Khách mời văn hóa

GS.TS Tô Duy Hợp: Mở rộng dân chủ đồng thời phải tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

VHNA: Xét đến cùng, Việt Nam vẫn đang là một nước nông nghiệp và nông dân, nông nghiệp, nông thôn vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu của cả nước trên tất cả các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.

 Hiện nay trên cả nước đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh có nhiều sự kiện mới khá gay gắt về đất đai. Để có một cách tiếp cận vấn đề này từ xã hội học, VHNA đã có cuộc trao đổi với Gs, Ts Tô Duy Hợp, nguyên là chuyên gia nghiên cứu của Viện xã hội học (Viện khoa học xã hội Việt Nam). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa ông, ông bắt đầu khám phá về nông thôn từ lúc nào? Tại sao một nhà khoa học sống giữa thành thị như ông lại chọn nông thôn làm đối tượng nghiên cứu của mình?

GS.TS Tô Duy Hợp (TDH): Trước hết, cho tôi xin phép đặt lại đối tượng cho chính xác để vấn đề trao đổi được đi đúng hướng và toàn diện hơn. Hiện nay, người ta không chỉ nói về vấn đề nông thôn mà nói về vấn đề tam nông, với hàm ý nông dân-nông nghiêp-nông thôn. Tất nhiên, vị trí của 3 “nông” này thì tùy vào cách thức người ta nhấn mạnh cái gì. Nghị quyết 26 của BCHTW Đảng CSVN khóa 7 (2008) là Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tôi thì muốn nhấn mạnh trật tự nông dân (chủ thể), nông nghiệp (hoạt động kinh tế), nông thôn (hệ thống xã hội).

Tôi bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu các vấn đề tam nông từ năm 1989, khi tôi chuyển về Viện Xã hội học, là một lĩnh vực nghiên cứu mới đối với tôi lúc đó. Tôi nghĩ vấn đề tam nông rất quan trọng đối với đất nước ta, bởi phần lớn người Dân Việt Nam là Nông dân sống ở nông thôn và hoạt động nông nghiệp nên đã lựa chọn chủ đề/vấn đề tam nông nói chung, phát triển tam nông nói riêng để nghiên cứu. Càng nghiên cứu sâu, tôi càng nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề này. Tam nông có thể coi là một vấn đề cơ bản của đất nước vì hai lý do: thứ nhất,  đó là nền tảng của xã hội truyền thống và đó vẫn là cơ sở trong quá trình chuyển đổi của đất nước. Thứ hai, trong xã hội hiện đại, tam nông vẫn giữ vai trò quan trọng và vấn đề đặt ra là phải lựa chọn mô hình nào để phát triển hợp lý. Đó cũng là vấn đề quan trọng mà các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý đang đau đầu. Tôi quyết định đi sâu nghiên cứu vấn đề tam nông để nhận thức về mặt bản chất vấn đề, tính quy luật đặc thù của nó và góp phần nhỏ vào việc xây dựng mô hình phát triển tam nông bền vững, một định hướng chung mang tính toàn cầu hóa.

PV: Nhận thức khoa học là một quá trình hoạt động chuyên môn. Vậy thưa ông, quá trình nhận thức khoa học về tam nông của ông diễn ra như thế nào?

TDH: Quá trình nhận thức về tam nông của tôi bắt nguồn từ các mâu thuẫn mà tôi nhìn thấy trong cuộc sống người nông dân ở nông thôn. Khi vừa mới tập kết ra Bắc, những học sinh miền Nam như chúng tôi được coi là “những người con cách mạng”, được theo các đoàn cải cách ruộng đất hay tham gia hợp tác hóa nông nghiệp. Có được sống trong không khí này mới thấy được lòng yêu Đảng, yêu cách mạng của người Nông dân. Câu cửa miệng của nông dân miền Bắc lúc đó là “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” hay là “Ơn Đảng, ơn Bác”. Còn ngày nay, tôi nghĩ, nông dân đang muốn có câu nói ngược lại là “Đảng, Chính phủ phải biết ơn Nông Dân”… Hay như lựa chọn nghề nghiệp, học tập ở nông thôn. Người nông dân thường không muốn con cái đi học công nhân lành nghề và trung cấp nghề mà muốn cho con cái đi học đại học, cao đẳng dù phải đi vay mượn tiền bạc hay vẫn biết học xong chưa chắc có việc làm tương xứng với tấm bằng CĐ hay ĐH. Cứ như vậy, sau mỗi vấn đề đặt ra, tôi đi tìm câu trả lời qua các khảo sát, các nghiên cứu khoa học cụ thể để giải đáp.

