Nhưng nếu lưu ý đến thời điểm, thì có lẽ ở thời điểm hôm nay (cũng như cách đây gần 80 năm, ở thời điểm Thơ mới ra đời), cái riêng đó cần được nhận thức trong mối quan hệ với cái chung; có nghĩa là việc nhận diện cái riêng của từng vùng miền, trong đó có miền Trung là nhằm hướng tới một nhận thức chung về tổng thể thơ Việt đã có lịch sử phát triển nhiều thế kỷ thời trung đại; và đến thời hiện đại thì đã mang một gương mặt mới trên sự phong phú, đa dạng của những tìm kiếm, với các xu hướng, các trường phái, các phong cách cá nhân - nó chính là cái làm nên diện mạo và phẩm chất hiện đại cho văn học dân tộc. Để có diện mạo và phẩm chất này, lịch sử văn học Việt đã phải trải một cuộc chuyển đổi rất ngoạn mục, từ mô hình trung đại có lịch sử một nghìn năm sang mô hình hiện đại diễn ra rất gấp rút trong ba thập niên đầu thế kỷ XX - để đến với Thơ mới 1932-1945. Và, theo tôi, ở thời điểm hôm nay, thơ Việt đang chuyển sang giai đoạn thứ hai, để chuẩn bị cho một cuộc chuyển đổi mô hình mới, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập trong cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba. Bởi, với kỷ nguyên thông tin và cách mạng số, ở bất cứ vị trí nào, vùng miền nào, chúng ta cũng phải vươn tới tầm bao quát của toàn quốc và toàn cầu. Thơ, hoặc bất cứ một lĩnh vực sinh hoạt tinh thần nào khác cũng không thể tự thu mình trong những phạm vi hẹp của không gian địa lý, mà là hướng tới những vấn đề chung của dân tộc và nhân loại. Vừa dân tộc vừa nhân loại - đó phải là phẩm chất, là cái đích chung mà người viết hôm nay ở bất cứ đâu cũng phải hướng tới.
Trước 1945, chỉ trong khoảng hơn mười năm, kể từ sau 1932, Thơ mới là một tiếng gọi đàn đưa tới sự tập hợp một đội ngũ thơ, tuy chưa phải là nhiều, chỉ khoảng vài ba chục người(1) mà làm nên “một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh). Một đội ngũ thơ đến từ các địa chỉ trên khắp các vùng miền của Tổ quốc - gồm từ Hà Tiên (Đông Hồ, Mộng Tuyết) ra Bình Định (Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên - quê gốc Nghệ An, Hàn Mặc Tử - quê gốc Quảng Bình), Quảng Ngãi (Nguyễn Vỹ, Tế Hanh, Bích Khê), Quảng Nam (Phạm Hầu, Xuân Tâm, Nam Trân, Hằng Phương), Huế (Tố Hữu, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Thu Hồng, Phan Văn Dật, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư), Quảng Bình (Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư), Hà Tĩnh (Xuân Diệu, Huy Cận, Thái Can), Nghệ An (Phan Khắc Khoan), Nam Định (Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Leiba, Phan Huy Nhiệm, Nguyễn Xuân Huy, Vũ Hoàng Chương); Hải Dương (Thâm Tâm), Bắc Ninh (Thế Lữ), Bắc Giang (Bàng Bá Lân, Anh Thơ); và Hà Nội (Vũ Đình Liên, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Vân Đài, Nguyễn Giang, Nguyễn Nhược Pháp, Trần Huyền Trân)... Qua cách chọn của Thi nhân Việt Nam, ta có sự phân bố: Nam Bộ - 2 người; Trung Bộ - 24 người; và Bắc Bộ gồm cả Hà Nội - 17 người. Vậy là nhìn vào đây cũng có thể thấy được vị trí của miền Trung trong thơ.
Tiếp xúc với Thơ mới ta vẫn thấy một ít sắc thái địa phương; nhưng đó không phải là mối quan tâm của người làm thơ. Bởi sự để tâm lớn nhất - đó là khát vọng giãi bày của một cái Tôi cá nhân lần đầu tiên có nhu cầu được khẳng định còn đang bị mắc kẹt nhiều bề trong xã hội phong kiến - thuộc địa. Một nhu cầu giải thoát, và trong các lối thoát khác nhau mà Thơ mới có tư thế một giàn giao hưởng của nhiều giọng điệu, nhiều phong cách thơ, nói theo Hoài Thanh, đó là cái rộng mở của Thế Lữ, cái mơ màng của Lưu Trọng Lư, cái hùng tráng của Huy Thông, cái trong sáng của Nguyễn Nhược Pháp, cái ảo não của Huy Cận, cái quê mùa của Nguyễn Bính, cái kỳ dị của Chế Lan Viên, và cái thiết tha, rạo rực, băn khoăn của Xuân Diệu. Bên sự khác nhau của các giọng điệu thơ còn có một sự phân biệt ở cấp độ rộng hơn - đó là ba dòng: dòng Pháp, dòng Đường, và dòng Việt.
