Khách mời văn hóa

Người viết nào cũng muốn nói lên được số phận của dân tộc một cách sâu sắc, thuyết phục

[Trao đổi với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên]

PV:Đã khá lâu chúng ta vẫn thường nghe nói về văn học Việt Nam hải ngoại. Theo tôi hiểu một cách đơn giản thì đó là văn học của người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng hình như nó là một khái niệm, có nghĩa như một thuật ngữ và có nội hàm riêng. Là trưởng phòng Nghiên cứu Văn học So sánh của Viện văn học, lại là dịch giả nữa, đã từng có nhiều quan tâm nghiên cứu lĩnh vực này, quan niệm của ông về khái niệm này như thế nào? Tại sao không nói là văn học Việt ở nước ngoài cho dễ hiểu và có vẻ thân thiện hơn?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Nếu căn cứ vào tên gọi “Văn học Việt Nam hải ngoại” (VHVNHN) thì hiểu như anh “đó là văn học của người Việt Nam ở nước ngoài” là đúng. Đấy chỉ là một cách định danh khu trú theo địa lý cho giản tiện, mà ngay như thế thì cũng đã không phải dễ xác định. Thực ra, vấn đề phức tạp hơn nhiều. VHVNHN là của người Việt định cư ở nước ngoài viết bằng tiếng Việt xuất bản ở nước ngoài, cứ cho là thế. Như vậy là định nghĩa dựa theo vùng lãnh thổ của người viết và xuất bản sách, nhưng không nói được tính chất của bộ phận văn học này. VHVNHN theo định nghĩa trên có khắp thế giới, ở những nước có người Việt định cư sinh sống và làm văn học. Nhưng một câu hỏi đặt ra: tại sao trước đây các sách VHVNHN không được in trong nước, không được phát hành phổ biến trong nước? Nói cách khác, sao lại phân chia trong ngoài, khi ở trong nước cũng là văn học của người Việt viết bằng tiếng Việt. Một nền văn học thống nhất của người cùng một chủng tộc và cùng dùng chung một ngôn ngữ dân tộc, sao lại tách riêng quốc nội và hải ngoại? Câu hỏi này cho ta thấy việc gọi tên VHVNHN theo cách chia vùng lãnh thổ địa lý như vậy là đã làm mờ đi các nguyên nhân khác đã làm cho việc có bộ phận VHVNHN thành ra là một thực tế phải chấp nhận.

PV:Nếu người Việt ở nước ngoài nhưng không viết bằng tiếng Việt mà viết bằng tiếng nước ngoài thì có là văn học của người Việt trong ‘khuôn viên’ văn học VN hải ngoại?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Sáng tác văn chương gắn liền với ngôn ngữ và chữ viết của ngôn ngữ đó. Người Việt ở nước ngoài viết bằng tiếng của nước đó chứ không phải tiếng bản ngữ gốc của mình thì sự lựa chọn ngôn ngữ này đã nhằm hướng đến độc giả nước sở tại mình định cư, như vậy có thể coi đó là thuộc về nền văn học của thứ ngôn ngữ đó. Nhưng ở đây lại có vấn đề dòng chính và dòng phụ trong nền văn học sở tại. Các nhà văn nhập cư rất khó nhập được vào dòng chính của văn học nước mình định cư, dù họ có viết bằng thứ tiếng của nước đó. Mà đối với nước bản ngữ thì tác phẩm viết bằng thứ tiếng khác đó cũng khó được coi là của nền văn học trong nước. Nhà văn hải ngoại vì thế bị lâm hoàn cảnh đứng giữa (in-between).

