Góc nhìn văn hóa

Trí tuệ và văn hóa Hồ Chí Minh qua góc nhìn của học giả nước ngoài

Có thể nói, Hồ Chí Minh là một nhân vật lịch sử, một lãnh tụ đặc biệt của đất nước. Đã có biết bao nhiêu công trình, đề tài nghiên cứu về Người của các học giả trong nước, nước ngoài dưới các góc nhìn và các đánh giá khác nhau. Bài viết này đề cập đến cái nhìn của các học giả nước ngoài về tầm cao văn hóa, thông tuệ nhiều tri thức Đông Tây kim cổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt bạn bè thế giới chính là hình ảnh thu nhỏ
của đất nước Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Từ một thầy giáo tiểu học ở tuổi thanh niên; năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước; trải qua ba mươi năm ở xứ người; trở về lãnh đạo phong trào cách mạng ở nước ta; năm 1990, Hồ Chí Minh được tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghị quyết của tổ chức UNESCO khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của “Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc[1].

“Nhà văn hóa kiệt xuất” là cụm từ biểu thị một trình độ cao, một tài năng văn hóa xuất sắc, được luận quốc tế thừa nhận. Ba mươi năm nước ngoài, Hồ Chí Minh chỉ có mấy năm học ở Trường Đại học Phương Đông, còn lại là học ở trường đời, không ngừng rèn luyện và học tập nhất là ở các môi trường văn hóa của các nước tiên tiến. Người học tập trong điều kiện thiếu thốn, học thầy, học bạn để thành người. Khi còn ở Anh, Người phải lao động vất vả, phải dành dụm tiền, trong đó có tiền học tiếng Anh. Khi từ Anh trở về Pháp, tiếng Anh của Người giỏi hơn tiếng Pháp. Trở về Pháp năm 1917, năm 1919 với bút danh là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi đến Hội nghị Vécxây bản yêu sách của Nhân dân An Nam. Việc “đưa yêu sách do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ, ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”[2]. Nhưng chỉ sau ba năm, tại Đại hội Tua, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng thành thạo tiếng Pháp. Đại hội đã lắng nghe Nguyễn Ái Quốc tố cáo sự tàn bạo do thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương, tả lại nỗi khổ của hơn 20 triệu người An Nam… Phải nói là Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ nói tiếng Pháp rất giỏi.

Có ý thức và ra sức học tập trong những điều kiện khó khăn, vừa đi làm vừa nỗ lực học tập. Thư viện là nơi Nguyễn Ái Quốc thường xuyên có mặt theo giờ giấc, quy định. “Về văn học, ông Nguyễn thích đọc Sếchxpia (Shakespeare), Đíchken (Dickens) bằng tiếng Anh, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung Hoa và Huygô (Hugo), Dôla (Zola) bằng tiếng Pháp. Anatôn Phrăngxơ (Anatole France) và Lêông Tônxtôi (Léon Tolstoi) thể nói những người đỡ đầu văn học cho ông Nguyễn”[3].

Nhà thơ E. Kobelev kể lại một câu chuyện vui khi ông được nhận nhiệm vụ dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 22 (1961): “Tôi      vô cùng xúc động và do đó đã xảy ra một chuyện lệch pha rất buồn cười. Vốn thông thạo tiếng Nga, Hồ Chí Minh nói mấy câu cuối cùng trong bài phát biểu của mình bằng tiếng Nga, còn tôi lại máy móc đi dịch ra tiếng Việt”[4].

Người đến Liên Xô nhiều lần, sống và hoạt động cho phong trào cộng sản quốc tế, đặc biệt là học ở Trường Đại học Phương Đông mấy năm nên Người học tiếng Nga bài bản trung thực. Còn tiếng Trung Quốc với Người lại quá gần gũi. thể nói người thành thạo 4 thứ tiếng quan trọng: Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc - một điều hiếm thấy ở các nguyên thủ quốc gia. Nguyên nhân là do hoàn cảnh nhưng cũng phải nói là để sử dụng được một ngoại ngữ là không dễ dàng, nhất là khi dưới quyền mình có nhiều phiên dịch gia và người đứng đầu nhà nước trong các buổi lễ được phát biểu bằng tiếng nước của mình. Hồ Chí Minh hiểu rõ ngôn ngữ là chìa khóa để mở cánh cửa đi vào tìm hiểu văn hóa một dân tộc, tạo quan hệ bạn bè thân thiết và cả để lao động mưu sinh ở nước ngoài.

