Cuộc sống quanh ta

Đôi điều về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc ở các khu tái định cư

Tổ chức các khu tái định cư nhằm góp phần tạo sự cân bằng trong phát triển đang là vấn đề thời sự, trong đó có các khu vực dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đóng góp thực tiễn của chiến lược này là từng bước đưa đồng bào ngày càng đến gần hơn với văn minh công nghiệp, một cuộc sống được bảo đảm trong tính ổn định, và ít nguy cơ hơn. Thực tế hiện nay, các bản người Mông ở Lưu Kiền, bản người Ơ đu ở Nga Mi (Tương Dương, Nghệ An) đã có cuộc sống thực sự ấm áp, có gia đình đã có 2, 3 xe máy, có ti vi, cặp số, màn viền đăng ten sang trọng…

Nhìn vào đời sống của một số hộ, thậm chí không ít gia đình người Kinh ở đồng bằng còn thèm khát; khoảng cách phát triển giữa đồng bào thiểu số với đồng bào Kinh, giữa miền ngược và miền xuôi dần được thu hẹp. Việc thiết lập các khu tái định cư đồng thời cũng thể hiện nỗ lực bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, nhất là các khu bảo tồn thiên nhiên, mặt khác là góp phần hạn chế nạn di dân tự do. Điều có ý nghĩa thực tiễn vừa trước mắt, vừa lâu dài, một mặt trực tiếp phục vụ công cuộc CNH - HĐH đất nước, mặt khác phục vụ dân sinh: từ những mặt bằng được giải phóng, đảm bảo an toàn, sẽ mọc lên các công trình tưới tiêu, cung cấp nguồn điện… ở quy mô lớn. ở khía cạnh khác có thể thấy tính tích cực của chủ trương này là trong quá trình xây dựng các khu tái định cư, cơ quan chức năng đã phát hiện một số vấn đề của các dân tộc thiểu số cần được giải quyết, ví như ở Tương Dương, người Thái không còn biết viết chữ, người Ơ đu không còn biết sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, chưa nói rằng thiết lập các khu tái định cư còn có thể cứu tộc người này hay tộc người kia thoát khỏi mất tích trên sơ đồ các dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xây dựng các khu tái định cư có tính chất phức tạp của nó. Vấn đề là trong quá trình tổ chức cho đồng bào đến nơi ở mới, phải tính đến thứ họ cần, bên cạnh sự phát triển về đời sống vật chất văn minh là một đời sống văn hoá được đảm bảo theo tinh thần mà UNESCO đã khẳng định từ những thập niên 70 của thế kỉ trước, rằng chỉ có thể đạt được được sự thống nhất giữa hiện đại hoá và tiến bộ xã hội bằng cách đưa văn hoá vào bên trong sự phát triển, coi văn hoá là động lực, là mục tiêu, là hệ điều tiết cho sự phát triển.(1)
Văn hoá ở đây, bao gồm nhiều thành phần, trong đó theo chúng tôi, văn hoá truyền thống của các dân tộc là vấn đề đặc biệt quan trọng. Dĩ nhiên, giữ gìn bản sắc văn hoá tộc người ở môi trường tái định cư là việc chắc chắn gặp nhiều trở ngại, nhất là trong hoàn cảnh, không chỉ từ khi có các khu tái định cư, mà từ trước đó, tình trạng giao lưu ảnh hưởng mang tính chất đồng hoá đã trở nên đáng báo động trước tình hình cư trú tộc người ngày càng theo xu hướng xé lẻ, đan cài giữa các dân tộc, trong đó có việc người Việt từ vùng xuôi lên sinh sống ở vùng núi và cao nguyên. Và ngày nay là quá trình có chỗ ngược lại, đưa người vùng núi thiểu số xuống sinh sống ở vùng thấp hơn.
