Khách mời văn hóa

Lại Nguyên Ân: Tiếng nói của phê bình chỉ có được tác dụng thực tế khi nó là kết quả của cái nhìn sáng suốt, tỉnh táo

VHNA: Đã lâu nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động lý luận văn học nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng của chúng ta đang bộc lộ nhiều điểm yếu kém và tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; Sự tác động đến hoạt động sáng tác của các nhà văn chưa nhiều, chưa sâu sắc. Để có một cái nhìn gần hơn về hiện tượng này, cuối tháng 9 này, VHNA đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình Lại Nguyên Ân. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

PV:  Là người trong nghề, anh có đánh giá như thế nào về hoạt động lý luận phê bình văn học nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung của ta trong những năm gần đây? Không khí học thuật có nhiều đổi mới không? Thành tựu nghiên cứu có khả quan hơn không? Đội ngũ ra sao? Có tác động thế nào đến sáng tác, nhìn từ đời sống văn học của ta hôm nay, thưa ông?

Lại Nguyên Ân: Đối với giới phê bình nghiên cứu văn học ở Việt Nam hiện nay, tôi chỉ là một kẻ ở ngoại vi, một ông già đã nghỉ hưu, làm việc như một nhà nghiên cứu độc lập; một ai đó có thể bảo tôi: ông không được dự các hoạt động của hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, hoạt động của các hội đồng khoa học ở các viện nghiên cứu hay các trường đại học, ông làm sao có thể nhận xét?!
 
Tất nhiên tôi vẫn có thể đưa ra nhận xét, với tư cách cá nhân. Sau đây chỉ là những nhận xét của riêng tôi, một người đã và vẫn còn đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học.
 
Theo tôi, hoạt động lý luận phê bình nghiên cứu văn học hiện tại ở ta có những thay đổi đáng mừng, lại cũng có những mất mát đáng tiếc. Đáng mừng là ở giới nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp, nhất là những người còn trẻ, mới bước vào nghề, nói chung, đã có một tâm thế tốt là hướng tới việc tự trang bị một nền tri thức và phương pháp tư duy mang tính toàn cầu. Điều này khác hẳn tâm thế khép kín, dị biệt, thậm chí “ngược dòng thời đại” trong các định hướng tri thức, giá trị và phương pháp của thế hệ cha anh ba bốn chục năm về trước.

Đáng tiếc là những hoạt động mang tính lý thuyết, tính khảo sát thực sự, phần lớn lại không bộc lộ ra ở các phương tiện thông tin đại chúng, do đó không có công chúng rộng, ngược lại, thường chỉ được biết trong giới hẹp của những người nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành, giới học viên sau đại học, nghiên cứu sinh… Tất nhiên trong không khí học viện, “trường lớp”, “thầy trò” ấy thì sinh hoạt học thuật cũng thường nặng về tiếp nhận sự chuyển giao kiến thức, nhất là kiến thức hàn lâm từ ngoài vào, và bước đầu thực hiện những bài tập, chứ cũng hãy còn ít có những thảo luận, tranh luận thực thụ.
  
Còn nói về tác động đến sáng tác, thì rất tiếc là phê bình hiện nay chỉ làm được rất ít. Tuy đã qua rồi cái thời “chân không” về lý thuyết văn chương, đến nỗi trên đàn văn chỉ có vài anh chàng mượn giọng nhà quê “em với bác” để phán xét mọi sự tuế toái của công việc sáng tạo. Nhưng phê bình hiện vẫn đang yếu, công chúng gần như không nghe thấy tiếng nói của phê bình trong các sự kiện văn học.
 
