Người xứ Nghệ

Đồng chí Nguyễn Văn Phu - người con ưu tú của quê hương làng Đỏ

Đồng chí Nguyễn Văn Phu (1905-1980)

Đồng chí Nguyễn Văn Phu (tức Nguyễn Kính, Minh Dương), sinh năm 1905 tại Yên Dũng Thượng, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An.

Yên Dũng xưa, Hưng Dũng nay, trải qua bao triều đại phong kiến luôn là địa bàn quan trọng, vị trí chiến lược án ngữ phía đông thành phố, là điểm nút miền Trung, có sông Lam và đường thiên lý Bắc Nam chạy qua. Yên Dũng Thượng lúc bấy giờ nằm sát thị xã Vinh, là một vùng nông thôn, cư dân chủ yếu là nông dân, một số công nhân và rất ít người buôn bán sinh sống, nhưng đây là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học.

Dưới các triều đại phong kiến, Nhân dân Yên Dũng với chân trần chí thép, người tiếp người, nhà tiếp nhà không ngừng đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột. Ngày 15/7/1885, đứng bên bờ tả ngạn sông Lam, Nhân dân Yên Trường chứng kiến thực dân Pháp đổ bộ lên vùng Vinh - Bến Thủy mở ra chế độ cai trị “một cổ đôi tròng” của thực dân, phong kiến. Từ năm (1904-1908), chúng ra sức cướp ruộng để xây dựng công sở, nông dân Yên Dũng đã đoàn kết đứng lên bắt chúng phải bồi thường cho dân…

Không chỉ có truyền thống yêu nước, nơi đây còn nổi tiếng là vùng đất hiếu học. Trường thi Hương của 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh nằm trên đất Yên Dũng Thượng với diện tích hàng chục mẫu (nay thuộc phường Trường Thi). Kể từ khoa thi đầu tiên (năm 1807) đến khoa thi cuối cùng năm Mậu Ngọ (1918) có 41 khoa thi Hương, chọn được 889 cử nhân Nho học. Riêng Yên Dũng Thượng tính đến năm 1908 đã có 9 cử nhân, 1 thủ khoa, 10 tú tài. Việc học hành khoa bảng ở Yên Dũng xưa phát triển mạnh, những người học hành khoa bảng ở đây đã lập đình Văn Thánh để tao đàn, tôn vinh hiền tài.

Truyền thống yêu nước và hiếu học của quê hương đã ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình Nguyễn Văn Phu. Anh được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước có cha là thầy đồ Nguyễn Văn Lý, mẹ là bà Nguyễn Thị Tư nhân hậu, đảm đang chịu thương, chịu khó.

Vốn là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, từ nhỏ, Nguyễn Văn Phu đã được tiếp thu sự giáo dục của cha, sống trong tình yêu thương của mẹ, do đó tâm hồn, tính cách của cậu luôn hướng đến những điều nhân nghĩa. Hàng ngày, cậu bé Phu ngoài việc chăm lo đèn sách học hành, còn chứng kiến cảnh sưu cao thuế nặng, sự áp bức, bóc lột dã man của bọn cường hào, địa chủ trong làng. Những điều bất công, nỗi thống khổ của người dân nô lệ… đã sớm hun đúc trong tâm hồn Nguyễn Văn Phu lòng yêu nước, thương nòi và khát khao hoài bão đấu tranh.

Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Quảng Châu (Trung Quốc) theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Người đã tuyển chọn những thanh niên ưu tú trong tổ chức Tâm Tâm Xã, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (gọi tắt là Hội Thanh niên).

Năm 1927, tiểu tổ của Hội Thanh niên được thành lập ở Vinh. Từ giữa năm 1928, cơ sở của Hội Thanh niên và Hội Hưng Nam đã phát triển đều khắp trên địa bàn Vinh - Bến Thủy, ở các thị trấn và nhiều thôn xã trong tỉnh. Vinh - Bến Thủy trở thành trung tâm chỉ đạo của Kỳ bộ Hội Thanh niên Trung Kỳ và Hội Hưng Nam. Trước làn sóng cách mạng mới, hàng trăm thanh niên Nghệ An trong đó có Nguyễn Văn Phu đã nhanh chóng đón nhận và gia nhập Hội Thanh niên. Anh hăng hái tham gia vào các phong trào yêu nước tiến bộ do Hội tổ chức.