PV:Những tác giả và tác phẩm nào được ông nhận định là tiêu biểu cho dòng văn học này?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Kể tên ra thì dài, lại trong bốn mươi năm có những tác giả nổi lên ở những thời đoạn khác nhau, có thể bây giờ đã ngừng viết. Như ở Pháp có thể nhắc đến Phan Huy Đường, Mai Ninh, Trần Vũ (nhưng giờ Mai Ninh đã về Việt Nam, Trần Vũ đã chuyển sang Mỹ). Ở Canada thì có Nam Dao, gần đây là Nguyễn Đức Tùng viết nghiên cứu phê bình. Ở Mỹ, không tính những cây bút đã có tên tuổi từ trước khi rời nước, thì một tác giả như Lê Thị Thấm Vân hay một tác phẩm như “Tháng ba gãy súng” của Cao Xuân Huy (1947 - 2010) là rất đáng đọc. Ở Australia Nguyễn Hưng Quốc là một nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng, có uy tín đối với cả giới văn học trong nước. Bộ phận văn học này đến nay đã có bốn mươi năm hình thành và tồn tại, để hiểu nó cần có nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan, nêu lên vài cái tên chỉ gọi là thôi.

PV: Ông có thể khái quát quá trình hình thành của bộ phận, hay là, dòng văn học này? Tôi thấy từ rất lâu rồi, người Việt chúng ta đã từng ở nước ngoài và viết sử, viết văn. Không kể đến Trần Ích Tắc từ thế kỷ 13, mà bắt đầu từ thời cận đại, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc và nhiều người khác nữa đã từng viết văn, làm thơ từ Nhật, từ Trung Quốc, từ Pháp…Vậy tại sao ta không lấy giai đoạn đó làm cái mốc thời gian cho việc hình thành dòng/bộ phận văn học này?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Theo cách duy danh định nghĩa VHVNHN nêu trên thì hễ có người Việt định cư và làm văn học ở nước ngoài thì đã có VHVNHN. Mà thế thì theo như anh vừa nói cái mốc hình thành của nó đã phải có từ lâu. Nhưng VHVNHN nói đây là ở thời đương đại, tính từ sau 1975, khi kết thúc cuộc chiến tranh Việt – Mỹ. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, có một làn sóng người Việt đông đảo từ miền Nam di tản ra khỏi nước (theo nhiều hình thức) đến định cư ở các nước ngoài (chủ yếu là ở Mỹ và Tây Âu). VHVNHN theo nghĩa hẹp trực tiếp là của bộ phận cư dân này, mà trước hết là sự nối dài của bộ phận văn học Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại. Cho nên tên gọi “văn học lưu vong” thường được dùng ở đây. Tiếp đến là sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu để thêm một nhánh văn học hải ngoại ở phía này chủ yếu của những người ra đi từ miền Bắc. Gộp chung lại ta có thể nói VHVNHN gọi đúng ra là “văn học di dân”, một hiện tượng có chung cho nhiều nước sau những biến cố chính trị lớn… Cố nhiên, đây là một phạm trù bao hàm nhiều kiểu loại di dân với đặc điểm, tính chất khác nhau.

PV:Nếu so với văn học hải ngoại của các nước khác thì văn học hải ngoại Việt Nam có đặc điểm gì về phương diện hình thành, tồn tại?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Như đã nói, văn học hải ngoại chỉ có thể hình thành khi có một cộng đồng người di dân đủ lớn để tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần chung độc lập trong đời sống xã hội của nước định cư. Thí dụ như cộng đồng Nga kiều ở các nước Tây Âu sau cuộc Cách mạng tháng 10/1917 đã tạo nên bộ phận văn học Nga hải ngoại với ba làn sóng di cư: 1918-1940; 1940-1960; 1960-1980.

VHVNHN, như đã nói, chỉ thực sự trở thành một thực thể sau 1975 khi có một cộng đồng người Việt định cư ở nước ngoài, tập trung nhiều nhất ở Mỹ, Canada, Pháp, Australia. VHVNHN đó lúc đầu là khoảng nối dài của của văn học chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở nước ngoài khi chế độ này đã không còn tồn tại. Những người viết ở chặng đầu này là những người đã viết văn từ trước di tản ngay từ 1975 và khi định cư ở ngoài nước họ khôi phục lại các hoạt động sáng tác,báo chí, xuất bản như là sự tiếp nối của cái cũ trong hoàn cảnh mới. Về sau đội ngũ các nhà văn hải ngoại “di tản” được bổ sung bằng những người viết thuộc lớp “vượt biên”từ 1979.

