Khách mời văn hóa

Đã xin thì không phải là giải thưởng!

(VHNA): Vừa qua, dư luận rất quan tâm về những chuyện lình xình xung quanh giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV. Từ giải thưởng lần này, một số vấn đề đáng quan ngại về đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà đã bộc lộ. Để có một cách tiếp cận gần sát hơn với vấn đề, Tạp chí Văn hoá Nghệ An đã có cuộc trao đổi với nhạc sỹ Ánh Dương và nhà thơ Đặng Hồng Thiệp. Sau đây là một số nội dung cuộc trao đổi.

PV: Thưa các ông, vừa qua có một số văn nghệ sỹ viết đơn khiếu nại, tố cáo về việc xét giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV. Vụ việc chưa phân định ngã ngũ nhưng theo chúng tôi từ những sự việc này đã dẫn đến những sự rạn nứt, những khoảng trống trong mối quan hệ giữa các văn nghệ sỹ. Ý kiến của các ông về vấn đề này như thế nào?
Nhà thơ Đặng Hồng Thiệp (NT ĐHT): Chuyện anh nói, chúng tôi cũng đã suy nghĩ lâu nay. Là nghệ sỹ, chúng tôi ai cũng tôn trọng giải thưởng Hồ Xuân Hương. Đây là một giải thưởng danh giá, là sự ưu ái của Đảng, của chính quyền đối với văn nghệ sỹ. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại như thế nào cá nhân tôi không quan tâm. Bởi vì, dù sao đây cũng chỉ là đánh giá của ban giám khảo, tức là một nhóm nhỏ tác giả và là đọc giả ở Nghệ An. Cái tôi quan tâm là độc giả cả nước họ đánh giá tác phẩm của tôi như thế nào. Còn chuyện rạn nứt mối quan hệ giữa văn nghệ sỹ từ giải Hồ Xuân Hương lần này là có thật. Vấn đề là vì sao có chuyện rạn nứt? Theo tôi trước hết là do việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Không ai lạ gì chuyện “văn mình vợ người”. Ai dại gì không tìm cách chấm điểm cao cho mình? Tính khách quan trong việc chấm giải giảm đi nên dễ rạn nứt. Đó là chưa nói đến những trường hợp chồng chấm cho vợ, cha chấm cho con. Theo tôi, những người trong Ban giám khảo nộp tác phẩm trước, có hội đồng đánh giá và khen thưởng tương đương với giải chứ không nên dự giải như cách đã làm. 
PV: Có người nói các giám khảo nếu có tác phẩm dự giải thì không được chấm của mình và cũng không được theo dõi người khác chấm của mình, như vậy là khách quan, không phải “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Chúng tôi lại nghĩ khác, đừng có nghĩ là các vị giám khảo với tư cách cá nhân từng người một mà cần nhìn nhận rằng ban giám khảo là một thực thể thống nhất, và như vậy việc ban giám khảo chấm của, hay cho, ban giám khảo là có thật. Vậy giả sử không có tình trạng vừa “đá bóng vừa thổi còi” thì có chuyện lình xình, khiếu kiện hay không?
NT ĐHT: Có thể có nếu không đảm bảo điều kiện thứ hai. Đó là Hội đồng chấm giải phải khách quan. Tính khách quan càng cao thì việc khiếu kiện, thắc mắc sẽ giảm đi. Như ban Lý luận phê bình, việc chấm giải khách quan hơn nên không có điều tiếng gì, không ai thắc mắc gì. Và, phải có thêm một điều kiện thứ ba là anh em mình đừng "cố đấm ăn xôi".
Nhạc sỹ Ánh Dương (NS AD): Không chỉ giải thưởng Hồ Xuân Hương, mà các giải ở trung ương cũng có khiếu kiện. Khiếu kiện là chuyện bình thường, "chuyện thường ngày” ở... tỉnh ta và cả nước ta! Vấn đề là có giảm bớt đi hay không. Cái đáng nói là có hiện tượng một số người kiện cáo không thật sự vì mục đích đòi công lý, mà thực chất chỉ vì mình thôi, nó xúc phạm đến toàn bộ. Bởi vậy, theo tôi, việc khiếu nại, việc có ý kiến này khác vừa rồi có một phần nguyên nhân là ở một số anh em ta.
 PV: Hậu quả còn do nguyên nhân bình dân hoá, nghiệp dư hóa văn hóa nghệ thuật dẫn đến tình trạng không có tác phẩm đỉnh cao, rồi nhân cách nghệ sỹ cũng bị bình thường, bình dân hoá?
NT ĐHT: Đúng. Không thể đánh đồng thơ với hò vè. Đó là hai cái khác nhau, đẳng cấp khác nhau. Hiện nay, theo tôi, trong đội ngũ các nhà thơ trong các Hội, chưa đầy 20% là nhà thơ chuyên nghiệp.
PV: Trong thực tế đã có những hiện tượng, những trường hợp sau các mùa giải thì đời sống văn nghệ không những ồn ào mà tinh thần sáng tạo, đam mê sáng tạo, thành quả sáng tạo có giảm sút. Vậy thì phải chăng, trong đội ngũ vẫn đang còn có những người chưa phải là nghệ sỹ đích thực? Bởi vì nếu là nghệ sỹ đích thực thì như nhạc sỹ Ánh Dương vừa nói, người ta sáng tạo không phải vì giải, không phải vì tiền mà sáng tạo vì động lực muốn thể hiện, muốn khẳng định giá trị của mình cũng như muốn thể hiện tình cảm, muốn giải phóng năng lực sáng tạo của mình?
 
