Góc nhìn văn hóa

Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu

Tóm tắt:

Bài viết được tiến hành nghiên cứu dưới góc độ sử liệu học. Tác giả tạm thời chia làm 2 khối tư liệu. Tư liệu gốc gồm những tác phẩm được viết bằng chữ Hán Nôm như: Nghệ An ký của nhà sử học nổi tiếng Bùi Dương Lịch và tác phẩm địa lý Đồng Khánh địa dư chí được biên soạn dưới triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX). Đây là những tư liệu gốc (cấp 1), gần với thời đại mà nhân vật lịch sử đang nghiên cứu, có giá trị cung cấp những thông tin giá trị đề cập đến quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ;

      Nguồn sử liệu thứ 2 là những nghiên cứu, đánh giá của các nhà sử học đương đại (từ sau năm 1945 đến nay). Qua khảo cứu những công trình, biên soạn của các soạn giả sách giáo khoa, giáo trình Đại học, sách tham khảo trong suốt 2/3 thế kỷ qua cho thấy: Các nhà nghiên cứu phần nhiều đã xác định được quê gốc của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, tuy nhiên ở một chừng mực nhất định, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc giới thiệu quê hương bản quán của vua Quang Trung chưa thực sự sâu sắc, kỹ lưỡng. Trong bài viết này, tác giả bước đầu, so sánh các nguồn sử liệu liên quan nhằm xác nhận một lần nữa, cụ thể hơn về quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Hình ảnh Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Đài Tưởng niệm Chiến thắng Đống Đa - Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn: Internet.

 Đánh giá về công lao, tài năng của Quang Trung Nguyễn Huệ đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ phong kiến nhà Lê và đặc biệt là những chiến công đánh Xiêm, đuổi Thanh, GS. Trần Quốc Vượng trong chuyên luận: “Xuân lửa Đống Đa trong bối cảnh văn hóa xã hội đương thời”  đã viết mở đầu bằng mấy dòng ngắn gọn mà như tổng kết được cả một thời đại cuối Lê và vai trò Nguyễn Huệ - Hoàng đế Quang Trung:  “Một kỳ diệu Việt Nam: Nước nhỏ, nước nghèo, dân đói, dân khổ, vua già yếu và nhu nhược, quan tham ô và bất lực, sĩ khí đồi tệ, nho giáo - hệ ý thức chính thống của thời đại - khủng hoảng, gây khủng hoảng lòng tin… nói tóm một câu: Kinh tế suy, vua quan tàn, tư tưởng tệ… Ấy thế mà dân tộc và Nhân dân đã làm nên một chiến thắng diệu kỳ, tạc vào thế kỷ, đưa Đống Đa thăng hoa lên thành một biểu tượng Việt Nam, tiếp nối truyền thống Bạch Đằng - Chi Lăng góp vốn tinh thần vô giá cho Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh sau này” (1) …

       Những thành tựu của vua Quang Trung đưa lại cho đất nước Việt Nam thế kỷ XVIII là hết sức lớn lao, đã có nhiều tổng kết của các Nhà nghiên cứu Sử học, các nhà Nghiên cứu Lịch sử Chính trị, các nhà Nghiên cứu lịch sử Quân sự… Trong bài viết này, nhân kỷ niệm 60 thành lập thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (2023), tác giả xin được góp phần tìm hiểu về nguồn gốc phát tích - quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Đồng thời bằng việc nghiên cứu giữa các nguồn sử liệu, thư tịch cổ và việc hệ thống các nghiên cứu mới qua các công trình sử học gần đây về quê hương của Nguyễn Huệ để thấy được bước phát triển về nhận thức trong việc nghiên cứu về lai lịch một danh nhân lịch sử. (Về mặt phương pháp luận cũng có thể coi đây là bước tìm hiểu sơ bộ về lịch sử nghiên cứu vấn đề về quê hương nguồn gốc vua Quang Trung).

