Đất và người xứ Nghệ

Lưu tộc Nghệ Tĩnh trong giữ gìn truyền thống, danh thơm dòng họ và phát huy bản sắc văn hóa quê hương

 

Nhà thờ Lưu Đức Đại Tôn, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Giữ gìn truyền thống, danh thơm dòng họ

Theo dòng chảy của lịch sử, họ Lưu Việt Nam là một trong những dòng họ có từ thời Hùng Vương và được nhắc tới rất sớm trong lịch sử đất nước. Điều đó thể hiện qua tài liệu giới thiệu về đền Đồng Cổ tại làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đây là Ấp do người của ba họ Trịnh, Lưu và Hà dựng nên, minh chứng qua vế đối: “Vật Lưu Bách Việt tổ; Kiến ấp Trịnh Lưu Hà” (1). Trong truyện cổ tích “Sự tích trầu cau” có từ thời Hùng Vương, cô con gái đạo sĩ họ Lưu, lấy người anh trong cặp sinh đôi là học trò họ Cao, do cha cô dạy học (2). Trải qua hơn bốn nhìn năm thăng trầm của lịch sử dân tộc, dưới triều đại nào, cùng với các dòng họ trong đại gia đình Việt Nam, họ Lưu cũng có những anh hùng hào kiệt đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dòng họ có 6 vị khai quốc công thần được lưu danh (3) và 27 vị Cao tổ đỗ trạng nguyên, tiến sĩ (TS) khoa bảng, trong đó 14 TS được lưu danh trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Trong các vị khai quốc công thần, tiêu biểu có Thái sư Lưu Cơ là vị quan thuộc tứ trụ triều đình cùng Đinh Bộ Lĩnh lập lên nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt. Năm 971, sau khi dẹp xong các sứ quân, yên vị ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã tổ chức bộ máy triều đình Đại Việt đầu tiên của Việt Nam, Thái sư Lưu Cơ được phong làm quan đầu triều. Ông là vị quan đầu triều trông coi hình án, kiêm chức Thái sư Đô hộ phủ cai quản toàn bộ Giao Châu và đóng phủ đường ở Đại La trong gần 40 năm (từ năm 971 đến năm 1010). Ông làm quan trong 3 triều đại phong kiến là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, triều đại nào cũng được trọng dụng, giữ chức vụ quan trọng nhất trong triều. Quá trình cai quản thành Đại La, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ đã cho cải tạo, xây dựng lại thành Đại La trở thành một tòa thành mang bản sắc Đại Việt với sự kiên cố, vững mạnh, là điều kiện tiên quyết giúp Lý Công Uẩn thực hiện công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. 

Thái bảo Lưu Ngữ là quan nhất phẩm, đại thần nhà Tiền Lê, người có công lớn cho vương triều Tiền Lê, được vua Lê ban đất Lưu Xá để làm thái ấp (nên còn gọi là Lưu Gia) và Người đã trở thành Thành Hoàng làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Làng Lưu Xá, xã Canh Tân, Thái Bình (cả nước hiện có 20 làng xã mang tên là Lưu Xá) có bến đò Lưu Gia được lưu danh sử sách và có tầm sâu về tâm linh thể hiện trong bài thơ Lưu Gia độ” của Thượng tướng - Thái sư Trần Quang Khải:

                                         Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên

Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền… (4)

 

Thái úy Lưu Khánh Đàm (1093-1161) nguyên quán ở xã Yên Lãng, giang Ngũ Huyện, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa, sau dời đến xã Lưu Xá, phủ Long Hưng, nay thuộc huyện Hưng

Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là một nhân vật lịch sử quan trọng triều Lý; là người tài giỏi, siêng năng, trung thành, thận trọng coi việc quân lữ, lập nhiều chiến công. Cuối đời vua Nhân Tông (năm 1127), với chức Thái úy, ông vâng mệnh nhận di chiếu phò tá Thần Tông lên ngôi Hoàng đế. Ông phò 3 đời vua (Nhân Tông, Thần Tông và Anh Tông), làm quan với các vị trí quan trọng: Quang lộc đại phu, Suy thành Tá lý công thần, Nhập nội thị sảnh Đô đô tri, Tiết độ sứ. Đồng Tam ty bình chương sự, Thượng trụ quốc, Khai quốc công. Ông mất vào tháng 12 năm 1161, hưởng thọ 69 tuổi. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm 1127, Lý Nhân Tông sai Lưu Khánh Đàm và Mậu Du Đô tuyển chọn các quan chức đô...” (5). Thơ văn Lý Trần tại văn bia chùa Hương Nghiêm, núi Càn Ni (Càn Ni Hương Nghiêm tự bi minh) viết rằng: “Thời Thái Tông trạch bỉ quân dân, sư tòng huynh Thái phó Lưu công trác nhiên hữu dị, chiếu nhập nội đình. Ký Thánh Tông lập cực, công thị duy ác chi trung, lũy thừa sủng quyến. Đãi dương kim Minh Hiếu hoành đế tiễn tộ ngự bảo, niệm công bật lượng) tam đại hữu công, phong vi Nhập nội nội thị sảnh, đô đô tri, Kiểm hiệu thái phó kiêm Cung dịch sứ, Đại tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, Thượng trụ quốc, Khai quốc công. Thực ấp lục thiên thất bách hộ, thực thực phong tam thiên hộ...”[1].

Lưu Khánh Ba (Lưu Điều) quan đồng triều với anh trai Lưu Khánh Đàm, tước thượng phẩm. Đời Lý Nhân Tông (1072) quân Tống xâm lược, Lưu Ba vâng mệnh vua đi dẹp giặc, lập công lớn. Năm 1128, vì có công dẹp giặc, giữ nước, giúp vua nên được phong Thái phó. Cuối đời lui về Lưu Xá xây chùa tháp, được vua Lý đặt tên là Báo Quốc, xuất gia đi tu và truyền đạo Phật, khi chết được phong Phúc thần.

Cao Tổ Lưu Nhân Chú - người cùng Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn phò Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, đánh thắng đuổi quân Minh, giải phóng dân tộc sau 10 năm kháng chiến, lập nên triều đại nhà Hậu Lê của Đại Việt do Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế.

Trong tiến trình lịch sử văn hiến đất nước hơn 4 nghìn năm, những danh nhân văn hóa họ Lưu có đóng góp công lao to lớn cho đất nước, để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu. Tự hào về những thành tựu của tổ tiên, con cháu họ Lưu đã kết nối, hội tụ, cùng chung sức đồng lòng bồi đắp lòng tự tôn dòng họ, tình yêu quê hương, đất nước; Cùng nhau tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, kiến tạo tương lai, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh.

           Tự hào dòng họ Lưu tại khu vực Nghệ Tĩnh trong lịch sử

 Nghệ An dưới các triều đại phong kiến luôn được đánh giá là vùng “trọng trấn”, “phên dậu” của đất nước. Tại tấm bia đá khắc chữ Hán được phát hiện vào những năm chín mươi của thế kỷ XX, ở thôn Vũ Công, xã Thái An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình viết rằng “... Quang Bảo tam niên, phụng thăng Triều liệt đại phu, Phụng thiên Phủ Doãn; tứ niên phụng thăng Tự khanh; Lục niên, tái phụng thăng Lạng Sơn đạo, Thừa tuyên sứ ty Thừa tuyên sứ, phụng đàm ân khâm sai đại phu lịch dịch... toàn nhi Bắc niên tỏa thược...” (6).  Xuất thân từ một gia đình bình dân, sớm có ý thức lập thân, tài được trọng dụng trước cả khi đỗ đạt, hơn 30 năm ở chốn quan trường cai trị dân vừa có ân vừa có uy”, gần 70 tuổi vẫn hăng hái làm việc, thực hiện thành công việc đóng cửa với Phương Bắc, giữ vững vùng biên giới Lạng Sơn theo lệnh Vua. Tại Nghệ An, ông đã gặp và kết hôn với người con gái tài sắc, đức hạnh - “Bà Trắc Thất, tại thôn Chi Nê” (7), xã Thái Lão, huyện Hưng Nguyên. Từ đó phát triển dòng họ thành nhiều chi nhánh sinh sống ở khắp các huyện trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, Đức Thọ… Đến nay, trải qua 19 đời con cháu (kể từ Thủy Tổ TS. Lưu Đức An năm 1545), hậu duệ của dòng họ Lưu Đức tiếp tục ghi nhiều thành tích làm rạng danh cho trang sử vẻ vang của dòng họ mình. Ghi nhận công trạng của Tiến sĩ Lưu Đức An đối với Nghệ An, năm 2017, tên ông đã được đặt tên cho một đường đường phố thuộc phường Hà Huy Tập ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Dòng họ Lưu trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 2 Nhà thờ được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là Nhà thờ Họ Lưu Đức Đại Tôn ở xóm 7 xã Hưng Đạo (năm 2014), huyện Hưng Nguyên và Nhà thờ Lưu Văn ở xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương (năm 2017).