Ngày 15/3/1927, kỷ niệm một năm ngày mất của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, dưới sự chỉ đạo của Hội Thanh Niên và Hội Hưng Nam, người thanh niên trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết đấu tranh Nguyễn Văn Phu đã cùng hàng ngàn quần chúng ở Vinh và vùng phụ cận đã kéo đến chùa Diệc dự lễ kỷ niệm. Buổi lễ đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ ý thức dân tộc và tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân ở Nghệ An lúc bấy giờ.

Ngày 02/6/1928, hàng ngàn học sinh và Nhân dân trong thành phố kéo đến phá một hiệu buôn để phản đối chủ hiệu hành hung một phụ nữ làm thuê Việt Nam. Công sứ Nghệ An phải tức tốc huy động tới 100 lính đến dẹp loạn. Nhân dịp này, Chi bộ Hội Thanh niên đã rải truyền đơn kêu gọi dân chúng tẩy chay, không mua hàng của hiệu buôn đó… Được hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Phu càng quyết tâm làm cách mạng…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Vinh, ngày 03/4/1930, Chi bộ Đảng xã Yên Dũng Thượng được thành lập, do đồng chí Nguyễn Tiến Cuông làm Bí thư. Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng cũng lần lượt ra đời thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân Yên Dũng Thượng đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp đặc biệt là cuộc đấu tranh mở đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra ngày 01/5/1930.

Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, từ ngày 29/4/1930, truyền đơn kêu gọi quần chúng hưởng ứng ngày Quốc tế lao động được bí mật rải khắp trong các nhà máy, công sở, ngoài đường phố, các ngõ hẻm, các thôn xã phụ cận Vinh - Bến Thủy. Cờ đỏ búa liềm được treo lên nhiều điểm. Bọn giám binh, quan lại Pháp và An Nam cuống cuồng tìm cách đối phó. Xe nhà binh, xe sở cấm chạy đi chạy lại khắp các khu phố, lính khố xanh, khố đỏ, bọn mật thám ngày đêm lùng sục rình mò khắp mọi nơi hòng ngăn chặn cuộc biểu tình của quần chúng. 5h sáng ngày 01/5/1930, tên Khâm sứ ra lệnh giới nghiêm. Cả ngày hôm đó, Vinh vắng bóng người, nhưng cuộc biểu tình vẫn tiến hành như kế hoạch. Tỉnh ủy Vinh đã huy động hàng ngàn nông dân các xã Yên Dũng Thượng, Yên Dũng Hạ, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu, Đức Hậu phối hợp với công nhân trong các nhà máy tham gia cuộc biểu tình.

Sáng sớm ngày 01/5, Nguyễn Văn Phu cùng hàng trăm người dân của Yên Dũng Thượng hợp nhất với đoàn nông dân các xã vùng hạ huyện Nghi Lộc theo con đường Mới Trang (đường Vinh - Cửa Hội), vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, ngày làm 8 giờ… Đoàn biểu tình không trang bị vũ khí, chỉ kéo cờ búa liềm và chăng biểu ngữ, hàng ngũ chỉnh tề hát vang bài Quốc tế ca. Khi đoàn biểu tình tới ngã ba Quán Lau, tên tri phủ Hưng Nguyên là Phạm Hữu Văn dẫn một toán lính tới ngăn chặn. Đoàn biểu tình vừa thuyết phục binh lính vừa dùng sức mạnh để tiến lên. Tới nhà máy Trường Thi, đoàn dừng lại định phối hợp với công nhân nhưng bọn chủ Pháp đóng kín cổng nhà máy, chỉ có công nhân ngoài nhà máy nhập vào đoàn biểu tình cùng tiến theo đường thuộc địa số 1 kéo về Bến Thủy. Tại đây hai bên đã xảy ra đụng độ, thực dân Pháp bắn vào đoàn biểu tình khiến 6 người chết, 18 người bị thương, hàng chục người bị bắt.

