Khách mời văn hóa

Gs Trần Văn Đoàn: Chúng ta chưa từng có một triết lý giáo dục cho riêng mình

VHNA: Giáo sư Trần văn Đoàn hiện giảng dạy tại Đại học quốc gia Đài Loan đã có nhiều quan tâm và cộng tác với các cơ quan, tổ chức khoa học và giáo dục ở nước nhà. Nhân dịp vào đầu năm học mới, VHNA đã có cuộc trao đổi với giáo sư một số vấn đề thuộc về lĩnh vực giáo dục. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa giáo sư, ở Việt Nam chúng ta thường có câu: "Giáo dục là quốc sách". Là người đã và đang dạy học đại học ở nhiều nước, giáo sư thấy họ có những câu nào tương tự như vậy không?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Giáo ducj là vấn đề mà bất cứ dân tộc, quốc gia nào, ở thời đại nào cũng phải quan tâm. Với câu hỏi này, tôi xin trả lời vắn tắt như sau:

(1) Hơn 2500 năm trước, thời Xuân Thu, nhóm Mặc Gia, đặc biệt Quản Trọng đã đưa ra câu châm ngôn "Trồng  lúa một năm, trồng cây 10 năm, trồng người trăm năm" (nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chí kế mạc như thụ nhân) làm chính sách xây dựng đất nước.

(2) Tại Tây Phương, Socrates, Plato và Aristotle cũng lấy giáo dục làm quốc sách. Plato lập ra Academy, Aristotle thành lập Atheneum (hay là các trường đại học). Aristotle cũng là thầy dậy của Alexander Đại Đế. Quan niệm "paidea" (giáo dục) của họ vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng cho tới ngày nay.

(3) Thời Trung Cổ, Giáo hội Thiên Chúa Giáo đã lập nhiều đại học (trong đó có ĐH Paris, Oxford, Cambridge, Louvain, Heidelberg...) coi giáo dục là phương thế hữu hiệu nhất để giải thoát con người (từ education với động từ educere, tức là dẫn ra khỏi tăm tối, e-ducere) và phục vụ Thượng Đế, Giáo hội và xã hội.

(4) Hoàng Đế Napoléon ra lệnh thành lập hệ thống Đại học Viện (Grandes Écoles) để phục vụ bộ máy hành chính và bộ máy chiến tranh của ông ta. Trường Bách Khoa (Politechnique) đã từng mang nhiệm vụ đào tạo sĩ quan pháo binh cho quân đội của Napoléon. Sau cách mạng Pháp, các đại học của Giáo hội cũng đã bị quốc hữu hóa để phục vụ nước Pháp.

(5) Humboldt với quan niệm "Bildung" (giáo dục, đào tạo, văn hóa) đã thành quốc sách của Phổ, và bây giờ của Đức.

(6) Vào thế kỷ 19, Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật đã đưa giáo dục lên hàng quốc sách, và nhờ đó đã biến đổi nước Nhật thành một cường quốc, đánh bại Nga, chiếm đóng Trung quốc, đ1ôi đầu với nhnữg nước hùng mạnh như Mỹ, Anh, Nga trong thế chiến thứ hai. 

(6) Vào cuối thời Mãn Thanh, nhóm Tân Nho như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... học được từ Nhật, nên cũng chủ trương lấy cái học để xây dựng đất nước.

(7) Nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ, rồi hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh cũng đã đề nghị đưa cái học lên hàng quốc sách...

(8) Chủ trương này được Lý Quang Diệu, thủ tướng của Singapore đẩy mạnh từ cấp tiểu học vào thập niên 1980s. Một nguyên tố quan trọng đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên hàng thế giới thứ nhất.

(9) Lý Quang Diệu từng cố vấn cho Phan Văn Khải phải chú trọng lấy giáo dục làm quốc sách khi ông tới thăm Việt Nam cách đây gần 10 năm.

(10) Nguyễn Phú Trọng gần đây (2012 cũng nhấn mạnh đến việc đưa giáo dục lên hàng quốc sách hàng đầu. 

