Khách mời văn hóa

Văn hoá là cái giữ cho mỗi dân tộc có được gương mặt riêng của mình

VHNA: Nhân dịp đầu năm mới Canh Dần 2010, VHNA đã có lời mời Gs Phong Lê – nguyên là Viện trưởng Viện Văn học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) làm khách xông đất đầu năm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi về một số vấn đề văn hoá và văn học nhìn từ thực tiễn của nước nhà. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung của cuộc trao đổi này. Hy vọng sang năm mới chúng tôi sẽ được đón nhiều người trong số các quý vị và các bạn làm khách của Văn hoá Nghệ An.

Thưa Gs! Quan sát cả một chặng dài của thời kỳ đổi mới, Gs tháy nền văn hoá của chúng ta đã chuyển động như thế nào trong hơn 20 năm qua?Có những đặc điểm nào nổi trội nhất?

Chuyển động của văn hoá, văn học- nghệ thuật, và rộng ra là các lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần con người đều diễn ra trên cơ sở các chuyển động của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội – vừa như là hệ quả, là sự tuỳ thuộc, vừa như là nhân tố tác động. Từ nhiều năm trước đây, khi chứng kiến và tham gia vào công cuộc đổi mới văn học tôi đã có sự chú ý về các chuyển động này, nhưng phải đến gần đây tôi mới có thể “văn bản hoá” nó bằng một bài viết có tên Về cái thời chúng ta đang sống, với mấy ý tưởng chính như sau. Đó là: từ sự phân cách, chia đôi, trong một thế giới chia đôi thành 2 phe, với khẩu hiệu bao trùm: Ai thắng ai? chuyển sang hội nhập, cộng sinh, chung sống hoà bình. Từ cộng đồng (hoặc Đoàn thể) chuyển sang cá nhân – cá nhân trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển; nhưng cá nhân cũng sẵn sàng nổi loạn cho các ước vọng thoát ra khỏi các chuẩn mực của cộng đồng. Và, từ phong bế (ở các cấp độ khác nhau) đến sự mở rộng giao lưu và hội nhập, buộc trong đi tắt, đón đầu mà không đứt gẫy với lịch sử. Đó là xu thế, là hành trình không thể tránh, với các triển vọng và các giới hạn của nó; cả hai phương diện phải được nhận thức thấu đáo, mới mong tạo được sự thăng bằng, sự bình ổn trong phát triển.
Ba chuyển động làm nên nét nổi trội, rồi bao trùm mọi hoạt động văn hoá, tinh thần để đến với thực trạng hôm nay – làm thay đổi, thậm chí có những mặt gần như là 1800, so với thực trạng hôm qua – kể từ sau 1945 cho đến cuối những năm 80, khiến cho sự nhận thức và chấp nhận, rồi chủ động đón nhận nó phải là điều kiện đầu tiên cho mọi chuyển đổi.
Theo tôi hiểu thì mọi sự vật, hiện tượng đều vận động. Vậy cái gọi là bản sắc văn hoá có vận động không? Và nếu có, sẽ vận động như thế nào?
Mọi sự vật, hiện tượng đều vận động - đó là quy luật chung của sự tiến hoá. Không có gì đứng yên một chỗ. Nếu có gì tạm gọi hoặc tựa như là đứng yên đều có lý do trong các nguyên cớ lịch sử. Nghìn năm văn hoá - văn chương, học thuật dân tộc (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX) đều dựa theo mô hình Trung Hoa, khiến cho, cùng với phú, cáo, hịch, chiếu, biểu thì 4 câu thơ Nam quốc sơn hà... so với 4 câu tứ tuyệt của Nguyễn Khuyến là phảng phất giống nhau. Hơn 30 năm chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ khiến cho giá trị của Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc là trên cùng một bình diện với Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu... Tích chứa những thay đổi để có một sự vật khác phải có một chuyển động lớn trong phương thức sản xuất, hoặc hình thái kinh tế xã hội. Để từ trung đại sang hiện đại. Từ chiến tranh và phong bế sang hoà bình và hội nhập.