Cuộc biểu tình ngày 01/5/1930 là sự kiện mở đầu làn sóng đấu tranh cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 và công - nông Vinh - Bến Thủy, vùng phụ cận đã thực hiện vai trò đứng đầu dậy trước của mình trong cuộc đấu tranh oanh liệt đó. Chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng chí và quần chúng nhân dân cũng như tội ác dã man của địch, lòng yêu nước căm thù giặc lại sục sôi hơn bao giờ hết trong trái tim người thanh niên trẻ yêu nước Nguyễn Văn Phu. Cùng với Chi bộ Đảng và Nông hội Đỏ xã Yên Dũng Thượng, anh hăng hái tham gia vào hoạt động cứu chữa những người bị thương, mai táng những người đã hy sinh, tích cực vận động Nhân dân góp tiền, gạo giúp đỡ những gia đình bị nạn trong cuộc biểu tình, củng cố kiện toàn các tổ chức, ổn định tư tưởng cho cán bộ, quần chúng.

Sau cuộc đấu tranh ngày 01/5/1930, Nguyễn Văn Phu tiếp tục tham gia cuộc biểu tình lớn tại Dăm Mụ Nuôi do chi bộ Yên Dũng Thượng lãnh đạo để phát động phong trào đấu tranh ủng hộ tinh thần và vật chất cho công nhân đình công với khẩu hiệu: tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế cho nông dân. Chi bộ đã lập Ban cứu tế để vận động Nhân dân, giúp đỡ những gia đình công nhân bị nạn, cưu mang, bảo vệ những cán bộ đang bị truy lùng…

Bất chấp sự khủng bố dã man của thực dân Pháp, năm 1931, Nguyễn Văn Phu cùng hàng ngàn Nhân dân đã tập trung tại đình Trung đòi hào lý phải trả lại các khoản phụ thu, lạm bổ, xóa bỏ các khoản nợ, buộc tên lý trưởng phải trả cho nông dân 400 quan tiền và 5 mẫu ruộng công. Trong cuộc đấu tranh này, 15 người đã bị bắt, bị tra tấn tù đày nhưng vẫn không làm sờn lòng nản chí những người thanh niên yêu nước của quê hương làng Đỏ như Nguyễn Văn Phu. Anh tiếp tục đấu tranh, lòng không hề nao núng trước mũi súng kẻ thù.

Với những hoạt động tích cực của mình, Nguyễn Văn Phu đã được kết nạp vào chi bộ Đảng Yên Dũng Thượng năm 1931. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí vô cùng xúc động và tự hào, lấy niềm vinh dự đó trở thành động lực để đấu tranh chống chế độ áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến. Thông qua các cuộc đấu tranh, từ một người thanh niên yêu nước, Nguyễn Văn Phu đã được thử thách, tôi luyện, trưởng thành, trở thành một đảng viên nhiệt huyết cách mạng.

Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, kẻ địch dốc toàn bộ lực lượng hòng dập tắt phong trào cách mạng. Tại Yên Dũng Thượng từ năm 1932, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tạm thời lắng xuống, các chi bộ Đảng bị phá vỡ nhưng ý chí của các đảng viên, quần chúng nhân dân như ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy chờ thời cơ lại bùng lên mạnh mẽ. Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Văn Phu đã được bầu làm Tỉnh ủy viên dự khuyết, được cử đi tổ chức, gây dựng cơ sở đảng ở các vùng nông thôn với nhiệm vụ thành lập các hội Tương tế ái hữu, hay Nông hội Đỏ…

Năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Phu được bầu làm Chủ nhiệm Mặt trận phản đế, phản phong. Ngày 20/12/1940, đồng chí bị bắt giam tại Nhà lao Vinh sau đó bị đưa vào đày tại nhà lao Trà Kê, tỉnh Phú Yên (theo Quyết định 122 ngày 16/1/1941 của Công sứ Trung Kỳ - Hồ sơ của mật thám Pháp khai thác tại Bộ Công An, lưu tại Bảo tàng XVNT).

Năm 1940, Trại an trí Trà Kê được thực dân Pháp chọn xây dựng nhưng thực chất là nhà tù để giam, cưỡng bức những nhà cách mạng yêu nước. Chỉ tồn tại trong 5 năm (từ 1940-1945), Trại an trí Trà Kê đã giam cầm hàng trăm chiến sĩ cách mạng hoạt động trong Phong trào dân chủ (1930-1939) mà thực dân Pháp không có chứng cứ để buộc tội, bỏ tù; hoặc đối với những người tuy đã mãn hạn tù nhưng chúng cho là nguy hiểm nên không trả về quê quán.

