Góc nhìn văn hóa

Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (qua nguồn tư liệu Châu bản triều Nguyễn) ( Kỳ II)

Phong trào chống thuế của đồng bào Quảng Nam và sau đó là các tỉnh miền Trung diễn ra từ nửa đầu năm 1908 là một trong những sự kiện nổi bật của phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX; một trong những sự kiện lớn của lịch sử giải phóng dân tộc và lịch sử cách mạng nói chung. 

Phan Châu Trinh (1872- 1926), người đề xướng phong trào DuyTân từ năm 1906 đến năm 1908

Phong trào chống thuế diễn ra vào những năm đầu của thế kỷ XX trên một địa bàn rộng lớn nhưng quyết liệt nhất là vào năm 1908 và nơi diễn ra quyết liệt nhất là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam. Những cuộc biểu tình và bạo động của dân chúng Trung Kỳ, bắt đầu được giấy lên ở tỉnh Quảng Nam vào tháng 3/1908 và lan rộng mau chóng thành một phong trào rộng lớn ở nhiều tỉnh với các tên gọi khác nhau như: “Vụ dân biến”, “Vụ cự sưu”, “Xin xâu”, … Mọi người đều thừa nhận rằng, đây là một cuộc biểu tình được tổ chức một cách thông thạo nhất, như một sự tập luyện, thao diễn thí điểm trong các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh diễn ra sôi động nhất của xứ An Nam. Phong trào chống thuế ở Trung Kỳ sau này đã được ghi lại qua các hồi ký của các nhà hoạt động cách mạng như Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Thai Mai… Song chúng ta cần xác định rõ rệt là: Phong trào chống thuế là một sự thực khách quan của hậu quả sưu cao thuế nặng hay đây chỉ là cái cớ khiến phát động một phong trào chống lại chế độ đã âm ỉ từ trước. Phân tích vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu lý giải như: GS. Nguyễn Thế Anh trong nghiên cứu: Phong trào chống thuế miền Trung năm 1908 qua các Châu bản triều Nguyễn (1) hay qua nghiên cứu của GS. Đinh Xuân Lâm: Phong trào chống thuế ở miền Trung năm 1908 - Quá trình phát triển và các đặc điểm (2) ... Sự thật cho biết, trước đó 1-2 năm, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung diễn ra mất mùa, lũ lụt, nước mặn tràn vào làm cho đời sống người dân lao động điêu đứng. Châu bản triều Nguyễn đề ngày 9 tháng 12 năm Thành Thái thứ 18 (1906), báo cáo về tình hình mùa màng như sau:

“Bộ Hộ tâu: Ngày 26 tháng trước, hận được tập Tâu của Tuần phủ Hà Tĩnh Hồ Đắc Trung trình: Vụ lúa thu năm nay hạt đó lần lượt bị hạn hán, lũ lụt, nước mặn tràn vào nên có thiên tai và lại bị châu chấu cắn, đã đem tình hình trình bầy đầy đủ. Nay đến kỳ thu hoạch, căn cứ xét bẩm của các phủ huyện thì các xã thôn ven sông, ven biển của 5 huyện phủ Hà Thanh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân bị thiệt hại tới 7, 8 phần, còn lại các thôn, xã ở trong và ở trên cùng với các xã thôn của 3 phủ huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê bị thiệt hại từ 4 đế 6 phần không đồng đều. Tỉnh đó xem xét thấy đúng sự thật. Bộ thần xét thấy các điều tâu tập, tâu trình bày là căn cứ tình hình và tuân theo lệ tâu báo (3).

