Khách mời văn hóa

GS Nguyễn Đăng Hưng: “Căn bệnh giáo dục phải được bắt mạch có phương pháp, xác định đúng lỗi hệ thống mới có cơ may chạy chữa”

VHNA: GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng, sinh năm 1940, nguyên quán tại Quảng Nam. Ông đã có hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Liège (Vương quốc Bỉ) về Toán và Cơ học, trở thành một trong những nhà Cơ học xuất sắc của châu Âu và thế giới.

Ông được nhận danh hiệu Giáo sư Ưu tú (Professor Emeritus) và Huân chương cao quí của Vương quốc Bỉ dành cho các nhà khoa học cùng với nhiều giải thưởng quốc tế khác. Ông tích cực tham gia phong trào yêu nước của Việt kiều ngay từ những năm chống Mỹ cứu nước. Sau ngày thống nhất đất nước, ông thường xuyên về nước, góp phần tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho công việc giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo,... đặc biệt là Dự án của EU-Bỉ hỗ trợ đào tạo trên đại học về Cơ học tại một số trường đại học trong nước. Hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ,... của nước ta được đào tạo thành công qua những dự án đó. Với những cống hiến trên, ông đã được tặng danh hiệu “Vinh danh đất Việt” dành cho các nhà trí thức, các doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội là Việt kiều có công lao đóng góp cho đất nước.

Đầu năm Nhâm Thìn 2012, VHNA đã được ông nhận lời làm khách và đã cùng nhau có một cuộc trao đổi chân thành, thẳng thắn và thiết thực về văn hóa và giáo dục. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 
PV: Lý do nào đã thôi thúc giáo sư về nước và hăng hái tham gia vào công việc chung?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Từ tuổi ấu thơ tôi đã sống tại quê nhà vùng Điện Bàn, Quảng Nam. Lên 8 tuổi tôi lại lưu lạc tại vùng Tiên Phước, Tam Kỳ. Tuy thời chiến tranh cuộc sống lam lũ cơ cực, nhưng tôi cũng ghi nhận nhiều kỷ niệm êm đềm của vùng quê Việt Nam. Ngoài ra lớn lên đi học tại Sài Gòn đến khi thi xong tú tài, tôi lĩnh hội được nhiều bài học lịch sử, nhiều bài văn, bài thơ tiếng Việt, những anh hùng hào kiệt, những nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Xuân Diệu, Văn Cao, Trịnh Công Sơn... Tôi thấm nhuần văn hóa dân tộc Việt, một chất men lắng sâu vào tâm hồn và qua năm tháng tại châu Âu, nó không bao giờ bị phai nhạt. Đó là lý do tôi gắn bó với Việt Nam. Sau này hòa bình vãn hồi, có dịp về thăm quê, thăm thành phố tôi đã sống và lớn lên thời niên thiếu, tôi gặp lại những cậu bé lam lũ chăn trâu trên cánh đồng quê hay em nhỏ đánh giầy lang thang bụi bặm trên đường phố…Tôi như bắt gặp lại hình ảnh của chính tôi ngày nào. Và từ đó tôi tự bảo mình phải làm gì cho tuổi trẻ Việt Nam, cho nền giáo dục Việt Nam. Đó là lý do thôi thúc tôi về nước tham gia công việc chung… Tôi coi đó như là một số phận, một định mệnh, một con đường đi tìm hạnh phúc vì đóng góp cho cộng đồng…
 
PV: Khi còn ở nước ngoài và khi đã trở về sống ở trong nước thì nhận thức của giáo sư về đất nước, về Tổ Quốc có gì khác nhau không?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Về Tổ Quốc thì không gì khác, đối với tôi Tổ Quốc là phạm trù bất biến, vĩnh hằng. Về đất nước thì tùy thời điểm. Thí dụ trong những năm 1976-1979 sau những ngày đầu có chút hồ hởi vì hòa bình, thống nhất, tôi đã rất thất vọng vì cơ chế bao cấp và chính sách cải tạo thương nghiệp đánh đổ tư sản, đánh mất cơ hội hòa hợp hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế sau chiến tranh […] Tôi đã không thể tưởng tượng nổi có thể có một kiểu quản lý xã hội khắt khe, khép kín và tụt hậu như vậy. Và tôi đã phải quyết định không về Việt Nam nữa. Sau 10 năm (1979-1989), sau Đại hội VI với các chính sách đổi mới thì tôi có dịp chọn lựa khác. Tôi bắt đầu thấy hướng đi lên và từ năm 1989, tôi trở lại Việt Nam, đề xướng và điều hành các dự án cộng tác với các cơ sở giáo dục đào tạo Việt Nam, triển khai thực hiện các chương trình đào tạo người thầy cho Việt Nam.
 
