Khách mời văn hóa

Georges Steiner: Châu Âu đang hi sinh thế hệ trẻ

VHNA: Đã nhiều năm nay đúng hẹn, mỗi tháng hai lần, VHNA được đón các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý làm khách và đã có những cuộc trao đổi thú vị, hữu ích.
Lần này, nhân dịp cuối năm, chúng tôi muốn dành cho bạn đọc một bất ngờ, đó là theo dõi cuộc trao đổi của Georges Steiner và Juliette Cerf về một vấn đề nóng bỏng của châu Âu: Văn hoá và tương lai của thanh niên.

 

Là một người có đầu óc uyên bác, Georges Steiner đại diện cho chủ nghĩa nhân văn Âu Châu. Ông lấy làm tiếc là văn chương, triết học và khoa học bây giờ không còn ăn nhập với nhau nữa. Ông tự vấn: làm sao hiểu được thế giới này khi văn hóa ngày càng thu hẹp lại?
Nietzsche, Héraclite và Dante là những nhân vật chính trong cuốn sách mới của ông: Thơ tư tưởng, nhưng phải chờ thêm ít thời gian nữa cuốn sách mới ra mắt độc giả. Georges Steiner tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà của mình tại Cambridge. Ông trò chuyện với chúng tôi một cách khôi hài, vừa ăn bánh mì vừa uống cà phê: Thời kỳ mới có Eurostar, ông bảo sẽ cho đứa bé nào thấy một con cá dưới đường hầm xuyên biển Manche một đồng siling (tiền Anh). “Các ông bố bà mẹ hoảng cả lên!”, ông giáo sư văn học so sánh khoái chí. Sự kết hợp giữa đầu óc uyên bác và sự hài hước, trí thông minh và sự tử tế đã làm nên con người Georges Steiner. Sinh năm 1929 tại Paris, mẹ là người Vienne, cha là người Séc. Cha ông đã tiên đoán về sự bạo tàn của Đức Quốc Xã. Georges Steiner là bậc thầy về đọc sách. Là một người biết nhiều ngoại ngữ, ông đã giải mã Homère và Cicéron ngay từ hồi còn trẻ dưới sự hướng dẫn của người cha vốn là một trí thức Do thái đam mê âm nhạc và nghệ thuật và muốn đánh thức trong con mình thiên hướng của một pháp sư (nghĩa đen của chữ “rabbin”). Năm 1940, gia đình ông cập bến New York trên chuyến tàu cuối cùng xuất phát từ Gênes. Sau khi học ở Trường Đại học Chicago rồi Oxford, ông về Luân Đôn làm biên tập viên của báo The Economist. Ông đã vượt qua Đại Tây Dương đi phỏng vấn Oppenheimer, người phát minh ra bom nguyên tử và cũng chính là người đã kéo Georges Steiner về Viện Princeton. Đó là “bước ngoặt” cuộc đời Georges Steiner. Ông xuất bản nhiều cuốn sách nổi tiếng, cuốn Tolstoi hay Dostoievski, cuốn Ngôn ngữ và sự yên lặng là những cuốn tập hợp các bài giảng của ông. Ông cũng là người thành lập Trường Đại học Churchill tại Cambridge và trở thành nhà phê bình văn học cho New Yorker. Sau đó, ông giảng dạy tại Trường Đại học Geneve.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của châu Âu mà tư tưởng đã nổi tiếng khắp thế giới.
Châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Theo ông, lục địa già có khả năng sụp đổ hay không?
Như tình trạng hiện nay thì có khả năng thật. Nhưng người Châu Âu sẽ biết vượt qua, bằng cách này hay cách khác. Oái oăm thay, nước Đức lại có thể một lần nữa ngự trị. Lần về lịch sử mà xem. Từ tháng 8 năm 1914 đến tháng 5 năm 1945, từ Madrid đến Moscoum từ Copenhague đến Palerme, Châu Âu đã mất gần 80 triệu sinh mạng trong các cuộc chiến tranh, trong cảnh lưu đày, ở trại tập trung, vì đói rét hay bom đạn. Điều kỳ diệu là Châu Âu đã tồn tại. Nhưng sự hồi sinh của nó chỉ đạt được một phần thôi. Hiện