PV: Ở các nước phát triển, họ quan niệm về giáo dục, vị trí và chức năng của giáo dục đối với xã hội, sự phát triển và vận mệnh dân tộc - quốc gia như thế nào?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Nói chung, ngày nay các nước tiên tiến đã chú trọng hơn tới chính người đi học, và không còn qúa nhấn mạnh đến vai trò công cụ của giáo dục nữa. Giáo dục nhắm tới người học trước, rồi mới tới xã hội và quốc gia. Họ ý thức được rằng, sự phát triển của xã hội và đất nước luôn gắn liền với dân trí, và năng lực của người dân. Dân có giầu thì nước mạnh, dân mà giỏi thì nước mới tiến bộ, dân trí cao thì đất nước mới có thể sánh vai trên thế giơí, dân có hạnh phúc thì đất nước mới tốt, đẹp và được người nước ngoài kính trọng yêu thích hơn (tuyệt đại đa số người ngoại quốc thích sống ở nước Mỹ, nhưng không nhất thiết thích chính phủ Mỹ). Do đó giáo dục nhắm làm người dân hạnh phúc, tốt hơn, giỏi hơn và giầu hơn (là hệ qủa tất nhiên). Từ quan niệm này, ta thấy:

- Tại Mỹ, giáo dục bao gồm nhiều chức năng, nhưng tựu trung nhắm vào chính người học. (1) cấp Vườn trẻ và Tiểu học, giúp các thiếu nhi hạnh phúc trưởng thành, (2) Cấp phổ thông nhắm giúp mỗi công dân hay bất cứ ai sống trên đất Mỹ có đủ năng lực sinh sống; (3) Cấp Cao đẳng, hay Cộng đồng... trợ giúp phát triển nghề nghiệp, chuyên môn; (3) Cấp Đại học đào luyện  một con người đầy đủ cả tri thức chuyên môn lẫn tri thức phổ quát; (4) Cấp Sau Đại học đào tạo chuyên gia cao cấp. Tại cấp đại học, sinh viên được đào luyện tri thức phổ quát (general education), năng lực suy tư, phê phán, cũng như phương pháp làm việc và nghiên cứu, và tri thức chuyên môn.

- Đài Loan đã áp dụng gần như gần hết phương thức của Mỹ. Nền giáo dục của nước này, cũng như chế độ thi cử và giám sát, thăng chức, và tổ chức hành chánh gần như giống Mỹ hết. Tuy vậy, vì bị ảnh hưởng Nho học, xứ Đài vẫn còn qúa trọng hình thức và bằng cấp.

PV: Các dân tộc - quốc gia có đặc điểm, điều kiện phát triển riêng, truyền thống văn hóa - giáo dục riêng. Những đặc điểm đó cùng với các đặc điểm thời đại  sẽ tham gia chi phối triết lý giáo dục của mỗi quốc gia dân tộc trong mỗi chặng đường lớn của lịch sử. vậy có quan điểm chung, nhận thức chung, hay là điểm gặp gỡ nào không trong triết lý giáo dục của các nước phát triển.

Giáo sư Trần văn Đoàn: Hiện nay, có thể nói, điều kiện văn hóa, kỹ thuật, khoa học... ở các nước tiên tiến không khác nhau lắm. Bởi vì là thời đại khoa học thông tin, thế giới gần nhau hơn. Thế nên  học ở Đức không khác mấy với học ở Mỹ hay ở Bắc Âu..., đặc biệt sau Tuyên ngôn Bologna (1999) về giáo dục đại học tại Âu châu, sự khác biệt giáo dục đã giảm đi rất nhiều.

Trong qúa khứ, thời chưa phát triển và không có cộng tác chung giữa các đại học thì mỗi quốc gia đều có những đặc tính riêng, tổ chức riêng. Lúc đó văn hoá, tôn giáo, điều kiện kinh tế và nhất là chính trị chi phối giáo dục.

-  Từ thế kỷ 17, vì văn hóa và cả tôn giáo khác biệt, và nhất là tự ái dân tộc, giáo dục mỗi nước tổ chức khác nhau, với những mục đích không hoàn toàn giống nhau. Nhưng nói chung, giáo dục vào thời này chỉ là một công cụ cho đất nước, hay vua chúa, hay giới lãnh đạo, hay Giáo hội.

- Mãi từ thế kỷ 18 về sau, mới có nhiều biến đổi. Những triết gia suy tư về giáo dục như Rousseau, Kant, Fichte, Schleiermacher, Humboldt, Dewey để lại dấu ấn trên nền giáo dục của Tây phương. Và nhiều nhà giáo dục như Pestalozzi mới bắt đầu mang dấu ấn lịch sử. Tuy vậy, vẫn chưa có một sự đồng thuận giữa các quốc gia.