Thời “tiền chiến” (văn học Việt Nam trước 1945), phê bình trước hết là phương tiện cạnh tranh giữa các nhóm phái, tuy rằng nó đã làm được nhiều việc khác nữa của sự nghiệp văn học. Thế Lữ là cây bút thuộc Tự Lực văn đoàn nên sẽ không bao giờ thốt ra dù chỉ nửa lời khen đối với các tác giả ngoài nhóm ấy, dù đó là thơ Huy Thông, thơ Hàn Mặc Tử hay tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố. Ngược lại, những nhà văn cộng tác với Tân Dân thư quán cũng thường có thái độ xa cách, ngờ vực đối với các thành viên Tự Lực.
 
Phê bình ở văn chương miền Bắc những năm 1950-80 (và từ sau 1975, trong cả nước) căn bản là công cụ đấu tranh tư tưởng, công cụ bảo vệ ý thức hệ; khi nào đối tượng bị đẩy đến giới hạn địch/ta, phê bình bằng ngôn từ sẽ đi kèm sự trừng phạt thực tế. Nhưng khi phê bình chỉ tiến hành trong giới “cùng là đồng chí với nhau”, cùng bậc giá trị và quyền hạn, thì phê bình – đây là nói riêng phê bình văn chương – có tác dụng kiểu khác: nó đề xuất và điều chỉnh một quan niệm, một hình dung về diện mạo chung của nền văn học mà mọi người đang can dự. Diễn ngôn thường trực của phê bình ấy trình bày một “bức toàn cảnh” toát yếu về văn học đương thời, có nhấn vài ba nét đậm tích cực, vài ba nét nhạt tiêu cực, xét theo các nguyên lý căn bản mà văn học này tuân thủ; phần “thời sự” tại một thời điểm nào đó chính là cảnh báo sự xuất hiện một vài dấu hiệu đáng lo ngại, đe dọa thay đổi một góc hay một phần “bức toàn cảnh” kia. Có thể nói, nghệ thuật gây căng thẳng chính là cái tạo nên tính hấp dẫn của phê bình ý thức hệ; những bài in chữ nhỏ đặc kín 2 trang báo “Văn nghệ” của Tố Hữu hay Hà Xuân Trường, vẫn được những người trong cuộc đọc chăm chú, kỹ lưỡng, là vì trong mỗi ý có thể đọc ra những răn đe hay hứa hẹn đối với những tác giả tác phẩm nào đó, những chiều hướng sáng tác hay phê bình nào đó. Đằng sau “bức toàn cảnh” mà phê bình này đề xuất (thường chứa nhiều ảo tưởng) có thể thấy rõ cái tham vọng thường trực là luôn luôn muốn bao quát được, nắm chắc được cái diện mạo động của văn chương đương thời mình. Tinh thần của phê bình là nằm ở tham vọng ấy, dù trên thực tế nó có đạt được điều nó muốn hay không.
 
Theo tôi, chính cái tham vọng bao quát, nắm bắt diện mạo thực của văn chương đương thời mình, là cái đã bị đánh mất, nói đúng ra, gần như không thấy có tham vọng ấy trong phê bình hiện nay. Các báo cáo tổng hợp tình hình văn học nghệ thuật do giới chức sắc soạn thảo thường vẽ tình hình bằng những câu chữ đặc trưng của giới quan liêu, chung chung, vô cảm. Các bài phê bình tác giả, tác phẩm thì chìm sâu vào từng “ca” riêng rẽ, rất ít khi bàn tới “bức toàn cảnh” của các sáng tác, của đời sống văn học.  
 
PV:  Được biết, đã khá nhiều năm nay ông chuyên tâm khảo cứu các tác giả, tác phẩm mà từ trước đến nay ít người tiếp cận như Phan Khôi, Hoàng Cầm... rồi tài liệu về Nhân văn - Giai phẩm… Ông có tham gia khảo cứu về các giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu không? Nói chung loại công việc này ông làm do lo lắng mai một các di sản hay là tình cảm của anh dành cho các văn nhân học giả này? Điều ông cảm nhận sâu sắc nhất về Phan Khôi là gì khi ông nghiên cứu về nhà văn, nhà báo nổi tiếng này?      
 