PV: Chúng tôi được biết giáo sư trong một thời gian dài đã rất quan tâm đến giáo dục, đến sự nghiệp đào tạo con người và có nhiều đóng góp với những kết quả và hiệu quả thiết thực. Theo giáo sư thì lỗ hổng lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là gì?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Lăn lộn gần hai thập niên tại Việt Nam, dần dần tôi nắm bắt được lý do của tình trạng tụt hậu của nền giáo dục quốc dân. Lỗ hổng lớn nhất là thiếu một công trình sư có tư duy và tầm nhìn phù hợp với nền giáo dục một nước đang trên đường phát triển. Từ ngày GS Tạ Quang Bửu không còn tại chức nữa, khúc quanh giáo điều đã xuất hiện dẫn đến những hệ lụy vô cùng to lớn kéo dài cho đến ngày nay. Điều dễ thấy nhất là có sự lẫn lộn giữa giáo dục và tuyên truyền, việc coi thường chất lượng, thói chạy theo thành tích, chạy theo ảo tưởng, bằng cấp, hư danh…
Hệ tại chức với thời gian học trình ngắn ngủi, nội dung sơ sài lại hái ra tiền, ồ ạt phát triển ngay tại những trường đại học nghiêm túc nhất! Hậu quả của việc có nhiều hệ đào tạo khác nhau, đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn, học giả bằng thật, tình trạng ngồi nhầm lớp, tình trạng thầy không ra thầy, trò chẳng ra trò, vàng thau lẫn lộn giữa các nhà khoa học… Lỗ hổng này kéo dài quá lâu dẫn đến tình trạng xem gian dối quay cóp là bình thường, lấy giả tạo làm cơ sở. Hậu quả là thực học không được khuyến khích, học ảo lên ngôi và cứ như vậy qua nhiều thế hệ… Tình trạng bất cập ngự trị quá lâu, ảnh hưởng quá sâu, biến chất thành hệ thống nên những cố gắng thay đổi cải tiến khó tìm ra chất dinh dưỡng để củng cố, phát huy, thường xuyên bị vô hiệu hóa một cách thảm hại…
 
PV: Cụ thể hơn là giáo dục đại học, và trên đại học?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Giáo dục đại học như đi ngược chiều. Học hàm ngày càng biến chất, thay vì để nâng cao trình độ cho người thầy đứng lớp, đã trở thành lớp sơn trang trí cho những chính trị gia cơ hội. Nghiên cứu khoa học không được tổ chức, khuyến khích bằng chính sách chế độ mà còn bị coi thường, bị đóng khung qua những hàng cây đa cây đề đã từ lâu biến thái thành những kẻ vô sinh trong khoa học, những con gà công nghiệp chỉ biết báo cáo chung chung hay nhận lệnh từ cấp trên chẳng biết chuyên môn là gì…
Giáo dục trên đại học còn tệ hại hơn. Trong những năm 90, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu được thúc đẩy mở ra các lớp thạc sỹ nhưng không hề có chuẩn bị, có kiểm tra giáo trình hay chất lượng nghiên cứu. Lúc ban đầu yếu tố quốc tế không hề được đặt ra.
Sau này, bắt đầu từ thế kỷ 21, yếu tố này dần dần được nhắc nhở, nhưng số thạc sỹ, tiến sỹ tốt nghiệp theo kiểu cũ, được đào tạo trên cái nền thiếu vững chắc đã khá đông đảo và họ đã trở thành cán bộ chủ chốt tại các đại học hay các trung tâm nghiên cứu. Họ sẽ là thành phần bảo thủ ngăn chặn lớp trẻ tốt nghiệp từ các nước phát triển về nước có được chỗ đứng cần thiết để triển khai, thi thố tài năng, quảng bá hiểu biết thu thập từ những nước tiên tiến. Gần đây báo chí đã dấy lên những tiếng chuông báo động: Các tiến sỹ được đào tạo bằng ngân sách nhà nước 322 không có được chỗ đứng thỏa đáng khi về nước, không có được đồng lương đủ nuôi gia đình. Thảo nào một bộ phận đã chọn hướng ở lại không về... Tiền nhà nước như vậy là đi đổ sông Ngô…
 
