Khách mời văn hóa

Trí thức là trí tuệ của dân tộc

VHNA: Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân(1937)xuất thân trong phong trào đô thị miền Nam, tham gia kháng chiến chống Mỹ(1966 - 1975), Hội viên Hội nhà văn VN, Hội nhà báo VN,Hội sử học VN, chuyên nghiên cứu lịch sử, văn hóa triều Nguyễn và Huế, đã xuất bản khoảng năm chục đầu sách. Trước khi nghỉ hưu ông là Trưởng Văn phòng đại diện báo Lao động tại Miền trung và Tây nguyên. VHNA đã đón ông làm khách tháng 9 - 2011 và có cuộc trò chuyện cởi mở.

Ông hiểu như thế nào về trí thức? Họ là ai, họ có những phẩm chất gì? Họ khác với các hạng người, giai tầng khác chỗ nào?
Nguyễn Đắc Xuân.- Muốn hiểu trí thức là gì, vào Google trên Net sẽ có hàng chục định nghĩa. Tôi vốn ít viết, ít nói về lý thuyết mà thường là căn cứ trên hiện thực cuộc đời. Do nghề nghiệp cầm bút tôi đã gặp các đối tượng được gọi là “chuyên viên”, “các nhà khoa bảng”, thuộc tầng lớp trên của xã hội. Thông thường họ cũng gọi chung hai đối tượng trên là “trí thức” (ví dụ như khi đi họp Mặt trận, hay đưa người ra ứng cử HĐND, ứng cử Quốc hội.v.v). Gọi thế không sai, nhưng không đúng với ý của bạn muốn hỏi tôi. Chuyên viên là một người hiểu biết rộng về một ngành nghề nào đó. Sự hiểu biết đó do họ tự học, tự nghiên cứu mà có. Nếu do họ được đào tạo và được xác nhận bởi các học vị, học hàm Giáo sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ, khi ấy họ trở thành các nhà khoa bảng. Các chuyên viên, các nhà khoa bảng muốn được xem là trí thức, họ phải mở rộng thêm tri thức về chính trị nhân văn, xã hội, có những trải nghiệm chứng tỏ họ biết nhiều, hiểu rộng, có tầm nhìn xa, nhiều việc xảy ra đúng với nhận định của họ trước đó. Như thế cũng chưa đủ. Họ phải có nhân cách cao. Nhân cách cao nhất là tinh thần phục vụ quốc gia, dân tộc. Cha ông ta xưa nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nay ta có thể cập nhật hóa rằng “Tầng lớp trí thức là trí tuệ của dân tộc”.  
Trong lịch sử dân tộc, theo ông, tầng lớp trí thức đã ra đời từ lúc nào? , trong hoàn cảnh nào?
Nguyễn Đắc Xuân.- Tôi chưa có dịp nghiên cứu về lịch sử ra đời của tầng lớp trí thức Việt Nam. Trong chiến tranh tôi thường nghe câu nói rất chí lý “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Dân tức là không phải chính quyền, không phải tầng lớp cai trị, giải quyết những cái khó của đất nước là dân, dân trong thực tế là anh hùng và trí thức. “Thời thế tạo anh hùng”. Đọc lịch sử VN, ta thấy có anh hùng là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung.v.v. và thời thế cũng làm xuất lộ những trí thức: Sư Vạn Hạnh, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Hoãng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện.v.v. Nhiều anh hùng cũng là trí thức (Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo) và nhiều trí thức cũng là anh hùng (Võ Nguyên Giáp). Nói tóm trí thức ra đời khi đất nước gặp những vấn đề khó.
Như ông nói :“Tầng lớp trí thức là trí tuệ của dân tộc”, tôi hiểu theo ý ông Trí thức là tinh hoa của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Trí thức luôn gắn liền với vận nước và có tiếng nói quan trọng với vận nước. Trí tuệ của trí thức là trí tuệ của dân tộc để chèo lái vận mệnh dân tộc trong những lúc vận nước cam go nhất. Thế nhưng hình như trong lịch sử số phận của trí thức luôn được xác định có một khoảng cách đáng kể với nhà cầm quyền. Có điều đó không?
Nguyễn Đắc Xuân.- Trong lịch sử có điều đó.
