Khách mời văn hóa

Văn hóa các dân tộc thiểu số nhìn từ lý thuyết Trung tâm – Ngoại vi

Lời Tòa Soạn: Văn hóa các dân tộc thiểu số trong tổng thể văn hóa quốc gia - dân tộc luôn là một vấn đề được các nhà nước và các nhà nghiên cứu quan tâm cả trong chiều lịch đại và đồng đại. Lý thuyết trung tâm - ngoại vi từ lâu đã được xem như một phương pháp để tiếp cận vấn đề này. Trong khuôn khổ có hạn, Văn hóa Nghệ An đã tổ chức bàn tròn về đề tài này với nhà thơ Inrasara [dân tộc Chăm], nhà văn Vi Hợi [dân tộc Thái] và tiến sĩ Nguyễn Duy Bình.

PV: Khi nghiên cứu về văn hóa, từ trước đến nay đã có rất nhiều người quan tâm đến vai trò của các nền văn hóa trong tổng thể sự phát triển văn hóa nhân loại cũng như văn hóa của các cộng đồng đối với văn hóa một dân tộc, quốc gia. Chúng tôi không có tham vọng tổ chức một cuộc trao đổi sâu sắc về văn hóa các cộng đồng các dân tộc thiểu số đối với văn hóa dân tộc hiện nay nhìn từ lý thuyết trung tâm - ngoại vi mà chỉ muốn vận dụng một số quan điểm của nó để nhận thức khách quan hơn về vấn đề. Dẫu sao chúng tôi vẫn muốn đề nghị các ông cho một vài ý ngắn gọn nhất giới thiệu về nội dung khái niệm trung tâm - ngoại vi từ góc độ văn hóa hay là nhân học văn hóa.

Inrasara: Vấn đề trung tâm - ngoại vi là hiện thực của thế giới, ở mọi lĩnh vực. Cả trong văn hóa. Tôi không cho dân tộc nào đó ưu việt về về lĩnh vực nào đó. Có, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào cơ duyên lịch sử, sau đó được truyền thống bồi đắp lên. Từ ưu thế địa lí, vùng đất nào đó thu hút tài năng, phát triển kinh tế và dân số, sau đó trở thành trung tâm chính trị, quyền lực và văn hóa cả nước hay khu vực. Nó trở thành “trung tâm” và lan tỏa đến các vùng còn lại. Các vùng “ngoại vi”, trên nền tảng văn hóa “bản địa” của mình, nhận sự lan tỏa ấy, và tùy nội lực mà thâu thái và chế biến thành của riêng. Tôi ủng hộ sự khác biệt đó.

 Nguyễn Duy Bình: Văn hóa là kết cấu các hệ thống có thứ bậc. Các hệ thống này luôn xung đột với nhau để choán ngự vị trí trung tâm. Những hệ thống ở trung tâm thường được điển phạm hóa và mang tính thủ cựu, thủ cựu để cố thủ tại trung tâm. Nhưng các hệ thống ở ngoại vi không bao giờ cam chịu thân phận ngoài lề, chúng luôn cố gắng cách tân, tự hoàn thiện mình để xích dần về phía trung tâm hoặc tạo ra một trung tâm khác ở vùng ngoại biên. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng vận dụng lý thuyết này vào việc nghiên cứu vị thế của văn hóa dân tộc thiểu số.

PV: Trong lịch sử có trường hợp nào cộng đồng tộc người là thiểu số nhưng văn hóa lại đóng vai trò trung tâm? Tại sao lại có hiện tượng này?

Ông Nguyễn Duy Bình: Ở đây cần xác định vai trò trung tâm là như thế nào, trong phạm vi nào. Thường thì người ta định kiến cho rằng cái gì thiểu số là ngoại biên và cái gì đa số là trung tâm, số đông luôn luôn áp đảo, ý chí tập thể luôn đúng. Tôi cho rằng cần hiểu sâu hơn về khái niệm đa số và khái niệm thiểu số. Dù gì đó cũng chỉ là “số lượng” chứ không phải “chất lượng”. Còn phải xem tư tưởng của người đầu đàn là như thế nào, các yếu tố tác động đến quan điểm của “đám đông” đó ra sao. Theo tôi, xuất phát điểm của các dân tộc trên thế giới đều là dân tộc thiểu số cả thôi. Không có dân tộc nào “bẩm sinh” đã là đa số.

Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng văn hóa thiểu số có thể đóng vai trò trung tâm. Thế kỷ 16, Pháp xâm chiếm Italia nhưng trào lưu phục hưng tại Pháp lại chịu ảnh hưởng phong trào Quattrocento của nước mình xâm lược. Khởi phát từ đó, Pháp đã trở thành trung tâm văn hóa Châu Âu vào thế kỷ 17, 18. Tôi lại nhìn văn hóa Italia ở góc độ khác, không phải nó bị thống trị, bị đẩy ra vùng ngoại vi mà trung tâm của nó đã dịch chuyển sang nước Pháp.

Inrasara: Đây là hiện tượng có, nhưng hiếm. Và luôn bị trung tâm nuốt chửng.

Nhìn rộng ra thế giới, dù La Mã là kẻ chiến thắng, nhưng chính La Mã bị văn hóa Hi Lạp thuyết phục. Ở Đông phương, trong giai đoạn lịch sử nhất định, Nhật Bản nhận sự “lan tỏa” từ văn hóa Trung Quốc, nhưng họ đã vượt lên. Trong phạm vi Việt Nam, văn hóa Champa là trường hợp đặc biệt. Lĩnh vực văn chương, tỉnh lẻ Bình Định từng là “trung tâm” của Thơ Mới, và rồi sau đó không lâu, khi các tài năng kia hút về trung tâm văn học ở hai đầu đất nước, nó trở thành “ngoại vi”. 

PV: Vậy chúng ta cần định vị văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay như thế nào trong tổng thể nền văn hóa quốc gia - dân tộc Việt Nam? Trung tâm hay ngoại vi?

Inrasara: Dù trung tâm luôn thu hút nhân tài, bản sắc từ ngoại vi, tái lên khuôn và tái cung cấp khuôn đó cho ngoại vi, tôi cho rằng các nền văn hóa ngoại vi là rất quan trọng. Do đó tôi cho tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại là rất cần thiết cho Việt Nam ngày nay, một đất nước giàu sang vô cùng về văn hóa dân tộc thiểu số-bản địa. Chú ý, tôi nói giải trung tâm, chứ không phải hủy trung tâm. Nhiều “trung tâm” văn hóa nhỏ và khác biệt sẽ làm làm giàu sang văn hóa một đất nước, đồng thời tiếp tục cung cấp cho trung tâm lớn hơn.

Vi Hợi: Trong quá trình hình thành một không gian địa - văn hóa nào  đó thì vai trò của trung tâm là hết sức quan trọng. Nó vừa chứa đựng các đặc trưng văn hóa của vùng vừa tạo nên động năng trong phát triển, có sức thu hút, lan tỏa văn hóa và tất nhiên nó quy định xu hướng phát triển của toàn bộ vùng văn hóa. Những điều kiện cần thiết để trở thành một trung tâm văn hóa, trước nhất phụ thuộc vào hoàn cảnh địa lí tự nhiên thuận lợi để định hình một hay nhiều hướng khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế, là đầu mối các con đường giao thông thủy và bộ, nơi tập trung dân cư và động năng lớn trong phát triển dân số, là trung tâm chính trị và quyền lực... Nền tảng tự nhiên, kinh tế, xã hội và chính trị đó tạo nên sự năng động trong thu hút, lên khuôn và lan tỏa văn hóa tới các vùng ngoại vi.

Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa các dân tộc thiểu số chưa trở thành đại diện (trung tâm) của nền văn hóa quốc gia - dân tộc Việt Nam nhưng có thể khẳng định rằng văn hóa các dân tộc thiểu đã và sẽ tiếp tục làm cho các giá trị văn hóa Việt Nam thêm rực rỡ hơn, nói như vậy có nghĩa là dẫu có thể chỉ là ngoại vi nhưng văn hóa các dân tộc thiểu số có tác động khá mạnh mẽ tới các yêu tố văn hóa trung tâm.

PV: Một cái nhìn lịch đại, theo các ông thì đã có văn hóa của tộc người nào trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đã từng là trung tâm? Văn hóa Chăm có phải là một trường hợp?

Inrasara: Văn hóa Champa một thời lẫy lừng, ở lĩnh vực và khía cạnh nào đó còn vượt trội Đại Việt. Quá trình lịch sử, người Kinh đã nhận rất nhiều từ nền văn hóa này, từ kiến trúc, điêu khắc cho đến âm nhạc dân tộc, vân vân. Sau khi vương quốc Champa tan rã để hòa nhập vào đất nước Việt Nam thống nhất vào đầu thế kỉ XIX, người Chăm vùng Pangdurangga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) vẫn còn là trung tâm văn hóa lớn, gần như độc lập trong đất nước Việt Nam. Dẫu sao đó là chuyện của quá khứ rồi. Nửa thế kỉ qua, văn hóa Chăm đang chịu sự tác động mạnh từ văn hóa dân tộc Kinh.