Xuất phát từ đời sống khổ cực, mất mùa trong khi đó sưu cao thuế nặng nên vấn đề đòi giảm sưu - thuế là một phong trào thiết thực và được đề cập thường xuyên, nhắc lại nhiều lần trong các tập Châu bản được phát ra từ Phủ Phụ Chính:

“Ngày 16 tháng này, nhận được bản án xử bọn Lê Kiệt, Nguyễn Bành là dân hạt này, do Phủ Thừa Thiên làm tờ tư đệ trình lên. Trong án trình bày: Gần đây, dân ở hạt này câu kết, tụ tập đế khiếu nại đòi giảm tiền sưu. Triều đình sai người giảng giải rõ ràng, nhưng bọn này không chịu về lại vào thẳng nhà Sen đầm (Đồn Hiến binh) phá hoại, nhưng thực là dân nổi loạn. Nha này chiếu theo luật “Kích biến lương dân” xử chém ngay. Nay đã bắt được Lê Kiệt, Nguyễn Bành xét ra đúng không phải là thủ phạm nhưng cũng là đồng bọn này hiện đang bị thương, nên chăng rộng lượng xem xét, xin chờ thẩm tra. Phủ thần xét thấy Lê Kiệt và Nguyễn Bành vào nhà Sen đầm phá hoại, bị bắt tại chỗ. Nhưng lúc ấy trời tối nhiều người tụ tập đến đập phá bừa bãi, không phải chỉ riêng 2 tên này mà thôi. Xin nên đối xử trảm giam hậu chờ yên ổn sẽ xét xử (4).

Vấn đề xin miễn thuế cũng là một vấn đề không thể coi nhẹ. Chính quyền địa phương trước sức ép của đông đảo quần chúng nhân dân nên hết sức e ngại và quyết tâm trừng trị kẻ cầm đầu. Châu bản đề ngày 16/4/Duy Tân 2 (1908) có Tấu rằng: “Phủ Phụ Chính tâu: Các ngày mồng 3, mồng 4 tháng này nhận được 2 bản án xử các việc dân trong hạt câu kết, tụ tập làm càn do tỉnh Quảng Nam đệ trình. Một án trình rằng: Lúc đầu Ông Ích Đường dụ dỗ dân chúng khiếu nại, xin miễn thuế, đập phá xe cộ, sau đó tiếp tục câu kết bè đảng, đốt nhà, rõ ràng là kẻ hung ác phản nghịch bị luận tội là đầu sỏ. Xin theo điều lệ trong luật “Kích biến lương dân”, xử chém ngay. Còn như tên Trương Tuấn chưa bắt được thì chờ bắt được, tra xét công khai; Tình hình hiện tại ở hạt này chưa ổn. Hai án này tỉnh ấy đã căn cứ tội trạng để xét xử là hợp lệ (5).

Thuế ở đây gồm nhiều thứ thuế khác nhau như thuế thân, thuế đinh, thuế điền… những thứ thuế vô lý đè nặng trên đầu người lao động. Thế nhưng dưới con mắt của những kẻ thống trị thì nhóm người này là những kẻ bất trị, tụ tập làm càn. Vì thế, chúng đã ra tay đàn áp dã man. Châu bản triều Nguyễn nêu rõ: “Ngày mồng 6 tháng này, nhận được bản án xử việc dân trong hạt câu kết, tụ tập làm càn do tỉnh Quảng Nam xét xử kết luận, trình rằng; Nguyễn Cò câu kết, tụ tập bè đảng mặc ý làm càn theo lệ xử chém ngay” (3).

Ngày 29 tháng 4 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập 138/7 ghi: Phủ Phụ Chính tâu: Hôm nay nhận được bản án xử việc dân trong hạt câu kết bè đảng, làm càn của tỉnh Bình Định. Bản án trình rằng: Nguyễn Văn Úc là lý trưởng đã dụ dỗ người trong thôn cắt tóc, câu kết, tụ tập bè đảng xin giảm thuế vào tận trong thành gây ồn ào, chống lại quan binh, khi tra xét đã thú nhận. Tuy không phải là đầu sỏ, cũng là đồng bọn ác độc. Xin theo điều lệ trong luật: “Kích biến lương dân”, xử chém ngay. Trần Văn Đạo, Bùi Văn Tư đều là tráng đinh lại dám câu kết, cắt tóc, xét ra là tòng phạm, đều xử giảo giam hậu. Phủ thần họp bàn cùng nhau kiểm tra xem xét thấy án này đã căn cứ tình tiết tội trạng mà xét xử là hợp lệ. Đã bàn để Phụ Quốc Công Lê Viết xem xét (7).

