Góc nhìn văn hóa

50 năm Kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh

Trước những năm 1970 của thế kỷ 20, một số vùng miền trong cả nước đã hình thành sân khấu kịch hát dân ca như: Bình Trị Thiên, Liên Khu 5…trong đó có Nghệ An. Nhiều hình thức bảo tồn và phát huy dân ca các vùng miền được thực hiện, như: Nói chuyện về sự ra đời của dân ca, dạy hát dân ca, dàn dựng và biểu diễn các chương trình dân ca nhạc cổ…Và hình thức mới nhất là sân khấu hóa kịch hát dân ca.

Một cảnh trong vở Vụ án Am Bụt mọc. Ảnh: Lương Vân

Ở Nghệ An, thời kỳ đó trong phong trào sân khấu không chuyên đã xuất hiện những vở kịch ngắn, hát bằng các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh nguyên gốc: Hò, Ví, Giặm; Các làn điệu cải biên: Giận mà thương, Con cóc, Hát khuyên… Bằng kết quả thể nghiệm thành công của các vở kịch ngắn: “Khi ban đội đi vắng” của Nguyễn Trung Phong; “Hỏi ai quan trọng” của Nguyễn Tiến Đang; Nhất là vở “Không phải tôi” của Nguyễn Trung Giáp, được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970 của thế kỷ 20, đã khẳng định thành công bước đầu của quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Thời kỳ đó, không những một số đội văn nghệ không chuyên, mà ngay trong đoàn Chèo Nghệ An, có một tổ thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, đã thực hiện thành công các vở diễn (kịch ngắn) nói trên. Và cũng nhờ có bước khởi đầu thắng lợi đó, năm 1972, tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập tổ thể nghiệm dân ca xứ Nghệ (tách bộ phận chuyên thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh từ đoàn Chèo ra). Lúc mới thành lập gọi là tổ thể nghiệm, sau đó nâng lên thành Đoàn Dân ca Nghệ An, rồi tiếp tục nâng lên thành Nhà hát Dân ca Nghệ An, sau là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ và bây giờ là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.

Từ khi thành lập tổ thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh đến nay đã hơn 50 năm (từ 1972 - 2023), nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, dân ca Nghệ Tĩnh đã trở thành một bộ môn sân khấu “Kịch hát mới”, được bộ Văn hóa Thông tin, nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận (năm 1985); Được giới sân khấu cả nước công nhận; Được khán, thính giả cả nước yêu thích. Có được kết quả đó, không thể không nhớ tới những năm tháng khó khăn, vất vả, vật lộn với từng lớp diễn, từng vai diễn, lồng từng điệu hát, từng đoạn nhạc không lời của tập thể diễn viên, nhạc công Nhà hát Dân ca Nghệ An, của các tác gỉả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ của Nhà hát và cộng tác viên gắn bó lâu năm với những tên tuổi quen thuộc như: Lê Hùng, Xuân Huyền, Hồ Hữu Thới, Thanh Lưu, Văn Thế, Đình Bảo, Đình Đắc, Ngọc Ất, Hồng Lựu…Đã góp phần thể nghiệm thành công trên 80 vở diễn, gần 200 làn điệu dân ca cải biên (bài hát phát triển dân ca) thuộc các tính chất, thể loại khác nhau, trong đó có những công trình ghi dấu ấn mạnh mẽ như vở “Mai Thúc Loan” của tác giả Phan Lương Hảo. Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, vở diễn “Mai Thúc Loan” được tặng Huy chương Vàng; Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, tác giả âm nhạc của vở diễn và 2 diễn viên chính cũng được tặng Huy chương Vàng. Đây là một vở diễn được thể nghiệm thành công toàn diện, từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, phục trang, ánh sáng… Tại hội diễn, những người làm sân khấu chuyên nghiệp cả nước đã chứng kiến một vở diễn hoành tráng, được thể nghiệm bằng ngôn ngữ Nghệ Tĩnh, phong cách biểu diễn gần gũi với con người xứ Nghệ, hát bằng những làn điệu dân ca Hò, Ví, Giặm và các làn điệu cải biên dân ca mới sáng tác cho vở  “Mai Thúc Loan” và cho những vở diễn trước đó, nhất là bài hát “Hỡi gió” của Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, tính kịch sâu sắc. Bài hát loại này thường dùng trong nhạc kịch hoặc kịch hát mới, nhưng khi sử dụng trong vở “Mai Thúc Loan” đã mang lại hiệu quả cần thiết, mở ra một hướng mới cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trong lĩnh vực thể nghiệm âm nhạc. Thành công của vở “Mai Thúc Loan” là công sức của Ekip sáng tạo và tập thể diễn viên, nhạc công Nhà hát Dân ca Nghệ An (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An). Nhưng cũng là kết quả của công tác sưu tầm, nghiên cứu, thể nghiệm trong vòng 13 năm (từ 1972- 1985) đúc kết lại. Thành công này đã mở ra một giai đoạn mới cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, giai đoạn thể nghiệm kịch dài và đa dạng đề tài, thể loại. Nhiều vở diễn có quy mô hoành tráng lại được tiếp tục dàn dựng, thể nghiệm và công bố kết quả phục vụ Nhân dân trong và ngoài tỉnh; Đưa lên hệ thống Thông tin đại chúng để phục vụ Nhân dân cả nước  như các vở: “Bão táp cửa Kỳ hoa” của tác giả Phạm Ngọc Côn; “Ông vua hóa hổ”, “Lời thề thứ chín”, “Hai ngàn ngày oan trái” của tác giả Lưu Quang vũ; Đặc biệt, vở “Chuyện tình ông vua trẻ” của tác giả Phùng Dũng, được tặng Huy chương Bạc, tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Đây là vở diễn được thể nghiệm theo phong cách dân gian, sử dụng chủ yếu các làn điệu dân ca nguyên gốc và một số ít làn điệu dân ca cải biên; Không sử dụng các bài hát phát triển dân ca có tính kịch sâu sắc.