nay, Châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng đầy tính bi kịch; Châu Âu đang hi sinh một thế hệ, thế hệ trẻ, một thế hệ không còn biết tin vào tương lai. Hồi tôi còn trẻ, thế hệ chúng tôi có rất nhiều hi vọng: Chủ nghĩa Cộng Sản, và biết nói thế nào hơn, chủ nghĩa Phát Xít cũng đem lại cho người ta một niềm hi vọng, chúng ta không nên nhầm lẫn ở chỗ này. Người Do thái thì có chủ nghĩa Xi-on. Có nhiều lắm... Giờ đây, tất cả những thứ ấy chúng ta không còn nữa. Vậy nên, nếu lớp trẻ thời nay không còn hi vọng, cho dù chỉ là ảo vọng, thì còn lại gì? Họ không còn gì nữa. ở Châu Âu, giấc mơ cứu thế của chủ nghĩa xã hội đã vấp phải chế độ áp bức và va phải Francois Holland - tôi lấy tên ông ta như một biểu tượng chứ không chỉ trích con người ông ta. Chủ nghĩa phát xít đã sụp đổ trong ghê rợn. Nhà nước Istrael cần phải tồn tại nhưng chủ nghĩa quốc gia của nhà nước này đã trở thành một bi kịch, trái với tinh thần của người Do thái, vốn mang tính quốc tế rất cao. Tôi muốn trở thành một người nay đây mai đó, lúc thế này, lúc thế kia. Tôi sống theo châm ngôn của Baal Shem Tov, một pháp sư vĩ đại thế kỷ 18: “Chân lí luôn sống lưu vong.
Toàn cầu hoá có tạo điều kiện thuận lợi cho sự lang thang này hay không?
Chưa bao giờ Châu Âu lại khép kín về mặt địa lý như thế. Trước đây, khi ra khỏi nước Anh, người ta có thể đi Úc, đi ấn Độ, đi Canada; giờ đây không còn giấy phép lao động nữa. Cả hành tinh như đóng cửa. Hằng đêm, hàng trăm người từ Maghreb cố vượt sang châu Âu. Hành tinh đang vận động, nhưng vận động đi đâu? Số phận hiện nay của người nhập cư thật khủng khiếp. Tôi đã được mời đọc một bài diễn văn dài trước chính phủ Đức và tôi đã kết thúc bài diễn văn như sau: “Thưa quý ông quý bà, các vì sao bây giờ tất cả đã thành màu vàng.
Dù gì đi nữa, ông vẫn thấy mình là người Châu Âu?
Châu Âu là nơi của sự tàn sát, của những điều khó hiểu, nhưng đó cũng là châu lục có nhiều nền văn hoá mà tôi yêu thích. Tôi mang nợ châu Âu rất nhiều, và tôi muốn ở nơi mà người thân của tôi đã khuất bóng. Tôi muốn ở gần Soah, ở nơi mà tôi có thể nói đến bốn thứ tiếng. Đó là nơi mà tôi có thể nghỉ ngơi thoải mái, nơi tôi có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Sau khi học tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức là những ngôn ngữ tôi đã lĩnh hội hồi còn nhỏ, tôi đã học tiếng Ý. Mẹ tôi bắt đầu câu chuyện bằng một câu ở ngôn ngữ này nhưng lại kết thúc bằng một câu ở thứ tiếng khác mà không hay biết. Tôi không có tiếng mẹ đẻ, nhưng trái với định kiến, hiện tượng này giờ khá phổ biến. ở Thụy Điển, người ta nói tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. ở Malaysia, người ta nói ba thứ tiếng. Khái niệm tiếng mẹ đẻ là một khái niệm mang tính quốc gia chủ nghĩa và có vẻ lãng mạn. Khả năng đa ngữ đã cho phép tôi giảng dạy và viết cuốn Hậu Babel: thi pháp về nói và dịch thuật và nhờ vậy mà ở đâu tôi cũng thấy như đang ở nhà mình. Mỗi ngôn ngữ là cánh cửa mở ra thế giới. Một sự bắt rễ sâu sắc, kiểu Barrès. Cây có rễ, còn tôi có chân, đó là một sự tiến bộ vượt bậc, tin tôi đi!
Trong Thơ tư tưởng, cuốn sách mới ra của ông, ông có nhắc lại là Sartre đã từng muốn vừa được như Stendhal vừa được như Spinoza. Văn phong có dẫn dắt người ta đến tư duy hay không?