- Tôi nhớ vào thập niên 1960,  tại Pháp đã có 3 loại Tiến sỹ với giá trị khác nhau (Docteur d'université, docteur de troisième cycle, docteur d'état), trong khi tại Ý bằng Laurea được coi là tương đương với Tiến sỹ, mặc dù đào tạo ít hơn. Vào lúc bấy giờ, Ý không có Cử nhân, cũng chẳng có Thạc sỹ. Mãi vào thập niên 1970, Ý mới thêm bằng Laurea dottorale, dành cho những ai muốn làm giảng dạy ở đại học. Tại Đức và Áo và các nước nói tiếng Đức hay vệ tinh như Hung, Tiệp... chỉ có bằng Tiến sỹ (Doktorat) và Thạc sỹ (Diplom, Magister), nhưng không có Cử nhân. Nhưng họ lại có Habilitation, như là một chứng minh đủ khả năng làm Giảng sư. Habilitation chỉ dành cho những người đã có học vị tiến sỹ và được giữ lại dậy ở đại học trong một thời gian tối thiểu 3 đến 10 năm, đủ khả năng tự đứng lớp, tổ chức nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên sau đại học, và có tư tưởng hay sáng chế độc đáo. Chú ý, Habilitation không phải là học vị (như có người lầm tưởng cho là Tiến sỹ khoa học), cũng không phải là học hàm. Habilitation ở đại học A không nhất thiết được công nhận ở đại học B, hay các đại học khác, và hoàn toàn không có giá trị khi đến làm việc ở các nước khác.

Mãi gần đây, sau cuộc hội của hơn 30 hiệu trưởng của những đại học hàng đầu từ 29 nước ở Âu châu tại Bologna (1999), Âu châu mới đồng ý xích lại gần nhau hơn, nhắm cạnh tranh với Mỹ. Và đây là lý do mà tôi nói, không có mấy khác biệt khi học ở Âu châu hay ở Mỹ, Đài Loan, Đại Hàn...

Ngay cả Nhật (trước đây bị ảnh hưởng của Đức) cũng đang chuyển mình theo hệ thống của Mỹ.

PV: Yếu tố nào được quan tâm, đề cao và giữ vị trí trung tâm trong chính sách giáo dục của các nước phát triển?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Nói chung, phục vụ dân sinh, nâng cao dân trí, giải quyết vấn nạn đất nước.. vẫn là những yếu tố được quan tâm nhất.

Tuy vậy, cần phải nói, những vấn nạn này là do chuyên gia tìm ra, và yêu cầu chính phủ  phải giải quyết. Nhà nước thường phải nhờ đến các viện nghiên cúu tìm giải đáp giúp họ.

Điều phải nói, nơi những nước phát triển, nhà nước không còn giữ vai trò sắp đặt, điều khiển và điều hành như trước đây. Bộ Giáo Dục chỉ còn giữ vài vai trò như trợ giúp, cố vấn, liên lạc, và ... phân phối quỹ giáo dục.

Nhà nước có thể đưa ra một chính sách, và thuyết phục người dân chấp nhận, và trả tiền cho những viện nghiên cứu cũng như trợ giúp đại học để họ giúp nhà nước, nhưng nhà nước không có quyền áp đặt hay thọc tay vào trong nội bộ của các trường. Ngay cả kiểm định chất lượng, cũng do những tổ chức ngoại vi, hoàn toàn độc lập tiến hành.

Tuy vậy, nhà nước vẫn có thể phát triển chính sách của mình bằng cách chi tiền. Thí dụ, nhiều viện nghiên cứu  như Fermi Lab của ĐH Chicago (đại học tư) từng nghiên cứu chế bom nguyên tử cho chính phủ Roosevelt và Truman, Bell Lab từng nghiên cứu theo đơn đặt của Bộ Giao Thông và Quốc Phòng Mỹ, Stanford làm đầu phi thuyền cho NASA, vân vân.

PV: Họ lý giải vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Nhiều lí do giải thích tại sao nhà nước không còn, hay không được chi phối giáo dục: (1)  Thể chế dân chủ dẫn đến tính tự chủ trong giáo dục. (2) Ngân sách cho giáo dục là do người dân đóng góp (thuế), chứ không phải của nhà nước, muốn cho ai thì cho. (3) Sự tự ý thức cao độ của giới nhà giáo và của sinh viên. (4) Tôn trọng tính đa nguyên văn hóa, tôn giáo, và nhu cầu của mỗi xã hội. (5) Họ ý thức được sự can thiệp qúa sâu vào giáo dục của nhà nước dễ dẫn tới hệ qủa tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Lợi bất cập hại. 

PV: Đài Loan là vùng lãnh thổ thuộc không gian văn hóa Khổng giáo và hiện nay có nền giáo dục khá phát triển. Xin giáo sư cho biết triết lý giáo dục hiện nay của họ? 

