Góc nhìn văn hóa

Sự quan tâm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh qua một số tư liệu tại các Trung tâm Lưu trữ quốc tế

Tranh Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931)

Trong suốt cuộc đời, dù ở nơi đâu, với cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam vẫn luôn dành tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc cho quê hương Nghệ An, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).

Ngày 05/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau nhiều năm bôn ba, tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp đồng thời là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Người đã tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước nhằm chuẩn bị những điều kiện cần thiết về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, có rất nhiều những người con ưu tú của quê hương Nghệ Tĩnh xuất dương tham gia lớp huấn luyện chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau khi được thấm nhuần tư tưởng, họ đã trở về quê hương, tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân, gây dựng tổ chức. Nhờ đó, tư tưởng, đường lối cách mạng tiến bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng đã được chuyển tải về Nghệ Tĩnh từ rất sớm, góp phần khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa cách mạng tại Nghệ Tĩnh trong thời gian này.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tiếp sau đó, ngày 18/02/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng:

“…Đảng Cộng sản ở Đông Dương đã được thành lập...

Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để:

Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng.

Làm cho nước An Nam được độc lập.

Thành lập Chính phủ công nông binh…

Thực hiện ngày làm 8 giờ.

Hủy bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo…”

Hưởng ứng lời kêu gọi, cả nước đã dấy lên một cao trào cách mạng rộng khắp, sôi nổi và đạt đến đỉnh cao ngay trên chính quê hương của Người - phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài, mặc dù không hoàn toàn đồng tình nhưng Người vẫn luôn theo dõi sát sao để cùng với Trung ương Đảng uốn nắn, chỉ đạo phong trào cũng như động viên tinh thần đấu tranh của Nhân dân. Từ các nguồn tài liệu khai thác từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia Liên bang Nga, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp, chúng ta càng hiểu thêm về sự quan tâm, trăn trở của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với những diễn biến của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và Xô viết Nghệ Tĩnh nói riêng.

Phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ - Tĩnh được mở đầu bằng cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy, ngày 01/5/1930.  Làn sóng cách mạng tiếp tục phát triển trong những tháng tiếp theo. Từ đấu tranh chính trị, quần chúng tiếp tục thực hiện biểu tình với những vũ khí thô sơ. Ngày 01/9/1930, tại Thanh Chương đã nổ ra cuộc biểu tình với quy mô rộng lớn, với sự tham gia của trên 2 vạn nông dân. Từ ngày 07-08/9/1930, hàng ngàn nông dân các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên phối hợp biểu tình, kéo về tỉnh lỵ Hà Tĩnh...

Sáng ngày 12/9/1930, Nhân dân 3 tổng: Phù Long, Thông Lạng (huyện Hưng Nguyên) và Nam Kim (huyện Nam Đàn) đã giương cao cờ đỏ búa liềm tiến hành đấu tranh. Thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống đoàn biểu tình khiến 217 người chết, 125 người bị thương, hàng chục người bị bắt giam.

Bám sát diễn biến, tình hình của phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã liên tục có các bài viết về phong trào đấu tranh của cả nước nói chung và Nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng.

Bài “Phong trào cách mạng ở Đông Dương” ngày 20/9/1930, tài liệu tiếng Anh, Người viết:

“… Trong lúc biểu tình, 3.000 nông dân Nam Đàn đã vây chặt văn phòng viên quan huyện, phá nhà tù và giải thoát tù nhân.

Ở Thanh Chương, 20.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình của nông dân... Nông dân hăng hái mang 200 cờ đỏ búa liềm, hàng ngũ chỉnh tề kéo về huyện lỵ, vây hãm văn phòng quan huyện, đập phá phòng riêng của quan huyện…[1]

Tiếp đó, trong Thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 05/11/1930, tài liệu tiếng Pháp, Người báo cáo:

“… Không kể những cuộc đấu tranh và biểu tình đã nổ ra từ trước ngày 20-8-1930, nông dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức liên tiếp những cuộc biểu tình lớn hưởng ứng công nhân bãi công ở Vinh, Bến Thủy (tỉnh lỵ và trung tâm công nghiệp ở Nghệ An). Từ 20-8 đến 6-10-1930, có 39 cuộc biểu tình và mít tinh bao gồm 69.350 nông dân, trong đó có những cuộc từ 20.000 đến 30.000 người tham dự. Hiện nay, ở một số làng đỏ, Xô viết nông dân đã được thành lập…”[2]

Bài Nghệ Tĩnh Đỏ của Nguyễn Ái Quốc - Nguồn: ANOM

Diễn biến mạnh mẽ của các cuộc đấu tranh tại Nghệ Tĩnh đã được Nguyễn Ái Quốc thể hiện trọn vẹn trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” - The “Red” Nge-Tinh, tài liệu tiếng Anh viết ngày 19/02/1931. Bài viết có ba phần, đánh dấu I, II, III. Ở phần I, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sơ qua về tình hình địa lý, nhân văn, kinh tế và truyền thống cách mạng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Phần II, Người trình bày các hình thức đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh những ngày cuối năm 1930 đầu năm 1931, đặc biệt là cuộc lễ “đỏ” tổ chức ở làng Lộc Đa, cách Vinh 2 km. Ở phần thứ III, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ những thủ đoạn nham hiểm của đế quốc Pháp trong việc bắt ép Nhân dân tham gia các cuộc biểu tình phản cách mạng nhằm lừa bịp dư luận. Qua đó, Người khẳng định: “Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ!”. Tài liệu này cũng đã được mật thám Pháp dịch thành bản tiếng Pháp trong hồ sơ theo dõi về Nguyễn Ái Quốc năm 1931. Trong bản dịch, mật thám Pháp đã đặc biệt ghi chú: “Bài viết của Nguyễn Ái Quốc có lẽ nhằm mục đích phổ biến, viết ngày 19/02/1931 tới văn phòng Phương Đông ở Thượng Hải”.

Bài Nghệ Tĩnh Đỏ của Nguyễn Ái Quốc do Mật thám Pháp dịch - Nguồn: ANOM

Phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh đạt tới đỉnh cao, từ huyện Thanh Chương, rồi lan tới các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Hương Sơn, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Diễn Châu, Yên Thành…, các tổ chức chính quyền tự quản được hình thành ở nhiều làng xã. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều vô cùng lo sợ đã tiến hành đối phó bằng các chính sách khủng bố. Từ tháng 9 năm 1930, thực dân Pháp bắt đầu huy động lực lượng binh lính từ các nơi tập trung về Nghệ Tĩnh, lập hệ thống đồn binh dày đặc, tăng cường mạng lưới bang tá và tiến hành lùng sục, bắt bớ, chém giết, gây nên không khí nặng nề, hoang mang trong Nhân dân.

Trong bài “Điều gì xảy ra ở Đông Dương”, tài liệu mới chưa được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, được Nguyễn Ái Quốc viết ngày 16/2/1931 đã nêu lên các con số cụ thể về những đảng viên bị địch bắt tù đày, những người bị giết… nhằm vạch rõ tội ác của Pháp và chính quyền phong kiến tay sai. Người viết:

Tháng 1 có:

900 (đảng viên cộng sản và nông dân) ở Nghệ An.

Đó là những con số chúng tôi nắm chắc, còn ở 54 tỉnh khác, chúng tôi chưa có tài liệu gì, nhưng chúng tôi biết ở mỗi tỉnh các nhà lao đều chật ních…

Chúng tôi không ước tính được số nạn nhân khủng bố trắng… nhưng cũng trong tháng ấy, ở Trung Kỳ, có hơn 100 nhà nông dân bị lính đốt (ngày 17-1, ở huyện Nghi Lộc), 32 nông dân bị giết chết trong một cuộc biểu tình (cũng ở huyện ấy, ngày 9-1) và 2 nông dân bị giết trong một cuộc biểu tình (ở Hà Tĩnh, ngày 2-1)…”

