất - thường là trung tâm của ngôi nhà chính - để thiết trí bàn thờ gia tiên. Gia tiên được thờ thường là năm đời (nếu là ngũ đại đồng đường), bốn đời (nếu là tứ đại đồng đường) ba đời (nếu là tam đại đồng đường) cùng thế thứ. Lễ được tổ chức theo nghi thức cúng kỵ (làm giổ) vào ngày tạ thế của người đã khuất. Số người được cúng kỵ nhiều ít tuỳ từng nhà. Lễ dâng cúng có thể là tiệc mặn, tiệc chay nhiều ít thuộc số lượng người tham dự theo lẽ “trước cúng sau cấp” (cúng để dâng lễ vật lên hương linh người quá cố và cấp cho người hiện diện thụ hưởng) hoặc chỉ có hương, hoa, đèn nến, cau, trầu, rượu. Nhà giàu thì mâm cao cỗ đầy. Nhà nghèo thì đơn sơ đạm bạc. Đã là ngày kỵ là phải có lễ dâng, chí ít là cây hương để gửi lời tri ân tiền nhân lên ngọn khói.

Lễ gia tiên thực sự là một biểu hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một hình thức báo hiếu vừa tạ ơn người mất vừa nhắc nhở người còn. Và, qua sự xum họp gia đình nhân ngày kỵ giổ như thế chính là cơ hội để thắt chặt thêm tình huyết thống gia tộc.

Lễ gia tiên trong mỗi gia đình mang tính bền vững bởi bao giờ vật dâng cúng cũng mới, thanh khiết và luôn luôn nhuốm đầy mầu sắc kỷ niệm đền ơn sinh thành dưỡng dục.

Thứ đến là lễ thường niên cho toàn xã hội. Người Việt vào Huế phần lớn là hậu duệ của cư dân sông Hồng, sông Mã, sông Cả nên đều chịu ảnh hưởng kế thừa vốn văn hoá cổ Trung Hoa. Vì thế lễ thường niên ở Huế cũng giống như lễ thường niên trên toàn cõi Việt Nam. Đó là tết Nguyên đán giao thừa giữa hai năm (Âm lịch) cũ, mới; tết Thượng nguyên (hay nguyên tiêu) vào ngày rằm tháng Giêng; tết Đoan Ngọ vào ngày mồng 5 tháng 5; tết Trung nguyên (Vu lan – báo hiếu và xá tội vong nhân) vào ngày rằm tháng 7; tết Hạ nguyên (cúng cơm mới) vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch. Tết Nguyên đán chung cho tất cả mọi nhà, mọi làng, thường là lễ chính trong năm. Các lễ khác tuỳ điều kiện mỗi nhà. Ngày trước thời gian tết kéo dài từ 23 tháng Chạp (tiễn ông Táo về trời) đến tết Nguyên tiêu năm sau. Thứ đến là tết Đoan ngọ. Tết Đoan ngọ (5.5) là tết tưởng nhớ Khuất Nguyên, một danh nhân văn hoá Trung Hoa cổ đại, cũng được coi là tết giết sâu bọ. Tết này lễ cúng thường có vịt nấu măng ăn với bún và nhiều trái cây. Ngày trước, đúng vào giờ ngọ (12 giờ trưa) mọi người còn ra sân nhìn lên mặt trời, nuốt 7 (đối với nữ), hoặc 9 (đối với nam) búp hoa mè (vừng) để đề phòng bệnh đau mắt.

                        Mồng 5 thịt vịt chè kê

                        Ông bà ông vải xin về mà ăn.

 Tết Trung Thu vào đêm rằm tháng 8. Tết này lễ cúng chủ yếu là các loại bánh kẹo và coi như là tết dành cho tuổi trẻ. Bởi vậy tính chất hội hè đậm hơn những tết khác trong năm. Múa lân là hoạt động vui chơi náo nức nhất trong tết Trung Thu này. Mỗi lễ tết đều mang một ý nghĩa nhân văn là dịp tri ân các bậc tiền bối chung và riêng hoặc tưởng niệm một danh nhân, một biểu tượng trong sáng vĩnh hằng (Trăng Trung Thu). Ngoài các lễ thường niên vừa nêu được thực hiện hầu như khắp mọi nhà với quy mô tuỳ hỷ. Ngoài ra Xuân – Thu nhị kỳ cộng đồng làng xã còn có hai lễ trọng là Xuân kỳ, Thu báo vào các tháng trọng Xuân (tháng 2), trọng Thu (tháng 8). Đó là lễ Kỳ yên (cầu an ) đầu năm, và Thu tế cuối năm. Lễ Kỳ yên và Thu tế đều tổ chức ở đình chùa đền miếu chung của cộng đồng dân cư làng xã để dâng lễ vật lên Thành hoàng (một biểu tượng vô hình luôn luôn che chở, phù hộ dân làng), Phúc thần, Nhân thần, cùng các vị khai canh, khai cư (người đầu tiên hoặc nhóm người đầu tiên khai hoang lập nên làng đó). Lễ tế thực sự tôn nghiêm kính cẩn có nơi còn phải cung nghinh đón rước như là sự giao hoà tâm linh với cờ quạt tàn lọng chiêng trống nhã nhạc long trọng (rước thần làng An Truyền là một ví dụ). Những đại lễ như thế thường có đủ mặt ba lớp người (lão, trung, thanh) xếp theo thứ bậc tuổi tác như là một cuộc tập dượt thể hiện tính truyền bá và kế thừa giữa các thế hệ. Các vị bô lão và trung niên (chủ yếu nam giới) bận quốc phục cổ truyền. Nam thanh nữ tú bận y phục thời trang nhiều mầu nhiều sắc. Lễ ở dạng này đã có bóng dáng của hội. Hội cung nghinh (rước) trang nghiêm bài bản và được thực hiện theo một trình tự truyền thống bất di bất dịch. Chất lễ vẫn chiếm ưu thế chế ngự mà hội mới chỉ là bóng dáng trong quy thức để làm cho lễ sinh động hơn, linh hoạt hơn.  

Ngoài những lễ mang tính phổ biến chung cho toàn xã hội, ở một số cộng đồng làng xã còn có lễ mang tính vùng miền. Ví như lễ Cầu Ngư của cư dân đánh cá làng Thuận An; lễ kỵ Thánh Mẫu của Hội Tiên Thiên Thánh giáo (chưa được thừa nhận là một tôn giáo) tại điện Hòn Chén và một số nơi; lễ cúng tổ sư làng nghề (Kim Hoàn - Phú Cát; Rèn - Hiền Lương; Mộc – Bao Vinh; Gốm - Phước Tích; Điêu khắc - Mỹ Xuyên...).

Ngoài các lễ mang tính thông tục để tri ân, cầu phúc, cầu may như đã trình bày, ở Huế còn có thêm lễ cúng Đất vào tháng 2 và tháng 8 Âm lịch hàng năm; lễ cúng Âm hồn từ 23 đến cuối tháng 5 Âm lịch, lễ Chạp mộ và cúng Cô hồn vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới.

Lễ cúng đất, xét theo thực tế mâm cỗ, lễ vật là cúng chủ đất của mỗi nhà, mỗi xóm (đường phố). Chủ đất theo quan niệm người cúng chính là chủ nhân có thật của mãnh đất mà người hiện thời đang sở hữu. Chủ đất của mọi gia đình người Huế cúng lễ là người Chăm bản địa trước năm 1306. Nhưng kết hợp với lễ cúng đất mang nội dung đền ơn chủ đất còn cầu xin chư vị Tiên Phật Thánh Thần ban cho ngũ phúc (phú quý thọ khang ninh) và có lẽ tàn dư của tín ngưỡng đa thần giáo còn đậm nên trong sớ “Thiết cúng tạ thổ kỳ an” (cúng đất cầu yên) lại ghi để khấn đủ 20 chư thần thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan đến thế giới tâm linh đang được sùng kính.

Xin lược ghi nội dung sớ cúng đất cầu an như sau :

 Thiết cúng tạ thổ kỳ an.

    Vị trạng ngưỡng sự tư cứ.

    Việt Nam quốc.

    Thừa Thiên tỉnh.

    Phật thương hương hiến cúng Xuân (Thu) tiết lễ tạ thổ thần kỳ an nghinh tường tập phước sự.

    Ngôn niệm an cư lạc nghiệp toàn bằng hậu tải chi ân lợi vật tư sanh đa tạ bao hàm chi đức tư giả bổn nguyệt cát nhật cẩn dĩ kim ngân quan đới hài lạp minh ý trà soạn thanh chước thứ phẩm chi nghi. Hữu cẩn phụng thượng.

    Thừa Thiên hiệumpháp khai hoàng hậu thổ. Thổ hoàng địa kỳ tử anh phu nhân. Thái giám bạch mã tôn thần. Kim niên hành khiển đại vương. Thái tuế chí đức tôn thần.  Dương cảnh thành hoàng đại vương. Bổn xứ thổ địa lý vức chánh thần. Không ly thổ hoả nhị vị tiên nương. Ngũ hành liệt vị tiên nương. Lịch đại tôn sư tôn thần. Đông trù ti mạng táo quân. Ngũ phương thổ công tôn thần. Ngũ phương long thần thổ địa trú trạch thần. Ngọc tuyền kim tinh long vương. Tiền khai canh hậu khai khẩn chi thần. Thập bát long trạch liệt vị tướng quân. Bổn thổ thổ địa phước đức tài thần. Gia đường hương hoả liệt vị oai linh.Ngũ phương chủ ngưng cổ tích chi thần. Môn thừa hộ uý cấm kỵ liệt vị đẳng thần.

    Phổ cập man nương thần nữ chúa lội chúa lạc chôm chợ mọi rợ man di mê linh khô cốt phục thi cố khí thổ mộc tà tinh ly mị vọng lượng nội ngoại gia viên cư nhất thiết yểm trợ nam nữ vô tự âm linh u hồn liệt vị đồng lai hiến hưởng cộng bảo bình an phụ nguyệnhoàng thiên giáng phước hậu thổ thi ân thổ vượng kim sanh thường nạp thương sương ư thiện vạn địa linh nhân kiệt vĩnh trưng tài phước vụ bách tam ngương lại thổ thần liệt vị phò trì chi gia huệ giả cẩn trọng.  

    Ngày ...tháng... năm...”

Lễ cúng đất tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 8 tuỳ điều kiện mỗi gia đình, mỗi khu vực. Trừ ngày dần tất cả các buổi chiều (sau giờ ngọ) của những ngày còn lại trong 2 tháng vừa nêu đều có thể tiến hành cúng lễ được. Nếu cúng ở mỗi gia đình thì mâm cỗ dọn trên bàn lễ đặt ở ngoài sân gần sát cửa ngõ ra vào. Nếu là khu vực thì chọn ở địa điểm trung tâm, ngả ba, ngả tư đường phố. Lễ cúng với thức ăn mặn có đủ xôi chè cơm cháo gà vịt thịt cá, xào rán nấu luôc ... nhiều ít tuỳ hỷ nhưng mấy món sai đây không thể thiếu là : mấy con cá con nướng, 3 quả trứng vịt luộc, 3 con cua luộc, 1 đĩa rau khoai luộc, 1 chén nhỏ mắm nêm hoặc mắm ruốc, một chiếc gùi bằng bẹ chuối tươi và vàng mã. Bên cạnh các thức ăn chín dâng cúng nói trên, còn có một đĩa hoặc tô lớn đựng đầy gạo và trên gạo là một ít tiền mặt. Người già bảo rằng thức chín dâng cúng để tạ ơn xưa, tiền gạo sống là lễ vật van vái xin được ban điều lành tránh điều dữ, quanh năm ăn nên làm ra phúc lộc dồi dào. Một vài con cá mại nướng, một  chiếc gùi (hình tượng), một vài ngọn rau khoai luộc ... trong lễ cúng này thật bình dị mà cũng thật sâu xa. Được mất trong cuộc đời lấy gì mà đong đếm, đền bù. Tấm lòng thôi. Hãy sống với nhau cho phải.

Huế như mọi nơi, từ Quảng Bình vào Bình Thuận, nhưng lễ cúng đất hàng năm dường như chỉ có ở Huế. Sao vậy ?