Giáo sư Trần văn Đoàn: Thực ra, Đài Loan rất gần với Việt Nam. Hơn 300 năm lịch sử của xứ Đài là bị đô hộ, từ Tây Ban Nha tới Hà Lan, rồi từ Trung quốc tới Nhật, và ngày nay bị bóng ma Trung quốc ám ảnh.  Đa số sắc dân Đài di cư từ Trung quốc sang, nhưng tuyệt đại đa số không muốn thống nhất với Trung quốc.

Thế nên, triết lý giáo dục của họ bị ảnh hưởng của nhiều nước. Ảnh hưởng sâu đậm nhất từ nước đô hộ họ lâu năm nhất, đó là Trung quốc. Thứ tới đến Mỹ và Nhật.

Do vậy, triết lý giáó dục chủ yếu vẫn là Nho học, nặng phần thi cử, chú trọng an phận thủ thừa... Nhưng vì cũng gần Tây phương hơn, và nhất là phải cạnh tranh mãnh liệt, nên họ cũng nhận ra cái hay của Tây học, và nghiêng về Tây học. Vì là xứ di dân, phải tranh đấu nhiều, lại bị nhiều nước đô hộ, nên người Đài xem ra vẫn thực dụng hơn.

Lý do cải cách giáo dục theo Mỹ thì có nhiều. Nhưng lý do chính vẫn là, giaó dục Mỹ thiết thực hơn, hiệu quả hơn, và mạnh hơn để cạnh tranh. Hiện nay khoa học ứng dụng, cũng như gần như mọi ngành trong khoa học tiên tiến, Đài Loan vẫn còn nằm trên Trung quốc. Theo bảng đánh giá của đại học Giao Thông tại  Thượng Hải (ARWU), ĐHQG Đài Loan vẫn là đại học số 1 xếp trên cả ĐH Hongkong, ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh của Trung Quốc.

Có thể nói, giáo dục Đài Loan gần như là bản sao của Mỹ, nhưng tinh thần thi cử của Tầu thì vẫn còn rất nặng. Giới trí thức Đài cũng ý thức được nhược điểm này, nên họ không ngừng đi tìm một nền triết lý giáo dục hài hòa hơn. Tôi sẽ bàn về đề tài này trong luận văn chủ yếu (keynote speech) của một hội thảo về Triết lý Giáo dục Đài loan tại Đài Bắc vào tháng 11 tới này.

PV: Và trong chính sách giáo dục của họ, theo giáo sư, họ đã tiếp thu truyền thống văn hóa - giáo dục Nho học như thế nào?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Rất tiếc là tinh thần tuyệt vời của Nho giáo đã bị biến dạng. Tại Đài Loan và ngay tại Trung quốc, người ta hay "nói một đàng làm một nẻo". Và đó là một điều giải thích hiện tượng "thầy không muốn dạy, trò không muốn học" (nói theo Lý Chánh Trung).  Tinh thần Nho đích thực không mấy được chú ý trong chương trình giáo dục. Thí dụ, chương trình của cấp tiểu học (1-6) tuy có lớp "Công Dân và Đạo Đức", nhưng nội dung biến dạng thành giáo dục "trung đảng ái quốc." Lớp học này đã bị thay đổi sau khi Đài Loan mở rộng dân chủ và đa dảng vào cuối thập niên 1980.

Sự trì trệ của nền giáo dục Nho học, đó là việc qúa trọng chữ lễ, tạo ra căn bệnh hình thức, những quy tắc rườm rà, thụ động, theo tôn ti trật tự mà thiếu tự chủ và sáng tạo. Nền học vấn này tạo ra nhiều nghịch lý, như trọng bằng cấp mà không để ý đến thực lực (lương bổng, chức tước đều dựa theo bằng cấp cũng như thi cử), vâng lời nhưng thiếu sáng tạo, tự chủ...

Ngày nay, ảnh hưởng Nho học đã giảm đi rất nhiều. Đài Loan dựa theo hệ thống giáo dục của Mỹ nhiều hơn. Thi cử ít quan trọng hơn, và học sinh, sinh viên tự chủ nhi

PV: Chúng tôi được biết, mặc dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhưng giáo sư rất quan tâm đến hoạt động giáo dục, khoa học ở nước nhà có nhiều cộng tác với các cơ quan giaos dục, khoa học ở trong nước. Như giáo sư đã biết, theo nhận định chung của dư luận thì nền giáo dục của chúng ta hiện đang khủng hoảng, sa sút, thậm chí có người còn cho rằng đang lạc lối và suy thoái. Từ ngoài nhìn về, giáo sư có nhận định như thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Nhận định về giáo dục Việt Nam hiện nay, người có thẩm quyền và trách nhiệm cuối cùng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã công nhận sự khủng hoảng này (8.2012).

