Khách mời văn hóa

Hội nhập toàn cầu và bản sắc dân tộc

Lời Tòa Soạn:Bà Nguyễn Huỳnh Mai đã học tập và định cư ở Vương Quốc Bỉ từ năm 1968. Bà chuyên về xã hội học và là cựu giảng sư của Đại học Liège. Văn hóa, diễn tiến và giao lưu văn hóa, ... là những đề tài bà đặc biệt quan tâm. Gần đây,  để mở đầu cho một chuỗi thuyết trình về những vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Liège, bà  đã trình bày  về “Hội nhập toàn cầu và bản sắc dân tộc, trường hợp của Việt nam”. VHNA đã nhân cơ hội có cuộc trò chuyện với bà về chủ đề này.

VHNA : Những động cơ nào đã khiến bà chọn chủ đề “Hội nhập toàn cầu và bản sắc dân tộc qua thí dụ của Việt nam” ?

NHM: Nói về Đông Nam Á cho một cử  tọa Bỉ thì phải nói về nhiều khía cạnh lắm. Về tôn giáo chẳng hạn, đạo Hồi (một phần ba dân Đông Nam Á, nhất là ở Indonesia theo đạo Hồi), đạo Phật (tôn giáo thứ nhì với trên 170 triệu tín đồ ở Đông Nam Á), về sự nghèo khổ (trừ Singapore và Brunei là hai nước có sản lượng quốc gia trên đầu người trên dưới 40,000 đô la mỗi năm, các nước khác còn là những nước có thu nhập trung bình, hay thuộc mức nghèo tức là lợi tức bổ đồng trên đầu người chỉ trên dưới 1000 đô la mỗi năm),...

Vấn đề hội nhập toàn cầu trước nhất là một vấn đề kinh tế. Hạn hẹp hơn nữa, là một vấn đề tài chính. Nhưng kinh tế và tài chính kéo theo những ảnh hưởng về văn hóa xã hội.

Đồng thời, bất cứ ai cũng thấy là hiện thời trào lưu tiến triển văn hóa ở Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu hóa,  có nhiều vấn đề.

Ta vẫn nói “ hòa nhập nhưng không hòa tan” nhưng ranh giới giữa hai hiện tượng – hòa nhập và hòa tan - này không rõ ràng. Một hòa nhập ... vội vã có thể làm mất bản sắc, Vì thế nào là hòa nhập? những phương thức hòa nhập ?  hay những “hiễm nguy” của hòa nhập ? ...

Hội nhập toàn cầu, đi từ toàn cầu hóa, mondialisation theo tiếng Pháp hay globalization theo tiếng Anh, đúng ra là gì ? Ngay tới dân ở Bỉ cũng chỉ biết mang máng. Bắt đầu bằng khái niệm toàn cầu hóa lại là một phương thức nhẹ nhàng để chuẩn bị cho một cử tọa người Âu tiếp cận những khái niệm trừu tượng và xa lạ đối với họ như văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật hay tín ngưỡng ở Đông Nam Á, chủ đề của những thuyết trình tiếp theo.

VHNA : Bà định nghĩa thế nào về  toàn cầu hóa ?

NHM :  Một cách dữ dội, khi các xí nghiệp đa quốc gia nói về toàn cầu hóa, mondialisation, họ nghĩ ngay tới thị trường. Đúng rồi, riêng với Đông Nam Á chẳng hạn, đó là một thị trường tiềm năng có đến 600 triệu người tiêu dùng. Khai thác một thị trường mới là ao ước của bất cứ nhà sản xuất nào. Chưa hết, Đông Nam Á còn là một thị  trường cung cấp nhân công rẻ, rẻ hơn  nhân công Trung quốc.

Ít ồn ào hơn nhưng, cũng như “mưa dầm thấm lâu”, toàn cầu hóa  kéo theo nhiều biến đổi văn hóa quan trọng, cho cả hai phía, Đông và Tây. Trào lưu dân chủ là một hội nhập văn hóa chẳng hạn.

