Đất và người xứ Nghệ

Cầu Son

Cầu Son

Cầu Son bắc qua khe Son, lạch nước nhỏ nối rào Gang với rào Cấy. Rào Cấy là tên người địa phương âu yếm đặt cho sông Lam - dòng sông đã chứng kiến sự sinh thành, sinh sôi của làng mạc, xóm thôn hai bên ngạn, đã chứng kiến những thăng trầm của sự thế, buồn vui của đời người. Rào Gang, tên chữ là Đa Cương giang. Khe Son, cầu Son gắn với sự tích Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan - một người con ưu tú của quê hương Nghệ An, một danh thần của Lê triều giai đoạn mạt kỳ. Truyền rằng, vào đầu thế kỷ XVI, thời Lê Trung Hưng, có một người đàn ông đi qua chỗ ghềnh rú Nguộc thì đau bụng bèn ghé vào bụi cây để vệ sinh. Tiện tay lấy ngay lá bụi cây ấy để chùi. Chùi xong chợt thấy ngứa rát khó chịu, đưa tay gãi thì càng gãi càng ngứa. Hỏi người, nhờ giúp đỡ thì chỉ nhận được cái nhìn ghê tởm hay những bãi nước bọt. Trong tình thế lố bịch ấy, chợt có một người đàn bà đi chợ về dừng lại hỏi han. Biết được sự tình, người đàn bà đến nhìn lá cây mà người đàn ông đã dùng để lau thì ra là lá nải - một thứ lá mà hễ động vào chỗ nào trên da thịt, chỗ ấy lập tức sưng tấy, ngứa rát rất khó chịu. Thương tình, người đàn bà bèn xõa mái tóc dài đen óng ả của mình, xoa vào chỗ sưng tấy của người đàn ông. Một lát sau, chứng ngứa rát hết sạch mà dấu sưng tấy cũng không còn.

Rú Nguộc

Cảm vì tấm lòng của người đàn bà, người đàn ông lúc này mới tiết lộ rằng mình là một thầy địa lí, tên Cú Đẹn, không vợ con, không gia đình (có lẽ vì không lấy vợ nên có tên Cú Đẹn), và ngỏ ý chọn giúp người đàn bà một huyệt đất đế vương. Người đàn bà đồng ý. Họ cải táng chồng người đàn bà lên một trong những ngọn núi cùng dãy với núi Nguộc. Lạ thay, mộ vừa đắp xong, bỗng một trận cuồng phong thổi đến, biến tất cả thành bình địa, xóa sạch cả dấu vết mộ phần. Bãi đất trống ấy nghe nói ngày nay vẫn còn. Thật chẳng may là không lâu sau đó, có một người Tàu đi qua, biết rằng có huyệt lạ phát tích đế vương, muốn trừ yểm. Tuy nhiên, người Tàu này không tìm ra vị trí huyệt mộ, bèn thuê người đào một con sông nhỏ, nối Rào Gang với rào Cấy, như một vết cắt ngang cổ con rồng. Từ đó, dòng họ Nguyễn Cảnh ngày càng phát đạt, sự nghiệp vô cùng hiển hách nhưng mạch đế vương đã bị cắt, nên không thể nên nghiệp đế,. Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan chính là người được kết tinh từ huyệt đất ấy. Lại nói, Khi lạch nhỏ thông dòng, nước có màu đỏ như son, chính là máu con rồng chảy ra do viết cắt ngang cổ. Cái tên khe Son, cầu Son ra đời vì lẽ đó.

Sử chép, Nguyễn Cảnh Hoan, hay Nguyễn Cảnh Mô, hay Trịnh Mô (tên do Trịnh Kiểm yêu quý mà đặt cho), tước Tấn Quận công, chức Binh bộ Thượng Thư, hàm Thái phó, sau phong Tấn Quốc công, sinh năm 1521, tại Nghệ An. Tổ tiên Nguyễn Cảnh Hoan ở phương Thiên Lý, thuộc huyện Đông Triều, trấn Quảng Ninh, cuối đời Hồ vì loạn lạc nên chuyển vào làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Cảnh Hoan là hậu duệ đời thứ 5, 6 của các anh hùng đời Hậu Trần Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Cảnh Chân. Cuộc đời Nguyễn Cảnh Hoan là cuộc đời một võ tướng với nhiều chiến công hiển hách, đặc biệt là trong công cuộc phù Lê. Ban đầu, Nguyễn Cảnh Hoan cùng cha chiêu tập binh sĩ khởi nghĩa tại thôn Chiêu Quả thuộc vùng núi Thanh Chương cốt để đánh dẹp giặc cướp, năm 1536, cha con ông mới chính thức mang quân theo Lê Trang Tông, chính thức đi theo binh nghiệp một cách chính thống và trở thành tướng quân bách thắng. Tuy nhiên, đến năm 1576, khi nhà Mạc xua quân đánh chiếm Thanh Nghệ, thuộc tướng của ông là Lâm Quận công làm phản, đầu hàng tướng Mạc Nguyễn Quyện và tiết lộ quân cơ. Nguyễn Cảnh Hoan bị Nguyễn Quyện phục binh bắt được. Nhà Mạc nhiều lần khuyên dụ nhưng ông nhất mực trung thành với nhà Lê. Ông bị chém tại Thăng Long vào năm 1576. Mặc dù vẫn coi ông là đối thủ lớn nhất trên chiến trường, nhưng trọng vì tài năng, khi phách của ông, Nguyễn Quyện đã cho người khâm liệm, xin vua Mạc cho đưa ông về bản quán và nói về ông rằng: “Trung nghĩa, cương liệt đời nay hiếm hoi, đời sau sẽ thành thần lớn”. Quả nhiên, sau khi chết, Nguyễn Cảnh Hoan nổi tiếng linh thiêng, hay hiển linh giúp dân. Ông được nhiều triều đại ban nhiều sắc phong thần.