Nói một thời đại thơ, là nói đến những liên kết, những gắn nối của nhiều yếu tố để làm nên một gương mặt chung cho thơ Việt - đó là gương mặt hiện đại của nó.
Cách mạng Tháng Tám là một cuộc đổi đời của dân tộc; từ cuộc đổi đời ấy mà làm nên gương mặt mới cho thơ ca. Một gương mặt mới chuyển động theo ba phương châm: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; theo mục đích tôn vinh và phục vụ công nông binh. Sự chuyển giọng là yêu cầu chung đặt ra cho tất cả, không trừ ai, kể từ Nguyễn Tuân với yêu cầu một cuộc “lột vỏ” đến Nam Cao trong khao khát một “đôi mắt” mới, và Nguyễn Đình Thi đòi hỏi một sự “nhận đường”. Một bước ngoặt, thậm chí gần như là 180 độ, để cho người viết không chỉ rời bỏ các tháp ngà quen thuộc của cái tôi mà đến với đại chúng, nói lên được tâm trạng, nguyện vọng của đại chúng; một đại chúng trên 95% mù chữ, hoặc còn đang thanh toán nạn mù chữ nhưng lại là lực lượng chủ công của cách mạng, là chủ lực của kháng chiến. Mặt khác, hoàn cảnh kháng chiến trong thế cài răng lược giữa ta và địch; sự xen cài chiến trường và hậu phương; tình thế phân cách thành nhiều vùng miền như Việt Bắc, Khu Ba, Khu Bốn, Khu Năm, Nam Bộ... khiến cho diện mạo thơ phải gắn với đặc điểm của từng vùng mới có thể đến được với các giá trị kịp thời và thiết thực. Tóm lại, đây là thời thơ bám rất sát các đặc trưng của địa phương, trong bối cảnh tự cấp, tự túc khiến cho dấu ấn ngôn ngữ của từng vùng không chỉ là một yêu cầu mà còn là một lợi thế cho nhà thơ đến với đại chúng, thuộc lời đại chúng, nói cùng ngôn ngữ với đại chúng.
Hồng Nguyên với ngôn ngữ xứ Thanh trong Nhớ:
Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni
Dân chúng cầm tay lắc lắc
Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc.
Trần Hữu Thung kể chuyện O Bưởi và làm lời người vợ theo lối vè dặm trong Thăm lúa:
Lúa ngoài đồng đã trổ/ Cam ngoài ngõ đã vàng/
Em nhớ ruộng nhớ vườn/ Không nhớ anh răng được
Lưu Trọng Lư trong O tiếp tế hiểu tâm trạng cô dân công vùng hậu địch: “... sợ chồng chê. Nhưng o vẫn bước. Mình lo việc nước. Chồng chê “mược” chồng”. Và biết bao là cảm thông, là chia sẻ qua biến diễn tâm lý của người vợ bộ đội xa chồng trong Ngò cải đơm hoa: “Bộ đội đã về làng. Súng đạn đã ầm vang. Giặc tháo sau tháo trước. Tay cơi trầu đọi nước. Miệng gọi mẹ gọi thầy. Chớ chi anh về đây. Giữa đoàn quân chiến thắng!”.
Và Hồ Vi - tác giả gần như chỉ có một bài nói về tình quân dân, thế mà lứa tuổi học sinh kháng chiến chúng tôi ở hậu phương Hà Tĩnh, chỉ đọc vài lần là nhớ - cho đến hôm nay:
Mấy bữa ni rồi trời thiếu nắng
Chừng chưa bưa lụt nước còn cao
Khi đêm bộ đội hành quân tới
Trấn thủ dầm phơi chật cả sào.
(...)
Thương anh nỏ có, cầu anh mạnh
Anh nện thằng Tây bể sọ dừa
Thương anh cơ khổ mà nghèo quá
Thiếu rơm lót ổ lạnh lùng khuya.