Ở Quảng Ngài, phong trào chống thuế năm 1908 cũng diễn ra rất sôi nổi, tiêu biểu nhất là những hoạt động của Lê Tựu Khiết (8).

Phong trào chống thuế  tại Thừa Thiên Huế - nơi đặt thủ phủ của triều đình Huế cũng diễn ra sôi nổi nhưng tiêu biểu và có tiếng vang nhất là của Đoàn Thuần; Châu bản đề ngày 15/5/ Duy Tân 2 (1908): Phủ Phụ chính tâu: “Ngày 13 tháng 3 năm nay, nhận được 35 tội phạm Đoàn Thuần … là người hạt phủ Thừa Thiên, đã câu kết tụ tập bè đảng, hành động càn bậy, đòi giảm sưu thuế, do quý toà Khâm sứ giao cho giam giữ xét xử. Phủ thần đã đem bọn này ra chất vấn. Phủ thần nhận xét bọn Ấm Toản Đoàn Thuần đã tụ tập nhiều người gây rối loạn, bắt trói lính quan, âm mưu cướp pháo súng, hành động rất hồ đồ, gây rối loạn. Từ thủ phạm đầu sỏ độc ác là tên Toản đang chạy trốn, chờ bắt được sẽ xử tội nặng ra, còn bọn Đoàn Thuần, xin theo điều lệ trong hạt “Kích động lương dân” xử tội tòng phạm, đều giao giam hậu đày đến Lao Bảo giam giữ, chờ yên ổn để tiến hành xét xử (9).

Tại tỉnh Bình Định, những án liên quan đến việc cắt tóc, chống thuế, cự sưu không chỉ diễn ra một lần mà diễn ra nhiều lần, Châu bản triều Nguyễn đề cập đến nhiều đối tượng “cầm đầu” như Nguyễn Khiêm, Chu Văn Long, Phạm Doãn, Phạm Quế… Châu bản từ Phủ Phụ chính, viết: “Ngày 27 tháng trước, nhận được một bản án xử các nguyên nhân khiến dân trong hạt tụ tập gây rối loạn, do tỉnh Bình Định đệ trình. Trong án trình bày: Phan Long Bằng điên cuồng dụ dỗ nhân dân cắt tóc, xin giảm thuế luận tội là thủ phạm, xin theo điều lệ trong luật “Kích biến lương dân” xử chém bêu đầu. Nguyễn Khiêm, Chu Văn Long, Phạm Doãn hoặc dính lứu tập hoặc cướp súng, xét là tòng phạm, đều xử chém ngay. Còn như bọn Phạm Quế chưa bắt được, chờ bắt về tra xét, cung khai tình tiết tội trạng ra sao, sẽ tiến hành phân biệt xét xử. Phủ thần xét thấy hiện tại, tình hình ở hạt này không yên ổn, án này đã được tỉnh này căn cứ tình hình tội trạng, nghiêm khắc xét xử là hợp lệ (10).

Tháng 4  năm Duy Tân 2 (1908), tại Tỉnh bình Định, còn diễn ra nhiều vụ mà triều đình gọi là “Kích biến lương dân”; Châu bản đề ngày 29, tháng ấy nêu rõ: “Tháng 4 năm nay, nhận được bản án do tỉnh Bình Định đệ trình: “Trước đây, Trương Phùng đã can án, nay lại câu kết bè đảng, tụ tập gây ồn ào, xét thấy tội tình rất nặng, xin theo điền lệ trong luật: “Kích biến lương dân” xử chém bêu đầu ngay. Xét thấy, Thái Dương và Nguyễn Xung cũng là tòng phạm, xin đều xử giảo giam hậu (11).