NT ĐHT: Nếu như mình nghe người ta nói, người ta dèm pha thì mình không sáng tạo được thơ. Lúc tôi mới làm thơ, cũng có nhiều ý kiến vào ra rằng “quan làm thơ”, nhưng tôi không quan tâm, tôi nghĩ rằng mình yêu thơ, mình cứ làm, không sợ gì cả.
NS AD: Vừa rồi anh có nói đến chuyện hậu quả, sợ rồi nội bộ anh em lục đục, rạn vỡ, ảnh hưởng đến công việc sáng tác. Các anh chị nghĩ vậy cũng đúng, nhưng theo tôi thì không phải lo lắng quá. Đã là một văn nghệ sỹ đích thực thì chẳng ai triệt tiêu được mình hết, chẳng có gì xấu xa có thể triệt tiêu được, bởi vì họ chính là những con người chỉ nghĩ đến chuyện sáng tạo, không thể bị những cái đó làm cho nhụt chí đi.
Có một câu nói rất hay mà tôi còn nhớ, đại ý: Mỗi văn nghệ sỹ phải coi mình như là một cỗ máy sản xuất. Lợi nhuận từ sản phẩm của văn nghệ sỹ là vì dân. Cỗ máy ấy đầy đủ bản lĩnh để tồn tại, nếu không nó tự phá sản. Nếu văn nghệ sỹ không sáng tạo thì rất đáng tiếc, đáng tiếc cho họ chứ không phải cho phong trào. Tôi vẫn cho rằng một số chuyện không hay từ giải thưởng này không làm nhụt chí sáng tạo của văn nghệ sỹ, mà tôi nghĩ mỗi nghệ sỹ cần phải làm cho hay hơn, tạo ra sự nhảy vọt về chất lượng thì ai cũng biết cho mình. Nếu như chỗ này mình chưa bật sáng lên đến mức độ người ta nhận ra mình thì càng phải cố gắng làm để cho đến một ngày nào đó mọi người nhận ra. Còn nếu văn nghệ sỹ không biết được thiên chức, trách nhiệm công dân của mình, thì không còn gì để nói, để bàn.   
 Theo tôi nghĩ, sau giải này, những người lãnh đạo về chính trị cũng như về văn học nghệ thuật nên ngồi lại với nhau, để xem lại những gì đã làm được, những gì chưa được mà sửa sai, điều chỉnh trong những lần sau. Cái quan trọng là cách làm để có sự bứt phá. Nỗi lo của các anh chị cũng là có lý.
PV: Thưa các ông, là người trong cuộc, các ông có thấy hiện tượng đội ngũ văn nghệ sỹ hiện nay đông nhưng người sáng tạo không đông, tác phẩm không nhiều, tác phẩm hay, có giá trị cao thì càng hiếm? Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
TH ĐHT: Điều các anh chị nói cũng là có thật. Đội ngũ chúng ta đông nhưng đã lâu lắm chưa có lấy được một giải thưởng văn học nào thật danh giá. Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam chẳng hạn. Và tôi cũng chưa thấy có tác phẩm nào được coi như là hiện tượng văn học nghệ thuật của cả nước.
Tại sao chúng ta chưa có các tác phẩm như mong đợi. Vì nhiều lẽ lắm. Tài năng. Nhân cách. Thời đại. Phải hội đủ cả ít nhất cả ba yếu tố này mới hy vọng có tác phẩm lớn.
Vì làm thơ nên tôi cũng tự thấy rằng, thơ là cái gì đó thiên bẩm, thiên phú. Anh muốn làm nghệ thuật thì phải có tố chất này.
PV: Năng khiếu, thưa ông?
