Đất và người xứ Nghệ

Một gia đình khoa bảng

Câu đối treo tại nhà thờ Hoàng giáp Đinh Văn Chấp

Viết về họ Đinh Kim Khê (họ Đinh Văn ở xã Nghi Long - Nghi Lộc) đến đời 13, 14 thoạt nghĩ cũng đã nhiều, ngẫm ra còn thiếu. Đặc biệt thiếu về người có tâm huyết với dòng tộc, với văn hóa, với tình yêu con người, với quê hương đất nước là cụ Hoàng giáp Đinh Văn Chấp (1882 - 1953). Chính cụ đã bảo tồn câu đối treo ở nhà thờ chạm khắc bằng chữ Hán trên hai tấm gỗ mun bằng cách chép ra giấy quý, dịch ra chữ quốc ngữ và viết thêm thư pháp theo lối chữ triện. Cũng nhờ bản chép tay của cụ nên đôi câu đối mới được con cháu lưu truyền và phục chế lại bởi bản gốc treo ở nhà thờ đã bị cơn cuồng phong có tên Cải cách cuốn phăng không còn vết tích.

Cụ Đinh Văn Chấp, con trai thứ hai của Tiến sĩ Trực Hiên khoa Ất Hợi Đinh Văn Chất. Ông Chất là đời khoa bảng thứ bảy trong bảy đời liên tiếp kể từ cụ tổ thứ 7 hương cống khai khoa của dòng họ là Đinh Giai Tiệp. Cha của ông Đinh Văn Chất là Đinh Văn Kế, người văn hay chữ tốt, học trò đầu xứ nhưng không dám đi thi vì nạn “Tru di tam tộc” năm 1883 của ông nội là Đinh Hồng Phiên. Gián đoạn khoa bảng ở đời ông Đinh Văn Kế nhưng vẫn có 7 người đậu khoa bảng trong bảy đời liên tiếp bởi vì con của Đinh Giai Tiệp là Hương cống Đinh Gia Thái có hai người con đều đậu hương cống triều Lê là Đinh Trọng Thư và Đinh Hồng Phiên. Đinh Trọng Thư được thụ phong Kim Xuyên Bá, Đinh Hồng Phiên được thụ phong Khê Đình Hầu. Tên làng Kim Khê lấy theo tước vị của hai người. Họ Đinh Văn Nghi Long ngày nay gọi là Họ Đinh Kim Khê, thiết nghĩ lấy tên ấy vừa tự hào vừa tự tôn vừa vinh danh tiên tổ là chính xác.

Đinh Văn Chất, đậu Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Hợi 1875. Tài cao học rộng giỏi thơ phú đã được khắc ghi nơi bảng vàng bia đá không cần nhắc lại. Lòng nhân hậu của ông thể hiện nơi quê nhà như sửa cầu Khoa Trường, lập chợ Giang Đình, mở đường, dạy học, mở mang kinh tế, khai trí dân sinh dấu tích chưa phai mờ. Phẩm cách thanh liêm, trách nhiệm chỉn chu với dân nước, với nước lúc làm quan được triều Tự Đức ban Kim Khánh với bốn chữ vàng: “Kim Bình Cần Chánh”. Tấm lòng yêu nước, thương nòi còn ghi dấu khi ông làm Tri phủ Nghĩa Hưng, lúc người Pháp đã chiếm thành Nam Định, triều đình đã có chỉ dụ đầu hàng vậy mà ông vẫn đôn đốc dân binh củng cố thành lũy kiên cường cố thủ. Khi người Pháp bao vây phủ huyện bắn pháo vào công đường, Ông củng cố tinh thần quyết tử với dân binh bằng cách bày hương án trước sảnh đường trên đó có sẵn một thanh gươm và một chén thuốc độc sẵn sàng tuẫn tiết cho Tổ quốc. Người Pháp đánh không thắng, rút lui. Sau đó, ông đi nhậm chức Sơn phòng ở Thanh Hóa, sau một thời gian, ông bỏ quan về quê. Dấu son bi hùng của ông Đinh Văn Chất lại ở quê hương. Tại quê nhà, ông động viên con cháu, chiêu mộ dân binh lập căn cứ kháng Pháp ở vùng Thạch Bàn - Thanh Chương miền Tây Nghệ An. Thế cô lực mỏng lại bị cả người Pháp lẫn Nam Triều vây hãm, cuộc khởi nghĩa ứng chiếu Cần vương thất bại, ông bị bắt. Vua Đồng Khánh có chỉ dụ “Tru di tam tộc” năm 1887. Vụ án oan nghiệt ấy cảm động đến vua yêu nước Hàm Nghi, vua có bài thơ điếu có một câu rằng:

Văn sơn bất tử do Tồn Tống

Đông Hải như sinh khẳng đế Tần

Dịch rằng:

Trời để ông Văn còn nước Tống

Đời nào chàng Lộ chịu vua Tần

Trong Phan Bội Châu toàn tập, Chương Thâu sưu tầm biên soạn, Nhà xuất bản Thuận Hóa - tập 2 - trang 117 Phan Bội Châu nói về Đinh Văn Chất:

“Đinh Văn Chất người Nghệ An, ứng chiến khởi nghĩa, quân thua bị bắt. Người Pháp bêu cả thây, thây rữa ra, học trò xin đưa về chôn, người Pháp chỉ cho thây còn đầu thì chặt lấy và đem đốt. Hành vi của một cường quốc văn minh vốn là như thế đấy! Đinh Văn Chất may mà thân được bị như thế chăng? Hai con giai, hai cháu gọi bằng bác, một con gái tuổi còn nhỏ đều bị người Pháp giết cả. Nước văn minh vẫn thích giết người như thế chăng? Ông Đinh trước xuất thân Tiến sĩ làm quan ở phủ Nghĩa Hưng rất được lòng quân dân, đánh nhau với quân Pháp thường thắng luôn. Thành Nam Định mất, phủ Nghĩa Hưng vẫn không hạ được nên Chất bị hình phạt thảm khốc như vậy. Tôi ngờ là ai mà hết lòng yêu nước thì phạm vào cái hình luật nặng nhất ở châu Âu chăng?”

Tên của Tiến sĩ Đinh Văn Chất bị đục khỏi Văn miếu ở Kinh thành Huế. Lòng yêu nước thương nòi phải trả bằng xương máu, danh tiết của danh nhân bị bôi bẩn bởi một triều đình đầu hàng ngoại bang càng quý thêm giá trị của độc lập tự do. Mất nước, mất nguồn nhân hậu, mất truyền thống văn hóa thật là tổn thất lớn lao. Dòng họ bị “Tru di”, tôn tộc cũng phân ly: vua Minh Mạng phong thưởng, vua Đồng Khánh hạ chiếu “tru di”, vua yêu nước Hàm Nghi trọng thị làm thơ ngợi ca. Chiến tranh giành độc lập quá là nghiệt ngã làm đảo lộn mọi chân giá trị.

Cụ Đinh Văn Chấp (Đinh Văn Chí) sinh ngày 14 tháng 3 năm Nhâm Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882), người làng Kim Khê, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc). Cụ mất cha khi mới 6 tuổi. Trong đại họa của gia đình và dòng tộc, Đinh Văn Chấp may mắn thoát được. Một cụ bà trùm váy mang ông đi trốn vào Vinh, được phía ngoại gởi sang Phúc Kiến bên Tàu lánh nạn. Mười một năm sau (1898) về nước đổi lại tên từ Chí sang Chấp, khai sụt tuổi lên thọ giáo cụ Phan Bội Châu. Lúc ấy cụ phải đổi tên, khai sụt tuổi sau vụ án của cha 5 năm để được đi thi. Khi học với thầy Phan được thầy tặng bài thơ:

Cốt cách con Lân cánh chim Uyên

Ai dám xem thường gã thiếu niên

Trọng Mão xưa quen nhà đạo học

Trường Canh nay thấy vẻ thần tiên

Nhà dầy phước tổ sinh người quý

Tớ hổ vai anh xét phận hèn

Nghe nói non quê gần hải đảo

Bể Đông cỡi sóng đã bao phen.

Năm 1909, cụ được người bà con bốn đời bên ngoại là ông Lê Huy Thản làm quan trong triều bảo lãnh đưa vào học Quốc Tử giám. Vừa học vừa dạy thêm sau ba năm ông đậu Cử nhân. Năm sau, cụ đậu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp). Khoa thi năm đó không có Đệ nhất giáp Tiến sĩ chỉ “Ban đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân một người: Đinh Văn Chấp”. Ông được bổ Đốc học ở Quảng Nam.