Là người có chút ít kinh nghiệm về giáo dục ỏ Đài Loan và Trung quốc, lại vốn tính lạc quan, tôi không nghĩ là chúng ta không có lối thoát. "Cái khó bó cái khôn", hay "nguy cơ là chuyển cơ" (khi nguy hiểm nhất cũng là lúc chúng ta phải thay đổi để sống). Tôi nghĩ, chúng ta đương loay hoay ở giai đoạn tìm kiếm, và đương do dự không biết có nên dứt bỏ cái cũ hay không.  Điều mà tôi có thể đề nghị, đó là nên học theo Minh Trị, dứt khoát chọn một mô hình tốt nhất hiện nay, đừng tiếc nuối cái ý thức hệ mà nay đã trở thành gánh nặng cho dân tộc, đất nước và giáo dục cách riêng.

PV: Điều đáng lo ngại cơ bản và sâu xa nhất hiện nay là gì?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Không dám quyết định, hay tham lam muốn bắt cá hai tay, cái này cũng muốn, cái kia cũng muốn, dở không dám bỏ, hay không dám làm. Chúng ta không thể dung hợp những nền giáo dục độc đoán với tự chủ, sáng tạo. Chúng ta không thể vửa đóng kín nhưng lại đòi buộc phát triển. Chúng ta không thể vừa cấm đoán nhưng lại vừa cạnh tranh, và chúng ta không thể cho người dân tự do hạnh phúc khi giam hãm họ trong cái lồng chim (cho là bằng vàng đi nữa). 

PV: Chúng tôi có tìm hiểu nhưng chưa thấy có tài liệu nào xác nhận rằng triết lý giáo dục lâu nay, hiện nay là gì? Theo giáo sư thì hiện nay chúng ta đã có triết lý giáo dục chưa? Nếu có thì chúng ta có thế khái quát nội dung của nó như thế nào?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Tôi nghĩ, có lẽ không ai nói ra, nhưng ai cũng biết. Đó là nền triết lý giáo dục mà chúng ta đương có vẫn mang tính chất phong kiến nhiều hơn. Nội dung giáo dục rất đơn giản. Nó đồng nhất mục đích với công năng của giáo dục với điều mà nhà nước muốn, đó là coi giáo dục như là công cụ, và đào tạo giới  phục vụ, phục tòng và tuân thủ. Phục vụ chế độ, nên nội dung, cách thức giáo dục được thiết kế để đạt tới mục tiêu đó. Thí dụ, trường báo chí mục đích không phải để thông tin sự thật, nhưng là để tuyên truyền. Trường công nghệ, khoa học không phải để truy tìm kiến thức mới hay sáng tạo, mà để đào tạo thợ giỏi xây đường, nhà, cầu... Gần như đa số giới chép sử vẫn tiếp nối cái nghề "ngự sử". Họ theo lệnh nhà vua chỉ ghi lại cái hay cái tốt, thậm chí phóng đại hay tạo ra cái hay của nhà vua và hoàng gia, mà quên đi sứ mệnh bảo vệ chân lý, và cảnh cáo thế hệ sau để tránh khỏi cái vết đi sai lầm của tiến nhân. Họ biến thành vũ khí tấn công những ai mà nhà vua không ưa hay muốn làm hại.

 PV: Nhìn về quá khứ, chúng ta đã từng có một triết lý giáo dục chưa? Kể cả trong thời đại phong kiến? Nếu có thì dấu ấn triết lý giáo dục ở, hay của, thời đại nào là sáng suốt và hiệu quả nhất?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Chúng ta chưa từng có một triết lý giáo dục riêng cho mình, ngay cả vào thời hưng thịnh nhất như Lê, Trần. Chúng ta vay mượn từ các nước khác, nhất là từ Tầu. Thi khoa cử hoàn toàn bắt chước Tầu, mà cải cách thì lại chậm hơn. Người Tầu bãi bỏ khoa cử năm 1914-1915, trong khi chúng ta mãi đến năm 1918-19 mới bãi bỏ. Ngay bằng cấp với cái tên tú tài, cử nhân, tiến sỹ người Tầu đã không còn sử dụng, chúng ta vẫn cứ sử dụng cho đến nay.