NT ĐHT: Đúng, nhưng chưa đủ. Năng khiếu nhưng phải cộng với yếu tố xã hội, cộng với quyết tâm của tác giả. Còn trong hoàn cảnh hiện nay, theo tôi, có nhiều yếu tố khiến cho văn học nghệ thuật chưa thể có tác phẩm lớn.
PV: Nhưng chúng tôi thấy thường thường trong những hoàn cảnh giao thời, lại có những khoảnh khắc rất đẹp. Mỗi ngày, lúc bình minh, hay hoàng hôn là đẹp nhất. Trong hoàn cảnh nghiệt ngã, những bước ngoặt của lịch sử thì lại thường sinh ra những nhân vật lớn, tài năng lớn và trong văn học nghệ thuật thường có những tác phẩm lớn. Trong hoàn cảnh ấy, tình cảm cá nhân, tình cảm dân tộc có sự cộng hưởng tạo nên nhân cách lớn để giải quyết những vấn đề thời đại, lập lại, sắp xếp lại trật tự mới. Như Bản giao hưởng số 7 vang lên giữa thời điểm thành phố Leningrad bị quân Đức bao vây vào năm 1942?
NS Ánh Dương: Anh nói rất đúng. Bản giao hưởng số 7 của nhạc sỹ Nga Dmitri Shostakhvich đã động viên toàn dân TP Leningrad chiến đấu và chiến thắng oanh liệt. Thời điểm ấy cần một tác phẩm như thế và Dmitri Shostakhvich đã thực hiện sứ mạng đó.
 Nói đến nghệ sỹ là nói đến tài năng. Hiện có nhiều người mang danh văn nghệ sỹ nhưng có tài đâu! Như làng âm nhạc của tôi, năm 1969 khi tôi vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam chỉ có 120 hội viên, bây giờ đã là 1.226 người. Tôi tin là trong đó ít ra cũng có mấy trăm người không hoặc chưa xứng đáng là nhạc sỹ.
PV: Thậm chí có những người không biết nhạc?
NS AD (cười): Bây giờ tôi ước những văn nghệ sỹ có tài thì đã đành, nhưng phải có dũng khí như nhà văn Nguyên Hồng, dám lên Yên Thế cuốc đất, viết văn. May ra đến lúc đó chúng ta mới có tác phẩm lớn, tác phẩm hay. Bây giờ văn nghệ sỹ lo quá nhiều cái thứ mà đáng lẽ ra để cho vợ con lo, để cho những người khác lo, còn anh cứ tập trung sáng tạo. Có những cái tự anh xông ra để lo chứ cuộc sống không bắt buộc. Làm giàu chẳng hạn. Thích là một nghệ sỹ nhà giàu chứ không thích là một nghệ sỹ của những tác phẩm lớn. Rồi từ đó vin cớ do xã hội, do nhu cầu cuộc sống, vin vào mọi thứ để không chịu dốc lòng sáng tạo. Như thế thì không thể có tác phẩm tốt được.
Theo tôi, nhà nước cần có cách cổ vũ được những văn nghệ sỹ có tài, dám chịu thương chịu khó để đầu tư, sáng tạo ra những tác phẩm có tác dụng lâu bền đối với nhân dân, có tác dụng hướng dẫn đời sống thẩm mỹ cho nhân dân. Trách nhiệm của nghệ sỹ là hướng dẫn đời sống thẩm mỹ của nhân dân, chứ không phải “chạy theo” nhu cầu thẩm mỹ đó, khi ấy mới có tác phẩm lớn.
PV: Nhưng nghệ sỹ cũng phải học tập, hấp thụ những yếu tố tích cực, tiến bộ trong đời sống thẩm mỹ của nhân dân?