Nhưng nhìn tổng thể gương mặt đất nước trong hơn một thế kỷ qua là thay đổi, và càng về sau càng nhanh theo gia tốc lịch sử. Từ người phụ nữ nông dân với váy đụp, chân trần hoặc áo tứ thân đầu thế kỷ đến các loại thời trang, gồm đầu tóc, quần áo đến giầy dép của giới phụ nữ bây giờ. Từ nạn đói hai triệu người chết năm 1945 đến những tiệc nhậu triền miên, bia rượu tràn bờ trên khắp mặt thôn quê, thành thị bây giờ...
Thế nhưng trong nối kết các yếu tố làm nên đời sống văn hoá và gương mặt tinh thần của con người lại vẫn phải có những nét riêng, ổn định để cho dân tộc này khác với dân tộc khác. Chừng nào các làn điệu dân ca trên đất nước vẫn còn làm say lòng người thì 54 dân tộc anh em trên đất nước ta không thể có gương mặt chung của người Kinh, và người gốc Nghệ Tĩnh là tôi vẫn có sự phân biệt, để không lẫn với người xứ Quảng hoặc Nam Bộ.
Như vậy, văn hoá phải là cái giữ cho mỗi dân tộc, mỗi khu vực, mỗi vùng miền, có được gương mặt riêng của mình. Đó, mới chính là mục tiêu mà chúng ta theo đuổi. Và đó là việc khó hơn rất nhiều so với việc nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của ta cho kịp với khu vực và thế giới.
Và do là khó, nên cần một nhận thức thấu đáo, một quan tâm đặc biệt, và trong thực hiện là không dễ dàng. Phải thấm vào toàn bộ nền giáo dục quốc dân, vào các thể chế chính sách, vào các tập quán, tâm lý xã hội...
Nếu vậy nó sẽ có những thay đổi nhất định nào đó. Như vậy bản sắc văn hoá không phải bất biến như lâu nay vẫn có người hiểu?
Có vận động là có thay đổi. Thế nhưng ở đây cần có sự phân biệt giữa hai khu vực: vật chất và tinh thần. Nếu ở các lĩnh vực sản xuất vật chất, khoa học và công nghệ cần phải nhanh gấp đến với các mục tiêu tiên tiến (mà ta còn cách với thế giới một cự ly xa) thì ở lĩnh vực văn hoá, tinh thần lại cần biết cách điều chỉnh, cân bằng để tạo một môi sinh thuận theo tâm lý, thói quen, tập quán ứng xử, để không đột ngột cắt đứt với truyền thống cha ông. Nhật Bản, theo như tôi được biết là một tấm gương như thế, trong sự nhận thức vai trò của Khổng giáo và việc sử dụng tầng lớp quý tộc Samurai – nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ chủ chốt cho công cuộc Canh tân. Tấm gương về sự huy động sức mạnh tổng hợp của đạo lý truyền thống và khoa học- công nghệ, được đúc kết trong phương châm: “Kỹ thuật phương Tây. Đạo lý Nhật Bản”.
Văn học là bộ phận quan trọng của nền văn hoá. Vậy trong sự vận động với cường độ lớn, gia tốc cao vừa qua của nền văn hoá, theo Gs thì nền văn học của chúng ta đã vận động như thế nào?Hệ quả hay là kết quả của sự vận động ấy là gì?
Văn học là một bộ phận của văn hoá. Nói theo Viện sĩ D.X. Likhachov (Liên Xô cũ): “Trong khi tìm kiếm những đặc điểm của nền văn hoá, trước hết chúng ta cần tìm sự trả lời ở văn học và chữ viết. Văn học “nói” thay cho văn hoá dân tộc giống như con người “nói” thay cho tất cả những gì sống trong trời đất”. Cùng với hành trình của dân tộc trong lịch sử, văn học đã chuyển động, vừa như một hệ quả, vừa như một tác nhân, để có một bước nhảy vọt từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại vào nửa đầu thế kỷ XX. Và từ đó, dường như, từng thập niên một lại có một chuyển động theo hướng xích gần và rút ngắn sự so le giữa dân tộc và thời đại.
