Công tác sưu tầm vốn văn hoá – văn học dân gian trước đây được các bậc tiền bối như Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Tất Thứ, Ninh Viết Giao… tiến hành và thu được nhiều thành tựu. Từ giữa nhwungx năm 1950 đến thập kỷ 160 - 70 của thế kỷ XX, nghành văn hóa hai xác định bảo tồn vốn dân ca Nghệ Tĩnh là một nhiệm vụ trọng tâm. Anh chị em nghệ sỹ, nhạc sỹ…trực tiếp lăn lộn xuống cơ sở để sưu tầm các làn điệu, đồng thời, các nghệ sỹ tập trung sáng tạo, xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, thể loại này đến nay đã được công nhận là một kịch chủng, làm phong phú thêm nền sân khấu Việt Nam”. Năm 2009, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ được thành lập tại Nghệ An trên cơ sở Nhà hát dân ca Nghệ Tĩnh đã có từ mấy chục năm trước. Còn tại Hà Tĩnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống ra đời. Tuy tên gọi khác nhau, song có chung nhiệm vụ góp phần bảo tồn, phát huy vốn văn hoá, nghệ thuật truyền thống của cha ông, trong đó có chủ yếu là dân ca.
Sau khi một số di sản văn hoá của Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ… được UNESCO vinh danh, một số người nêu ý tưởng đề cử dân ca Ví Giặm di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Năm 2010, lãnh đạo và cơ quan chức năng, giới chuyên môn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức một cuộc hội thảo để thống nhất một số vấn đề cốt lõi. Tại hội thảo, hai tỉnh khẳng định quyết tâm xây dựng hồ sơ đề cử dân ca xứ Nghệ là di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Về đối tượng đề cử, nhiều chuyên gia đề xuất nên đề cử hai thể đặc sắc nhất, riêng có của dân ca xứ Nghệ là Ví và Giặm, không đưa Hò vào vì thể loại này phổ biến ở nhiều vùng miền. Về tên gọi, thống nhất là “Dân ca Ví Giặm Nghệ - Tĩnh” (thay vì gọi “xứ Nghệ”) để thể hiện sự phổ biến của hai thể loại này ở hai tỉnh. Đồng thời, hai tỉnh cũng quyết tâm chung tay hoàn thiện hồ sơ trong thời gian sớm nhất, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của cả hai địa phương, giao cho ngành văn hoá chủ trì tham mưu và thực hiện.
Sau cuộc hội thảo đó, cả hai tỉnh cùng bắt tay xây dựng hồ sơ. Việc lập hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, vì để bẵng đi quá lâu, phong trào sinh hoạt dân ca Ví Giặm tại cơ sở đã mai một nhiều. Thứ hai, thế hệ nghệ nhân gạo cội nắm giữ các bài bản gốc hầu hết đã qua đời mà chưa kịp lập hồ sơ nghệ nhân; thế hệ kế tục không có vốn dân ca dày dặn như trước. Thứ ba, trên địa bàn hai tỉnh chưa tạo ra được nhiều các phong trào hoạt động để tạo ra môi trường cho Ví Giặm phát triển; công tác kiểm kê di sản chưa được thực hiện.
Nhận thức được những khó khăn đó, lãnh đạo và ngành văn hoá hai tỉnh xác định quyết tâm cao và cùng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách khẩn trương, tích cực. Trước hết là gây dựng phong trào ở cơ sở bằng việc tổ chức, thành lập các câu lạc bộ (CLB). Hệ thống CLB “Đàn và hát dân ca” trước đây được khôi phục và thành lập mới, gọi là CLB Dân ca Ví Giặm, chủ yếu thành lập tại các xã, phường; một số cơ quan, đơn vị, trường học cũng thành lập các CLB. Tại Nghệ An, từ 28 CLB năm 2009, đến năm 2010 tăng lên 32, năm 2011 là 64 và đến năm 2014 là 82 CLB. Hà Tĩnh đến nay cũng đã xây dựng được hơn 30 CLB tại các làng xưa vốn là cái nôi, trung tâm của phong trào hát dân ca như Kỳ Thư, Trường Lưu, Phù Việt… Từ mạng lưới CLB này, vào năm 2012 và 2013, Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức “Liên hoan Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh” (năm 2012 chung kết tại Nghệ An, năm 2013 tại Hà Tĩnh) tạo ra hai sự kiện có tiếng vang lớn. Các CLB này cũng là cơ sở để xây dựng bản đồ thực trạng thực hành, phổ biến dân ca. Theo khảo sát năm 2012, hai tỉnh có 264 làng, xóm, thôn có thực hành dân ca và cam kết bảo vệ, bảo tồn, phát huy di sản. Công tác kiểm kê di sản cũng được khẩn trương tiến hành trên địa bàn hai tỉnh.