Họ Lưu ở Thanh Tường khởi nguồn từ xứ Vạn Cồn, Hà Khê, huyện Hưng Nguyên. Trong kháng chiến, nhà thờ họ Lưu Thanh Tường từng là nơi làm việc của Ủy ban kháng chiến, hành chính xã Đại Đồng; là nơi lưu trữ, cất giấu vũ khí, dược phẩm và đóng quân của bộ đội. Trong họ có 3 đảng viên hoạt động thời kỳ 1930-1931, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã có hàng trăm con em trong họ lên đường tòng quân đánh giặc, 17 người con đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia, nhiều người là thương binh, bệnh binh.

Trong những năm chống Mỹ, phà Bến Thủy bị máy bay địch đánh phá hết sức ác liệt. Trong khói lửa đạn bom ấy, cụ cố Xin (tên thật là Lưu Xuân Khuồi) đã không kể ngày đêm, luôn vững tay chèo, đảm bảo đưa bộ đội qua sông an toàn. Bến đò cố Xin (thời đó ở xã Hưng Xuân, nay thuộc địa phận xóm 3, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên) là nơi tập kết bộ đội, xe chở quân lương, quân dụng để qua sông chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặc cho bom đạn kẻ thù dội xuống, vợ chồng cố Xin luôn bám trụ kiên cường, sẵn sàng chèo đò phục vụ kháng chiến. Sau một lần chở đoàn bộ đội sang sông làm nhiệm vụ, đò cố Xin bị bom Mỹ đánh trúng và ông đã hy sinh. Bến đò Cố Xin được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh vào năm 2020.

Truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha ông họ Lưu đã hun đúc thêm tinh thần tự tôn dòng họ, lòng yêu quê hương, dân tộc, góp phần khích lệ ý chí phấn đấu, vươn lên của con cháu hôm nay.

Kiến tạo tương lai

 Theo phương châm "Lưu Tộc Việt Nam - Hướng về cội nguồn - Kiến tạo tương lai", Hội đồng Lưu tộc Nghệ Tĩnh đã được hình thành. Trải qua 5 năm hoạt động, Hội đồng Lưu tộc Nghệ Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc kết nối và phát triển dòng họ bền vững. Các chi họ Lưu trong khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh tích cực ủng hộ, tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để bồi đắp cho các thành viên tình yêu và lẽ sống có trách nhiệm với gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước.

Hội đồng gia tộc họ Lưu ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo

Trong công tác kết nối, Hội đồng Lưu tộc Nghệ Tĩnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, động viên các dòng họ, chi họ trong khu vực xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhà thờ Họ, Lăng mộ Tổ, viết gia phả; Hướng dẫn xây dựng hồ sơ, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận Di tích lịch sử, dòng họ văn hóa, góp phần bồi đắp tinh thần, lòng tự hào dòng họ. Công tác kết nối giao lưu trong khu vực, giữa các dòng họ, chi họ, Lưu tộc các địa phương trong và ngoài tỉnh được Hội đồng Lưu tộc Nghệ Tĩnh quan tâm và tham gia có hiệu quả. Đến nay, đã kết nối được hơn 28 chi họ Lưu, của 18 huyện ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, Nghệ An có 12 huyện, đó là: Huyện Hưng Nguyên có 03 chi họ (xã Hưng Đạo có 02 chi họ: Họ Lưu Đức đại tôn ở xóm 7, Họ Lưu ở xóm 3; chi họ Lưu ở Hưng Lam); huyện Nam Đàn có 01 chi họ ở xã Khánh Sơn; huyện Thanh Chương có 03 chi họ (chi Họ Lưu Văn ở xã Thanh Tường nay là xã Đại Đồng, chi Họ Lưu ở Xuân Tường, chi Họ Lưu ở Thanh Liên); huyện Đô Lương 02 chi Họ (chi họ Lưu Văn ở xã Trù Sơn, chi họ Lưu ở xã Tràng Sơn); huyện Anh Sơn có 02 chi họ (chi Họ Lưu Văn ở xã Vĩnh Sơn, chi họ Lưu Đình ở xã Cao Sơn); huyện Tân Kỳ có 01 chi họ (chi 4 Họ Lưu xã Nghĩa Phúc); huyện Nghĩa Đàn có 02 chi họ ở xã Nghĩa Lợi (thực tế 2 chi họ này có chung nguồn gộc từ chi họ Lưu Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên); huyện Nghi Lộc có 02 chi họ (ở xã Nghi Tiến và xã Nghi Xuân); huyện Diễn Châu có 02 chi họ (ở xã Diễn Tân và xã Diễn Liên); huyện Con Cuông có chi họ Lưu Văn ở bản Tổng Chai, xã Chi Khê; thành phố Vinh có chi họ Lưu ở xã Nghi Kim; Thị xã Hoàng Mai có chi họ Lưu Văn ở Phường Quỳnh Xuân. Tỉnh Hà Tĩnh có 6 huyện: huyện Đức Thọ có chi họ Lưu ở xã Liên Minh; huyện Hương Khê có 4 chi họ (Chi 1 ở xã Gia Phố, chi 2 ở xã Phú Gia và chi 3 chi 4 ở xã Hương Bình); huyện Hương Sơn có chi họ Lưu ở Sơn Thịnh; huyện Lộc Hà có chi họ Lưu ở xã Lộc An; huyện Cẩm Xuyên có 01 chi họ ở xã Cẩm Duệ; huyện Thạch Hà có chi họ Lưu ở xã Đỉnh Bàn.