Nói đến Người cũng chính là tiếp cận và tìm hiểu bề dày văn hóa của Hồ Chí Minh trên nền tảng của văn hóa dân tộc. Người là biểu tượng của tinh hoa văn hóa Việt Nam. Điều quan trọng là ý thức tôn trọng và xác định tầm quan trọng của văn hóa  trong toàn bộ hoạt động xã hội của người. Cách mạng Tháng Tám thành công, xây dựng chính quyền mới, Hồ Chí Minh chú ý đặc biệt đến những nhiệm vụ trừ giặc xâm lăng, giặc đói, giặc dốt. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, họp ở Hà Nội, ngày 24-11-1946, Người khẳng định: “Văn hóa hóa kháng chiến” và “Kháng chiến hóa văn hóa”. Người viết trong tác phẩm Đời sống mới với bút danh Tân Sinh, nêu lên trách nhiệm xây dựng đời sống mới như nhiệm vụ chiến lược mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh. Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”[5]. Phương châm lớn nhất phải xây dựng nền văn hóa dân tộc không ngoại lai, giữ vững bản sắc dân tộc. Với tinh thần ấy, Người được Nhân dân thế giới xem như một biểu tượng đẹp của văn hóa Việt Nam, quy tụ những giá trị tinh thần vật chất dân tộc.

Một trong những vấn đề đặt ra là sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Một triết gia người Pháp Pátxcan đã viết: “Người ta không vĩ đại khi chỉ đứng một cực, phải nối liền hai cực và đắp đầy khoảng giữa”[6].

Hồ Chí Minh sinh ra ở Việt Nam, là người Việt Nam - một quốc gia phương Đông có nền văn hóa lâu đời, phong phú, da dạng, có bản sắc riêng. Đứng vững trên nền tảng đó. Người tìm hiểu, chọn lọc những nét tinh hoa của phương Tây nhưng không lệ thuộc, mà ở thế bình đẳng, thân thiện. Do đó, trước hết phải khẳng định văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa phương Đông hay đúng nghĩa hơn là văn hóa dân tộc Việt Nam. Người đề cao và xem trọng văn hóa dân tộc. Cái gốc của người làm văn hóa là tình cảm trân trọng, có vốn tri thức về văn hóa dân tộc.

Theo nhà báo Giăngrux, phóng viên người Pháp Franc Tireur thì Hồ Chí Minh “kết hợp chất anh hùng vào đạo lý… ông luôn luôn là một thứ Giăngđi mátxít,…đại diện cho triết Á Đông”[7]

Nói đến tầm cao văn hóa Hồ Chí Minh cũng chính là nói đến những giá trị tư tưởng về chính trị, xã hội và văn hóa của người. Người đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa lớn qua hàng ngàn bài báo và những tác phẩm chính trị, văn học, nghệ thuật. Báo chí Hồ Chí Minh có giá trị phê phán chế độ thực dân phong kiến, kêu gọi, thức tỉnh mọi người đoàn kết xây dựng đất nước và học theo những điển hình tốt, việc tốt. Báo chí Hồ Chí Minh phản ánh trực tiếp những vấn đề thời sự định hướng trong đấu tranh chân lý. Các bài báo đều có chiều sâu văn hóa, nhận thức các hiện tượng chính trị, xã hội qua góc độ văn hóa và nhân đạo, chính vì thế, nhiều bài báo cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Về bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Giáo sư Nhật Bản Sibata cho rằng: “Những tư tưởng thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng là tư tưởng của Cụ Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, là sự kế thừa tư tưởng của cuộc cách mạng độc lập ở Mỹ và cuộc cách mạng Pháp” và “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc”[8].

Những giá trị về tư tưởng và văn hóa còn thể hiện ở những tác phẩm chính trị, xã hội, văn nghệ của Người. Một số cuốn tiêu biểu như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường cách mệnh (1927), Nhật ký trong tù (1942),  Sửa đổi lối làm việc (1947)… Ngoài ra phải kể đến các tập truyện được viết trước và sau cách mạng. Nhận xét và đánh giá các tác phẩm có nhiều ý kiến khác nhau. Nhà báo Mỹ Hanbơxtam cho rằng cuốn Nhật ký trong tù là tác phẩm hay nhất của người. Ý của Hanbơxtam có căn cứ về giá trị tư tưởng về nghệ thuật của tập thể. Tuy nhiên, nhìn tương quan chung nên xem đây là một trong các tác phẩm hay của Hồ Chí Minh. Giáo sư Nhật Bản Sibata đặc biệt đề cao những bài viết phê phán chủ nghĩa thực dân Pháp được in một phần quan trọng trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Ông viết: Trong lĩnh vực này, đều cần phải nói đến là những lời tố cáo sự tàn ác của bọn thực dân đã được đưa lên một đỉnh cao mới với những bằng chứng cụ thể hơn bất cứ một tài liệu nào trước đây về vấn đề đó…Những cống hiến của cụ Hồ Chí Minh đã thực sự mở  ra một giai đoạn mới. Trong những nhà lý luận về dân tộc và thuộc địa thời ấy, có rất ít người mắcxít như Cụ Hồ Chí Minh, sinh ra ở một nước thuộc địa và bản thân đã trải qua cuộc sống như ở Việt Nam, cũng như ở nhiều thuộc địa khác. Bản thân Lênin cũng không có kinh nghiệm như vậy[9].