NS AD: Anh nói đúng. Cần phải nhìn ở cả hai phương diện. Vai trò định hướng thẩm mỹ của văn chương nghệ thuật đối với đời sống xã hội và sự tiếp thu, chọn lọc những thị hiếu tích cực của xã hội. Anh nói tác phẩm của anh là tốt, là hay mà không ai đọc, không ai xem, không ai nghe, không có ảnh hưởng gì đến cộng đồng thì là nói khoác. Cảm hứng sáng tạo, theo tôi chính là từ cuộc sống chứ không phải trong phòng họp, trong xe hơi máy lạnh. Lắng nghe và thấu hiểu đời sống thẩm mỹ của cộng đồng để tìm kiếm, kiến tạo các giá trị tốt đẹp phục vụ thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ của cộng đồng chứ không phải là chạy theo bất cứ động thái nào của đời sống xã hội.
Trở lại vấn đề, một khi nghệ sỹ có trách nhiệm công dân tốt, có tài năng, dốc lòng đam mê sáng tạo thì mới hy vọng có tác phẩm tốt. Nói thật lòng, nhìn từ chính câu chuyện âm nhạc, tôi thấy, trong một thời gian khá dài, chúng ta vẫn thiếu những tác phẩm được chính đồng bào quê ta đón nhận một cách hào hứng. Phải chăng âm nhạc Nghệ An chưa có sự thay đổi đột phá, cứ đều đều, không đổi mới được ngôn ngữ âm nhạc, không có tác phẩm thực sự xuất sắc, nổi trội. Nói điều này là tôi nhằm khẳng định về mối tương tác giữa văn học, nghệ thuật với đời sống xã hội cần nhìn nhận từ ít nhất là hai phía như các anh nói. Mà điều này, cũng đang là một khoảng trống đáng kể.
PV: Trở lại câu chuyện giải HXH, chúng ta phải thừa nhận rằng về phía Ban tổ chức, ban giám khảo có nhiều sai sót, cách tổ chức chưa chuyên nghiệp. Bây giờ tất cả đều phải chuyên nghiệp hoá, xã hội hoá. Cả giải Nobel mỗi năm mỗi lĩnh vực cả thế giới chỉ có một người mà có ai kiện cáo gì đâu. Các giải của tư nhân tổ chức cũng không thấy kiện cáo gì, bởi vì họ làm rất chuyên nghiệp. Nhưng về phía văn nghệ sỹ, có những trường hợp, nói thực lòng, cũng có những người có suy nghĩ và xử sự không ổn. Xử sự của một số ít người không phù hợp với tư cách của người nghệ sỹ. Có lẽ không ở đâu như ở Việt Nam mới có chuyện văn nghệ sỹ tranh giành giải, kiện cáo nhau vì giải. Ở Nghệ An hầu như giải nào, cấp nào, năm nào cũng có chuyện lình xình. Chuyện góp ý, phê phán ban tổ chức là bình thường, song cần có cách nói lịch sự, tử tế, cần cân nhắc nói cái gì, nói như thế nào. Chuyện văn nghệ sỹ xúc phạm, chì chiết nhau thì quá tệ.
NT ĐHT: Chuyện văn nghệ sỹ chửi bới nhau không chỉ ở tỉnh Nghệ An mới có. Dẫu là vậy thì đây vẫn là tín hiệu báo động chuyện nhân cách, đạo đức có vấn đề. Kiện nhau thì kiện văn chương học thuật chứ ai lại chửi nhau, nói nhau? Đó không phải là tinh thần vì công lý nữa. Còn chuyện xin phúc khảo giải thưởng tôi thấy buồn cười. Giải thưởng thì cần gì xin, chỉ có xin tài trợ thôi. Đã xin thì không phải là giải thưởng.
