Góc nhìn văn hóa

Phát triển miền núi trong bối cảnh chuyển đổi số

Dưới tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số, của khoa học công nghệ, miền núi đang có nhiều sự thay đổi nhanh chóng. Chuyển đổi số đang trở thành nguồn lực để phát triển. Nhiều cá nhân, cộng đồng đã tiếp cận và tiếp nhận khoa học công nghệ để vận dụng vào phát triển kinh tế một cách phù hợp và mang lại những hiệu quả nhất định.

Chợ xuân ở vùng biên giới Tương Dương

Công nghệ số xóa nhòa khoảng cách về không gian để đẩy mạnh liên kết phát triển

Vùng miền núi đang gặp nhiều khó khăn trong liên kết phát triển do giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt và hạ tầng công nghệ thông tin còn kém phát triển. Cần phải đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhằm hạn chế các khó khăn cho chia cắt địa lý mang lại và xóa nhòa không gian, kéo các vùng miền lại gần nhau hơn để phát triển. Công nghệ số và hạ tầng công nghệ thông tin giữ vai trò kết nối giữa các bên liên quan mà không bị khoảng cách về không gian gây khó khăn. Qua công nghệ thông tin, các nhà quản lý, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, khách hàng và người tiêu thụ đều có thể giao tiếp với nhau mà không phải di chuyển. Công nghệ số và hạ tầng công nghệ thông tin cho phép người sản xuất và người tiêu dùng, các đối tác làm ăn không phải di chuyển từ miền núi ra xuống đồng bằng, xuống các đô thị hay ngược lại để làm việc với nhau. Thay vào đó, họ trao đổi và ký hợp đồng qua hệ thống công nghệ thông tin một cách phù hợp. Công nghệ số và hạ tầng công nghệ thông tin phát triển cũng tạo ra “thế giới phẳng”, thu hẹp, thậm chí xóa nhòa khoảng cách giữa miền núi và các khu vực khác, tạo điều kiện cho sự liên kết phát triển giữa các khu vực với nhau.

 

Các mạng lưới xã hội đang dần trở thành những diễn đàn cho người dân tham gia chia sẻ

 

Công nghệ số và hạ tầng công nghệ thông tin cũng là nhân tố kết nối các mạng lưới xã hội, các chuỗi hàng hóa giữa miền núi và các khu vực khác, nhất là với khu vực đô thị đang phát triển năng động và nhanh chóng. Hiện nay, mạng lưới xã hội có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển và nó phụ thuộc nhiều vào nguồn lực công nghệ số và hạ tầng công nghệ thông tin. Sự hợp tác giữa các bên liên quan ở miền núi và các khu vực khác được thực hiện chủ yếu qua các mạng lưới xã hội dựa vào công nghệ thông tin. Vậy nên đầu tư công nghệ số và hạ tầng công nghệ thông tin là đầu tư quan trọng để liên kết phát triển khu vực miền núi. Chỉ khi hạ tầng công nghệ thông tin phát triển thì mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư về miền núi, bởi lúc đó, các khoảng cách về không gian địa lý, vốn là thách thức lớn trước đây, nay đã được khỏa lấp. Vậy nên, Nhà nước cần đầu tư hạ tầng chung từ trạm phát sóng đến các làng bản cũng như có chính sách hỗ trợ đặc thù để người dân tiếp cận công nghệ thông tin để phục vụ vào phát triển. Nhà nước cũng cần xây dựng các chương trình giáo dục, tập huấn để nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân, nhất là người dân vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, để họ có điều kiện tiếp cận các nguồn lực phát triển một cách thuận lợi và hiệu quả.

Công nghệ số và chuyển đổi số trở thành nguồn lực để phát triển miền núi

Một số sản phẩm đặc trưng miền núi Nghệ An được giới thiệu tại Hội chợ Nông sản miền Trung

 

Ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tôi biết một cô gái người Thái tên Vy. Năm 2012 Vy bắt đầu học tại Đại học Vinh ngành Giáo dục mầm non. Sau một thời gian ban đầu bỡ ngỡ, Vy nhận thấy ở Vinh có rất nhiều người muốn mua các đặc sản sạch từ miền núi. Từ các loại gạo nương, các loại rau sạch, rồi hoa quả, dược liệu…. Vy bắt đầu tạo lập một đầu mối để cung cấp các loại sản phảm này bằng cách bán hàng online. “Ở quê, mẹ em bán hàng tạp hóa nên có điều kiện gom các loại hàng hóa theo đơn của khách hàng. Sau đó gửi theo xe khách xuống cho em. Em chỉ việc nhận hàng và đi giao cho khách. Sau này nhiều đơn hàng thì em còn thuê thêm người đi giao”. Vy chia sẻ. Không chỉ bán các mặt hàng đặc sản miền núi cho khách hàng dưới Vinh, Vy còn qua các kênh khác để mua hàng mỹ phẩm bán lại cho chị em phụ nữ ở trên quê. Cứ như vậy mà Vy có tiền để đi học, còn mua được xe máy và sắm sửa nhiều thứ cho bản thân. Trên fanpage của Vy có đến 5.000 người theo dõi, là mạng lưới xã hội quan trọng nhất để Vy bán hàng. Không chỉ kết bạn với bạn bè ở Vinh và các khu vực khác mà còn nhiều bạn bè là người dân tộc thiểu số ở quê nhà, vốn là khách hàng mua các loại quần áo và mỹ phẩm mà Vy mang từ Vinh về. Tiền kiếm được Vy chủ yếu đầu tư lại cho gia đình để phát triển kinh tế. Vy chuyển tiền cho mẹ để mở rộng quán tạp hóa thành một đại lý khang trang hơn và thuộc diện to nhất vùng. Góp phần cùng cha mẹ sửa sang nhà cửa, mở rộng chăn nuôi lợn gà tại nhà. Không chỉ vậy, Vy còn giúp đỡ các gia đình khác bán các đồ đặc sản mà họ có qua việc mẹ Vy thu mua đồ rồi Vy bán sau đó chuyển tiền đi trả cho người dân trong bản.