Nguyễn Duy Bình: Champa đã từng là một vương quốc độc lập, do vậy dân tộc Champa vốn không phải là dân tộc thiểu số. Văn hóa Champa đã chiếm vị trí trung tâm vì là nền văn hóa chính thống của đất nước Champa. Giờ đây, vương quốc Champa không còn nữa và văn hóa Champa nằm trong một chỉnh thể khác lớn hơn, chỉnh thể văn hóa Việt Nam. Hai nền văn hóa tiếp xúc với nhau, xung đột, giao thoa với nhau và dĩ nhiên sự tiếp biến văn hóa là không tránh khỏi. Văn hóa Champa có mai một là điều ít ai ngạc nhiên, đó là xu thế mang tính tất yếu. Nhưng tinh hoa văn hóa Champa vẫn có sức cuốn hút rất lớn đối với người Kinh và thậm chí ảnh hưởng tới văn hóa người Kinh. Tôi không phải là chuyên gia văn hóa Champa nhưng tôi nghĩ nghiên cứu về ảnh hưởng của văn hóa Champa tới văn hóa Việt Nam là một hướng nghiên cứu khả thi.

PV: Vậy trường hợp văn hóa của người Thái thì sao, nếu nhìn từ lịch sử xa xưa của nó đến bây giờ?

 Vi Hợi: Theo tác giả David Wyatt, trong cuốn “Thailand: A short history”, người Thái xuất xứ từ phía Nam Trung Quốc, có cùng nguồn gốc với các nhóm dân ít người bây giờ như Choang, Tày, Nùng. Dưới sức ép của người Hán và người Việt ở phía đông và bắc, người Thái dần di cư về phía Nam và Tây Nam. Người Thái di cư đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỉ 7 đến thế kỉ 13. Trung tâm của họ khi đó là Mường Thanh (Điện Biên Phủ ngày nay). Từ đây, họ tỏa đi khắp nơi ở Đông Nam Á bây giờ như Lào, Thái Lan, bang Shan ở Miến Điện và một số vùng ở Đông Bắc Ấn Độ cũng như Nam Vân Nam.

Ngày nay, về dân số tộc người Thái đứng vị trí thứ 3 và có mặt ở tất cả các tỉnh, thành trong nước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Sơn La (chiếm 53,2% dân số toàn  tỉnh và 36,9% tổng số người Thái ở Việt Nam), tiếp đến là Nghệ An, chiếm 10% dân số toàn tỉnh và 19% người Thái cả nước, Thanh Hóa 14,5%, Điện Biên (Mường Thanh) 12% và Lai Châu (Mường Lay) 7,7%... Người Thái không có được như người Chăm về kiến trúc, điêu khắc, mà nét nổi bật nhất trong văn hóa Thái là văn hóa phi vật thể với kho tàng văn hóa dân gian truyền thống, đã có rất nhiều dân tộc ít người hơn trong vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Thái. 

PV: Vậy chúng ta cần nhận thức thế nào cho khách quan khi văn hóa của người Thái trong sự xác nhận về vị trí hiện tại của nó ở Thái Lan và các nước khác?

Vi Hợi: Văn hóa Thái Lan là một khái niệm bao hàm những niềm tin và các đặc trưng văn hóa bản địa trên vùng đất mà ngày nay được biết đến như là đất nước Thái Lan hiện đại. Văn hóa Thái rất đặc sắc bởi các kiến trúc nhà ở, đền, chùa, cùng với  nghi lễ tôn giáo, ẩm thực hay múa, hát. Văn hóa Thái cũng chịu  ảnh hưởng văn hóa đến từ Ấn Độ, Trung Hoa, Khơ me và các nền văn hóa sơ sử của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác. Ngoài ra nó còn chịu ảnh hưởng đến từ của Phật giáo, Ấn Độ giáo, vật linh giáo… và cả từ các nhóm dân di cư gần đây đến từ Trung Quốc và miền Nam Ấn Độ.

PV: Theo các tài liệu mà chúng ta có thể biết rằng, chủ nhân của miền Tây Nghệ An trước tiên là của người Ơ Đu và người Khơ Mú. Trong lịch sử, văn hóa của hai tộc người này là trung tâm. Còn vài ba trăm năm trở lại đây thì tình hình đã khác. Chúng ta cần giải thích hiện tượng này như thế nào?