PV: Quả là không thể chấp nhận được. Hôm nay còn ngồi uống rượu với nhau, hôm sau bất đồng lại nói bạn bè là không sáng suốt nữa, nằm viện thần kinh không tự chủ nữa…
NS AD: Theo tôi Tạp chí Văn hoá Nghệ An nên quan tâm nhiều về vấn đề ứng xử văn hoá trong chính bản thân đời sống văn hóa.
PV: Vâng, dĩ nhiên Tạp chí văn hoá Nghệ An đã, đang có và sẽ có những bài viết như vậy. Trở lại câu chuyện, là người trong cuộc, theo các ông thì đâu là cái gốc của hiện tượng đổ vỡ trong mối quan hệ của một số văn nghệ sỹ tham dự giải HXH lần này? Phải chăng do văn nghệ sỹ của chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp, do chưa có những tiêu chuẩn mặc định, những phẩm chất mặc định của nghệ sỹ?
NT ĐHT: Phải nói thật, đội ngũ của chúng ta là đội ngũ phần lớn không chuyên nghiệp, thiếu tính chuyên nghiệp. Không ít người dễ ngộ nhận về sáng tạo nghệ thuật, do đó dễ đi đến thắc mắc.
PV: Do anh không đọc được, không thẩm định được tác phẩm, nên thắc mắc. Anh không có sự kìm nén, không có sự bao dung, hào hiệp của người nghệ sỹ thì thắc mắc?
NS AD: Đúng vậy. Vừa qua, có một số anh em nhạc sỹ có điện thoại trao đổi chuyện này chuyện kia quanh giải, tôi có nói với anh em: “Đây là lộc trời, nên mỗi người có một chút cho vui thế thôi, có đâu mà phải nói nhau”. Có anh trao đổi: “Anh lớn tuổi, anh nói thế thì em nghe”. Còn bây giờ cứ ngồi mà cân nhắc cái nào hơn, cái nào không hơn mà mổ xẻ ra, thì nó vô cùng lắm. Cho nên tôi nghĩ văn nghệ sỹ nên có đức tính rất cần thiết và quan trọng là biết tôn trọng nhau.
PV: Nghĩa là mình tự tôn trọng mình?
NS AD: Tất nhiên. Các anh chị nên nhớ, tôn trọng nhau là biết mỗi người có một cái giỏi, vậy thì cần một cái giỏi ấy thôi cũng đủ tôn trọng người ta rồi. Nếu anh có một ý nghĩ như vậy, tôi tin là không đến nỗi ứng xử thiếu văn hoá với nhau. Cho nên, theo tôi cái cuối cùng là nên ứng xử đẹp với nhau. Trong chuyện này, cũng nên trao đổi với lãnh đạo tỉnh nên làm cho chuyện nhẹ nhàng đi.
Cứ ngồi mà đòi cho được giải này giải nọ và còn cứ sa vào chuyện kiện cáo thì còn mệt mỏi lắm.
PV: Chuyện chấm giải có lình xình, nguyên nhân thì có nhiều. Nhưng thưa các ông, về phía nhà tổ chức liệu có sự bất cập? Bởi vì việc không hạn chế số lượng giải sẽ kích thích sự ham muốn của con người ta. Nếu quy định hạn chế số lượng giải thì nhất định người ta sẽ tự ý thức được giá trị tác phẩm của mình trong tương quan các tác phẩm dự giải khác và nếu thế chắc sẽ ít người khiếu nại, khiếu kiện hơn. Theo chúng tôi, phải quy định rõ số lượng của giải, càng ít càng tốt, đồng thời với quy định nghiêm ngặt về chất lượng trong các tiêu chí xét giải thì may ra có thể có sự sòng phẳng, mới định vị được vị thế khách quan của những người chấm giải, xét giải và mới có hy vọng xác định chính xác để tôn vinh các tác phẩm xứng đáng? 