Hay trường hợp bà Hoàng, một thầy lang người Thổ ở Quỳ Hợp. Là một thầy lang trước nay chủ yếu bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong bản. Nhưng trong khoảng chục năm trở lại đây, bà Hoàng đã vận dụng các mạng lưới xã hội từ công nghệ thông tin để thượng mại hóa các bài thuốc y học cổ truyền mà bà biết. Ban đầu, bà với con gái lấy thuốc cho một số người và chữa được bệnh. Con gái bà đã đưa các bài thuốc lên giới thiệu trên mạng xã hội Facebook và có thêm nhiều người liên hệ để mua. Thấy vậy, bà đầu tư các trang mạng của mình ngày càng hoàn thiện hơn để quảng bá thương hiệu thuốc của bà. Cứ như vậy, con gái và cháu cũng tham gia cùng bà. Số lượng khách hàng ngày càng tăng lên. Thu nhập của bà cũng vì vậy mà tăng nhanh chóng. Không chỉ trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình mà bà còn gom góp mua được cả xe ô tô từ việc bán thuốc. Điều đáng nói là có hàng chục thầy lang biết rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền của các dân tộc thiểu số. Nhưng không phải ai cũng vận dụng nó để phát triển một cách hiệu quả như bà Hoàng. Một trong những nguyên nhân giúp bà làm được điều đó là biết vận dụng công nghệ thông tin vào quảng bá hình ảnh và thu hút khách hàng.

Hiện nay, việc vận dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số ở miền núi đang được đẩy mạnh. Công nghệ số và chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế của người dân tộc thiểu số. Từ việc vận dụng công nghệ để quảng bá hình ảnh trong nhiều lĩnh vực như du lịch cộng đồng, thủ công nghiệp, kinh tế dược liệu hay cả trong nông nghiệp. Công nghệ thông tin chưa tham gia trực tiếp vào sản xuất, nhưng lại có vai trò quan trọng trong kinh doanh, qua việc kết nối các cơ sở sản xuất và khách hàng tiêu thụ. Công nghệ thông tin đã tạo ra các mạng lưới xã hội, qua đó tạo tiền đề để phát triển các mạng lưới thương mại, hình thành các chuỗi hàng hóa giúp cho người dân tiếp cận thị trường một cách đơn giản và hiệu quả hơn.

Những thách thức về phát triển miền núi trong quá trình chuyển đổi số

Trước hết, đó là việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho vùng dân tộc thiểu số ở miền núi. Đặc điểm của khu vực miền núi là không gian rộng lớn nhưng bị chia cắt bởi các dãy núi, dòng sông. Mật độ dân cư cũng thưa thớt hơn. Giao thông đi lại và cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều hạn chế. Vậy nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cũng gặp khó khăn hơn vì chi phí đầu tư xây dựng cao hơn do vận chuyển tốn kém, trong khi đó số lượng người sử dụng lại ít hơn. Ví dụ xây dựng một trạm thu phát sóng để sử dụng internet ở một xã vùng núi cao, vùng sâu thì tốn kém nhưng số lượng thuê bao sử dụng sẽ ít hơn so với đồng bằng. Nhưng như đã nói, nếu không đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin thì cũng khó để thực hiện chuyển đổi số và vận dụng công nghệ số vào phát triển được.

Thứ hai, cũng là vấn đề quan trọng, đó là trình độ và năng lực vận dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế của người dân ở miền núi. Người dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Hầu hết người dân ở miền núi, nhất là những người trung niên và người lớn tuổi đều khó tiếp cận được công nghệ thông tin. Những người trẻ tuổi mới tiếp cận công nghệ thông tin một cách nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên, những người luống tuổi lại là đối tượng nắm giữ các nguồn lực phát triển truyền thống của các cộng đồng còn những người trẻ lại gặp hạn chế trong việc này. Thế nên, để vận dụng được công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế cần phải có những chương trình tập huấn, giúp đỡ cho đồng bào nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ thông tin, nâng cao năng lực hợp tác giữa các thế hệ cùng làm việc để nâng cao hiệu quả.

Nói tóm lại, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả phát triển miền núi là vấn đề quan trọng. Nó cần nguồn vốn đầu tư lớn và Nhà nước phải đứng ra để thực hiện. Khi hạ tầng công nghệ thông tin vùng miền núi phát triển thì cũng tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp lên miền núi tăng nhanh hơn. Mặt khác, bên cạnh hạ tầng công nghệ thông tin thì cũng cần có các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ thông tin của mình. Qua đó giúp cho quá trình chuyển đổi số, công nghệ số trở thành nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế xã hội miền núi./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528554

Hôm nay

2210

Hôm qua

2291

Tuần này

2827

Tháng này

215250

Tháng qua

0

Tất cả

114528554