Khách mời văn hóa

Lại Nguyên Ân: Phải tự thanh tẩy đầu óc mình, rũ bỏ những tri thức lầm lạc để tiếp nhận những tri thức mới

Khi hay tin Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh 2010 trao tặng Giải Nghiên cứu, ông đã nghĩ rằng chủ yếu là bởi công trình Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố?

 
L.N.Â.: Tôi được tin vắn tắt là Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh quyết định trao cho tôi Giải thưởng về nghiên cứu, cụ thể là nghiên cứu văn bản học; tôi liền nghĩ đến cuốn “Nghiên cứu văn bản tiểu thuyết Giông tố”, – cuốn này đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của những xử lý văn bản học hơn so với các cuốn khác tôi đã làm.
 
Thay vào đó là bộ bốn tập thuộc Sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1928 (NXB Đà Nẵng, 2003), Tác phẩm đăng báo 1929 (NXB Đà Nẵng, 2005); Tác phẩm đăng báo 1930 (NXB Hội Nhà Văn, 2005); Tác phẩm đăng báo 1931 (NXB Hội Nhà Văn, 2007) do ông sưu tập và biên soạn! Ông có cảm nhận gì?
 
L.N.Â.: Từ giữa những năm 1990 đến nay, hoạt động nghiên cứu sưu tầm của tôi đề cập tới nhiều mảng văn học và báo chí, nhiều tác gia và tác phẩm khác nhau; Phan Khôi chỉ là một trong số đó, nhưng là tác gia mà tôi tập trung nhiều thời gian và công sức nhất. Lúc tôi bắt tay vào việc, hậu thế chỉ còn biết tác gia này qua vài cuốn sách mỏng được tái bản, tất cả chừng ba bốn trăm trang in (gồm “Chương Dân thi thoại”, in 1936, tái bản 1996; “Việt ngữ nghiên cứu”, in 1955, tái bản 1997). Sau một số năm nghiên cứu sưu tầm, tôi đã tái công bố được trên 5.000 trang tác phẩm của Phan Khôi từng đăng trên báo chí khắp 3 miền đất nước. Đó chưa phải là toàn bộ tác phẩm của tác gia này; và tôi sẽ còn tiếp tục sưu tầm, biên soạn và tái công bố. Song, với những sưu tập đã công bố kể trên, thiết nghĩ, di sản trí tuệ của Phan Khôi đã trở nên rõ rệt hơn trong hình dung của các giới văn học, văn hóa, trí thức thời chúng ta, hình ảnh Phan Khôi không còn quá mờ mịt thậm chí đen tối, bị bôi xóa và vấy bùn, như trong những năm 1958-90. Sự vinh danh của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh lần này là sự khích lệ, cổ vũ rất lớn đối với tôi trên một hướng làm việc mà thường khi tôi thấy khá đơn độc.  
 
Để có bộ bốn tập này, ông đã tốn bao nhiêu thời gian, công sức? Các công việc cụ thể mà ông đã tiến hành?
 
L.N.Â.: Thời gian? Hầu như tất cả thời gian, kể từ sau chuyến thăm Quảng Nam – Đà Nẵng đầu năm 1996 cho tới bây giờ. Tôi phải bắt đầu từ số không, trong tay không có gì cả, trong đầu chưa biết gì cả. Phải tìm đọc để xem người ta nói Phan Khôi viết cho những tờ báo gì, vào thời gian nào. Rồi tìm đọc tận nơi tờ báo ấy, xem những điều chỉ dẫn kia đó có xác thực không; phải hình dung ra “mặt bằng” cả một cảnh quan sách báo một thời, từ “tiền chiến” đến “hậu chiến”. Rồi sao chụp lấy văn bản các bài báo có thể là của Phan Khôi. Rồi tìm tòi, trao đổi với các nhà nghiên cứu khác, xa hoặc gần, cả với thân nhân tác giả, để xác định các loại bút danh Phan Khôi đã dùng, v.v… Cuối cùng là tổ chức biên soạn thành từng tập sách, tự thiết kế lấy một cấu trúc khả dĩ hợp lý. Công việc xử lý văn bản cũng khá lôi thôi, vì bản in báo cũ, qua vi phim (microfilm) hoặc ảnh chụp lại bằng máy ảnh số, đều chịu vô vàn rủi ro: mờ, nhòe, có chỗ báo rách, mối đục, mất chữ; bản in gốc có thể có hiện tượng nhảy chữ khỏi khuôn in, lạc chỗ nọ sang chỗ kia; thợ in xưa, đối phó với việc thiếu con chữ chì, ví dụ, có thể sắp chữ h lộnngược làm chữ y và ngược lại; rồi từ ngữ có thể là từ cổ, là phương ngữ, là từ Hán-Việt ít thông dụng,… tất cả đều cần chú giải, lại phải viện tới các loại từ điển khác nhau. Lao động trên văn bản từng bài viết của người xưa là loại lao động mệt nhọc nhưng say mê, vì thường khi nó khá giống với việc phải liên tục giải đố; chừng nào mình cảm thấy đã “đọc thông” bài của tác giả, chừng ấy mới tạm yên tâm đưa nó ra cho công chúng.
Anh Nguyễn Quân đã rất có lý khi gọi công việc của tôi là “phục chế”: văn bản cũ còn lại thế nào thì gắng giữ nguyên thế ấy, những gì mình ngờ là khó hiểu thì ghi chú dưới văn bản, ngoài văn bản, chứ không sỗ sàng “tân trang” văn bản cũ, vì như thế là xuyên tạc tác giả. Tất nhiên không được quên viết những bài dẫn giải tổng quát, vốn thực chất là những bài nghiên cứu được viết thật ngắn gọn.    
 
