Người xứ Nghệ

Chữ tâm của một người thầy văn khoa (Về Gs Nguyễn Đình Chú)

Phân chia ảnh hưởng và sự chi phối của con người trong cuộc đời, người ta thường nói tới mấy loại quyền. Đầu tiên, là uy quyền. Được hình thành do cậy vào uy lực và quyền chức, nên uy quyền có khả năng chi phối con người tức thì và mạnh mẽ.

Nhưng, ảnh hưởng của uy quyền không sâu và không lâu. Người ta có thể do kiềng nể nhất thời mà tuân thủ, chưa chắc đã do tâm phục khẩu phục. Thường, mất chức là uy quyền mất theo, việc ra oai ra oách bấy giờ chỉ còn làm được những trò lố đối với thiên hạ. Kẻ dựa vào uy quyền để tồn tại, cứ phải bám vào ghế, nên thường thờ ghế. Thứ hai, là trí quyền. Vốn là sức mạnh của trí tuệ, của tư tưởng, nên trí quyền có được ảnh hưởng lớn và sâu. Người có tư tưởng sâu sắc độc đáo luôn có sức hấp dẫn mạnh đối với loại người có nhu cầu tư tưởng. Đặc biệt, những tư tưởng khoa học mới mẻ sắc sảo bao giờ cũng có ảnh hưởng mạnh đến đầu óc khoa học của con người, trước hết là giới chuyên môn. Tuy vậy, không phải trí quyền của ai cũng rộng và bền. Vì các tư tưởng đến trước thường bị phủ định bởi những tư tưởng đến sau. Rất nhiều thứ tư tưởng từng gây được ảnh hưởng nào đó cứ nhanh chóng cũ kĩ, lỗi thời. Bởi thế, ảnh hưởng của kẻ cậy vào trí quyền cũng lu mờ theo, đôi khi còn bị phế bỏ không thương tiếc. Thứ ba, là tâm quyền. Đây là sức ảnh hưởng, chi phối của tấm lòng đến tấm lòng. Do cảm động bởi tình nghĩa, ân đức giữa con người với con người mà có, nên tâm quyền bao giờ cũng thấm thía sâu vào tận tâm can, khiến người ta luôn ghi lòng tạc dạ những nghĩa nặng ơn sâu và tự nguyện đáp đền cho xứng đáng. Bởi vậy, xưa nay nhân tâm dường như chỉ chịu qui phục tâm quyền. Chẳng lạ gì khi trong thế gian loại người cao ngạo dám thách thức mọi thế lực ghê gớm nhất lại là người sẵn sàng quỳ gối trước những tấm lòng. Có thể nói, trong ba thứ ấy, tâm quyền là bền vững nhất. Đây mới là dạng quyền lực mềm chân chính của nhân gian.