PV: Thưa ông, ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi của nông thôn Việt Nam hiện nay?

TDH: Đánh giá về những được mất, hơn thiệt của tam nông trong quá trình đổi mới cần phải nhấn mạnh tính hai mặt của nó. Đã có tình trạng nhiều người thích đánh giá thiên lệch về một mặt. Truyền thông chính thống luôn ca ngợi các thành tựu đạt được với các diễn ngôn thái quá và không thực tế, nhất là các thành tựu đều quy về tài năng lãnh đạo của Đảng, thành tích quản lý của Nhà nước. Hay người giàu ở nông thôn có thể ca ngợi các thành tựu nhưng người nghèo chắc chắn không ca ngợi. Ngược lại, khoảng gần chục năm trở lại đây có nhiều ý kiến phê phán gay gắt công cuộc đổi mới, không công nhận các thành tựu đạt được và đặt ra các vấn đề gây “sốc” như sự xuất hiện của các cường hào, địa chủ mới ở nông thôn để chỉ người giàu ở nông thôn, không phân biệt làm giàu chính đáng và làm giàu phi pháp. Những người này mang danh phản biện xã hội để đi tìm những nét tiêu cực và khoét sâu vào điều đó. Cả hai nhận thức, đánh giá này đều không có lợi cho sự phát triển tam nông ở nước ta.

Nhưng để phân tách rạch ròi tính hai mặt về sự thay đổi của tam nông trong đổi mới là không đơn giản. Thành tựu của tam nông trong đổi mới là không thể phủ nhận. Tam nông thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ, người nông dân ít nghèo hơn, không còn đói nữa, kết cấu hạ tầng được nâng cấp, mức sống, sự chi tiêu được khá hơn. Theo số liệu đã được quốc tế công nhận thì cứ 10 năm đời sống ở nông thôn tăng lên gấp hai lần, chính trị cũng dân chủ hơn, kinh tế tăng trưởng hơn, văn hóa đa dạng hơn… Nhưng cũng phải tỉnh táo mà thức nhận ra rằng sự tiến bộ này chỉ là sự tiến bộ của nó (tức tam nông) so với chính nó. Nhận thức về các vấn đề tiêu cực cũng rất quan trọng. Theo tôi nghĩ, công cuộc đổi mới chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu từ 1986 đến 1996, tức mười năm đầu đổi mới, là giai đoạn đổi mới đạt được nhiều thành tựu nhất, trong đó Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (1988) trao quyền tự chủ sản xuất - kinh doanh cho các hộ gia đình nông dân thực sự là khâu đột phá tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Nhưng từ giai đoạn 2, từ 1996 đến nay lại xuất hiện nhiều vấn đề tiêu cực mà tôi gọi là các vấn đề bức xúc, nan giải trong tam nông ở Việt Nam. Những tiêu cực này đã được Nghị quyết 26, Hội nghị Trung ương 7 khóa X (2008) công nhận.

PV: Theo ông, những vấn đề xã hội nan giải hiện nay ở nông thôn Việt Nam là gì?

TDH: Trong quá trình giảng dạy cho các học viên sau đại học về chuyên ngành Xã hội học nông thôn, tôi đã phân tích đến hơn hai mươi vấn đề nan giải trong tam nông hiện nay. Tuy nhiên, trong một tham luận với tựa đề “Một số vấn đề xã hội nan giải trong quá trình đổi mới tam nông Việt Nam” đã trình bày tại hội thảo khoa học “Tam nông trong đổi mới và phát triển” (2008), tôi đã gộp lại thành mười vấn đề nan giải trong tam nông. Đó là:

1. Khoảng cách giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội gia tăng,

2. Tình trạng thiếu việc làm gia tăng,

3. Tình trạng di dân tự phát gia tăng mạnh,

4. Tình trạng dân trí và quan trí thấp kém,

5. Tình trạng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe yếu kém,

6. Đời sống văn hoá có nhiều biểu hiện tiêu cực, xuống cấp,

7. Tình trạng xung đột xã hội có chiều hướng gia tăng,

8. Năng lực quản lý xã hội thấp kém,

9. Kết cấu hạ tầng thấp kém,

10. Môi trường bị ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động.

PV: Thưa ông, nguồn gốc của các vấn đề xã hội nan giải đó là gì?

