Khách mời văn hóa

Trí thức và Nhân sỹ

 
VHNA: Trí thức bao giờ cũng là một cộng đồng có vị trí quan trọng của bất cứ  đất nước nào, quốc gia nào. Trong thời đại ngày nay, trí thức là nguồn động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Lâu nay đã có khá nhiều người tham gia trao đổi xung quanh vấn đề trí thức, từ khái niệm đến thực tiễn, với nhiều ý kiến có thể chưa thống nhất, thậm chí khác nhau. VHNA đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Hồ Bất Khuất về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

 
 Chào anh Hồ Bất Khuất, hình như anh vẫn luôn quan tâm đến giáo dục và giới trí thức. Anh có thể phát biểu gì về vấn đề này?
 
Về vần đề này có thể phát biểu được nhiều thứ lắm. Nhưng trước hết, tôi nói ngắn gọn thế này: Giáo dục và giới trí thức liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu giáo dục có vấn đề, đích thị phẩm chất của giới trí thức cũng có vấn đề.
Anh có thể  nói rõ thêm!
Tôi nghĩ, mấy chục năm qua, Việt Nam chúng ta tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng kết qủa không được như mong muốn, tình hình giáo dục dường như càng xấu đi. Từ hiện tượng này, tôi tìm hiểu, nghiên cứu và phát hiện ra vấn đề còn nghiêm trọng hơn:Giới trí thức Việt Nam hiện nay có hai nhược điểm: Tham và Hèn.
Anh nói như vậy có quá không? Giới trí thức được hiểu là những ai?
Theo tôi nghĩ là không. “Giới trí thức” – Theo cách hiểu của tôi đơn giản và gần gũi với cuộc sống: Đó là những người có kiến thức thực sự tương ứng với bằng đại học trở lên, công tác và hoạt động trong cách lĩnh vực liên quan đến ý tế, giáo dục, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, văn hóa, quản lý kinh tế… Như vậy, phần lớn trí thức Việt nam đồng thời là những quan chức. Tôi biết là khi những trí thức thanh liêm và hào sảng thấy tôi nói hai nhược điểm là tham và hèn sẽ vô cùng tức giận và có thể còn chửi um lên “thằng này láo!”. Tôi xin lỗi vì điều này! Nhưng quan sát cuộc sống mấy chục năm nay, tôi vẫn thấy những người được xem là trí thức của ta (ngoài những ưu điểm lớn như: cần cù, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, biết khắc phục khó khăn…) vẫn có hai nhược điểm lớn đó. Chứng minh điều này không khó chút nào.
Theo tôi được biết thì hiện nay có nhiều cách hiểu, nhiều quan niệm, thậm chí là định nghĩ khác nhau về trí thức. Tôi đồng tình với cách hiểu rằng trí thức phải có những phẩm chất cần thiết như trình độ học vấn, năng lực tư duy, có bản lĩnh, chính kiến về học thuật và về các vấn đề khác của xã hội, có những phẩm chất văn hoá khác để xứng đáng là lực lượng sáng tạo của xã hội. Bởi vậy có thể chưa có bằng đại học vẫn xứng đáng là trí thức, ngược lại có thể có bằng đại học và cao hơn nữa cũng có thể không xứng đáng để được đứng vào đội ngũ, hàng ngũ này. Hơn nữa, trong điều kiện một nền giáo dục “nhộm nhoạm” của nước ta hiện nay, bằng cấp hình như bất lực trong vai trò xác định phẩm chất một con người. Bằng cấp bây giờ nhẹ lắm, nó nặng mùi tiền hơn là tri thức. Không cần đi học vẫn có bằng đại học, bằng tiến sỹ như thường.
Trở lại câu chuyện,  anh thử chứng minh xemcó đúng là trí thức của ta tham và hèn?