Ngày trước tại khu vực thành Lồi (xã Thuỷ Biều, thành phố Huế) có một ngôi miếu, người địa phương quen gọi là miếu Hời. Miếu Hời được xây dựng dưới thời Minh Mệnh, để thờ các vị vua Chămpa. Vào tháng Hai (trọng Xuân) và tháng Tám (trọng Thu) hàng năm, Xuân – Thu nhị kỳ, các vua nhà Nguyễn thường sai quan viên tại Kinh lên cúng lễ. Triều đình cúng chủ đất của nước thì dân cúng chủ đất của nhà. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” lan từ trên xuống dưới làm nên sự gắn bó tin cậy của cộng đồng dân cư. Ơn xưa đều quý trọng. Tình xưa càng không quên. Tính nhân văn cao cả thể hiện trong lễ cúng này.

Huế làm được điều đó và, an lành cũng từ đó mà nên. Nhân và tâm không hô hào mà có.

Ngoài các lễ cúng tế đã điểm qua đều mang tính báo đền, ở Huế còn hai kỳ lễ lại mang tính phân phát, ban ơn như “nhà nhà làm việc thiện”. Đó là lễ cúng Âm hồn vào ngày 23 tháng 5 Âm lịch hàng năm – ngày Giổ của Kinh đô Huế. Miếu chính của lễ cúng này toạ lạc tại đường Lê Thánh Tông phía Thuận Lộc, gần ngả tư chung với đường Mai Thúc Loan để cúng sĩ tử, nạn nhân trong ngày Kinh đô Huế thất thủ 23.5.Ất Dậu (1885). Ngày đó, phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu nổ súng gây hấn rồi vội vả ép vua Hàm Nghi rút chạy, Kinh đô rơi vào thảm hoạ. Quân Pháp mượn cớ tàn sát lương dân theo dả tâm giết sạch, phá sạch với thâm ý đánh đòn cân não để đè bẹp tư tưởng chống cự của đối phương, đã làm nên ngày “Quốc hận”. Từ đó, hàng năm vào hạ tuần tháng 5 từ 23 đến hết tháng, người Huế cúng giổ cộng đồng. Tại miếu Âm hồn do bô lão Huế đảm nhận. Các đường phố, các gia đình, các chợ búa, cửa hàng, cửa hiệu, các tổ chức ái hữu bình dân ngoài luồng tuỳ hỷ, thường cử hành cúng tế, ngoài sân, ngoài đường, ngoài bến xe, đình chợ... Bàn cúng chia thành 3 cấp quan viên, tướng sĩ, dân chúng và một mâm thấp nhất cho những người xiêu bạt khi sống không nơi nương tựa, khi chết không nơi thờ phụng. Thức ăn chay mặn, vàng mả đủ món đủ loại như cúng đất, cúng giổ nhưng điều đặc biệt là có thêm một bếp củi lộ thiên bên cạnh mâm cúng lửa cháy rần rật để sưởi ấm những vong linh bị chết đuối hoặc bị vứt xuống ao hồ.

Người Huế nghĩ rằng nỗi đau không của riêng ai. Lễ cúng Âm hồn thể hiện lòng vị tha từ thiện và nuôi mãi một mối hận thù khôn nguôi. Sau lễ “Quốc hận” này từ ngày 25 tháng Chạp năm trước đến ngày Rằm năm sau nhièu khu dân cư theo đơn vị làng hoặc xóm còn tổ chức lễ cúng Cô hồn và Chạp mả cho những người vô danh không nơi nương tựa. Mâm cỗ lễ cúng cô hồn này cũng gần giống như mâm cỗ lễ cúng Âm hồn ngày 23 tháng 5 nhưng chỉ tổ chức ở miếu Cô hồn mỗi làng hoặc xóm. Không cúng đại trà tràn lan. Ngày cúng được cả xóm góp công góp kinh phí sản vật. Từ sáng sớm theo y ước của Trưởng ban nghi lễ xóm (hoặc làng), trai tráng ra nghĩa địa Chạp mộ hoang, phụ nữ chợ búa nấu nướng, trung niên bày biện bàn thờ. Bô lão sắm sửa hương đèn và tế lễ.

Mọi người quan niệm rằng những người chết đường chết chợ vô thừa nhận ấy vong linh vất vưởng lắm, ngày tết họ không biết về đâu, nương tựa vào đâu. Am thờ và ngày lễ dành cho họ mang tấm lòng vị tha đó.

                    Không lo một nỗi mồ tàn

                        Hai lăm tháng Chạp có làng chạp cho.

 Đắp mồ, sửa nấm, ban phát miếng ăn thức uống trong dịp lễ Cô hồn này sao mà cao đẹp vậy. Cúng người khuất là để cấp cho người còn, nhắc nhở nhau hướng thiện với tâm thức nghĩa tử là nghĩa tận. Qua đó thể hiện đạo lý, lương tri và lòng từ bi bác ái cao cả. Vì thế, bỏ qua quy kết “mê tín dị đoan” chúng ta sẽ nhận rõ tính nhân văn trong nghĩa cử này.

Nội dung sớ cúng Cô hồn như sau :

 Khởi kiến pháp diên.

    Vị điệp ngưỡng sự tư cứ.

    Việt Nam quốc. Thừa Thiên tỉnh.

    Phật tu hương.

    Duy nhật hương hoa tải thiết lễ phẩm cụ trần ngưỡng vọng.

    Phật ân phủ thuỳ tiếp độ.

    Thống niệm.

    Phục vị pháp giới tam thập lục bộ hà sa nam nữ vô tự âm cô hồn tự tha tiên vong gia thân quyến thuộc cập bổn xứ viễn cậnvô tự âm linh cô mộ liệt vịphổ triệu giới nội kỷ thứ chiến tranh chí sĩ liệt sĩ vong xu binh sĩ trận vong nhân dân nạn vong oan hồn uổng tử nam nữ vô tự âm linh không hành thuỷ lục liệt vị ngôn niệm chỉ nhân trục vọng đoạ lạc biên hương bất ngộ chơn thường trầm luân khổ thú kim tiêu hạnh ngộ cam lộ môn khai thừa tam bảo lực triệu đáo pháp diên thính diệu pháp âm thọ cam lồ vị tỉ ngộ viên minh trạm tịch chơn như diệu lý chi cơ quan linh tri thanh tịnh hư không đại giác chánh tôn chi bỉ ngạn bất sanh bất diệt vô khứ vô lai trường y bát nhã chi hương cọng chứng.

    Bồ đề chi quả khuôn phò trai chủ dĩ bình an bảo hộ sanh nhân nhi khương thái tu chí điệp giả.

    Hựu điệp ngưỡng.

    Cung vọng

    Nam mô diện nhiên vương Bồ tát chứng minh thị hạ.

    Hà sa nam nữâm cô hồn liệt vị doãn nạp.

    Ngày ... thang... năm...

 

 

Nhà tôi ở xóm An Lạc, làng Xuân Hoà, thành phố Huế. Làng Xuân Hoà có một am lộ thiên thờ Cô hồn ở cạnh chùa Thiên Mụ. Sông Hương đoạn trước cửa chùa có vụng xoáy sâu, người bị chết đuối thường tất vào đây. Dân làng vớt lên, thông báo mà không có người nhận thì tổ chức mai táng tươm tất tại nghĩa trang làng hoặc người tha hương xấu số bỏ xác tại đây.127 “nấm mồ vô chủ” như thế đến nay vẫn còn và hàng năm vẫn được dân làng chạp, bồi bổ vào dịp tết nguyên tiêu với lễ cúng tế thành tâm tươm tất. Việc nghĩa thể hiện lòng từ thiện với tính nhân văn như thế thật đáng trân trọng. Thế nhưng có người lại nhìn ra sự sáng tối của một vị trí đông du khách thưởng giám. Địa điểm đặt “láp”thật lý tưởng. Chùa Thiên Mụ trở thành “điểm nóng”. Văn phòng bảo vệ đương nhiên phải được xây dựng tại “điểm nóng” này. Am Cô hồn đương nhiên bị liệt vào tội “mê tín dị đoan”.Vài quầy bán hàng lưu niệm, quầy kem của các gia nhân thuộc dạng “gia đình chính sách nội bộ” trình ra phía trước làm “tiền án” chuẩn bị cho sự “láp” chiếm lĩnh vị trí “tác chiến” sau. Nhưng rồi lời ong tiếng ve đã làm nên sự ngập ngừng và “phương án 2” không thể thực hiện được.

Trạm bảo vệ di tích là cần, nhưng không phải là trạm gác, vị tất phải xoá hẳn một đàn thờ Cô hồn dành cho những người tứ cố vô thân tồn tại hàng trăm năm lại nằm trong khu được coi là “bất khả xâm phạm” để thay vào đó nhà tắm, hố xí, bếp núc.... liệu có nên không ? “Mê tín dị đoan” với vô văn hoá bên nào đáng khinh hơn bên nào. Giá mà có sự vô tư thì quy mô trạm bảo vệ ở đây chắc cũng sẽ gọn nhẹ khiêm tốn như ở lăng Minh Mệnh, không to cao bề thế như một cửa tiệm làm phương hại đến cảnh quan di tích lại thể hiện sự tôn trọng tự do tín ngưỡng. Đẹp biết nhường nào ! Tiếc thay!

Từ ngày chùa Thiên Mụ trở thành “điểm nóng” để nhà bảo vệ nghênh ngang dựng lên, hàng năm dân xóm An Lạc làng Xuân Hoà phải đặt lễ cúng chênh vênh bên gốc cây xà cừ trông thảm lắm. Chẳng ai dám lên tiếng. Người ta nghĩ đến ngày 23 tháng 5 là nổi da gà rồi. Từ đó dân làng An Lạc không an lạc được. “Điểm nóng” ngày càng nóng. Du khách thập phương trong và ngoài nước đổ về chùa Thiên Mụ mỗi năm một đông. Gặp lễ có người đã đứng cả buổi để quan sát các vị bô lão áo dài khăn xếp trịnh trọng khép nép vái lạy các mâm cỗ đặt bên lề đường vừa thảm vừa thương.

Với vong linh những người tứ cố vô thân đã khuất, hành xử như thế vừa vô nhân đạo vừa thiếu văn hoá. Nên chăng, trả lại miếu Cô hồn cho làng Xuân Hoà và chuyển trạm bảo vệ sang một vị trí khác.

Nhìn chung đã lễ là bái đều mang nội dung đền ơn nên cung kính trang nghiêm. Nhưng có những lễ mà nội dung còn hàm ý báo công, cầu xin lại thường có hội. Hội vật sau lễ khai Xuân làng Sình, hội “xuống biển” sau lễ cầu Ngư làng Thai Dương, hội múa chầu văn sau lễ rước Mẫu, hội đua thuyền nhân dịp Quốc Khánh, mừng công...Hội sinh ra từ lễ thường trong sáng vô tư, tính nhân văn trong tâm thức hồi cố đẹp.