TDH: Nói đến nguồn gốc của các vấn đề xã hội nan giải thì vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, cần phân biệt cái riêng và cái chung, hay các yếu tố vi mô và yếu tố vĩ mô. Công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ, một khi vận hành tốt thì thành tựu là chủ yếu, và ngược lại thì tiêu cực lại nổi trội lên.

Hiện nay, việc lãnh đạo và quản lý nhà nước đang có vấn đề. Và lãnh đạo, quản lý tam nông cũng có vấn đề. Từ bản thân các nghị quyết, chính sách đã có vấn đề. Ví dụ: Xóa đói giảm nghèo là một thành tựu quan trọng trong Đổi mới. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của quá trình đó chỉ có một nhóm được hưởng lợi còn đại bộ phận người nông dân lại không được hoặc được hưởng lợi rất ít. Hay chương trình 135 đặt ra xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Nhưng vừa khởi động đã có vấn đề: các xã thi nhau chạy chọt để được xã nghèo thuộc diện nhận tài trợ. Rồi việc tham nhũng quá nhiều đến nỗi người dân bảo rằng chương trình 135 thành chương trình 5-3-1 (tức là nhà nước lấy 5 phần, địa phương lấy 3 phần còn người dân được 1 phần). Đây là lỗi của Nhà nước, của Đảng. Nhưng nan giải ở chỗ cơ sở nào đồng tình với “chương trình 531” thì được đầu tư, còn cơ sở nào đấu tranh đòi minh bạch thì không được cấp tài trợ. Nói tóm lại, đó là vấn đề mâu thuẫn giữa chủ trương và thực hiện: chủ trương trên văn bản rất tốt, nhưng khi thực hiện thì làm sai hết, có khi còn đảo lộn cả mục đích. Từ trong lịch sử chứng minh rằng, mỗi khi Đảng nghe Dân thì mọi việc đều thắng lợi, còn khi nào Đảng bắt Dân nghe Đảng thì thất bại.

Trong những chuyến đi nghiên cứu thực địa, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện thú vị về điều này: Trong một chuyến đi Tây Nguyên, khi phỏng vấn một đồng bào dân tộc thiểu số đã trả lời rằng ở đây có hai loại người: một loại người ở trên cây và một loại người ở dưới đất. Người trên cây (tức cái loa phát thanh của thôn bản) nói hay lắm, đúng lắm, mọi thứ đều của Dân, rừng của Dân, đất của Dân… nhưng người ở dưới đất (cán bộ lãnh đạo, quản lý) thì lấy hết rừng, hết đất và cả tài nguyên của Dân làm của riêng (tức là tham nhũng). Hay trong một chuyến đi nghiên cứu ở một tỉnh miền Trung, có một ông là bí thư huyện ủy, cũng người dân tộc thiểu số đã phát biểu rằng: ở chúng tôi có hai Đảng: một Đảng trên cây (loa phát thanh) nói toàn đúng và rất hay, mọi thứ đều của Dân, do Dân và vì Dân và một Đảng dưới đất (là các nhà lãnh đạo, quản lý cụ thể) thì lấy hết của Dân (tức là tham nhũng). Chống lại họ là chống lại người thi hành công vụ. Đó là họ nói đến việc cán bộ quản lý dự án móc ngoặc với doanh nghiệp trong thực hành dự án. Nhận thức của người Dân rất quan trọng. Chúng ta nên nhớ rằng để có được công cuộc Đổi mới cần có hai nguồn vận động căn bản: trước hết là một số cá nhân trong Đảng ở địa phương đã “nổi loạn” không nghe theo Trung ương mà lại đúng và thành công và thứ hai là sự nhận thức của người Dân thay đổi, tự ý ra khỏi hợp tác xã chẳng hạn. Mở cửa, hội nhập quốc tế cũng là nguồn vận động quan trọng tạo ra Đổi mới.

