Góc nhìn văn hóa

Vai trò của Kịch hát Nghệ Tĩnh trong Bảo tồn văn hóa truyền thống và mối quan hệ của nó với các hình thức sinh hoạt dân ca trong cộng đồng

Sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển nền văn hóa nghệ thuật ở địa phương. Không chỉ đóng vai trò bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian dân ca xứ Nghệ bằng con đường sân khấu hóa, sân khấu kịch hát còn là minh chứng sống động cho sự xuất hiện của một kịch chủng sân khấu lớn trong nền Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và khai sinh ra bộ môn sân khấu hoàn toàn mới tại Nghệ An, đó chính là Kịch hát Dân ca Ví Giặm. Bài viết này chỉ phân tích vai trò của sân khấu Kịch hát trên phương diện bảo tồn văn hóa, nghệ thuật dân gian xứ Nghệ và mối quan hệ tương hỗ giữa sân khấu Kịch hát với các hình thức sinh hoạt dân ca trong cộng đồng.

Trước tiên cần khẳng định, dân ca Ví Giặm được sinh ra từ trong cộng đồng, do nhân lao động vùng Nghệ Tĩnh sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Qua thời gian, di sản này tồn tại dưới nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau.

Dưới chế độ phong kiến, các ngành nghề lao động sản xuất thường tập hợp nhau lại thành các phường hội như: phường đúc, phường gốm, phường cấy, phường gặt, phường nón, phường vải, phường củi, phường măng, phường đan lát... mỗi một ngành nghề đều có hàng trăm phường hội khác nhau. Các thành viên của các phường này đều có chung một mục đích, chung nghề nghiệp và chung sở thích nên họ đã liên kết lại để cùng hoạt động và giúp đỡ lẫn nhau, giao lưu với nhau. Cũng từ các phường hội như vậy mà sau này mới có tên gọi của làn điệu Ví, làn điệu Giặm, làn điệu Hò theo tên nghề nghiệp lao động như Ví phường vải, Ví phường cấy, Ví phường củi, Hò đầm đất đắp đê, Ví đò đưa sông Lam, Ví đò đưa sông La... chính là xuất phát từ tên gọi của các phường hội này.

Như vậy, bản chất của Ví Giặm, không chỉ được sinh ra trong cộng đồng mà còn tồn tại trong cộng đồng theo nhóm, theo phường, theo hội. Nói như vậy không có nghĩa là Ví, Giặm chỉ hoạt động theo nhóm, theo phường mà đôi khi chỉ có một người, hai người họ cũng hát, hát để tâm sự bộc lộ nỗi niềm, hát để ru con ru cháu, nhưng nhìn chung là họ thường hát lúc tập trung đông người, hát lúc làm việc để có người nghe, có người ứng tác đối đáp với nhau tại chỗ nhằm tạo niềm vui trong công việc. Họ có thể hát trên ruộng lúa, hát khi đi hái măng, đốn củi, hát khi chèo thuyền bắt cá, hát khi quay tơ dệt vải... Tóm lại, người xứ Nghệ hát Ví, Giặm trong bất kể mọi hoàn cảnh, không kể không gian và thời gian nào. Sau này, những người có tài đối đáp, hát hay, biết được nhiều làn điệu người ta gọi là nghệ nhân Ví, Giặm. Trong dân gian để lại nhiều giai thoại về các nghệ nhân hát Ví, Giặm như: bà Dũng Thơn, bà cháu Ban, O Nhẫn, O Cúc, O Uy, O Sạ.... Cũng có một số nhà nho, sĩ phu yêu nước vì yêu Ví, Giặm mà cũng lân la đến các phường hội này để làm thầy gà, hát đối đáp Ví Giặm với các nghệ nhân như Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Hồ Xuân Hương, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân... Vì vậy, dân ca Ví, Giặm trong thời gian khá dài đã sống bền bỉ, sinh sôi nảy nở mạnh mẽ trong cộng đồng.