PV: Đặc điểm nổi bật của văn học người Việt ngoài nước so với  văn học trong nước là gì? Truớc khi ông trả lời, tôi muốn lưu ý là chúng ta chỉ nói chủ yếu về phương diện nghệ thuật, thẩm mỹ, ngôn ngữ, tính nhân sinh của nó thôi….Sự ảnh hưởng của văn học mà các tác giả đang sinh sống đã ảnh hưởng như thế nào đến các tác giả Việt Nam và tác phẩm của họ.

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:VHVNHN lúc đầu mang tâm thức lưu vong, lưu đày, tiếc thương quá khứ và một chế độ đã sụp đổ, thù hận hiện tại. Nhưng cùng với thời gian, những tác phẩm hải ngoại đã phản ánh quá trình hội nhập của dân nhập cư, bớt đi những ám ảnh quá khứ, vươn tới xu thế “hợp lưu” trong ngoài nước.

PV:Vai trò của dòng văn học học này đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Cộng đồng người nào cũng có những nhu cầu tinh thần cần được đáp ứng và thỏa mãn, bên cạnh các nhau cầu kinh tế, vật chất. Nhất là khi cộng đồng đã ổn định nơi ăn chốn ở và các cư dân bắt đầu lo nghĩ đến cuộc sống lâu dài của mình trên đất người. VHVNHN hình thành là do nhu cầu cần có sinh hoạt văn hóa, văn chương trong hoàn cảnh sống mới và những tác phẩm khá đa dạng của nó đã đáp ứng được nhu cầu này. Hơn thế, người Việt ở nước ngoài còn đòi hỏi cao ở VHVNHN. Năm 1995, tại cuộc hội thảo “Nhìn lại hai mươi năm văn học hải ngoại” tổ chức ở Mỹ, một độc giả trung niên đã có ý kiến: : “Một nền văn học phải nói lên được tâm tư suy nghĩ của con người sống trong môi trường mà nền văn học đó phát sinh. Qua hai mươi năm, chúng ta phải gắng hội nhập vào đời sống mới, bản thân gia đình chúng tôi cũng trải qua cơn thử thách của cái người ta thường gọi là giao thoa văn hóa. Qua nhiều sàng lọc, cuối cùng ở hải ngoại cũng hình thành một mẫu người tiêu biểu đích thực nào đó. Người viết ở hải ngoại có viết về cái mẫu người đó không? Tôi dám nói hiện chúng tôi đang có nhu cầu đọc sách. Chung tôi đang có một đời sống tương đối ổn định, có thì giờ đọc, có tiền để mua những cuốn sách mình thích. Nhưng tôi không tìm thấy trong sách Việt xuất bản ở đây cái mẫu sống, cái mẫu người tiêu biểu của tập thể tị nạn. Hầu hết sách đã xuất bản chỉ đào bới những chuyện thời xưa. Tại sao không viết về đời sống cam go phức tạp trước mắt? Thất bại có nhiều, nhưng số người hội nhập vào đời sống mới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, giáo dục con cái đang hoang, không phải là ít. Tôi tin rằng nếu các nhà văn viết về những mẫu sống ở đây, thì chắc chắn giới độc giả trung niên như chúng tôi sẽ ủng hộ nhiệt liệt.” (Dẫn theo: Nguyễn Mộng Giác, Nghĩ về văn học hải ngoại, Văn Mới, California USA, 2004, tr.49-50).