Tại sao vậy?
Nguyễn Đắc Xuân.- Theo tôi về bản chất chính quyền và tầng lớp trí thức có tư duy khác nhau. Chính quyền luôn luôn muốn xã hội ổn định để cai trị theo ý mình, trí thức luôn luôn muốn khắc phục những nhược điểm do hoàn cảnh phát sinh, thay đổi cải tổ để xã hội tốt hơn, để người dân được sống hạnh phúc hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chỉ có những lúc thịnh thời thì chính quyền mới có trí thức đứng bên cạnh.
Có ý kiến cho rằng, trên cả thế giới chứ không riêng gì một nước nào, trí thức là một đội ngũ dễ và hay bị phân hóa nhất. Có điều đó không? Tại sao vậy?
Nguyễn Đắc Xuân.- Đó là một ý kiến, chứ chưa hẵn là một thực thể của tầng lớp trí thức. “Tầng lớp trí thức” là một cái tên gọi chung các cá thể trí thức, chứ không phải một tổ chức gồm nhiều trí thức. Trí thức có tư duy riêng lẽ, họ hoạt động, sống theo tư duy và nhân cách của mình. Trí thức chỉ gặp nhau trong các hoạt động phụng sự dân tộc (dù họ chưa quen nhau, ở cách xa nhau trong nhiều quốc gia), hay họ gặp nhau vì cùng một quan điểm về một việc cụ thể nào đó của dân tộc; Ví dụ như việc xây dựng một nền Đại học quốc gia VN ngang tầm Khu vực và thế giớichẳng hạn. Trí thức có “kết” đâu mà bảo “phân”? Một trí thức mà không làm chủ được mình thì chưa đủ phẩm chất của một người được gọi là trí thức.
Có người bảo tại họ trong sáng, rành mạch hơn trong nhận thức và tình cảm nên dễ tin và vì vậy dễ bị mê hoặc và phân hóa?
Nguyễn Đắc Xuân.- Một trí thức đã “trong sáng rành mạch”  thì họ chỉ tin những gì cũng trong sáng rành mạch. Họ sẽ từ chối những gì tối tăm, uẩn khúc, không rành mạch. Vậy làm sao họ lại có thể “dễ tin và dễ bị mê hoặc” được?. Còn chuyện “phân hóa”, như tôi đã giải thich ở trên: trí thức họ có kết đâu mà bảo họ “phân hóa”? Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy “các thánh” có khi còn nhầm, huống chi con người, trí thức cũng là con người thôi. Nhưng trí thức thật, sau khi bị nhầm, họ biết mình nhầm, nói ra được điều mình nhầm là trí thức vậy. Còn như nhầm mà không biết mình nhầm là không phải trí thức!
Trở lại với lịch sử Việt Nam, theo ông thì giai đoạn lịch sử nào, hay là bước ngoặt lịch sử nào của đất nước đã chứng minh rõ ràng nhất vai trò của đội ngũ trí thức nước nhà?
Nguyễn Đắc Xuân.- Trong phạm vi nghiên cứu lịch sử hạn hẹp của tôi, tôi thấy vai trò của các trí thức Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhâm, La Sơn Phu Tử đã giúp cho sự thành công của triều Quang Trung, trong sự nghiệp đánh giặc cũng như trong việc ngoại giao với nhà Thanh; các trí thức Nam bộ giúp cho vua Gia Long xây dựng nên nền móng của triều Nguyễn về nhiều mặt; trí thức Việt Nam ở Hà Nội, Huế, Nam Bộ đã giữ một vai trò quan trọng trong Cách mạng Tháng 8/1945 và buổi đầu kháng chiến chống Pháp; Trí thức Huế và Sài Gòn giữ vai trò hiệu triệu rất có kết quả trong kháng chiến chống Mỹ. v.v.
Phẩm chất của trí thức theo tôi là một hằng số, ít thay đổi. Vậy điều gì đã giúp cho giới trí thức trong những giai đoạn đó khẳng định được, làm nên được những công trạng to lớn đó với dân tộc?
Nguyễn Đắc Xuân.- Đó là ý thức trách nhiệm của người trí thức với quốc gia, dân tộc.
Xuyên suốt lịch sử dân tộc, theo ông, các nhà cầm quyền, các bậc minh quân của dân tộc đã có những bí quyết nào để tập hợp và phát huy vai trò không thể thay thế của giới trí thức?