Định nghĩa  toàn cầu hóa  bắt ta phải đi từ lịch sử.  Đế quốc La mã đã là một hình thức toàn cầu hóa, hơn hai ngàn năm trước. Chế độ thuộc địa, Pháp, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, Hà lan, ... đi chiếm đất và mang về mẫu quốc những tài nguyên của các vùng lãnh thổ bị thuộc cũng là một hình thức toàn cầu hóa. Hiện vấn đề toàn cầu hóa đa dạng hơn vì nó bao gồm nhiều khía cạnh, nhất là về văn hóa, và gồm những thay đổi hay  ảnh hưởng đa phương.

VHNA: Để có thể nắm được bản chất của mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và bản sắc dân tộc, bà có thể nói rõ hơn về quan niệm của mình về khái niệm bản sắc dân tộc?  Bản sắc dân tộc có bất biến hay cũng là thay đổi bởi thời gian hoặc không đồng nhất bởi các cách tiếp cận khác nhau?

NHM: Phần thứ nhì của câu hỏi dễ trả lời hơn, tôi bắt đầu từ đó : bản sắc dân tộc nói riêng hay văn hóa nói chung không bất biến mà thay đổi với thời gian, với hoàn cảnh và với những giao lưu văn hóa.

Văn hóa là tổng thể những cách làm mà cộng đồng xã hội đã sáng chế ra để trả lời tốt nhất và để sống tốt nhất trong môi trường vật chất và xã hội.

Từ định nghĩa này văn hóa không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải do một cơ quan quyền lực ấn định mà văn hóa đi từ dân tình trong bối cảnh thiên nhiên, địa lý, lịch sử, .... Cách sống, cấu trúc tổ chức và sinh hoạt xã hội, trật tự trên dưới, luật lệ và các giá trị phải tuân thủ, ... cộng đồng tùy cơ ứng biến giỏi lắm – để sống chung với nhau và để trường tồn.

Lấy thử thí dụ của câu ca dao khôi hài:

Nhất sĩ nhì nông

Hết gạo chạy rong

Nhất nông nhì sĩ

chính là để  giảm thiểu phần nào cái thứ tự cứng nhắc của bốn giai cấp sĩ, nông, công, thương.

Tôn ti trật tự trong xã hội là tùy thời, tùy hoàn cảnh và chúng ta có thể tin cậy trên khả năng đối ứng của “sự khôn ngoan xã hội”.

Một thí dụ khác :

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” mà dù trước đó, phụ nữ được giáo dục phải“đi nhẹ nói khẻ”, hết“tại gia tòng phụ” tới“xuất giá tòng phu” “phu tử tòng tử” là thí dụ thứ nhì.

Nhưng, với giao lưu văn hóa, tiếp cận với các văn hóa khác, ta lại thay đổi để hợp thời hợp cảnh, cái kiểu “Đi với bụt mặc áo cà sa. Đi với ma mặc áo giấy”.

Một tổng thể, với những bản sắc dân tộc vững chắc giúp ta  không bị “mất gốc” trong các giao lưu văn hóa, nhất là ở thời đại toàn cầu hóa thông tin.

Bản sắc dân tộc là những gì mà ta thừa hưởng từ ông cha ta, cái làm cho ta không giống Tây mà cũng không giống Hàn hay Trung Quốc. Đó là một định nghĩa rất rộng nhưng được cái là nó nói lên được yếu tố truyền thống, những cấu thành đã được tôi luyện và vẫn giữ được giá trị qua năm tháng – dù là có bị toàn cầu hóa, dù là vẫn tiếp xúc giao lưu với các văn hóa khác.

VHNA : Xin bà “cắt xé” hiện tượng toàn cầu hóa và cho biết những giai đoạn của phương trình.