Cầu Son nằm ở chỗ tiếp giáp hai xã Đồng Văn và Thanh Ngọc, cách trung tâm huyện lị Thanh Chương chừng vài km về phía đông theo hướng đi Vinh. Mấy chục năm về trước, con đường từ nhà tôi đến cầu Son là một quãng đằng đẵng với cái nhìn ngắn ngủi tuổi thơ và với khả năng đi bộ của đôi chân non nớt. Hồi nhỏ, tôi chẳng mấy khi có dịp đi qua cầu Son, ngoại trừ mấy lần theo anh chị đến nhà bà con giỗ tết. Phía bắc cầu Son là bàu sen, xưa kia mùa hạ sen nở hồng cả một vùng, hương sen thơm ngát miên man tóa khắp bốn phương, tỏa đến chân rú Nguộc, nơi có bãi đất trống còn có dấu tích nền móng nằm giữa đồng lúa, cạnh con dường viền quanh chân núi. Ngày anh trai tôi xuống dựng nhà ở đó, tôi mới biết đấy là phế tích phủ thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Canh Hoan. Người già kể rằng, phủ xưa kia rộng rãi và uy nghiêm, linh thiêng và đặc biệt rất đẹp về cả khuôn viên và kiến trúc. Sau đó, thời bão táp cách mạng, phủ bị phá. Vật liệu và các đồ tế khí đều bị ai đó lấy đi. Cách nay mấy năm, trên nền phủ bỗng mọc lên một khu nhà giống nhà kho hợp tác xã xưa. Hỏi ra mới biết, có một nhóm doanh nhân hứa cấp vốn để phục dựng phủ thờ, nhưng nhà thầu và nhóm thợ chỉ làm được vậy nên họ không cấp tiền. Lòng tôi bị một vết cắt.

Đứng trên đỉnh rú Nguộc có thể nhìn thấy nền cũ của phủ thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan; có thể thấy cầu Son và nước khe Son nhẫn nại chảy ra sông Lam, và bất chợt hung dữ trong mùa mưa lũ; có thể nhìn xuống dòng sông Lam đôi bờ biền biệt xanh ngô khoai và thỉnh thoảng gắt lên một vầng đỏ tươi hoa gạo. Những làn gió mơn man mặt ghềnh. Rú Nguộc o ép sông Lam quãng này gắt lạ. Dựng một vách đá thẳng đứng từ đáy vực lên gần đỉnh núi, trong cái thế đường uốn lượn, nó tạo nên một quãng bờ sông kì vĩ có phần bạo ngược, tạo nên đệ nhất kỳ quan của một vùng Thanh Chương rộng lớn lô xô núi đồi. Xưa quãng đường này quanh co, cheo leo vừa mạo hiểm vừa phiêu bồng. Sau sự kiện đau đớn năm 2000, người ta bạt đá, kè đường. Đường trở nên rộng, thoáng, thẳng hơn trong sự nuối tiếc của những tâm hồn say mê cảnh nước non hùng vĩ.

Cạnh nền cũ phủ thờ Thái phó, mà nay là “nhà kho hợp tác xã” giờ mọc lên nghễu nghện một nhà máy gạch với ầm ào bụi khói với nham nhở hố đất. Bờ sông Lam phía trước là chỗ khai thác cát. Chẳng biết tác động của việc khai thác cát thế nào, nhưng có điều chắc chắn là vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng xứ Thanh Chương ở quãng sông này đang dần biến mất. Sông lở bồi chẳng còn theo dòng chảy tự nhiên thuở trước. Quãng nước qua đây đang dần hẹp lại và có thể lội qua vào mùa khô - điều mà trước nay chưa từng có. Tiếng máy hút cát ầm ào suốt ngày đêm đẩy văng những con bìm bịp, tà vặt, bói cá… về một nơi nào đó trong hoang hoải những ngọn lau lấm bẩn.

Yên Đồng, đầu hạ, 2023

L.T.N

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443455

Hôm nay

213

Hôm qua

2333

Tuần này

21268

Tháng này

218629

Tháng qua

112676

Tất cả

114443455