1. Nhận định về quê hương của Quang Trung – Nguyễn Huệ qua một số công trình nghiên cứu tiêu biểu từ sau 1945 đến nay

a, Nguồn gốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số bộ giáo trình đại học

        Đã có nhiều nghiên cứu về Tây Sơn - Nguyễn Huệ cũng như những thành tựu của Vương triều Tây Sơn trên nhiều giác độ. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin điểm qua những nghiên cứu về quê hương của Tây Sơn - Nguyễn Huệ qua các bộ giáo trình được giảng dạy và nghiên cứu ở bậc đại học. Do điều kiện thời gian và khuôn khổ bài viết, chúng tôi cũng chỉ mới có điều kiện giới thiệu những công trình tiêu biểu mang tính chất thông sử hoặc những tập giáo trình được biên soạn bởi các nhà nghiên cứu miền Bắc (2).

      Công trình được coi là được biên soạn khá sớm sau Cách mạng Tháng Tám (1945) phải kể đến là Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX của Gs. Đào Duy Anh. Tập giáo trình này được Đào Duy Anh biên soạn, dùng để giảng dạy ở các lớp Dự bị Đại học, trong Kháng chiến chống thực dân Pháp ở trường Dự bị Đại học (Thanh Hóa) khoảng những năm 1952 - 1953 và được xuất bản lần thứ Nhất năm 1955. Trong tập sách này, GS viết: “Sách viết theo thể thức phổ thông, nhưng trong tình trạng tài liệu giáo khoa còn thiếu, tôi vẫn phải dùng tài liệu tham khảo cho sinh viên đệ nhất niên trường Đại học Sư phạm để củng cố kiến thức cho Lịch sử Việt Nam…”. Tập giáo trình này của học giả họ Đào biên soạn đến nay đã được tái bản rất nhiều lần, là một trong những công trình khoa học quan trọng góp phần tạo nên tên tuổi của Giáo sư - Học giả Đào Duy Anh. Viết về quê hương, nguồn gốc của anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ, tác giả viết: “Bấy giờ Phủ Quy Nhơn có Nguyễn Nhạc vốn là biện lại tuần Vân Đồn (Chức quan hạ cấp trông nom việc thu thuế ở cửa nguồn), người rất hào hiệp phóng túng, vì tiêu hết tiền thuế nên bỏ chức trốn lên miền ngược. Nhạc có hai em là Lữ và Huệ, nhất là Huệ có tài năng lỗi lạc, khí phách lớn lao. Tổ bốn đời ở Nghệ An, khi chúa Nguyễn đánh chiếm được một phần đất Nghệ An, thì bị bắt đem về an tháp ở Quy Nhơn để khai khẩn đất hoang. Trải mấy đời cần kiệm, cha Nhạc là Nguyễn Phúc đã thành một nhà trung hay phú nông ở ấp Kiên Thành (huyện Tuy Viễn) (3).

          Ở đây, Học giả Đào Duy Anh chỉ đề cập qua và khẳng định tổ bốn đời của anh em Tây Sơn là người Nghệ An được di cư vào Bình Định làm ăn sinh sống.

         Một tập giáo trình, nghiên cứu về cổ sử Việt Nam xuất hiện sau công trình trên của Giáo sư Đào Duy Anh là một công trình dầy dặn của tập thể tác giả hầu hết là những cán bộ trẻ đang công tác và giảng dạy Lịch sử tại Trường Đại học Tổng học Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) mang tên: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (3 tập) do Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Đinh Xuân Lâm (biên soạn). Công trình này được biên soạn xong năm 1959 và xuất bản lần đầu năm 1960, bìa ngoài có tiêu đề: “Sách dùng trong các trường Đại học Việt Nam), Nxb Giáo dục. Khác với công trình cổ sử của Giáo sư Đào Duy Anh ở trên, công trình này tập trung đánh giá những thành tựu và những hạn chế, thất bại và bài học lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam. Đoạn viết về nguồn gốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ, các soạn giả viết: “Anh em Nguyễn Nhạc ở ấp Tây Sơn, thôn An Khê. Tổ tiên Nguyễn Nhạc vốn người ở phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Đàng ngoài). Khoảng thời gian từ 1653 - 1657, trong chiến tranh Trịnh Nguyễn, quân Nguyễn có tràn ra một số huyện ở Nghệ An bắt một số dân đem về làm tù binh. Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là một trong số tù binh đó bị chúa Nguyễn đem về an tháp ở ấp Tây Sơn. Trải qua mấy đời chăm chỉ làm ăn lao động, khai khẩn đất hoang, đến đời Nguyễn Phi Phúc đã thành gia đình nông dân khá giả. Phi Phúc sinh được ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nguyễn Nhạc là người nhiều mưu cơ, Nguyễn Huệ là người thông minh, chiến đấu anh dũng, có nhiều khả năng quân sự và chính trị” (4).