Bước sang thời cận đại, cùng với sự phát triển của xã hội làm cho cơ cấu kinh tế thay đổi, các làng nghề thủ công truyền thống giảm đi rất nhiều, các ngành nghề cũng chuyển đổi để phù hợp với điều kiện mới của đời sống. Do đó các phường hội phân theo nghề nghiệp không thể bảo tồn và lưu giữ được môi trường diễn xướng cho dân ca Ví, Giặm như trước. Trong tình hình đó, các nghệ nhân, những người yêu thích Ví, Giặm đã đứng ra thành lập các nhóm hát, phường hát, hội hát, các đội văn nghệ quần chúng để thích ứng với điều kiện mới. Các phường hát, hội hát lúc này có đặc điểm khác với các phường hội trước kia. Họ không có đặc điểm chung về nghề nghiệp, mục đích, mục tiêu như trước kia mà chỉ có một đặc điểm chung đó là sở thích ca hát Ví, Giặm. Những nghệ nhân lúc này chính là lực lượng nòng cốt để nắm giữ, trao truyền di sản trong Nhân dân và họ cũng được xem là những bảo tàng sống của dân ca Ví, Giặm.

Đầu thế kỷ XX, hoạt động của các phường hát, hội hát có bước phát triển mới. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở khắp nơi trong tỉnh như sân đình hội quán, bên các lửa trại đã xuất hiện nhiều hình thức biểu diễn dân ca phong phú như kể vè, đối ca, tổ khúc dân ca, hoạt cảnh dân ca, kịch dân ca, tiêu biểu như: “Hai tổ hò khoan”, “Ngô khoai tranh đấu”, “Hỏi ai quan trọng”, “Trước lúc lên đường”, “Thần sấm ngã”, “Giặt áo phà Bến Thủy”... những tiểu phẩm này có thể còn nhiều hạn chế, đơn giản, sơ lược nhưng cũng chính từ thực tiễn phong trào quần chúng đó, đã gợi ra ý tưởng có thể đưa dân ca Nghệ Tĩnh phát triển thành một kịch chủng sân khấu hay không? Câu hỏi cấp bách đặt ra trước cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa văn nghệ. Nhận thấy đây là đòi hỏi khách quan của thời kỳ mới, vì vậy Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh ra đời và được giao trách nhiệm thể nghiệm dân ca trên sân khấu.

Như vậy, sân khấu Kịch hát được manh nha xuất phát từ phong trào văn nghệ quần chúng trong cộng đồng như là một tất yếu khách quan. Bản thân thể loại dân ca Ví, Giặm với các yếu tố về cấu trúc làn điệu, về nhạc tính dân ca và về diễn xướng dân gian tự thân nó đã chứa đựng những yếu tố kịch tính, đối chất, đối thoại của sân khấu rồi. Đúng như nhạc sĩ Trần Hoàn nhận xét: “Một ưu điểm khác của dân ca Nghệ Tĩnh là chất sân khấu, chất dialog (đối thoại). Nhờ có những tố chất ấy mà dân ca Ví, Giặm đã đi vào sân khấu một cách thuận chiều”.

Tuy là thuận chiều theo quy luật tất yếu của lịch sử nhưng quá trình thể nghiệm không phải là đơn giản. Từ những bước đi chập chững ban đầu cũng phải mò mẫm và gặp nhiều khó khăn bế tắc, thậm chí có những ý kiến trái chiều, phản bác cách làm này cho rằng dân ca Ví, Giặm nghèo nàn, đơn điệu không đủ sức để trở thành một kịch chủng sân khấu. Trong nhiệm vụ này, Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh được giao cho sứ mạng của người đi trước mở đường cũng đã thăm dò và lập ra đoàn thể nghiệm, làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, khai thác một cách triệt để và đồng bộ nhằm định chất, định lượng và đánh giá vốn liếng của cha ông. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đã lăn lộn xuống tận cơ sở, đi về từng thôn xóm, các phường các hội, tìm vào tận mỗi gia đình, gặp từng nghệ nhân để tìm hiểu, ghi âm ghi hình, sao chép văn bản để học hát, học các trò diễn xướng, học sáng tác, dàn dựng, đúc rút kinh nghiệm, chỉnh lý sáng tạo, biểu diễn thể nghiệm và làm các bước tiếp theo. Các diễn viên lúc này muốn hát và diễn được một cách sinh động, có hồn thì phải nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn từ các nghệ nhân. Chính nghệ nhân là người nắm giữ được cái hồn cốt nguyên sơ thuần khiết của Ví, Giặm, có khả năng truyền lửa, truyền cảm xúc đến cho người học. Cũng nhờ có sự giúp đỡ, chia sẻ của các nghệ nhân cổ xa xưa đó mà Đoàn đã tìm được hướng đi phù hợp, rút ngắn thời gian thể nghiệm.