Lễ là hội hiểu theo nghĩa hợp quần, nhưng lễ không phải là hội hiểu theo lẽ thuần tuý trang nghiêm. Lâu nay chúng ta quen dùng thuật ngữ “lễ hội” như vốn dĩ nó là một hành vi. Thật ra Lễ là lễ lạc thờ phụng. Những biểu hiện nhìn thấy bề ngoài chỉ là động tác để chuyển tải tấm lòng thành kính bên trong. Lễ mang đầy đủ thuộc tính nội tâm nên luôn luôn tiềm ẩn sự cung kính thiêng liêng. Hội lại khác. Hội là vui chơi thật sự, là tranh tài, là thể nghiệm bản chất, thể nghiệm khả năng con người ở dạng công khai. Hội sử dụng trí lực và đẩy trí lực ra bên ngoài để trình diễn, để phô bày, để mua vui và giành ưu thế trội. Bởi vậy ngôn từ dân gian mới ngắt ra làm hai là “hội hè” “đình đám”. Hội thường tổ chức ở chốn lộ thiên ngoài trời. Lễ thường tổ chức ở đình chùa đền miếu... Lễ từ tín ngưỡng mà nên. Hội thường thì nhờ lễ mới có. Bởi vậy đôi khi lễ mà không hội hoặc hội mà không lễ. Theo tôi đã lễ là thật lòng, trang nghiêm kính cẩn thể hiện một niềm tin nội tâm trong sáng trọn vẹn. Hội thì xả láng mặc sức tung hoành thoả chí bình sinh. Huế đã tổ chức 4 kỳ festival hồ hởi nhưng xem ra còn lúng túng bởi chúng ta coi festival lễ hội. Sự không phân định hay nói khác đi, sự lẩn lộn giữa lễ và hội về nội dung và hình thức đã làm cho lễ không ra lễ mà hội không ra hội tốn kém thì thừa mà hiệu quả lại thiếu. Ví như Lễ tế Nam giao mà chúng ta cử hành trong kỳ festival vừa qua. Không hạch toán nhưng tôi tin là không có lãi, không có lợi về tâm linh và cả về thực dụng. Lễ tế Nam giao xưa là quốc lễ. Bởi khi xưa con người tôn thờ trời thực lòng. Coi Trời là đấng thiêng liêng cao cả. Tôn thờ Trời theo một niềm tin bất hoại trong quan hệ tương dữ Thiên - Địa – Nhân. Con người dựa vào Trời - Đất để nhờ Trời - Đất cưu mang. Lễ tế Nam giao thật sự là tri ân Trời - Đất đã ban cho thần dân nhiều điều lành, tránh cho vương quốc nhiều điều dữ và tiếp tục xin cho được “phong điều vũ thuận” để “quốc thái dân an”. Lễ tế Nam giao vì thế thật sự trọng đại, thật sự kính cẩn thiêng liêng. Nhà vua - tự coi là đấng chí tôn thân hành làm chủ lễ. Xem đó đủ thấy lễ Nam giao thuộc về thế giới tâm linh. Biến lễ thành hội để đưa lễ tế Nam giao vào festival mà chơi, mà đùa giởn một cách tuỳ tiện lại diễn không thấu, đóng không đạt đã là một hành vi chế nhạo ông cha. Kết quả là tâm không kính, thì lễ không thành. Tốn kém thì thừa mà hiệu quả thì thiếu. Thời tế Nam giao thực sự đã qua. Mùa festival chỉ nên tổ chức các buổi liên hoan film tư liệu về tế lễ để nhắc lại cho người hiện thời nhân dịp vui mà biết quá khứ có ích lắm thay. Festival đúng ra là hội. Biết làm hội cho ra hội ta sẽ thành công. Bí quá viện lễ ra làm hội một vài lần sẽ nhàm chán lại phạm tội xuyên tạc quá khứ. Bởi lễ phải thật sự cung kính trang nghiêm, mới nên lễ. Hội thật sự hết mình vì cuộc chơi mới thành. Lễ hội một mà hai vậy.

Nhân bàn về lễ hội, tôi muốn viết vài dòng thuộc về suy nghĩ riêng tư. Cha ông ta ngày xưa không năm nào quên lễ, không năm nào bỏ hội. Nhưng lễ, hội có tháng có thời.

    Tháng Giêng là tháng ăn chơi.

    Tháng Hai trồng đậu trồng khoai trồng cà.

    Tháng Ba khi đậu đã già.

    Ta đi ta hái về nhà phơi khô.

    Tháng Tư đi tạu trâu bò.

    Để ta sắp sửa làm mùa tháng Năm.

    Tháng Bảy buôn nhãn bán trăm.

    Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng.

    Tháng Mười buôn thóc bán bông.

    Tháng Một tháng Chạp tất công hoàn toàn.

Hết một chu kỳ lại chuẩn bị cho việc ăn chơi vào tháng Giêng sau. Chu kỳ làm và chu kỳ ăn chơi phân minh nhưng thông minh thể theo tâm lý, sinh lý và điều kiện môi trường sinh thái khí hậu thích hợp.

Nước ta ở về xứ nóng. Mùa Hè nhiệt độ cao, có năm bão lớn. Cha ông ta dành tháng Giêng cho sự chơi là phải lắm. Mùa Xuân là mùa mát mẻ, mùa nông nhàn, công việc đồng áng xong. Bởi vậy tết nhất, tế lễ các vị tiền bối chọn vào hai mùa Xuân và Thu. Hai lễ rơi vào 5 tháng 5 và 23 tháng 5, coi như ngoại lệ, bởi không thể khác. Ta tổ chức festival vào tháng 6 chỉ phù hợp với mùa nghỉ hè của học sinh, sinh viên mà thôi. Bất tiện cho các thành phần xã hội khác, các nguồn du khách khác. Giá như sau này lễ sẽ lớn hơn. Có bạn bè năm châu tham gia đông hơn. Nhất là danh thủ, danh ca, danh nhạc, vận động viên bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội ... Nhưng tất cả dường như đều tránh mùa nắng nóng.

Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Cha ông ta tài tình mà tinh tế lắm.

 Ăn và uống

Những người sính hàng ngoại hoá không muốn dùng hai từ “ăn uống” mà thích dùng hai chữ “ẩm thực”cho sang trọng. Nhưng xem ra thuật ngữ ăn uống tuy quê kệch, mộc mạc, tầm thường, lại chính là “cây nhà lá vườn”, chân chất, bình dân, dân dã mà giản dị vậy.   

 Bởi được giao mảng văn hoá dân gian nên người viết xin dùng hai chữ “ăn uống” cho có vẻ dân gian hơn. “Ẩm thực” để cánh viết về văn hoá bác học xài.

Huế là một vùng “đất gom” lịch sử. Gom người là gom văn hoá. Từ đầu khi mới sinh thành hay để sinh thành Huế đã biết thể hiện bản lĩnh gom. Hai dòng người Sa Huỳnh và Đông Sơn cũng có nghĩa là Nam Á và  Mã Lai – Đa Đảo xưa gom lại làm móng làm nền làm nên Bộ Việt Thường, làm nên Quận Nhật Nam, để rồi với rừng núi, đầm phá, ao hồ, sông biển làm nên cái ở, làm nên cái ăn.

Đâu cũng vậy, con người sinh thành và tồn tại không thể không chịu tác động bởi môi trường sống. Quan hệ tương tác ban đầu ấy suy cho cùng chính là nguồn gốc tạo lập nên nền văn hoá ăn uống dân gian. Hay nói khác đi, văn hoá dân gian là sản phẩm của quá trình tác động qua lại giữa người với người và giữa người với thế giới vạn vật. Người với người làm nên di sản văn hoá ăn uống dân gian là tầng lớp bình dân, chiếm số đông trong mỗi quốc gia nông nghiệp. Do nguồn gốc sinh thành, địa bàn cư trú, môi trường sinh thái từng vùng cư dân bình dân ấy ngoài đặc điểm chung mang tính phổ biến thì yếu tố cụ thể, trực tiếp riêng mang tính vùng miền vẫn giữ vai trò chi phối - với Huế là chủ đạo. Bởi thế mỗi vùng dân cư tuỳ thuộc vào điều kiện sống vừa sáng tạo vừa thử nghiệm lại vừa tiếp thu để bổ sung nguồn thức ăn và kỷ nghệ ăn. Người ở núi tìm rau suối, thú rừng. Người bên hồ đầm sông biển tìm con cá con tôm. Người ven đồng ruộng tìm con cua con ốc. Thức ăn tự nhiên là nguồn sống tự nhiên thuở ban đầu được chế biến được bổ sung theo một quy luật thừa kế và đào thải. Cái hay ở lại. Cái dở ra đi. Từ ăn sống đến ăn chín, từ ăn thô đến ăn tinh trải qua vô vàn năm tháng. Huế có núi, có biển, có nước ngọt, nước lợ, nước mặn là môi trường cung cấp nguồn thức ăn đa chủng, đa dạng dồi dào. Cung và cầu có luật riêng làm nên sự trao đổi.

Sách “Ô châu cận lục” thời Dương Văn An (1553) đã ghi “Sơn hào hải vị, sản vật vốn nhiều. Tôm cá đánh ở biển, hồ không đâu không có. Gỗ củi lấy ở rừng, tuỳ nhà dùng đủ. Xóm làng đông đúc, tiếng gà gáy chó sủa cùng nghe. Cỏ nước đầy đủ, bầy trâu chăn thả khắp đồng...Đất đai màu mỡ, được lúa chẳng cần khó nhọc” (Dương Văn An, Ô châu cận lục, bản dich của Trần Đại Vinh, nhà Xuất bản Thuận Hoá, Huế 2001, trang 68). Lương thực, thực phẩm ấy, nhiên liệu, nguyên liệu ấy với trí tuệ gom đã làm nên sự ăn, sự uống giữa vùng non sông mỹ lệ. Ô hay sao lại không, cái đẹp của trời đất có phần làm nên cái đẹp tâm hồn và làm nên nguyên nhân của sự tinh tế trong từng thức uống món ăn. “Tân Lãn rượu ngon”.... “Lúa má đầy đồng Đông Dã”. Biết chọn rượu ngon là biết kiếm thức ăn phù hơp. Sự tìm tòi khám phá chế biến từ đó mà nên. “Sơn hào hải vị, sản vật vốn nhiều”. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” làm nên sự chọn lọc tự nhiên trước vô vàn loài giống. Trong sự sống cái ăn đứng hàng đầu. Ô Rí nên Thuận Hoá. Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát nên Phước Yên. Trấn phủ nên Thủ phủ.Thủ phủ nên Kinh đô. Bảy thế kỷ tính từ ngày Đoàn Nhữ Hài đem dân vào nhận Thuận Hoá (1307). Ba thế kỷ để Kim Long - Phú Xuân làm điểm hội tụ tinh hoa mọi miền (1636-1945). “Ăn Bắc, mặc Kinh” ra vào với Huế nhiều dịp nhiều lần rồi để lại những gì Huế nhận. Văn hoá ăn hoàn thiện theo thời gian cứ thế mà ngon, mà thơm, mà đẹp, mà quý. Con đường ăn của con người xứ Huế từng bước cách tân tinh tế dần.    

Huế nằm giữa đất nước, nằm giữa nam bắc đông tây, tha hồ mà tiếp thu mà lựa chọn. Ngạn ngữ xưa có câu “miếng ăn nhớ đời”. Thích thì nhớ, nhớ thì giữ lại. Không thích thì quên, quên là biến. Huế nằm giữa ranh giới nắng mưa, nóng lạnh có nghĩa là nằm giữa vách âm dương có quyền thích và có quyền không thích. Những năm gần đây có một vài món ăn lạ trong nam ra, ngoài bắc vào, nhưng ở lại không lâu cũng vì lẽ đó. (Riêng món “cây còn lá mơ” thực sự làm cho người Huế sợ nhưng vẫn sờ sờ tồn tại, bởi lẽ trong cộng đồng cư dân Huế hiện đại có lớp người thuộc “nền văn hoá” sờ sờ tồn tại ấy).

Huế hoá trước hết là âm dương hoá. Tinh hoa văn hoá ăn uống của Huế giàu lên, sang lên, đa dạng lên để mỗi ngày mỗi hấp dẫn có quá trình nhập cuộc như thế. Nhập cuộc là nhập gia. Đã “nhập gia” thì đương nhiên phải “tuỳ tục”. Các món ăn bắc nam đông tây dồn về để người Huế nếm thử, để người Huế lựa chọn rồi cải cách canh tân nâng lên tầm thưởng lãm nghệ thuật. Cái ăn từ nhu cầu giản đơn trở thành nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ. Vả lại, đất đã Thủ phủ, đã Kinh đô thì người cũng Thủ phủ, cũng Kinh đô.  Cư Nho, mộ Thích là hệ tư tưởng chủ đạo của tầng lớp thống trị. Tầng lớp thống trị vốn là con dân, ăn ở với dân trong cùng một vùng làng xóm. Cư Nho mộ Thích trở thành của chung. Theo Phật, học chữ Nho hình thành nếp gia phong mỗi ngày một vượng, tính quý phái mỗi ngày một loang xa. Tam tòng tứ đức được dạy bảo thường xuyên. Nữ công gia chánh được coi trọng đặt lên hàng đầu không chỉ trong mỗi gia đình mà toàn xã hội. Các trường Nữ sinh có giờ học “Nữ công gia chánh” mẫu mực nghiêm minh. Đã thế, khách thập phương lại thường xuyên đến Huế đủ tầng lớp đủ thành phần, nhưng tá túc tại Thủ phủ, tại Kinh đô không phải là tất cả. Quan lại, thân hào, trí thức, sĩ tử bắc nam là những người mang đến bổ sung cho Huế những gì mới lạ và tìm kiếm ở Huế những gì mà nơi họ sống trước đó chưa có. Huế tiếp nhận tầng văn hoá này, phục vụ tầng văn hoá này, mặc nhiên vươn lên. Bởi có vươn lên mới thoả mãn nhu cầu mà người đời muốn. Sáng tạo và tiếp thu bền bỉ lặng lẽ diễn ra trong mối giao lưu đó.