Vi Hơi: Đúng vậy, trong lịch sử, người Ơ Đu đã từng có cát cứ địa lý riêng, họ chiếm giữ cả một vùng rộng lớn thuộc lưu vực sông Nậm Mộ và Nặm Nơn, họ có vua và tồn tại như một quốc gia độc lập. Thế lực Ơ Đu suy yếu rồi  tan rã trong chiến tranh chinh phạt Bồn Man của Đại Việt. Sau khi Bồn Man thuộc về Đại Việt, những cuộc thiên di tìm đất sinh sống của người Thái, Mông, Khơ Mú từ Tây Bắc, Lào tràn sang. Những cuộc nội chiến để tranh giành đất sinh sống diễn ra triền miên. Dân số ít, thế lực yếu, người Ơ Đu lại bị dồn vào nơi đầu suối, ngọn khe. Để tránh nguy cơ bị diệt vong, một bộ phận người Ơ Đu phải bỏ tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán của mình, sống đan xen, lệ thuộc vào người Thái, Khơ Mú.

 PV: Chúng ta cần giải thích hiện tượng văn hóa các dân tộc thiểu số đang bị biến đổi, thậm chí có thể gọi là bị đồng hóa mạnh mẽ của văn hóa người Việt [Kinh] đồng thời với quá trình văn hóa Việt bị văn hóa ngoại lai xâm thực bằng lý thuyết trung tâm - ngoại vi?

Nguyễn Duy Bình:  Như lúc nãy tôi có đề cập, cái nào mạnh thì cái đó chiếm vị trí trung tâm còn cái nào yếu thì bị đẩy ra vùng ngoại biên. Sự xung đột giữa văn hóa Việt và các nền văn hóa thiểu số đang diễn ra âm thầm nhưng không kém phần gay gắt.  Bản sắc văn hóa Việt cũng đang chịu ảnh hưởng giao thoa của văn hóa ngoại lai và đang bị đe dọa nghiêm trọng. Khi văn hóa nằm trong một chỉnh thể lớn hơn, gồm các thành tố khác như kinh tế, xã hội... thì nó có xu hướng bị lép vế. Với kiểu sống thực dụng như hiện nay, xu hướng phi văn hóa hóa (déculturalisation) là không thể cưỡng lại được và bất khả vãn hồi.

Inrasara: Việc tiếp nhận tinh hoa từ nền văn hóa khác, trung tâm hơn và mạnh hơn, không vấn đề gì cả. Năm thế kỉ trước, người Anh đã từng đau đầu về thế hệ trẻ du nhập ào ạt tiếng Pháp vào ngôn ngữ thường nhật lẫn sách báo. Vài chục năm nay, người Pháp lại đang báo động về hiện tượng Franglais (tiếng Pháp pha Anh). Tệ hại nhất là tiếp nhận một chiều. Việt Nam hiện nay gần như đang tiếp nhận một chiều văn hóa bên ngoài. Vấn đề không là ở mở hay đóng cửa, mà là ở tinh thần tiếp nhận và sự khôn ngoan chọn lọc và thâu thái. Trong phạm vi Việt Nam, các dân tộc thiểu số, dù quá khứ đã từng là văn hóa trung tâm, cũng đang chịu áp lực rất mạnh từ văn hóa người Kinh. Không thể khác, vì các dân tộc thiểu số không còn cư trú vùng riêng biệt như trước nữa, mà sống xen cư và cộng cư với người Kinh. Và tiếng Việt đã là ngôn ngữ phổ thông của cả nước. Nguy cơ biến đổi thậm chí, bị đồng hóa của các nền văn hóa ngoại vi này đang rình rập khắp nơi, cả khi chúng ta cố bảo tồn chúng bằng các lễ hội nhân tạo, bằng các “nghiên cứu” mang tính ban bố, vân vân...   