Lại Nguyên Ân: Nói vắn tắt: tôi chỉ đủ sức quan tâm tương đối chăm chú đến hai tác giả: Vũ Trọng Phụng và Phan Khôi; các tác giả khác, tôi chỉ tiếp cận hạn chế, ví dụ, sau khi giúp nhà thơ Hoàng Cầm lúc sinh thời dựng bộ “Tác phẩm” 3 tập của ông, và, sau khi ông mất, giúp gia đình ông làm cuốn tư liệu tập hợp dư luận về các sáng tác của ông; tôi thấy đã có những nhà nghiên cứu phê bình viết khá sâu và khá hay về văn nghiệp Hoàng Cầm rồi, tôi nên làm việc khác. Với các tác gia Trương Tửu hay Nguyễn Mạnh Tường cũng vậy, tìm được tư liệu nào liên quan, tôi đều chuyển cho các bạn nghiên cứu có quan tâm, nếu có tham dự, tôi cũng chỉ làm được những việc nhỏ, viết những bài nghiên cứu nhỏ. Mảng tư liệu Nhân văn – Giai phẩm thì thực ra nhiều bạn đã cùng nhau đi tìm và công bố lại, tôi chỉ chú ý mảng những phê phán nhắm vào Nhân văn – Giai phẩm những năm đương thời, – mảng này một thời được xem là công tích “đánh địch” đáng tự hào, một phần đã được tập hợp in thành sách, nhưng đến hôm nay và ngày mai thì chúng có thể đã hoặc sẽ bị từ bỏ bởi chính các tác giả của chúng hoặc bởi thân nhân của họ; tức là rõ ràng ở đây có nguy cơ mất mát một di sản ngôn từ, một phần ký ức lịch sử của cộng đồng, nên cần hành động để giữ lại, vậy thôi.
 
Nói chung việc sưu tầm nghiên cứu về các tác giả quá cố đều gắn với sự quan tâm của tôi về di sản văn học.
 
Tôi đã nhiều năm gần gũi nhiều người trong giới nghiên cứu, được biết khá rõ tình trạng phí phạm, mất mát di sản văn học, nhất là của thời cận-hiện đại, tức là sự mất mát nguồn sách báo quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX, trong khi sự nghiên cứu về mảng này chỉ mới được chăng hay chớ, nhiều tác giả, tác phẩm bị bỏ qua vì hàng loạt nguyên nhân…
 
Ví dụ trường hợp Phan Khôi (1887-1959); tìm hiểu kỹ hoạt động báo chí của ông, từ 1918 đến khi mất, nửa thế kỷ ông viết rất nhiều, can dự nhiều sự kiện lớn, thế nhưng từ sau khi ông mất, 40 năm liền không một cuốn sách nào của ông được in lại, không một dòng nào tử tế trên sách báo miền Bắc nói về ông. Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, chợt nhắc đến một sự kiện văn học là phong trào thơ mới 1932-45, đôi người nhớ tên Phan Khôi, nhưng tìm quanh chẳng thấy có tác phẩm nào làm chứng cho sự tồn tại của tác giả này, bèn hô lên: có lẽ đây là một tác gia chỉ có cái tên chứ không có tác phẩm! Vậy là cho đến đấy, có cả một thế lực đã rất thành công trong ý đồ xóa khỏi văn học sử, văn hóa sử xứ này một tác gia lớn. Mà không chỉ một Phan Khôi, bên cạnh ông có một loạt tác gia lớn, nhà văn hóa lớn mà tên tuổi cũng bị xóa bỏ và tác phẩm cũng bị cấm đoán suốt gần nửa thế kỷ, – đó là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, v.v… Tất nhiên những ý đồ xóa di sản như thế rốt cuộc đã không thành, bởi trong dân tộc lúc nào cũng còn những người hiểu biết, và kịp hành động để giữ lại những gì không thể để mất. Tôi cũng chỉ làm theo phương cách mà những người đi trước như các nhà nghiên cứu Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung đã làm ở miền Nam, từ những năm 60 của thế kỷ trước, đối với các nguồn di sản văn tự của người Việt khi đó đang đối mặt nguy cơ mất đi vĩnh viễn.
 