           Trong đoạn trình bày về quê hương, gốc gác của anh em Tây Sơn, các soạn giả nhấn mạnh đến chi tiết, anh em Nguyễn Huệ vốn là hậu duệ của những tù binh trong chiến tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài (khoảng 1653 - 1657), chiến tranh tràn ra các huyện của tỉnh Nghệ An, những người nông dân ở đây, họ bị bắt về an trí ở vùng Tuy Viễn - Bình Định (họ sinh cơ, lập nghiệp, làm ăn đến đời anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là đời thứ 4). Cả hai công trình trên xuất bản vào thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ XX, đã trình bày khá toàn diện về quá trình giải phóng đất nước và giành chính quyền. Triều đại Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng oanh liệt. Phần viết về nguồn gốc quê hương của họ chỉ được trình bày sơ qua và khá chung chung. Phải đến công trình Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (5) đứng ra tổ chức biên soạn, phần viết về quê hương gốc gác của anh em Tây Sơn Nguyễn Huệ mới được chỉ định cụ thể, rõ ràng hơn. Trong mục: “Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ và phát triển mạnh mẽ”, các soạn giả viết: “Tổ tiên của ba anh em Tây Sơn vốn quê ở làng Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), thuộc Đàng Ngoài. Giữa thế kỷ XVII, quân Nguyễn có lần vượt sông Gianh bắt nhiều nông dân ở Nghệ An cưỡng bức vào khai hoang ở Đàng Trong. Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc là một trong những nạn nhân đó và trải qua mấy đời lao động cần cù, trở thành một gia đình nông dân khá giả ở Tây Sơn. Cả ba anh em Tây Sơn thuở nhỏ có đi học và có một trình độ văn hóa nhất định” (6).

        Tập Giáo trình Lịch sử Việt Nam được biên soạn sau những năm đổi mới phải kể đến bộ sách Đại Cương lịch sử Việt Nam (3 tập), hơn 1.000 trang của nhóm các tác giả phần nhiều công tác tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này là ĐHKHXHNV- ĐHQGHN) và các tác giả nghiên cứu, giảng dạy tại ĐHSPHN. Bộ giáo trình này được chính thức dùng làm giáo trình chung cho các trường thuộc khối khoa học xã hội trong cả nước được biên soạn sau thời kỳ đổi mới, có quy mô, dung lượng lớn nhất, có kế thừa những thành quả nghiên cứu của những công trình xuất bản trước đó và tổng hợp những kết quả nghiên cứu của các ngành liên quan, đặc biệt là những kết quả phát hiện của giới khảo cổ học suốt mấy chục năm qua. Đây là công trình đã chú ý đến sự cân đối giữa dung lượng của các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học với nhau và nhìn nhận lịch sử một cách toàn diện hơn. Hay nói cách khác, nếu như trước đây, người biên soạn chỉ tập trung vào lịch sử các vương triều, các giai đoạn lịch sử với những cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, chiến tranh chống xâm lược… thì lúc này, các nhà nghiên cứu đã quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, đến đời sống kinh tế, ngoại giao và giao lưu văn hóa…Tuy nhiên, khi trình bày về triều đại Tây Sơn, các soạn giả đã lướt qua về thành phần xuất thân của các thủ lĩnh Tây Sơn mà không trình bày cụ thể như công trình Lịch sử Việt Nam, (tập I), như đã dẫn ở trên. Trong công trình Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I (tái bản nhiều lần), phần viết về “Phong trào Tây Sơn” chỉ chú ý trình bày về nơi trưởng thành của anh em Tây Sơn - trên đất Bình Định: “Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở đất Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam vốn gồm hai vùng: vùng rừng núi gọi là Thượng đạo (nay thuộc Bình Định), bấy giờ rừng núi rậm rạp thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sinh ra và lớn lên ở ấp Kiên Thành, thuộc Hạ đạo Tây Sơn. Tổ tiên của ba người vốn gốc ở Nghệ An, tên là Hồ Phi Khang, bị quân Chúa Nguyễn bắt làm tù binh vào năm 1655, đưa vào Tây Sơn khai hoang lập ấp. Đến đời cha của ba người là Hồ Phi Phúc thì đã thành một gia đình trung nông khá giả” (7) …