PV: Giáo sư có suy nghĩ và bình luận gì về ý tưởng đào tạo 20.000 tiến sĩ trong 10 năm?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi đã nhiều lần nói lên quan điểm của tôi về việc này. Thí dụ năm ngoái qua bài phỏng vấn của nhà báo Vĩnh Thắng trên tạp chí Thế Giới Mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo tôi ý tưởng này rất khó thực thi nhất là muốn có những tiến sỹ được đào tạo bài bản, những giáo sư đại học có thực chất cho Việt Nam.
Có 3 điều kiện cần để đào tạo ra một tiến sĩ:
Thứ nhất và quan trọng nhất, là cần có đối tượng có khả năng làm Tiến sĩ! Đó là những Nghiên cứu sinh có năng khiếu nghiên cứu, có đam mê khoa học, có tâm huyết vươn cao, bay xa. Và những người thuộc loại này không nhiều. Kinh nghiệm đào tạo qua các chương trình cao học Bỉ - Việt (1995-2008) cho tôi thấy, mỗi năm trong 80 người ghi danh thi vào các lớp thạc sĩ, tôi chỉ chọn được 30 người theo học. Trong đó sau 2 năm học tập, chỉ còn 15 người được bằng cấp thạc sĩ và trong số đó, chỉ có trung bình 5 người có trình độ có thể tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Như vậy để có 20.000 tiến sỹ có chất lượng phải đào tạo cho được ít nhất 60.000 thạc sỹ có chất lượng. Việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hề đề cập đến.
Thứ hai, phải chọn đúng thầy và nơi đào tạo chất lượng. Việc này cần có một ban nghiên cứu chọn đúng địa chỉ, đúng đại học, đúng khoa mà gửi nghiên cứu sinh. Một thầy đang nghiên cứu ở độ chín, sẽ cho ra một tiến sĩ đầy tài năng sáng tạo. Một giáo sư ở độ “cùn” của việc nghiên cứu, sẽ cho ra một tiến sĩ tồi. Việc này cũng không thấy Bộ bàn đến. Tôi vẫn thường tự hỏi lấy đâu ra trong 10 năm, 20.000 giáo sư quốc tế đầu đàn, có sự nghiệp nghiên cứu phong phú và năng động tại những đại học quốc tế để hướng dẫn các em?
Yếu tố thứ ba mới là tiền. Nhưng tôi nói thật: tiền, nhiều khi không cần. Thầy giỏi luôn luôn cần trò giỏi. Nếu ta không có tiền nhưng gửi đúng học trò giỏi, thạc sỹ có chất lượng, thầy sẽ sử dụng kinh phí của dự án mình có, của khoa mình có để chi cho nghiên cứu sinh.
Tôi đã áp dụng mô hình này cho hai văn phòng đào tạo thạc sỹ Bỉ - Việt do chúng tôi đề xướng tại Sài Gòn và Hà Nội và trên 50 tiến sỹ đã tốt nghiệp như thế.
Ba yếu tố cần thiết để đào tạo tiến sĩ phải có được lời giải thì dự án mới khả thi. Tóm lại tôi cho rằng dự án 20.000 tiến sỹ trong 10 năm đề ra hiện nay là không thực tế. Và nếu không giải được bài toán chất lượng thì sẽ là một lãng phí ngân sách nhà nước vậy.
 
PV: Và tình trạng thành lập các trường đại học đã và đang bị bung ra quá giới hạn?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi tự hỏi việc ra đời tràn lan các trường đại học khắp nơi có điều khuất tất đáng ngờ? Làm sao trước đây việc mở trường tư bị ách tắc đóng băng rồi đùng một cái ào ạt bung ra quá giới hạn như nhà báo vừa bảo? Kết quả là hiện nay có trường khai giảng mà chẳng có sinh viên theo học!
Trên thực tế thì thủ tục hồ sơ cũng rất nhiêu khê, đòi hỏi cũng khá gắt gao nhưng không có khâu kiểm tra, chẳng có ban phê duyệt khách quan vô tư nghiêm túc, nhất là trong khâu hậu kiểm!
Nay Thứ trưởng Bùi Văn Ga mới bắt đầu bàn đến việc kiểm tra chặt chẽ và khả năng đóng cửa các trường không thực hiện chỉ tiêu chất lượng. Tính cách thiếu nghiêm túc của cơ quan chức năng trong việc này nay hiện rõ. Chỉ khổ cho những nhà đầu tư, nhà giáo nghiêm túc bị cào bằng đứng chung cảnh ngộ với những thành phần lấy giáo dục làm sản phẩm hàng hóa mưu cầu lợi nhuận với bất cứ giá nào.
Tôi tự hỏi chừng nào Bộ Giáo dục Đào tạo mới thoát ra khỏi cung cách điều hành tài tử như vậy kéo dài hơn ba thập kỷ rồi!
 