Về THAM thì chỉ cần dẫn ra thế này: Có rất nhiều người có bằng cấp cao, thông minh, hiểu biết rộng đã bỏ nghề dạy học để tìm một chỗ đứng trong quan trường. Rồi trí thức của ta vẫn hay suy bì, tị nạnh là thu nhập thấp, không tương xứng với học hàm, học vị. Trong khi đó tôi chứng kiến những ông Viện sỹ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga không quan tâm nhiều đến thu nhập. Số là trước cổng Viện có quán cà phê rất ngon. Các Viện sỹ thường ra đấy thưởng thức. Bỗng một hôm bị đóng cửa. Hỏi ra thì được trả lời: “Chủ quán, thậm chí đến bằng đại học cũng chưa có mà thu nhập lại cao gấp bốn lần Viện sỹ!”. Các Viện sỹ cười mà rằng: “Chẳng hề gì, điều quan trọng là anh ta pha cà phê ngon, phục vụ chúng tôi chu đáo. Cứ để cho anh ta bán!”.
Hình như trí thức thì phải ngông nghênh một chút trong việc tiền nong?! Trí thức của ta rõ ràng là chưa có được phẩm chất này.Thậm chí có những người lòng tham phơi bày ra ngồn ngộn, luôn tìm cách moi tiền. Đó là chưa nói tới những người có nhiều nhà cửa và tài khoản ở ngân hàng nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục vơ vét từng đồng của người nghèo. Hơn nữa, còn có biểu hiện tham của tập thể trí thức. Việc kênh truyền hình K+ đòi tiền người yêu bóng đá, Bộ Y tế rục rịch tăng viện phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng học phí… là mình chứng của lòng tham tập thể.
Còn HÈN thì khỏi phải nói. Hầu như không thấy một công chức hay quan chức phản biện những quyết định sai lầm của cơ quan cấp trên. Đã mấy chục năm nay không thấy xuất hiện người như Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, vì quyền lợi thiết thân của người dân, sẵn sàng làm trái với chính sách của Đảng. Cũng không thấy người như ông Hồng Chương – năm 1987, khi ở cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra ý kiến là báo chí được tranh luận, phê bình khi phát hiện ra Nghị quyết của Đảng sai.
Trước thềm Đại hội Nhà văn, rất nhiều người trải lòng. Tựu trung là trong mấy chục năm qua, văn học Việt Nam không có những tác phẩm xứng tầm cuộc sống. Người ta có thể giải thích theo nhiều kiểu, nhưng nếu các nhà văn của chúng ta không dốt mà vẫn không có những tác phẩm tốt thì rõ ràng là có sự hèn ở đây. Khi người ta hèn, người ta tự tước đi quyền tự do sáng tạo. Nhà văn mà không có tự do sáng tạo thì những thứ viết ra chỉ ngang tầm tuyên truyền viên.
Thưa anh, tôi lại thấy thêm một hiện tượng khác, tất nhiên có thể là biến thể của tham và hèn, đó là sự lưu manh hoá, tầm thường hoá của một bộ phận mà theo như anh nói thì họ cũng là trí thức vì có bằng đại học hoặc cao hơn. Gần đây nhất là nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang - Nguyễn Trường Tô và Phạm Thanh Bình- Chủ tịch HĐQT Vinashin, là tiến sỹ zỏm Nguyễn văn Ngọc - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái...và nhiều vị khác ,,,"chưa bị lộ".  Họ bất chấp tất cả, luật pháp và danh dự.
Thưa anh, anh có tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà trí thức của ta lại mắc phải hai nhược điểm như anh nói không?
Nguyên nhân thì có rất nhiều đấy. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh, môi trường, vì vậy nguyên nhân bao trùm có lẽ nằm ở bối cảnh, không khí, tinh thần, cách tổ chức xã hội mà ta đang sống. Có lẽ trong điều kiện hiện nay, cái THAM và cái HÈN được người trí thức tìm đến để mong có được sự bình yên về tinh thần và bảo đảm về vật chất cho mình và con cái.
 