      So với công trình Lịch sử Việt Nam, (tập I), do UB KHXHVN biện soạn, tập giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam (tập I), không đề cập đến tên gọi làng quê phát tích - Làng Thái Lão - huyện Hưng Nguyên (mà chỉ đề cập đến tổ tiên của họ quê Nghệ An). Nhưng trong công trình này, cho biết thời gian chính xác mà tổ tiên của anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ - những người nông dân Nghệ An bị Chúa Nguyễn bắt làm tù binh vào đất Kiên Thành (Bình Định) để an tháp trong một cuộc càn quét là vào năm 1655 (chứ không phải trong một khoảng thời gian 1653 - 1657) như  sách Lịch sử Việt Nam, (tập I ) đã cho biết.

          Gần như đồng thời với sự ra đời của bộ giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam, (3 tập) nói trên, công trình: “Lịch sử Việt Nam giản yếu” (8) của nhiều soạn giả, trình bày lịch sử Việt Nam từ đầu cho đến khi xuất bản công trình (năm 2000). Về chi tiết đề cập đến quê hương gốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung chỉ đề cập một cách chung chung như sau: “Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ hiệu triệu Nhân dân phất cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Lợi dụng mâu thuẫn giữa các bè phái trong nội bộ giai cấp thống trị, nhằm cô lập kẻ thù, Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa, khôn khéo đưa ra khẩu hiệu: Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương” (9) …

      Tập giáo trình Tiến trình lịch sử Việt Nam do GS. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) (10) là một công trình được biên soạn mang tính chất hệ thống, ngắn gọn nhưng đã bao quát được lịch sử Việt Nam từ đầu cho đến những năm cuối của thế kỷ XX (dừng lại ở năm 1995). Đây là công trình được tái bản nhiều lần và cũng được dùng làm tài liệu chính thức trong các trường Đại học KHXH và Nhân văn trong cả nước. Cuốn sách đã tổng hợp, cập nhật được cơ bản những kết quả nghiên cứu, phát hiện mới của giới khoa học lịch sử lịch, khảo cổ trong những năm qua. Phần trình bày về cố hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng vắn tắt như một số công trình trên. Về phần phong trào Tây Sơn, các tác giả viết: “Những người khởi xướng phong trào Tây Sơn là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tổ tiên của họ vốn thuộc dòng dõi họ Hồ ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), vào khoảng giữa thế kỷ XVII, bị quân Nguyễn bắt vào Đàng Trong rồi đưa lên miền Tây huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (năm 1762 đổi thành huyện Quy Nhơn) khai khẩn đất hoang lập ra đất Tây Sơn (nay là hai thôn An Khê và Cửu An, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai). Đến đời thứ ba, Hồ Phi Phúc lấy bà Nguyễn Thị Đồng thì về quê vợ tại thôn Phú Lạc, sau lại chuyển sang thôn Kiên Mỹ” (11).

        Nhìn chung, những tập giáo trình là những công trình biên soạn về hình thức cũng gần như tương đương với những công trình thông sử. Ở đây, vừa đảm bảo được tiêu chí: đảm bảo được những kiến thức chuẩn, ổn định, dễ hiểu vừa phải cập nhật được những thông tin mới, những kết quả của những thành tựu mới của các ngành nghiên cứu liên quan. Trong một số trường hợp cụ thể, ở đây là vấn đề nghiên cứu, nhận định về quê hương gốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung, đã có nhiều soạn giả đề cập đến nhưng chỉ có một vài công trình đề cập đến đơn vị thôn/làng của “người anh hùng áo vải cờ đào”. Thậm chí có một số công trình còn đề cập đến năm mà cụ tổ 4 đời của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ bị quan quân chúa Nguyễn ở Đàng Trong tràn ra vùng Nghệ An để bắt từ làng Thái lão (Hưng Nguyên - Nghệ An) rồi an trí trong Kiên Thành (Bình Định) là năm 1655. Tuy nhiên, rất tiếc, các soạn giả của các công trình trên không ghi rõ nguồn sử liệu mà các tác giả dựa vào là gia phả, thư tịch hay tư liệu dân gian truyền miệng.

          b, Những công trình mang tính thông sử và sách tham khảo

       Bên cạnh các tập giáo trình, một số công trình biên soạn mang tính chất là những bộ sách thông sử, sách tham khảo dưới dạng trình bày diễn trình lịch sử Việt Nam cũng ít nhiều đề cập đến nguồn gốc quê quán của Nguyễn Huệ - Quang Trung.