Bên cạnh đó, sự tha hóa đạo đức xã hội của một bộ phận người nông dân đã làm hại xã hội và làm hại chính mình. Ví dụ như việc mất an toàn thực phẩm hiện nay có sự tham gia của người dân rất đa dạng. Chính người dân đã sử dụng quá nhiều hóa chất trong trồng trọt và chăn nuôi, khi bán thì họ thu lợi nhưng khi mua thì họ cũng chịu thiệt hại.

Các yếu tố quốc tế xâm nhập cũng là một nguồn gốc của các vấn đề nan giải. Sự tài trợ quốc tế luôn có hai mặt, tốt là xóa đói giảm nghèo nhưng mặt xấu là đưa vào cuộc sống người nông dân các tư tưởng, tâm lý và lối sống tiêu cực, chẳng hạn như làm gia tăng tính chờ đợi, ỷ lại vào nguồn tài trợ quốc tế, không phát huy được tinh thần tự lực cánh sinh, tự lực tự cường.

PV: Ông đánh giá thế nào về mục tiêu, kết quả và hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các dự án, chương trình phát triển nông thôn trước đây? Có trường hợp nào là lợi bất cập hại không?

TDH: ở đây có quá nhiều vấn đề phức tạp khó mà nói hết ra được. Tuy nhiên, có thể nhìn nhận một cách tổng quát một số vấn đề trong các chương trình phát triển nông thôn trước nay như sau:

Trước hết, phải thấy rằng trong công cuộc đổi mới thì quan lợi hơn dân, người giàu hưởng lợi nhiều hơn người nghèo. Quan ở đây chính là những cán bộ quản lý ở các cấp chính quyền. Đây là một hiện thực xã hội đã và đang xẩy ra.

Tiếp đến, cần thấy rằng đổi mới đã không giải quyết được mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh nhưng văn hóa phát triển không kịp, gây ra một cuộc rối loạn hệ thống giá trị.

Một vấn đề nữa là đổi mới thì người Kinh và một vài dân tộc khác được hưởng lợi còn đại đa số các dân tộc thiểu số chưa được hoặc ít được hưởng lợi ích. Nhiều dân tộc bị loại ra ngoài công cuộc Đổi mới, hưởng lợi ít và không có khả năng tự phát triển. […].

PV: Nhà nước đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với sự đầu tư vô cùng lớn và đang được xã hội quan tâm. Ông nhận định như thế nào về những tiêu chí mà Ban lãnh đạo chương trình xây dựng nông thôn mới đưa ra? Những điểm được và chưa được của bộ tiêu chí này là gì?

TDH: Nhà nước đã chọn 11 xã thí điểm với mức đầu tư 200 tỷ cho mỗi xã trong 10 năm đó. Đối với một Xã làm thí điểm thì tổng kinh phí đầu tư là khoảng 200 tỷ đồng. Số tiền này được tính đại thể gồm 1/3 của Nhà nước, 1/3 của Doanh nghiệp và 1/3 là vốn xã hội hóa từ người Dân. Trên thực tế ở một số xã thí điểm ngoài Bắc như Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội), Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội), Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) đã thực hiện hơn 2 năm qua thì thấy rằng số vốn đầu tư chủ yếu là của Nhà nước, sự tham gia góp vốn của người dân rất ít. Vậy thì quan điểm chỉ đạo từ Trung ương: phải huy động nguồn vốn đầu tư từ nội lực là chính có ý nghĩa gì?. Hóa ra trên thực tế là công thức “đổi đất lấy kết cấu hạ tầng”! Điều này cũng dẫn đến một cuộc chạy đua giành xã thí điểm mà người thu lợi là các cán bộ quản lý dự án.

