Khách mời văn hóa

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc:Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân để làm nền tảng cho tỉnh ta phát triển toàn diện

VHNA: Văn hóa luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với tất cả các cộng đồng, từ phạm vi quốc gia/dân tộc đến các địa phương, các tộc người… Văn hóa là mục tiêu, là động lực của phát triển và sự vận động phát triển cũng chính là sự vận động của văn hóa. Văn hoá còn được xác nhận là chìa khóa của sự phát triển. Với nhận thức đó, nhân dịp năm mới, VHNA đã có cuộc đối thoại ngắn về văn hóa với ông Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

PV: Thưa ông, nhận thức là một quá trình. Vậy với ông liệu có sự chuyển biến hay là nhận thức lại về văn hóa không kể từ khi gánh vác trọng trách mới?
Ông Hồ Đức Phớc: Nhận thức lại thì không nhưng chuyển biến thì có. Trước đây tôi phụ trách ngành kinh tế - kỹ thuật nên chưa có điều kiện để hiểu nhiều hơn về văn hóa và về ngành Văn hóa Thông tin. Còn bây giờ, để hoàn thành tốt công việc của mình thì tôi phải tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn để hiểu sâu hơn về văn hóa bởi văn hóa chính là trí tuệ của mỗi cộng đồng, và của mỗi người.
PV: Thực tiễn công việc có đúng như lý thuyết, lý luận về văn hóa, rằng văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển? Có lúc nào thực tiễn so le với lý thuyết? Ông có thể cho một ví dụ?
Ông Hồ Đức Phớc: Nguyên lý văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển luôn luôn đúng. Tuy nhiên, giữa lý luận và thực tiễn vẫn còn có những khoảng cách, vẫn có những so le. Thực tiễn hết sức phong phú và sinh động, luôn vận động và phát triển vì vậy lý luận phải luôn được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Chúng ta có thể thấy từ những vấn đề, những việc cụ thể như văn hóa giao thông, văn hóa giao tiếp, tôn trọng và thực thi pháp luật chẳng hạn. Đó là những ví dụ sinh động bằng trực quan mà chúng ta có thể nhận thấy.
PV:Trong bối cảnh hiện nay, theo ông thì kinh tế hay văn hóa đang chiếm vị trí hàng đầu để tạo nên diện mạo của Nghệ An, tạo nên lực hấp dẫn, sức hút Nghệ An đối với thiên hạ?
Ông Hồ Đức Phớc: Nếu nói tại thời điểm hiện nay thì văn hóa đang tạo hình ảnh Nghệ An đầy tự hào trước thiên hạ. Nói đến văn hóa là nói đến truyền thống, tinh hoa văn hóa được kết tinh từ nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ. Nghệ An chúng ta mang trong mình giá trị và truyền thống văn hóa Việt Nam, nhưng chúng ta có những đặc sắc mà các địa phương khác không có được. Theo tôi, đây chính là “tài nguyên văn hóa” của chúng ta. Dân ca Xứ Nghệ, truyền thống hiếu học, tính trung thực và dũng cảm của người Nghệ chẳng hạn…
PV: Tại sao vậy, thưa ông?
Ông Hồ Đức Phớc: Cội nguồn văn hóa bắt nguồn từ cuộc sống con người ngàn đời để lại. Nghệ An của chúng ta có thời là biên giới của Đại Việt, là phên dậu quốc gia nên nhiều tướng lĩnh, quan lại tài giỏi được triều đình phái đến bảo vệ bờ cõi, do đó chúng ta có được gen di truyền tốt, kế thừa phát huy truyền thống tốt. Vùng đất chúng ta nắng gió, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Lào, Bắc giáp khe nước lạnh, Nam giáp sông Lam do đó cha ông chúng ta phải đoàn kết chống ngoại xâm, giặc giã, trộm cướp, thú dữ và phát triển cuộc sống tốt hơn. Quê hương của chúng ta là vùng địa linh nhưng cũng là vùng đất núi rừng nhiều, chịu nắng hạn thiên tai. Tiền nhân của chúng ta đã tụ cư và tồn tại, phát triển trên vùng đất này và trải qua lịch sử hàng ngàn năm đã rèn đúc nên những phẩm chất, những tính cách những nét riêng có của Nghệ An.
PV: Nói đến văn hóa tức là nói đến con người. Bản sắc một nền văn hóa, một vùng văn hoá không chỉ là sản phẩm của cộng đồng dân cư trên địa bàn tạo dựng nên mà còn là chính phẩm chất của cộng đồng dân cư đó. Theo cách hiểu đó, theo ông thì người Xứ Nghệ có những  phẩm chất gì tiêu biểu nhất?
Ông Hồ Đức Phớc: Theo tôi, người Nghệ An có nhiều phẩm chất tiêu biểu, đó là:
 - Tính trung thực, thẳng thắn;
 - Tự lập, tự cường và đôi lúc tự cao;
 - Hiếu học, học giỏi;
 - Đoàn kết;
 - Dũng cảm trong đấu tranh;
 - Tư duy sâu sắc, xuyên phá
PV: Đó là những phẩm chất đã được kết tinh từ lịch sử dài lâu. Liệu trong những điều kiện lịch sử mới, những yêu cầu mới của thời đại thì cần có sự vận động chuyển biến các phẩm chất đó cho phù hợp với sự phát triển?
Ông Hồ Đức Phớc: Tính cách của một cộng đồng dân cư cũng không phải là nhất thành bất biến mà phải có sự vận động để phù hợp với điều kiện sống trên cơ sở hoàn thiện ở mức độ cao hơn các phẩm chất tốt đẹp đã được định hình. Trong xu thế hội nhập, theo tôi, có một số điều chúng ta cần hoàn thiện để phù hợp. Chẳng hạn về tiếng nói, chúng ta cần nói ngôn ngữ phổ thông, làm sao vừa giữ được giọng Nghệ nhưng người địa phương khác vẫn hiểu được; Tăng cường đoàn kết nhưng tránh cục bộ, khép kín, hạn chế tính đố kỵ hẹp hòi, hạn chế tính tự cao, tự đại. v.v...
PV: Các phẩm chất Nghệ cần định hướng vận động phát triển theo hướng nào khi mà trong thực tiễn đang bộc lộ rất rõ ràng sự xuống cấp của đạo đức xã hội?
Ông Hồ Đức Phớc: Chúng ta cần xây dựng Nghệ An thành một hình ảnh đẹp, đáng tự hào về truyền thống văn hóa của cha ông chúng ta và là một tỉnh có kinh tế - văn hóa phát triển toàn diện. Và đương nhiên, người Nghệ An phải ngày càng được hoàn thiện về phẩm chất. Theo tôi, chúng ta cần nỗ lực phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống gia đình tốt đẹp, truyền thống tôn sư trọng đạo, khiêm nhường và cần cù trong lao động sáng tạo. Tập trung phát huy giá trị truyền thống văn hóa xứ Nghệ sẽ làm cho cuộc sống yên bình hơn, vui hơn, tốt đẹp hơn…
PV: Ông có nhận định chung như thế nào về đời sống văn hóa hiện nay của tỉnh nhà? 
Ông Hồ Đức Phớc: Đời sống văn hóa của tỉnh ta đã được nâng lên rõ nét, tuy nhiên chúng ta cần phải xây dựng và phát triển nhiều hơn nữa để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Một vấn đề theo tôi cần phải quan tâm là giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu đất nước, đồng bào và phát huy truyền thống gia đình, dòng họ, làng xóm, quê hương. Hạn chế tối đa những hành vi ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, đua xe… vi phạm pháp luật; Nâng cao tri thức, nhận thức của nhân dân về văn hoá và các lĩnh vực khác; Xây dựng và thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng dân số, xây dựng đất nước hùng cường.
PV: Có ý kiến cho rằng, do giao lưu, tiếp biến thiếu thận trọng, thiếu cân nhắc, do không kiên trì và thiếu khoa học trong bảo tồn các giá trị truyền thống nên bản sắc xứ Nghệ đang mai một dần một cách đáng lo ngại. Ông bình luận về ý kiến này như thế nào?
Ông Hồ Đức Phớc: Tôi cho rằng, ý kiến đó chưa hoàn toàn thuyết phục. Kinh tế thị trường và mặt trái của nó đã có tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng không tốt đến một phần giá trị truyền thống nhưng về cơ bản chúng ta vẫn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống.
PV: Dẫu chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng như ông nói, có thể thấy các truyền thống, bản sắc văn của xứ Nghệ dù muốn hay không đã có ít nhiều mai một. Vậy chúng ta cần phải có những biện pháp gì để khắc phục? Trong trường hợp này thì mệnh lệnh hay động viên, hướng dẫn có hiệu quả hơn?
Ông Hồ Đức Phớc: Chúng ta phải thực hiện một cách đồng bộ, kiên trì, dài lâu và toàn diện. Mỗi con người, gia đình, làng xóm tập trung chăm lo, nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống của mình. Chúng ta “Hòa nhập chứ không hòa tan”. Hội nhập kinh tế sẽ đồng hành, thậm chí thúc đẩy hội nhập văn hóa. Nguyên tắc là chúng ta phải bảo vệ, bảo tồn được bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững truyền thống tốt đẹp của mình. Văn hóa là một sự sáng tạo tự giác, vì vậy, biện pháp động viên, tuyên truyền nâng cao nhận thức là cơ bản.Thếnhưngmệnh lệnh hay luật pháp cũng là cần thiết để xử lý những hành vi đi ngược lại hoặc hủy hoại các giá trị văn hóa, đạo đức… mà luật pháp quy định.