Người của quê hương làm lời của quần chúng quê hương - thơ chống Pháp là thơ của nhiều vùng miền, với các sắc thái riêng của địa phương trong ngôn ngữ, cấu tứ, hình ảnh... Đó gần như là một đặc điểm chung, và cũng là một lợi thế đối với một nền thơ đang trên đường đại chúng hóa, lấy cảm hứng từ công nông binh, nhằm vào mục tiêu phục vụ công nông binh. Trên định hướng đó, đã diễn ra, một cách dễ hiểu, sự phủ định triệt để các giá trị của thơ văn tiền chiến; và do đó mà tạo nên một bước ngoặt, nếu không nói là sự cắt rời với lịch sử, để cho con người rũ bỏ hết các ràng buộc, các vướng bận của cái tôi cá nhân - nó là cái tôi nạn nhân, và cũng là cái tôi tội nhân, nói như Hoài Thanh, trong bút ký Dân khí miền Trung, đăng trên Tiên phong số 3-1945: “Đoàn thể đã tái tạo chúng tôi, và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi, những nạn nhân của thời đại chữ “tôi” - hay muốn gọi là tội nhân cũng được, chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của đoàn thể”.
Thế nhưng không phải là không có những ngoại lệ. Nhà thơ cách mạng xứ Thanh Trần Mai Ninh sau 1945 hoạt động trên chiến trường Nam Trung Bộ, đã ghi lại được trong những bài thơ tự do của mình hương vị của “cái gió Tuy Hòa/ chuyên cần và phóng túng”, cùng với cái Tình sông núi dành cho tất cả các tên riêng làm nên hình ảnh Tổ quốc “không nơi nào không đẹp không giàu” - như Trà Khúc, Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Cát, Bình Định, Phú Phong, An Khê, Nha Trang, Diên Khánh...
Nhà thơ trẻ quê Hà Tĩnh - Chính Hữu sớm trở thành công dân Hà Nội và tham gia Trung đoàn Thủ đô. Chính Hữu không có yêu cầu làm lời đại chúng như Trần Hữu Thung, Hoàng Trung Thông, mà trực tiếp giãi bày trung thực “chí nam nhi”, “chí trai” đầy hào sảng của một thế hệ trẻ khao khát lên đường:
Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi, đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa...
Và Quang Dũng - chàng trai xứ Đoài cũng gần như trong tư thế và tâm thế ấy, qua Tây tiến:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Chuyển sang thời chống Mỹ, văn học Việt Nam đứng trước sự cách bức giữa hai miền và cuộc đấu tranh ý thức hệ không chỉ ở quy mô quốc gia mà là cả thế giới. Trên miền Bắc từ 1954 đến 1975, và cả nước từ 1975 đến 1990 - trong từ trường và khí hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa - văn thơ miền Bắc không chỉ là sự khác biệt mà còn là sự đối lập với văn thơ ở các đô thị miền Nam. Thay vì những sắc thái vùng - miền, bây giờ là sự khác biệt về ý thức hệ giữa một bên là phe xã hội chủ nghĩa và một bên là thế giới tự do. Một nền thơ Việt thống nhất và đa dạng chỉ có thể khởi động khi đất nước chuyển vào công cuộc Đổi mới; và những tiền đề cơ bản cho sự phát triển của nó chỉ có thể xuất hiện vào cuối thế kỷ XX - sau những sự kiện lớn về chính trị và kinh tế diễn ra trong suốt thập niên 90 - cho đến năm 2000 là năm thế giới chính thức bước vào công cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba - mà Việt Nam đã có thể tham gia trong tư thế tích cực và chủ động.
Phải cho đến lúc này thì những vấn đề về mối quan hệ dân tộc và nhân loại, dân tộc và hiện đại mới có thể đặt ra trong một tương quan song trùng, khiến cho mọi sự phong bế, hoặc khoanh vùng bất cứ trên lĩnh vực nào cũng đều là những cản trở cho ta hướng tới một nền thơ mang đặc trưng chung hiện đại.
