Khôi phục lại các hộ láng giềng của gia đình Bác là ý tưởng hay nhằm tái tạo không gian văn hóa Kim Liên, cội nguồn sinh thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khuôn viên và kiến trúc các hộ láng giềng sẽ phần nào giúp du khách hình dung về một không gian làng quê xứ Nghệ bình yên, bình dị, nơi có sự gắn kết chặt chẽ giữa các gia đình, có tình làng nghĩa xóm,…Từ việc tái hiện lại không gian làng quê nơi Bác sinh ra và gắn bó những ngày thơ ấu này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn những yếu tố đã góp phần hình thành nên tính cách, con người Hồ Chí Minh. Cũng chính bởi tầm quan trọng đó mà việc phục dựng cần hết sức cẩn trọng, được xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng trên góc độ lịch sử, văn hóa, kiến trúc.
Hiện nay, tại làng Sen - quê nội có 3 hộ láng giềng được phục dựng là nhà cụ Nguyễn Danh Khai, nhà cụ Vương Hoàng Mỹ và nhà cụ Hoàng Xuân Tiệng, với tổng diện tích quy hoạch (theo bản vẽ thiết kế năm 2010) là 9390m2. Tại Hoàng Trù, có 3 hộ láng giềng được phục dựng là nhà cụ Hoàng Phan Quỳnh, nhà cụ Hoàng Phan Mỹ và nhà cụ Hoàng Xuân Thục với tổng diện tích quy hoạch (theo bản vẽ năm 2010) là 4988m2. Theo các tài liệu ghi chép, các ngôi nhà này đều được phục dựng trên nguyên tắc dựa theo đặc trưng nhà ở của người dân địa phương cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhà được xây theo kiểu tứ trụ, hạ chạn; có cột, xà, kèo, hoành; bao bằng gỗ hoặc phên tre, nhà giàu hơn thì xây bằng gạch; lợp bằng tranh lá mía; nền nhà đất nện; trước nhà có rèm che bằng phên tre, nứa. Qúa trình điều tra khảo sát chủ yếu là tiến hành tìm hiểu gia phả và ghi lời kể của các cụ cao tuổi ở Làng Sen, Hoàng Trù.
Nhìn chung, các hộ láng giềng đều được phục dựng khá phù hợp về mặt kiến trúc. Nó tạo được sự gắn kết, giúp các điểm di tích gắn với gia đình Bác bớt lạc lõng hơn trong tổng thể không gian.Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế về thiết kế cần khắc phục.Đó là các hộ láng giềng ở quê nội và quê ngoại hiện nay, ngoại trừ nhà của ông Hoàng Phan Quỳnh, đều khá giống nhau.Bên trong nhà, việc trưng bày các hiện vật còn khá sơ sài, chưa được chú trọng. Trong khi đó đây là một điều rất quan trọng để giúp du khách có thể hình dung lại những sinh hoạt văn hóa của người dân tại đây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các chuồng trâu được phục dựng hiện nay có thiết kế chưa phù hợp.Ngoài các chi tiết về mặt kiến trúc nhà, không gian vườn của các hộ láng giềng hiện nay cần được cải tạo, đặc biệt ở quê nội. Theo thiết kế, vườn sẽ trồng rau theo mùa hoặc cây ăn quả như mít, chuối, cam, chanh, bưởi và một số cây trồng làm gỗ khác nhưng hiện không gian vườn ở đây vẫn gần như đang bị bỏ hoang khiến quang cảnh nhìn vào khá tiêu điều.
Nói về điều này, Ban quản lý khu di tich Kim Liên cho biết khi bàn giao các hộ láng giềng, đã có những ý kiến không đồng nhất giữa Ban quản lý dự án và đơn vị tiếp nhận là Khu di tích Kim Liên. Ông Lâm Đình Hùng, Khu di tích Kim Liên cho hay: “Có nhiều vấn đề về mặt thiết kế mà chúng tôi không đồng tình. Ví dụ như các căn nhà hiện nay nhìn nhà nào cũng như nhà nào, nhìn vào chưa có sự khác biệt dựa theo gia cảnh của từng gia đình. Các hiện vật đưa vào không đảm bảo được tính đồng thời đồng loại. Nhiều đồ vật đưa vào còn quá mới và thực tế chúng tôi đã phải loại đi 6 tủ gỗ khi đưa vào.Các bờ rào tre theo thiết kế đáng lẽ phải là bờ bằng cây tre chứ không phải bằng những lan can tre như hiện nay. Về mặt địa lý, cũng có sự sai sót trong vị trí nhà cụ Hoàng Phan Quỳnh.”