Có chứ, mọi triết lý đều là một hành vi ngôn ngữ. Nhịp điệu, ngôn từ, cú pháp, tất cả những gì đưa chúng ta đến với thi ca, chúng ta đều tìm thấy trong văn bản triết học, cho dù văn bản này có trừu tượng đến mấy. “Mọi tư duy bắt đầu từ một bài thơ”, Alain viết về Valéry như thế. Các nhà tư tưởng lớn thường là những nhà văn cao siêu, như Nietzsche hay Kierkegaard. Bergson, một trong những bậc thầy tiếng Pháp đã nhận giải Nobel văn chương. Platon xứng đáng được so sánh với Shakespeare về việc sáng tạo các nhân vật, các vở kịch sử thi. Nhưng quan hệ giữa tư duy và việc viết văn cũng có thể mang tính xung đột. Một số triết gia muốn viết thật dở, muốn bóp nghẹt con người nhà văn trong mình, như Hegel, vua của phản-phong cách. Truyền thống kép về thiên tài trữ tình ở Platon và về giáo dục học hà khắc, về hệ thống ở Aristote vẫn còn đó ngay từ đầu.
Văn chương và triết học ngày nay có còn ăn ý với nhau không?
Cả hai thứ dường như đang lâm nguy, theo tôi là như vậy. Văn chương đã chọn địa hạt của những quan hệ cá nhân tiểu tiết. Nó không còn biết đề cập các chủ đề lớn về siêu hình học. Chúng ta không còn Balzac, không còn Zola. Không có lĩnh vực nào thoát khỏi trang giấy của các thiên tài chuyên viết về tấn trò đời này. Proust cũng đã sáng tạo nên một thế giới vô tận, và tác phẩm Ulysse của Joyce vẫn còn gần với Homère... Joyce là bản lề giữa hai thế giới lớn, thế giới cổ điển và thế giới của sự hỗn mang. Trước đây, triết học cũng có thể tự cho mình mang tính toàn cầu. Cả thế giới đều giang tay đón nhận tư tưởng của Spinoza. Ngày nay, thế giới phần đa đã khép kín với chúng ta. Thế giới đang thu hẹp lại. Khoa học đã trở nên khó tiếp cận. Mấy ai mà hiểu được những cuộc phiêu lưu mới đây của di truyền học, của vật lý thiên văn, của sinh học? Ai có thể cắt nghĩa những vấn đề này cho những người ngoại đạo? Các lĩnh vực tri thức không còn liên thông với nhau nữa; các nhà văn và các nhà triết học giờ đây bất lực trong việc cho chúng ta hiểu thế nào là khoa học. Cho dù thế, khoa học vẫn tỏa sáng nhờ vào thế giới tưởng tượng của nó. Làm sao có thể nói về ý thức của con người mà lại gạt sang một bên tất cả những gì táo bạo nhất, giàu sức tưởng tượng nhất? Tôi lo lắng khi biết được nghĩa của khái niệm “có học” hiện nay - “to be literate”, khái niệm này trong tiếng Anh còn mạnh hơn. Con người ta có thực sự “có học” không khi mà một phương trình phi tuyến cũng không hiểu? Văn hóa đang có nguy cơ trở thành thứ văn hóa tỉnh lẻ. Chắc là chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại quan niệm của chúng ta về văn hóa. Tôi muốn kể cho chị nghe một câu chuyện, câu chuyện đã khiến tôi vô cùng xúc động: một hôm, tôi ăn tối cùng với một đồng nghiệp tại Cambridge, một người đã đoạt giải Nobel, một người rất lịch thiệp. Ông ta nhờ tôi giải thích một văn bản của Lacan mà ông ta không hiểu gì hết. Sự khiêm tốn của một nhà khoa học lớn trong sự đối sánh với sự kiêu căng, ngạo mạn của những bậc thầy bóng tối hay tranh cãi viển vông...
Ông ủng hộ văn hóa truyền thống của người quân tử và đồng thời nhấn mạnh đến sự mềm yếu của típ người này. Tại sao vậy?