Trong thời gian bị giam cầm tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Phu dù trải qua những cực hình tra tấn và chế độ lao tù khắc nghiệt nhưng vẫn giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản. Đồng chí tích cực tham gia vào các cuộc đấu tranh do chi bộ Đảng nhà lao tổ chức chống lại sự đàn áp và đòi cải thiện chế độ cho tù nhân.

Sau sự kiện đảo chính ngày 9/3/1945, Nhật tuyên bố xóa bỏ quyền cai trị của Pháp. Nhân cơ hội đó, Nguyễn Văn Phu cùng các đồng chí trong trại đã tự tổ chức vượt ngục, trốn sang Lào trước sự truy đuổi của kẻ thù. Trên đường trèo đèo vượt suối sang Lào, Nguyễn Văn Phu cùng các đồng chí của mình đã trải qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, phải vây bắt thú hay đào sắn trong rừng sống qua ngày. Khi đặt chân lên đất Lào, được sự đùm bọc, che chở của Nhân dân các bộ tộc Lào, Nguyễn Văn Phu cùng với các đồng chí của mình đã được bảo vệ an toàn và đưa trở về quê nhà tiếp tục hoạt động.

Trở về quê hương, đồng chí đã nhanh chóng bắt liên lạc với các tổ chức cơ sở đảng, tuyên truyền vận động Nhân dân đứng lên tham gia phong trào chống sưu cao thuế nặng.

Tháng 6/1945, Nguyễn Văn Phu và Nguyễn Sỹ Quế bắt liên lạc được với đồng chí Hoàng Đôn (phụ trách mặt trận Việt Minh khu vực Vinh - Bến Thủy) thành lập tổ chức Việt Minh xã Yên Dũng Thượng do đồng chí Nguyễn Văn Phu phụ trách. Trong thời gian này, đồng chí có bí danh là Minh Dương (với ý nghĩa ánh sáng Việt Minh). Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Việt Minh xã Yên Dũng Thượng đã đề ra chương trình hành động cụ thể như vận động Nhân dân trì hoãn nạp sưu thuế, vận động các gia đình phú hữu tham gia đóng góp tiền gạo lập quỹ cứu tế, vận động những gia đình có điều kiện mua công trái Việt Minh…

Sau khi Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh phát lệnh tổng khởi nghĩa, ngày 17/8/1945, Việt Minh xã Yên Dũng Thượng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Phu đã huy động Nhân dân tập trung tại đền “Các Thờ” ở làng Yên, tay dương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu đi theo đường Mới Trang (Vinh - Cửa Hội), đến ngã ba Quán Lau, rẽ về làng Trung tập trung tại đình làng nghe đồng chí Nguyễn Duy Hài đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa đọc lời hiệu triệu tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân làng Đỏ từ đây bước sang một trang sử mới, chính quyền về tay Nhân dân, đây là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong đó có người con làng Đỏ - Nguyễn Văn Phu.

Sau khi chính quyền về tay Nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Phu được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Việt Minh tổng Yên Trường, Phó Bí thư Đảng bộ xã kiêm Trưởng ban Tổ chức Mặt trận của Tổng…

Ngày 24/2/1946, Nhân dân xã Yên Dũng Thượng nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng Nhân dân xã. Hội đồng Nhân dân xã Yên Dũng Thượng đầu tiên gồm 25 ủy viên, Ủy ban Hành chính gồm có 7 ủy viên do đồng chí Nguyễn Văn Phu làm Chủ tịch.

Trước tình cảnh Nhân dân vừa trải qua nạn đói năm 1944-1945, nhiệm vụ đặt ra cho Chi bộ và Ủy ban hành chính hết sức nặng nề là phải nâng cao đời sống cho Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Phu, chính quyền đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời như: thu hồi các khoản quỹ tuần sương, hoa lợi công điền và tế điền để cứu giúp những gia đình bị đói, tuyên bố xóa các khoản nợ cho dân nghèo. Đồng thời chia ruộng đất hoang hóa do thực dân Pháp chiếm đoạt cho nông dân không có ruộng cày, vận động những gia đình khá giả cho những gia đình nghèo chuộc lại số ruộng đã cầm cố trước và trong nạn đói 1945. Mặt khác, xã cũng thành lập Ban dân sinh kinh tế để động viên và hướng dẫn Nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tạo điều kiện phát triển ngành nghề chằm tơi, khôi phục các lò rèn sản xuất nông cụ. Tổ chức hũ gạo cứu đói, lập quỹ cứu đói để giúp đồng bào bị lụt… Tất cả những biện pháp trên đã góp phần cải thiện đời sống khó khăn, nghèo đói của Nhân dân Yên Dũng Thượng lúc bấy giờ, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Chi bộ, Ủy ban hành chính trong đó có đóng góp không nhỏ của đồng chí Nguyễn Văn Phu.