PV: Đã từng giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhiều năm ở nước ngoài, giáo sư thấy có gì khác cơ bản giữa giáo dục đại học, và trên đại học, ở nước ta với các nước phát triển?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Trên thế giới, đại học theo nghĩa hiện đại là câu chuyện cũ, câu chuyện lâu đời mà nước đi sau như Việt Nam phải chiêm nghiệm học hỏi. Tại châu Âu, đại học đầu tiên là Đại học Bologna (Ý) được thành lập vào thế kỷ XI (1088), Đại học Sorbonne (Paris, Pháp) thế kỷ XII (1150), Đại học Louvain (Bỉ) thế kỷ XV (1425). Sau giai đoạn thai nghén, tổ chức đại học bắt đầu trưởng thành trên quan niệm khai sáng, trên triết lý tự do tư tưởng cũng như trong khâu tổ chức với đại học điển hình Humboldt ở Berlin (1809, Đức). Hiện nay các đại học hàng đầu thế giới với thương hiệu lẫy lừng thì ai cũng biết: Harvard, Stanford, Cambridge, Oxford…
Nhưng vì lý do lịch sử cá biệt, các đại học Việt Nam lại đi theo hướng khác, không giống ai. Đã có một thời Việt Nam ngỡ rằng mình đã tìm được chân lý. Sự chọn lựa chủ quan này là nguyên do chính của sự lạc hậu của các đại học Việt Nam ngày nay. Nếu không có đột phá, nếu không có đổi mới tư duy triệt để thì không biết bao giờ Việt Nam mới theo kịp khu vực, chứ đừng mong chi theo kịp các nước tiên tiến…Đại học Việt Nam vẫn chưa chấp nhận tính tự chủ thật sự của đại học, chưa chấp nhận quan điểm thế nhân độc lập của một đại học đúng nghĩa. Môi trường đại học phải là môi trường tự do dân chủ, đặc biệt là tự do tư tưởng. Chỉ có tôn trọng tự do tư tưởng mới có khoa học thật sự vì căn bản của khoa học là tôn trọng sự thật khách quan, là bỏ cái cũ, lập cái mới tiến bộ hơn, là không để cho quyền lực chi phối, thần quyền cũng như chính quyền. Và tôn trọng sự thật chính là xây dựng đạo đức, nhân cách cho sinh viên. Không tôn trọng sự thực thì chỉ có thể là giả dối và nhân cách đạo đức không thể xây dựng trên nền tảng giả dối được. Làm được như vậy thì mới có cái nền vững chắc. Ngôi nhà xây lên mới dần dần phát huy tác động. Cũng đừng nên nhắm mắt chạy theo bản sắp hạng một cách máy móc giả tạo. Tư duy thành tích phải chấm dứt thôi.
 
PV: Vấn đề cơ sở, nền tảng văn hóa trong giáo dục, hay là vấn đề giáo dục văn hóa trong môi trường giáo dục ở nước ngoài được giải quyết như thế nào? Có kinh nghiệm nào mà chúng ta có thể tiếp thu được?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Nền tảng văn hóa trong giáo dục, như tôi vừa nói là tinh thần tôn trọng tự do tư tưởng, tôn trọng sự thật. Nền tảng này phải nhất quán, phổ quát, trong khoa học tự nhiên cũng như khoa học nhân văn, xã hội. Muốn chân lý ló dạng, phải hoan nghênh đề cao phản biện, tạo môi trường tự do tranh luận, tán phát luận điểm, xây dựng trường phái… Cho nên trong giáo dục, nhà nước phải vừa là người bao cấp vừa là trọng tài. Người bao cấp mà vẫn phải tuân thủ luật vận hành của đại học, đặc biệt luật tự chủ. Người trọng tài lại phải luôn luôn đứng ngoài những tranh chấp, tranh luận của phe nhóm, trong đó có những nhóm lợi ích. Bởi vì thế, ở các nước phát triển, nhà nước luôn luôn giữ vai trò chủ đạo mà tư nhân không thể thay thế được. Bởi vì chỉ nhà nước mới có khả năng và quyền uy bảo vệ tính công bằng dân chủ căn bản: đi học đại học là cơ may cho mọi tầng lớp dân chúng. Bởi vậy nhà nước phải là của toàn dân, được toàn dân tín nhiệm, lấy lợi ích của toàn dân làm gốc. Đây là kinh nghiệm quí báu nhất mà chúng ta nên tiếp thu.
Tháng 8, năm vừa qua (2011), sau khi được Quốc hội khóa XIII tin tưởng bầu tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016: “Trong 5 năm tới, phải tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Ngày 16/07/2011, tại Hội nghị sơ kết 3 năm phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và tổng kết năm học 2010-2011 (Cao Lãnh, Đồng Tháp), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày 2/9/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Lễ khai giảng năm học 2011-2012 của trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học Huế đã nhấn mạnh: “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, (là) tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân là một khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước”.
Chưa bao giờ người đứng đầu chính phủ có phát biểu liên tục và mạnh mẽ thể hiện quyết tâm đổi mới triệt để giáo dục như thế. Vấn đề là phải bắt mạch có phương pháp, xác định đúng căn bệnh mới có cơ may chạy chữa. Là người đã có 40 năm giảng dạy tại châu Âu, đã lăn lộn 20 năm gần đây với việc hợp tác đào tạo cao học, tôi không thể là người ngoài cuộc. Trong bài phỏng vấn này tôi đã cố gắng có thái độ thẳng thắn, bắt đúng bài, chuẩn đúng bệnh, không quanh co, không né tránh. Mong thay tiếng nói chân thật này đến tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Chính trị vì muốn có quyết định đột phá cần phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Tôi có kỳ vọng là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là người có tầm hiểu biết, có tâm với tiền đồ đất nước sẽ triển khai kịp thời những cải tổ cần thiết. Căn bệnh đã vào xương vào tủy, cần phải 10, 20 năm đổi mới liên tục mới có kết quả cụ thể. Vấn đề là phải có sự khởi đầu đúng hướng…
 