Nguyễn Đắc Xuân.- Mỗi triều đại, mỗi cá nhân có những bí quyết riêng để tập hợp và phát huy vai trò không thể thay thế của trí thức. Thông thường thì các bậc minh quân, các nhà cầm quyền biết đánh giá đúng chất xám của trí thức, tín nhiệm họ, giao cho họ công việc của đất nước hợp với khả năng của họ nhất và đãi ngộ xứng đáng với những gì họ đã đóng góp cho đất nước.
Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những bài học nào sâu sắc nhất về vấn đề này?
Nguyễn Đắc Xuân.- Bác Hồ đã thực hiện đúng cái bí quyết thông thường tôi vừa nói trên. Bác tín nhiệm và giao chính quyền cho Huỳnh Thúc Kháng khi Bác đi Pháp năm 1946, giao việc quân sự cho Võ Nguyên Giáp, giao việc chế tạo vũ khí cho Trần Đại Nghĩa, giao y tế cho Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, giao văn hóa cho Nguyễn Văn Huyên.v.v.
Đất nước ta đã có sự phát triển khá nhanh trong những năm qua. Việt Nam bây giờ đã có tầm vóc mới để có thể tự tin hơn trong sự tự quyết định vận mạng của mình. Chúng tôi nghĩ, trong sự vận động phát triển hiện nay của đất nước, trí thức có vị trí và trách nhiệm rất lớn. Ông có cảm nhận như thế về vai trò trách nhiệm đó của giới trí thức nước nhà hiện nay? Họ đã thể hiện vai trò của mình như thế nào với sự tồn tại và phát triển của đất nước?
Nguyễn Đắc Xuân.- Đã gọi là trí thức thì bao giờ họ cũng thấy trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc, họ luôn trăn trở với những vấn đề làm cản ngại sự phát triển của dân tộc, vấn đề giữ gìn nền độc lập, giữ gìn sự thống nhất của đất nước .v.v. Vấn đề phải quan tâm là chính quyền có thực hiện bài học của Bác Hồ về việc sử dụng trí thức hay chưa? Nếu chưa hay đã làm mà chưa đầy đủ thì trước tiên trí thức phải có trách nhiệm nhắc chính quyền về bài học của Bác Hồ để lại. Loại ra ngoài bọn giả trí thức, bọn mua bằng để chạy chức, giữ chức, trí thức Việt Nam hiện nay - đối với những người tôi quen biết - ít nhất có 4 hoàn cảnh xuất thân khác nhau: 1. Trí thức xã hội chủ nghĩa (ví dụ như Hoàng Tụy, Trần Thanh Đạm, Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Dương Trung Quốc, Mai Quốc Liên, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo.v.v.), 2. Trí thức ở các đô thị miền Nam trước năm 1975 (Nguyễn Nhã, Vũ Hạnh, Bửu Ý, Nguyễn Hữu Thái, Tôn Nữ Thị Ninh, Bùi Trân Phượng, Thái Ngọc Dư .v.v.) 3. Trí thức Việt Nam định cư ở nước ngoài (Pháp: Thích Nhất Hạnh, Lê Thành Khôi, Cao Huy Thuần, Lê Huy Cận, Lê Bá Đảng, Đặng Tiến; Bỉ: Nguyễn Đăng Hưng; Mỹ: Trần Chung Ngọc, Bùi Duy Tâm, Bùi Minh Đức, Nguyễn Bá Chung, Lê Xuân Khoa, Tôn Thất Chiểu, Đinh Cường, Nguyễn Hữu Liêm, Trần Quang Thuận; Nguyễn Mộng Giác; Úc: Nguyễn Xuân Thu, Quán Như Phạm Văn Minh, Canada: Huỳnh Hữu Tuệ, 4. Trí thức trưởng thành sau năm 1975 ở trong và ngoài nước (Ngô Bảo Châu (Mỹ), Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Lê Tự Quốc Thắng (Mỹ), Hồ Anh Tài (Hà Nội), Nguyễn Quang Thiều (Hà Nội). v.v.  Muốn thấy được sự “thể hiện vai trò của mình (trí thức) như thế nào với sự tồn tại và phát triển của đất nước” trước hết phải tìm hiểu họ đang nghĩ về tình hình đất nước hiện nay như thế nào, họ nhận thức như thế nào về lịch sử VN đương đại, và họ đang làm gì cho đất nước. Qua tiếp xúc trong đầu tôi có những ý tưởng sau đây:
           - Trí thức xem việc thống nhất đất nước năm 1975 là một sự kiện lịch sử trọng đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ngang hàng với các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung.