NHM : Dưới một mảnh áo đơn giản “toàn cầu hóa là bải bỏ những ranh giới địa lý hay ranh giới luật định, nhất là về thuế vụ cho xuất nhập khẩu”, toàn cầu hóa thật ra là một phương thức, theo OCDE, Tổ chức Hợp tác quốc tế cho Phát triển Kinh tế, gồm ba giai đoạn :

. giai đoạn đầu là giai đoạn xuất cảng hàng hóa ra nước ngoài, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

. giai đoạn thứ nhì, xuất cảng cả đầu tư. Đem nhà máy ra nước ngoài, ở những nơi mà nhân công rẻ, để sản xuất. Dù thế nào đi nữa thì sản phẩm cũng sẽ gửi đi bốn phương để bán. Giai đoạn này làm yếu đi kinh tế và tăng thất nghiệp ở các nước giàu nhưng giúp cho các nước nghèo, ít nhất là một phần, mở mang kinh tế mình, tăng công ăn việc làm.

. giai đoạn thứ ba, là sự quảng bá các phương tiện thông tin mà internet là thí dụ dễ thấy nhất – nhờ đó toàn cầu hóa các “lưu thông” tài chính.

Diễn tả ngắn gọn như thế, nếu một nhà kinh tế nào đó đọc những dòng trên, ông hay bà ấy sẽ chê là sơ sài và đơn giản quá độ. Nhưng chủ ý ở đây là nói lên sự cần thận trọng trước vấn đề toàn cầu hóa. Không phải toàn cầu hóa là tốt hoàn toàn. Tốt thật, nhưng chỉ tốt, chỉ làm giàu cho một số người.

VHNA: Toàn cầu hóa thì văn hóa đi trước hay kinh tế, và chính trị đi trước các các mối quan hệ song phương, và đa phương?

NHM: Kinh tế đi trước là chắc chắn rồi. Tôi đã làm cả giảng đường cười rộ khi định nghĩa, một cách khôi hài,  toàn cầu hóa bằng Coca cola hóa hay Mac Word hóa (Mac Donald và Microsoft Word). Không cần phải đi xa, ở Sai gon, ở Hà nội, giới trẻ có phương tiện một tí thích đi ăn ở các tiệm ăn nhanh, uống bia hay nước ngọt ngoại quốc. Cứ thể như thế mới là ... đẳng cấp. Đó là một thí dụ hùng hồn chứng tỏ hiệu quả văn hóa của tiếp thị kinh tế của các ông trùm xí nghiệp đa quốc gia.

Hiệu quả thành văn hóa vì nó đi vào nếp ăn lối sống của dân tình. Nhưng cái chính là bán được hàng, tức là kinh tế. Giới trẻ quả là thành phần không ... cẩn mật và bị mê hoặc  lúc nào không hay.

Hiện tượng này (kinh tế đi trước, văn hóa theo sau đó để củng cố sức mạnh kinh tế) nằm trong giai đoạn một của quá trình toàn cầu hóa mà OCDE đã giải thích. Đó không phải là một liên hệ song phương hay đa phương gì hết mà đúng nghĩa là một hành động chiếm thị trường. Ngay đến ở một nước chưa giàu như Việt Nam, Louis Vuitton vẫn bán được sản phẩm của họ.

Trung bình, một công nhân ở Việt Nam phải đi làm ít nhất là mười năm mới mua được sản phẩm rẻ nhất của hiệu này. Có món giá lên đến tương đương lương của một công nhân trong 100 năm. Nhưng Louis Vuitton hay các thương hiệu tương tự thành công vì sản phẩm của họ nằm trong mơ ước của dân tình. 

Tới giai đoạn thứ nhì của toàn cầu hóa, các nhà máy công nghệ được xuất cảng sang các nước nghèo, không phải để giúp các nước này phát triển mà là để lợi dụng cái giá rẻ của nhân công. Rốt cuộc, với toàn cầu hóa, ta sản xuất cho các nước giàu, ta hứng chịu tất cả ô nhiểm mà các sản xuất này kéo theo nhưng ta không được đền bù thỏa đáng.

Mac Donald đầu tư cho nuôi heo bò ở Thanh Hóa chẳng hạn – rồi «xuất cảng», từ Việt nam đi khắp nơi, thịt hamburger đông lạnh. Như thế họ không phải giải quyết vấn đề phân heo bò làm ô uế môi trường ở Mỹ !