Sự hình thành của một nền văn hoá luôn luôn bắt đầu từ một vùng lãnh thổ nhất định về mặt địa lí. Chính trên không gian ấy, với điều kiện địa hình, thời tiết, thổ nhưỡng… sẽ hình thành lối sống, sinh hoạt, sau đó là phong tục, tín ngưỡng, văn chương, kiến trúc, trang phục, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trình diễn… Bên cạnh sự tồn tại có tính phổ biến của văn hoá, vì vậy là tính cá biệt. Mỗi thể cộng đồng, trên từng không gian cụ thể lại tự chọn cho mình một kiểu ứng xử với tự nhiên và xã hội, biểu hiện thành một lối sống riêng không giống thể cộng đồng khác. Việc đưa một cộng đồng rời khỏi nơi cư trú truyền thống của họ vốn đã khiến sự tồn tại bản sắc văn hoá của họ ít được bảo hiểm hơn; nếu trong quá trình thay đổi, không tìm được một không gian tương ứng với không gian truyền thống thì nguy cơ biến mất bản sắc là có thật. Trước những khả năng ấy, khi đưa người dân tộc thiểu số rời khỏi khu vực cư trú truyền thống của họ đến một nơi ở mới, cần phải giúp họ có một không gian độc lập, dù chỉ là tương đối để tồn tại. Việc đưa người Mông đến ở một khu vực bốn bên là người Thái hoặc tương tự người Thái với người Kinh (như ở bản Lưu Thông của người Mông ở xã Lưu Kiền, bản Văng Môn của Ơ đu ở Nga Mi (Tương Dương), khu tái định cư của người Thái ở Thanh Chương…) sẽ đặt những dân tộc được di dời trước một tình thế khó khăn, ở chỗ bên cạnh những thách thức từ bên trong, họ còn phải đối mặt với những thách thức từ bên ngoài theo quy luật giao lưu, tiếp biến văn hoá. Về thực chất, giao lưu văn hoá chính là sự trao đổi, và sự trao đổi này chỉ có thể sòng phẳng để bao đảm trạng thái cân bằng khi hai nền văn hoá tương tác này có sự phát triển, có thế mạnh, bề dày tương ứng. Nếu điều kiện này không được đảm bảo, giao lưu, tiếp biến sẽ trở thành sự áp đặt vô tình, kẻ mạnh sẽ thắng kẻ yếu. Thực tế cho thấy người Việt, ngay cả khi tiếp cận với lãnh thổ văn hoá của một dân tộc thiểu số nào đó thì rất ít chịu sự đồng hoá, mà hoàn toàn ngược lại. Những hiểu biết này sẽ là bài học quý báu cho việc thành lập các khu tái định cư bằng đưa dân từ vùng cao xuống thấp, nhất là đưa người của các tộc thiểu số xuống vùng đồng bằng, xen cư với người Kinh. Rất cần sự lựa chọn những không gian thuận lợi cho sự phát triển của văn hoá các tộc người trong từng khu tái định cư, trước hết là không gian tự nhiên. Chân lí này thể hiện một cách giản dị trong nỗi lo của người dân ở bản Tân Lập (Hạnh Lâm - Thanh Chương) rằng một ngày nào đó sẽ không còn cái nước để uống. Những giếng khoan, những dự án, công trình nước sạch không thể thay thế được con khe, con suối trong đời sống, trong tâm thức người dân tộc thiểu số ở chỗ, quan hệ văn hoá của họ với cả con suối nơi họ tắm, nơi họ lấy nước sinh hoạt, và trong cái ống bương lấy nước thôi, cũng chứa những quan niệm văn hoá nhất định. Điều đó cho thấy thực tế là có những khó khăn mà không gian tự nhiên gây ra trong nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số ở các khu tái định cư như thổ nhưỡng, địa hình… Bên cạnh đó, không gian xã hội cũng sẽ thể hiện sự can thiệp một cách sâu sắc vào nỗ lực này. Một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí có thể coi là quan trọng nhất thể hiện sự tồn tại của văn hoá một tộc người là ngôn ngữ. Khi một dân tộc bị bủa vây giữa nhiều bề là cư dân của dân tộc khác, trên nguyên tắc giao tiếp, là sự thưa dần của tần suất sử dụng ngôn ngữ, và lâu dài là mất hẳn, như người Ơ đu (Tương Dương) ngày nay không còn nhớ ngôn ngữ của mình. Nền nếp phong tục cũng sẽ mất dần, tiếp đó là tín ngưỡng, ví như một bộ phận người Mông ở bản Lưu Thông (Tương Dương) hiện nay ăn tết theo tập tục của người Thái, và người Kinh (Thái, Kinh ngày nay đều ăn tết Nguyên đán), hay người Ơ đu chỉ biết một cách mơ hồ rằng họ kiêng ăn thịt rắn vì hình như xưa kia tổ tiên họ có thờ rắn... Các cuộc hôn phối, ngoài việc gia tăng tốc độ suy thoái về mặt ngôn ngữ, là giải trừ tính nguyên khiết của huyết thống, phong tục. Việc đặt tên con cái theo văn hoá phía chồng (hoặc ngược lại - nhưng phần ngược lại ấy là hi hữu) sẽ cũng khiến văn hoá bị mai một.