Bên cạnh đó, Khu di tích Kim Liên cho biết họ hiện không đủ người để đảm bảo chăm sóc, vệ sinh thường xuyên cho các điểm.Trong tương lai, nếu tiếp tục bàn giao các hạng mục khác thì khối lượng công việc sẽ là quá tải.Thực tế cho thấy, hiện nay, các ngôi nhà hộ láng giềng dù bàn giao chưa lâu nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp đáng lo ngại.Chi phí để sửa chi tiết nhà, bảo trì hàng năm cũng lên đến con số hàng trăm triệu.Nhiều ý tưởng từng được đưa ra để khai thác các hộ láng giềng nhưng đều thất bại hoặc không được đồng tình. Ví dụ: biểu diễn dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh hay cho người dân bán các đặc sản, sản vật quê nhà trong khuôn viên hộ láng giềng. Gần đây, ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích Kim Liên đã có ý tưởng cho những hộ là con cháu trong dòng họ của những gia đình được phục dựng đăng ký bán sản vật. Sau khi thông báo với chính quyền xã, thôn, nhận đăng ký và có xác nhận rõ ràng, Khu di tích sẽ tiến hành ký hợp đồng với các hộ và cho họ vào bày bán sản vật, đặc sản quê hương. Tuy nhiên ý tưởng này chưa được thông qua do có nhiều ý kiến lo ngại làm ảnh hưởng đến không gian di tích. Nếu không tìm được hướng đi để phát huy giá trị các hộ láng giềng này một cách hiệu quả thì đây quả thực là một sự lãng phí.
Nhìn một cách tổng thể, việc phục dựng lại các hộ láng giềng của gia đình Bác khó có thể giúp tái hiện lại không gian văn hóa Kim Liên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi mà không gian, cảnh quan chung vốn đã bị phá vỡ do việc bê tông hóa và xây dựng các công trình trong khuôn viên như nhà tưởng niệm, nhà trưng bày; các gian bán hàng lưu niệm; đài phun nước và việc xây dựng thiếu quy hoạch của các hộ dân xung quanh di tích hiện nay...Toàn bộ không gian tại Làng Sen cũng như tại Hoàng Trù bị chia cắt thành khá nhiều mảng khác nhau, thiếu sự đồng nhất. Nếu muốn tạo nên một không gian văn hóa – lịch sử để khi bước chân đến đây, mỗi du khách sẽ cảm nhận được khung cảnh làng quê xứ Nghệ nói chung, Nam Đàn nói riêng cách đây hàng trăm năm thì các công trình xây dựng mới sau này phải được bố trí ở một địa điểm khác, cách xa khuôn viên di tích.Dẫu biết để phục dựng lại một không gian văn hóa với những kiến trúc xưa cũ trên nền tảng cảnh quan với nhiều kiến trúc mới và có sự xáo trộn về mặt không gian như hiện nay là rất khó khăn nhưng khó không có nghĩa là không thể.Thực tế cũng đã cho thấy chúng ta đang có nhiều nỗ lực đúng hướng.Hiện nay, Khu di tích Kim Liên cũng đã tiến hành phủ xanh không gian bằng các loại cây phù hợp, cho người dân xung quanh trồng hoa màu trong vườn các hộ láng giềng, loại bỏ và thay các hiện vật không phù hợp trong nhà. Bên cạnh đó, BQL Di tích cũng đã soạn lời thuyết minh về các hộ láng giềng cho thuyết minh viên hướng dẫn du khách.
Có thể khẳng định những gì chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm từng bước phục dựng không gian văn hóa lịch sử Làng Sen – Hoàng Trù cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là rất đáng ghi nhận. Nếu thực hiện hiệu quả, khu di tích Kim Liên sẽ trở thành một địa chỉ thiêng, một điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đến được cái đích chúng ta đặt ra là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, trách nhiệm.Thiết nghĩ, để làm được điều đó, cần sự chung tay của rất nhiều người, trong đó rất cần những chuyên gia văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc trưng không gian văn hóa làng xã xứ Nghệ giai đoạn này đóng góp ý kiến. Đặc biệt, rất cần sự tiếp nhận, lắng nghe từ các cấp quản lý để có thể khắc phục những hạn chế, ngày một hoàn thiện hơn về cảnh quan, không gian tại Kim Liên.