Về tác gia Phan Khôi, tôi mới chỉ tìm và công bố được chừng một nửa những gì mà hồi sinh thời ông đã viết và đăng báo in sách. Phía trước, những phần việc còn lại cũng đầy khó khăn, nhất là khi các nguồn sách báo tài liệu cần thiết có thể đã cạn hoặc chỉ còn đâu đó ở các thư viện nước ngoài. Mà nếu hoàn thành được việc tái công bố hầu hết các tác phẩm của ông thì vẫn còn đó việc nghiên cứu phân tích… Phần việc này chắc chắn cần sự tiếp tục của lớp nhà nghiên cứu trẻ, ở cả giới nghiên cứu sử học chứ không chỉ giới nghiên cứu văn học.   
 
PV:  Trở lại câu chuyện ban đầu, là người trong giới, anh tự thấy xã hội và đời sống, hay là nền văn học của chúng ta đang cần, đang đòi hỏi những gì ở giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học? Và những người làm công việc này đang cần, đang đòi hỏi những gì để phát triển và có những đóng góp thiết thực hơn?
 
Lại Nguyên Ân: Đời sống văn hóa, đời sống văn học hiện nay rất sôi động, bao trùm những phạm vi đông đảo công chúng, tác giả, nhà phê bình nghiên cứu… Hiện nay trong cả nước có tới gần 60 nhà xuất bản, phối hợp hoạt động với các nhà xuất bản ấy là hàng trăm công ty văn hóa truyền thông, trung tâm biên soạn, ấn loát và phát hành sách, lại còn trên 600 tờ báo mà hầu như mỗi tờ ít nhiều đều có phóng viên, biên tập viên văn nghệ; những người làm việc ở các cơ sở nói trên tuy không phải tất cả đều đích thị làm nghiên cứu phê bình, có khi chỉ làm loại công việc dịch vụ sách vở văn học, nhưng thực ra cũng cần được trang bị các hiểu biết tương đương cử nhân ngữ văn. Nhìn vào những loại lỗi thao tác thường xuất hiện trên sách báo văn hóa văn nghệ hiện thời, có thể thấy rõ giới những người làm dịch vụ sách báo văn hóa văn nghệ, những người làm biên tập, nghiên cứu phê bình đều còn khá nhiều khiếm khuyết về kiến thức và kỹ năng làm việc, từ những điều giản đơn đến những chuyện phức tạp. Trong khi đó, các hoạt động kinh tế xã hội, văn hóa của ta đều đang can dự quá trình giao lưu hội nhập, đòi hỏi những người tham gia cần đạt các chuẩn mang tính toàn cầu. Việc chủ yếu, trước mắt và lâu dài, vẫn là tự nâng cao tri thức và kỹ năng làm việc của từng người đang hoạt động trong các cơ sở văn hóa văn nghệ, kể từ người sửa in, biên tập đến người viết báo viết sách. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp vốn là điều cốt thiết của mỗi ngành nghề, giời đây lại trở nên đáng báo động, do chiều hướng vi phạm gia tăng, nên cần nhấn mạnh trở lại, người trong nghề phải trung thực, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, không can dự hay tiếp tay cho các hành vi “đạo văn”, chiếm đoạt hoăc vi phạm tác quyền…
 
PV: Từ thực tiễn đời sống văn học của các địa phương chúng tôi thấy ở địa bàn này hầu như không có tiếng nói của giới phê bình có úy tín nên nhiều khi lại thiên về cách nhìn chính trị-hành chính đơn thuần, làm khó cho cả người sáng tác, người quản lý và bạn đọc. Rồi mỗi lần xét giải thưởng là một lần ồn ào, ì xèo, kiện cáo. Theo ông thì nên giải quyết tình trạng này như thế nào?
 