Trong quá trình lập hồ sơ, các chuyên gia của UNESCO đã trực tiếp khảo sát tại các CLB dân ca Ngọc Sơn (Thanh Chương), Bồi Sơn (Đô Lương) và Trường Lưu (Can Lộc). Từ thực tế hoạt động tại các CLB (thuật ngữ trong hồ sơ di sản gọi là “nhóm”), các chuyên gia đã phản biện, tư vấn để hai tỉnh hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị các phương án bảo vệ trước Ban thẩm định của UNESCO. Hai tỉnh đã tổ chức phục dựng các sinh hoạt diễn xướng dân gian để quay phim tài liệu về Ví Giặm theo yêu cầu của UNESCO (một phim 10 phút và một phim 40 phút).
Song song với việc tổ chức hệ thống CLB, hai tỉnh đã tiến hành xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ nghệ nhân dân gian cho lĩnh vực Ví Giặm. Đến năm 2013, Nghệ An có 35 người, Hà Tĩnh có 19 người được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian (lĩnh vực dân ca Ví Giặm). Đây là cơ sở để hai tỉnh xây dựng hồ sơ nghệ nhân Ví Giặm, hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận Ví Giặm và di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Vào năm 2011 và 2014, hai tỉnh đã phối hợp với Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức các hội thảo (quốc gia và quốc tế) về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Nhiều tài liệu, ấn phẩm về dân ca Ví Giặm được in ấn, phát hành. Đồng thời, hai tỉnh cũng khẩn trương phối hợp với Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam hoàn thiện hồ sơ khoa học về di sản theo qui định của UNESCO.
Cuối năm 2012, Ví Giặm được Bộ VH-TT&DL ghi vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Sau đó, công tác hoàn thiện hồ sơ vẫn được thực hiện khẩn trương. Và bộ hồ sơ đề cử Dân ca Ví Giặm Nghệ - Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại đã hoàn thiện, có mặt trên bàn của UNESCO vào ngày 28.2.2013, là thời hạn cuối cùng mà tổ chức này nhận hồ sơ đề cử của các quốc gia. “Trong phần nhận xét về hồ sơ dân ca Ví, Giặm của Việt nam, đại diện Ban thẩm định hồ sơ nhấn mạnh: Di sản đáp ứng các yêu cầu UNESCO đặt ra; di sản có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ, có những giá trị phổ biến trong cộng đồng Việt, được thực hiện trong nhiều hoạt động của đời sống như trồng lúa, dệt vải, hát ru con… Do đó, ban thẩm định hồ sơ thống nhất kiến nghị Ủy ban Liên chính phủ công nhận Dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”(2).
Ngày 27.12.2014, tại Paris (Pháp), Ủy ban liên Chính phủ của Công ước về di sản văn hóa phi vật thể 2003 của UNESCO chính thức vinh danh Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chú thích:
1.Bộ hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại theo yêu cầu của UNESCO gồm 5 loại: Hồ sơ khoa học về di sản; Hồ sơ kiểm kê di sản; 2 phim tài liệu (10 phút và 40 phút); Bản đồ thực hành di sản; Hồ sơ nghệ nhân thực hành di sản.
2. Thuỳ Vân.UNESCO công nhận dân ca Ví, Giặm là di sản đại diện của nhân loại. vov.vn ngày 28.11.2014 (http://vov.vn/van-hoa/unesco-cong-nhan-dan-ca-vi-giam-la-di-san-dai-dien-cua-nhan-loai-367537.vov).