Ngày 27/10/2009, Bộ VH-TT&DSL ban hành Quyết định số 3885/QĐ-BVHTTDL phê duyệt dự án "Xây dựng các trạm vệ tinh của Ngân hàng dữ liệu DSVH phi vật thể các dân tộc Việt Nam", xây dựng mới 8 trạm vệ tinh (mỗi trạm 3,5 tỷ đồng) và bổ sung thiết bị cho 3 trạm vệ tinh (mỗi trạm 1 tỷ đồng). Theo đó, vào năm 2011, Hà Tĩnh được Viện VHNT Việt Nam bàn giao một bộ thiết bị trị giá 3,5 tỷ đồng để lập Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu tại Khu di tích Nguyễn Du. Trước đó, vào năm 2010, Viện VHNT Việt Nam đã thành lập Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu DSVH phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại khu di tích Kim Liên. Trạm đã được cấp một bộ thiết bị gồm bộ dựng phi tuyến, máy chủ, bộ lưu dữ liệu, 5 bộ máy tính để bàn, máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm, máy chiếu, màn hình, loa, amli…Tìm hiểu về hoạt động của Trạm vệ tinh của Ngân hàng dữ liệu DSVH phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Nghệ An và Hà Tĩnh, chúng tôi thấy còn nhiều bất cập.
Về nhân sự, theo Quyết định số 3885/QĐ-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL, thì mỗi trạm được địa phương bố trí 5 nhân viên đủ trình độ để quản lý vận hành; Viện VHNT Việt Nam chịu trách nhiệm vụ đào tạo cán bộ quản lý, vận hành các Trạm theo đề nghị về nhân sự của địa phương. Thế nhưng đến nay, ở Nghệ An chỉ được bố trí 2 nhân viên (nhân viên biên tập tốt nghiệp ĐH KHXH&NV), ở Hà Tĩnh bố trí 3 nhân viên (nhân viên biên tập tốt nghiệp ngành Hán Nôm). Các nhân viên nói trên chỉ được tập huấn hai đợt ngắn ngày (một đợt 1 tuần và một đợt 10 ngày) do Viện VHNT Việt Nam tổ chức. Nội dung tập huấn bao gồm giới thiệu về nhiệm vụ, chức năng của trạm, làm quen với kĩ năng sưu tầm, ghi chép tư liệu, quay phim… Với thời lượng tập huấn ngắn ngủi như vậy thì khó mà đảm đương nhiệm vụ sưu tầm, ghi chép các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc.
“Đây là chương trình dự án của Viện VHNT Việt Nam, họ chỉ cấp thiết bị chứ không có người, nhân viên và kinh phí hoạt động chúng tôi phải lấy từ bộ máy của Khu di tích; còn biên chế thì đã đề xuất xin rồi nhưng chưa được”, ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu di tích Kim Liên cho biết.
Theo ông Hồ Bách Khoa, Giám đốc Khu di tích Nguyễn Du, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Khu di tích Kim Liên là khai thác, thu thập các dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, được bổ sung 3 biên chế.
Thứ hai, máy móc thiết bị ở trạm Kim Liên trong thời gian từ năm 2010 đến cuối năm 2012, không có người vận hành nên chỉ “đắp chiếu” trong kho. Đến cuối năm 2012, Khu di tích Kim Liên mới cử hai nhân viên vận hành. Do máy móc không được mở thường xuyên và phòng bảo quản không đúng qui cách nên nhiều thiết bị đã hỏng hóc. Anh Nguyễn Đức Hùng, nhân viên phụ trách trạm Kim Liên nói: “Yêu cầu các thiết bị máy chủ, máy lưu dữ liệu phải bật 24/24, để trong phòng điều hòa ở mức nhiệt độ ổn định 170C; trong khi đó những thiết bị này để trong phòng không có điều hòa nhiệt độ, không bật trong thời gian dài. Do đó, đến nay, máy chủ và máy lưu dữ liệu đã bị hỏng, phần mềm của máy dựng cũng bị lỗi; một số máy tính bị hỏng”.
“Đến nay chúng tôi cũng không rõ cơ chế cụ thể về bảo hành, ai sẽ thanh toán chi phí nên chưa sửa chữa”, anh Nguyễn Đức Hùng cho hay. Còn ở Trạm Hà Tĩnh, máy móc cũng đã tiến hành bảo dưỡng.
Về hoạt động, từ khi lắp đặt đến nay, Trạm Kim Liên chưa hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, chưa làm được sản phẩm tư liệu DSVH phi vật thể các dân tộc của Nghệ An, mà chỉ tiến hành quay phim tư liệu các đoàn du khách về thăm quê Bác, làm phim tài liệu giới thiệu về khu di tích để phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, những công việc đó chưa đúng với chức năng nhiệm vụ của Trạm. Theo qui định của Bộ VH-TT&DL, nhiệm vụ của trạm vệ tinh là thu thập, ghi chép những DSVH phi vật thể của địa phương và tiếp nhận các sản phẩm DSVH phi vật thể từ Ngân hàng dữ liệu TW để giới thiệu cho công chúng và du khách, đồng thời chuyển dữ liệu DSVH phi vật thể của Nghệ An về Ngân hàng dữ liệu. Trong đợt lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca Ví Giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trạm cũng không được giao nhiệm vụ gì. Còn ở Hà Tĩnh, trong hai năm 2012-2013 mới làm được 3 sản phẩm tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Tĩnh để chiếu cho khách tham quan khu di tích xem.
Về cơ chế trao đổi dữ liệu, đến nay vẫn chưa được xây dựng; dữ liệu ở Trạm Hà Tĩnh chưa được nhập về trung tâm của Viện VHNT Việt Nam do điều kiện kĩ thuật chưa đáp ứng được, cũng như chưa được Viện này đặt hàng, kiểm tra hay chuyển tư liệu về.
Qua thực tế tại Nghệ An và Hà Tĩnh, chúng tôi nhận thấy việc thành lập Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu DSVH phi vật thể các dân tộc Việt Nam là một ý tưởng tốt, nhưng thực hiện còn mang tính chất nửa vời, “đem con bỏ chợ”. Máy móc thiết bị bảo quản, vận hành không đúng nên đã hỏng hóc, do không được hướng dẫn, chuẩn bị từ đầu; và không được sửa chữa kịp thời. Về nhân sự không được đào tạo bài bản để đáp ứng yêu cầu khai thác, thu thập dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc mà chỉ được tập huấn trong thời gian ngắn nên không có tính chuyên nghiệp. Cơ chế hoạt động, kinh phí cho việc thu thập dữ liệu di sản văn hóa cũng như trao đổi dữ liệu chưa được xây dựng, nên mỗi nơi làm một phách. Chưa có sự kết nối giữa Trung tâm với các Trạm vệ tinh, cũng như giữa các Trạm với nhau; không có chế độ kiểm tra, báo cáo. Do đó, dù đã được thành lập nhiều năm, nhưng có Trạm không hoạt động đúng chức năng (Nghệ An), hoặc hoạt động cầm chừng (Hà Tĩnh), chưa phát huy được vai trò, nhiệm vụ; chưa có người dân, các nhà nghiên cứu, học sinh sinh viên đến khai thác dữ liệu. Chưa có cơ chế thẩm định-khai thác dữ liệu DSVH phi vật thể.
Thiết nghĩ, Viện VHNT Việt Nam cần phối hợp với các tỉnh xem xét, kiện toàn các Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu DSVH phi vật thể, tránh tình trạng bất cập và quá lãng phí như hiện nay./.