PV:Và theo ông, nó có tác động,  ảnh hưởng, có vai trò gì đối với văn học trong nước?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Do tính chất chính trị của sự hình thành VHVNHN nên các tác phẩm của bộ phận văn học này không được phổ biến trong nước và ít được người đọc trong nước biết đến. Nhất là hồi đầu thì sự giao lưu là không có. Về sau này có cởi mở, thông thoáng hơn. Những tác phẩm VHVNHN giúp cho người viết, người đọc trong nước biết được đời sống tư tưởng, tình cảm của bộ phận người Việt ở nước ngoài, làm đa dạng thêm đời sống văn học, và có tác động nhiều ở cách viết.

PV:Theo chiều khác, vai trò trong nước có tác động, ảnh hưởng, có vai trò gì đối với văn học hải ngoại?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Ở chiều ngược lại, VHVNHN nắm bắt nhanh nhạy với những chuyển biến của văn học trong nước. Nhiều những tác phẩm có tiếng trong nước được in lại ở hải ngoại. Người viết và người đọc ở hải ngoại nhờ đó biết được các mặt đời sống trong nước và cũng nhận ra những thiếu hụt của mình khi nghĩ và viết về quê hương do bị cách xa trong không gian. Tôi lại xin dẫn lời nhà văn Nguyễn Mộng Giác: “Dù người cầm bút có nhìn nhận công khai hay không, mọi người đều tìm đọc tác phẩm quốc nội và ngầm so sánh những tác phẩm đó với tác phẩm của mình. Và khi đã tìm hiểu, so sánh, đối chiếu, rất nhiều trường hợp người viết chùn tay e ngại vì nhận ra rằng mình không am tường và “sống” với thực tế hiện trạng Việt Nam bằng các tác giả quốc nội.” (Nguyễn Mộng Giác, Sđd, tr. 33-34).

PV: Ông có theo dõi và có nhận xét gì về việc giao lưu, in ấn của hai bộ phận văn học Việt Nam trong nước và ngoài nước?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Mấy lời tôi dẫn và trích ở trên từ cuốn sách của nhà văn Nguyễn Mộng Giác là nói khi VHHNVN mới có độ dài tồn tại hai mươi năm. Bây giờ đã hai mươi năm nữa trôi qua. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã mất. Ông từng bị tù sau 1975, khi sang Mỹ ông là một tác giả viết nhiều, đặc biệt là hai bộ tiểu thuyết trường thiên, mỗi bộ hơn hai nghìn trang: Sông Côn mùa lũ (4 tập) viết về Nguyễn Huệ và Mùa biển động (5 tập) viết về chế độ miền Nam. Bộ Sông Côn mùa lũ đã được in lại trong nước khá sớm và năm 2012 đã được trao giải Sách Hay. Cũng tại giải thưởng Sách Hay 2013 có đến bảy tác giả, dịch giả là người Việt ở nước ngoài có sách viết, sách dịch in ở trong nước đã được trao giải. Điều này cho thấy việc giao lưu, in ấn của hai bộ phận văn học Việt Nam trong nước và ngoài nước hiện nay đã có những chuyển biến tích cực. Thực sự ra thì bộ phận VHVNHN đang bị thu hẹp lại về quy mô do những biến động sút giảm người viết người đọc tại nước định cư. Xu hướng người viết hải ngoài hướng về trong nước tăng lên vì đây là một thị trường hơn chín mươi triệu người nói tiếng Việt. (Có thể nhìn sang lĩnh vực âm nhạc để thấy một quá trình “bay show” qua lại: ca sĩ trong nước thì ra hải ngoại hát và ca sĩ ngoài nước thì về hát trong nước, mà trường hợp ca sĩ Khánh Ly vừa rồi là một thí dụ tiêu biểu). Thêm nữa là chính sách xuất bản cũng được mở rộng. Lấy thí dụ một nhà văn như Võ Phiến gần đây cũng đã có hai tác phẩm tùy bút, tạp văn của ông được in lại trong nước và được đón nhận tốt. Cố nhiên vẫn còn những ý kiến khác nhau khi nhìn nhận và đánh giá VHVNHN như một bộ phận hợp thành của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhưng xu thế chung thì đã bộc lộ.

