Vua Minh Mệnh (1791 - 1841), ở ngôi từ 1820 đến 1841. Mặc dù có một số chính sách sai lầm và hạn chế nhưng ông vẫn được đánh giá là ông vua có nhiều thành tích nhất của nhà Nguyễn; là người cứng rắn nhất trong việc chống tham nhũng.
Vua Minh Mệnh (1791 - 1841), ở ngôi từ 1820 đến 1841. Mặc dù có một số chính sách sai lầm và hạn chế nhưng ông vẫn được đánh giá là ông vua có nhiều thành tích nhất của nhà Nguyễn; là người cứng rắn nhất trong việc chống tham nhũng.
Vua Minh Mạng
Chống tham nhũng là công việc thường xuyên
Minh Mệnh, từ rất sớm đã nhận thức sâu sắc tác hại của nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền. Ngay từ năm đầu lên ngôi, ông đã nói: “Bề tôi làm việc, nhầm lẫn thì có thể tha, tham nhũng thì không khoan thứ được. Bọn các ngươi phải gắng giữ mình trong sạch, chớ để mất danh dự”.
Ông biết rất rõ thói tham nhũng của đám quan lại và hậu quả khôn lường đối với vương triều, xã tắc và người dân:“Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt, ngấm ngầm chứa đầy túi riêng, mà kẻ quan quả cô độc lại không được thấm nhuần ơn thực. Gần đây Hoàng Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân đến trên 3 vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”.
Vì vậy, trong suốt 21 trị vì, Minh Mệnh đã có rất nhiều nỗ lực chống tham nhũng và đạt không ít kết quả, góp phần xây dựng bộ máy tập quyền của nhà Nguyễn.
Dưới thời ông trị vì, năm nào cũng có các vụ tham nhũng bị xử tội. Theo thống kê của Nguyễn Hiếu, có tổng cộng 126 sự việc liên quan tới vấn đề tham nhũng, tổng số người liên quan tới các vụ án tham nhũng là 381 người, với 181 người được ghi lại danh tính và hình thức xử lý, trong 181 trường hợp này: 56 người bị án tử hình; 27 người bị cách chức vĩnh viễn cấm bổ nhiệm; 57 người bị cách chức cho phát vãng đi làm việc khác; 19 người bị giáng cấp; 8 người bị cắt hoặc trừ lương bổng; 5 người bị xử đồ; 2 người bị đánh trượng, 4 người không bị xử lý gì, 3 trường hợp không thấy ghi rõ việc bị xử lý ra sao. Trong 181 trường hợp có 63 quan lại làm việc tại kinh đô, chiếm 34,8%; 118 là quan lại làm việc tại các tỉnh; 70% là quan văn.
Chống tham nhũng là việc mà vua Minh Mệnh luôn quan tâm. Cho đến tháng 2/1840, năm tại ngôi cuối cùng, Minh Mệnh vẫn tự tay soạn dụ yêu cầu quan viên trong ngoài tố cáo kẻ nhũng lạm cũng như tự nhận lỗi với những lời lẽ vừa cứng rắn vừa thiết tha.
“…Trong Kinh kể từ ngày hôm nay, các tỉnh ngoài lấy ngày dụ này phát đến là bắt đầu, hạn trong 15 ngày, nếu người nhà của bộ thuộc nào, lại dịch trong hạt nào, có kẻ không công bằng, không giữ phép, làm bậy làm gian lập tức bắt hỏi đem việc tâu lên, thì tội thất sát từ trước cũng được gia ân cho miễn nghị. Nếu viên nào tự mình làm bậy, biết hối lỗi trước cũng cho bày tỏ dâng sớ tự tham hặc mình, không được nói không hết tội, nói không đúng thực, phải nên có điều khoản, có lý do, tất cho được đổi mới, và được xá lỗi… Nay ta tự tay soạn dụ chỉ này là bởi từ lòng yêu thần dân, cho nên dạy dỗ hai ba lần, không nề rườm lời. Các ngươi nên coi làm lời răn dạy to lớn, chớ coi làm bài văn nói suông…”.
Không chỉ thường xuyên xử lý các vụ tham nhũng mà các chính sách cũng luôn được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn để có hiệu quả.
Tháng 4/1822, Cai bạ Quảng Trị là Nguyễn Cư Tuấn bị xử lưu đồ 6 năm, truy thu nửa số tang vật đền cho dân. Con của Tuấn là Cư Sĩ xin chịu khổ sai thay cha. Minh Mệnh thấy Tuấn là con công thần Nguyễn Cư Trinh, Sĩ là con có hiếu nên tha cho, đuổi Tuấn về quê. Nhưng đến tháng 12/1828, Tri phủ Thiên Trường là Nguyễn Thường, mắc tội tham nhũng, bị xử giảo giam hậu, con là Huyễn xin chịu tội thay cho cha, vua không cho, rồi từ đó cấm hẳn việc thân nhân xin chịu tội thay.