Về chính trị, ở Đông Nam Á, các quốc gia phần đông là  khư khư giữ chặt những đặc thù về thể chế chính trị của mình và rất thận trọng trong việc “mở cữa”. Xã hội dân sự ở các nước này chưa có nhiều sinh hoạt và chưa có sức mạnh như những tổ chức tương tự ở Âu Mỹ.

Nhưng cái “bế quan tỏa cảng” chính trị  càng ngày càng gặp khó khăn vì toàn cầu hóa, ở giai đoạn thứ ba, cũng theo OCDE, là toàn cầu hóa các phương tiện thông tin – internet chẳng hạn-   Thế giới thành như một làng và trên Facebook ta có thể có bạn ở cách xa ta vạn dặm. Theo nhiều tác giả, khuynh hướng dân chủ là một trong những kết quả của toàn cầu hóa.

VHNA: Trở lại với vấn đề văn hóa ở Việt Nam, bà có nhận xét gì?

NHM: Văn hóa Việt Nam là một vấn đề lớn. Chúng ta là con rồng cháu tiên với truyền thuyết Lạc Long quân và Âu cơ, chúng ta có bốn ngàn năm văn hiến, mấy ngàn năm giữ nước và dựng nước, với ảnh hưởng của Khổng giáo và Phật giáo, ...Hai mươi năm gần đây, chỉ hai mươi năm thôi nhé, thế mà bao nhiêu biến chuyển ! Vì toàn cầu hóa ? vì hội nhập ?

Nếu bây giờ ra đường, gặp bất cứ một thanh niên hay thanh nữ ở độ tuổi 18-22 và hỏi cô hay cậu ấy

            . 3 món ăn đặc biệt của vùng

            . 3 tác giả văn chương thế kỷ thứ XX

            . 3 thành ngữ phổ thông Việt nam

            . 3 tôn giáo chính của người Việt

không chắc giới trẻ có thể trả lời dễ dàng. Ấy, những câu hỏi đó thường dùng để “đo” bản sắc, để xem trong chừng mực nào giới trẻ, dù hội nhập, vẫn nắm vững bản sắc dân tộc mình (dưới 50% không trả lời được là đáng báo động).

Vì hội nhập mà không còn bản sắc thì không khác chi “bán linh hồn cho quỉ sứ”. Đó là một cách nói. Ta không bán linh hồn cho ai hết nhưng không còn bản sắc thì hội nhập có khả năng là một hội nhập phiến diện, một kiểu quạ mặc áo đủ màu, hết đen nhưng chưa hót được như chim vẹt.

Rời thí dụ về Việt Nam, một cách khái quát, hội nhập văn hóa có thể theo hai hình thức

            . hoặc là sự thống trị của mẫu văn hóa được xem như văn hóa mạnh (văn minh Âu, Mỹ, Hàn)

            . hoặc  là sự kết hợp của hai văn hóa – văn hóa cổ truyền của xứ sở và văn hóa toàn cầu qua các phương tiện thông tin.

VHNA: Bà muốn nói là hiện ta bị thống trị văn hóa ?

NHM:  Tôi chưa đi đến kết luận đó. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mỗi văn hóa là một kho tàng vô giá về kinh nghiệm sống, về cái khôn ngoan của dân tình, về đạo đức, về cách làm người sống trong xã hội. Kho tàng đó là tổng thể những cách xữ sự, sinh hoạt, ... thích hợp nhất cho mỗi xã hội, hợp thời hợp cảnh, đồng thời giúp cho xã hội ấy sinh hoạt nhịp nhàng để mà trường tồn.

Thử tưởng tượng vì một lý do nào đó, ta liệng đi cái kho tàng vô giá đó thì xã hội sẽ ra sao ?

Không đến nổi liệng đi, nhưng “xáo trộn” vì nhập vào đó những yếu tố bên ngoài thì nhiều khi cũng đủ làm lung lay cả nền văn hóa.