Một trong những giá trị nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh là những đóng góp về đạo lý, đạo đức làm người. Toàn bộ tác phẩm của Người thấm sâu và nhắc nhở vấn đề đạo đức: đạo đức của người công dân với lòng yêu nước, đạo đức của người cộng sản với tính tiên phong và đức hy sinh, đạo đức của cán bộ với phương châm: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”…

Nhà Việt Nam học người Pháp, Giáo sư Buđaren trong cuộc Hội thảo “Văn học Việt Nam giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1914-1945)” do Trường Đại học Harvard (Mỹ) tổ chức đã cho rằng, nhà văn Ngô Tất Tố vừa đề cao những phẩm chất của người nông dân vừa phê phán những hạn chế của họ. Sau cách mạng, tinh thần phê phán sớm được vận dụng để chỉnh đốn những sai lầm của cán bộ và xây dựng tư cách của họ qua các tác phẩm như Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chí Minh. Những bài học về đạo đức, những lời dặn chân tình và có tính nguyên tắc đó rất cần thiết cho cán bộ bước đầu bắt tay vào công việc cách mạng. Bài học phê bình và tự phê bình được nhắc nhở như nhiệm vụ hằng ngày của đoàn thể và mỗi cá nhân[10].

Ngay trong thơ, nhiều khi tưởng hồn thơ bay bổng vào cái đẹp, cái thi vị, nhưng không, đạo lý vẫn gắn bó với từng trang viết, từng lời thơ. Nhà báo Mỹ Hanbơxtam đã đúng khi nhận xét trong thơ Hồ Chí Minh những giản dị đượm một màu sắc đạo lý, châm biếm sắc bén.

Năm 1960, lần đầu tiên tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh được dịch ra tiếng Việt, các nhà văn, học giả, nhà báo trong nước đã nhiệt liệt hoan nghênh giá trị lớn lao của tập thơ được viết trong hoàn cảnh lao tù. Giáo sư Đặng Thai Mai đã nhận xét: Đọc tập thơ này “chúng ta cảm thấy thật sự đứng trước một thi sĩ và một con người cao cả, vĩ đại”[11].

Nhà thơ Xuân Diệu tâm sự: “Có những câu nói có thể coi là quá giản dị, nhưng tại sao tôi đọc đi đọc lại, vẫn cứ thấy một cái gì trong đó mà mình rút chưa hết”[12]. Ngày nay, tập thơ Nhật ký trong tù đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, như: Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Hungari, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan… Riêng ở Mỹ có hai bản dịch, một của Harrison do Nhà xuất bản Bantam in vào năm 1971 và một bản dịch của Huỳnh Sanh Thông. Nhà báo Mỹ Harrison nhận xét: “Hồ Chí Minh không chỉ là nhà thơ trữ tình của thiên nhiên. Cụ còn là một nhà thơ kiểu mới. Ngoài tuyết và hoa, sương và núi, Hồ Chí Minh còn làm cả những bài thơ bao gồm cả sắt và thép. Cụ viết, Nhà thơ cũng phải biết xung phong. Chính vì vậy, đúng như Cụ đã ghi lại: “Người thoát khỏi tù, ra dựng nước. Qua cơn hoạn nạn, rõ lòng ngay. Người biết lo âu, ưu điểm lớn. Nhà lao mở cửa, ắt rồng bay”. Có lẽ bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật này, Hồ Chí Minh đã viết văn bia cho chính Người, một nhà thơ với tâm hồn một con Rồng[13].

Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) nhận xét: Khi tôi đọc tập Nhật trong tù, lòng tôi xúc động vô cùng. Tôi cảm thấy như trái tim vĩ đại đó đã tỏa ra ánh sáng chói ngời trong một hoàn cảnh tối tăm. Bác Hồ là một nhà thơ lớn[14].