Tháng 10/1828, Nguyễn Công Trứ tâu sớ tố cáo cường hào ở Bắc thành bóc lột nhũng nhiễu vô số, lũng đoạn đất công, ẩn lậu đinh điền, bắt dân phục dịch riêng; xin sửa luật cho nghiêm và bãi lệ thuê mướn ruộng đất công. Sớ giao xuống cho đình thần bàn, ý kiến đưa lên là sửa luật pháp nghiêm để trị cường hào thì nên, nhưng bãi lệ thuê mướn ruộng đất công thì chưa được, vì như vậy lại càng hại cho dân nghèo chưa có đất hơn. Vua theo lời bàn.
Đô sát viện và Luật hồi tỵ
Từ năm 1804, vua Gia long đặt Ngự Sử đài để phụ trách công việc giám sát tối cao. Năm 1827, vua Minh Mệnh đặt thêm các Cấp sự trung lục khoa và Giám sát ngự sử tại các đạo. Năm 1832, Đô sát viện được thành lập để làm công việc giám sát tối cao, cùng với Đại lý tự - cơ quan xét xử và Bộ Hình trở thành hệ thống tư pháp của triều đình. Đứng đầu Đô sát viện là 4 vị đại thần, trong đó có hai vị là Tả/Hữu đô ngự sử hàm thượng thư và hai vị Tả/Hữu phó đô ngự sử hàm tham tri. Dưới 4 vị này là Lục khoa gồm 16 vị Giám sát ngự sử. Tại kinh thành, Lục khoa là các cơ quan Đô sát viện giám sát tất cả các bộ, nha cấp trung ương. Tại địa phương, Giám sát đạo là các cơ quan Đô sát viện giám sát tất cả các nha cấp địa phương. Giám sát đạo, được điều hành bởi 1 quan giám sát ngự sử tại mỗi đạo. Cả nước tổng cộng có 17 Giám sát Ngự sử, gồm 16 Giám sát Ngự sử đạo ở 16 tỉnh và 1 Kinh kỳ giám sát Ngự sử đạo cho Kinh đô, các quan Khoa đạo vừa hoạt động độc lập, vừa hợp tác với nhau, vừa giám sát nhau. Dưới nữa còn có một Ty thanh lại do 3 Lục sự đứng đầu cùng với các thư lại hỗ trợ cho Đô sát viện. Đô sát viện có quyền đơn phương hoặc hợp tác cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, thanh tra và phản ánh tất cả mọi mặt lớn nhỏ, từ chính trị, quân sự, pháp luật tới kinh tế, giáo dục…ở mọi cấp từ trung ương tới địa phương, quan lại lẫn người trong tôn thất. Chỉ cần thấy được gì hay hoặc dở thì được phép tấu lên ngay, không cần kiêng dè (quyền trực tấu). Các Ngự sử nếu vi phạm cũng sẽ bị cách chức, nghiêm trị.
Cùng với lập Đô sát viện, dưới thời vua Minh Mệnh Luật Hồi tỵ đã được thực hiện cách triệt để nhất. Ông nhiều lần ra chỉ dụ về việc bổ sung và thực hiện luật này. Theo đó, các quan lại, lại mục, thông lại không được làm quan ở chính quán, trú quán, ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. Các lại mục, thông lại cùng một làng, xã cũng phải, phân tán, đổi bổ đi nơi khác. Các quan từ tham biện trở lên khi về Kinh đô chầu được đình nghị không được tham gia các việc liên quan đến địa phương mình nhậm trị hay việc của bộ mà mình phụ trách.
Không có vùng cấm
Theo ghi chép ở Đại Nam thực lục cho thấy Minh Mệnh đã xử lý các hành vi tham nhũng từ to đến nhỏ, từ cấp thấp đến cấp cao, không trừ trường hợp nào nếu bị phát giác. Dù là Thượng thư, Tổng trấn cho tới lính hạ cấp, gia nhân... nếu đã can án tham nhũng, đều bị xử rất kiên quyết, cứng rắn, thậm chí dù can phạm đã qua đời cũng có thể vẫn bị truy giáng.
Lý Hữu Diệm làm quan tại phủ nội vụ, lấy trộm hơn một làng vàng. Vì có công lao, Bộ Hình xử bắt đày viễn xứ. Vua Minh Mệnh không chịu, bắt chém ở chợ Đông Ba.
Nguyễn Đức Tuyên, tư vụ Nội vụ phủ, ăn bớt nhựa thơm, bị vua Minh Mạng liền ra chỉ dụ: “…tạm chặt một bàn tay thủ phạm đem treo, xóa tên trong sổ làm quan”.
Tuần phủ Trịnh Đức bị thắt cổ chết vì tham ô một nghìn quan tiền nhưng lại nói dối bị giặc cướp mất.
Huỳnh Công Lý là công thần của nhà Nguyễn, bố vợ của Minh Mệnh cũng bị chính nhà vua ra lệnh xử chém.
Ngay cả công thần Lê Văn Duyệt đã quá cố cũng bị truy đoạt chức, phá bỏ quan quách giết thây, mộ bị san bằng và bị xiềng xích.
Công cuộc chống tham nhũng của vua Minh Mệnh là quyết liệt và liên tục nhưng vẫn không thể dẹp hết được. Nạn tham nhũng hoành hành đã trở thành nguyên nhân quan trọng làm khủng hoảng ngày càng sâu sắc vương triều Nguyễn. Dẫu sao, công cuộc này cũng đã để lại nhiều bài học cho công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay./.
2198
2332
2946
220869
120308
114503476