Người xứ Nghệ

Thầy tôi - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Chú

 Tôi may mắn được gặp thầy vào năm 1980. Hồi đó, trường Đại học Sư phạm Vinh - nay là Đại học Vinh mời thầy cùng GS Nguyễn Đăng Mạnh (thầy Mạnh nguyên là cán bộ cũ của khoa Ngữ văn) vào giảng dạy chuyên đề cho lớp Cao học khóa IV.

Thầy giới thiệu với chúng tôi: “Tôi chỉ là người học trò nhỏ, từng cắp cặp theo các giáo sư Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Thai Mai, Nguyễn Bách Khoa,... Mong làm sao trao đổi được với các anh chị một đôi điều có ích”. Một thầy giáo thật “điển trai”, nhân hậu với lời tự giới thiệu khiêm nhường, rồi bài giảng, cách truyền thụ, giọng nói, tất cả gợi cho chúng tôi ấn tượng thật thích thú, dễ chịu ngay tự buổi đầu. Từ đấy tôi chú ý đọc kỹ hơn các bài viết của thầy Chú - người có cái tên mang nghĩa bấc đèn () - dù có nhỏ nhoi, bình dị nhưng là tâm, nguồn của ngọn lửa tỏa sáng...

 
 Nói đến GS Nguyễn Đình Chú, trước hết là nói đến một nhà giáo mẫu mực, thủy chung gắn bó với ngành giáo dục, một người thầy, một nhân cách đẹp. Viết về thầy trong tư cách của một người học trò, tôi (và có lẽ cả thế hệ học trò chúng tôi) không thể không bị ám ảnh bởi các bài viết như vắt ra từ can tràng của thầy về những người thầy không chỉ “vang bóng” một thời, mà còn mãi mãi: Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai,... - “những thầy giáo là những ông trùm văn hoá, ông trùm khoa học cho đất nước, không chỉ làm sáng danh thời đó mà cả với muôn thuở non sông...")(1).Cũng có thể nói như thế được chăng về thế hệ của thầy với những gương mặt sáng giá (những người thầy vừa trực tiếp, vừa gián tiếp của tôi): Nguyễn Trung Hiếu (1922 - 1995), Trần Đình Hượu (1927-1995), Phan Ngọc, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Phạm Đức Dương, Nguyễn Quang Hồng,...       
Đã có những thế hệ vàng mười kế tiếp trong nghề thầy giáo. Đến lượt thế hệ chúng tôi, liệu có kế tiếp được? Thật khó nói! Càng bị ám ảnh từ những bài viết của thầy, càng “nghĩ ra lại thẹn”... Sự tiếp nối liền mạch tương xứng giữa các thế hệ học trò, giữa các thế hệ những người làm thầy (dạy học), từ lớp chúng tôi về sau, dường như đang có nguy cơ gián đoạn. Làm sao mà không thẹn, buồn, lo?...
 