Trong thời gian làm quan, ông mẫn cán, thanh liêm được nể vì, nhưng chốn quan trường hiểm ác mà ông là người mang cốt cách kẻ sĩ xứ Nghệ, xem thường ra mặt những kẻ mất tư cách chuyên vào luồn ra cúi, xu phụ kẻ có quyền, ghét thói lăng loàn của bọn bất tài chỉ biết luồn cúi tìm danh, đặc biệt càng ghét những kẻ hợp tác với ngoại bang kiếm lợi trên khổ cực của dân mình. Quãng thời gian làm quan của ông gặp không ít sóng gió. Sặc mùi biếm chức với thăng quan. Chưa đầy ba mươi năm làm quan, ông trải qua nhiều chức vụ từ tri huyện, tri phủ, án sát, bố chánh rải hầu khắp miền Trung. Gia phả có ghi những giai thoại đấu đá chốn quan trường của ông với những nhân vật có thế lực lúc ấy, tôi không tiện kể ra vì xa với chủ đề phát huy nguồn nhân hậu, tiếp nối truyền thống hiếu học của dòng họ.

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh trong lời bạt Tuyển dịch thơ đời Lý - Trần của Hoàng giáp Đinh Văn Chấp có viết:

… “Gọi là cụ Hoàng Kim Khê vì tôi theo cách nói kính trọng của bố tôi về cụ Hoàng giáp ở làng Kim Khê. Quê cụ cách quê nhà tôi chỉ một con sông, hai bên bờ sông Lam là hai huyện Nghi Lộc của Nghệ An và Nghi Xuân của Hà Tĩnh, cùng chung một cửa biển (bên này là Cửa Hội của Nghi Lộc, bên kia là Hội Thống của Nghi Xuân); làng Hội Thống có Tiến sĩ Vũ Thời Mẫn sống dưới thời Minh Mệnh. Xưa thường gắn thành tích của người đậu đạt với tên làng, để không những người Tiến sĩ đó mà cả làng quê họ cũng được vinh danh. Đây là cách gọi dễ nhớ để tôn vinh danh nhân và bản quán!

Còn sự may mắn tình cờ là bố tôi cũng đã được hầu chuyện cụ Hoàng. Lần đó (khoảng năm 1934), với tư cách là người dân ở đất Nghi Xuân nhưng ông đang cầm đầu vụ kiện hào lý tham nhũng. Vụ kiện rất lớn nên được đưa từ huyện lên tỉnh và đến bộ Tư pháp. Lúc đó, cụ Hoàng Kim Khê đang giữ chức Án sát chuyển sang làm Bố chính tỉnh Hà Tĩnh (để cụ Phan Võ thay giữ chức Án sát - cụ Phan Võ là bố của GS.Phan Ngọc). Bố tôi mang đơn của dân nghèo trực tiếp vào cả ba tòa quan lớn ở tỉnh. Sau lần đó, bố tôi luôn ca ngợi hai cụ Bố chính và Án sát.

Tiếp đến tôi lên học ở thành phố Vinh, lại may mắn được quen với Đinh Văn Vinh (con trai thứ tư của cụ Đinh Văn Chấp-NV), anh học trước tôi vài ba lớp nhưng rất thân nhau. Mãi cho đến sau này anh nghiên cứu tôn giáo lấy hiệu là Thích Minh Chi, chúng tôi vẫn thường gặp nhau. Tôi lại được học ở anh rất nhiều tri thức về Phật giáo. Trước khi qua đời, anh còn viết một bài đại luận phê bình cuốn Cửa riêng không khép (Hồi ký của Vũ Ngọc Khánh), bài này đã được công bố và rất được các nhà thức giả trân trọng”. (hết trích)

Sau thời gian làm Bố chánh Hà Tĩnh, cụ được điều đi làm Tuần vũ Quảng Ngãi. Hai năm sau, cụ được bổ về triều giữ chức Tham tri Bộ Kinh tế. Cụ tiếc lúc giữ trọng trách này có điều kiện thể hiện với quê hương là làm hệ thống thủy lợi cấp nước cho miền đông Nghi Lộc nhưng không hoàn thiện, chỉ được mấy km nông giang từ Nghi Thuận sang qua Nghi Long bởi dân tình sợ tốn đất. Người dân chưa biết được lợi ích lâu dài của công việc thủy nông. Ở triều một thời gian, cụ lại bị ganh ghét soi mói điều sang làm Toản tu Quốc sử quán, bắt khai thêm 10 tuổi nhân đó buộc về hưu thực chất là đuổi quan. Một vị Đình nguyên lại dưới trướng những người tú tài cử nhân kém cả kiến thức lẫn nhân cách làm sao thoát cảnh đố kỵ dèm pha.