Lại Nguyên Ân: Tôi là người làm nghiên cứu, không có kinh nghiệm gì về quản lý, nên khó có đề xuất gì đáng kể trước câu hỏi trên. Nhưng nhân đây tôi nghĩ tới vấn đề tính tập trung của việc tổ chức đời sống văn học dưới chế độ VNDCCH và CHXHCNVN, và quá trình địa phương hóa ít nhiều của nó.
 
Nhìn khái quát, từ cuối năm 1954 đến tận những năm 1970 ở miền Bắc, hầu như nền văn học chính thống chỉ có quy mô trung ương, hầu như không có quy mô địa phương; các nhà văn chuyên nghiệp hầu hết đều sống ở Hà Nội; những ai buộc phải chuyển từ Hà Nội về các địa phương, thời những năm 1958, như Nguyễn Bính, Trần Lê Văn, Hoàng Tố Nguyên, v.v… thì đều do những lỗi liên can Nhân văn – Giai phẩm.
 
 Những năm 1970-80 bắt đầu xuất hiện các hội VHNT địa phương cấp tỉnh, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, v.v… nhưng đời sống văn nghệ vẫn dồn về trung tâm Hà Nội; không một tác phẩm văn học đáng kể nào được công bố tại các địa phương.
 
Sau 30/4/1975, quy mô một trung tâm đó buộc phải khu trú ở hai điểm “đầu cầu”: Hà Nội và Tp.HCM. Nhưng chính việc các văn nghệ sĩ miền Nam tập kết (1954-75) về lại quê hương, trên thực tế đã khiến hiện tượng “phi trung tâm hóa” nảy sinh và ngày càng trở nên bình thường. Tháng 9/1983, tại ĐH nhà văn lần 3, Nguyễn Khoa Điềm đọc tham luận về “Bản sắc các vùng đất và việc xây dựng đội ngũ tác giả của nó”, luận chứng cho cái lý của việc gắn nhà văn với các “vùng đất”, được hiểu như là những khu vực địa lý có những đặc điểm văn-hóa-lịch-sử riêng, bên cạnh chất Việt Nam, chất nhân loại chung, đặt vấn đề hình thành nhà văn như những đại diện “vùng đất” mà mình gắn bó. Động thái này gắn với sự ra đời tạp chí “Sông Hương” (tháng 6/1983), một tạp chí đặt ở địa phương (Huế) nhưng hoạt động ngày càng có tầm toàn quốc; và tiếp đó Hội nhà văn quyết định thành lập chi hội nhà văn đầu tiên: Chi hội nhà văn Bình Trị Thiên (20/11/1984), mở đầu cho sự ra đời các chi hội nhà văn ở các địa phương khác trong toàn quốc. Tình hình từ sau đó đổi khác dần dần.
Một lần, ngồi tán chuyện với bọn tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bảo: Cho đến khoảng năm 1995, tôi vẫn khuyên con tôi: một người trẻ muốn làm văn chương nghệ thuật hay công việc văn hóa, nhất thiết phải ra Bắc, sống và làm việc ở Hà Nội dăm ba năm; nhưng từ năm 2000 trở đi thì tôi thấy khác: người đó có thể chỉ sống và làm việc ở Tp. HCM. thôi, vẫn có thể có được cái nhìn toàn cục. Đây là một nhận xét tôi cho là đáng chú ý.
 
Trở lại phác họa bên, ta thấy trong sinh hoạt văn học, báo chí ở ta, suốt nhiều năm dài, các địa phương không được coi là nơi đứng chân của văn chương, báo chí.
 