PV: Vừa qua, trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, ở tỉnh ta, hình như vẫn có tình trạng hình thức phô trương, quan tâm nhiều đến tổ chức sự kiện mà ít chú trọng đến tạo điều kiện cải thiện và nâng cao điều kiện sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, chú trọng đến quy mô các công trình văn hóa mà ít quan tâm đến truyền thống văn hóa trong việc xây dựng các công trình và sự tác động của các công trình văn hóa đến đời sống tinh thần của cộng đồng. Nếu đúng là có thật tình trạng này, với chức trách của mình ông sẽ định hướng giải quyết vấn đề như thế nào?
 Ông Hồ Đức Phớc: Thựcra các hoạt động văn hóa của chúng ta vẫn rất khiêm tốn,không phô trương tốn kém như một số địa phương khác. Hoạt động văn hóa cần phải có chiều rộng và chiều sâu, cần phải tạo được phong trào. Các phong trào là sức sống mãnh liệt để tạo động lực cho phát triển. Nhưng cũng cần có kế hoạch, bước đi bài bản phát huy truyền thống văn hóa, đưa những giá trị văn hóa tốt đẹp vào đời sống cộng đồng nói chung, các công trình, tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật nói riêng. Đó là giải pháp đảm bảo sự phát triển dài lâu và trường tồn của cộng đồng văn hóa.
PV: Trở lại mối quan hệ kinh tế và văn hóa, chúng tôi thấy rằng đầu tư cho văn hóa tất nhiên là một cách đầu tư khôn ngoan, cơ bản, lâu dài, hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi nguồn lực rất lớn, cả tiền bạc và nhân lực, trí tuệ. Trong lúc đó tỉnh ta vẫn nghèo, khó khăn còn nhiều mặt. Vậy, theo ông thì cần giải bài toán này như thế nào?
Ông Hồ Đức Phớc: Tỉnh ta là tỉnh nghèo nhưng việc đầu tư lĩnh vực văn hóa trong những năm qua được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, nhiều công trình văn hóa được xây dựng đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa.
 Thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên để tập trung đầu tư những công trình thiết yếu quan trọng, đối với những công trình thu hút đầu tư có tính chất xã hội hóa như rạp chiếu phim, rạp hát thì giao doanh nghiệp đầu tư, thu hút nguồn lực của doanh nghiệp, của các nhà hảo tâm, của cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình văn hóa. Việc đa dạng hóa nguồn vốn trong xây dựng các công trình văn hóa đang được lãnh đạo tỉnh chú trọng thực hiện. Đương nhiên các công trình phải xây dựng đúng quy hoạch, đúng thiết kế được duyệt và đúng quy định đã đề ra.
PV: Vấn đề cuối chúng tôi muốn được ông trao đổi là hiện nay trong các vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa của tỉnh nhà, ông quan tâm vấn đề nào nhất? Và quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hồ Đức Phớc: Hiện nay, tôi thấy cần tập trung quan tâm đến mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa để từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng, làm nền tảng cho tỉnh ta phát triển toàn diện. Cụ thể, cần chú ý mấy việc như:
+ Phát huy truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, hoạt động văn hóa trong khu dân cư, trường học, công sở và văn hóa giao thông;
+ Xây dựng thiết chế văn hóa thông tin thể thao đồng bộ cho cơ sở, trong đó cần quan tâm đặc biệt đến vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số;
+ Cần đẩy mạnh hoạt động văn hóa gắn liền với việc xây dựng hình ảnh Nghệ An giàu mạnh, văn minh, đồng thời quảng bá hình ảnh Nghệ An ra bên ngoài.
Quan điểm của tôi là cần phải tiến hành đồng bộ, dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đấy, phong trào phải bền vững, sinh động, công trình phải bền, chắc, đẹp và phù hợp với truyền thống văn hóa của quê hương xứ Nghệ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông Chủ tịch. Chúc ông một năm mới thành công.
            PHAN THẢO NGUYÊN (thực hiện)
 


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528488

Hôm nay

2144

Hôm qua

2291

Tuần này

2761

Tháng này

215184

Tháng qua

0

Tất cả

114528488