Vi Hợi: Đặc trưng cơ bản của trung tâm là thu hút, tích hợp, lên khuôn và lan tỏa. Do vị trí địa lí, kinh tế, chính trị và xã hội mà trung tâm bao giờ cũng có sức thu hút và tích hợp cao các nhân tố văn hóa từ ngoại vi, đó là chức năng “tụ nhân, tụ tài” của trung tâm. Tuy nhiên, khi các nhân tố được tích hợp và thu hút vào trung tâm thì trên cái nền tự nhiên, kinh tế, chính trị và xã hội luôn sống động đó, các nhân tố văn hóa được nhào nặn, tái cấu trúc hóa và lên khuôn, tạo nên sản phẩm văn hóa thường mang tính định hình cao. Từ các sản phẩm văn hóa được lên khuôn như vậy và với động năng của trung tâm, văn hóa từ trung tâm lại lan tỏa, ảnh hưởng, lan truyền ra ngoại vi, góp phần, một mặt tạo nên sự thống nhất diện mạo văn hóa của vùng, mặt khác, trung tâm tạo ra sức định hướng trong sự biến đổi văn hóa của vùng. Hơn thế nữa, do giữ vị trí trung tâm, nó luôn là đầu mối giao lưu văn hóa không chỉ nội vùng, mà còn với văn hóa ngoài khu vực, là khâu trung gian chuyển tải các giao lưu văn hóa từ các trung tâm và khu vực văn hóa lớn hơn trên thế giới.

Trong nền văn minh thế giới đương đại, văn hóa các DTTS Việt Nam, là ngoại vi, không chỉ chịu sự tác động thu hút của trung tâm, cung cấp các “nguyên liệu” văn hóa cho trung tâm, mà còn chịu ảnh hưởng và tiếp nhận sự lan tỏa văn hóa từ trung tâm. Do vậy, ngoại vi bao giờ cũng tĩnh lặng, ít sôi động hơn so với trung tâm.

PV: Nhiều người cho rằng, nếu văn hóa, cộng đồng [văn hóa] nào ở vị trí ngoại vi thì dễ bảo tồn bản sắc của mình hơn. Ngược lại, ở vị trí trung tâm lại khó khăn hơn trong việc bảo toàn, bảo tồn các giá trị, bản sắc của mình. Chúng ta có thể chứng minh từ lịch sử của chính văn hóa Việt Nam không?

Vi Hợi: Trong phạm vi Việt Nam, chúng ta có thể lấy văn hóa Thăng Long - Hà Nội với tư cách là trung tâm, đặt trong không gian văn hóa đồng bằng Bắc bộ để khảo chứng.

Kinh đô của quốc gia Đại Việt - Thăng Long có tiền thân là Đại La, trị sở quyền lực của những kẻ xâm lược phương Bắc. Nó đúng là nơi có vị trí đắc địa mà Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn năm 1010 đã khẳng định. Đặc biệt, từ khi trở thành trung tâm chính trị, xã hội và cả văn hóa nữa, Thăng Long trở thành một trung tâm có sức thu hút và lan tỏa, ít nhất với vùng ngoại vi đồng bằng Bắc bộ và xa hơn với cả quốc gia Đại Việt đang ngày càng mở rộng cương vực về phía nam. Thăng Long, theo cách nói của dân gian, đó là nơi “tụ thuỷ, tụ nhân, tụ tài”. Có thể nói, quá trình hình thành văn hoá Thăng Long - Hà Nội là quá trình tích tụ văn hóa từ các vùng ngoại vi, trước nhất là “tứ trấn nội Kinh” và xa hơn với các “trấn ngoại kinh”. Và cũng chính trong môi trường kinh tế, xã hội, chính trị phát triển cao của Thăng Long - Hà Nội, các nhân tố, giá trị văn hóa tích hợp từ ngoại biên đã được định hình, nâng cấp, lên khuôn để sau đó mang bản sắc Thăng Long - Hà Nội, rồi từ đây lại lan tỏa tới các vùng ngoại vi và cả nước.

Những giao lưu, ảnh hưởng hai chiều này giữa Thăng Long - Hà Nội với các vùng ngoại vi có thế tìm thấy trong nhiều hiện tượng và giá trị văn hóa. Chẳng hạn, việc hình thành các phố nghề ở Thăng Long - Hà Nội từ các làng nghề ở vùng quê và sau đó là mối quan hệ hai chiều giữa phố nghề và làng nghề mà cho tới nay vẫn tiếp tục. Cũng như vậy, khi nghiên cứu các truyền thống ăn mặc, ẩm thực, các nghi lễ phong tục của người Thăng Long - Hà Nội mà lâu nay người ta vẫn ca ngợi là “văn minh thanh lịch”, thì chính trong lĩnh vực này người ta càng thấy rõ hơn sự tác động qua lại giữa trung tâm là kinh thành Thăng Long và các vùng ngoại vi. Trong ăn uống, các loại thực phẩm, truyền thống ẩm thực từ ngoại vi đã được thu hút vào trung tâm, để từ đó, trong môi trường kinh tế, xã hội đô thị này “nhào nặn” thành các món ăn, cách ăn đặc trưng cho kinh thành. Thăng Long - Hà Nội cũng mang bản sắc riêng so với nhiều đô thị lớn. Đó là chất dân gian, nông thôn trong lòng đô thị, tuy nhiên, nó đã được nâng cấp, thăng hoa, tạo nên sự gắn kết nhiều mặt giữa Thăng Long - Hà Nội với nông thôn… Rồi người Hà Nội vốn là người tứ xứ, tứ chiếng, nhưng khi về đây, họ đều trở thành người Thăng Long - Hà Nội, người kinh đô, người Tràng An, trong đó có không ít người trở thành nhân tài, tinh hoa của cả nước.