Với những hoạt động tích cực của mình trên mặt trận sản xuất, năm 1947, đồng chí trúng cử Huyện ủy viên, giữ chức Bí thư Nông hội Huyện.

Năm 1948, đồng chí được điều động vào Liên khu 5 làm Trưởng ban Nông hội tỉnh Bình Định, lấy kinh nghiệm ngoài Bắc để củng cố tổ chức nông hội và sản xuất phát triển kinh tế của tỉnh.

Sau 2 năm công tác xa quê hương, năm 1950, đồng chí Nguyễn Văn Phu được điều động về Tỉnh ủy Nghệ An làm Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Chỉ đạo thí điểm giảm tô, giảm canh tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Xã Đoài… kiêm Trưởng ban Sản xuất tại huyện Thanh Chương.

Tháng 8/1953, đồng chí được bầu làm Trưởng ban Phát động phong trào toàn tỉnh về giảm tô, giảm canh; sau đó được cử đi học tập, tập huấn về công cuộc cải cách ruộng đất sau cách mạng và được bầu làm Đội trưởng Đội Cải cách ruộng đất tại Nghệ An (từ đợt 1 đến đợt 4). Sau đó, đồng chí tiếp tục được điều vào Quảng Bình triển khai công cuộc cải cách ruộng đất đợt 5.

Sau cải cách ruộng đất, đồng chí được điều động làm cán bộ tổ chức kiểm tra, chỉnh đốn Đảng các cấp tỉnh, huyện của Trung ương. Trong thời gian này, đồng chí đã vinh dự được gặp Bác Hồ và được Người tặng lại 1 cây bút chì màu xanh làm kỷ niệm (sau này đồng chí đã tặng lại cho con trai mình là Nguyễn Minh Hùng với mong muốn viết chữ thật đẹp, học thật giỏi).

Năm 1954, người con trai đầu của đồng chí là Nguyễn Minh Cảnh anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Năm 1958, do sức khỏe suy giảm và hoàn cảnh gia đình, theo nguyện vọng cá nhân, đồng chí Nguyễn Văn Phu được Trung ương Đảng cử về công tác tại huyện Hưng Nguyên và được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hưng Nguyên...

Đến năm 1962, do tuổi cao, sức yếu, đồng chí được về nghỉ hưu tại quê nhà và vẫn tiếp tục cống hiến tâm sức của mình cho quê hương với các cương vị là Chủ tịch Tín dụng xã, Hội trưởng Hội Phụ huynh trường cấp 1, cấp 2 Hưng Dũng…

Năm 1980, đồng chí Nguyễn Văn Phú qua đời ở tuổi 76 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng chí và quê hương làng Đỏ - Hưng Dũng.

Cả cuộc đời cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Phu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba (năm 1961, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký), Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2001) và nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương…

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Yên Dũng Thượng - mảnh đất “địa linh, nhân trung”|giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Phu cũng như bao người con ưu tú khác của làng Đỏ - Hưng Dũng đã nối tiếp các bậc tiền bối cách mạng viết tiếp những trang sử thắm tươi, tự hào của quê hương Xô viết, góp phần để Hưng Dũng nói riêng, Nghệ An nói chung hôm nay vươn lên trong mọi thử thách, gian nan, phát triển vượt bậc, xứng đáng với sự hy sinh của các bậc tiền nhân.

                                                                      

Tài liệu tham khảo:

- Hồ sơ tù của đồng chí Nguyễn Văn Phu (lưu tại Bảo tàng XVNT)

- Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Nghệ An (1930-1945) tập 1; Nxb Nghệ An, 2019

- Lịch sử phường Hưng Dũng, thành phố Vinh tập 1, Nxb Nghệ An, 2000

- Bản ghi chép từ lý lịch Đảng của đồng chí Nguyễn Văn Phu (lưu tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An) do gia đình cung cấp.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444018

Hôm nay

2269

Hôm qua

2307

Tuần này

21831

Tháng này

219192

Tháng qua

112676

Tất cả

114444018