Làm thế nào để ông có được bản chép tay của tác giả hoặc “các bản in ngay thời tác phẩm mới ra đời!” nhằm đảm bảo sự chân xác của văn bản gốc?
 
L.N.Â.: Tôi từng đụng tay vào hàng ngàn trang di sản chữ Việt, nhưng rất ít khi được may mắn xúc tiếp với bản chép tay. Ở xứ ta, chuyện bản thảo chép tay được trân trọng lưu giữ, – đó hầu như là chuyện cổ tích! Có đấy nhưng khá hiếm hoi (Nhà văn ở ta hầu hết là nhà nghèo, ở chật, bản thân nhà văn và người thân của họ rất khó có đủ điều kiện để giữ gìn các loại bản thảo; lại cũng nên lưu ý rằng ở thời in bằng con chữ chì, bản thảo hoàn chỉnh thông thường là bản viết tay độc nhất được đưa tới nhà in để thợ sắp chữ, khi đưa ngược về tòa soạn thì bản thảo thường bị rách, mất trang ở mức đáng kể). Tôi chỉ dám nghĩ đến dạng văn bản đăng báo lần đầu thôi, nhưng cũng khó khăn lắm để có thể có được chúng. 
 
Ông từng nói: “Bằng các công việc cụ thể, tôi muốn đưa tới bạn đọc và bạn nghiên cứu những dữ liệu của sự thực, qua đấy kích thích giới nghiên cứu trẻ trở lại tìm sự thực và cảm hứng từ những xúc tiếp ở mức trực tiếp tối đa có thể có với những văn bản gốc”, trên thực tế, độc giả đã đón nhận các nghiên cứu của ông thế nào?
 
 L.N.Â.: Một vài bạn nghiên cứu người Mỹ có lẽ là những người cảnh báo sớm nhất để tôi đừng thất vọng khi phải đối diện với cái sự thực là: sẽ có rất ít độc giả cho loại sách rất tốn công sức mà tôi đã, đang và sẽ làm. Giới đại học nước ngoài đều đã quen với loại sách “kén khách” này, – chúng là “thức ăn riêng” cho giới nghiên cứu, – loại sách mà khi được in ra, tác giả thậm chí có thể không có (hoặc có rất ít) nhuận bút, tuy rằng quá trình nghiên cứu của họ, – ví dụ ở Mỹ và các nước có nền đại học phát triển cao – đã tìm được sự tài trợ thỏa đáng. Ở ta, sự tài trợ kiểu đó quá hiếm hoi và thường kèm theo rất nhiều phiền lụy.
 
Trong sự tiếp xúc riêng, các công trình trên của tôi nhận được khá nhiều lời khen, lời cổ động từ nhiều bậc đàn anh hoặc bè bạn trong các giới văn hóa, giáo dục, khoa học, văn nghệ. Bạn đồng nghiệp Vương Trí Nhàn cổ vũ tôi ngay từ khi tôi có ý định đi sưu tầm tác phẩm Phan Khôi. Nhà giáo Nguyễn Đăng Mạnh bảo con ông “download” và in ra cho ông hàng ngàn trang Phan Khôi mà tôi đưa lên mạng, và ông đã viết một bài dài về văn nghị luận của tác gia này; ông bảo tôi: văn nghị luận Phan Khôi rất đặc sắc, tiếc rằng bây giờ mới được đọc, chứ nếu tìm được đọc được từ hồi còn đang giảng dạy thì đã viết điều này vào giáo trình văn học sử.
 
Nhưng dư luận trên mặt báo giấy thì quả là thưa vắng lắm. Sách ra mắt thường không mấy khi có được dù chỉ vài mẩu điểm sách. Tôi có kinh nghiệm là: chỉ khi nào tôi vấp phải những lỗi lầm nào đó về chuyên môn thì dư luận phê bình mới sẵn sàng lên tiếng. Anh Đặng Nhật Minh thật tâm lý khi an ủi  tôi rằng: “ông là kẻ làm sách cho tương lai”!
 