Nhà thơ Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) có nhiều ý khác nhau, rất độc đáo khi ông chú ý đến tính xác thực của tập thơ và xem đó như là một tư liệu quý về lịch sử: “Chúng ta cần phải cảm ơn Hồ Chủ tịch đã giữ lại cho chúng ta nhiều di tích lịch sử trong thơ của Người[15]. Nhà thơ Quách Mạt Nhược đánh giá cao nghệ thuật của Nhật ký trong tù và cho rằng nhiều bài để lẫn với thơ Đường, thơ Tống cũng khó phân biệt. Với những cảm nhận khác nhau, các nhà thơ Trung Quốc đều xem Nhật ký trong tù là báu vật của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Nhà thơ lớn của Cuba Phêlích Pita Rôđrighếtx nhận xét sâu sắc rằng, đi vào Nhật ký trong tù - cái tòa nhà bằng ngôn ngữ vững chắc và đẹp, người ta có cảm giác như mỗi bước đi sẽ bắt gặp những cội nguồn sâu xa của một trong những con người tiêu biểu họ những con người đặc biệt phi thường, những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại, những con người, những cuộc đời mình, đã dạy cho mọi người hiểu rằng đối với con người không có đỉnh cao nào mà không thể đạt tới[16]

Nhà văn Đức Échác Sécnơ, khi đọc bài thơ Học đánh cờ đã cảm phục và tìm để dịch tập Nhật ký trong tù, viết: Tôi đã đọc kỹ bài thơ mà người viết về học đánh cờ. Đây là cả một nhận thức tầm chiến lược, chiến thuật rất cao. Nhà văn Angiêri Katép Yaxim cảm phục giá trị của Nhật ký trong tù: Nhà chính trị, người chiến sĩ và nhà thơ tất cả những cái đó không hình dung ra được một cách dễ dàng. Nhà chính trị khiêm tốn vào bậc nhất, nhà thơ vĩ đại.

Các nhà văn, nhà thơ Pháp như Rôgiê Đơnuyx và Giăng Lacutuyarơ phân tích sâu cả về nội dung nghệ thuật của Nhật ký trong tù. Theo ông, “thơ Hồ Chí Minh nói ít mà gợi nhiều. Là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm thanh trầm lặng, không phô dien mà như cố khép lại trong đường nét chính để cho người đọc tự thưởng thức lấy cái “ý tại ngôn ngoại”; phải yên lặng một mình ngồi đọc thơ Người mới thấy nó mở ra, phải thỉnh thoảng ngừng lại để suy nghĩ, mới cảm thấy được hết những âm vang của nó, và nghe thấy những âm vang ấy cứ ngân dài mãi ra[17]. Ông đã cảm nhận thơ Người như một nhà thơ phương Đông hiểu đặc điểm của thơ mảnh đất này. Nhưng quan trọng hơn là tình cảm và tâm hồn của nhà thơ đang ở trong cõi lặng của hoàn cảnh tù đày.

Giăng Lacutuyarơ đi sâu vào phân tích và liên hệ với thơ Pháp bằng những ý tưởng thuyết phục: “Một trăm bài thơ ngắn, rất giản dị, xúc động, đi thẳng vào lòng người, có khi kể chuyện, có khi giáo huấn, trong đó tình yêu thương nhường chỗ cho luân lý của người cách mạng gương mẫu, bao giờ cũng có sự ưu ái đối với con người với một chủ nghĩa khắc kỷ - đặc biệt Việt Nam”[18].

Ở Cộng hòa Dân chủ Đức đã giới thiệu bài thơ Việt Nam trong tập Những đêm hành quân, trong đó có bài Hoàng hôn của Hồ Chí Minh: “Gió sắc tựa gươm mài đá núi/Rét như dùi nhọn chích cành cây/Chùa xa chuông giục người nhanh bước/Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay”. Không chỉ mặt nội dung các nhà văn phương Tây  đã cảm nhận sâu sắc nghệ thuật của Nhật ký trong tù, đặc biệt dấu ấn trong thơ phương   Đông tinh tế, gợi cảm.

Trong Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn” được tổ chức vào năm 1990 - ba mươi năm sau khi Nhật ký trong tù được dịch ra Tiếng Việt xuất bản. Tiến sĩ R. Hêrô (Philippins) cho biết, ở các trường đại học ở Philippins thường có những buổi đọc thơ của các nhà thơ nổi tiếng thế giới như Bôđơle, Aragông, Hainơ, Maria Rinkê, Pôn Véclen, Hồ Chí Minh…, trong đó bài thơ của Hồ Chí Minh chiếm một vị trí đặc biệt.