Việc chống thuế không phải là một khẩu hiệu chung chung mà được dùng bằng từ cụ thể như “Đòi tiền cơm”. Họ quyết liệt đấu tranh không hề khoan nhượng, thậm chí bằng cả hình thức đốt nhà, giết tên ác ôn như ở Quảng Nam, dân chúng từng đốt nhà Phó Tuyên. Ngày 15/5/Duy Tân 2 (1908), phủ Phụ Chính tâu: “Gần đây, nhận được bản án do lãnh Tổng đốc Quảng Nam là Hồ Đắc Trung tập hợp tư báo, trình rằng:

Trước đây, Trần Phúc đã câu kết bè đảng, khởi sướng làm càn, lại câu kết bè đảng, rủ nhau đến nhà Phó Tuyên ép buộc, đòi tiền cơm, đốt nhà Phó Tuyên đúng là đầu sỏ đề sướng việc này. Xin theo điều lệ trong luật đầu sỏ ác ôn hống hách đòi tiền, xử chém ngay và đem đến đúng nơi đó mà thi hành án để tỏ rõ sự trừng trị. Vũ Doãn Văn là Lý trưởng sở tại của Phó Tuyên, trước đây đã dẫn bọn này đến nhà Phó Tuyên đòi tiền, khi bọn này đến đốt nhà, Phó Tuyên nghe hô hoán, đã bỏ đi cũng có âm mưu. Xét xử đánh 100 gậy, lưu 3000 dặm, đổi hạn khổ sai 9 năm (12). Người đứng đầu và tiêu biểu của phong trào này là Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Hàng Chi, Phan Cẩn. Châu bản triều Nguyễn đề ngày 20 tháng 5 năm Duy Tân 2 (1908) ghi: “Ngày 6 tháng này, nhận được bản án do tỉnh Hà Tĩnh đệ trình về việc huyện Nghi Xuân xét xử bọn Trịnh Khắc Lập và Phan Cẩn là người trong hạt, đã câu kết bè đảng, nhiều tới 200 người, làm náo động đường phố, kéo đến tỉnh làm đòi giảm sưu thuế, khi tra xét đều thú nhận cả. Xét thấy Trịnh Khắc Lập là người đầu sỏ đề xướng việc này, xin theo điều lệ trong luật “Kích biến lương dân”, xử chém ngay. Xin đem đế chợ Giang Đình, ở nha huyện sở tại bêu đầu thị chúng. Tòng phạm bọn Phan Cẩn đều xử giảo giam hậu. Phủ thần xét thấy các lẽ xét xử đã hợp lệ, nhưng đồn bốt chỉnh đốn chưa xong. Vậy bọn Phan Cẩn gồm 3 tên nên để lại giam giữ tại tỉnh chờ giải quyết”(13).

Có thể nói rằng, những hoạt động của nhà chí sĩ Phan Chu Trinh và các những người yêu nước đương thời diễn ra vào khoảng những năm 1906 - 1908, trên địa bàn các tỉnh thuộc miền Trung rất sôi nổi với nhiều hình thức phong phú. Phong trào này nan rộng trong một phạm vi rất rộng từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… có sự tham gia và lãnh đạo của nhiều chí sĩ yêu nước như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Hàng Chi, Lê Tựu Khiết… Các hoạt đồng này đã tranh thủ được một lực lượng lớn những người dân yêu nước (trong đó có tầng lớp trí thức và nông dân - dưới sự lãnh đạo hướng dẫn của những trí thức có tư tưởng cấp tiến) tham gia, với các hình thức bạo động, biểu tình… Những hình thức bạo động động ấy diễn ra rất quyết liệt mà trong Châu bản phản ánh như “đốt nhà” của những tên quan gian ác, tổ chức cho người dân chống lại sưu cao, thuế nặng mà những nhà “cầm quyền” đương thời gọi là “làm loạn”. Song song với những việc làm trên, họ còn lợi dụng các hình thức tuyên truyền yêu nước bằng cách “mượn lời thần thánh” để làm thơ “giáng bút” để tuyên truyền, cổ động…