Bản sắc vùng - miền là sở hữu tự nhiên của thơ; ngay cả khi thơ văn đã là sản phẩm của quốc gia và quốc tế - nó vẫn tồn tại như một cái gì lắng đọng. Nhưng với nhà thơ hôm nay, trước công chúng hôm nay - công chúng có sự trang bị mọi kỹ năng của công nghệ thông tin - để có thể đưa mình vào thế giới, và đưa cả thế giới về mình, thì câu chuyện vùng miền cần được hiểu và xử lý một cách khác. Nó vẫn là một hiện hữu ngay sau khi đất nước hết chiến tranh; và vẫn tiếp tục là mối bận tâm khi đất nước bước vào hội nhập - để cho hội nhập mà không “hòa tan”. Nếu cả dân tộc cần giữ cho được cái sắc thái riêng, thì mọi vùng - miền vẫn phải có những đường nét, những dấu ấn ổn định để không bị xóa bỏ trong nền kinh tế thị trường và trong một cuộc giao lưu có tầm vóc nhân loại. Nhưng do tầm vóc nhân loại của các mối giao lưu nên việc khẳng định đặc sắc của vùng miền hôm nay lại phải mang theo một sắc thái mới, một yêu cầu mới – không phải là sự khác nhau, mà là sự bổ sung, sự hòa hợp, sự góp sức, sự cộng sinh – để xác định một diện mạo chung cho toàn thể, cho tổng thể - đó là bản sắc Việt, tâm hồn Việt, bản lĩnh Việt, sức sống Việt, tương lai Việt. Dẫu là người viết thuộc dân tộc nào trong 54 dân tộc anh em, thuộc vùng miền nào trên đất nước đa dạng về thổ nhưỡng như ở ta cũng đều phải là sự hướng tới một diện mạo chung, một mục tiêu chung, để - một mặt chủ động ứng đối với cuộc Toàn cầu hóa và kỷ nguyên thông tin đang đưa toàn nhân loại lên cùng một mặt phẳng; và mặt khác, còn là để tránh những đe dọa, hoặc hiểm họa, xa và gần, đối với chủ quyền và lợi ích của quốc gia, của dân tộc.
Hơn lúc nào hết, bản lĩnh Việt, sự gắn bó keo sơn của cộng đồng Việt, sự thống nhất của tất cả mọi khác biệt, phải được hiện hữu rõ nét nhất trong thơ, cũng như trong mọi sinh hoạt tinh thần khác.
Trở lại câu chuyện ta đang bàn về thơ miền Trung và thơ Việt. Bản sắc vùng miền trong thơ Việt là có. Thậm chí còn có ở những độ sâu và tinh vi khiến cho chẳng hạn trong thơ của những người viết xứ Nghệ vẫn có sự khác nhau giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Xét về tiếng nói trữ tình thời trung đại cuối thế kỷ XVIII đầu XIX, thì Nghệ An chỉ có tiếng thơ Hồ Xuân Hương; còn Hà Tĩnh thì có cả một văn phái mà Hoàng Xuân Hãn gọi là văn phái Hồng Lam gồm từ dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - Can Lộc với đại diện là Nguyễn Huy Tự qua dòng họ Nguyễn Tiên Điền với thiên tài kiệt xuất là Nguyễn Du, cùng nhà Nho rất đặc sắc trong ca trù là Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân. Cũng tiếng nói trữ tình ấy nối dài sang thời hiện đại, đến với Hoàng Ngọc Phách - tác giả Tố Tâm khai sinh nên văn xuôi lãng mạn, cùng hai kiện tướng Thơ mới là Xuân Diệu và Huy Cận.
Từ nhận thức này lại gợi nghĩ một hiện tượng khác. Cả Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du đều có quan hệ mật thiết với Thăng Long. Cả Hoàng Ngọc Phách và Xuân Diệu, Huy Cận đều chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp. Vậy có mối quan hệ nhân quả gì không giữa quê sinh và quê ở nơi những tên tuổi lớn trên đàn văn, để làm nên gương mặt hiện đại cho văn chương - học thuật dân tộc. Phải chăng, kể từ thời Thơ mới, trong buổi bình minh của thơ hiện đại, bất cứ nơi nào trên cả ba miền Tổ quốc cũng đều có sự tỏa sáng các tài thơ, nhưng rốt cùng, vùng phát sáng lớn, vùng phủ sóng lớn vẫn phải là thủ đô - nơi kết tinh khí thiêng nghìn năm của văn minh Việt, văn hóa Việt, văn học Việt, và thơ Việt.
-----------------------
(1) Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, sau khi đọc khoảng một vạn bài thơ trong đó có non một vạn bài dở, đã chọn 45 tác giả - với 167 bài, để giới thiệu. Trong mục Nhỏ to đặt ở cuối sách ông có nói đến cái mơ ước nếu mai sau trong số này còn lại được 4, 5 tên tuổi thì ông đã lấy làm mãn nguyện. Sự thực thì số tác giả được người đọc nhớ đến là lớn gấp 4, 5 lần con số đó.