Nhận xét chung về bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì thấy yêu cầu mức phấn đấu quá cao trong khi lộ trình thực hiện lại không rõ ràng. Khả năng nhân rộng ra toàn quốc là rất khó khả thi vì các nhà hoạch định đề ra 19 tiêu chí đã không tính hết được sự đa dạng của nông thôn ở đồng bằng, miền núi, người Kinh, người dân tộc thiểu số, không tính toán đến cấp độ và trình độ phát triển của các địa phương, các vùng nông thôn khác nhau. Đặc biệt, vấn đề nguồn nhân lực không được tách ra một tiêu chí riêng mà bị quy giản vào nguồn lao động và khóa cho ngành giáo dục và đào tạo. Hiện nay, nguồn nhân lực ở nông thôn chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em do các lực lượng tinh nhuệ đã vào thành phố kiếm sống. Vậy nên quy chế hay pháp lệnh dân chủ cơ sở không được đảm bảo về mạt thực chất. Vậy thì lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực tam nông như Nghị quyết ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XI của ĐCSVN (2011) đã đưa ra ? Chính sách thu hút nguồn nhân lực nơi khác về thì đầy vấn đề và ảo tưởng, ví dụ như việc đưa cán bộ đại học về miền núi làm Phó Chủ tịch xã, sau khi hết nhiệm kỳ rồi thì sao, chính các nhà hoạch định chính sách này cũng không biết giải quyết nên có thể nói chính sách này không thực tế lắm.

PV: Tôi có cảm nhận là đâu đó trong chương trình Nông thôn mới còn bộc lộ ra các ý tưởng được hình thành trong các phòng máy lạnh chứ không phải từ thực tiễn của nông thôn Việt nam hiện nay. Ông có nhận thấy có cái gì đó lạc quan thiếu thực tế của các chuyên gia hoạch định chương trình này?

TDH: Ngoài những điều đã nói ở trên, cần nhấn mạnh thêm rằng bộ tiêu chí quá xem trọng các yếu tố phổ biến của kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm nhưng lại thiếu quan tâm đến các khu công nghiệp làng nghề, quan tâm đến chợ nhưng không quan tâm đến các đô thị nhỏ, khu thương mại mới ở nông thôn. Việc tăng thu nhập cũng không thực tế khi mà chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn, hay việc sinh con thứ 3 trong làng theo quy định của Chương trình dân số, KHHGĐ làm mất danh hiệu “Làng văn hoá” chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”…

Bộ tiêu chí quá nhiều mà lại thiếu lớn. Thiếu tiêu chí về nguồn nhân lực và việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo nhân lực không thể khoán trắng cho giáo dục, việc tập huấn nghề nghiệp cũng không thể giải quyết được kỹ năng làm việc. Hay tiêu chí về hoàn thiện thể chế chính trị cũng không hiện thực khi mà các tổ chức xã hội đang nổi lên trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế không được quan tâm đúng mức, Xã hội dân sự không được chú trọng phát triển.

Trong các tiêu chí lại không quan tâm nhiều đến tiêu chí huy động nguồn lực tài chính. Vấn đề huy động và phân bổ tài chính lại không minh bạch, gây nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng, điển hình nhất là việc đổi đất, bán đất công với danh nghĩa để xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại bị chia chác mất phần lớn, gây ra kiện tụng và mất đoàn kết trong đời sống tam nông. Như vậy, hai nguồn lực chính là nhân lực và tài chính lại không có tiêu chí cụ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

PV:  Để có thể thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành bộ tiêu chí đề ra, theo ông chúng ta cần nhất điều gì? Tại sao?

TDH: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần rất nhiều thứ để xây dựng nông thôn mới. Nhưng trước mắt, cần giải quyết được một số vấn đề sau:

Trước hết, cần nhận thức lại sự phát triển, […] phải mở rộng dân chủ hóa để người dân và cộng đồng tham gia hoạch định, kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu kết quả các dự án phát triển. Đồng thời để các tổ chức phi chính phủ tham gia vào sự phát triển để mở rộng và phát huy vai trò tích cực của Xã hội dân sự.  

Vấn đề quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh là hãy trả lại quyền làm chủ thật sự cho người dân qua các tổ chức dân sự. Phải trả lại quyền làm chủ kinh tế cho người dân. Muốn vậy, […], không được ép giá, áp đặt giá đất đai cho người dân. Mở rộng dân chủ đồng thời phải tạo điều kiện cơ bản để người dân thực hiện quyền dân chủ. Cần thiết huy động hơn nữa sự tham gia của người dân vào sự phát triển, phải đề cao tiếng nói của người dân, tôn trọng người dân tham gia kiến thiết các chương trình, dự án phát triển.