Như vậy, Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh thử nghiệm sân khấu hóa dân ca thành công, nhanh chóng, đi đúng hướng một phần có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân nắm giữ di sản trong cộng đồng. Họ không chỉ là người cưu mang, đùm bọc sân khấu mà còn là nền tảng vững chắc, là mảnh đất, là chân trời của mọi sáng tạo. Nếu không có nghệ nhân thì quá trình diễn xướng dân ca đã bị đứt gãy, nếu không có những tiết mục văn nghệ quần chúng thì không thể có những vở kịch dân ca xuất sắc như “ Mai Thúc Loan”, như “Bão táp cửa Kỳ Hoa”, “Chuyện tình ông vua trẻ”, “Danh nhân lớn lên từ câu Hò Ví Giặm” và nhiều vở diễn đặc sắc khác.

Cũng trong thời kỳ này, phong trào sinh hoạt dân ca trong cộng đồng bị giảm  sút. Do những ảnh hưởng bởi mặt trái nền kinh tế thị trường, thêm vào đó, thế hệ trẻ có quá nhiều sự lựa chọn cho các loại hình giải trí khác hấp dẫn hơn nên không mấy mặn mà với dân ca truyền thống. Trong khi đó, các nghệ nhân lớn tuổi nắm giữ di sản trong cộng đồng ngày càng già yếu và mất đi, môi trường diễn xướng của dân ca Ví, Giặm vốn là môi trường lao động cũng đã mất đi thay vào đó là thanh âm của những máy móc hiện đại và sự nhộn nhịp vội vã của con người. Thói quen thường trực hát dân ca Ví, Giặm không duy trì được, nhiều làn điệu dân ca cổ không được truyền dạy, thế hệ nghệ nhân trẻ kế cận không có. Với bối cảnh xã hội và môi trường sống như vậy, nếu không kịp thời có những quyết sách đúng đắn thì thì việc duy trì, lưu giữ dân ca Ví, Giặm trong cộng đồng sẽ trở nên khó khăn.

Trong lúc Ví, Giặm đang đứng trước nguy cơ mai một thì sân khấu khấu Kịch hát ra đời, trở thành nơi thể nghiệm, lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản dân ca Nghệ Tĩnh. Nhờ sự hoạt động khổ luyện miệt mài, lao động sáng tạo của đội ngũ diễn viên, xuất phát từ lòng yêu nghề, đam mê nghệ thuật, sân khấu Kịch hát đã đào tạo nên một đội ngũ diễn viên có tay nghề vững vàng. Nếu như trước kia, nghệ nhân chính là người truyền đạt kinh nghiệm cho nghệ sĩ, thì nay, trong khi các nghệ nhân lớn tuổi ngày càng giảm, các nghệ sĩ chuyên nghiệp lại là người được học và nắm vững tính chất, đặc điểm làn điệu, trở thành đội quân nòng cốt để tiếp nối vai trò sáng tạo và gánh vác trọng trách phát triển văn hóa nghệ thuật tỉnh nhà trong thời kỳ mới.

 Nhờ quá trình sân khấu hóa mà các làn điệu dân ca gốc như: Ví đò đưa, Ví Phường Vải, Giặm xẩm, Giặm nối, Giặm kể... được sử dụng và khai thác một cách triệt để trong các vở diễn, hoạt cảnh, hoạt ca trên sân khấu. Không những thế, sân khấu kịch hát còn bổ sung được nhiều làn điệu dân ca cải biên hết sức giá trị đóng góp vào sự phong phú, đa dang của kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh, có thể kể như: làn điệu Giận thương do nhà viết kịch Nguyễn Trung phong sáng tác trong vở “Khi ban đội đi vắng”, làn điệu hát Khuyên (nhạc sĩ Thanh Lưu viết), làn điệu Tứ Hoa (nhạc sĩ Đình Bảo viết) trong vở diễn “Linh hồn của đá” và rất nhiều làn điệu khác như làn điệu Con Cóc, Gọi Chim, Kế lập lờ... những làn điệu đó cho đến nay vẫn được Nhân dân sử dụng phổ biến, rộng rãi và nhiều khi người ta không còn để ý nó là làn điệu gốc hay cải biên. Do vậy, sân khấu Kịch hát Nghệ Tĩnh đóng vai trò khá quan trọng trong vấn đề sáng tạo, phát huy và chuyển tải những giá trị tinh hoa của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, không chỉ khai thác những giá trị di sản vốn có của Nghệ Tĩnh mà còn phát huy, bổ sung những làn điệu dân ca các vùng miền khác, làm mới, làm giàu vốn di sản văn hóa của quê hương. Hay nói cách khác sân khấu kịch hát kế thừa và phát triển vốn quý mà cha ông để lại, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của xứ Nghệ nói riêng, của dân tộc nói chung.