Vào thời Trần Nhân Tông, tuy ý thức dân tộc rất mạnh, và chính nhà vua đã cải biến phần nào Phật giáo, tạo ra phái Trúc Lâm mang đậm chất Việt, nhưng phần lớn bản chất vẫn là từ ngoài vào.  

PV: Trong một nền giáo dục hiện đại thì thông thường người ta quan tâm đến vấn đề, yếu tố nào nhất?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Ba giai đoạn cần được chú trọng: Giai đoạn thứ nhất là đào tạo kỹ năng, khả năng, năng lực sống còn cho mỗi học viên. Giai đoạn này phải được tiếp nối với giai đoạn thứ hai, đó là nhận thức được xã hội, thế giới, mình đương sống. Đi tìm những vấn nạn, và giải đáp vấn nạn, để cuộc sống bảo đảm hơn, thoải mái hơn, dễ sống hơn, vân vân. Giai đoạn cao nhất,tạo ra khác biệt giữa con người và các động vật khác...đó là ý thức được sự thăng tiến, và cố gắng tìm kiếm một thế giới hoàn hảo, hạnh phúc, tươi đẹp nhất, cũng như tạo ra sự sống mới hoàn hảo hơn. 

PV: Trở lại với giáo dục Việt nam hiện thời, theo giáo sư thì nguyên nhân nào là quan trọng nhất tác động đến và làm sa sút, khủng hoảng nền giáo dục của chúng ta?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Nguyên nhân chính, nói có vẻ trừu tượng, đó chính là sự thiếu sót một nền triết lý giáo dục chủ đạo. Điều này có thể thấy trong: (1) Không coi người học (người dân) là chủ thể, mà chỉ là công cụ. (2) Chạy theo thị trường, với những cái lợi thiển cận (rất nhiều trường, viện... được lập ra để chạy theo thị trường). (3) Coi thường những người làm giáo dục và nghiên cứu (với đồng lương chết đói, với đãi ngộ không xứng, với lối nhìn "quan lớn thì học vấn cũng lớn". (4) Qúa trọng hành chính, những người làm quan (tạo ra hiệu trưởng "giỏi" hơn, quan trọng hơn giáo viên).... (5) Không coi trọng những môn học nhân văn và nghệ thuật... những kiến thức làm người. (6) Không phân biệt được bên trọng bên khinh (theo lối nghĩ của Gs Tô Duy Hợp). Thí dụ, ồ ạt mở đại học, các trường về kinh doanh, quản trị nhưng không chú trọng trường nghề. Thích học vị Tiến sỹ, học hàm Giáo sư nhưng không trọng thực lực...

Nguyên nhân phụ thì rất nhiều, mà rất nhiều nhân sỹ tâm huyết đã nêu ra, nên tôi xin dược miễn lập lại nơi đây.  

PV: Chúng tôi được biết đã có nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm và đề xuất đến việc cải cách một cách toàn diện, triệt để nền giáo dục. Và thực tế trong mấy thập kỷ qua, ngành giáo dục cũng đã loay hoay với nhiều cuộc cải cách nhưng bất thành. Theo giáo sư thì tại sao chúng ta chưa thành công? Có phải là vì chúng ta thiếu một triết lý giáo dục hiện đại và sáng suốt hay là vì một lý do nào khác?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Chúng ta từng lấy lý chủ nghĩa xã hội làm triết lý giáo dục, và đã gần 70 năm rồi. Nhưng tại sao vẫn còn rất nhiều bất cập?

Theo lối suy tư Việt (triết lý Việt), để có thể thành công thì phải có được ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tại các nước tân tiến như Phần Lan, giáo dục rất thành công vì người dân hiểu biết vấn đề, và đồng thuận trong những đề nghị cải cách giáo dục được giới chuyên gia có kiến thức thực sự đưa ra. Nhà nước không có chỉ đạo, nhưng chấp nhận các đề nghị, và đổ công sức tiền bạc vào để hoàn thành.

Theo những thông tin trên báo chí ở Việt Nam, thì tiếng nói của chuyên gia chưa được nghe (như trường hợp IDS, các Gs Hoàng Tụy, nhóm nhân sỹ Việt tại hải ngoại), hay không được hiểu đứng đắn, mà người dân thì chưa được thông tin minh bạch rõ ràng, trong khi quan chức thì "tư duy nhiệm kỳ". Điều quan trọng là thiếu phê bình khoa học, hay phản biện khoa học, và nhà nước cũng không thích nghe phản biện. Vai trò của báo chí cũng không được phép phát huy. Do đó người có trách nhiệm không cảm thấy bị áp lực, và không cần cải tiến. Hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" không phải là hiếm. Đúng là "thiên bất thời, địa bất lợi, nhân bất hòa". Như vậy làm sao có thể cải cách giáo dục được. Các bộ trưởng giáo dục tuy tâm huyết, nhưng rốt cục đều bị người dân phê bình là "đánh trống bỏ dùi", hay "nói như rồng bay, làm như mèo mửa". Đây là hệ qủa tất yếu của "nhân bất hòa" và "địa bất lợi". Tôi nghĩ, ở giai đoạn này, bất cứ ai làm bộ trưởng giáo dục cũng khó mà thành công được.

