Xứ Nghệ ngày nay

Chuyện đọc sách ở một xã “nông thôn mới”

Ông Nguyễn Trí Trung, chủ tịch UBND xã Sơn Thành khẳng định: Là đơn vị điểm xây dựng nông thôn mới nên công tác phục vụ sách báo cho cán bộ, phòng ban và bà con nhân dân rất được chúng tôi chú trọng. Mỗi năm xã giành ra gần 20 triệu để mua sách, báo cho cán bộ đoàn thanh niên, phụ nữ, công an,…Thư viện xã có đầy đủ các loại sách: pháp luật, các loại tạp chí đối với tổ chức, sách nông nghiệp….”.

Thế nhưng, khi được về hỏi vì sao thư viện đóng cửa và không tìm thấy  danh mục sách của  thư viện xã năm 2013 do tỉnh Nghệ An cấp tặng , ông chủ tịch xã lại cho biết “vì người làm việc trong thư viện đi vắng”(?!).

Đỡ lời chủ tịch, ông Nguyễn Khắc Đào, trưởng ban văn hoá – xã hội, cho biết theo kiểu ước lượng: “Thư viện có khoảng gần 200 đầu sách, vì không được phân loại nên tôi không rõ các loại sách. Cũng có thơ văn, sách pháp luật, khoa học, trồng trọt chăn nuôi. Sách ở đây chủ yếu hội người cao tuổi mượn, người dân thỉnh thoảng làm giấy tờ tiện ngồi đợi mượn đọc tại chỗ”. Anh Đào cũng cho biết thêm: “Xã Sơn Thành có 19/19 xóm đạt chuẩn về thiết chế văn hoá nhưng chưa có xóm nào có tủ sách tại nhà văn hoá. Có nơi có tủ nhưng cũng đang để trống. Nếu bắt các xóm phải có tủ sách thì chúng tôi cũng làm được nhưng cũng chỉ làm cho có lệ thôi, bởi hiện tạibà con lo làm ăn, không hứng thú với việc đọc sách”. Ông chủ tịch xã cho biết thêm: “vì cán bộ thư viện ở đây phải kiêm nhiều việc khác nên chưa được chuyên trách, không thể theo dõi danh sách số người mượn đọc là bao nhiêu và có bao nhiêu sách ở thư viện (?),…bà con ở đây làm gì có thời gian đọc sách, có tờ báo nào thì đọc qua quýt, chuộng xem ti vi”. 

Bác Nguyễn Hữu Thâm, bảo vệ UBND xã Sơn Thành, cho biết: “Thư viện sách cán bộ đọc quyển nào thì đọc chứ tôi chưa bao giờ thấy một người dân đến để mượn sách đọc cả. Mà thư viện có gì đâu, tôi chỉ thấy toàn văn thơ cả, phù hợp với mấy ông nghỉ hưu. Còn loa phát thanh thì một tháng phát 3 lần vào buổi sáng, nhưng có lúc nghe được có lúc không, người dân cũng ít để ý lắm”.

Còn khi tiếp xúc với một số bà con nông dân của xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An được xác nhận là đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng ông thôn mới , chúng tôi càng cảm thấy sách và việc đọc sách đang rất xã vời với bà con nông dân. Chị Nguyễn Thị Thương, 32 tuổi, xóm 10, nói: “Trước đây chị cũng có đọc sách nhưng từ khi có gia đình, công việc bộn bề nên cũng không có thời gian đọc nữa”. Còn chị Nguyễn Thị Hải cùng xóm với chị Thương chia sẻ: dân nông nghiệp thì lấy mô thời gian mà đọc sách, có chi thì có xóm trưởng phổ biến, chị em truyền đạt lại nhau nghe, bày nhau mà làm ăn…”.

Đó là bà con nông dân, còn thanh niên học sinh ở đây thì việc đọc sách cũng không mấy khả quan hơn. Cô Nguyễn Thị Hà, nhân viên thư viện trường THCS Sơn Thành cho biết: Sách tại thư viện trường hiện tại có tổng số 470 quyển, chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo và thiết kế bài giảng…vì điều kiện không cho phép nên nhà trường chỉ có thể phục vụ sách cho giáo viên chứ không đủ cho học sinh ở trường mượn đọc”. Nhẩm tính, vậy là mỗi giáo viên, học sinh của nhà trường chưa có nổi một cuốn sách!

Lâu nay chúng ta nghe nói nhiều đến việc xây dựng thư viện, tủ sách ở nông thôn. Những năm gần đây lại nghe nói nhiều về kết quả xây dựng ông thôn mới. Qua khảo sát chuyện đọc sách của một xã đã hoàn thành các tiêu chí [nông thôn mới] chúng ta rất có thể và rất cần  đặt ra câu hỏi liệu các tiêu chí văn hóa - xã hội trong việc xây dựng và thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới đã được quan tâm và thực hiện như thế nào? Có hay không “bệnh hình thức”, “bệnh thành tích” trong việc xây dựng nông thôn mới? Và có hay không việc đang hình thành “thói quen không cần đọc sách” ở nông thôn hiện nay?

Thiết nghĩ rất cần có một cuộc khảo sát và nghiên cứu thật nghiêm túc về sách, đọc sách ở nông thôn để ít nhất làm tài lệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà xây dựng quy/kế hoạch và quản lý việc xây dựng nông thôn mới.

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513287

Hôm nay

273

Hôm qua

2315

Tuần này

21224

Tháng này

220160

Tháng qua

121356

Tất cả

114513287