Nghĩ về nhà giáo nhân dân, giáo sư Nguyễn Đình Chú, người thầy gần gũi và có ảnh hưởng sâu sắc tới mình, tôi vẫn luôn tự hỏi: sức chi phối của ông thuộc dạng nào đây? Và lần nào cũng một khẳng định mười mươi: thầy Chú không có uy quyền. Thầy có trí quyền. Nhưng, trước hết và sâu xa nhất, là có tâm quyền. Một tâm quyền bền vững và sâu đậm, thể hiện cả trong cách sống lẫn xu hướng học thuật. Vẻ đẹp sâu xa trong nhân cách của ông là vẻ đẹp của lòng nhân ái. Sức sống của những bài giảng, bài viết của ông là sức sống của tinh thần nhân văn. Vị thế của ông trong giáo giới và văn giới nước nhà trước hết được xác lập bởi tâm quyền ấy. Đây là điều không phải giáo sư văn khoa nào cũng có được.
                                                         *
Ai gần Nguyễn Đình Chú đều nhận thấy ông là người rất dễ xúc động. Nói đến chuyện thương tâm, dù của người quen thân máu mủ hay của người xa lạ, dù trong đời thực hay trong sách vở văn chương, dù về một thân phận bi kịch hay chỉ là một nỗi éo le thường tình, bao giờ giọng ông cũng nghẹn ngào. Thường ông không thể cầm lòng, lệ cứ ứa ra. Ông phải vội quay mặt đi lau nước mắt. Và phải sau một lúc nghẹn lời rồi mới trở lại tiếp tục được. Đến bây giờ hơn tám mươi rồi, vào cái tuổi như Nguyễn Khuyến nói, hạt lệ như sương rồi, nhưng ông vẫn thế. Khi đứng thắp hương tổ tiên cùng con cháu, hay khi đứng trên bục giảng trước học trò, thậm chí cả khi chỉ ngồi hàn huyên trong văn phòng khoa cùng các đồng nghiệp già trẻ, ông đều thế. Tôi thấy lần nào nói đến cảnh ngộ Nguyễn Đình Chiểu, một tác giả lớn ông đã dạy cả đời, cũng như nói đến thầy Tôn Gia Các, một đồng nghiệp đàn em ở khoa Văn, do ung thư gan vừa mất, chả lần nào ông không nghẹn ngào. Trò chuyện riêng tại nhà không biết bao nhiêu lần, hễ cứ nhắc đến giáo sư Trương Tửu, giáo sư Trần Đức Thảo, những thầy cũ của ông, là thế nào lời ông cũng mếu máo, tiếng thổn thức cơ chừng không nén nổi. Những lúc như vậy, vẻ mặt ông đầy bẽn lẽn, ngượng ngập, cứ như một đứa trẻ đang thú lỗi trước người lớn vậy. Ông đâu phải kiểu người quá mau nước mắt, khéo dư nước mắt. Nghĩa là kiểu người của những cảm xúc vẩn vơ, xướt mướt, ủy mị. Cũng không phải kiểu người ưa trang điểm cho khóe mắt của mình bằng những giọt lệ dễ dãi. Càng không phải kiểu người có khả năng điều nước mắt như một thứ gia vị cho những câu chuyện và bài giảng của mình. Trời sinh ra ông với giọt nước mắt ấy. Nó là giọt nước mắt nhân ái, ẩn sâu trong nhân cách của ông. Nó khiến ông dễ động lòng với những chuyện thương tâm. Nó hướng đạo ông trong cách sống, cách cảm nhận về giá trị trong đời sống, mà trước hết là cảm nhận cái tình cái nghĩa. Bởi thế, chả cần biết người khác nghĩ thế nào, riêng tôi, bao giờ tôi cũng thấy đó là lúc ông đẹp nhất. Khi ấy, tất cả nét nhân hậu, sự cảm thông của một tấm lòng cùng nét cao thượng ấm áp của một tâm hồn đều bừng sáng lên trên gương mặt nhòa lệ. Thậm chí, càng gắn bó với ông, tôi càng tin rằng: những giọt nước mắt ấy chính là vẻ đẹp Nguyễn Đình Chú. Vẻ đẹp của một chữ Tâm viết hoa.