Phải xây dựng các dự án phát triển hợp lý, với nhiều nhà tham gia, trong đó có 4 Nhà chủ yếu là Nhà nông, Nhà nước, Nhà doanh nghiệp và Nhà khoa học. Các bên tham gia phải thực hiện đúng chức năng và nghiêm túc. Phải đặt tính bền vững của dự án phát triển, tạo ra năng lực cho cộng đồng để họ có thể tự phát triển. Lấy cộng đồng, người dân làm trọng tâm cho sự phát triển chứ không phải là các Nhà đầu tư.

PV: Thưa ông, điều đáng quan tâm nhất khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là gì? Tại sao?

TDH: Tất cả những điều cần thiết tôi vừa phân tích trên đều phải được quan tâm trong quá trình thực hiện chương trình XDNTM. Tuy nhiên, có thể phân tích thêm một mặt nữa, đó là tư duy của người lãnh đạo, quản lý thực hiện. Cái đáng sợ nhất là tư duy nhiệm kỳ và vấn đề luân chuyển cán bộ. Chính tư duy này gây nên việc chạy theo thành tích, theo số lượng, phô trương. Trong nhiệm kỳ luân chuyển cán bộ thường phải an toàn chính trị, ngại sự đột phá tư duy nên kiềm chế sự phát triển. Cần quan tâm đến thực chất của sự phát triển và đề cao tính hiện thực, khả thi chứ không phải số lượng và thành tích.

PV: Thưa ông, với chương trình xây dựng nông thôn mới như vậy, có khắc phục được những vấn đề xã hội nan giải mà ông đã phân tích ở trên không?

TDH: Rất khó. Có một số vấn đề được chú trọng và có thay đổi theo hướng tích cực nhưng không có nghĩa là khắc phục được. Ví như kết cấu hạ tầng sẽ được cải thiện, y tế và chăm sóc sức khỏe có thể được cải thiện chút ít, còn những vấn đề nan giải khác hoàn toàn không được đề cập đến trong các tiêu chí nên việc khắc phục là khó. Cần nói thêm rằng, những vấn đề bất cập mà chúng ta đã phân tích trên đều chưa giải quyết được nên khả năng khắc phục các vấn đề xã hội nan giải còn là bài toán khó. Nguyên nhân chính là tư duy về sự phát triển và xây dựng dự án phát triển vẫn chưa được thay đổi, vẫn chạy theo thành tích, số lượng mà không quan tâm đến thực chất của sự phát triển cùng các vấn nạn tham nhũng.

PV: Sự biến đổi của văn hóa, xã hội và môi trường ở nông thôn sẽ diễn ra theo chiều hướng nào nếu chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành?

TDH: Thật khó để nói về một chiều hướng cụ thể cho sự biến đổi này, bởi ở một xã thí điểm hay một địa phương sẽ có các điều kiện khác nhau, các yếu tố tác động khác nhau nên sự biến đổi cũng khác nhau. Mà chủ yếu ở đây, tôi muốn nói đến một số mặt tích cực và tiêu cực trong sự biến đổi đó.

Trước hết, xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện cho người dân đi vào nền kinh tế thị trường, cơ chế dân chủ được mở rộng hơn so với trước. Con người cá nhân cũng được giải phóng, quyền tự do được tăng lên. Các tổ chức truyền thống lẫn mới xuất hiện đều hoạt động năng động hơn và hiệu quả hơn. Văn hóa được đa dạng hóa hơn, bên cạnh những yếu tố cổ truyền được khôi phục còn có nhiều giá trị văn hóa mới, thành tố văn hóa mới xuất hiện. Quan hệ cộng đồng gần gũi hơn, giáo dục, y tế phát triển hơn. Đó là chiều hướng tích cực của sự biến đổi văn hóa xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhưng nhìn nhận ở chiều hướng khác, những mặt tiêu cực cũng rất lớn. Đó là sự rối loạn định hướng giá trị làm cho thế hệ thanh niên không ổn định hệ giá trị. Tính thuần nhất của xã hội bị phá vỡ, đời sống vật chất bị phân tầng ngày càng sâu, xã hội có nhiều xung đột do hệ thống giá trị giữa các thế hệ, các tầng lớp khác nhau. Quản lý văn hóa chậm trễ, bất cập, gây bức xúc trong xã hội, ví như nhà văn hóa xây dựng xong rồi không biết để làm gì cho thực sự hợp lý và có ý nghĩa mới? Hay việc thương mại hóa lễ hội, buôn bán các giá trị văn hóa truyền thống đang gây bất bình trong công luận.