Năm 1996, thể nghiệm thành công một hình thức mới: Vở sử thi nghệ thuật “Danh nhân lớn lên từ câu Hò, Ví, Giặm” của tác giả Vũ Hải. Với vở diễn này, các làn điệu nguyên gốc và cải biên được sử dụng hạn chế, khoảng 45 - 50 %. Thay vào đó, là những bài hát phát triển dân ca, nhạc không lời có nội dung và nghệ thuật sâu sắc; Đủ sức để chuyển tải một câu chuyện hết sức xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi về với cụ Các Mác, cụ Lê Nin. Vở “Danh nhân lớn lên từ câu Hò, Ví, Giặm” được tặng giải Xuất sắc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999 (tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế). Cùng với “Mai Thúc loan”, “Cô gái sông Lam”, “Danh nhân lớn lên từ câu Hò, Ví, Giặm” đã trở thành những vở diễn truyền thống của Nhà hát Dân ca Nghệ An, đã cùng Nhà hát đi tới mọi miền đất nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Tháp, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, Việt Bắc, các tỉnh Miền Trung (Bắc và Nam miền Trung)…Được đông đảo quần chúng nhân dân, đồng bào, đồng chí nồng nhiệt đón nhận.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, công tác thể nghiệm dân ca Ví, Giặm vẫn được thực hiện liên tục, nhiều vở diễn được thể nghiệm thành công như: “Một cây làm chẳng lên non” - HCV năm 2010, vở “Góc khuất đời người” được tặng giải đặc biệt (cả 2 vở trên đã tham gia Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca toàn quốc); vở “Người thi hành án tử” - HCV tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân (2010); vở “Đường đua trong bóng tối” - HCV năm 2013, vở “Thầy và trò”- HCV (2016), vở “Vụ án Am Bụt Mọc” - HCV hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người Công an Nhân dân, vở “Cánh Cò trong bão” - HCV năm 2022.

 

 Vở diễn "Vụ án Am Bụt mọc" là một trong những tác phẩm do Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An thực hiện đã gây được nhiều ấn tượng trong công chúng và giới sân khấu cả nước. Ảnh: Lương Vân

Một cảnh trong vở diễn Cánh cò trong bão - HCV Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022. Ảnh: Lương Vân

Tóm lại, từ khi thành lập đến nay (1972 - 2023), Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, để lại cho đời một bộ môn kịch hát mới “Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh”, với những kết quả sau:

1. Hoàn thành nhiệm vụ thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tính, được bộ Văn hóa, Thông tin (nay là bộ Văn hóa, Thể thao và Di lịch) công nhận “Kịch hát dân tộc” năm 1985.