Nhưng đời sống hiện tại đã trải qua nhiều biến đổi do nền tảng kỹ thuật đưa lại (công nghệ in hiện đại được tiếp sức bởi mạng internet), nhờ đó mà một tờ báo hay tờ tạp chí, dù được ấn hành từ một địa phương, vẫn có thể được quan tâm ở phạm vi toàn quốc, thậm chí cả ở nước ngoài. Cứ nhìn vào những tờ “Tuổi trẻ Tp. HCM.”, “Phụ nữ Tp. HCM.”, “Công an Tp. HCM.”… về quy chế chỉ là các cơ quan trực thuộc những sở những ngành của một thành phố, nhưng đã đạt số lượng phát hành hàng đầu ở quy mô cả nước, cũng đủ thấy sự phá sản của lối nghĩ “báo địa phương nào chỉ biết trong phạm vi địa phương ấy”. 
 
Tất nhiên trong thực tế, làm báo (mà nói cụ thể thì “Văn hóa Nghệ An” là tạp chí, không phải loại hình báo thời sự tổng hợp hàng ngày) tại một địa phương không phải là trung tâm lớn, thì dù sao cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi tạp chí “Văn hóa Nghệ An” lại đang chứng tỏ có khát vọng trở thành diễn đàn văn hóa, khoa học của trí thức cả nước, đề cập những vấn đề học thuật có quy mô rộng, không chỉ giới hạn ở phạm vi địa phương. Tôi nghĩ chính khát vọng ấy đã, đang và sẽ khiến “Văn hóa Nghệ An” được chú ý cả ở ngoài địa giới tỉnh mình. Các bạn chủ trì tờ tạp chí nên khéo léo thuyết phục giới chức quản lý đồng tình ủng hộ khát vọng này, không đòi hỏi tạp chí phải tuân thủ những “lề thói” gia trưởng, hành chính đơn thuần, bởi càng chú ý dành nhiều trang cho các việc lễ lạt thủ tục hành chính đó thì tờ tạp chí càng tự chứng tỏ cái chất quê mùa điếc lác, cái tính địa phương hẹp hòi thô lậu, chứ không phải ngược lại.  Xin chúc “Văn hóa Nghệ An” thành công trên phương hướng trở thành tờ tạp chí văn hóa, khoa học có tầm bao quát toàn quốc, một diễn đàn của sự khai sáng trí tuệ.
   
PV: Ý cuối cùng chúng tôi muốn ông trao đổi là làm thế nào để công việc lý luận phê bình văn học thiết thực, có ích cụ thể với đời sống văn học, nhất là ở các địa phương? Phải làm thế nào để nhận thức của giới lý luận phê bình có tác động đến nhận thức của các văn nghệ sỹ và các nhà quản lý ở các địa phương?
 
Lại Nguyên Ân: Nói cho cùng, tiếng nói của phê bình chỉ có được tác dụng thực tế khi nó là kết quả của cái nhìn sáng suốt tỉnh táo vào các hiện tượng văn học nghệ thuật. Nên tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất những tán tụng tâng bốc thái quá trước các tác phẩm. Nên yêu cầu những người viết phê bình chỉ ra được đâu là chỗ khả thủ của tác phẩm, đâu là những chỗ yếu thực sự của nó. Chỉ khi phê bình có được tiếng nói thận trọng, thỏa đáng trước các hiện tượng văn học nghệ thuật, nó mới có thể có sức thuyết phục. Các tòa soạn đăng tải các bài phê bình cũng  phải có yêu cầu cao, đòi hỏi cao đối với các cộng tác viên; công việc biên tập cũng cần nghiêm khắc hơn, khắt khe hơn về yêu cầu chất lượng.
 
PV: Chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị và bổ ích này. Mong ông tiếp tục cộng tác với Văn hoá Nghệ An.
 
                                                                Vĩnh Khánh(thực hiện)
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528552

Hôm nay

2208

Hôm qua

2291

Tuần này

2825

Tháng này

215248

Tháng qua

0

Tất cả

114528552