Tháng 7/2023, Câu lạc bộ Doanh nhân Lưu tộc Việt Nam được thành lập với sự tham gia của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, đã tạo nên nền tảng, động lực cho việc gắn kết và phát triển cho các doanh nghiệp, doanh nhân họ Lưu làm ăn kinh tế phát triển trong tương lai. Hội đồng Lưu tộc Nghệ Tĩnh đã quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức với đội ngũ nhân sự nhiệt huyết vì dòng họ; triển khai nội dung, hình thức hoạt động khoa học, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài thông qua việc hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo; vinh danh các học sinh giỏi, những tài năng trong học tập và công tác… Hoạt động của Hội đồng Lưu tộc Nghệ Tĩnh đã khích lệ, tăng cường kết nối các chi họ Lưu trong khu vực, được các chi họ tích cực ủng hộ, thúc đẩy dòng họ phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.     

 

(Bài đã đăng trong VHTT số 10, tháng 8/2023)

--------------------

Tài liệu tham khảo

1. Địa chí huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa), Nxb KHXH, 2010, tr695.           

2. Lĩnh Nam chích quái, Tác giả Trần Thế Phát, do Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, quyển I (Truyện cây cau), Nxb Văn hóa, 1960.

3. Thái sư Lưu Cơ (Ninh Bình), Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Ngữ, Thái phó Lưu Điều (Thái Bình) và Tể tướng Lưu Nhân Chú, Đại tướng quân Lưu Trung (Thái Nguyên).

4. Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988

 5. (Đại Việt sử ký toàn thư), Bản Chính Hòa, Bản kỷ, Q3, các tờ 25b, 32a)

6. Tấm bia đá thời Mạc viết về Tiến sỹ Lưu Đức An (1490-1562)” - Thái Huy Bích, đăng trong Đặc san thông tin KH - CN Nghệ An số 7/2013, Xứ Nghệ - người và đất;

 7. Gia phả hợ Lưu Đức xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên Nghệ An;



[1] Dịch nghĩa: Bấy giờ, vua Lý Thái Tông lựa chọn người trong quận, người anh họ của thiền sư (Đạo Dung) là Thái phó Lưu công, dáng vẻ khác thường, vua xuống chiếu cho vào nội đình. Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, ông hầu hạ nơi màn trướng, luôn được vua tin dùng. Đến nay, Minh Hiếu hoàng đế (Lý Nhân Tông) ngự ngôi báu, nghĩ ông có công giúp rập ba triều (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông) phong ông làm Nhập nội nội thị sảnh, Đô đô tri, Kiểm hiệu Thái phó kiêm Cung dịch sứ, Đại tướng quân, Kim tử quang lộc đại phu, Thượng trụ quốc Khai quốc công. Thực ấp 6 nghìn 7 trăm hộ, thực thực phong 3 nghìn hộ...).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443963

Hôm nay

2214

Hôm qua

2307

Tuần này

21776

Tháng này

219137

Tháng qua

112676

Tất cả

114443963