2. Từ khi kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh được công nhận “Kịch hát dân tộc” đến nay, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An được giao nhiệm vụ như một đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp, từ hạn mức doanh thu, đến chỉ tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân trong tỉnh hàng năm, giống như các đoàn Nghệ thuật chuyên nghiệp khác. Hàng năm, vẫn tiếp tục thể nghiệm sân khấu hóa dân ca với những vở diễn mới, bằng những kinh nghiệm đã làm trước đây và tìm tòi, học hỏi những cách làm mới để hoàn thiện cao hơn các bước thể nghiệm tiếp theo. Những vở diễn thể nghiệm sau này (sau năm 1985) đều thành công tốt đẹp. Nổi bật nhất là vở “Viết chân tròn trong bão tố” của tác giả Vũ Hải, được tặng HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp miền Duyên hải (năm 1996); “Soi vào quá khứ” cũng của tác giả vũ Hải, được tặng HCV tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2000). Hai vở diễn đề tài hiện đại này, thể nghiệp theo phong cách mới, có hạn chế tính hát xướng, nhưng lại bộc lộ thế mạnh của loại hình kịch hát mới, loại hình này âm nhạc dân ca Nghệ Tĩnh càng phát triển mạnh mẽ hơn.

3. Trong suốt quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã phối hợp với các nhạc sĩ, diễn viên cải biên, phát triển thêm nhiều làn điều dân ca xứ Nghệ, làm phong phú thêm hệ thống làn điệu của sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.

4. Đã vận dụng thành công từ các bộ môn kịch hát dân tộc (Tuồng, Chèo, Cải lương…) sang bộ môn kịch hát mới (kịch hát dân ca xứ Nghệ), đã trở thành bộ môn “Kịch hát dân tộc” trước mắt và lâu dài.

5. Quá trình 50 năm thể nghiệm sâu khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ bằng hình thức mới (sân khấu hóa dân ca). Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ bằng hình thức sân khấu hóa, Trung tâm còn phố hợp với các địa phương, đơn vị hình thành và phát triển hệ thống Câu lạc bộ hát dân ca, xây dựng các chương trình dân ca nguyên gốc và dân ca cải biên để tuyền truyền phổ biến trong cộng đồng người Nghệ, người Nghệ xa quê và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

6. Quá trình thực hiện nhiệm vụ thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để rút kinh nghiệm, năm sau làm tốt hơn năm trước. Đặc biệt, trong thời gian làm hồ sơ khoa học trình Ủy ban UNESCO ghi danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trung tâm đã tổ chức cho đoàn đại diện UNESCO về khảo sát Ví, Giặm; Tổng kiểm kê phổ thông, kiểm kê khoa học Ví, Giặm nguyên gốc; Phối hợp với chính quyền địa phương 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xây dựng và phát triển hệ thống Câu lạc bộ hát dân ca, một hệ thống quan trọng chuyên thực hiện nhiệm vụ đưa dân ca về với cộng đồng.

7. Ngoài ra, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An còn tổ chức biểu diễn phục vụ Nhân dân nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại, như: Lễ hội Làng Sen (lễ hội Văn hóa Hồ Chí Minh) kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm, các lễ đón chuẩn Nông thôn mới của các huyện, xã; Tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, v.v…

Dân ca Nghệ Tĩnh đã được sân khấu hóa theo mô hình kịch hát dân tộc (Tuồng, Chèo, Cải lương…); những kết quả đạt được hơn 50 năm qua thật đáng trân trọng. Hy vọng sắp tới, sẽ có những kết quả cao hơn của công cuộc thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước bằng việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, Giặm xứ Nghệ.  

Hà Nội, 2023

* Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528632

Hôm nay

213

Hôm qua

2275

Tuần này

2905

Tháng này

215328

Tháng qua

0

Tất cả

114528632