Từ cuối thế kỷ XX, trong khởi động công cuộc Đổi mới, văn học đã có những chuyển đổi thật ngoạn mục, để vào đầu thế kỷ XXI, trong cuộc Toàn cầu hoá lần thứ Ba của nhân loại mà tích cực chuẩn bị cho những mục tiêu mới, với sự tiếp cận và tiếp nhận thành tựu của Kỷ nguyên Thông tin hiện đại.
Trong một thế giới đang được kết nối, khi mỗi cá nhân có thể vươn ra toàn cầu theo cách của mình, thông qua hàng loạt phương tiện của “thế giới phẳng”, có mục tiêu nào mà người viết không thực hiện được, kể cả tốt và xấu, lành và độc, cho bất cứ ai làm chủ được các phương tiện thông tin. Do vậy, từ đây, trước mắt ta, rõ ràng sẽ là một khoảng trống lớn, chứa đựng rất nhiều bất ngờ, đưa tới những biến đổi khó có thể hình dung được. Vấn đề là cần một tâm thế chủ động để đón chờ nó.
Thưa Gs! Chính trị hay văn học có trước? Ai dẫn đường cho ai? Và sự tác động tương hổ giữa chính trị và văn học đã từng xảy ra như thế nào nếu nhìn từ thực tiễn Việt Nam?
 Chính trị và văn học, dẫu có khác nhau đến mấy vẫn là trên cơ sở hoạt động của con người. Khó nói cái gì có trước cái gì có sau. Khi con người có tiếng nói, và có nhu cầu giao tiếp, ứng xử trong các cộng đồng lớn nhỏ khi ấy hình thành những mầm mống sơ khai về văn học và chính trị. Khi con người đi vào lịch sử, rồi làm nên một lịch sử nhiều nghìn năm thì quan hệ chính trị và văn học càng mật thiết.
Nếu đồng ý với Mác: “Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”, và “Tư tưởng thống trị một thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị”; nếu là có lý ý kiến của Hồ Chí Minh: “Hoạt động văn hoá- nghệ thuật không ở ngoài mà ở trong kinh tế- chính trị” thì đương nhiên chính trị có vai trò quyết định đối với sự suy vong hoặc hưng thịnh của văn học- nghệ thuật. Nhưng trong tính độc lập tương đối của hệ ý thức và kiến thức thượng tầng thì không phải bất cứ lúc nào cũng là chính trị nào - văn nghệ ấy. Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học dân tộc, là sản phẩm của một thời đại nhiễu nhương nhất của lịch sử trung đại. Một nền văn học hiện đại với sự kết tinh những tác gia, tác phẩm sáng giá nhất đã được hội vào thời 1930-1945, trong giai đoạn kết thúc chế độ thuộc địa. 10 năm bề bộn những vấn đề của hậu chiến, và bê bối trong tình thế bao cấp do chọn sai mô hình phát triển xã hội đã là cơ sở cho sự xuất hiện những tác phẩm mang nội dung cảnh báo và có giá trị tiền trạm cho công cuộc Đổi mới...
Tất nhiên, dẫu với những so lệch như thế, người làm văn hoá, văn nghệ nào cũng đều mong đợi một nền chính trị sáng suốt, anh minh – nó là điều kiện cơ bản cho một sự phát triển thuận chiều của văn hoá, văn học- nghệ thuật. Nhưng điều kiện - đó mới chỉ là tiền đề khách quan. Cái chính là chủ quan - đến từ tiềm năng và tầm vóc của các chủ thể sáng tạo. Mà điều này thì khó đoán định hơn nhiều. Phải hơn 300 năm sau Nguyễn Trãi mới có Nguyễn Du. Và từ Nguyễn Du đến Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh, là hơn 250 năm nữa. Thời bây giờ, đã có ai hơn, và thay được Nguyễn Du?
