Năm 2010, Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An tuyển chọn các em học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An có năng khiếu, tài năng văn nghệ nhằm gây dựng nguồn lực kế cận cho Đoàn. Đi hết các huyện miền núi trong tỉnh, tuyển chọn kĩ càng, công phu, 15 em xuất sắc nhất được gửi đi học tại trường Cao Đẳng múa Việt Nam. Sau 2 năm học, tháng 7/ 2012, các em về Đoàn ca múa nhạc dân tộc thực tập tiếp 2 năm rồi mới được cấp bằng. Sau khi có bằng, các em sẽ được Đoàn ca múa nhạc dân tộc nhận chính thức vào đoàn.
Kế hoạch và quy trình là vây.Thế nhưng, hiện nay, trong số 15 em thì đã có 2 em bỏ nghề chỉ vì cuộc sống hiện tại không được đảm bảo.
Em Hà Thị Mùi, sinh năm 1991 (dân tộc Thái, xã Châu Kim, Quế Phong), nay đã bỏ học, cho biết: Gia đình em rất khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ phải nuôi 3 chị em. Em là con thứ 2 trong nhà. Hai năm học ở Hà Nội, hàng tháng mẹ em phải vay nợ để chu cấp cho em ăn học. Khi về thực tập tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, tụi em được miễn phí tiền nhà, tiền điện nước, được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Nhưng vì phải tự túc tiền ăn uống, phấn son…nên số tiền hỗ trợ cũng không thể đủ được, hàng tháng mẹ vẫn phải gửi tiền cho em. Cuộc sống rất khó khăn, nhìn mẹ vất vả lam lũ, số tiền vay nợ thì ngày một nhiều…dù yêu nghề lắm nhưng em đành bỏ học múa, xin vào làm công nhân phụ giúp mẹ trả nợ chị ạ.
Em Lữ Thị Thu Hiền, sinh năm 1992, dân tộc Thổ, huyện Anh Sơn, cũng bỏ học tâm sự: Yêu nghề nhưng với tiền hỗ trợ mỗi tháng/1 triệu, gia đình lại nghèo nên cuộc sống ở đây của tụi em rất bấp bênh, không biết học xong có chắc chắn được biên chế không nữa, mà nghề diễn viên múa chỉ được một thời thôi chị à…và em quyết định bỏ học, về lấy chồng.
Trước sự việc 2 bạn bỏ học, 13 học sinh còn lại ai cũng mang tâm trạng hoang mang lo lắng. Một em tâm sự: yêu thích học múa từ ngày còn nhỏ, khi được chọn đi học và nghe bảo sau này sẽ có công ăn việc làm ổn định em thích lắm. Về thực tập gần 2 năm, những khi có chương trình đi diễn tụi em cũng có tiền bồi dưỡng, nhưng vẫn không thể đủ cho sinh hoạt thường ngày, hàng tháng bố mẹ em đều phải chu cấp thêm. Hiện tại, thấy 2 bạn đã bỏ học, lại nghe rằng: hiện tại học sinh như tụi em không có biên chế nên ai cũng lo lắng và hoang mang,...nhiều lần nản lòng rồi cố gắng vượt qua để bám trụ lại đây,…nhưng không biết sau khi cấp bằng, em có được nhận không? Mà không được nhận thì em cũng không biết làm gì nữa?
Trao đổi với ông Trịnh Văn Thuận, Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc Nghệ An, ông cho biết: Để xây dựng được lớp múa này, chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều công phu, khi học xong 2 năm, chính đích thân ông Cao Đăng Vĩnh, giám đốc Sở VHTT&DL đã ra đón các cháu về thực tập tại Đoàn. Vì đều là con em dân tộc miền núi nên gia đình các cháu khó khăn lắm. Để giúp đỡ, trong quá trình thực tập, chúng tôi cố gắng giúp đỡ các cháu nơi ở, chi phí điện nước, xin tỉnh hỗ trợ thêm mỗi cháu 1 tháng/1 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đó quá ít đối với cuộc sống của các cháu, cộng thêm tiền nợ của gia đình khi lo cho con cái học hành….Hai cháu đã bỏ nghề, từ đó các cháu càng hoang mang lo lắng hơn. Chúng tôi vẫn cố gắng động viên, giúp đỡ các cháu nhưng quả thực là vô cùng khó khăn. Đoàn rất cần những hạt nhân như các cháu, nhưng theo Sở Nội Vụ cho biết thì từ bây giờ đến năm 2017 chúng tôi sẽ không được thêm bất cứ một suất biên chế nào. Hiện tại thì không có vấn đề gì, nhưng đến tháng7/2014, các cháu sẽ được cấp bằng, sẽ có bao nhiêu cháu được hợp đồng vẫn là bài toán khó với chúng tôi. Với tình hình khó khăn như lúc này, nếu năm sau không có sự thay đổi về cơ chế thì các cháu phải tự giải tán!
Bốn năm học múa để làm gì?
Tâm sự và nỗi lo lắng này có ai biết không?