Bài viết “Điều gì xảy ra ở Đông Dương” của Nguyễn Ái Quốc

Trong khối tài liệu lưu trữ về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp, chúng tôi tìm thấy rất nhiều tư liệu những là bài viết của Nguyễn Ái Quốc về tình hình phong trào cách mạng Việt Nam, trong đó có nhiều bài viết chưa được in trong Hồ Chí Minh toàn tập. Hai bài viết vào tháng 5 năm 1931 đã đề cập đến cuộc đấu tranh ngày mồng 1 tháng 5 có nội dung như sau:

“Vâng, không phải là cường điệu, mặc dù đó là một thực tế đáng buồn, khi nói rằng Đông Dương đã có ngày 01 tháng 5 là ngày bị đàn áp lớn nhất trên thế giới trong năm nay.

Kể từ cuộc nổi dậy tháng 2 năm 1930, Đông Dương luôn sôi sục. Đất nước liên tục bị thiết quân luật và trở nên cực kỳ nghiêm trọng vào tháng 5 và sau đó vào tháng 8 năm 1930. Kể từ ngày đó, An Nam - đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà - Tĩnh và Quảng - Ngãi - dường như ở trong tình trạng chiến tranh.

Hàng ngày, những quả bom do máy bay ném xuống, và những toán lính lê dương được trang bị súng máy (400 phát mỗi phút, và mỗi viên đạn có thể xuyên qua 7 hoặc 8 hàng người - thông cáo báo chí chính thức cho biết) xuyên suốt cả đất nước. Thông cáo báo chí hàng ngày thông báo cho công chúng về những gì đang xảy ra ở "mặt trận". Quân đội chiếm các làng quan trọng. Người bảo vệ bản địa trông coi các ngôi làng cả ngày lẫn đêm. Các con đường và lối đi của quan đều có rào chắn, nơi các vệ sĩ có vũ trang thường xuyên có mặt để khám xét người qua đường và kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ…”.

Sưu tập những tài liệu viết về các cuộc đấu tranh năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh do mật thám Anh tìm thấy khi khám xét nhà Nguyễn Ái Quốc ở Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 6/6/1931 - Nguồn: ANOM

Trước hoàn cảnh lịch sử “nước sôi lửa bỏng” đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, từ Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc đã liên tục báo cáo, gửi thư đề nghị Quốc tế Cộng sản, các tổ chức trực thuộc và các Đảng anh em quan tâm hơn nữa tới cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Người khẩn thiết kêu gọi nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới có những hoạt động ủng hộ thiết thực đối với Việt Nam nói chung và Nghệ Tĩnh nói riêng. Trong Thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Người kêu gọi: “…Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu…”

Không chỉ theo dõi sát sao diễn biến của phong trào cách mạng ở quê nhà mà Người còn có những chỉ đạo đối với Trung ương Đảng. Trong hai bức thư đề ngày 20 và 23 tháng 4 năm 1931 - hai bức thư cuối cùng Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương trước khi bị cảnh sát Anh bắt tại Hồng Kông, Người đã thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của Xứ ủy Trung Kỳ và Bắc Kỳ về tổ chức và xây dựng lực lượng trong thời gian qua[3]. Riêng Nghệ Tĩnh, Người cũng nêu rõ về tình hình, số lượng Đảng viên, Chi bộ, Thanh niên, Công hội, Nông hội, Phụ nữ của từng huyện. Từ việc chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế, Người đề nghị các cấp bộ Đảng phải nhanh chóng sửa chữa sai lầm, phân công điều động cán bộ, đảng viên cho hợp lý nhằm phát triển phong trào cách mạng rộng rãi và đều khắp. Các tổ chức Đảng phải xây dựng được kế hoạch hoạt động, nắm được tình hình đảng viên, quần chúng cách mạng, phát triển mạnh tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn và Công hội. Để thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng và không chệch chủ trương, đường lối của Quốc tế Cộng sản, Người chỉ rõ: “…các chi bộ phải thảo luận Chỉ thị của Quốc tế thứ ba và Nghị quyết của Trung ương, rồi phải ra Nghị quyết về những Nghị quyết và Chỉ thị nói trên. Những Nghị quyết ấy phải đệ trình lên Trung ương, Trung ương sẽ chuyển lên Quốc tế thứ ba...”[4]. Có như vậy cách mạng vô sản ở Đông Dương mới thực sự trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản trên thế giới.