Không gian văn hoá ở đây không chỉ là môi trường văn hoá xã hội mà người tái định cư phải chấp nhận giao lưu và tiếp biến, mà phải tính đến cả không gian cụ thể được thiết lập cho sự tồn tại của quần thể nhỏ bé là gia đình. Khi xây dựng một ngôi nhà, phải tôn trọng, tìm hiểu cặn kẽ những đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc, đảm bảo rằng khi quan sát, người ta không còn thấy tính bất hợp lí của kiến trúc so với nghệ thuật kiến trúc của tộc người được chuyển đến. Thực tế những ngôi nhà ở một số khu tái định cư ở Tương Dương, Thanh Chương, mặc dù rất kiên cố, tiện dụng, nhưng có thể chỉ là sự tiện dụng trong lề lối sinh hoạt, trong cách nhìn nhận của những người thiết kế, xây dựng, mà xa lạ với những sinh hoạt của đồng bào. Việc phân bố vị trí các căn nhà trong tương quan với không gian làng bản của các tộc người, cũng như mọi hoạt động, tập tục khác, là sản phẩm của thứ tư duy hàng ngàn năm, với những triết lí và với sự tiện dụng của riêng họ. Vì vậy khi bố trí không gian này cần phải tôn trọng văn hoá của họ, tốt nhất là mô phỏng không gian cũ một cách trung thực nhất, trong điều kiện có thể. Trên thực tế đã có những bài học từ phản ứng của đồng bào các khu tái định cư về vấn đề này: sau một thời gian tương đối dài tổ chức di dân, đến cuối năm 2008, tại khu tái định cư bản Vẽ thuộc huyện Thanh Chương có 20 hộ dân chưa nhận nhà ở vì quá cao không có nước sinh hoạt, có 2 nhà làm quá thấp nước ngập không ở được, chất lượng một số nhà không đảm bảo. Có 145 hộ của bản Tạ Xiêng (Thanh Hương) chưa nhận đất sản xuất. Công trình nước sinh hoạt ở bản Mà (Thanh Hương) hư hỏng, dân không có nước dùng(2)… Vẫn xem xét trong mô thức văn hoá ấy, ta thấy: việc đặt tên các đơn vị hành chính, trong lịch sử, đều nhằm đảm bảo gắn liền với những giá trị văn hoá tộc người trong niềm tự hào, hoặc trong tín ngưỡng của tộc người ấy, bằng sự đồng thuận của ý chí các cấp quản lí và ý chí của nhân dân. Thực tế cho thấy hiện nay tên gọi đơn vị hành chính ở một số khu vực tái định cư còn chưa đảm bảo được, thậm chí đi ngược yêu cầu này. Thay vì những tên làng, tên bản đậm đà bản sắc văn hoá tộc người như Khe Ngậu, bản Lau, bản Chắn, bản Chà Coong, Hồi Cọ…, ngày nay ta thấy ở các khu tái định cư là những cái tên tân kì, đầy vẻ chữ nghĩa như Tân Lập, Kim Lâm… điều này sẽ góp phần xoá nhoà kí ức dân tộc trong lòng những người dân ở các khu tái định cư.
Mishio Morisima, trong tác phẩm nổi tiếng Vì sao Nhật Bản thành công, đã viết một cách đầy trách nhiệm rằng “Không một nước nào có thể tiến triển được mà lại xem thường quá khứ của chính mình. Quá khứ luôn luôn áp đặt quá trình tiếp theo của đất nước.”(3) Điều đó đúng cho cả các tộc người.
Trong không khí của những nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc ở thời hội nhập, tôn trọng ý chí văn hoá của cộng đồng các tộc người tái định cư là hết sức cần thiết. Vì vậy, cần tính toán thật kĩ càng các giải pháp nhằm đảm bảo tính hệ thống, liên tục của văn hoá tộc người ở đây, tránh tình trạng đặt người tái định cư vào một không gian mà sự tiếp xúc văn hoá trở nên thụ động, một chiều không đối thoại theo kiểu bị xâm lăng văn hoá. Đó chính là một ứng xử văn hoá của văn hoá ứng xử.
 
 
Chú thích
(1) Xem: Nguyễn Hồng Phong, “Văn hoá là nền tảng của sự phát triển”, sách Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1996, tr. 83.
(2) Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kì họp thứ 14 - khoá XV, 08/ 12/ 2008, tr. 5.
(3) Nguyễn Hồng Phong, Sđd, tr. 85
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446625

Hôm nay

2263

Hôm qua

2293

Tuần này

2263

Tháng này

212884

Tháng qua

120141

Tất cả

114446625