Theo quá trình toàn cầu hóa, như ta vừa nói trên, sự áp đặt có chứ. Nước giàu áp đặt “bắt” ta mua sản phẩm của họ, áp đặt bắt ta sản xuất dưới thương hiệu của họ, áp đặt ta theo văn hóa họ (The voice, American Idols, ... không là những áp đặt văn hóa thì là gì ? Những tiêu chỉ về sắc đẹp phụ nữ nữa : các cô phải chân dài, da trắng, mũi  cao ! Đó là những tiêu chỉ bắt chước  phụ nữ Âu Mỹ).

VHNA: Tôi có thể giúp bà chỉ dẫn ra rất nhiều hiện tượng khác tương tự. Ví dụ như bây giờ tivi Việt nam mà cứ tưởng là các kênh phim giải trí của hàn Quốc hay Trung Quốc chẳng hạn. Rồi không hiểu từ đâu, khoảng 10 năm nay lại rộ lên việc giới trẻ đua nhau tôn sùng thần tượng này, thần tượng nọ. Phần lớn là thần tượng ngoại mới đáng lo hơn. Nhưng thưa bà, vấn đề là tại sao họ áp đặt được và tại sao ta bằng lòng chịu áp đặt ?

NHM: Họ áp đặt được, cái chính, là vì họ có phương tiện để áp đặt. Tiền và  truyền thông. Nhưng bên cạnh đó, có thể vì văn hóa ta trong bối cảnh nào đó, bị lung lay, có kẻ hở, nên văn hóa khác xâm nhập dễ dàng. Cũng có thể vì một số người có quyền quyết định chấp nhận sẳn sàng làm công cụ cho sự áp đặt hay thống trị đó.  Thật tình mà nói, có lẻ tất cả các lý do đó đã góp sức lại và mang áp đặt văn hóa nước ngoài vào Việt nam.

Dân tình theo vì dân tình dễ bị ru ngủ. Dân tình theo vì các phương tiện truyền thông có vạn năng và giỏi làm dân tình mê muội.

Câu trả lời của tôi có thể quá ngắn gọn nhưng cụ thể, muốn áp đặt qua các kênh tivi rất dễ. Chẳng hạn chỉ cần phá giá các soap movies – những phim tình cảm ướt át – Trung quốc hay Hàn - trong giai đoạn đầu. Sau đó, khi khán giả đã nghiện rồi thì tha hồ cho tăng giá. Hay họ lót đường cho những người có trách nhiệm chương trình. Cộng vào đó, các nhà tài trợ nữa, họ tài trợ để tiếp thị hàng của họ. Mà một trong những “mánh” của quảng cáo là khai thác những  bản năng sơ khai nhất của con người nên họ sẳn sàng tài trợ và tài trợ nhiều cho những chương trình ...hạ cấp . Rốt cuộc, thay vì ...nâng cao dân trí, các kênh truyền hình, trong chừng mực nào đó,  thành một dụng cụ làm ...ngu dân.

Ở Bỉ, cho tới những năm 1990, các kênh truyền hình của quốc gia không được quyền có quảng cáo, trực tiếp hay gián tiếp. Gần đây, quảng cáo được phép nhưng tỉ lệ thời gian phát sóng của quảng cáo, kể cả quảng cáo qua hình thức tài trợ, không được quá 1/20  thời lượng. Dùng tiền thuế dân đóng thì phải phục vụ dân chớ không phục vụ cho kinh doanh thương mại. Bên cạnh đó, có những kênh tivi tư nhân, họ tự bươn chải lo ngân sách và tự do tìm quảng cáo nhưng họ không dùng tiền của dân.

Vấn đề thần tượng và “khùng” vì thần tượng từ giữa thế kỷ trước tới nay, xã hội nào cũng có. Cái khác là ở mức độ.

Nhìn giới trẻ ở Việt nam si mê các thần tượng Hàn quốc chẳng hạn tôi không khỏi nghĩ tới các hiện tượng tương tự ở châu Âu hồi khoảng thập niên 1960.  Có thể vì các em ấy đã không được xã hội hóa một cách tròn vẹn để tự tin nơi giá trị và bản sắc của mình. Đồng thời các em bị áp đảo bởi báo chí truyền thông về các mẫu thần tượng. Làm sao nói với các em rằng các thần tượng ấy là những người được hệ thống truyền tin tô vẽ để kinh doanh bằng cách bóc lột sự cả tin hay thiếu cẩn mật của các em ?