         Trong công trình biên khảo dưới dạng truyện văn học Loạn Kiêu binh, Nguyễn Triệu Luật đã kể về những sự việc nhiễu nhương, tình hình phức tạp của những năm tháng cuối cùng của triều lê Trung Hưng và sự nổi loạn của những vị quan lại, bộ thần trong đó có nhiều người gốc Thanh Nghệ. Phần Phụ lục của cuối sách, Nguyễn Triệu Luật cho công bố phần trích sách Lê Quý dật sử, biên soạn về những sự kiện diễn ra trong khoảng từ 1758 đến năm 1786 (trước khi Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi hoàng đế”. Đây là tập tư liệu được biên soạn gần như đương thời viết về sự nổi dậy của anh em Nguyễn Nhạc. Tuy nhiên, không có chi tiết nào mô tả về quê hương, gốc gác của Nguyễn Huệ - Quang Trung mà chỉ đề cập đến những sự kiện diễn ra trên đất Nghệ An như: ….

        Sách Các triều đại Việt Nam khi đề cập đến vương triều Tây Sơn chỉ miêu tả qua về ngoại hình anh em Tây Sơn như dạng chuyện kể trong dân gian truyền miệng mà bỏ qua nguồn gốc xuất thân: “Nguyễn Huệ sinh năm Nhâm Thân (1752) là em của Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Khi còn nhỏ, Nguyễn Huệ thường được gọi là Chú Thơm, là em thứ hai trong nhà. Trong ba anh em, Nguyễn Huệ có nhiều đặc điểm nổi trội nhất; tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông, cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối” (12).

         Tác phẩm “Trong cõi” của GS. Trần Quốc Vượng có 16 bài viết, trong đó có bài: Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII (13). Phần viết về Tây Sơn Quang Trung của Gs. Trần Quốc Vương tràn đầy tinh thần hào sảng, với bút lực dồi dào, cảm xúc cao độ nhưng chỉ trình bày mang tính chất tản mạn về bối cảnh kinh tế xã hội, những thành tựu nổi bật mà không trình bày cụ thể về quê hương bản quán, cựu quán của anh em Tây Sơn. Cũng tương tự như vậy, trong công trình Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy nghĩ của Gs. Trần Quốc Vượng, tập hợp nhiều bài viết trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, danh nhân đất Việt, trong đó có bài viết: Tây Sơn Quang Trung và công cuộc đổi mới đất Việt ở thế kỷ XVIII (14). Trong chuyên khảo này, GS. Trần Quốc Vượng đã nêu được những thành tựu nổi bật, kỳ vĩ với những chiến công của Quang Trung - Nguyễn Huệ mà đỉnh cao là chiến thắng đánh tan quân xâm lược Thanh kết thúc bằng trận đánh “Xuân lửa Đống Đa” rực rỡ nhưng không đề cập cụ thể, kỹ lưỡng đến quê hương phát tích của người anh hùng “áo vải cờ đào”.

      GS Hà Văn Tấn trong tác phẩm Sự sinh thành Việt Nam cũng chỉ mới nêu được mấy chi tiết về quê hương Bình Định nơi ông Nguyễn Huệ làm nên sự nghiệp. Gs viết: “Nhưng mạnh mẽ hơn cả là cuộc khởi nghĩa năm 1771 của Nhân dân ấp Tây Sơn ở phủ Quy Nhơn (nay thuộc đất Gia Lai - Kon Tum và Bình Định) do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cầm đầu. Nguyễn Nhạc đã từng là người lái buôn trầu không và có thời gian làm Biện lại (Nhân viên thu thuế) trong một sở Tuần Ty ở miền núi. Ấp Tây Sơn và miền núi Quy Nhơn trở thành căn cứ của cuộc khởi nghĩa…”. (15)

     Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã để lại nhiều dấu ấn trên hầu khắp mọi miền đất nước ta, suốt từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, với Thăng Long - Hà Nội, ông có vai trò quan trọng, thường xuyên ra/vào với vai trò là người dẹp yên những mâu thuẫn nội bộ trong triều đình lúc sắp lụi tàn của nhà Lê Trung hưng; Ông cũng là người sắp xếp, tổ chức bộ máy trong triều đình mới; Đặc biệt ông còn là người chỉ huy tối cao trong công cuộc giải phóng Thăng Long, quét sạch 29 vạn quân Thanh về nước. Đất nước sạch bóng quân thù, thành Thăng Long trở nên yên bình. Trong công trình biên soạn về Lịch sử Thăng Long Hà Nội, tập 1, gồm 13 chương, (Từ thời Tiến sử đến thời Nguyễn) với dung lượng 1.022 trang do Gs. Phan Huy Lê (Chủ biên). Phần viết về Quang Trung Nguyễn Huệ như sau: “Nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra mà lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Dưới sự khởi xướng và tổ chức của Nguyễn Nhạc, sau một thời gian bí mật gây dựng lực lượng, lập căn cứ ở Tây Sơn Thượng đạo (vùng An Khê, nay thuộc tỉnh Gia Lai), năm 1771, nghĩa quân bắt đầu hoạt động vũ trang. Năm 1773, nghĩa quân từ Tây Sơn Thượng đạo đánh xuống ấp Kiên Thành (Huyện Tây Sơn, Bình Định), rồi tiến công chiếm phủ thành Quy Nhơn” (16).

     Về thông tin quê quán của Quang Trung trong công trình khá đồ sộ này, không được soạn giả (chủ biên) đề cập, trong khi đó những thông tin về quê hương phát tích của Quang Trung cũng đã được chính các soạn giả đã từng đề cập đến trong công trình Lịch sử Việt Nam, tập I, từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

  (Còn nữa)

N.Q.H

*Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội

 

Tài liệu trích dẫn

(1). Trần Quốc Vương (2001), Xuân lửa Đống Đa trong bối cảnh văn hóa xã hội đương thời, in trong Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, tr. 130;

(2). Trong điều kiện chiến tranh chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1945 - 1975), đất nước thạm thời chia làm hai miền: Miền Bắc và Miền Nam với hai chế độ chính trị khác nhau nên khi đó, hệ thống giáo dục cũng như việc biên soạn sách giáo khoa, giáo trình cũng khác nhau và đương nhiên, việc nhìn nhận về anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa cũng không giống nhau;

(3). Đào Duy Anh (2006), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Văn hoá Thông tin, tr. 374;

(4). Phan Huy Lê - Chu Thiên - Vương Hoàng Tuyên (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Nxb Giáo dục, HN, tr. 279, 280;

(5). Tên gọi có sự thay đổi qua các thời kỳ; có giai đoạn là: Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam);

(6). Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử việt Nam Nxb Khxh, tr. 337;

(7). Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (1999), Đại cương lịch sử Việt Nam tr. 415, 416;

(8). Lương Ninh (chủ biên) Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu, 2000, Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị Quốc gia;

(9). Lương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Bá Đệ, Trịnh Vương Hồng, Chương Thâu (2000), Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb CTQG, H, tr. 278, 279;

(10). Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), (2006), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lễ, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục 399 trang;

(11). Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), (2006), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, tr. 178;

(12). Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, (2009), Các triều đại Việt Nam, Nxb Văn hoá – Thông tin, tr. 248;

(13). Trần Quốc Vượng (2015), Trong Cõi, Nxb Hội Nhà Văn, (tái bản có bổ sung theo bản in lần đầu năm 1991; Phần viết về Tây Sơn Quang Trung tr. 79 - 92);

(14). Trần Quốc Vượng (2003), Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, tr. 883 - 895;

(15). Hà văn Tấn (2017), Sự sinh thành Việt Nam, Nxb Thế giới, tr. 315, 316;

(16). Phan Huy Lê (chủ biên), (2011), Lịch sử Thăng Long, tập I, Hà Nội, Nxb Hà Nội, tr 838;

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528628

Hôm nay

29

Hôm qua

2275

Tuần này

2901

Tháng này

215324

Tháng qua

0

Tất cả

114528628