Sinh viên Văn khoa thời nào thì cũng có một “cái tật” rất dễ thương: thích thú quan sát rồi tinh nghịch khái quát về các ông thầy dạy mình. Lắm khi còn dựng cả chân dung bằng thơ ca hò vè nữa. Chẳng biết từ bao giờ, thầy Chú đã được sinh viên văn định danh là một ông đồ Nghệ. Gọi một giáo sư đại học là ông đồ Nghệ, nghe cứ thế nào… Ấy thế mà lại đúng. Tất nhiên, trước hết là bởi tấm lòng liên tài ở ông. Trong khoa, biết sinh viên nào mới nổi lên như một điểm sáng, mà cụ thể là làm bài có ý hay, phát biểu có bản lĩnh, giảng bài có cách trình bày độc đáo, viết báo cáo khoa học có lóe sáng, hay sáng tác văn chương, biểu diễn văn nghệ có ấn tượng… là ông tỏ sự quí mến không kiềm chế. Dù người đó có ý gần ông hay không, ông cũng sẽ có cách bộc lộ sự trân trọng, nâng niu của mình. Có khi là gửi lời ngợi khen, có khi tìm tới cổ vũ trực tiếp. Có khi là bật đèn xanh cho các đồng nghiệp khác cùng lưu tâm. Thậm chí, nhiều trường hợp ông còn cho phép lui tới nhà riêng, sẵn lòng cung cấp tài liệu, cùng trao đổi học thuật bình đẳng nữa. Không hiếm trường hợp cao học, nghiên cứu sinh vào giai đoạn nước rút ông còn đưa về nhà ăn ở, tạo mọi điều kiện để viết luận văn, luận án kì xong mới thôi. Tôi không thể quên cái anh bạn Nguyễn Công Lý từ Khánh Hòa ra làm nghiên cứu sinh. Lý là tay giỏi, lại may mắn được ông hướng dẫn. Lần nào đến chơi với tôi cũng khoe mình đang ở nhà thầy, thầy cho mình toàn quyền đối với cái thư viện “Đồng Xa thư trai tại gia của thầy, thầy cô lại còn nấu cơm cho ăn, chỉ yêu cầu mình mỗi một điều là tập trung mà dứt điểm cái luận án thôi. Nhiều bận có công có việc phải đi xa hàng tuần lễ, thầy còn giao cả cái nhà cho Lý tùy nghi sử dụng nữa. Tất nhiên, Lý chỉ tận dụng để làm mỗi cái việc viết cho xong thôi. Nhờ thế mà Lý đã có một luận án xuất sắc. Nay thì Lý đã là Phó Lý, tức là Phó giáo sư Tiến sĩ của một đại học ở phương Nam rồi.
Song, ngẫm ra, đó đâu đã là điểm thật khác biệt lắm. Các thầy Văn khoa mấy ai không thế. Cái điều không phải ai cũng dễ có là xả thân cứu trò. Học trò giỏi, ông quí, học trò khổ, ông thương. Nếu ai vừa giỏi vừa khổ thì xem như đã chiếm trọn trái tim của ông vậy. Ông đặc biệt thương những sinh viên, học viên gặp hoạn nạn. Biết học trò nào gặp nạn, kể cả tai nạn đời thường lẫn tai nạn chữ nghĩa, văn chương, bao giờ ông cũng xả thân. Ông gửi thư cho người có trách nhiệm, ông đích thân đến cửa này cửa khác, tác động, thuyết phục, rồi vận động các đồng nghiệp, bạn bè, những giáo sư có uy tín cùng tham gia. Có việc phải mất hàng tháng giời tích cực can thiệp mới xong. Sinh viên khoa Văn nhiều thế hệ vẫn truyền nhau việc thầy Chú cùng các thầy đã cứu cái Nương, giúp cái Hạnh, nhất là cứu cái cậu ở lớp Năm năm hồi tám tư tám lăm. Hồi ấy đói khổ cơ cực, sinh viên không lúc nào không đói. Kiếm được tí mì sợi ăn đêm là lại xúm nhau nấu nấu nướng nướng xì xụp lót lòng. Ở kí túc xá, bói đâu ra củi. Thế là có đứa lấy giát giường, có đứa lấy nẹp cửa hỏng đun. Có một cái khung cửa của buồng tắm bị hỏng, mỗi anh bóc một mảnh, chẻ một miểng làm củi. Ngày một ngày hai, ngó lại, cả khung cửa chỉ còn trơ vẹt như mấy khúc xương khô bị róc hết thịt khẳng khiu lăn lóc. Những cậu trước bình yên vô sự. Đen đủi thế nào, cái hôm cậu này mó vào định nhóm bếp, thế là bảo vệ ập tới, bắt quả tang. Để răn đe, cậu lập tức bị xử nặng: đình chỉ tốt nghiệp. Hay tin, thầy Chú rất thương, nước mắt cứ nặng trên mi. Thầy vội vào trường ngay, kiên trì thuyết phục phòng tổ chức, rồi bảo lãnh với hiệu phó, hiệu trưởng cùng hội đồng phân công công tác. Cứ thế trong nhiều ngày. Cuối cùng, do cảm động trước tấm lòng đối với học trò và uy tín một giáo sư thâm niên của ông mà người ta đã xóa án kỉ luật cho cậu. Thật hú vía, nếu không có ông, chả biết đời cậu này sẽ ra sao, rất có thể sẽ rẽ sang một hướng khác, tiêu cực hơn, cũng chưa biết chừng. Vậy là, lòng nhân ái đã làm xô lệch cả những qui chế khắt khe, lay chuyển được cả những khung hình hà khắc. (Tôi muốn mở ngoặc đơn để bật mí thêm: nếu bạn là người giỏi, người khổ, mà lại là người Nghệ nữa, thì trăm phần trăm ổn, xem như bạn đã có thể là con cháu của thầy rồi. Chính thầy cũng chẳng giấu giếm gì nét “thiên ái” này, thầy nhỉ !!! )