Giáo sư Nguyễn Đức Từ Chi, người Huế gốc Nghệ bắt gặp những tấm bánh sắn gói kiểu mắt xích gấp chung trong từng mảnh lá chuối thì sung sướng như một phát minh về “Món ăn Huế - món ăn Mường”. Vâng, người giữa thế kỷ XVI vào Huế lần đầu đã có nhận xét “Tiếng nói giống tiếng châu Hoan” thì cũng vậy. Người châu Hoan xưa (Nghệ ngày nay) về sau một phần san lên núi làm người Mường mà. Người Nghệ theo chân Lý Thường Kiệt vượt Đèo Ngang mở lại đường “nam tiến” vào năm Ất Mão - 1075. Người Nghệ hưởng ứng lời chiêu mộ của Đoàn Nhữ Hài vào biên thú để chuyển Ô Rí sang Thuận Hoá từ năm Bính Ngọ - 1306. Người Nghệ góp mặt trong đoàn quân bản bộ khi Nguyễn Hoàng sa cơ bị đẩy vào Thuận Hoá (Mậu Ngọ - 1558). “Món ăn Huế-món ăn Mường” có nguồn sinh thành như thế. Ấy là những món bánh sắn, món canh rau tập tàng, món cá rô kho niêu đất. Nhưng món ăn Huế đâu chỉ có món ăn Mường. Vài ba thôi. Mà Huế, với món ăn thì nhiều vô kể. 1.300 món ăn mang tính đặc trưng Huế là di sản của một quá trình chọn lựa trường kỳ. Không đâu đa dạng và phong phú như vậy. Riêng cô gái Huế  thời quá khứ -  Hoàng Thị Kim Cúc, người đã làm nên dòng “sông trăng” để Hàn Mạc Tử thả thuyền thơ Vĩ Dạ, đã gom (lại gom) được 600 món “nấu theo lối Huế”. Nhà thơ Ngô Minh (viết cho đúng tên dân gian từ thời cha mẹ ban cho là Ngô Minh Khôi) rất có lý khi viết rằng : “Dần dà theo thời gian, các món ngon được định hình, lưu truyền và nâng cao thành nét Huế riêng không thể lẫn”. Vâng ! Không thể lẫn. Đời có bao nhiêu nỗi sướng khổ ngọt bùi cay đắng thì món ăn Huế có bấy nhiêu vị điều hoà. Béo ngọt chua cay mặn chát lạt bùi...làm nên thơm nên thảo. Ăn để lấy ngon, để thụ hưởng hương vị, để thưởng ngoạn vẽ đẹp tinh khiết và để lắng nghe tiếng giao hòa âm dương. Xem ra ngôn ngữ của món ăn Huế lại làm nên một giàn giao hưởng dưới dạng nghệ thuật tạo hình. Nói như vậy nghe qua nghĩ là vô lý. Nhưng thực sự quả là như vậy. Trong một khung cảnh không gian nào đó, trong một nhóm đối tượng thực khách nào đó, trong những món ăn được lựa chọn nào đó gom lại mới làm nên một sự ăn hoàn hảo theo lối Huế. Tóm lại, bởi môi trường sinh thái với nguồn thức ăn dồi dào đa dạng và bởi vị thế địa lý trung gian Huế là địa bàn giao lưu hội nhập. Giao lưu, giao tiếp, đãi đằng là tiền đề cho sự chế biến, cải tiến sáng tạo. Từ thấp lên cao, từ thô đến tinh, văn hoá ăn của Huế ngày càng đẹp, càng ngon, càng có sức hấp dẫn.

Không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mới Huế. Cái ăn tinh tế có ngay trong sự đạm bạc. Một tô canh mít non mầu trắng ngà nấu nước ruốc ngả sang nâu nhạt đan xen từng sợi lá lốt bánh tẻ màu xanh đẹp mắt với một đĩa cá bống thệ kho sền sệt nhựa mận vừa cay vừa béo ngậy vừa ngon ngót ngọt hoặc chỉ riêng một bát cháo gạo đỏ thoang thoảng mùi lá dứa hương với vài con tôm rim vàng nâu thơm nức đích thị là Huế rồi. Mùa nào thức nấy. Gia vị cũng có họ có hàng. Mực tươi hấp, thịt vịt luộc thuộc âm thì chấm nước mắm gừng thuộc dương. “Bộ” nào ra “bộ” ấy. Cái nọ xọ cái kia là điều hiếm thấy. Nét đặc trưng chủ đạo của kỷ nghệ ăn xứ Huế là tính hài hoà, tinh tế. Hài hoà mầu sắc, hài hoà hương vị, hài hoà chất liệu, dược liệu để hài hoà âm dương. Mới thoạt nhìn thôi dịch vị đã ứa ra thúc giục. Một đĩa thịt phay, một chén ruốc tôm chua, một đĩa rau sống lập thành bộ ba “tam vị nhất thể”.Thiếu một trong ba là bất thành. Rau là thứ của trời ban chung cho tất cả cư dân vùng mưa nhiệt đới. Ấy thế mà vào tay người Huế lại hoá thành tác phẩm tổng hoà mầu, mùi, chất hấp dẫn. Cho hay, tính dẫn nhập của một cuộc ăn lại bắt đầu từ đây. Đỏ cà chua, trắng chuối chát, xanh lá cải, cọng ngò, ngà ngà vài lát vải quả hợp thành thế giới cân bằng sinh thái và chí lý hơn hợp thành “đội ngũ tháp tùng” với tư cách là dược liệu, để vừa chia sẻ, vừa điều hoà, vừa ngăn chặn khi cùng miếng thịt luộc, con tôm chua vào sâu trong đáy dạ con người. Lượng và chất, âm và dương tổng hoà trong một miếng ăn, trong một món ăn, trong mỗi bữa ăn là vậy. Một con hến nhỏ hơn đầu đũa cũng đủ làm nên bún, nên cơm. Vâng cơm (bún) hến. Gọi là vậy nhưng hến có nhiều nhặn gì  đâu. Một thìa canh là cùng.  “Thế giới của hoà hợp thực phẩm” là đây. Chua cay mặn ngọt béo bùi là đây. Đủ vị, đủ mùi, đủ mầu, đủ chất. Tỷ lệ hến trong một tô không cao nhưng vẫn là chủ thể. Bởi các loại rau sống, rau thơm, các thứ gia vị từ lâu đã thuộc về hến, tự nguyện làm “chư hầu”của hến. Một tô cơm (bún) hến đơm lên không thấy hến vẫn ngạt ngào mầu mè mùi hến. Nhỏ hơn đầu đũa mà bao người ứa nước mắt vui vì hến mới lạ. Một nhúm sinh linh bé nhỏ với đủ thứ rau, đủ thứ gia vị làm nên sự tổng hoà hương sắc đặc trưng mà cá tôm cua bò gà heo vịt không lấn át nổi. Cơm hến đựơc hâm mộ còn bởi tính phổ cập của nó. Sĩ nông công thương binh, trên, dưới, gái, trai, lớn, bé, trẻ, già đều “bình quyền” trước hến.

                        Ai ưa ra Huế thì ra

                        Thấy gánh cơm hến thì sà vô ăn.

 Bắp Cồn Hến từ lâu đã là đặc sản. Vì giống hay vì nước, vì đất ? Hương vị bắp Cồn không đâu sánh được.Ăn một trái bắp luộc mới vớt khỏi lò, uống một chén nước bắp hơi còn nghi ngút thấm tận tâm can. Một trái bắp Cồn cũng dư sức làm nên chè, nên cháo, nên xôi, nên bánh, nên cơm. Cho hay, nguyên liệu mới chỉ là tiền đề, ngon dở đẹp xấu còn do bàn tay và cách chế biến. Món ăn ở Huế phong phú. Bánh mứt kẹo ở Huế dồi dào đều do sự khéo tay tinh ý mà thành. Một đĩa mứt gừng, một phong mè xửng, một hộp bánh khảo ngũ sắc...Nhìn là thấy, là biết Huế “jin” rồi. Và trong các loại bánh dân dã có lẽ bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ít, bánh khoái ... đã gặp đủ du khách thập phương và được du khách thập phương mang ra khỏi Huế chí ít là chuyện kể làm quà. Một trẹt bánh bèo với những chén con mầu trắng điểm những cụm tôm chấy làm nhụy mầu vàng trông như những đoá bạch mai. Một đĩa bánh nậm (bánh lá) ruột mỏng hơn lưỡi mèo trong suốt như đông sương gợi thèm lại lo không thấu. Tưởng là “voi hút thuốc gió” nhưng khi đã nhập cuộc rồi mới thấm và một lại muốn thêm hai. Tính gợi và tính dắt làm cho ngũ giác con người bị chinh phục bị lôi kéo chính là sự mong manh nhưng thơm thảo ấy. Một đĩa bánh khoái khói và hơi nghi ngút toả hương làm náo nức không gian ăn. Vâng ! Một trăm thứ bánh Huế kể thế nào cho hết. Bánh là thế, các loại mứt, chè, cháo cũng là thế. Một ly chè bột lọc bọc thịt quay, một ly chè hạt sen bọc long nhãn (ít gặp ở nơi khác), một ly chè thập cẩm hấp dẫn bởi mầu trắng chen màu vàng...gợi nhớ gợi thương có mặt hầu như bốn mùa, hầu như khắp nơi không cho riêng ai, không chia ngôi thứ. Tính tinh khiết nhỏ nhẹ của chè, của bánh gợi mà gọi đầm ấm thiết tha. Đó là thành quả của một nền nữ công gia chánh được chăm chút vun đắp nhiều đời vậy. Nữ công gia chánh, ngày trước người Huế đặt lên hàng đầu trong hàng “tứ đức” (công, dung, ngôn, hạnh). Cái ăn được dạy cùng con chữ đã làm nên những lớp nữ sinh biết giữ lẽ “tam tòng”. “Ăn chắc mặc bền”. “Ăn ngon mặc đẹp”. Ăn bổ mặc sang”. Qua từng bước tìm tòi, qua từng bước tiếp nhận bổ sung đã làm nên một kho tàng di sản văn hoá ăn chỉ đến vùng núi Ngự sông Hương mới thấm. 

Kể từ khi Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông qua Huế thì đạo Phật Bắc tông đã bắt đầu đậm bóng trong các thảo am. Từ đó Huế dần dà trở thành trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong. Các vị Tu sĩ dòng Phật giáo Đại Thừa ăn chay (trường trai) thường nhật. 1.300 món ăn Huế làm nên kho di sản văn hoá ăn sung mãn trong đó có hàng trăm món ăn chay. Ăn chay là nghệ thuật của một ngành khoa học. Một ít vả luộc, một ít tương chao (thay hến và thay ruốc) góp vào tô cơm mà rau và gia vị vốn là họ hàng của hến là hoàn hảo rồi. Đừng nghĩ thực vật không có độ dinh dưỡng bằng động vật. Con voi, con ngựa ăn gi mà khoẻ như vậy.

Huế là Thủ phủ. Huế là Kinh đô. Yến tiệc dịp khánh tiết, đón tiễn sứ thần, đãi đằng các vị tân khoa... từng tháng từng năm đều có. Đành là việc của cung đình, nhưng vua chúa quan lại cao cấp không phải là người biết việc bếp núc. Các chuyên gia phục dịch lại là thần dân. 50 món; 30 món; 20 món tuỳ ngôi thứ cao thấp. Món càng nhiều thì “lượng cả bao dung” càng ít. Cái thanh tao, tinh tế từng món in ít nho nhỏ từ đó mà lan ra khỏi cấm thành loang vào trong thôn xóm làm nên cung cách nhỏ nhẹ mà cao sang. Sông Hương êm đềm. Người Huế thư thái. Món ăn Huế thanh lịch có nguồn cơn, có nguyên cớ riêng của Huế.Giao lưu, tiếp thu và sáng tạo là tài sản trời ban cho con người đứng giữa Bắc – Nam vậy.

Khai thác phát huy tiềm năng ấy cho ta một vị thế, một vị trí làm điểm hẹn mười phương.