NS AD: Đúng vậy, giải càng hẹp bao nhiêu thì chất lượng càng cao bấy nhiêu. Như ở Đà Nẵng, năm 2005 họ treo A giải kỷ niệm 30 năm TP Đà Nẵng là 150 triệu, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được tác phẩm để trao. Còn như giải thi ca khúc Nghệ An ban đầu chỉ 10 triệu, sau có nhiều ý kiến mới nâng lên 30 triệu. Nếu giải nâng lên 100 triệu thì 5 năm sau mới có tác phẩm để trao. Theo tôi nếu không có tác phẩm xứng đáng thì chưa trao. Đừng tiếc “của trời” mà cố tình đôn nhau lên để trao giải cho nhau.
PV: Vâng. Theo tôi không nên có tư duy “so bó đũa chọn cột cờ”, mà cần có khát vọng nâng giải này lên tầm quốc gia, phải danh giá nhất nhì cả nước. Ngay trong việc tổ chức giải phải có khát vọng như vậy. Giả sử cả giải chỉ trao có một giải C, song tác phẩm có giá trị, có tiếng vang không nhỏ thì vẫn hơn có nhiều giải A, giải B mà chất lượng, giá trị không cao, không ai biết. Vấn đề là phải xem xét lại quan niệm, tiêu chí về giải và cơ cấu, cách tổ chức, điều hành giải theo hướng chuyên nghiệp. Phải có khát vọng nâng tầm văn hóa của giải, và là của tỉnh lên thì mới hy vọng có một giải thưởng danh giá và trọn vẹn về mọi chuyện.
NT ĐHT: Đúng vậy, lần trước Nghệ An có 2 giải nhưng đều có tiếng vang.
NS AD: Do không hạn chế về giải, nên ai cũng nghĩ đó là lộc trời, ai cũng muốn được hưởng nên mới sinh ra chuyện này, chuyện nọ.
PV: Nhưng vẫn có một số ít nghệ sỹ thiếu tính chuyên nghiệp, phẩm chất văn hoá, bản lĩnh văn hoá không thắng nổi áp lực của vật chất, và do tâm lý làng xã, sỹ diện đình làng chi phối nên mới sinh chuyện này chuyện khác, tạo nên rạn vỡ trong mối quan hệ giữa các văn nghệ sỹ. Vậy, theo các ông, cần làm gì để hàn gắn sự đổ vỡ đó? Việc này có khó lắm không?
NT ĐHT: Theo tôi, để khắc phục tình trạng này trong ngày một ngày hai là không dễ. Hi vọng năm tháng và sự giáo dục để con người thay đổi dần. Bởi vì có một số nghệ sỹ, tính tự ái cá nhân, tính tư lợi quá nặng nề.
NS AD: Chỉ có thể khắc phục một khi mỗi văn nghệ sỹ giác ngộ phẩm chất tốt đẹp của mình. Chỉ có tự giác ngộ phẩm chất nghệ sỹ thì mới khắc phục được. Còn nếu anh không còn phẩm chất nghệ sỹ nữa, thì đành…chịu thua. Nếu còn người cứ khích bác nhau, cố chấp được thua... thì chính họ sẽ tạo ra không khí vẩn đục và ngày càng lan rộng, rất có hại. Theo tôi, chỉ còn cách kêu gọi sự giác ngộ đó. Còn thực ra mỗi nghệ sỹ là một cá tính, hết sức độc lập…