Các cuộc biểu tình, cự sưu được quan niệm như là những cuộc chống lại tập thể, tụ tập đám đông nhưng cơ bản vẫn giữ tính chất ôn hoà, ngoại trừ vài ba vụ việc diễn ra quá tả như đốt nhà tên Phó Tuyên. Chính những vụ bạo động này đã vượt qua dự kiến của các nhà Nho duy tân. Do đó, chính quyền đã thẳng tay đàn áp phong trào. Kết cục là, những cuộc biểu tình, cự sưu, chống thuế của tầng lớp nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, nho sĩ đều liệt vào hành vi phạm tội như: “Kích biến lương dân”, “Quan thông vi bội”, “Tội phản nghịch”, nhiều người bị bắt đày đi Côn Đảo hoặc bị án tử hình…

* Ts. Nguyễn Quang Hà, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Chú thích

(1) Nguyễn Thế Anh (1973), Phong trào chống thuế miền Trung năm 1908 qua các Châu bản triều Nguyễn, Bộ Văn hoá và Thanh niên, Sài Gòn;

(2) Đinh Xuân Lâm (2009): Phong trào chống thuế ở miền Trung năm 1908 - Quá trình phát triển và các đặc điểm; NCLS, số 10, tr 5-7;

(3) 阮朝珠版成泰拾捌年129日第8126 (Ngày 9 tháng 12 năm Thành Thái 18 (1906); Tờ/Tập: 126/8; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Vụ án bè đảng đến đốt nhà người khác;

(4) 阮朝珠版維新二年329日第7101 (Ngày 29 tháng 3 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ 101/7; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Chủ đề: Xét án tổ chức dân biểu tình;

(5) 阮朝珠版維新二年416日第7123 (Ngày 16 tháng 4 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 123/7; Loại Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Xử tên đầu xỏ dụ dỗ dân chúng làm loạn;

(6) 阮朝珠版維新二年429日第7136 (Ngày 29 tháng 4 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 136/7; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Xử  án câu kết, tụ tập bè đảng làm càn;

(7) 阮朝珠版維新二年429日第7138 (Ngày 29 tháng 4 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 138/7; Loại Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài:  Xét án câu kết bè đảng xin giảm thuế);

(7) Tham khảo: Phan Ngọc Liên, Trương Công Huỳnh Kỳ (2008), NCLS, số 6, tr 18  24;

(9)  阮朝珠版維新二年515日第7145 (Ngày 15 tháng 5 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 145/7; Loại: Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Vụ án bè đảng đến đốt nhà người khác;

(10) ] 阮朝珠版維新二年515日第7135 (Ngày 15 tháng 5 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 135/7; Loại Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Xử án câu kết làm loạn;

(11)  阮朝珠版維新二年429日第7135 (Ngày 29 tháng 4 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 135/7; Loại Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Xử án câu kết làm loạn;

(12)  阮朝珠版維新二年515日第7145 (Ngày 15 tháng 5 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 145/7; Loại Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Xử bọn dụ dỗ dân chúng gây loạn;

(13)  阮朝珠版維新二年529日第7161 (Ngày 29 tháng 5 năm Duy Tân 2 (1908); Tờ/Tập: 161/7; Loại Tấu; Xuất xứ: Phủ Phụ Chính; Đề tài: Xử tội bọn tụ tập dân chúng cầm vũ khí đánh quan, đánh lính);

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487759

Hôm nay

2173

Hôm qua

2337

Tuần này

22113

Tháng này

215071

Tháng qua

120271

Tất cả

114487759