PV: Với tư cách một công dân, một trí thức của nước nhà, giáo sư có một nhận thức, hay là suy nghĩ về một triết lý giáo dục cho nền giáo dục nước nhà? Giáo sư có thể bộc bạch quan niệm, suy nghĩ của mình không?

Giáo sư Trần văn Đoàn: Đã có rất nhiều nhân sỹ đầy tâm huyết đưa ra những ý tưởng (triết lý) đáng quan tâm về nền giáo dục nước nhà. Trước năm 1975 tại Nam Việt Nam, Giáo sư Kim Định đã viết hẳn 1 tập sách về triết lý giáo dục (VHNA đã cho đăng lại gần đây), rồi học gỉa Nguyễn Hiến Lê cũng đã đóng góp khá nhiều. Gần đây hơn, nhiều giáo sư khả kính như Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà giáo Phạm Toàn, khá nhiều học gỉa Việt sống tại nước ngoài, và nhất là những tập thể như Nxb Tri Thức của Giáo sư Chu Hảo , Viện IRED của nhà trí thức Giản Tư Trung, cũng như những trang Web như Tia Sáng, Nghiên Cứu Giáo Dục Việt Nam (Tiến sỹ Vũ thị Phương Anh), Nghiên Cứu Giáo Dục Quốc Tế (Tiến sỹ Phạm thị Ly), Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Vietnamnet, Văn Hoá Nghệ An, vân vân... đã có nhiều ý kiến rất bổ ích.

Nơi đây tôi chỉ xin được thêm vài ý kiến thu thập từ kinh nghiệm học hỏi và nghiên cúu về triết lý giáo dục từ năm 1975 khi tôi bắt đầu giảng dậy tại Áo quốc (năm 1976 tôi phát biểu một bài viết đầu tiên về giáo dục bằng Đức ngữ, được tổ chức SOS Kinderdorf International xuất bản) cho tới nay, và suy nghĩ về nền giáo dục nuớc nhà.

- Hình như Việt Nam chúng ta chưa có một nền triết lý giáo dục riêng biệt của chúng ta. Trước đây chúng ta theo Trung quốc chấp nhận triết lý, hệ thống, tổ chưc giáo dục của họ. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới bỏ dược hình thức, nhưng lối suy tư về giáo dục thì vẫn không thay đổi. Học để làm quan, quan lớn học vấn cũng lớn, một người làm quan (vinh danh) cả họ đưọc nhờ (được thơm lây) vẫn còn. Cụ Tú Xương đã nhận ra cái lối "triết lý" này khi viết về lí do sĩ tử bỏ Nho học để theo Tây học "Cái học nhà Nho đã hỏng rồi.... Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò". Ngày nay, dựa theo triết lý giáo dục của chũ nghĩa xã hội, thì vẫn là chủ nghĩa ngoại nhập, không ảnh hưởng nhiều tới lối suy tư phong kiến của Nho học. Hiện tượng "thạc sỹ đầy đường", "giáo sư, tiến sỹ cả hàng chục ngàn nhưng không có mấy phát minh, hay đóng góp khoa học" (Nguyễn Văn Tuấn) nói lên hai sự kiện: 1) chúng ta vẫn bị lối học làm quan ám ảnh, và chưa có triết lý giáo dục riêng cho mình, (2) hoặc nếu có, thì đó chỉ là "ăn theo, nói leo" (như cụ Trần Trọng Kim đã nhận xét về Nho giáo Việt Nam chỉ là Nho giáo Tầu nhưng nhỏ hơn, trong tập Nho Giáo của cụ).