Trong tư cách một nhà khoa học, người làm lịch sử văn học, GS Nguyễn Đình Chú đã dày công tìm hiểu, cố gắng bao quát nhiều hiện tượng không phải không phức tạp, thậm chí quá phức tạp, lắm ý kiến trái chiều của văn hoá, văn học Việt Nam, văn hoá phương Đông. Có thể thấy ở đây, nhà nghiên cứu luôn giữ một thái độ cẩn trọng, khách quan, không cực đoan cố nói lấy được, mà quyết tìm cho thấu giá trị để đời, nhất là những giá trị nhân văn, nhân bản của các hiện tượng văn hóa, văn học dân tộc, sớm giới thiệu, truyền thụ nó cho đông đảo công chúng độc giả. Công lao của thầy ở phương diện này, bao lớp học trò làm sao mà quên được!            
Tôi nhớ lời thầy Mạnh (GS.NGND Nguyễn Đăng Mạnh): “Ngày nay học thuyết nhiều, chủ nghĩa lắm, phương pháp luận cũng đủ loại... Tôi cho rằng không nên rẻ rúng bất cứ học thuyết nào, phương pháp nào, miễn là chúng có ích, hoặc nhiều, hoặc ít, cho việc nhận thức ngày một đầy đủ hơn đối tượng nghiên cứu của mình”(2).Điều đáng tiếc là, không ít trường hợp do sính lý thuyết mới hoặc chạy theo “mốt” mà xem thường nội dung (cái được biểu đạt) trong văn học, nhất là những nội dung về lẽ sống, đạo lý, về đất nước, nhân dân, về chuyện làm người giữa xã hội, nhân quần...(!). Cảm hứng về đất nước, dân tộc, về cách mạng cạn nguồn rồi sao, mà văn chương, nghệ thuật, học thuật hiện nay viết về nó mỏng thế? Có vẻ như người ta tránh loại đề tài này (?). Cứ nhìn vào thơ ca, nhạc, họa, vào danh mục các đề tài luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ, khóa luận tốt nghiệp đại học trong các trường đại học thì sẽ rõ. Có một thực tế là, các hiện tượng văn học yêu nước và cách mạng ít được màng tới, thậm chí bị rẻ rúng. Với thầy Chú thì khác.
Từ rất sớm, Nguyễn Đình Chú đã quan tâm đến loại văn chương này. Cho đến nay, thầy vẫn kiên định một quan điểm, nó là loại thơ văn có giá trị đặc biệt, mang tình cảm lớn của thời đại, là một hiện tượng xã hội - thẩm mỹ có sức hấp dẫn riêng, nhưng phải có cách tiếp cận khoa học, sát đúng với đặc thù của nó mới có hy vọng chiếm lĩnh nó. Không thể không thấy rằng “mỗi lần tiếp xúc với văn thơ cách mạng quá khứ, chúng ta lại như được gặp lại cha ông mình thuở trước. Chuyện là chuyện văn chương nhưng trước hết vẫn là chuyện đất nước, con người. Ở đây có bao nhiêu xót xa, tủi hận, bao nhiêu lúng túng, quằn quại, thất bại nhiều hơn thành công. Nhưng trước hết vẫn là những cố gắng, những tâm huyết, những hy sinh cao cả, cảm động”(3)...      