Đúng là như vậy. Nhưng tôi nghĩ là không chỉ có vậy. Cái anh nói là ở thì hiện tại. Theo tôi, cái tham và cái hèn này nó có nguồn gốc sâu xa hơn tù trong lịch sử. Xa xưa hơn đó là dấu vết tâm lý của một cộng đồng chân lấm tay bùn lại quá nhiều năm, nhiều lần bị bọn ngoại bang đè nén, anh nào cũng muốn nhoi lên cho đỡ khổ. Nhiều lúc biết đấy mà đâu dám nói, dám làm. Lỡ ra mất miếng thì cả nhà treo niêu. Thôi thì ăn theo nói leo cho đỡ khổ, khá hơn thì vinh thân phì gia. Bởi vậy mà ăn theo nói leo gần như trở thành một thuộc tính của một bộ phậnkhông nhỏ người Việt ta, kể cả trí thức và không trí thức. Còn gần hơn là do cái cơ chế xin – cho của thời quan liêu bao cấp. Học hành, bằng cấp, chức tước đều có thể xin – cho được tất. Lại thêm đói khát nữa nên anh nào cũng cố nhoi lên bằng cách đi xin. Mà đã đi xin là hèn rồi.
Chuyện có thể là vậy, nhưng theo anh, có cách gì để trí thức khắc phục dần hai nhược điểm lớn này?
Có chứ! Việc trước hết là đánh thức những phẩm chất tích cực đã tạm ngủ vật vờ đâu đó trong con người trí thức. Đó là khả năng phân tích có phê phán thời cuộc; đưa ra đánh giá là xã hội ta hiện nay đang ở trạng thái nào, cần những gì để tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững để tiến tới một xã hội văn minh… Trên cơ sở này, người trí thức sẽ có lại sự thanh liêm, tiết tháo, hào sảng. Làm được như vậy, trong giới trí thức xuất hiện những người xuất sắc mà tôi gọi là “nhân sỹ”. “Nhân sỹ”, trong quan niệm của tôi là những trí thức không mắc phải hai nhược điểm tham và hèn.
Nếu thế chắc là hiếm “nhân sỹ” lắm. Về nguyên tắc là như vậy, nhưng cụ thể phải như thế nào?
Theo tôi,cụ thể là thế này: Những người có chút học hành, chữ nghĩa hiện nay đã có cơm ăn, nhà ở đừng đặt mục tiêu kiếm tiền cho bản thân mình lên hàng đầu nữa! Cũng đừng sợ nếu phát biểu ý kiến không đúng với ý thủ trưởng thì mất chức, mất việc! Nếu anh là người có khả năng thực sự thì có thể lập công ty riêng mà làm! Với các cá nhân là vậy, còn với cơ quan, tập thể thì cũng phải thay đổi cách tổ chức, cách bầu bán… Đại hội Nhà văn đang diễn ra, đã thấy nhiều ý kiến phát biểu khá thẳng thắn. Tôi rất hy vọng vào những phẩm chất “nhân sỹ” của các nhà văn.
Cứ như anh nói thì có thể là rất khó nhưng cũng có thể là rất dễ. Dễ là vì có thể một vài người có thể rèn luyện có thể làm như anh nói. Khó là vì khi nó đã trở thành bản tính của cả một cộng đồng, một lớp người trong xã hội, nhất là lớp người ưu tú nhất về trí tuệ thì vấn đề sẽ không đơn giản. Các đặc tính này là sản phẩm của lịch sử, của các điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội nên không thể duy ý chí và khuyên nhau rằng phải thế này hay thế khác. Phải chăng là phải "rèn từ trong trứng" cho đến khi "đủ lông đủ cánh", và phải có được một môi trường sạch mới may ra có được một nhân cách trí thức đàng hoàng. Quả thực là nan giải khi muốn hạn chế bớt cái tham và cái hèn như anh nói.