Về môi trường, trong bộ tiêu chí, các chuyên gia khi hoạch định đã chú ý đến yêu cầu phát triển bền vững, tức là đã chú ý đến tiêu chí công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện thì lại không theo như vậy. Khi phát triển người ta phải lựa chọn trật tự ưu tiên. Và trong thực hiện xây dựng nông thôn mới đã chú trọng mục tiêu tăng trưởng kinh tế nên đã tăng cường khai thác tài nguyên và gây hại môi trường. Chính vì vậy mà môi trường bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị giảm, các làng nghề không có năng lực để giải quyết các vấn đề ô nhiễm do làng nghề gây ra. Bên cạnh đó, do quy hoạch phát triển lấy hết đất nên không có diện tích để trồng cây xanh, nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Từ những vấn đề trên, chúng ta có thể hình dung về những chiều hướng biến đối mâu thuẫn có khả năng gây ra xung đột trong văn hóa, xã hội và môi trường ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

PV: Ông có thể gợi mở thêm một số vấn đề để tiếp cận nghiên cứu phát triển nông thôn qua quan điểm và kinh nghiệm nghiên cứu của mình?

TDH: Vấn đề tam nông là cả một hệ thống vấn đề phức tạp. Muốn tiếp cận nó phải có tư duy phức hợp và phương pháp liên ngành. Phải có tư duy đó để nhìn nhận vấn đề thì mới có kết quả và không bị che lấp bởi nhiều yếu tố khác như trên tôi nói là càng nghiên cứu sâu thì càng thấy rõ vấn đề hơn. Có một cách tiếp cận mới do tôi đề xuất (2007) đó là cách tiếp cận theo quan điểm lý thuyết Khinh-Trọng hiện đang được các đồng nghiệp thử nghiệm, đã đạt được một số kết quả bước đầu khả quan. Chúng tôi đã đưa ra một số gợi ý từ hướng tiếp cận khinh - trọng nhằm hoàn thiện khung lý thuyết và phương pháp phát triển tam nông bền vững nhằm mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hiện đại hoá. Chẳng hạn như nên kết hợp tốt nhiều phương thức đổi mới nói chung, đổi mới tam nông nói riêng: 1/ Kế thừa - Cải tiển, 2/ Xoá bỏ - Thay thế, 3/ Phục hồi - Cách tân, 4/ Đổi ngôi khinh - trọng, 5/Bất phân khinh - trọng. Ba phương thức 1, 2, 3 tuy không có hiển ngôn khinh - trọng nhưng vẫn có hàm ý khinh - trọng. Đó chính là các phương thức lựa chọn khinh - trọng mà Chủ thể không nên cố chấp bất kỳ một phương thức duy nhất nào vì nếu làm như thế thì sẽ phi biện chứng, phi khoa học và tất yếu sẽ phản phát triển.

Chương trình xây dựng nông thôn mới khởi động chưa lâu. Mọi việc vẫn đang trong quá trình vận động nên để hiểu rõ hơn cần có thời gian và có những điều tra xã hội học sâu hơn, cụ thể hơn và hy vọng dưới ánh sáng của Tiếp cận mới sẽ có được sự đánh giá chính xác, toàn diện để điều chỉnh hoặc thay đổi khinh - trọng một cách hợp lý và hợp tình hơn. Triển vọng xây dựng tam nông mới chủ yếu phụ thuộc vào nông dân và các tổ chức xã hội tự nguyện của họ. Tuy nhiên vai trò của các bên tham gia tức là của Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học và của các Nhà dịch vụ xã hội là quan trọng và cần được phát huy một cách tốt nhất.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông đã trao đổi.

                 BÙI MINH HÀO thực hiện


 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528489

Hôm nay

2145

Hôm qua

2291

Tuần này

2762

Tháng này

215185

Tháng qua

0

Tất cả

114528489