Mặt khác, nhận thấy sự cần thiết duy trì các phường hát, hội hát dân ca trong cộng đồng, đó là nơi trao truyền, tạo môi trường nuôi dưỡng dân ca cũng như thỏa mãn niềm đam mê ca hát của Nhân dân một cách hiệu quả nhất. Từ năm 2010, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An) được thành lập, thêm vào đó là Nghị định của Chính phủ về việc tổ chức, hoạt động và quản lý CLB được ban hành nên hệ thống CLB dân ca Ví, Giặm trong cộng đồng được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Trung tâm đóng vai trò là người nhóm lửa, tạo sức nóng lan tỏa và vực dậy phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương. Cán bộ chuyên môn phòng Nghiên cứu Sưu tầm đã xuống tận cơ sở hướng dẫn, tuyên truyền, vận động thành lập CLB. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được hơn 130 CLB dân ca ở 21 huyện, thành, thị với gần 2.000 nghệ nhân. Các CLB dân ca sau khi thành lập được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, lành mạnh do ngành Văn hóa Nghệ An tổ chức.

Trước hết, nhằm nâng cao chất lượng nghệ nhân và CLB, hằng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống cử các NSND, NSUT, các nhạc sĩ, cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu về dân ca Ví, Giặm tổ chức tập huấn, truyền dạy dân ca Ví, Giặm cho các nghệ nhân trẻ, đào tạo cho họ có đủ năng lực quản lý, hướng dẫn các thành viên trong nhóm tự sáng tác, cách đặt lời mới, dàn dựng các tiết mục, sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, từ đó xây dựng hạt nhân văn nghệ cho phong trào hát dân ca tại địa phương. Thậm chí trong các cuộc Liên hoan Dân ca Ví, Giặm cấp tỉnh và cấp liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh qua các năm thì các diễn viên Kịch hát chính là người hướng dẫn, định hướng cho tiết mục tham gia Liên hoan của các CLB.

Sau khi thực hiện các lớp truyền dạy cho nghệ nhân CLB có hiệu quả, Trung tâm mở rộng đối tượng tập huấn, truyền dạy cho giáo viên và học sinh cấp Tiểu học và Trung học sơ sở trên địa bàn tỉnh, nhờ vậy mà dân ca được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Đặc biệt, lớp truyền dạy cho đối tượng học sinh đã bước đầu tìm kiếm, phát hiện những em học sinh có năng khiếu âm nhạc, chất giọng tốt và yêu thích nghệ thuật truyền thống tham gia, qua đó sẽ ươm mầm, bồi dưỡng kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho các em, tạo nguồn diễn viên kế cận và lâu dài cho Sân khấu kịch hát; Những lớp học cơ bản này cũng là nơi để thắp lửa tình yêu, niềm đam mê, niềm tự hào của các em đối với di sản. Bởi dân ca Ví, Giặm bản thân nó đã ra đời và tồn tại sống động trong cuộc sống lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương. Một khi phong trào quần chúng phát triển sẽ tạo hạt nhân tiêu biểu, tạo nguồn lực bổ sung nguồn diễn viên cho sân khấu Ví, Giặm. Đó là mối quan hệ bổ sung, tương trợ lẫn nhau.

Các lớp truyền dạy dân ca Ví, Giặm cho học sinh được trung tâm Nghệ thuật truyền thống mở ở các huyện Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương. Ảnh: Vân Chi

Tóm lại, sân khấu Kịch hát chính là nơi hội tụ, kết tinh, nhưng đồng thời cũng là nơi lan tỏa tinh hoa văn hóa xứ Nghệ. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã góp phần to lớn vào công cuộc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông trên chặng đường mới. Sân khấu Kịch hát đã thực hiện chức năng kế thừa, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm bằng con đường sân khấu hóa, vậy thì, mỗi người dân xứ Nghệ đều phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. Trước hết phải từ sự tự ý thức của mỗi người, phải bắt đầu từ việc giữ gìn truyền thống của mỗi gia đình, mỗi địa phương, vùng miền cụ thể. Dân ca Ví, Giặm cho dù là bảo tồn trên sân khấu Kịch hát hay trong cộng đồng suy cho cùng cũng vì một mục tiêu chung đó là giữ gìn giá trị âm nhạc truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528554

Hôm nay

2210

Hôm qua

2291

Tuần này

2827

Tháng này

215250

Tháng qua

0

Tất cả

114528554