                                                            *
Đến đây, tôi không thể không nói về những kỉ niệm của riêng mình hồi sinh viên với ông. Hồi ấy có một giai thoại vẫn được truyền lại từ những khóa trước. Một sinh viên hay chữ lỏng nào đó, nhưng lại tinh tướng, hôm gặp ông trên lớp bèn nói rất hoành tráng: em đã ngưỡng mộ thầy từ lâu, nhưng phải đến hôm nay, chắc là một ngày đại cát, em mới có vinh dự được gặp tác giả huyền thoại của bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”. Mọi người lác cả mắt. Hãi. Thì ra, với chàng ta, cứ là Chú thì tất là cái ông tác giả trứ danh nọ rồi, Nguyễn Đình hay Phan Huy, thời xưa hay thời nay, lung tung xòe, đâu có sao. Ngưỡng mộ kiểu ấy kể cũng… hiếm! Vì thế, hôm đầu học với ông, chốc chốc tôi lại buồn cười: cụ Phan Huy Chú này không búi tó củ hành, không móng tay lá lan, cũng… không có râu nhỉ?
Tôi nhớ, khi ấy là cuối năm thứ hai. Ngồi nghe ông giảng về Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, rồi thơ điếu, thơ viếng, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, thấy lời ông uyên bác, hùng hồn, tế nhị, nhưng thỉnh thoảng cứ nghẹn ngào. Trong các tiết học, đâu có thiếu các tình huống vui với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đẹp nổi tiếng của ông, thế mà chẳng hiểu sao, cái tôi nhớ nhất lại là những lúc ông nghẹn lời. Như khi nói sâu vào tấm lòng, vào văn chương chở đạo, vào tư tưởng nhân nghĩa vừa nồng vừa sâu của Đồ Chiểu. Đặc biệt là nói về cái bi cái hùng của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại mà tinh thần của nó hẳn còn lưu mãi trong những câu bất hủ “Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều ; não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”, hay “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy / Mất ổ bầy chim dáo dác bay”, “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo”… Ấn tượng còn lại trong tôi bấy giờ là: người giảng sao mà nặng tình nặng nghĩa đến vậy. Cách ông đến với nhà thơ mù đất Bến Tre này là tình cảm. Bằng tấm lòng, ông đã có được sự đồng cảm qua thế kỉ. Phải chăng đó là cái tạng riêng, là cách thức riêng của ông? Kết luận của tôi lúc ấy: muốn hiểu Nguyễn Đình Chiểu, phải học… Nguyễn Đình Chú ! Và tôi đã học cật lực. Ông để ý đến tôi không phải do phát biểu trên lớp. Hình như trong các giờ ông dạy, tôi chả phát biểu gì. Mà do bài tập nghiên cứu. Cụ thể là nghiên cứu mảng thơ Đường luật của nhà thơ lớn nhất Nam Bộ này. Ban đầu, để tìm cái chất Nguyễn Đình Chiểu, tôi chỉ đào sâu vào hai bài quen thuộc là Chạy TâyNgóng gió đông. Đọc xong, ông nhắn tôi đến nhà để trao đổi. Thấy ông phấn khởi, những rụt rè của một anh chàng tỉnh lẻ trong tôi cũng bớt được nhiều phần. Được ông cổ vũ và gợi dẫn, tôi đã mở rộng khảo sát ra toàn bộ mảng thơ Đường luật của nhà thơ này để thành một báo cáo trọn vẹn. Năm ấy có hội nghị khoa học toàn quốc về Nguyễn Đình Chiểu tổ chức tại Bến Tre. Là một trong những người chủ trì, ông đã mang báo cáo ấy vào hội nghị. Có thể nói đó là công trình khoa học đầu tiên của tôi được tham dự một hội nghị lớn. Bây giờ đọc lại, thấy còn nhiều non nớt. Nhưng hồi đó, tôi sướng lắm. Nhất là ông còn mang cả Kỉ yếu ra, nhìn thấy bài được in trang trọng, hình như tôi còn hãnh diện nữa thì phải. Giờ ngẫm lại, tôi vỡ lẽ: bằng cách ấy, hẳn là ông đã dẫn dắt nhiều sinh viên như tôi ngay từ những bước chập chững đầu tiên trong học thuật.