Những năm gần đây tưởng là để làm “vừa lòng khách đến hài lòng khách đi” nhiều nhà hàng, khách sạn công và tư đua nhau sáng tạo các món ăn mới lạ cũng tưởng là để đánh vào tính hiếu kỳ của những người khách phương xa mà quên rằng cái ăn có nhai là “điểm hẹn”cuối cùng sau cái nhìn, cái ngửi. “Người Tây dư thừa của cải cần cái đẹp cái lạ, ai cần gì miếng ăn”. Xin đừng nghĩ thế. Nhầm rồi. Tây ăn không thua gì ta, không muốn nói còn hơn ta. Xin đừng để khách chụp ảnh xong rồi nhâm nhi đại khái mà nửa bụng ra về để rồi không bao giờ muốn quay trở lại. Nem công chả phượng với quả ớt đỏ làm mỏ, hạt đậu đen làm mắt, củ cải trắng làm cổ, quả đu đủ làm thân...để găm một vài cái nem rán lên đầu vài que tăm chẳng bỏ bèn gì. “Nem công” ngày trước làm bằng thịt những con chim công hẳn hoi. Bởi công ngày trước đầy rừng. Rừng ngày trước tràn ra tận Kinh đô. Dáng công cao mà đẹp. Thịt công ngọt mà thơm. “Chả phượng” làm bằng thịt chim trĩ. Chim trĩ đầy núi Cẩm Kê (gà đẹp), Kim Phụng. Nem công, chả phượng, bào ngư, yến sào... là đặc sản có thật của rừng mưa nhiệt đới, của hải đảo gió mùa đông nam, mới làm nên yến tiệc, đáng để vua đãi sứ thần phương Bắc, vua ban lộc thưởng các vị tân khoa. Sáng tạo hình thức, sáng tạo tên gọi quả có lạ, có đẹp, có hay, cũng cần, nhưng xem ra thái quá, thì chính những phát minh – phát huy ngoạn mục loại này lại đang chôn dần thanh danh văn hoá ăn uống của Huế. Đọc qua tờ thực đơn bày trong một khách sạn có tiếng, tôi cảm thấy buồn. “Thập trân khai vị”. “Thuỷ trúc liên ba”. “Địa long chiếu thuỷ”. “Nam châu quá hoả”. “Thiên nga hoan lạc”. “Bạch ngọc kim quy”. “Lưu thuỷ liên hoàn”. “Long giang phi tiễn”.“Hồng điều nguỵ quả”..., xa lạ và hài hước làm sao. Bởi du khách đến Huế, muốn thưởng thức món ăn Huế với tên gọi đích thực cũng Huế.

Một tấm lá sen gói cơm thập cẩm, một đĩa thịt phay rau sống tôm chua, một xiên nem lụi trần trụi nhưng sạch sẽ tinh tế, một đĩa gà quay vàng hươm thơm phức, một con cá dìa hấp nấm hương được tháp tùng bởi các thứ rau sống, phụ gia đủ mầu đủ mùi, một tô canh tôm mướp đắng dung dị mà ân tình quyến rủ làm sao... Sự khéo tay, tính nghệ thuật nằm ngay trong mỗi món ăn có thật, trong sự bày biện với mỗi thứ đồ đựng sạch đep, trang nhã, phù hợp và tên mỗi món ăn định hình với Huế mang bản sắc và ngôn ngữ Huế xin để nguyên cho. Món ăn Huế thấm vào lòng người từ nhiều ngả trong đó tên riêng. Tên riêng cũng sẽ theo thực khách về mọi nẻo gần xa. Sự nhớ để khuyên, nhắc, khen, chê, bình xét, kể chuyện trước hết là tên gọi mỗi món ăn. “Thiên nga hoan lạc”, “Bạch ngọc kim quy”, “Trực thắng tiếp địa”...vang đó, sang đó, nhưng dài dòng, xa lạ và buồn cười đó. Nên chi, hay thì có hay thật, đẹp thì có đẹp thật, nhưng không thật. “Cái nết đánh chết cái đẹp” mà. Nếu quá lạm dụng, Huế phôi pha là điều khó tránh.

“Bánh khoái Đông Ba, bún bò Gia Hội/ Cơm hến bên Cồn quen lối tìm nhau”. Dung dị, bình dân, nhưng dễ gọi người ta đến với Huế hơn là điều vay mượn

Hà Nội thuộc về xứ lạnh, tân chủ hàn huyên bên tách trà móc câu nóng vừa uống vừa ấp tay cho đỡ cóng, hơi thơm hoa nhài hoa sen phảng phất giữa cuộc chuyện trò. Sài Gòn xứ nóng ly trà đá trên mâm cơm đã trở thành thông lệ. Huế khác cả hai. Sự uống của người bình dân Huế đơn giản hơn, ít kiểu cách hơn, nhưng xem ra lại thơm ngon tươi mát mà thực dụng hơn. Chè tươi Kim Trà một thời là đặc sản. Chè xanh nấu hoặc om toàn tính là thức uống được người Huế ưa chuộng.   

Trà ở huyện Kim Trà, tên gọi là lưỡi sẻ, ở núi An Cựu, giải khát thanh thần, trừ phiền khử thủng, đứng đầu trăm loại thảo, dược phẩm này linh diệu nhất

                                 (Dương Văn An, Ô châu cận lục, bản dịch của Trần Đại Vinh)

 Từ thế kỷ XVI người ta đã coi trà – chè xanh, như một loại dược liệu quý. Và có lẽ vì thế mà nhà vua Nguyễn Thánh Tổ đã hạ chỉ và khuyến khích trồng chè và thông tại Thiên Thụ lăng. Đến nay trong một số vườn chùa, vườn ở, trên một số nương rẫy gò đồi quanh Huế, cây chè vẫn còn. Người Huế xưa không quen hái búp sao thành chè khô móc câu, cũng không hái lá già kẹp thành từng mớ nhỏ như bộ bài tam cúc kiểu Hà Nội, mà cắt cả cành buộc lại thành từng bó giống mớ rau. Uống nước chè xanh (tươi) nấu trong ấm đất hoặc om trong ấm tích ủ nóng cả ngày là thói quen của cư dân xứ Nghệ và xứ Huế xưa nay.

Cái mặc

Huế là xứ nóng. Nóng như rang. Nóng như Phan Rang. Cư dân có mặt từ đầu ở Huế cũng là cư dân có mặt từ đầu ở Phan Rang (Ninh Thuận). Ninh Thuận cũng như Hoá Thuận có cùng những bước chuyển tiếp trở về trong quá khứ. Giữa thế kỷ XVI “Ô châu cận lục” viết rằng : “Người làng La Giang còn nói tiếng Chiêm, mặc váy Chiêm thì gái làng Thuỷ Bạn” lại “có nơi tường hoa liễu ngõ, dáng vẽ yêu kiều; có nơi tiếng Huế váy Chiêm, tục còn quê kệch”. “Có nơi” nghĩa là không toàn thể. Nên chi có nơi “Tiếng nói giống tiếng châu Hoan, y phục so với Trung Hoa chẳng khác. Nơi đồng bằng làm ruộng nuôi tằm, miền biển làm nghề mắm muối”. Biết nuôi tằm hẳn là biết dệt lụa. 246 năm (1306-1553) kể từ ngày Đoàn Nhữ Hài đưa dân Đại Việt vào nhận Thuận Hoá cho đến khi sách “Ô châu cận lục” ra đời, cư dân Huế còn lỗ đỗ vậy. Trước nữa cái mặc chắc còn đơn giản nửa.  “Âu Lạc ở phía Tây, cởi trần mà cũng xưng vương” là nhận xét của Triệu Đà trong thư gửi vua Hán. Ở trần đóng khố không chỉ Âu Lạc mà dường như của cả loài người miền xích đạo thuở xa xưa. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Hà Tĩnh heo hút chân rừng góc biển, hễ mỗi kỳ xã đồng gái trai cả làng ùa ra nơm, nhủi, tát, đơm .... Trai cởi trần đóng khố. Gái yếm váy củn cởn, thậm chí nhiều nàng cũng đóng khố một cách vô tư như ai. Đó là chuyện thường. Người châu Hoan vào nhận Thuận Hoá thời trước thuộc “nền văn hoá” ấy. Cái mặc của Huế có nguồn từ cư dân Sa Huỳnh – Đông Sơn. Đóng khố, mặc váy là điều không lạ. Nhưng Huế không phải nắng nóng quanh năm như Phan Rang, Phan Rí. Huế có nắng nóng có mưa lạnh kéo dài cả tuần, cả tháng. Mặc ấm là nhu cầu. Cư dân Huế tự tìm cho mình các tấm áo ấm đã làm nên từng bước bổ sung vào sự mặc, để rồi “Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc. Hạ tới mở tiệc tàng quy, ca múa tưng bừng. Có người, có của, tuỳ thói, tuỳ lề. Làng La Vân có nếp văn vật, làng Khúc Ốc có thói xướng ca. Lụa Niêm Phò còn thô, vải Thư Chí đã mịn” (Ô châu cận lục). Biết khen và biết chê là biết tìm ra cái đẹp. Bởi thế từ chỗ “Áo tơi là loại che mưa lạnh” tiến đến “Gái Vĩnh Cố dệt gấm thêu hoa” đưa sự mặc lên hàng diêm dúa. Con người vốn có xu thế hướng thiện. Nhu cầu về cái đẹp nằm trong xu thế này. Bởi chân - thiện - mỹ bao giờ cũng là nhân là quả của nhau. Người Chăm bản địa đã có nghề dệt vải trắng lâu đời. Người từ phía Hoan Ái vào nhiều lần nhiều lớp liên tiếp triền miên. Người từ Trung Hoa sang buôn bán tị nạn. Người Nhật, người Hạ Châu, người Hà Lan, người Bồ Đào Nha, người Ấn Độ... vào Hội An ra Thanh Hà...mỗi nguồn một chút góp vào vốn tư duy của cư dân sở tại đang háo hức tìm sự hoàn thiện. Cái mặc của Huế không ngừng được bổ sung canh tân. Tuy vậy, đến giữa thế kỷ XIX, trong dân gian cái mặc chưa thật sự hoàn hảo vẫn còn phổ biến.

    “Tháng 8 có chiếu vua ra.

    Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

    Không đi thì chợ không đông.

    Mà đi lại mặc quần chồng sao đang.

    Có quần ra quán bán hàng.

    Không quần ra đứng đầu lang trông quan”.

Trông quan hay quan trông thì cũng đã nói với hôm nay rằng đến thời Minh Mệnh đàn ông mặc quần, đàn bà còn mặc váy (một loại quần không đáy). Cuộc “cách mạng” cái mặc khởi đầu từ đây chăng ? Có thể lắm.Cầu hiền tìm người giỏi, khuyến khích nói thẳng để phát hiện trung lương, mở đều các khoa thi Hội tuyển chọn nhân tài, tổ chức khai hoang, lập ấp ổn định dân sinh để vun đắp dân trí..., nhà vua Nguyễn Thánh Tổ hướng theo con đường mà Lê Thánh Tông (1460-1497) đã làm nên một thời thịnh trị.Các Nội trấn, ngoại trấn phía Bắc, các dinh, phủ phía Nam đều được quy thành 31 tỉnh và một phủ Trực lệ (đặc khu Thủ đô). Ba năm một lần người Huế đón sĩ tử cả nước “lai Kinh” dự thi Hội, thi Đình. “Dập dìu tài tử giai nhân” (Nguyễn Du) rộn ràng trên mọi nẻo đường xứ Huế. Quan lại, nhất là hàng ngũ đại thần được ban cấp vóc, gấm, lụa, là làm nên y phục đại triều, thường triều xênh xang mầu sắc. Cái hay cái lạ được dịp tụ về để náo nức loang vào mọi ngả. Sự mặc của Huế cứ thế mà cách tân để mỗi ngày một đẹp. Những ngày Hè năm 2006 này để chống nắng phái đẹp thường bịt mặt đeo găng (rớ) kín cổ  kín vai gợi lên trong tôi những bộ y phục áo liền váy bát gót đồng mầu của người đàn bà Chăm Phan Rang – Ninh Thuận. Áo dài Huế duyên dáng thướt tha từ đó mà nên chăng? (Ít nhất độ duyên dáng và tính thường phục). Có người nói áo dài Huế xuất xứ từ áo Đồng lần tứ thân xứ Bắc. Có người lại nghĩ áo dài Huế tiếp nhận mẫu áo “xường xám” Trung Hoa qua vài người Minh Hương vào Bao Vinh – Thanh Hà từ thế kỷ XVII. Không lẽ. Tôi nghĩ thế. Đạo Phật và những bộ cà sa mầu khói hương, mầu nâu sòng thấp thoáng theo ngọn gió từ bi lẽ nào lại không gieo rắc vào tâm hồn nhạy cảm của những nàng con gái ở hai bờ sông Hương yêu kiều diễm lệ. Một chút dáng Chăm, một chút dáng tu sĩ hội lại để sinh thành tấm áo

dài lả lướt thướt tha của Huế.    

“Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” trước hết là những tà áo dài kín đáo mà duyên dáng dịu dàng như dòng sông Hương thơ mộng vậy.

1.000 năm bị đô hộ, văn hoá Trung Hoa “độc quyền” chi phối văn hoá Việt. Ngót 1.000 năm khôi phục nền tự chủ trong môi trường phương Đông khép kín khi văn hoá Trung Hoa co lại trong tính bảo thủ cực đoan. Kinh đô Thăng Long của các triều đại Lý, Trần, Lê nằm trong thế nước ở những thế kỷ vừa tiếp nhận vừa đề kháng một nguồn văn minh dường như duy nhất có từ thời Trung Hoa cổ đại. Văn hoá Việt đem hết sức bình sinh (nội sinh) mà tiếp thu mà biến cải. Cuối “Thế kỷ ánh sáng” của châu Âu, ở ta, Quang Trung đánh một trận thật đẹp quét quân Tôn Sĩ Nghị ra ngoài cõi. Thần tượng Trung Hoa nhạt dần. Thăng Long đứng lại với thế kỷ XVIII. Họ Nguyễn làm chủ thế kỷ XIX và Huế thay Thăng Long giữ vai trò trung tâm đất nước thì những tiếng goị của các cường quốc châu Âu cũng bắt đầu vang lên ngoài các cửa biển châu Á. Huế với tư cách là Kinh đô giữ vai trò tiếp nhận những luồng văn hoá mới, để cùng thế kỷ XIX đi lên làm nên Sài Gòn – hòn ngọc Viễn Đông đầu thế kỷ XX. Tính cân bằng Bắc – Nam đặt lên vai Huế. Bảo tồn và tiếp nhận. Bổ sung và canh tân. Vương tôn, công tử, công chúa, thị dân, người lao động Huế thư thái đón nhận tinh hoa mới.

Tạo hoá ban cho Huế một môi trường sinh thái đẹp “như chạm khắc, như thêu ren” chính là đã ban cho con người Huế tâm thức mỹ cảm, tâm hồn giàu chất thi ca, hội hoạ. Tiếp thu và canh tân như là những định luật của sự phát triển để tự hoàn thiện mình đã đi qua từng cặp Sa Huỳnh – Đông Sơn, Ô – Rí, Thuận – Hoá, để gom gọn vào Phú Xuân. Sự mặc của Huế tương ứng với vị thế Thủ phủ, vị thế Kinh đô một thời vậy.

Các trò chơi dân gian.

Ngôn ngữ Việt Nam có những cặp “bồ” tưởng là ngẫu nhiên nhưng kỳ thực là đã hàm thiên chức tổng quát. Học hành, trò chuyện, ăn chơi. Vâng ! Biết ăn là biết chơi. Càng biết ăn ngon, mặc đẹp càng biết chơi vui. Sự chơi từ sự hưng phấn vừa giải trí vừa giao du. Chẳng có ai buồn, đói, túng thiếu mà lại bày ra cuộc chơi. Những trò chơi thông thường ở Huế cũng là những trò chơi của nhiều miền cư dân khác trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng, do môi trường sinh thái, khí hậu, tư phong, sự chơi cũng được tuyển chọn, được hâm mộ tuỳ môn, tuỳ mùa. Những trò chơi xem ra quá khốc liệt, dễ gây tai nạn thì người Huế ít chuộng.Chơi đúng nghĩa là chơi vui.Tính nhân đạo trong cuộc chơi được coi trọng. Bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, đua thuyền, múa lân, đu, vật, ném cù, ca hát, diễn trò, đánh cờ, thả diều đều là những cuộc chơi vui nhẹ nhàng nhưng không kém phần sôi nổi. Đất Huế hẹp. Khí hậu Huế nắng nóng khắc nghiệt. Bởi vậy ngoại trừ các môn thể dục thể thao được nhiều người hâm mộ theo xu thế phong trào, các kiểu chơi dân gian chủ yếu mang đậm tính truyền thống Huế có lẽ lại diễn ra dưới nước hoặc trên trời. Những trò chơi này ít tốn sức mà hiệu quả giải trí thư giản lại cao. Ca hát trên sông. Bơi lội trên sông. Đua thuyền trên sông nhiều nơi cũng có, nhưng dường như tính thường trực của môn chơi với nước ở Huế trội hơn. Mấy năm gần đây Hội người cao tuổi, hưu trí có Câu lạc bộ thơ. Xướng hoạ của lớp người già cũng là một trò chơi trí tuệ lý thú vừa hợp người vừa hợp cảnh. Nhìn chung trò chơi, lối chơi ở Huế nghiêng về tư thái chơi ít tốn mồ hôi. Ví như trò chơi thả diều của Huế là nghệ thuật làm xiếc trên không. Hình dáng, kiểu cách, cao thấp, lớn bé... các tầng diều, các mầu diều làm nên một không gian nhiều tầng kỳ thú ngoạn mục. Thanh tao mà khéo léo, vui mắt mà ít tốn sức, ít tốn tiền. Tuổi trẻ là tuổi của bầu trời diều. Diều đi qua mỗi cuộc đời bao giờ cũng trẻ. Tuổi già trẻ lại với diều, nhờ diều mà kéo dài tuổi thọ.Cho hay chơi diều cũng là một phương pháp chống lão hoá vậy. Trò chơi diều ở Huế thịnh hành nhất nước, một phần vì đẹp, vì hiền, một phần vì sự vui không mấy ồn ào không mấy toan tính mà lại dễ chơi đối với toàn xã hội, nhất là những người luống tuổi. Trời không của riêng ai. Không gian chơi không của riêng ai. Người có diều, người không có diều đều được quyền thưởng ngoạn ngang nhau.

Môn chơi thứ hai mang tính đại trà nửa là hò đối đáp. Nếu như thả diều là trò chơi trên trời ban ngày để thưởng thức cái tài cái đẹp thì ngược lại hò đối đáp lại là trò chơi dưới đất thường là ban đêm bên cối gạo, góc sân đình, ngõ xóm thể hiện cái hay cái nhạy của nam thanh nữ tú. Hò giả gạo thể hiện sự linh hoạt, sự nhanh nhạy đột xuất làm nên những cuộc vui thâu đêm. Văn học và nghệ thuật dân gian, tính cộng đồng dân gian chan hoà qua sự đối đáp có kênh có nhịp thật sự làm nên một không gian văn hoá đậm tính nhân văn. Chơi là vui thú lại hàm nội dung khuyên răn giáo dục sâu sắc.

                        Em hỏi anh, hai chữ chi mà bỏ xuống đất

                        Hai chữ chi mà cất lên tra

                        Hai chữ chi phượng tha không nổi

                        Hai chữ chi gió thổi không bay

                        Trai nam nhơn giải đặng, em đây xin theo về.

                   Hai chữ tiền tài, anh bỏ xuống đất

                        Hai chữ nhân nghĩa, anh cất lên tra

                        Hai chữ nhớ thương, phượng tha không nổi

                        Chữ tình chữ hiếu gió thổi không bay

                        Trai nam nhơn đà giải đặng, gái theo đây về nhà.                   

 

 

 

 

                        Em hỏi anh, trong các thứ dầu, có dầu chi là dầu không thắp

                         Trong các thư bắp, bắp chi là bắp không rang

                         Trong các thứ than, than chi là than không quạt

                         Trong các thứ bạc, bạc chi không đổi không mua

                         Trai nam nhơn có giải đặng, mới rõ hơn thua phen này.

                          Trong các thứ dầu, có nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp

                          Trong các thứ bắp, có bắp mồm, bắp miệng, là bắp không rang.

                          Trong các thứ than, có than hởi than hời là than không quạt

                          Trong các thứ bạc, có bạc tình bạc nghĩa là bạc không đổi không mua.

                          Trai nam nhơn đà giải đặng, hỏi thiếp chừ tính sao.

Nhiều lắm những trò chơi dân gian của trẻ, của già mà làng nào, xã nào cũng có. Bởi chơi vui cũng là nhu cầu. Sáu năm qua Huế đã tổ chức bốn kỳ festival vừa khai thác thế mạnh của mình vừa giao lưu học hỏi gần xa để từng bước hoàn thiện mà xây dựng Trung tâm festival không chỉ cho quốc gia mà còn khu vực và quốc tế. Sứ mạng phát huy vốn cổ dân gian, học hỏi, tìm kiếm, chọn lọc và sáng tạo thêm nhiều trò chơi mới phù hợp với môi trường sinh thái là điều không thể khác.

                        Triều Sơn có tiếng đua ghe

                        La Khê có tiếng rượu chè nghênh ngang.


                    Nước trong con cá lội thảnh thơi

                        Giêng, Hai thong thả, ăn chơi thoả lòng.

 Văn học dân gian

  “Nước non ngàn dặm ra đi.

    Cái tình chi.

    Mượn màu son phấn

    Đền nợ Ô - Ly.

    Đắng cay vì

    Đương độ xuân thì...

    ...Dặn một lời Mân quân

    Nay chuyện đà như nguyện

    Đặng vài phân

    Tình đem lại mà cân

    Đắng cay muôn phần”.

          (Nam bình - Huế)

Đắng cay muôn phần. Tình đem lại mà cân. Đền nợ Ô Ly. Ta lần ngược trở lên thuở “Nước non ngàn dặm ra đi” đến nay vừa tròn 700 năm chẵn. 700 năm người Huế đã góp với đời những món ăn ngon tinh tế, những đồ mặc đẹp thanh lịch dịu dàng, những trò chơi vô tư sôi nổi, đương nhiên cũng góp vào dòng văn học ngoài luồng chính thống mầu sắc, hơi thở, tấm lòng bình dân của những người tiếp bước chân nhau đi thu hồi quốc thổ. “Đắng cay muôn phần”. Hồn nhiên, tự hào cũng muôn phần. Kho tàng văn chương bình dân mà ta khiêm tốn gọi “văn học dân gian” vươn lên trên cái nền ăn, mặc, chơi hoàn hảo ấy gấp nhiều lần theo cấp số nhân. Sự đa dạng phong phú của dòng văn chương này vừa mang máu thịt “con Lạc cháu Hồng” từ phía Bắc vào vừa hưng phấn náo nức với sứ mệnh tiên phong của những người đi mở nước. Một vài chục năm. Một vài trăm năm. Cứ tạm coi là như thế. Chưa thể làm được gì nhiều trên vùng biên cương phên dậu chưa yên, chưa vững, lớp người thuở đó vẫn vương vấn cố hương nên văn học dân gian của Huế thời kỳ đầu còn nhiều vay mượn là điều không thể khác. Đạo Phật đã làm nên những miền đất ấm, làm nên những điểm đồng quy. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm như những hạt thóc gống mót qua mùa lúa chét, các lớp “nam tiến” dựa bóng Phật, tìm sự an ủi chở che quanh các ngôi chùa đông dần. Tình quê đất cũ cũng đầy dần trên vùng sinh cơ lập nghiệp mới.

                    Gió đưa cành trúc la đà.

                        Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương.

                        Mịt mù khói toả màn sương.

                        Lắng nghe tâm sự đôi đường đắng cay.

 Dường như “Đắng cay muôn phần” đã vợi dần rồi đó. Chỉ còn lại đôi đường tâm sự thôi. Và đôi đường tâm sự ấy lại phải mượn “vóc dáng Đàng Ngoài” mà gửi gắm, mà phân bua. Cái tuổi đầu sinh thành non trẻ vốn vậy                                    

                        Gió đưa cành trúc la đà.

                        Hồi chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.

                        Mịt mù khói toả màn sương.