Mối quan hệ tác động hai chiều trung tâm và ngoại vi này không chỉ làm cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội hình thành và phát triển, mà văn hóa các vùng ngoại vi cũng biến đổi và phát triển hơn.

Inrasara: Vị trí địa lí có vai trò của nó trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng đó là vai trò rất thứ yếu. Hơn thế, thời đại hôm nay khó mà đóng khung một dân tộc nào đó trong vùng địa lí chật hẹp nào đó. Thế giới đã mở, và ta cũng phải mở. Hiện tượng vài dân tộc cư trú vùng sâu vùng xa ở Việt Nam đang bị đồng hóa, trong khi người Chăm dưới đồng bằng ở ngay trong lòng văn hóa Kinh vẫn còn trụ được là hiện tượng đáng suy ngẫm. Theo tôi, vấn đề là ở nội lực của nền văn hóa ấy, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc của cộng đồng ấy, bên cạnh đó là sự xuất sắc của vài tài năng lộ ra từ những bộ phận người ấy. Câu hỏi đặt ra cụ thể hơn, tại sao mấy triệu người Tây Nguyên cho đến hôm nay vẫn chưa nảy ra một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc là người dân tộc? 

 Nguyễn Duy Bình: Theo tôi văn hóa rất dễ bị tổn thương. Giá trị văn hóa không phải là những giá trị cố định, vĩnh tồn, luôn hấp thu cái mới và đào thải cái lỗi thời, luôn mở cửa đón gió bốn phương, nhận cả gió chướng, luôn đào thải những yếu tố cũ, thậm chí những yếu tố tốt đẹp. Cá nhân tôi cho rằng ở trung tâm hay ở ngoại biên, không một cộng đồng văn hóa nào có thể dễ dàng bảo tồn bản sắc của mình. Bảo vệ được bản sắc của mình hay không là tùy thuộc vào khả năng đề kháng của từng cộng đồng văn hóa, tùy thuộc vào mức độ “rắn hóa” của các giá trị.

 PV: Với câu chuyện thực tế của đời sống văn hóa nước nhà, và tỉnh nhà Nghệ An, tôi xin trở lại với chiến lược xây dựng một nền hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Không ai nghi ngờ gì về sự đúng đắn có cơ sở của quyết tâm chính trị này. Nhưng thực tiễn không dễ trình bày và thực hiện như khi bàn luận về lý thuyết. Muốn có tiên tiến thì đồng thời với sự nỗ lực tự hiện đại hóa mình, tự làm mới mình của nền văn hóa Việt, chúng ta phải tăng cường giao lưu và tiếp nhận các giá trị tiên tiến ở bên ngoài vào. Nếu vậy, có phải là chúng ta tự xếp mình ở vòng ngoại vi so với các nền văn hóa khác, ngoài mình/ và tương tự, muốn bảo tồn tốt bản sắc thì phải ngoại vi hóa nền văn hóa?

Nguyễn Duy Bình: Dù muốn dù không văn hóa Việt Nam phải được đặt trong “cộng hòa văn hóa thế giới” bên cạnh các nền văn hóa khác của quốc tế. Trong “trường văn hóa” đó, văn hóa Việt Nam có ngoại vi hay không chỉ phụ thuộc vào cách nhìn. Chúng ta cần tránh hai thái cực: tự cho mình là trung tâm, là cái rốn văn hóa của thế giới hoặc tự ti, tự cho văn hóa của mình là văn hóa nhược tiểu. Ngoại vi hóa văn hóa như anh nói là cách lý tưởng nhất để tự cô lập mình trong tháp ngà dân tộc luận (ethnocentriste), như thế là tự hạn chế mình, tự triệt tiêu mình. Xã hội thay đổi thì văn hóa cũng phải thay đổi, tất nhiên khi thay đổi phải biết gạn đục khơi trong, phải biết phát huy những gì tiến bộ và loại bỏ những gì lạc hậu, cổ hủ, giáo điều.