Đến khi tốt nghiệp, tôi đạt thủ khoa, với điểm luận văn tuyệt đối, được coi là kỉ lục, nổi đình đám lúc bấy giờ. Nhưng, vì những lí do chỉ có trời mới hiểu nổi, tôi không được giữ lại trường ngay. Nhiều thầy cô đã ra tay, nhưng không lại được với những thế lực cản phá khuất tất khi đó. Tôi rất buồn bã, thất vọng. Và, chắc chắn nỗi thất vọng ấy sẽ làm tôi u ám rất lâu nếu không có những lời chia sẻ động viên của các thầy. Thầy Mạnh, thầy Khung thì phân tích tình hình theo hướng lạc quan, bảo cứ đi vào Nam ít thôi rồi lại ra ấy mà. Thầy Chú cũng gạt bớt ngậm ngùi để khuyên tôi vững bước. Tôi nhớ thầy còn đem chuyện của một sinh viên lớp đàn anh là Bùi Mạnh Nhị hăm hở khoác ba lô vào Nam thế nào để làm gương cho tôi nữa. Tôi đã mang theo những lời khuyên ân tình ấy suốt những năm xa đó để ấp ủ và nung nấu ngày trở về.
Rồi mới đây, khi đọc xong bài tôi viết trên một tạp chí về Tú Xương và bài thơ Thương vợ, tìm vào nhà không gặp, ông về gọi điện ngay cho tôi: “Bài này Xuân Diệu đã viết rồi, Lê Trí Viễn đã viết rồi, bản thân mình cũng đã viết đôi lần rồi, không ngờ là ông vẫn viết được hay như thế đấy ! Rất mới mẻ, sâu sắc và cảm động ! Chúc mừng nhé !”. Chỉ có cách xưng hô là khác thôi, còn giọng điệu cổ vũ thì vẫn cứ nguyên như những lời tôi được nghe hai tám năm về trước. Và tất nhiên, tôi vẫn thấy sướng âm ỉ, dù so với hồi đó, tôi đã già đi hai mươi tám tuổi rồi.
Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: một khoa như khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội mình đây liệu có thể thiếu những con người như thầy Chú được không nhỉ ? Ai cũng biết khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội là khoa đầu ngành của toàn quốc. Đầu ngành không chỉ vì tuổi đời cao nhất, có bề dày truyền thống vào hàng số một, không chỉ vì nó đã đào tạo được số lượng sinh viên văn khoa sư phạm đông nhất nước, không chỉ vì từ đây đội ngũ cán bộ giảng dạy được san sẻ đi khắp nơi làm nòng cốt cho hầu hết các khoa văn đại học trong toàn quốc. Đầu ngành chủ yếu vì vị thế khoa học và uy tín sư phạm thuộc hàng đầu đối với cả quốc gia. Tạo dựng nên ngôi vị của một đơn vị khoa học, hẳn nhiên, vai trò chính phải thuộc về một tinh thần khoa học. Nhưng đó chưa phải là khác biệt của một đơn vị khoa học chuyên về văn chương. Một đơn vị khoa học văn học chân chính bao giờ cũng phải tạo cái nền, nuôi cái gốc là tinh thần nhân văn. Không phải nhân văn trong lí thuyết, trong sách vở. Mà nhân văn ngay trong đời sống, trong cách sống của mỗi nhà khoa học văn học vốn đồng thời là một ông thầy sư phạm. Không có điều đó, xem như ngôi đền này không có móng. Không có điều đó, xem như những lời rao giảng dù văn hoa, hay ho, cao đạo đến mấy cũng không có bảo hành, không có tín chấp. Rất may, ngôi đền Văn khoa Sư phạm Hà Nội có được cái móng này.
Cái móng bề thế già nửa thế kỉ vẫn vững vàng ấy của khoa Văn Sư phạm Hà Nội được bồi đắp bởi những con người như thầy Nguyễn Đình Chú. Có lẽ bất cứ ai đã từng được học ông, được làm việc với ông đều dễ dàng nhận thấy như vậy. Sinh viên Văn khoa Sư phạm biết bao thế hệ, dù là người ra trường đã nửa thế kỉ, thậm chí đã về hưu, hay hiện đang được ông dìu dắt, hẳn họ luôn nghĩ về ông như về người thầy có lòng nhân ái nổi bật của khoa mình. Người ngấm đời hơn còn nhớ tới cả những giọt nước mắt luôn chực ứa ra trên khóe mắt nhân hậu của ông. Ông thực sự là một tấm gương suốt đời của họ.
*