Văn chương là tâm huyết, là nỗi lòng, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, phải trên cơ sở của gốc rễ trữ tình, là chuyện của đất nước, con người, chuyện của nhân văn, nhân bản... Tư tưởng và cái nhìn quán xuyến của Nguyễn Đình Chú trong tiếp cận, chiếm lĩnh các hiện tượng văn học, văn hóa chính là ở đây. Tôi hiểu vì sao thầy rất tâm đắc với lời bình của Mộng Liên Đường chủ nhân về Truyện Kiều, về Nguyễn Du - “người có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới nghìn đời”. Tôi tin, nhiều thế hệ học trò khó có thể quên các khái quát xác đáng của thầy, về Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ trữ tình đạo lý; Nguyễn Khuyến - nhà thơ nhân bản; Tú Xương - con người của bi kịch, tâm, tài gắn bó với vận nước, vận dân, không chịu để dòng đời cuốn vào ô uế; Tản Đà - một cá tính độc đáo, một nhân cách thanh cao; Phan Bội Châu - nhà văn, nhà văn hoá lớn, luôn sôi trào nhiệt huyết trên từng trang viết về quốc dân, đồng bào; Cao Xuân Huy - sự im lặng của núi; Trương Tửu - con người “với bao nhiêu vinh quang và cũng với bao nhiêu nhọc nhằn”, v.v...
Với Nho giáo, Phật giáo, chủ nghĩa Marx, các triết thuyết và Sự áp đảo của Phương Tây đối với Phương Đông trên phương diện văn hóa, tinh thần truyền thống, rồi nhiều hiện tượng văn hóa, văn học khác của Việt Nam, từ lịch sử văn học, vấn đề phân kỳ văn học, các phạm trù văn học trung đại, hiện đại, các trào lưu, khuynh hướng văn học, chương trình ngữ văn trong học đường, đến các tác gia, tác phẩm văn học cụ thể (Nguyễn Dữ với Truyền kỳ mạn lục; Nguyễn Du với Truyện Kiều; Nguyễn Công Trứ với cái tôi cá nhân; Nguyễn Đình Chiểu với ý thức dân tộc, tình thương dân và đạo lý làm người; Tú xương với tiếng cười, nỗi đau và những cách tân nghệ thuật; Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam; Phạm Quỳnh với những lời bàn về tiểu thuyết; Cao Xuân Huy với khái quát “chủ toàn”, “chủ biệt” trong khu biệt văn hóa Đông, Tây; Trần Đức Thảo với năng lực tư duy trừu tượng khoa học kiệt xuất; Nguyễn Đức Vân với những nỗ lực âm thầm và đóng góp không nhỏ cho việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu quan niệm văn chương của người xưa, v.v...), GS Nguyễn Đình Chú đều có những phân tích, luận giải, tường thuyết kỹ lưỡng. Đặc biệt, các trò học được rất nhiều ở thầy đức tin và thái độ bình tĩnh, công bằng trong đánh giá các hiện tượng văn hóa, văn học quá khứ. Nếu đối tượng có bị phủ ố màu do sự khắt khe, chưa rõ, hoặc cực đoan của người đời, thì cũng tìm cách gạn đục khơi trong, và như đã nói ở trước, quyết tìm cho được giá trị, ý nghĩa văn hóa, nhân văn để đời của nó.            “Văn như kỳ nhân”! Tôi nghĩ, cổ nhân có thừa kinh nghiệm để đúc rút điều này, không chỉ đối với chủ thể của các tác phẩm do họ sáng tạo nên, mà còn đối với cả người nghiên cứu về các chủ thể - sáng tạo ấy! Thiếu nhiệt huyết và trách nhiệm với tấm lòng tri ân sâu nặng tiền nhân thì chắc chắn người viết không thể có những trang viết chí tình, chí nghĩa đến thế.
 