Nhưng mỗi một con người trí thức phải làm thế nào để bớt dần cái tham và cái hèn đi, theo anh?
Lại cần phải trở về với những cái tạo nên người trí thức. Đó là trí tuệ và kiến thức. Đây đó, người ta đang nói tới việc phải xây dựng những “Đặc khu trí thức” để tạo bước đột phá. Nếu vậy, “Đặc khu trí thức” chính là sứ mệnh, đồng thời là tương lai của giới trí thức Việt Nam. Ở đó người trí thức sẽ được hành động đúng với khả năng và lương tâm của mình. Tuy nhiên, “Đặc khu trí thức” hiện nay chưa có.Việc tạo dựng “đặc khu trí thức” phải được nhận thức đầy đủ và rõ ràng. Có một điều được xem như một nguyên tắc, đó là việc thực hiện sự độc lập và quyền tự chủ, tự trị để “đặc khu trí thức” phải là nơi “ngự trị” của trí tuệ; không gian rộng mở của tự do sáng tạo; nơi sự truy vấn diễn ra trọn vẹn và thẳng thắn; nơi sử dụng kiến thức và công nghệ để giải quyết những vấn đề dân sinh.
Như vậy, để hoàn thiện chính mình và để có những đóng góp xứng đáng, giới trí thức nước nhà phải tạo ra cơ sở giáo dục – nghiên cứu kiểu mới với phong cách làm việc mới?
Đúng như vậy. Điều này đang được bàn tán sôi nổi. Tôi chỉ nói thế này thôi: Người trí thức hiện đại phải là người không ngừng học tập. Cốt lõi khái niệm “học tập” của “Đặc khu trí thức” là biến những dữ kiện thành thông tin có ích; biến thông tin thành kiến thức có ích; biến kiến thức thành sự phán xét có ích. Do vậy, quá trình học tập này phải được tiến hành một cách tự do, thoải mái dựa trên cá tính sáng tạo của từng người, từng nhóm người. Học cái gì, học như thế nào là do mỗi cá nhân lựa chọn. Ở đây cần nhớ lại tuyên bố cuả ông  A. D. White – Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Cornell: “Ngành học ra đời từ những nghiên cứu mà người ta ưa thích chứ không phải từ những nghiên cứu mà người ta miễn cưỡng phải làm”. Do vậy, việc quan trọng cần phải làm ngay là giới trí thức phải tìm lại và duy trì sự tự do sáng tạo trong con người anh.
“Đặc khu trí thức”như anh nói cũng là một việc khó. Một nền giáo dục luộm thuộm như hiện nay thì biết đến bao giờ có thể bàn cho ra nhẽ được cái mô hình như anh nói chứ chưa nói đến việc thực hiện. Tôi nghĩ vậy.
Thưa anh, khi anh nói giới trí thức Việt Nam tham và hèn, nghe có vẻ nặng nề và đen tối quá. Nhưng qua lý giải của anh, hình như  mọi việc chưa đến nỗi nào…
Tôi nói trí thức Việt Nam tham và hèn không phải là để chỉ trích, phê phán, lên án, buộc tội mà xem như đây là sự kiểm điểm. Một khi giới trí thức nhìn ra nhược điểm của mình, họ sẽ có cách khắc phục. Khi khắc phục được hai nhược điểm này, họ sẽ có những đóng góp to lớn cho đất nước.
Xin cám ơn anh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn.
Đừng xem tôi là khách! Tôi sinh ra, lớn lên ở Nghệ An, được phát biểu trên VHNA, xem như tôi được trở về nhà. Mà khi ở nhà thì phải nói thẳng, nói thật suy nghĩ của mình chứ.
  
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445816

Hôm nay

231

Hôm qua

2285

Tuần này

21425

Tháng này

212075

Tháng qua

120141

Tất cả

114445816