Có thể khẳng định, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chính là một cầu nối của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, với Quốc tế Cộng sản. Thông qua Nguyễn Ái Quốc và những bài viết, báo cáo của Người, Quốc tế Cộng sản đã theo dõi chặt chẽ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương để có sự chỉ đạo kịp thời.

Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, của Trung ương Đảng, một phong trào đấu tranh ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ đã diễn ra sâu rộng từ nhân dân các tỉnh trong nước cho đến nhân dân quốc tế.

Bản gốc và bản dịch của mật thám Pháp Trang đầu thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và cách mạng Việt Nam, ngày 20/4/1931 - Nguồn: ANOM

Đến khi bị Thực dân Anh khám xét và bắt giữ tại Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc vào ngày 06/6/1931, tại nơi ở của Người, chúng đã tìm thấy nhiều tư liệu viết về phong trào cách mạng Đông Dương. Đặc biệt, trên chiếc máy đánh chữ, địch còn thu được bài viết đánh dở của Người về phong trào đấu tranh tại Nghệ Tĩnh.

Máy đánh chữ kèm bài đang đánh dở về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, mật thám Anh thu được khi khám xét nhà Nguyễn Ái Quốc ở Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 6/6/1931 - Nguồn: ANOM

Trong các giai đoạn lịch sử sau này, dù bất cứ ở cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Xô viết Nghệ Tĩnh. Xô viết Nghệ Tĩnh đã trở thành mốc son đáng tự hào trong mỗi bài viết của Người. Trong tác phẩm "Lịch sử nước ta" được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào cuối năm 1941 với 208 câu thơ lục bát về 30 cột mốc lịch sử quan trọng của dân tộc, Người khẳng định:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

… Kìa Yên Bái nọ Nghệ An

Hai lần khởi nghĩa tiếng vang toàn cầu…”

Tiếp đó, trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã luôn dành sự kính trọng, tình cảm đối với những nội dung liên quan đến phong trào cách mạng này thông qua các hoạt động: Nhắc đến Xô Viết Nghệ Tĩnh như mốc son đáng tự hào trong lịch sử dân tộc, đến đặt vòng hoa và kính cẩn nghiêng mình dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930; gặp mặt và chụp ảnh với chiến sĩ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931; ký Lời đề tựa tặng cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh; khuyến khích, kêu gọi Nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần Xô viết Nghệ Tĩnh, chung lưng đấu cật, dũng cảm đứng lên đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, góp phần đưa Nghệ An - Hà Tĩnh phát triển, "xứng đáng là quê hương của Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.

Như vậy, từ những tư liệu khai thác từ các trung tâm lưu trữ quốc tế về hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1930-1931 đã góp phần giúp chúng ta có thêm cái nhìn đa chiều về sự quan tâm, trăn trở của Người đối với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Qua đó góp phần khẳng định: “Nghệ Tĩnh Đỏ” luôn có được một vị trí đặc biệt trong trái tim - tâm thức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

*Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2000, tr.44

[2]  Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 3 (1930-1945). NXB Chính trị Quốc gia năm 2000. tr.53

[3] Trước hết, Người phê bình “cách khai hội" của Hội nghị Xứ ủy Trung Kỳ và Bắc Kỳ về việc thời gian quá dài (Trung Kỳ 18 buổi, Bắc Kỳ 13 ngày), Xứ uỷ chưa thảo luận kỹ các vấn đề từ trước, làm việc không theo trật tự sắp sẵn, không thích hợp với hoàn cảnh hoạt động bí mật. Về công tác xây dựng và phát triển lực lượng của Đảng, Người nắm chắc, nêu rõ những số liệu thống kê cụ thể qua đó chỉ ra sự phát triển chưa đều khắp của các tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội, Hội Phụ nữ, Thanh niên.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tr.90.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445328

Hôm nay

265

Hôm qua

2296

Tuần này

2937

Tháng này

211587

Tháng qua

120141

Tất cả

114445328