Chuyên môn sâu của ông là văn học trung cận đại. Người ta biết tới ông trước hết là chuyên gia hàng đầu về những Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà… Nhưng diện quan tâm của ông không dừng ở đó. Ông muốn mở rộng sang nhiều giai đoạn khác, sang cả văn hóa. Cho nên, nhìn vào những gì ông viết và hướng dẫn, thấy dày nhất là văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu XX, nhưng cũng thấy cả những hướng dẫn về văn học đương đại, thậm chí cả ca từ Trịnh Công Sơn nữa. Gần đây ông có xu hướng tiếp cận văn chương văn hóa từ cảm hứng triết học. Nhiều bài muốn đặt ra những vấn đề ở tầm triết học khi bàn đến các bình diện của con người, của chủ nghĩa nhân đạo phổ quát. Ông muốn làm trọng tài khi nhìn lại những cuộc tranh luận hãy còn dở dang trong quá khứ. Ông muốn khắc phục những tồn tại bởi cái nhìn còn nặng thiên kiến chính trị đương thời, hoặc còn thô giản về quan niệm học thuật lúc bấy giờ. Đọc những bài ấy, thấy kiến văn của ông thật uyên thâm, khát vọng học thuật của ông thật cao rộng.
Học thuật của ông đương nhiên là trọng lí, nhưng trước hết phải thấu tình. Nhiều sinh viên và cán bộ trẻ khi mới dấn bước vào khoa học thường cả tin vào sự toàn năng của trí thông minh trong học thuật văn học. Chỉ đến lúc nào đó, họ mới ngộ ra được rằng: đối với lĩnh vực học thuật này, sự ngang bằng giữa trí thông minh và sự nhạy cảm mới chính là then chốt. Lí trí và tình cảm, trực giác và cảm xúc bao giờ cũng phải cân bằng nhau thì mới giúp kẻ làm học thuật văn chương có được những phán đoán đúng đắn, tin cậy. Một trong hai yếu tố ấy non lép hoặc lấn át đều phương hại đến nhận thức trong lĩnh vực đặc biệt này. Trong rất nhiều trường hợp, một khi thiếu đi sự tinh nhậy và phong phú của cảm xúc, thì càng thông minh lại càng đi chệch ra ngoài chân lí. Tôi để ý, khi góp ý cho các sinh viên hay cán bộ trẻ về những bài viết của họ, bao giờ ông cũng kiềm chế xu hướng của những tay viết quá thông minh. Ông sợ rằng, trong văn chương, nếu ai quá thông minh thì đường học thuật nói chung hay từng công trình nói riêng sẽ nặng về lí nhẹ về tình. Ông thường đem câu chuyện thầy Đặng Thai Mai của mình ngày nào để răn đe và cảnh báo đám hậu sinh. Lần ấy ông đến chơi, thì gặp lúc cụ Mai tiễn nhà thơ Chế Lan Viên ra cửa. Không biết họ tranh luận về điều gì, nhưng cụ Mai nguýt theo nhà thơ họ Chế và nói với học trò: “Hứ, một nhà thơ quá thông minh !”.
Mang sẵn trong mình lòng nhân ái và lối sống vị tình, hẳn lúc ấy cậu học trò Nguyễn Đình Chú đã lập tức nhập tâm câu chuyện này. Nên ngay từ bấy giờ nó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm và xu hướng học thuật của ông. Không phải ngẫu nhiên, trong các giá trị văn chương, ông tâm đắc nhất với văn chương đạo lí, trong những luồng tư tưởng, ông nhạy nhất với tư tưởng nhân đạo, trong các giọng điệu nghệ thuật, ông mủi lòng nhất với giọng điệu cảm thương. Về triển khai tư duy cũng thế. Để bàn một chữ nào đó, có thể ông dẫn ra rất nhiều tri thức sách vở cổ kim đông tây. Để tranh luận một ý nào đó, có thể ông cũng viện đủ mọi lí lẽ cho kì sáng tỏ. Tuy nhiên, nếu không đặt trọn tấm lòng mình vào đó, không ngừng gia tăng sự đồng cảm đối với mọi tâm tình tiềm ẩn ở từng trang viết, trang đời của nhà văn, thì ông không tin là có thể tới được điều gì. Để đến với lẽ phải, học thuật của ông cũng đi bằng hai chân: chân lí và chân tình. Nhưng cái tình luôn là chân thuận, nó bước mạnh hơn, mau hơn và truyền lực cả cho cái lí. Do vậy, khi lâm vào tranh luận, có vẻ ông không coi trọng lắm sự thắng thua, hay vơ tất lẽ phải về mình, mà hướng nhiều đến sự đồng thuận. Mỗi bài viết đạt được sự đồng thuận bao giờ cũng khiến ông hoan hỉ. Tôi có may mắn được ông chia sẻ rất nhiều niềm hoan hỉ như thế. Những khi ấy, tôi càng thấy rõ: ông đi vào học thuật trước hết vẫn bằng lòng nhân ái.