 Inrasara: Muốn bảo tồn văn hóa dân tộc thì phải “trung tâm” [nhỏ] hóa nền văn hóa dân tộc. Trung tâm [nhỏ] hóa không phải đóng cửa, mà là mở một cách thông minh. Chủ nghĩa dân tộc mở open nationalism - bắt chước cách nói của một lãnh đạo Hàn Quốc. Giải trung tâm, nghĩa là lập nên các trung tâm khác, dù nhỏ hơn nhưng phải khác. Chính khác biệt làm nên sự giàu sang của văn hóa loài người.

PV: Thưa ông Vi Hợi, ông hiểu như thế nào về tâm lý của cộng đồng người Thái ở nước ta nói chung và những người xung quanh ông nói riêng trong bối cảnh văn hóa hiện nay? Có hay không hiện tượng giằng xé trong tâm thức của họ, vừa muốn gìn giữ cái riêng của mình, vừa muốn hiện đại hóa bằng cách Kinh hóa để thoát khỏi trạng thái tâm lý tự ti?

Vi Hợi: Cộng đồng người Thái Việt Nam nói chung và ở Tương Dương quê tôi nói riêng có  đặc điểm tâm lý chung đó là: Nhanh nhẹn, năng động, nhay bén, có ý chí vươn lên thoát nghèo,  cần cù, chịu khó, tiết kiệm; Người Thái rất thật thà và thân thiện, đồng thời có ý thức tự tôn dân tộc, họ tự hào vì mình là người Thái, họ có tinh thần độc lập, tự chủ không thích lệ thuộc. Ngày nay cùng với sự vươn lên mạnh mẽ trên con đường học vấn, thì trong cộng đồng người Thái đang diễn ra cuộc đấu tranh tâm lý, một mặt phải tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống rất đặc sắc của người Thái, mặt khác lại muốn hiện đại hóa đời sống văn hóa của mình bằng cách “Kinh hóa”, quá trình này diễn ra khá mạnh ở tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên dân tộc Thái hiện nay. 

PV: Với trường hợp người Chăm thì thế nào, thưa ông Inasara?

 Inrasara: Tự ti ư?  Không. Với dân tộc nào tôi không biết, với Chăm dứt khoát không. Có khi họ còn quá kiêu hãnh nữa là đằng khác. Bởi họ có sau lưng cả quá khứ văn hóa văn minh đáng nể. Họ biết vậy, dù nhiều lúc đó chỉ là cái biết mơ hồ. Trong hội nhập và phát triển, sự giằng xé - có. Thậm chí rất mạnh. Người Chăm mất nhiều rồi, nên họ rất sợ mất cái cuối cùng. Đó là nỗi mất văn hóa dân tộc, cụ thể nhất là tiếng nói và chữ viết. Cho nên không lạ, nếu cá nhân Chăm nào đó phản ứng quyết liệt, có khi đến quá quắt về những sai lạc từ lễ hội tự tạo hay về phim ảnh, sai lạc của sách báo về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Dẫu sao họ cũng rất mở. Mở từ đời sống thường nhật cho đến sinh hoạt văn học nghệ thuật. Chỉ qua mươi năm xuất hiện trên văn đàn, có đến 5 cây bút Chăm xứng đáng vào… Hội Nhà văn Việt Nam! 

 PV: Còn ông Nguyễn Duy Bình, ông có nhận định như thế nào về các trường hợp cụ thể vừa nói ở trên?

Nguyễn Duy Bình: Tôi cho rằng, khi phải cộng cư với người Kinh, hoặc sống gần người Kinh, phần lớn người dân tộc thiểu số phải sống trong sự khủng hoảng về danh tính. Có thể chưa đến mức “giằng xé trong tâm thức” nhưng tôi cảm nhận được rằng, sự xung đột văn hóa hẳn phải tác động mạnh mẽ vào tâm lý của họ. Khi tiếp xúc với người Kinh, họ phải đối diện với định kiến cho rằng người dân tộc thiểu số kém cỏi, thiếu hiểu biết, thiếu văn minh, là dân “vùng sâu vùng xa”. Cái mặc cảm đó, không dễ gì họ có thể vượt qua. Sự khủng hoảng danh tính (crise identitaire) đó chỉ kết thúc khi mà họ tự trả lời một cách hãnh diện câu hỏi: “Tôi là ai?”. Muốn được như vậy, họ phải biết cách khẳng định các giá trị về trí tuệ và văn hóa của mình như người dân tộc Chăm đang làm.