Về hưu cụ có thời gian thăm thú bạn bè, kết nổi được các chi họ Đinh có cùng tổ phụ, tổ mẫu phải lưu lạc sang Hương Khê, Đức Thọ, Nam Đàn chép thêm gia phả đời thứ 11, dịch sang quốc ngữ, sửa sang nhà thờ…

Nạn đói năm Ất Dậu, cụ mở kho phát chẩn cho dân, trước nhà thường có người đợi chờ đến lượt.

Cụ mở trường truyền bá chữ quốc, phổ biến tinh hoa Phật học, sửa cầu, lập chợ, đào giếng lấy nước sạch cho dân. Một giếng nước nho nhỏ, xinh xinh mà có nhiều tên gọi: giếng Nhà Hầu, giếng Nông Dân, giếng Cây Dừa nay lại là giếng cổ Kim Khê nghĩ cũng vui vì cách gọi nào cũng hay cũng chứa đựng giá trị lịch sử trong đó.

Nói thêm về danh tính.

Nhiều người băn khoăn vì sao một người đạo cao học rộng, tinh thông Hán học, Nho học, Tây học, Phật học; nói tiếng Tàu, tiếng Tây rành như tiếng mẹ đẻ lại đặt tên con giản dị đến vậy. Anh cả sinh ở Huế có tên là Kinh, anh hai, anh ba sinh ở Quảng Nam có tên là Quảng, Nam; anh tư sinh ở Vinh tên Vinh; anh năm sinh ở Vĩnh Linh tên Linh; sinh ở Bình Định có chị Hoài, anh Nhơn; sinh Quảng Trị có anh Phong; sinh ở Thanh Hóa có cô Thai.

Nhà dày phúc ấm sinh người quý” câu thơ của cụ Phan Bội Châu viết tặng Đinh Văn Chấp lúc còn là nho sinh thật nghiệm ra mà đúng. Các con của cụ Thượng Chấp (cách gọi tôn vinh của dân làng; bởi phẩm hàm của cụ chưa đến Thượng thư mà mới tương đương Thứ trưởng) đều nối tiếp truyền thống của ông cha: yêu nước thương nòi có phẩm cách và trí huệ.

Đinh Văn Kinh: Giảng viên ĐH Huế là thầy của GS- NGND Nguyễn Đình Chú.

Đinh Văn Quang (Quảng): Chuyên viên Tòa phúc thẩm NDTC, thành viên Hội Luật gia.

Đinh Văn Nam - Thượng tọa Thích Minh Châu: Tinh thông Phật học còn đảm việc đời là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Công trình, phẩm hàm của ngài cao như phẩm hạnh của người vậy. “Phật giáo tự hào suốt 2.500 năm chưa phát động một cuộc thánh chiến tử vì đạo nào cả” trong tham luận của ngài tại Hội nghị Quốc tế vì hòa bình là tiếng nói lòng dân Việt.

Đinh Văn Vinh - GS Minh Chi là người mà GS Vũ Ngọc Khánh đã nhắc đến phần trước.

Đinh Văn Linh: Đại tá QĐND Việt Nam.

Đinh Văn Phong: Sĩ quan QĐ chuyển ngành sang Tổng cục Địa chất.

Đinh Văn Nhơn: Liệt sĩ chống Pháp hy sinh năm 1949.

Các con của cụ hiện còn Đinh Kim Thai sống tại Hà Nội.

Từ trái qua phải: GS Minh Chi, Thượng tọa Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu và Đại tá Đinh Văn Linh

 Mới hay cha mẹ đặt tên cho con hay dùng những mĩ từ mang nhiều ước vọng của đời mình nhiều khi lại là gánh nặng cho con nếu phẩm hạnh của con không đủ. Tự nhiên như cỏ cây và giản đơn là cội nguồn của cái đẹp. Nhưng ta phải hiểu rằng cụ Chấp đặt tên cho con theo tên những địa danh Đất Nước là cụ yêu con như yêu Tổ quốc vậy.

Đinh Văn Chấp là một nhà nho, một trí thức uyên thâm, một cuộc đời đầy sóng gió, một tấm gương lớn vượt lên số phận bi thương để lừng lững, sáng trưng nhân cách một Con Người.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, số 10 - tháng 8/2023)

                                                       

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443984

Hôm nay

2235

Hôm qua

2307

Tuần này

21797

Tháng này

219158

Tháng qua

112676

Tất cả

114443984