Trên thế giới cũng có một số người đứng đầu các nước làm thơ, như: Mao Trạch Đông, Hôxê Mácti. Thơ Mao Trạch Đông mang phong cách của con người quyền lực ở trên đỉnh cao với những cảm nghĩ về non nước ngày xưa và hiện tại. Nhiều bài thơ và bài từ có tứ thơ và hình ảnh mạnh mẽ, có nghệ thuật, song có phần xa lạ với cảm nghĩ đời thường của nhân dân[19]. Ngược lại phong cách thơ của Hồ Chí Minh như ngọn gió xuân ấm áp, gần gũi với mọi người[20]

Nhà ngoại giao Cuba R.C.Ferrera trong bài viết, Jose Marti - Hồ Chí Minh: Hai thời đại trong cùng một tư tưởng đã nhận thấy nhiều điểm tương đồng về phẩm chất, nhân cách và tâm hồn thơ giữa hai vị lãnh đạo của hai dân tộc. Tác giả viết: Mỗi người trong họ và ở thời đại của họ đã vượt qua biên giới của đất nước mình để rồi trở thành những chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập và chủ quyền của các dân tộc. Hai bậc vĩ nhân ấy không chỉ giống nhau ở chỗ là những nhà chính trị giản dị nhưng cương quyết mà còn là hai nhà trí thức tài năng và trung thực… Chúng tôi muốn nghĩ tới hai đóa hoa hồng tỏa ngát hương thơm cho cuộc sống và khi cần sẽ biến thành những nòng súng để bảo vệ tự do, thống nhất và độc lập[21].

Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng, những đóng góp lớn lao về văn hóa trên nhiều lĩnh vực mà trong sự tôn vinh của UNESCO đối với Người có danh hiệu là Nhà văn hóa kiệt xuất. Đây là một giá trị cao đẹp không những của Hồ Chí Minh mà còn có ý nghĩa cổ vũ cho nền văn hóa dân tộc - chúng ta đã có một nhà văn hóa tài năng mà thế giới công nhận. Sự kết hợp giữa anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa là sự kết hợp tuyệt đẹp mà không dễ một cuộc đời, một tài năng nào trong thế kỷ XX có được. Tầm thời đại của người cũng là tầm thời đại của dân tộc. Đất nước, Nhân dân đã tiếp sức cho Người để có được vinh  quang cao quý./.



[1] UNESCO, Nghị quyết 24C/18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

[2] Trần Dân Tiên, Những mấu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQGST, Nội,2017, tr.42.

[3] Trần Dân Tiên, Những mấu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sdđ, tr.47-48.

[4] Tạp chí Châu Á Châu Phi, tháng 2-2003.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 246.

[6] Hữu Ngọc, Hồ Chí Minh và những giá trị văn hóa, báo Văn nghệ, số 9-1999.

[7] Hữu Ngọc, Hồ Chí Minh và những giá trị văn hóa, báo Văn nghệ, số 9-1999.

[8] Bùi Trọng Bình, Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Nhật Bản, báo Văn nghệ, số  34-1990.

[9] Bùi Trọng Bình, Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Nhật Bản, Báo Văn nghệ, số   33-1990.

[10] Minh Đức, Hồ Chí Minh Anh hùng dân tộc tầm nhìn thời đại, Nxb CTQG, Nội, 2014,  tr.296.

[11] Ủy ban Khoa học hội Việt Nam, Viện văn học, Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Nxb    KHXH, Hà Nội, 1979, tr.153.

[12] Ủy ban Khoa học hội Việt Nam, Viện văn học, Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Sđd, tr.245-246.

[13] Harrison S. Salisbury, Nhà thơ có tâm hồn một con rồng, báo Văn nghệ, số 4-1997.

[14] Minh Đức, Hồ Chí Minh Anh hùng dân tộc tầm nhìn thời đại, Sdđ, tr.298.

[15] Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12-1960.

[16] Minh Đức, Hồ Chí Minh Anh hùng dân tộc tầm nhìn thời đại, Sdđ, tr.299.

[17] Ủy ban Khoa học hội Việt Nam, Viện văn học, Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh, Sdđ, tr.532.

[18] Dẫn theo Nguyễn Thành Long, Hình ảnh Bác Hồ trong lòng các nhà văn nước ngoài, báo Văn nghệ,    số 2+3-1999.

[19] Hà Minh Đức, Hồ Chí Minh Anh hùng dân tộc tầm nhìn thời đại, Sdđ, tr.303.

[20] Hà Minh Đức, Hồ Chí Minh Anh hùng dân tộc tầm nhìn thời đại, Sdđ, tr.303.

[21] Báo Văn nghệ, số 20-1995

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528488

Hôm nay

2144

Hôm qua

2291

Tuần này

2761

Tháng này

215184

Tháng qua

0

Tất cả

114528488