Trong đời sống thường nhật, cũng vậy. Nói đến thầy Chú là nói đến một tấm lòng bao dung, rộng mở, tràn đầy tình thương yêu. Chưa bao giờ tôi thấy thầy chê trách học trò (nhất là học trò thời nay dễ có điều để chê trách) trước mặt người khác; trái lại, chỉ có khen. Trò nào có được bài viết hay, trò nào có cuốn sách chất lượng vừa ra, thầy đều mừng khôn xiết và kịp thời động viên, chia xẻ...
Thật may mắn, lần thứ hai, từ 1994, tôi được trực tiếp làm học trò của thầy. Ấn tượng buổi đầu về thầy càng được củng cố, khẳng định. Tổ ấm của thầy trên tầng cao chót vót - tầng 5, khu Đồng Xa, Hà Nội. Nhớ một thời khốn khó, “giá chợ đen nghoảnh mặt với tiền lương” (trước sau những năm 80 của thế kỷ XX), chức - phận càng thấp thì ở càng cao, nhất là với các thành phần “viên” như giáo viên, giảng viên, nhân viên. Căn phòng đơn sơ, nghèo nàn, nhưng thật thoáng, thực sự trở thành mái ấm không chỉ riêng cho gia đình thầy mà còn cho cả những đứa học trò nghèo như chúng tôi. Có những NCS từ miền Nam xa tắp, ra Hà Nội làm luận án tiến sĩ, hoàn cảnh khó khăn, thầy đề nghị về tá túc tại “nhà” thầy mà viết luận án. Trò không thể từ chối lời mời hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương rất mực của thầy. Không hiểu cách ứng xử văn hoá đầy tình thương của thầy “lây” sang cô Thâm - phu nhân của thầy (vốn là ái nữ của nhà Hán học uyên thâm Nguyễn Đức Vân), hay ngược lại, từ cô Thâm “lây” sang thầy, mà cả nhà có lối sống văn hoá tuyệt vời đến thế. Ấm áp và hết sức gần gũi.
“Kính nhi viễn chi”! Không, trò dễ gần thầy lắm, thậm chí có thể suồng sã, “trạng” với thầy thoải mái. Có lần, thầy và cô vào Vinh, v/c tôi và một cặp v/c cao học còn rất trẻ, tập hợp thành 3 cặp v/c thuộc 3 thế hệ cùng “điểm tâm” buổi sáng. Tôi thách đố mọi người: trong rất nhiều cặp đôi cùng dự tiệc, làm sao để nhận ra được đâu là cặp v/c (vợ chồng) đích thực? Mỗi người trả lời một cách. Tất cả đều trật khấc! Tôi đưa ra đáp án: trong rất nhiều cặp đôi cùng dự tiệc, ở từng cặp, nếu thấy người phụ nữ gắp thức ăn cho người đàn ông, thì đấy là một cặp v/c mới cưới; Nếu thấy người đàn ông gắp thức ăn cho người phụ nữ, thì đấy là một cặp “bồ”; Còn: mạnh ai nấy gắp, thì đấy là một cặp vợ chồng đích thực, không thể chối cãi! Vậy là ở đây, không có cặp v/c nào đích thực cả (!). Thầy Chú thốt lên: “Trời đất! Một đúc kết cả đời người”! Đáp án của tôi và “tổng luận” của thầy khiến cô Thâm phản đối quyết liệt, rằng, “như tôi và ông Chú đây không bao giờ như thế”! Rằng, “suốt bao nhiêu năm, ông Chú đi đâu, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi theo đấy, để chăm chút, “ba cùng”... Làm gì có chuyện mạnh ai nấy gắp”!... Thầy trò được một phen vui đáo để!
Có lần tôi kể cho thầy nghe, khi nghệ sĩ Trần Hiếu nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, phóng viên hỏi nghệ sĩ: xin ông cho biết cảm xúc của mình?. Trần Hiếu: “Tôi chỉ sợ rằng, khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân rồi, nghệ sĩ chẳng thấy nhân dân đâu, và ngược lại, nhân dân cũng chẳng thấy nghệ sĩ đâu”! Thầy rất khoái điều này và có những nhận xét thâm thúy về các danh hiệu có định ngữ là nhân dân.
Nhân dân là ai? Với thầy, nhân dân là những “kiếp đời bé mọn” (chữ dùng của Nguyễn Đình Chú), là học trò. Hạnh phúc biết bao cho Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú khi mà hai bên, nhà giáo và nhân dân không những luôn luôn nhìn thấy nhau, mà còn sống trong nhau, cho nhau và vì nhau. Mối quan hệ hai chiều giữa nhà giáo và nhân dân ở đây luôn đầy ắp những tình cảm sáng trong, tha thiết, ấm nồng.
Có một nhân cách người thầy như thế. Có lẽ đây là lý do khiến cho thầy tôi trẻ mãi, đẹp mãi. Đã ngoại bát tuần, thầy vẫn phong độ như thể ba mươi năm về trước, ngày thầy cùng thầy Mạnh vào Vinh (1980). Mừng lắm!     Tôi hẹn với Công Lý (PGS.TS, hiện công tác tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và Lệ Thanh - người đẹp xứ Tuyên (TS, hiện công tác tại Tuyên Quang) sẽ cùng nhau tụ họp tại căn phòng tầng 5 - khu Đồng Xa, Hà Nội (thầy cho tôi biết sẽ giữ mãi nguyên trạng căn phòng này, không bán, vì nó có biết bao nhiêu kỷ niệm ấm lòng) mừng SƯ PHỤ giải hạn 99.  
 
*******************************************************
 
(1) Bài phát biểu của GS.NGND Nguyễn Đình Chú tại lễ kỷ niệm 55 năm trường ĐHSP Hà Nội (11/101951 - 11/10/2006).
(2) Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.5.
(3) Nguyễn Đình Chú, Sức sống của một thời đại - bài giới thiệu Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900 - 1930), Nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr.29.
 
 
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521230

Hôm nay

24

Hôm qua

2303

Tuần này

24

Tháng này

219169

Tháng qua

121009

Tất cả

114521230