PV: Thưa giáo sư, chúng tôi được biết giáo sư rất quan tâm đến tình hình biển Đông, với tư cách một nhà khoa học, giáo sư thấy người trí thức cần lựa chọn và xác định vị trí của mình như thế nào, ở đâu trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Thềm lục địa cũng như hải đảo Việt Nam ở biển Đông là lãnh hải lãnh thổ thuộc chủ quyền Việt Nam. Không những nhà khoa học, người trí thức mà là toàn dân đều có bổn phận thiêng liêng bảo vệ nó. Đây là di sản máu xương của cha ông và công dân Việt Nam có bổn phận ngay cả phải hy sinh tính mạng để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Riêng người trí thức, nhà khoa học lại có thêm một vai trò: đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng con đường học thuật, chống lại thế lực mềm nhưng tác động xâm lấn lại tinh vi và thâm độc hơn… Thí dụ như đường lưỡi bò do Trung Quốc đưa ra nhằm chiếm lấn 85% biển Đông. Đây là hành động phi pháp, không có chứng cứ lịch sử, mưu đồ xâm lấn chủ quyền lãnh hải Việt Nam và các nước khác trong khối ASEAN. Chính quyền Trung Quốc đã bắt ép các nhà khoa học Trung Quốc tham gia tuyên truyền bản đồ TQ có chèn theo đường lưỡi bò. TQ muốn đặt thế giới trước chuyện đã rồi qua manh tâm phổ biến bản đồ này trên các bài báo khoa học. Họ đã nói và sẽ nói: Đấy, các người phải biết là chúng tôi đã công bố lên báo chí quốc tế, nếu không ai phản đối thì qua thời gian, biển Đông đương nhiên sẽ có chủ và người chủ là chúng tôi chứ không ai khác !.. Ý thức rõ về trách nhiệm của mình, đông đảo trí thức VN trong nước cũng như hải ngoại đã cùng nhau đồng loạt ký tên phản đối gởi lên hai tờ báo khoa học danh giá nhất trên toàn cầu: Nature và Science… Rốt cuộc vì có chính nghĩa, vì tính cách khách quan vô tư của báo chí khoa học, hai tờ báo trên cuối cùng đã có phản ứng tích cực, đồng ý với nội dung phản đối của chúng tôi. Họ đã ra văn bản (hay cho phép đăng tải bài phản bác của trí thức Việt Nam) quyết định sẽ không cho phép TQ tiếp tục sử dụng báo chí quốc tế để tuyên truyền chính trị phi pháp nữa…
Vị trí của chúng tôi là Việt Nam, là bảo vệ quyền lợi của dân tộc Việt Nam, hôm nay, ngày mai và mãi mãi sẽ như thế…
PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi thẳng thắn lý thú và hữu ích này. Kính chúc giáo sư mạnh khỏe và có nhiều cống hiến mới.
                                                                                                                                   PHAN VĂN THẮNG (thực hiện)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528485

Hôm nay

2141

Hôm qua

2291

Tuần này

2758

Tháng này

215181

Tháng qua

0

Tất cả

114528485