Muốn điều đó, có nhiều cách lắm:

. cho môn xã hội học vào chương trình trung học phổ thông và cơ sở để cho các em đủ hành trang để có khả năng phân tích các hiện tượng vây quanh các em.

. tranh thủ để những người quản lý các phương tiện truyền thông có tâm hơn

. vận động để cha mẹ gia đình các em giúp các em tự tin ở giá trị bản thân

Đồng thời ta cần rất nhiều phản biện trong xã hội để cho dân tình có lựa chọn trong thông tin. Để dân tình suy nghĩ trước khi quyết định theo đường hướng này hay đường hướng khác.

VHNA: Làm sao để có thể “kết hợp văn hóa”, từ mà bà vừa kể trên ?

NHM: Các văn hóa khác nhau có những bản sắc khác nhau vì nhiều lý do, vừa lịch sử, địa lý, cấu thành nhân chủng, ...nhưng không văn hóa nào hoàn toàn độc lập với các văn hóa khác vì chúng ta cùng sống trên một địa cầu, chúng ta gặp nhau, trao đổi ảnh hưởng với nhau. Không phải đợi tới toàn cầu hóa của thế kỷ thứ XX mà từ ngàn xưa, ông cha ta đã sống chung hòa bình với những văn hóa khác nhau (văn hóa của vùng miền trong một quốc gia, văn hóa thành thị hay văn hóa nông thôn, văn hóa của những giai cấp khác nhau trong cùng một xã hội, văn hóa của người cao tuổi hay văn hóa của thanh niên, ... xa hơn nữa là sự tiếp cận văn hóa qua trung gian của những lái buôn),

Kết hợp văn hóa là “biết người và biết ta”. Co giản áp dụng cả hai văn hóa.

Phải nói là bất cứ văn hóa nào cũng có cùng một chủ đích: cách làm tốt nhất để sống trong môi trường - môi trường vật chất và môi trường xã hội. Phương thức có thể khác nhau nhưng cốt cách giống nhau. Thế nên kết hợp văn hóa không là một vấn đề khó.

Hình thức đám cưới chẳng hạn. Bên ta, hai vợ chồng trẻ lạy bàn thờ tổ tiên trong khi bên Tây, họ ra nhà thờ để được thừa nhận. Cả hai hình thức đều nhấn mạnh một điều : đám cưới giữa hai người trẻ là một chuyện trọng đại cần sự chứng giám của người sống và của những quyền lực vô hình.

Kết hợp văn hóa cũng là cách tốt nhất để vừa hội nhập vừa giữ bản sắc.

Một thí dụ: trong những năm 1980, ở Bỉ, người ta quan niệm rằng muốn cho con cái những người ngoại quốc định cư ở Bỉ thành công tốt hơn ở trường, cha mẹ chúng nên nói tiếng Pháp ở nhà. Rốt cuộc, trẻ không nói được tiếng mẹ mà tiếng Pháp cũng “chơi vơi” vì cha mẹ chúng không giỏi tiếng Pháp làm sao “dạy” chúng tiếng Pháp được? Từ những năm 2000, chúng tôi nhấn mạnh là phải để trẻ người nhập cư nói tiếng mẹ giỏi – làm chủ được tiếng mẹ chúng sẽ phát triển được cấu trúc não bộ để sẳn sàng tiếp thu một ngôn ngữ thứ hai, tiếng của nước nơi chúng định cư.

Qua kinh nghiệm ở Bỉ, hàng rào ngôn ngữ không quan trọng bằng khả năng quán triệt ngôn ngữ và ở trường tiểu học, chúng tôi tổ chức những lớp dạy thêm tiếng Ả rập cho học trò chẳng hạn.