PV:Điểm chung của hai bộ phận văn học trong và ngoài nước là gì?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Phân chia địa lý hay phân chia ý thức hệ gì thì nhà văn Việt Nam ở đâu cũng là viết văn bằng tiếng Việt cho người Việt đọc. Đó là điểm chung thứ nhất. Thứ hai là người viết nào cũng muốn nói lên được số phận của dân tộc một cách sâu sắc,  thuyết phục. Nhưng khi viết thì vấn đề địa lý hay ý thức hệ lại có tác động đến cách nhìn nhận dân tộc trong văn chương. Nói tóm lại, cùng gọi là “văn học Việt Nam” nghĩa là có cái chung lấy con người Việt, cuộc sống Việt, bất luận ở đâu, làm đề tài nội dung, và nhà văn nào viết được sâu sắc thấm thía nội dung đó cho người Việt đọc cảm nhận vượt lên sự chia rẽ thì sẽ thành công.

PV:Ông có nhận định gì về sự xích lại gần nhau hơn, hòa hợp hơn và triển vọng của một văn học Việt Nam thống nhất?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Triển vọng thì đã có như cả cuộc này ta đã nói. Tuy nhiên do hoàn cảnh lịch sử mà vẫn có những khoảng cách nhất định, vẫn có những mặc cảm trong tâm thức của nhà văn ở bên này bên kia, khiến cho văn chương Việt nói chung vẫn còn chưa thoát ra khỏi lãnh thổ Việt. Điều này chính những người cầm bút trong ngoài đã thấy ra và chính họ đã lại nói được thoải mái cùng nhau để tìm một cách vượt thoát. Hai cuốn sách của Nguyễn Đức Tùng vừa qua đã minh chứng rõ. Cuốn thứ nhất là Thơ đến từ đâu (2009) hỏi chuyện nhiều nhà thơ trong nước và hải ngoại. Cuốn thứ hai là Đối thoại văn chương (2012) với nhà thơ Trần Nhuận Minh ở Quảng Ninh. Cả hai cuốn sách như là một diễn đàn đối thoại và thực chất là vậy để những người cầm bút làm văn chương Việt Nam dù ở đâu, dù xuất phát từ hoàn cảnh nào, có thể đồng quy ở một viễn cảnh văn học Việt Nam thống nhất trên tinh thần dân tộc và nhân bản. Như vậy vấn đề không còn hay là không hẳn còn ở giới văn học.

PV:Trước mắt, giới nhà văn Việt Nam trong và ngoài nước cần làm gì để thúc đẩy quá trình tiến tới một nền văn học VN thống nhất?

Nhà phê bình Phạm xuân Nguyên:Họ đã và đang làm lâu nay, đó là tăng cường gặp gỡ, trao đổi, nhất là khi đường ra và đường vào đã thông thoáng hơn trước nhiều. Đặc biệt có hiệu quả là việc xuất bản sách của các nhà văn hải ngoại ở trong nước. Tuy vẫn còn những khó khăn nhưng việc có thêm những tác phẩm hải ngoại in ở trong nước cũng như việc nhiều tác giả hải ngoại về nước giao lưu tại các cuộc ra mắt sách là một chuyển động tốt. Như mới gần đây nhà thơ (5/2014) Du Tử Lê từ Mỹ về Hà Nội ra mắt tập thơ của mình Giỏ hoa thời mới lớn in ở Nxb Hội Nhà văn là một thí dụ. Tôi mong sang năm 2015 có một hội thảo bàn về VHVNHN ở Viện Văn học hay Hội Nhà văn Việt Nam thì sẽ là cơ hội tốt cho việc đánh giá bộ phận văn học này cũng như thúc đẩy hơn nữa việc tiến tới một nền văn học Việt Nam thống nhất.

PV:Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phan Thắng thực hiện 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528646

Hôm nay

227

Hôm qua

2275

Tuần này

2919

Tháng này

215342

Tháng qua

0

Tất cả

114528646