                        Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

                                                                 (Hà Nội)

                         Núi Truồi ai đắp mà cao

                        Sông Dinh ai bới ai đào mà sâu

                                                             (Huế)

                        Rú Nài ai đắp mà cao

                        Con sông Đò Điệm ai đào mà sâu.

                                                            (Hà Tĩnh)

                       Điệp Đọi ai đắp mà cao.

                        Ngả ba sông Lệnh ai đào mà sâu.             

                                                            (Hà Nam                                    

                         Nước sông Nong vừa trong vừa mát.

                        Truông Phù Bài nhỏ cát dễ đi.

                        Thương nhau dắt lấy nhau đi.

                        Công thầy nghĩa mẹ nhớ khi trả đền.

                                                              (Huế)

                         Nước Phù Nhi vừa trong vừa mát.

                        Đường Sen Chiểu mịn cát dễ đi.

                        Yêu nhau ta cưới nhau đi.

                        Kẻo mai sau quá lứa lở thì ai ơi.

                                                        (Sơn Tây)

 

 

                        Bất giao Nguyệt Biều hữu.

                        Bất thực Lương Quán kê.

                        Bất tranh Thế Lại trưởng.

                        Bất thú Dạ Lê thê”.

                                        (Huế)

                     Mạc giao Đông Viên hữu.

                        Mạc tảo Phùng Thượng thê.

                        Mạc tranh Đại Đồng trưởng.

                        Mạc thực Mỹ Lương kê”.

                                               (Sơn Tây)                         

                          Muối ba năm, muối hãy còn mặn

                        Gừng chín nước, gừng hãy còn cay

                           Đạo vợ chồng chớ đổi, đừng thay

                        May thì làm nên danh vọng, rủi có ăn mày cũng theo nhau.

                                                                     (Huế, nguồn Triều Nguyên)                                 

                         Muối ba năm muối đang còn mặn

                        Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

                        Đôi ta tình thắm nghĩa dày

                        Dù xa nhau đi nữa, ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

                                                                            (Nghệ Tĩnh)

 Câu mẹ đẻ ra câu con. Chữ Nôm đá qua chữ Hán. Bởi chưa đủ sức thoát khỏi cái lồng tri thức vốn có thuở sinh thời. Thế rồi theo năm tháng, Huế lớn lên thành Thủ phủ, thành Kinh đô thì dòng văn học dân gian vùng đất biên viễn một thời đã thành cố thổ, hoa trái sum sê. Rồi với xu thế “Làm trai cho đáng thân trai. Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”. Huế phên dậu thành Huế “Tổng Hành dinh”- điểm xuất phát và định hướng cho các lớp người vươn xa trên con đường mở nước, hẳn cũng biết vươn cao trong tâm thức tư duy. Cho đến khi bản Tuyên ngôn bằng thơ được sơn son thếp vàng đăng lên giữa bức liên ba trung tâm điện Thái Hoà tại Hoàng Thành Huế thì nền văn học dân gian Phú Xuân đã cho nhiều hoa thơm quả ngọt                                     

                        “Văn hiến thiên niên quốc.

                        Xa thư vạn lý đồ.

                        Hồng Bàng khai tịch hậu.

                        Nam phục nhất Đường Ngu”.

                    (Nước ngàn năm văn hiến

                        Thống nhất vạn dặm dài

                        Từ Hồng Bàng khai mở

                        Thịnh vượng kể từ đây)

 Một vùng “Quan họ” làm nên Kinh Bắc. Một vùng “Chèo” làm nên Sơn Nam Hạ. Một vùng “Hò hụi” làm nên Thanh Hoa. Một vùng “Hát Giặm”, “Hát Phường vải”,”Ví Giao duyên” làm nên An Tĩnh. Một vùng “Đờn Ca tài tử” làm nên Đồng Nai- Gia Định...,Huế đón nhận, Huế tiễn đưa cơ man nào thể loại, làn điệu, cung bậc để “phù sa” tinh hoa văn chương lắng lại mà làm nên hò, vè, ca, lý, làm nên ca dao, nên thơ, nên truyện, nên tuồng ...để khẳng định mình.

                        Hết gạo đã có Đồng Nai

                        Hết củi đã có Tân Sài chở vô.

 Huế ung dung đứng giữa giao nhận với hai phía Bắc - Nam. Tinh hoa như phù sa lắng lại. Bóng dáng đầu nguồn phai mờ dần, để làm nên nét riêng của Huế.

                        Một lời đã trót thâm giao

                        Dưới dày có đất trên cao có trời

                                                (Hà Tĩnh)

                        Ai ơi giữ chí cho bền

                        Dầu ai đổi hướng xoay nền mặc ai.

                                                           (Huế)

. Những người xứ Nghệ một thời thuộc lòng 3.254 câu Kiều để vận vào các đêm ví giao duyên đối đáp không mấy khi “gãy đòn”. Họ hoặc con cháu họ có mặt trong đoàn quân đi vào vùng phên dậu, mang theo cốt cách một thể loại thơ dân tuý phổ thông. Tính “lục bát” mềm mà bay bướm lắm, đa tình mà đa cảm lắm. Lục bát biến hoá trên mãnh đất gặp gỡ nam bắc tây đông này, đã làm nên đủ thể loại đủ làn điệu rặt một mầu sáng tạo. Cho hay, ngâm, lẫy, vịnh, hò, ca, hát, đối, xướng ... chỉ là phương pháp, thủ pháp chế biến ngôn từ cho các nguồn “dinh dưỡng tâm hồn” bằng nhiều lối, nhiều đường, nhiều ngõ ngách thấm vào tâm trí như chế biến các dạng thức ăn làm nên ngon nên đẹp. Nam Ai, Nam Bình, hò Mái nhì, hò Mái đẩy, hò đưa linh, hò giả gạo, vè, lý ... từ ca dao và cho ca dao thường dựa trên nền thơ 6/8 đặc trưng biến thành phong cách Huế, của Huế. Xem ra, lương thực, thực phẩm tại chỗ nhờ khéo tay tinh ý mới làm nên những món ăn vừa khoái khẩu mà bổ béo, thì tinh hoa của ngôn ngữ Việt qua một thời Phú Xuân cũng lại được nhào nặn để làm nên chất Huế không lệ mãi vào Đàng Ngoài, không vay mượn Đàng Trong. 3.630 khổ (đơn vị) ca dao mà Thạc sĩ Triều Nguyên tập hợp lại trong phần III Tổng tập Văn học dân gian Huế mang bóng dáng của non sông nước Việt đã cô luyện nên bởi tâm thức và bởi tri thức tổng hoà qua một thời dài từ nghèo nàn đến viên mãn.

                     Tới đây đất nước lạ lùng

                        Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng run.

Từ ngỡ ngàng tự ti văn học dân gian Huế đã làm nên bản lĩnh tự tin, không chỉ giỏi Nôm mà còn sành Hán.

                         Bán mại cửa quan sợ cụ.

                        Không vô trong nội nhớ hoài.

Thế đó, nghe qua tưởng là một câu đối thông thường là muốn bán cửa quan nhưng còn sợ cụ cố. Không vào trong Đại Nội thì nhớ thì thương. Có vậy trong hai câu trên nhưng không phải là chủ ý, bởi đây còn là cách chơi chữ thâm thuý, sâu sắc : bán = mại, cửa = quan, sợ = cụ và : không = vô, trong = nội, nhớ = hoài.            

Hoặc :

                         Con ngựa ô uống âu nước mã

                        Con gà cồ ăn cả nồi kê

                        Một mai anh ở em về

                        Trai tham sắc bỏ vợ, gái chịu bề hẩm hiu.

 Mã là ngựa, kê là gà. Các thầy đồ góp lời góp tiếng nâng văn học dân gian lên những nấc thang ngang tầm văn chương bác học. Đúng hơn, văn chương bác học đã tràn qua sinh hoạt dân gian lúc nào không ai hay.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi khổ thơ “Đội mây về nhà” của Ngô Văn Phú nhảy sang phía ca dao, người ta đã nghĩ đến sự không phân ranh giữa dân gian – bác học trong thế giới văn chương.

                        “Trên trời mây trắng như bông.

                        Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây.

                        Một cô má đỏ hây hây

                        Đội bông như thể đội mây về nhà”.

 Ở Huế, có lẽ từ nhiều thế kỷ trước đó, bài “Dưới vườn dưa lưa thưa trăng sắp” cũng đã ra đời.

                       “Dưới vườn dưa lưa thưa trăng sắp

                        Mảnh chắp mảnh rời, em lặn lội trong trăng.

                        Lội trong trăng em băng qua cồn cát

                        Xao xác bụi bờ, man mác sương sa

                        Sương sa thì mặc sương sa

                        Chợ xa mùa đến, cửa nhà phải lo.

                                         (Nguồn Triều Nguyên)

“Giữa vườn dưa lưa thưa trăng sắp”với “giữa cánh đồng bông trắng như mây” sao mà gần gủi bởi những hình tượng mang đậm dấu ấn bình dân của nghệ thuật tạo hình đặc sắc vậy. Ngôn ngữ của hội hoạ đã ùa vào ngôn ngữ của thi ca - ca dao, nâng văn học dân gian lên tầm bác học. Quá lời chăng ? Xin được nói cho hả.

Huế Thủ phủ qua đi. Một thời nhiễu nhương qua đi. Huế Kinh đô giang rộng vòng tay đón sĩ tử 46/47 khoa thi Hương và 39 khoa thi Hội thi Đình rồi liên tục đón các lớp tao nhân mặc khách Bắc Trung Nam. 778 năm (1010-1788) văn học dân gian sinh thành bởi các lớp “phù sa”sông Cả, sông Mã, sông Hồng...hội tụ về đất Thăng Long – Đông Đô, làm nên một thời sung mãn. Từ thế kỷ XIX thành tựu đó chuyển vào Huế khi non sông Đại Việt đã trở thành Việt Nam - Đại Nam lập nên thế cân đối Bắc – Nam với hai vùng châu thổ rộng lớn. Sự tích “Cây đa bến Cộ” trong kho tàng “Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế” như gợi nên, như mách bảo rằng các lớp người lều chõng lai kinh cũng đã từng gieo vào môi trường văn học dân gian Huế những hạt giống có chất xúc tác mạnh. “Sợi bấc ném đi. Hòn chì ném lại”. Chính thống và không chính thống, bác học và dân gian gợi ý cho nhau bổ sung cho nhau, dắt tay nhau đi giữa đất kinh kỳ của thế kỷ XIX. Thêm vào đó nhiều lớp thi nhân, văn nhân, nghệ nhân ... tên tuổi buổi đầu không mấy ai vắng Huế. Họ nhờ Huế mà cao lên. Huế có họ mà muôn mầu muôn vẻ. Với lại, thời này nền kỷ nghệ Tây Âu đã khá phát triển và ảnh hưởng của “thế kỷ Ánh Sáng” cũng loang vội sang các quốc gia Viễn Đông. Với tư cách là Kinh đô, Huế thay mặt cả nước đứng ra phía trước trong sự giao tiếp Đông – Tây này. Hà Nội với phố Hiến cảng sông nội địa. Huế với Thuận An, Tư Hiền, Đà Nẵng, Cần Giờ cảng biển đại dương. Tầm nhìn mỗi thời một khác.

Tín ngưỡng sinh ra lễ. Lễ sinh ra hội. Ăn mặc có hội có hơn. Cứ thế mà phát triển mà bổ sung cải biên. Sự vui chơi trở thành nhu cầu mỗi ngày một rộng. Xem ra, tín ngưỡng, lễ hội, ăn, mặc, vui chơi có bản địa làm gốc để mỗi ngày một tiếp thêm cành thêm nhánh nên cây mỗi ngày một sum suê đơm hoa kết trái muôn vẻ muôn mầu để toả hương khoe sắc.Văn học dân gian Huế dường như không mấy sâu đậm hay nói chính xác hơn không nhận nguồn gốc bản địa bằng ăn bằng chơi nên sự phát huy cải biên nguồn Thăng Long, Hoan Diễn theo dấu chân của những lớp người đi mở cõi như là đương nhiên. 496 năm (1306 – 1802) từ “Nước non nghìn dặm ra đi”hàng nghìn lớp người “mang gươm đi mở nước” đã làm nên ”Điện ngọc đền rồng” giữa vùng núi Ngự sông Hương

                       Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch

                        Non xanh nước biếc

                        Điện ngọc đền rồng

                        Tháp bảy tầng

                        Thánh miếu chùa Ông.