VHNA:Tôi có thể hiểu khái niệm kết hợp của bà như cách nói trong nước lâu nay là “tiếp thu có chọn”, hoặc cao hơn là “tiếp biến văn hóa”… Bị áp đặt văn hóa thì sao ? Bà có quan sát các hiện tượng này trên thế giới? Bản chất và biểu hiện của tình trạng này?

Tiếp biếnvăn hóa rất hay. Tức là tiếp nhận và biến chuyển những yếu tố bên ngoài vào nhưng có sự cân nhắc, lựa chọn, làm cho nó hài hòa, phù hợp với những cái cốt lõi văn hóa của ta, để nó trở thành là văn hóa của ta.

Một thí dụ rất bếp núc nhưng rất sáng tỏ : trong nghệ thuật đặt bàn ăn ở trời Âu, cao sang là dùng ly bằng pha lê, dao nĩa bằng bạc. Nhưng gần đây, các món Á lan tràn sang Âu Mỹ, Christoffe,  một nhà sản xuất dao nĩa, đã sản xuất đũa bằng bạc với kiểu – design -  châu Âu. Tức là dân quí tộc, dân thanh cao tao nhã, cũng tiếp khách ăn cơm với đũa nhưng đũa Christoffe.

Ngược lại, bị áp đặt lâu ngày có thể đi đến biến mất.

Thí dụ điển hình nhất là các thổ ngữ. Ở miền nam nước Bỉ, tiếng Wallon, còn nói cách đây 50 năm, gần như hoàn toàn biến mất. Tức là mất luôn cả kho tàng văn chương, kịch và tuồng  bằng tiếng Wallon ! Tất cả chỉ vì tiếng Pháp, từ vài thế kỷ nay, được xem là tiếng nói của văn minh, của hiện đại.

VHNA: Và ở Việt nam, bà thấy biểu hiện này không?

NHM: Hiện có lẽ chưa có nghiên cứu về tình hình văn hóa Việt Nam trước hiện tượng toàn cầu hóa. Dĩ nhiên, như một số người khác đã lên tiếng,  tôi lo ngại cho những mai một, nhất là cho kho tàng văn hóa dân gian.

Hôm thuyết trình vừa rồi tôi  có đưa  hai ảnh minh họa cho bản sắc Việt Nam để kết luận một cách nhẹ nhàng buổi nói chuyện. Hai ảnh đó,  con trai tôi đã chụp ở Hội An và ở Huế.

Ảnh đầu chỉ là những lồng đèn, nhiều màu lung linh. Ánh sáng là một cái gì huyền bí, soi đường cho ta đi, làm rạng rở cả những gì đen tối nhất. Lồng đèn cũng là một chiến thắng trên thiên nhiên giúp ta sống khi mặt trời khuất bóng. Những chùm lồng đèn còn có ý nghĩa là ngày hội, ngày vui.

Cái ảnh thứ nhì, cũng đơn giản, chỉ là một chậu sứ màu đen đầy nước trồng lá xanh. Yên tỉnh, thiền, như Phật đã dạy ta.

VHNA: Thưa bà, văn hóa trong/và toàn cầu hóa đã được quan tâm và nghiên cứu rất nhiều và khá sớm ở Việt Nam. Dễ chừng có vài trăm cuộc hội thảo với các quy mô khác nhau về nó. Tuy nhiên, khoa học vẫn là khoa học. Nó hầu như chưa được mở đường vào cuộc sống. Quan điểm là rõ ràng nhưng thực tiễn cuộc sống nó khác. Tiềm lực, công năng văn hóa của chúng ta chưa đủ mạnh để hoặc khẳng định sự vượt trội bởi các giá trị độc đáo, riêng có của mình. Và hình như các nhà lãnh đạo và quản lý văn hóa, nhất là lãnh đạo giới truyền thông còn có tâm lý trọng ngoại, bái ngoại. Cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi rất thú vị, và chúng tôi nghĩ là rất có ích cho nhiều người.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528611

Hôm nay

2267

Hôm qua

2291

Tuần này

2884

Tháng này

215307

Tháng qua

0

Tất cả

114528611