Trở lại với đời sống văn hoá, và văn học nước nhà trong những năm gần đây, theo Gs thì vị trí và vai trò sáng tạo của văn nghệ sỹ được xác định và phát huy như thế nào? Đã xứng tầm với đòi hỏi của cuộc sống và tài năng của họ?
Tôi muốn nhìn rộng ra một ít. Thế kỷ XX, ít nhất đã có dăm sáu thế hệ viết kể từ Phan Bội Châu cho đến thế hệ 9X và thế hệ nào cũng đều có đóng góp – như trong một cuộc chạy tiếp sức, để có diện mạo văn học như ta đã thấy. Thu gọn lại cho dễ nhìn, theo tôi, đã diễn ra 3 mùa gặt lớn: mùa gặt 1930-1945; mùa gặt 1960-1975; và mùa gặt 1980-1995. Còn từ 1995 cho đến nay, trong dòng chảy cuồn cuộn và có phần xô bồ chuẩn bị cho một cuộc hội nhập lớn, văn học chưa định hình rõ gương mặt của nó trong tương ứng với thời đại.
Vai trò sáng tạo lớn nhất trong hay của một nền văn hoá thuộc vào tầng lớp nào, bộ phận dân cư nào? Tại sao lại như vậy?
Nói đến sáng tạo – ta quen dẫn một nguyên lý trong chủ nghĩa Mác: Quần chúng nhân dân làm nên lịch sử. Xét đến cùng đúng là như thế. Nhưng nhân dân là một khái niệm rộng, phải xác định người đại diện. Một thời dài, trên các tiêu chí phân định thành phần giai cấp, ta có trật tự: Công-Nông-Trí thức, với điều kiện Trí thức phải được Công Nông hoá. Hẹp hơn, trong đội quân chủ lực là Nông dân, ta có Cố, Bần, Trung nông. Ngoài đó ra thì các thành phần khác đều là kẻ thù hoặc các tầng lớp trung gian nghiêng ngả, dao động, không đáng tin cậy. Xã hội thay đổi theo chiều hướng văn minh, với vai trò hàng đầu của cách mạng khoa học- kỹ thuật, làm thay đổi cấu trúc xã hội, làm rạn vỡ, thậm chí đảo ngược các trật tự cũ. Việc xây dựng một nền kinh tế trí thức, buộc phải sắp xếp lại các thang bậc giá trị, khiến cho tầng lớp trí thức dần dần được coi trọng trên lý thuyết. Riêng trong các lĩnh vực văn hoá, tinh thần thì đương nhiên trí thức là lớp người có vai trò sáng tạo lớn nhất và đứng ở vị trí trung tâm.
Vậy theo Gs chúng ta cần làm gì để phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ trí thức như Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 7(khoá X) vừa rồi đã xác định?
Đảng đã có các Nghị quyết, về việc xây dựng đội ngũ trí thức, về xây dựng và phát triển văn học- nghệ thuật... và chúng ta đang tiếp tục bàn luận và kiến nghị phương thức thực hiện. Nhưng đó chỉ là khách quan. Điều quan trọng phải là sự phấn đấu chủ quan ở từng người, bởi lao động khoa học và lao động nghệ thuật là lao động cá nhân. Mỗi cá nhân phải tự bứt ra khỏi các giới hạn, các ràng buộc bên ngoài và bên trong, trong đó ràng buộc bên trong mới là chủ yếu.
Với người trí thức, điều cần nhất là tự do tư tưởng, là tự do trong sáng tạo các ý tưởng, nhưng phải là những ý tưởng mới mẻ, không chỉ là khác người mà còn là hơn người. Đó là điều cực khó – chắc chắn thế; nhưng nếu mọi thứ đều dễ, thì đâu còn là tư cách người trí thức!
Xin chân thành cảm ơn Gs đã nhận lời làm khách của Văn hoá Nghệ An và dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị đầu năm. Xin chúc Gs và gia đình một năm mới tốt đẹp nhất.
                                                   PHAN THắNG
                                                    (Thực hiện)
                                                                                   
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517296

Hôm nay

2246

Hôm qua

2397

Tuần này

2643

Tháng này

215235

Tháng qua

121009

Tất cả

114517296