Bởi vì nền văn hóa lớn đã suy vong trước bạo tàn. Chúng ta đừng bao giờ quên là hai cuộc chiến tranh thế giới là những cuộc nội chiến Châu Âu. Nước Đức, đất nước của Hegel, Fichte và Schelling, khuôn mẫu của tư duy triết học đã trải qua sự bạo tàn tồi tệ nhất. Nhân văn học đã không thể che chở cho chúng ta; trái lại, lĩnh vực này đồng lõa với sự bất nhân. Buchenwald chỉ cách Weimar vài cây số. Làm sao một số người lại có thể tối ở nhà chơi các bản nhạc của Bach và Schubert còn sáng ra thì đi tra tấn trong các trại tập trung?
Như vậy thì văn hóa để làm gì, nếu như nó không khiến cho chúng ta nhân văn hơn?
Văn hóa làm cho cuộc sống có thể chịu đựng được. Làm người trần thế nào có vui vẻ gì? Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với bệnh ung thư, với stress, với sợ hãi; ngày nào cũng đối diện với cảnh tang tóc, và không gì đáng sợ hơn. Tôi thổ lộ với chị một điều có vẻ rất trẻ con: tôi và vợ tôi vừa mất một con chó mà chúng tôi đặt tên là Ben. Đó là một điều kinh khủng đối với vợ chúng tôi, bởi con vật này đã trở thành trung tâm cuộc sống gia đình tôi - và thậm chí trên cả trang bìa tạp chí Cahier de l’Herne, số dành cho tôi.
Tôi không thể sống qua một ngày mà không có âm nhạc, sắc đẹp, thi ca. Đó sự an tâm của tôi, sự sống còn của tôi. Việc đồng hành với các bậc cao minh mang lại cho tôi cảm giác hãnh diện và biết ơn vô cùng. Tôi muốn cảm ơn họ. Bằng cách thuộc lòng họ. Không ai có thể lấy mất những gì chúng ta học thuộc lòng. Kiểm duyệt không, cảnh sát chính trị không, thứ nghệ thuật vô vị, bất nhã cũng không. Học thuộc lòng là cách đi vào chính tác phẩm: “Ngươi sẽ sống trong ta, ta sẽ sống cùng ngươi.” Các văn bản song hành cùng chúng ta; bộ hành cùng với một bài thơ của Baudelaire là đi cùng một người thanh nhã.
Theo ông, các công nghệ mới đang đe dọa “sự yên lặng” và “thế giới riêng tư” cần thiết cho sự gặp gỡ các tác phẩm lớn...
Đúng thế, sự yên tĩnh gắn bó hữu cơ với ngôn ngữ. Chị và tôi, chúng ta đang ngồi đây, trong một ngôi nhà có vườn bao quanh, nơi mà ngoài cuộc trò chuyện ra không còn âm thanh nào khác. ở đây tôi có thể làm việc, tôi có thể mơ mộng và lao động trí óc. Sự im lặng đã trở thành một điều xa xỉ lớn lao. Người ta sống trong ồn ào. ở thành phố không còn khái niệm về đêm nữa. Lớp trẻ sợ sự yên tĩnh. Làm sao mà đọc nghiêm túc những cuốn sách khó trong sự ồn ào? Vừa đọc trang sách của Platon vừa nghe nhạc qua máy Walkman ư? Tôi rất sợ điều này. Công nghệ mới làm thay đổi cả cuộc đối thoại với sách. Nó rút gọn, đơn giản hóa, kết nối. Đầu óc con người giờ đã “cáp hóa”. Ngày nay người ta không còn đọc sách như xưa nữa. Hiện tượng Harry Potter xuất hiện như một ngoại lệ. Trẻ em khắp nơi trên thế giới, trẻ em người ét-ki-mô, người da đen Nam Phi, tất cả đọc đi đọc lại thiên truyện đặc trưng Anh quốc này, một thiên truyện được viết bằng một ngôn ngữ phong phú và cú pháp tinh tế. Thật tuyệt. Sách là một người bảo vệ đời sống riêng tư. Tiếng Pháp không có từ để dịch chữ “privacy”. Chữ “Intimité” dịch từ này rất tồi. Nước Anh vẫn còn là một đất nước của “privacy”. Điều này có thể có những khía cạnh phi lý: người ta có thể láng giềng với nhau trong năm mươi năm trời mà không trao đổi với nhau lời nào. Sự tôn thờ “Private life” (đời sống riêng tư) có một giá trị chính trị rất lớn: đó là khả năng chống chọi.
Ông vừa nhắc đến Harry Potter. Trong cuốn Thơ tư tưởng, ông mạnh dạn rút ngắn khoảng cách giữa phép biện chứng của Hegel, sự phủ định cái phủ định, và cái “không gì không gì hết” của Edith Piaf. Tại sao văn hóa quần chúng đã không khiến cho ông quan tâm hơn?