                        Chuông khua Diệu Đế

                        Trống rung Tam Toà

                        Cầu Tràng Tiền mười hai nhịp bắc qua.

                        Tả Thanh Long

                        Hữu Bach Hổ

                        Đợi khúc âu ca thái bình.

 Văn học dân gian Huế có bóng dáng mọi miền đất nước và có cả sự sung mãn bởi luôn luôn được tiếp thêm những luồng sinh khí mới đã là một trong những “nguyên liệu” làm nên tình nên nghĩa êm ái nhẹ nhàng trong cung cách đối nhân xử thế của Huế.

 Văn hoá ứng xử

Có thể xa hơn, nhưng tư liệu về thời xa hơn ấy chưa đủ để làm tin, chưa đủ để khẳng định rằng chỗ này hay chỗ nọ đã từng là nơi cư trú của chủ nhân hậu kỳ đá cũ cách ngày nay từ 2 vạn đến 2 vạn 5 nghìn năm. Xin hãy kiên nhẫn chờ các nhà Khảo cổ “xuống đường”. Một điều chắc chắn là “Ở Thừa Thiên Huế nói riêng và cả khu vực Bình - Trị - Thiên nói chung, chúng ta đã tìm thấy được các loại hình di tích, di vật của cả hai nền văn hoá ở hai phía Bắc – Nam. Sự tồn tại đồng thời của di tích mộ chum Sa Huỳnh bên cạnh những đồ đồng Đông Sơn đã nói lên ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn. Rõ ràng là trong giai đoạn phát triển của lớp cư dân cổ lúc này và có thể sớm hơn nữa, đã diễn ra quá trình giao lưu, đan xen và hoà nhập văn hoá một cách mạnh mẽ. Mãnh đất Thừa Thiên Huế và khu vực nằm giữa hai đèo Hải Vân và đèo Ngang trở thành như một không gian văn hoá đệm, một cầu nối cho cả một quá trình hoà nhập các khối cư dân Bắc – Nam trong suốt tiến trình phát triển” (nguồn Lê Duy Sơn).

Giao lưu, đan xen và hoà nhập” giữa cộng đồng cư dân Đông Sơn và Sa Huỳnh trên cùng một dải đất hẹp núi lấn ra sát biển, hung thú đầy rẫy khắp nơi, mà mưa nắng gió bão lại phủ phàng thì trước hết họ phải biết dựa vào nhau, chia sẽ với nhau khi “tối lửa tắt đèn”. Văn hoá ứng xử bắt nguồn trước hết từ những điều như thế. Họ là chủ nhân của Bộ Việt Thường thuộc nhà nước Văn Lang để sau đó bị xáo thành quận Nhật Nam chịu sự đô hộ của các quan Thái thú phương Bắc. Cuộc đấu tranh để tự tồn của cư dân Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ kéo dài suốt 400 năm (- 208 – +192) không thành. Nhật Nam tách khỏi ách đô hộ nhà Hán. Vương quốc Champa ra đời.Cư dân Đông Sơn – Sa Huỳnh phía nam đèo Ngang xa dần lâu ngày trở thành đối lập với cư dân Đông Sơn – Sa Huỳnh phía bắc đèo Ngang.

 1.116 năm (190-1306) Huế là Ô Rí hoà nhập trong dòng văn hoá Champa mà tính trội thuộc về hệ ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo. Tinh hoa Sa Huỳnh được phát huy đạt đến đỉnh cao đền tháp Vân Trạch Hoà, Liễu Cốc, Mỹ Khánh, Linh Thái...cùng với thành Lồi, thành Lý một thời huy hoàng lộng lẫy kiêu sa.

Từ tên gọi mới Thuận và Hoá thay cho Ô và Rí đã thể hiện đầy đủ khát vọng hoà thuận trở lại sau hơn nghìn năm tan vở. Cư dân Ô Rí cũ hoặc ở lại, hoặc chuyển cư vào phía trong đèo Hải Vân. Cư dân phía ngoài đèo Ngang theo Đoàn Nhữ Hài vào nhận Thuận Hoá, theo Hồ Quý Ly đi tìm đất mới, theo Lê Thánh Tông làm cuộc viễn chinh có số ở lại, có số trở về. 

252 năm (1306 – 1558) Huế nằm giữa vùng chiến sự nên không mấy khi yên. Những lớp người Việt từ phía Bắc vào sau năm 1306 thời kỳ đầu còn bở ngỡ, rụt rè giữa vùng đất lạ và cư dân củ của Vương quốc Chămpa ở lại không di tản vừa tự tôn vừa tự ti. Cả hai giống như những con sâu biết đổi mầu để giao tiếp ôn hoà với nhau cùng tìm hơi ấm trong các mái chùa làm nên sự yên ổn từ mỗi phía. Nhờ vậy qua 164 năm (1306 – 1470), mặc dầu Huế là vùng đất tranh  chấp giành giật thắng thua giữa hai vương quốc Đại Việt – Chămpa, cư dân sở tại (bản địa và di trú) vẫn có thể sinh sống trên cùng một vùng lãnh thổ. Họ giống như những con cá giữa vùng nước lợ của đầm phá Tam Giang. Mặn ngọt đều phải chấp nhận và đều đã trãi qua. “Khôn thì sống, vống thì chết” như là một định luật nghiệt ngả. Người Chăm ở lại dần dần Việt hoá. Người Việt di trú nhanh chóng thích nghi với môi trường sinh thái vùng đất mới. Huế là Việt. Huế là Chăm. Huế là Chăm Việt.

Lê Thánh Tông  (1460 –1497) chuyển ranh giới Đại Việt vào đèo Cù Mông, Thuận Hoá mới thật sự an cư lạc nghiệp.

An phận nghèo chẳng đổi niềm vui bầu Nhan Tử (Nhan Biều), cùng chuộng lễ, theo thói phong thuần Lỗ Xá. Liễu Cốc thanh cao, Trúc Lâm vui thú. Biết thẹn điều ác, tính người đều đủ Nghĩa Đoan; đi đúng đường ngay mọi người đều theo Nghĩa Lộ. Thủ Lễ tự mình cung kính, Kim Giao tất tín với người. Dưỡng Mông đội ơn nuôi dưỡng tấm thân, An Lạc vui hưởng ơn phước thái bình. Nhà Trâm Hốt giữ gìn cây hốt, vật cũ còn truyền; kẻ sĩ La Vân tươi đẹp như mây, nho phong chưa mất...” ( Dương Văn An, Ô châu cận lục)

Họ Nguyễn vào với Thuận Hoá từ giữa thế kỷ XVI và đã cùng Huế làm nên chùa Thiên Mụ, chùa Sùng Hoá, làm nên Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân để làm nên những khu dân cư sầm uất. Từ đây, bên các làng nông nghiệp đã có các làng nghề. Phước Tích gốm, Mỹ Xuyên chạm khắc, Kế Môn kim hoàn, Hiền Lương rèn, Phước Yên mộc, Mậu Tài kim khí, Phường Đúc vũ khí gia dụng, Thanh Tiên hoa, Bao Vinh gạch ngói, Thanh Hà cảng thị... Văn hoá dân gian Huế sinh nở trên nền hưng phấn ấy. Để giành phần thắng trong nội chiến vương triều họ Trịnh hà khắc với dân, tàn bạo với vua Lê nên nhiều người bỏ Trịnh vào Nam lánh nạn. Thuận Hoá được người Bắc Hà tìm đến. Đào Duy Từ là tấm gương trong xu thế đó. Huế phên dậu thành Trấn thủ, thành Thủ phủ cùng lớn lên với xứ Đàng Trong trở thành “Tổng hành dinh” của cuộc trường chinh mở nước. Phú Yên, Khánh Hoà, Đồng Nai, Gia Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tân Châu, Châu Đốc...nhìn về Huế để giữ lòng trung với nước.       

Thế kỷ XVIII thời cơ mở nước đặt lên vai Huế trọng trách lịch sử. Nhưng nạn tham quan ô lại cũng bắt đầu hoành hành. Tiếng chuông cảnh tỉnh của Nguyễn Cư Trinh không dẹp được gian thần Trương Phúc Loan. Anh em Tây Sơn mượn cớ nổi lên. Quân Trịnh mượn cớ ùa vào. Phú Xuân thất thủ bởi quân hùng tướng mạnh đang căng ra hai đầu bắc - nam không thể gom về kịp. 12 năm (1774 – 1786) bị quân Trịnh chiếm đóng rồi tan tác trước sức tấn công vũ bão của Tây Sơn. 15 năm tiếp theo dưới vương triều Quang Trung - Cảnh Thịnh, mục tiêu Bắc tiến diệt Trịnh, chống Thanh lại đặt lên hàng đầu. Nguyễn Huệ băng hà, Nguyễn Quang Toản non kém mà nạn sát phạt thanh trừng nội bộ lại diễn ra thường xuyên.    

Tâm trạng Huế gói gọn vào câu ca dao :                              

                                    “Lạy trời cho trở gió nồm.

                        Để thuyền chúa Nguyễn dong buồm trở ra”

Từ tuổi đầu thế kỷ XIX, Phú Xuân trở thành Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Nho giáo được coi là hệ tư tưởng chính thống làm hướng đạo cho nền giáo dục “tiên học lễ hậu học văn” thực sự. Luận thuyết về tam cương (tôn vua, kính trọng thầy, có hiếu với cha mẹ), ngũ thường (vun đắp nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho mọi người), tam tòng (cha, chồng, con), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Phật giáo được xiển dương và đức Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xã như những làn gió lành gieo vào tâm hồn chúng sinh lòng từ thiện vị tha. Lão giáo được tôn trọng để xây dựng niềm tin hướng thiện vào thế giới tâm linh, vào quá khứ tổ tiên mỗi người. Mặt khác, Huế đã là Kinh đô nên Sĩ đại phu, Sĩ phu, Sĩ tử, tao nhân mặc khách lai Kinh làm nên “dập dìu tài tử giai nhân”, người Huế tự thấy cần phải cao lên mới xứng với tư cách chủ nhân của trung tâm đất nước.

Suy cho cùng, cung cách ứng xử được hình thành từ môi trường văn hoá sinh thái, vị thế trong quá trình giao lưu để tồn tại. Từ những ngày đầu bơ vơ giữa vùng đất lạ “Ô châu ác địa” rối rắm đầy hận thù đến nổi “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng run”cho đến khi trở thành chủ nhân của một Kinh đô, Huế đã trãi qua bao nỗi mất còn. Họ là những lớp người tha hương đi mở nước và giữ nước đã nếm đủ đắng cay chua chát ngọt bùi nên biết thế nào là lẽ sống. Bảy thế kỷ hun đúc bản lĩnh khí phách cũng là bảy thế kỷ làm nên tính cách đối nhân xử thế tương ứng với vùng đất có dòng sông hiền hoà kiều diễm, có các ngôi chùa trầm mặc ban xa những tiếng chuông cảnh tĩnh khơi trong gạn đục thong thả ngân vang, có Kinh thành nguy nga tráng lệ. Huế tiếp xúc với đủ hạng người đông tây nam bắc, Huế chứng kiến những cuộc nghinh đón sứ thần các thuộc quốc, phiên bang, ...  Tất cả những lý do, nguyên nhân, bối cảnh lịch sử và môi trường sinh thái như đã trình bày trên luyện nên cung cách đối nhân xử thế thanh lịch, nhẹ nhàng, đoan trang theo tôn ty “trên kính dưới nhường, trên thương dưới sợ”. Thanh bình từ đó mà có. An lạc thừ đó mà thành. Từ tốn vị tha nhường nhịn vốn là nét đặc trưng trong văn hoá ứng xử của Huế

Từ một vùng cư dân gom làm nên một vùng văn hoá đệm đến thế kỷ XIX trở thành trung tâm đất nước, văn hoá Huế nói chung và văn hoá dân gian Huế nói riêng luôn luôn vươn lên tự hoàn thiện mình với tư cách dấu nối của hai đầu đất nước.

                                                         Xóm An Lạc, mùa Thu Bính Tuất – 2006

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443696

Hôm nay

2254

Hôm qua

2333

Tuần này

21509

Tháng này

218870

Tháng qua

112676

Tất cả

114443696