PV: Nhưng cá tính gì thì anh cũng phải ứng xử có văn hoá, phải tôn trọng những chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. Vấn đề là cần nâng tính chuyên nghiệp lên. Mà để làm được, trước hết là phải chuyên nghiệp về nghề, nếu đã có tài năng rồi thì phải tiếp tục đào tạo, tự học; thứ hai là rèn luyện tác phong phẩm chất của một nghệ sỹ chuyên nghiệp. Nếu không, tính nghiệp dư sẽ tồn tại và chi phối…
NS AD: Trong âm nhạc nước ta có người mới làm được một vài bài hát cũng thành nhạc sỹ. Còn nhớ, sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Chính phủ giao cho nhạc sỹ thiên tài Xécgây Prôcôphiép thành lập Hội Nhạc sỹ. Ông không kiểm tra quan điểm chính trị mà kiểm tra chuyên môn. Ông ấy đã ra một chủ đề fuga (polyphony), yêu cầu ai muốn vào hội Nhạc sỹ thì phải thực hiện. Khẳng định đủ năng lực chuyên môn rồi, mới bàn đến chuyện anh hướng âm nhạc vào đâu, phục vụ ai. Như vậy mới là chuyên nghiệp. Còn riêng tôi, đi đâu ai giới thiệu là nhạc sỹ thì ngại lắm. Bởi bây giờ mới ra khỏi ngõ đã gặp nhạc sỹ. Từ đó, mình phải tự xác định, mình là văn nghệ sỹ, có tay nghề thì mình có nhiệm vụ lao động và sáng tạo. Đã xác định như thế thì chẳng ai, thế lực nào, cách gì làm suy suyển được, cứ thế mà làm, miễn là sản phẩm của tôi được nhân dân chấp nhận, đón nhận. Được như vậy thì không còn chuyện tính toán anh được tôi mất thế này thế khác.
PV: Vậy theo các ông, cần làm gì để nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ văn nghệ sỹ?
NS AD: Tôi có ý tưởng bây giờ tập hợp đội ngũ nhạc sỹ lại, làm như Prôcôphiép, ra một bài hoà âm, ra một bài phức điệu, ai làm được thì ở trong hội, không làm được thì ra khỏi hội.
NT ĐHT (cười): Làm được thế thì quá tốt, nhưng theo tôi thì anh chỉ nói cho vui thôi…Với nhạc thì dễ, nhưng với thơ thì khó lắm. Bây giờ ai cũng làm thơ, in thơ, tính ngộ nhận về thơ rất cao.
PV: Thế tại sao từ năm 70 trở về trước lại làm được?
NT ĐHT: Vì lúc đó tính ngộ nhận còn thấp. Nhà thơ là cái gì đó rất sang trọng. Ngày xưa để được cấp giấy phép in thơ rất khó.
NS AD: Theo tôi, các đồng chí lãnh đạo Hội nên tìm ra một cách làm, cứ lặng lẽ mà làm…Cần tạo ra một không khí văn học nghệ thuật tỉnh ta bằng cách lập ra 5 - 7 nhóm. Như ở TP HCM có “5 dòng kẻ”, “Mặt trời đỏ”… Mỗi nhóm phải có ngôn ngữ riêng, tạo nên không khí trăm hoa đua nở, để sáng tạo. Khi đã thành nhóm thì góp ý, hợp tác, tranh luận với nhau rất dễ. Còn như hiện nay im lìm quá. Tôi ngán nhất là dùng âm nhạc để làm “cần câu cơm”, để kiếm ăn. Nếu cứ thế thì không thể có tính chuyên nghiệp.
 Văn hóa có một đối tượng cầm cân rất công bằng là nhân dân. Văn thơ, nhạc họa không hay, không đẹp thì có mời cũng chẳng ai xem, ai nghe. Còn nếu hay thì dù có cấm người ta cũng tìm cách để tiếp cận, thưởng thức.