Tôi cũng có biết một số bạn trẻ trong giới chơi sách báo cũ, họ rất chú ý đến công việc của tôi, thường tìm mua đủ bộ các sách tôi làm. Chính các bạn này đã chia sẻ với tôi cái cảm hứng khác biệt khi “tiếp xúc văn bản gốc”, – tức là những bản in sách báo thời tác phẩm mới ra đời, loại cảm hứng mà những người bằng lòng dùng các phiên bản thứ cấp rất khó được thụ hưởng.
 
Tốt nghiệp khoa Văn (ĐH Tổng hợp Hà Nội), trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lúc làm nghề đánh xe bò, rốt cuộc ông vẫn quay trở về nghiên cứu văn học, đó là duyên nghiệp hay nợ đời, thưa ông?
 
 L.N.Â.: Đấy là sự lựa chọn riêng và sự trả giá cho nó. Tôi tốt nghiệp ĐHTH Hà Nội 1968 với luận văn đạt điểm 5/5 (nói như ngày nay là thủ khoa đấy!) rồi được phân công về Tạp chí Học Tập, một cơ quan vốn là niềm mơ ước của nhiều người khác, nhưng lại không hợp với chuyên ngành nghiên cứu văn học tôi đã chọn. Sau 11 tháng rưỡi làm việc ở đấy, rốt cuộc tôi thấy cần nói thẳng về sự không phù hợp đó, thì liền bị kiểm điểm về “quan điểm phục vụ có vấn đề”, bị đồng sự tố cáo là dám viết trong nhật ký rằng đời mình “chọn những cuốn sách chứ không phải những cái ghế”, rồi bị trả lại bộ ĐH-THCN như một sinh viên chống lại sự phân công ra trường. Thời ấy (1969-70) rất khó tìm việc làm bên ngoài khuôn viên các công sở; tôi đã phải đi kéo xe bò, đi dạy học hè, đi bơm vá xe đạp, rốt cuộc phải trở lại con đường viên chức, nhận phân bổ đến làm giáo viên dạy văn hóa cơ bản (văn toán lý hóa cấp 3 rút gọn) tại một trường trung học chuyên nghiệp cách Hà Nội gần 100 km, và ở đấy, ngoài công việc giảng dạy, tôi giành thời gian để… tự đào tạo mình theo nghề đã chọn. Nhưng mọi nỗ lực vượt tình thế kể trên có lẽ sẽ có rất ít ý nghĩa nếu tôi không làm được một điều nữa, là đến một lúc nhất định đã phải tự thanh tẩy đầu óc mình, rũ bỏ hàng loạt những tri thức và ý niệm lầm lạc để tiếp nhận những luồng tri thức mới, quan niệm mới, từ thế giới hiện đại, sáng suốt hơn, ít định kiến hơn; có lẽ tôi và thế hệ tôi vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa trên hướng này.
 
Đã ra nhiểu tác phẩm, nhiều công trình nghiên cứu, nhìn lại chặng đường đã qua, khi dấn thân vào nghề nghiên cứu/phê bình văn học, ông thấy mình được gì, mất gì?
 
L.N.Â.: Với mỗi công trình, coi như một hành động, tôi thấy mình bớt đi được một chút dốt nát, thêm được một chút hiểu biết. Nói gọn lại là như thế.
 
Gửi gắm, kỳ vọng của ông với các nhà nghiên cứu văn học trẻ hiện nay?
 
L.N.Â.: Điều tôi kỳ vọng là các thế hệ nghiên cứu trẻ sẽ khắc phục được một khiếm khuyết, – gọi là một tội lỗi cũng được – của thế hệ đi trước đối với di sản sáng tác và trứ thuật của hàng loạt tác gia, hàng loạt thời kỳ lịch sử. Hậu quả những kỳ thị và rẻ rúng của giới nghiên cứu trước tôi và cùng lứa với tôi là, hiện vẫn còn hàng ngàn tác phẩm chữ viết của hàng trăm tác gia người Việt, nếu chưa mất hẳn thì cũng đang bị lấp sâu đâu đó trong các đống sách báo cũ và đang đối diện nguy cơ mất mát vụn nát từng ngày. Những công trình tôi đã thực hiện, tựu trung chỉ nhằm “trục vớt” di sản ngôn ngữ văn tự của các tác gia Việt Nam, − chủ yếu chỉ là các tác giả viết bằng chữ Quốc ngữ, − giữ lại cho hậu thế. Nhưng, sức lực một người rất hữu hạn. Phải có nhiều người làm để làm được nhiều việc hơn. Các bạn, những nhà nghiên cứu trẻ, các bạn hãy cứu lấy di sản văn học của quá khứ trước khi chúng biến mất hẳn trước cặp mắt tuyệt vọng của chúng ta.       
 
 Nguyễn Thị Kiều Trang thực hiện
19/02/2011

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444436

Hôm nay

245

Hôm qua

2333

Tuần này

245

Tháng này

219610

Tháng qua

112676

Tất cả

114444436