Bởi thế, theo tôi, cái phần đậm chất Nguyễn Đình Chú nhất trong những gì ông viết, hẳn phải là các công trình về những người thầy của ông. Năm vừa rồi, tổ văn Việt Nam Hiện đại chúng tôi có tổ chức hội thảo khoa học kỉ niệm Nhà văn giáo sư Trương Tửu. Có làm việc cùng ông trong các khâu tổ chức, có chứng kiến ông lo liệu cùng anh Trương Quốc Tùng, con trai giáo sư Trương Tửu, mới thấy tấm lòng học trò sâu nặng thủy chung của ông dành cho người thầy lớn của mình. Ông xem mình như người anh lớn trong gia đình thầy cũ để chia sẻ mọi công việc, dù vào thời điểm này vẫn có thể bị phiền toái. Và ông cũng đã mang trọn tấm lòng như thế vào bao trang viết về những tên tuổi như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường… Ngoài chiều sâu học thuật của một chuyên gia văn học sử, thì những trang văn ấy bao giờ cũng là tiếng nói của một tấm lòng chan chứa ân nghĩa, đầy tình nhân ái. Bao giờ ông cũng viết bằng sự tri ân kép. Vừa là tri ân của một sinh viên hăng hái bồng bột ngày nào đối với những thần tượng một thời, vừa là tri ân của một trí thức từng trải bao biến thiên thời cuộc đối với những thân phận kẻ sĩ trong sóng gió cuộc đời, đối với những tài năng gặp cơn bĩ vận, đối với những bậc thầy về nhân cách gặp thế cuộc nhiễu nhương. Mỗi tình tiết được viết đều cảm kích, mỗi kỉ niệm được kể đều đẫm thương yêu, mỗi nhận định, suy tôn về từng người đều vừa khách quan khoa học vừa nặng trĩu ơn nghĩa và cả ăn năn nữa. Tôi rất ấn tượng về những dòng ông dành cho thầy Tương Tửu của mình: “Thầy ơi, chuyện đời cái gì đáng qua đi, sẽ qua đi. Cái còn lại, sẽ còn lại. Những vinh quang của thầy sẽ còn lại”, “Rồi nữa là với Truyện Kiều, kiệt tác thiên tài số một của lịch sử văn chương dân tộc, ai đó hôm nay và mai sau, tìm hiểu lịch sử nghiên cứu Truyện Kiều, làm sao có thể bỏ qua những công trình của Nguyễn Bách Khoa, của Trương Tửu, và dù trong đó có cái được cái và cái chưa được còn tha hồ mà bàn mà luận, nhưng hẳn là sẽ ghi nhận một trạng thái lao động thuộc về bản chất của khoa học là sự tìm đi tìm lại như từ “Recherche” trong ngôn ngữ Pháp để mệnh danh cho nó”, “Bởi dù cảnh ngộ có nhọc nhằn, Thầy bằng bản lĩnh và tài năng vốn có của mình, đã giữ lấy sự thanh thản, yên bình trong tâm hồn, để từ đó tiếp tục sống có ích cho gia đình, cho nhân quần, cho cuộc đời. Không còn điều kiện cầm bút, thầy đã cầm kim châm cứu để giành lại sự sống cho hàng vạn người dân lành. Không cầm bút viết văn thì thầy cầm bút viết sách Đông Y, sách châm cứu để người đời ai biết thì tốt, chưa biết sẽ biết sau”… Đọc những trang viết như thế, bao giờ tôi cũng thấy rõ học thuật Nguyễn Đình Chú, có thể nặng kiến văn, có thể giàu ý tưởng, nhưng vẫn khởi thủy từ một ngọn nguồn thôi: giọt nước mắt nhân ái trong cõi tinh thần của ông. 
                                                                        *
Trong làng giáo đại học, đôi lứa hạnh phúc được như vợ chồng thầy Chú chắc không có nhiều. Đến nay, vào tuổi tám mươi rồi, vẫn tâm đầu ý hợp, vẫn tương kính như tân, vẫn như hình với bóng, chẳng khác thuở ban đầu. Không biết thầy cô đã tổ chức đám cưới vàng, đám cưới kim cương hay chưa. Nhưng hễ ai đã biết họ, cũng phải trầm trồ: thật là một cặp vợ chồng lí tưởng! Tôi nghĩ, chắc giờ đây khi tính sổ cuộc đời, hẳn ông sẽ thấy rằng chính cô mới là cái được lớn nhất của đời mình.