- Ngày nay, tuy chúng ta chuyển mình theo các nước tiên tiến. Nhưng vì thiếu triết lý chủ đạo như Nhật, Việt Nam chúng ta hiện đương ở "ngã bẩy" đường, ai cũng muốn theo, và ai thì mình cũng chỉ biết nửa vời. Người từ Mỹ về thì Mỹ là nhất, từ Nga về thì "mặt trăng Nga tròn hơn mặt trăng Mỹ," từ Tầu về thì "đồng hồ Trung quốc tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ", và cứ như thế từ Đức, Pháp, Anh, Nhật... vân vân, thì cái gì của Đức, Pháp, Anh, Nhật... cũng nhất cả. Tình trạng "hỗn mang chi sơ" này tạo ra nhiều hiện tượng, thí dụ "Phó Tiến sỹ", "Tiến sỹ Khoa học", "Viện sỹ", "chuyên tu", "tại chức" mà khó kiếm thấy ở các nước khác.

- Thế nên, tôi thiển nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải có một nền triết lý riêng của chúng ta, dựa theo lối suy tư, cách sống, lý tưởng, hoàn cảnh, điều kiện sống của người Việt. Về một triết lý như vậy cần một thời gian dài tìm hiểu, suy tư, nghiên cứu, đánh giá, và được rất nhiều nhân sĩ tâm huyết tham dự.

Nơi đây, tôi mạn phép đưa ra vài ý chính về nền giáo dục mà chúng ta phải lưu ý: (1) Giáo dục sinh tồn trong một hoàn cảnh dễ bị ngoại xâm, thiên tài, cũng như địa lý nước... Phải đào tạo mọi công dân đủ khả năng, kỹ năng tự sinh tồn. Biết mạo hiểm, biết sống tự lập, biết tự đào tạo chứ không phải thụ động, vâng lời, nhu mì (nhút nhát) mới là những gì chúng ta phải học... Một thí dụ điển hình: một đất nước với cả trên ba ngàn km bờ biển, với rất nhiều sông ngạch mà tuyệt đại đa số dân chúng không biết bơi, mà mỗi năm hàng trăm, hay hàng ngàn người chết đuối...  Thí dụ khác, đó là chúng ta không có đủ năng lực để đoạt huy chương Olympic. Lý do, thử xem, có trường học nào có đủ sân vận động chưa? Có mấy đại học có khoa thể dục? Có trường nào có huấn luyện viên thể thao, thể dục? (2) Giáo dục tư cách (cách sống). Xin đừng qúa chú trọng đến những nền "đạo đức" xa cách, không thiết thực với cuộc sống xã hội, đa dạng, đa nguyên, đa văn hóa, đa ngôn ngữ ngày nay. Phải để ý đến cách giao tiếp, ngôn ngữ, và hiểu biết thế giới bên ngoài. Trong nhiều bài viết về "người Việt xấu xí" khá nhiều tác giả, từ Nguyễn Văn Vĩnh tới Vương Trí Nhàn đều nói về lý do tại sao có hiện tượng "xấu hổ" làm người Việt? Không phải chỉ 1 con sâu "làm rầu nồi canh" mà hình như có biết bao bầy sâu, nhưng đã quen nên không nhận ra nữa. Lối sống "sống trong lũ thì phải theo lũ" và "đi với ma thì mặc áo giấy" đã thành một "quy luật" và được che đậy với những khẩu hiệu trống rỗng "hòa hợp", "đoàn kết", vân vân. Giáo dục giao tiếp và sống hoà hợp (theo đúng nghĩa) rất quan trọng. Chúng ta thử so sánh xã hội Thụy Sỹ và Việt Nam thì có thể thấy rất rõ. (3) Giáo dục phát triển. Đào tạo học sinh, sinh viên biết hướng đến lý tưởng cao hơn, tìm ra kiến thức nhiều, sâu hơn, cạnh trạnh tốt hơn..,

Ngày nay rất nhiều người học chỉ mong làm quan, làm giầu, hưởng thụ mà thiếu lý tưởng. Chúng ta quên rằng những nước phát triển nhất là những nước luôn có những lý tưởng cao đẹp nhất. 

Một triết lý dựa trên ba nguyên tắc này, đòi buộc phải có "gốc rễ" nhưng luôn "mở rộng", biết được giá trị (khả năng, năng lực) của mình, nhưng cũng biết người, và luôn tìm cách để học hỏi thêm, và nhất là luôn hướng thượng, vươn tới những lý tưởng cao vời như chân, thiện, mỹ.

Bất cứ một nền giáo dục nào đóng kín, giáo điều …, hay chỉ nhắm đến những mục đích thấp, gần, hẹp, và chỉ biết bắt chước, vọng ngoại... khó có thể được coi như là triết lý giáo dục của chúng ta. 

PV:Xin cảm ơn giáo sư.

                                                                                                                                         

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528545

Hôm nay

2201

Hôm qua

2291

Tuần này

2818

Tháng này

215241

Tháng qua

0

Tất cả

114528545