PV: Nhưng trong các giải thưởng, nhân dân có được chấm giải đâu.
NS AD: Giải thưởng là chuyện khác. Nhưng trong giải thưởng, thì vấn đề là cần tìm ra được những đại biểu đích thực của nhân dân để chấm giải. Nhiệm vụ, trách nhiệm của chúng ta là cần nâng tính chuyên nghiệp trong đội ngũ văn nghệ sỹ.
PV: Chúng tôi nghĩ, nên chăng có quy định nếu sau 2 năm, anh không có tác phẩm thì mời anh ra khỏi Hội. Rồi các cơ quan có trách nhiệm cấp phép như NXB, Sở TTTT cần nâng cáo chất lượng thẩm định tác phẩm, chỉ cấp giấy phép cho những tác phẩm có chất lượng.
NS AD: Có lẽ đó là một gợi ý cần xem xét. Theo tôi cần có những vị lãnh đạochấp nhận hi sinh, chịu đựng áp lực để kiện toàn hội. Để xẩy ra tình trạng như lâu nay đều do ta hết, do ta ù xoè nên mới tràn lan hiện tượng ù xoè.
Cần lùi đi một bước, lùi lại ngắm mình, ngắm cho ra, cho đầy đủ về bản thân mình để rồi sau đó tìm cách làm đẹp. Làm lãnh đạo văn nghệ là phải thường xuyên như thế.
PV: Văn nghệ sỹ cũng cần soi gương và chọn cho mình tấm gương tốt, gương thật mặt như dân gian vẫn thường nói. Nếu chọn gương không tốt, gương không thật mặt thì mình sẽ không nhận chân được mình, và nếu vậy sẽ dễ ngộ nhận, sẽ không tìm được chính mình mà hoàn thiện mình trên con đường sáng tạo.
NT ĐHT: Vì thế mới không tạo ra được nhân cách sáng tạo.
NS AD: Nhưng tạo ra được cái đó rất khó. Dẫm chân vào nhau thì dễ lắm, nhưng có bước đi riêng thì rất khó. Cái cá tính sáng tạo là vô cùng khó, không thể tạo ra trong ngày một ngày hai. Anh phải đam mê, nhất là phải có trình độ, có nhân cách.
PV: Theo chúng tôi đội ngũ văn nghệ của chúng ta lúc này cần được ưu tiên củng cố rất nhiều, trước là để hàn gắn những rạn vỡ vừa rồi, sau nữa là tăng cường bồi đắp khát vọng và năng lực sáng tạo.
NS AD: Đó là điều cần thiết. Muốn vậy thì cả đội ngũ phải nỗ lực rất nhiều, rất lớn. Hãy dẹp đi những khúc mắc, tỵ hiềm, sống với nhau đàng hoàng như những nghệ sỹ chân chính. Lãnh đạo cũng nên lùi xa một chút để ngắm đội ngũ văn nghệ sỹ, để hiểu họ hơn, để làm bạn đồng hành cùng họ trên đường sáng tạo. Nếu làm được như vậy, thì tôi tin đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà sẽ có một khí sắc mới và hoàn toàn có thể hy vọng sẽ có nhiều thành tựu sáng tạo có giá trị nghệ thuật và nhân văn.
PV: Xin cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trao đổi cởi mở hôm nay.                                                                                   
                           Nhóm PV (thực hiện)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444517

Hôm nay

2126

Hôm qua

2333

Tuần này

2126

Tháng này

219691

Tháng qua

112676

Tất cả

114444517