Ít có người vợ nào yêu chồng, hiểu chồng, tận tụy và gắn bó với chồng như cô Thâm. Những ý thức về đạo đức, về bổn phận, về nghĩa vụ ở cô đều tan thấm vào một tình cảm hồn hậu với những ứng xử rất tự nhiên. Coi học trò của chồng như học trò của chính mình là cách sống như vậy. Cô hiểu và nhớ tính nết cùng năng lực, cảnh ngộ của họ sâu sát chả khác gì thầy của họ. Cách thương của cô dành cho họ cũng y như cách thương của thầy. Hôm vừa rồi, tiến sĩ Bùi Văn Lợi, một nghiên cứu sinh gần hai mươi năm trước của thầy, lâu nay sinh sống tít tận Qui Nhơn, chẳng may bệnh nặng, lại qua đời ở Hà Nội. Thầy thì đang bận việc ở Sài Gòn, không ra kịp. Hay tin, chính cô đã đến viếng tận tình chu đáo giữa một ngày mưa tầm tã. Không phải cô đi thay cho chồng, mà cô đến tiễn đưa bởi lòng xót thương lâu nay cô vẫn dành cho cậu học trò xấu số của chồng. Cả thân nhân và bạn hữu của Bùi Văn Lợi đều bất ngờ và vô cùng cảm kích. Trên đường từ đám tang về, tôi đã nghĩ nhiều về sự đồng điệu của thầy cô. Đó không chỉ là chuyện đồng điệu của văn hóa ứng xử, mà chính là sự đồng điệu của lòng nhân ái. Nhân ái với người và nhân ái với nhau, bồi đắp cho đời và bồi đắp cho nhau. Tôi tin rằng cái cây hạnh phúc của thầy cô tươi tốt như vậy là bởi có gốc nhân ái này.
Là con một gia đình nho gốc, rất giàu truyền thống văn chương của xứ Nghệ, cô đã được thừa hưởng cái gen tài hoa của gia đình. Nên, là giáo viên sinh vật, nhưng cô cũng giỏi văn chương. Ứng tác thơ phú rất nhanh nhậy tài tình. Bạn bè đồng nghiệp vẫn truyền tụng nhiều bài thơ thâm thúy dí dỏm cô viết tặng thầy. Giễu chồng bằng những vần thơ hài hóm là một cách bộc lộ tình yêu chồng thật độc đáo của cô: “Chẳng cờ, chẳng biển, chẳng cân đai / Vẫn xứng ông nghè chẳng thể sai/ Ghế chéo lọng xanh ông không có / Có cái Chaly cứ phóng hoài” (chả là ông vẫn thích cưỡi chiếc xe Chaly thấp tè, mà tôi vẫn gọi đùa là… con la!). Tiếng cười vui từ một tâm hồn tài hoa như thế hẳn đã góp phần nuôi dưỡng bầu không khí hạnh phúc trong gia đình thầy bấy nay.
Biết không khí này, nên tôi cũng hay nổi hứng châm thầy. Nhớ cái lần trở về sau chuyến đi xuyên Việt, vào văn phòng khoa, ông hào hứng kể ra bao nhiêu là thú vị vừa gặt hái được. Nhất là cảm giác hạnh phúc như thế nào khi vào tới Tây Ninh, lần đầu tiên được cùng vợ du ngoạn núi Bà Đen, một thắng cảnh nổi tiếng của xứ ấy. Nghe xong, tôi bèn ra một vế đối vui và đề nghị được ông đối lại. Đó là: “Đang đi cùng bà Thâm còn thích trèo bà Đen”. Có lẽ vì không thể ngờ tôi lại tếu táo quỷ quái thế, nên ông chỉ phá lên cười mà chưa thể đối ngay. Mà vế ra “láo” thế, đối đâu có dễ! Ông bảo tôi: ông ra, thì ông đối đi xem nào. Tôi bí. Chả biết nghĩ tiếp ra sao. Mà tắc thì dở ẹc. May thay, lúc ấy, trong đầu tôi, cái tên của ông bỗng vang lên. Thế là, tôi chộp lấy, và tiếp tục “láo” :“Đã lấy làm ông Chồng vẫn kêu bằng ông Chú”. Ôi, thế mà… đối đáo để. Không ngờ, tôi có thể “láo” một cách trọn gói như vậy.
Về, chột dạ, tôi cứ e ông phật ý. Nhưng, ông lại rất khoái chí: “Này, chưa ai tặng mình câu đối… ấn tượng đến thế đâu nhé !”. Tôi nhẹ cả người. Nhưng, tôi biết, đấy cũng chính là sự độ lượng từ tấm lòng nhân ái đó thôi.
                                                 Mùa thu Thăng Long thứ một nghìn
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445358

Hôm nay

295

Hôm qua

2296

Tuần này

2967

Tháng này

211617

Tháng qua

120141

Tất cả

114445358