PV: Trở lại với thực tế đời sống, chúng ta đã nghe và có lẽ là đã bàn và đã tham gia nhiều vào thực tiễn đời sống văn hóa của cộng đồng nhỏ của mình, rồi như anh Inrasara có thể tham gia ở phạm vi rộng lớn hơn. Thế nhưng vấn đề nhận thức và hành động nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc, các giá trị độc đáo của văn hóa các cộng đồng thiểu số vẫn là những bài toán khó. Các em bé, và cả người lớn nữa không thích mặc đồng phục của mình, nói tiếng nói của mình trong chính không gian văn hóa của mình là một cảnh báo, một vấn đề không hề đơn giản. Từ lý thuyết Trung tâm - Ngoại vi và thực tiễn sinh động của đời sống, từ kinh nghiệm cá nhân, các ông có thể trình bày cách hiểu, ý tưởng và đề xuất các giải pháp cụ thể nào không cho việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số?

Nguyễn Duy Bình: Theo tôi, để bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, điều không được làm là phá vỡ không gian văn hóa - xã hội của họ. Dân tộc thiểu số là một cộng đồng, mà đã cộng đồng thì phải tập trung, gắn kết và sẻ chia những giá trị chung, tài sản chung, di sản văn hóa chung. Nếu làm cho cộng đồng văn hóa bật rễ thì tự khắc cộng đồng sẽ rạo rễ! Ở đây, tôi chia sẻ ý kiến của nhiều người khác, đó là không nên làm ảnh hưởng tới môi trường sống, môi trường tự nhiên của đồng bào dân tộc thiểu số. Cứ để cho đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở vùng ngoại vi, tránh tình trạng cộng cư với người Kinh. Song song với việc đó là tạo điều kiện cho họ nâng cao đời sống vật chất tại chỗ để họ không phải thoát ra ngoài kiếm kế sinh nhai theo bản năng sinh tồn. Thứ ba nữa, văn hóa dân tộc gắn liền với ngôn ngữ dân tộc. Khi người dân tộc thiểu số không còn biết ngôn ngữ của họ là khi nền văn hóa của họ đang thực sự đang bị lung lay và có nguy cơ bị diệt vong. Những trường lớp kiểu “Đông Kinh nghĩa thục” nên được thành lập để giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số có kiến thức và có ý thức bảo tồn và phát triển ngôn ngữ và văn hóa của mình.

Inrasara: Người Chăm rất ý thức về cộng đồng mình, về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Ý thức và hành động. Tôi gọi đó là tinh thần nhập cuộc về hướng mở. Trong thời gian tương đối ngắn, chúng tôi đã nỗ lực làm điều đó. Và ít nhiều có thành tựu. 35 năm qua, người Chăm đã dạy tiếng và chữ Chăm cho con em dân tộc mình. Đó là thành tựu đầu tiên. 20 năm qua, người Chăm đã có bộ từ điển song ngữ Chăm Việt, đã tự soạn được bộ Văn học Chăm mấy ngàn trang, đã có rất nhiều công trình về ngành nghề, về tôn giáo tín ngưỡng, về lễ hội, vân vân do chính người dân tộc Chăm viết. Đặc biệt, cộng đồng Chăm đã tự ra đặc san Tagalau - Sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu văn hóa Chăm đa phần do tác giả Chăm viết (Inrasara chủ biên). Đây là đặc san duy nhất của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện thời. 14 số liên tục xuất bản nói lên nỗ lực không ngừng của cộng đồng Chăm trong việc bảo tồn văn hóa “trung tâm” nhỏ của mình. 

Vi Hợi: Bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề trọng đại, sống còn của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa là một lĩnh vực dễ bị tổn thương, trong đó bản sắc văn hóa, văn hóa truyền thống dễ bị tổn thương hơn cả, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số. Xu hướng tất yếu trong thời gian tới là các quốc gia ngày càng đề cao tính đặc thù, bản sắc văn hóa dân tộc, coi trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá, chống khuynh hướng đồng hóa đồng thời chọn lọc tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hoá của nhân loại.

Theo tôi, giải giải pháp có tính đột phá là phải đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển; đồng thời với quá trình này vấn đề tiếp tục giáo dục ý thức và lòng tự tôn dân tộc.

PV: Trân trọng cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng chúng ta sẽ có dịp trao đổi sâu hơn về vấn đề này!    

                                                                     

    Phan Thắng thực hiện 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528643

Hôm nay

224

Hôm qua

2275

Tuần này

2916

Tháng này

215339

Tháng qua

0

Tất cả

114528643