Tôi đã lỡ vận. Nhất là với điện ảnh. Nếu tôi có thể sống lại từ đầu, tôi sẽ tìm hiểu tại sao, trong số những sức mạnh sáng tạo cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phim ảnh có thể độc chiếm vị trí đầu tiên. Ngày nay, nếu Shakespeare sống lại hẳn ông sẽ viết kịch bản điện ảnh. Tôi đã nhầm, bởi tôi từng là một đứa trẻ thấm nhuần ngôn ngữ Hy La và cha tôi là một người cực kỳ thủ cựu theo kiểu truyền thống. Người ta không thể sống cập nhật với tất cả. Với âm nhạc thì có thể: tôi nghe các nhà soạn nhạc thế hệ sau Boulez và tôi rất say mê. Với nghệ thuật khái niệm thì không, tôi không tài nào mà theo kịp: tôi đi Beaubourg, người ta cho tôi xem một chồng gạch và bảo đó là một tác phẩm lớn, tôi không biết nói gì; trong khi mà tôi hiểu Bacon là người có trích dẫn Velázquez, Greco và Goya. Tốt hơn là thành thực với những sai lầm của chính mình hơn là tìm cách đi lòe bịp mọi người.
Ông không tự cho mình là một nghệ sĩ sáng tạo ư?
Không, không nên lẫn lộn các chức năng. Ngay cả nhà phê bình là nhà bình luận, nhà chú giải có năng lực nhất cũng cách xa nhà sáng tạo hàng năm ánh sáng. Pouchkine từng nói: “Cảm ơn dịch giả, cảm ơn nhà xuất bản, cảm ơn nhà phê bình, các bạn là những người mang thư của tôi và tôi là người viết ra những lá thư đó.” Tôi cũng thế, tôi mang thư từ bên mình. Đó là một đặc quyền, nhưng đặc quyền này chẳng liên quan gì đến điều kỳ diệu mà một câu thơ mang lại, một câu thơ ngàn năm hát mãi. Chúng ta không hiểu cội nguồn sâu kín của hoạt động sáng tạo. Chẳng hạn, cách đây nhiều năm, chúng tôi ở Berne... Bọn trẻ đi pích ních cùng cô giáo và cô giáo đưa chúng đến trước một cái cầu cạn. Chúng bắt tay vào vẽ. Cô giáo nhìn qua vai một cậu bé và thấy cậu ta vẽ ủng cho chân cầu! Từ hôm đó, tất cả các cầu cạn đều biết đi. Đứa bé đó tên là Paul Lee. Sáng tạo làm thay đổi mọi thứ trước mắt, chỉ cần một vài đường nét thôi cũng đủ cho người nghệ sĩ cho chúng ta thấy những gì đã tồn tại. Bí ẩn nào thúc đẩy sự sáng tạo? Tôi đã viết Văn phạm sáng tạo để hiểu điều đó. Đến cuối đời rồi mà tôi vẫn chưa hiểu nổi.
Hiểu, phải chăng là thiếu nghệ thuật?
Theo một nghĩa nào đó, tuy không hiểu nhưng tôi vẫn hài lòng. Chị hãy mường tượng một thế giới trong đó hóa học thần kinh sẽ giải thích cho chúng ta về Mozard... Điều này có thể quan niệm được và làm tôi sợ. Máy móc đã tương tác với bộ não: máy vi tính và con người làm việc cùng nhau. Vả lại, có thể một ngày nào đó, các sử gia sẽ nhận ra rằng sự kiện lớn nhất của thế kỷ 20 không phải là chiến tranh, cũng không phải là khủng hoảng tài chính mà là buổi tối mà đại kiện tướng cờ vua Kasparov đã thua một hộp kim loại nhỏ bé. Và ghi lại: “Máy móc không tính toán, mà tư duy.” Khi thấy điều đó, tôi đã hỏi ý kiến các đồng nghiệp giảng dạy tại Cambridge vốn là vua của khoa học. Họ bảo tôi rằng họ không biết tư duy có đúng không phải là tính toán hay không. Đó là một câu trả lời kinh hãi! Một ngày nào, cái hộp nhỏ đó có sáng tác âm nhạc không nhỉ?
Nguyễn Duy Bình (Dịch)
Nguồn: Télérama số 3230 (Ngày 12 tháng 12 năm 2011)


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528486

Hôm nay

2142

Hôm qua

2291

Tuần này

2759

Tháng này

215182

Tháng qua

0

Tất cả

114528486