            - Lý luận về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay chưa thuyết phục được trí thức mà cần phải tiếp tục được nghiên cứu để phù hợp với những điều kiện mới của thời đại và đất nước.
            - Đã đến lúc phải bước nhanh hơn trên lộ trình dân chủ để huy động được sức mạnh của toàn dân, của trí thức trong và ngoài nước để chống ngoại xâm, xây dựng đất nước trên những cơ sở bền vững hơn; tăng cường  dân chủ là để xây dựng chính quyền mạnh chứ không phải làm cho chính quyền yếu đi.  
            - Phải tuyên chiến với quốc nạn tham nhũng.
            - Chính quyền cấp này cấp khác, chỗ này chỗ nọ có thể có điều nầy, việc nọ chưa phải, trí thức không ủng hộ, nhưng nhân dân, dân tộc không bao giờ sai lầm, nhân dân luôn luôn cần đến sự đóng góp trí tuệ của trí thức.
Vậy trí thức hiện nay cần thể hiện vai trò của mình như thế nào?
 Nguyễn Đắc Xuân: Cùng khát vọng phụng sự dân tộc nhưng mỗi người, mỗi nhóm có những thể hiện khác nhau.
            - Chưa làm được việc lớn thì làm việc nhỏ; ví như vào các thư viện quốc tế, vào kho lưu trữ của Trung Quốc sưu tập tư liệu chứng minh một cách khoa học Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng biển VN; nghiên cứu luật pháp quốc tế để sẵn sàng đối chất với Trung Quốc trước Tòa án quốc tế chẳng hạn.
            - Chưa làm cho nhà nước thì làm cho tư nhân, làm cho ngoại quốc để gián tiếp giúp nước như dạy sinh viên VN trong các Đại học quốc tế chẳng hạn.
            - Vận động các chính phủ, các tổ chức quốc tế ủng hộ VN  về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội như chương trình chống Viêm gan B của BS Bùi Duy Tâm ở Hoa Kỳchẳng hạn;
           - Kiên trì thuyết phục chính quyền quan tâm đến việc sử dụng chất xám đúng chỗ; không ngừng phản biện trên tinh thần xây dựng về những vấn đề liên quan đến quốc gia dân tộc của chính quyền.v.v. Đã là trí thức dấn thân thì khi chưa được làm lợi cho dân bằng chiều dọc, thì cũng tìm cách làm lợi cho dân theo chiều ngang. Trí thức không bao giờ ngồi yên.
Về một phương diện nào đó, trí thức là đại biểu, đại diện cho nền văn hóa dân tộc. Vận nước đang rất cần trí tuệ và bản lĩnh của giới trí thức. Vậy theo ông,  Đảng và Nhà nước cần làm gì thiết thức và cụ thể để tập hợp đông đảo hơn, củng cố khối đoàn kết thống nhất bền chặt hơn, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và trách nhiệm của giới trí thức trong giai đoạn lịch sử hết sức quan trọng này của đất nước.
Nguyễn Đắc Xuân.- Về bài học sử dụng trí thức Bác Hồ đã để lại còn mới nguyên đó. Đảng và nhà nước chỉ cần bàn kế hoạch cụ thể để thực hiện thôi. Vấn đề tôi băn khoăn là những ai có đủ trình độ, có sự kính trọng trí thức, có lòng bao dung, có đủ thông tin để thiết lập nên một kế hoạch sử dụng trí thức như thời Bác Hồ? Từ kế hoạch đến khâu thực hiện có thoát khỏi những tay chạy chức chạy quyền, những người buôn quan, bán chức hiện nay không? Hay lại trở thành một cơ hội để cho bọn trí thức dỏm trong và ngoài nước ùa đến làm xấu mặt trí thức trước nhân dân mà thôi. Hôm nay trả lời bạn thế này là do những trải nghiệm của tôi, do tôi rút kinh nghiệm từ cuộc đời 45 năm theo cách mạng của tôi. Chỉ có thực tế mới trả lời được những vấn đề của cuộc sống. Thế thôi.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
                                                       Vĩnh Khánh thực hiện

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444537

Hôm nay

2146

Hôm qua

2333

Tuần này

2146

Tháng này

219711

Tháng qua

112676

Tất cả

114444537