Khách mời văn hóa

Sửa Luật Giáo dục đại học: Đâu là vấn đề cốt lõi?

Được biết trong tháng 7 vừa qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, dẫn đầu là PGS.TS. Phan Thanh Bình, đã có chuyến thăm và làm việc với nhiều trường đại học trong cả nước để thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến của các trường nhằm chuẩn bị cho việc điều chỉnh Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) trong các kỳ họp sắp tới của Quốc Hội. Việc điều chỉnh này là cần thiết vì Luật GD ĐH ban hành năm 2012, đến nay đã có đủ thời gian để có thể nhìn lại và đánh giá tác động, kết quả, nhất là nhìn lại những chỗ bất cập để cải thiện cho tốt hơn. Thêm vào đó là việc ban hành Luật Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN), trong đó xác định phạm vi điều chỉnh bao gồm các trường cao đẳng (vốn trước đây là đối tượng điều chỉnh của Luật GDĐH), khiến nhu cầu sửa lại Luật GDĐH cho thích hợp càng trở nên cấp bách. Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nguồn Nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Giáo dục Đại học của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành về chủ đề này để tìm hiểu những vấn đề cần được các nhà làm chính sách lưu tâm trong đợt điều chỉnh lần này.

Phan Văn Thắng (PVT): Thưa bà, được biết Bộ Giáo dục Đào tạo và các trường đã nêu lên khá nhiều đề xuất điều chỉnh Luật GDĐH. Theo nhận định của bà, từ góc độ của giới chuyên môn, thì đâu là những vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất?

Phạm Thị Ly (PTL):Chúng ta đều biết tự chủ ĐH là vấn đề được đề cập nhiều nhất trong những năm qua từ cả ba phía: từ các trường, từ giới chuyên gia lẫn từ phía chính phủ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần khẳng định chủ trương mở rộng tự chủ, nhưng trong thực tế, các bên đang hiểu khác nhau về tự chủ, và mở chỗ này thì chỗ kia lại đóng, khiến việc thực hiện tự chủ còn nhiều vướng mắc và chưa đem lại kết quả mà chúng ta mong đợi. Một vấn đề quan trọng khác là vai trò của khu vực tư và những cơ chế giúp các ĐH tư phát triển lành mạnh.

PVT:Chúng ta hãy bắt đầu với vấn đề tự chủ. Bà có nói “chỗ này mở thì chỗ kia đóng”, bà có thể nói rõ hơn?

PTL:Trong bản thân Luật GD ĐH 2012 đã có những chỗ mâu thuẫn như vậy. Điều 32 quy định về quyền tự chủ của các trường như sau: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”, tức là một cái áo rất rộng trùm lên mọi lĩnh vực. Thế nhưng rất nhiều điều khác được quy định chính trong bộ luật này thì kéo cái áo ấy hẹp lại đến mức tối đa. Ví dụ, quyền tự chủ về tổ chức nhân sự, trong đó điểm quan trọng nhất là lựa chọn lãnh đạo nhà trường, gần như đã bị triệt tiêu với Điều 20: “Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận”.  Điều này áp dụng cho cả trường công lẫn trường tư. Ở cấp độ nhà trường, việc tổ chức nhân sự cũng bị ràng buộc bởi Luật cán bộ công chức, Luật viên chức trong khi lẽ ra chỉ cần tuân thủ Luật lao động hay Luật Nhà giáo (nếu có) là đủ. Đó là chưa nói tới vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở  trong công tác nhân sự.

Thêm nữa, Luật GDĐH 2012 hiện cũng đang bị hạn chế bởi các luật khác. Trong vấn đề tự chủ tài chính, khi dẫn chiếu tới các luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và các luật thuế, thì hầu như các bộ luật này đều không có những quy phạm cho phép thực hiện những sáng kiến đổi mới về mặt tài chính của các trường công lập.

PVT: Tôi từng nghe nói có một học giả nước ngoài rất am hiểu về Việt Nam đã nói rằng các hiệu trưởng Việt Nam có một mức độ tự chủ mà đồng nghiệp của họ ở nước ngoài nằm mơ cũng không có. Bà có bình luận gì về điều này, và liệu nó có mâu thuẫn gì với nhận định trên đây của bà?

PTL:Xét về một số phương diện thì đúng là như thế thật. Hiệu trưởng đại học trong các nền giáo dục phát triển không phải muốn làm gì là làm như mọi người thường tưởng. Các trường ĐH ở Mỹ chẳng hạn, thường được vận hành trên nguyên tắc đồng quản trị. Nghĩa là ai có năng lực tốt nhất trong lĩnh vực nào thì sẽ nắm quyền quyết định trong vấn đề đó. Chẳng hạn các vấn đề về học thuật như chính sách nghiên cứu khoa học, bổ nhiệm giảng viên, tiêu chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp, là thẩm quyền của hội đồng khoa học, hiệu trưởng đừng hòng can thiệp. Trong khi đó ở Việt Nam hội đồng khoa học chỉ là bộ phận tư vấn cho hiệu trưởng, trong trường hợp có xung đột, hiệu trưởng được quyền bảo lưu ý kiến và ra quyết định dựa trên ý kiến của mình.

Thêm nữa, ở các nước phát triển, mọi quyết định của hiệu trưởng thường xuyên phải chịu sự chất vấn của hội đồng trường. Tất nhiên Hội đồng trường không can thiệp những vấn đề điều hành, nhưng về nguyên tắc, hiệu trưởng phải giải trình trách nhiệm về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền và công việc của mình. Còn ở ta, chừng nào hiệu trưởng không vi phạm các quy định (thành văn và bất thành văn) của cấp trên thì chừng đó họ hầu như chẳng cần phải giải trình với ai. 

Như vậy nghĩa là, trong thực tế chúng ta đang nắm cái cần buông (phạm vi thẩm quyền ra quyết định), và đang buông cái lẽ ra phải nắm (trách nhiệm giải trình).

PVT: Bà có kỳ vọng gì vào việc điều chỉnh Luật GD ĐH lần này, xét về mặt mở rộng tự chủ?

PTL: Bộ Trưởng, trong một buổi họp có nói rằng mong đợi của Bộ là việc sửa đổi này tháo gỡ được những nút thắt đang cản trở sự phát triển của các trường và của GD ĐH nói chung. Tất nhiên là chúng ta cũng mong muốn như thế. Vấn đề là GD ĐH không thể thoát ly khỏi bối cảnh hiện tại của xã hội và bộ khung của thể chế, vì thế chúng ta cũng chỉ nên kỳ vọng ở mức độ lần sửa đổi này sẽ tận dụng được tối đa cơ hội mà Quốc hội đang trao cho để tạo ra được một bước tiến, dù lớn hay nhỏ thì cũng đều quý, miễn là tiến về phía trước.

Trên tinh thần đó, tôi cho rằng việc điều chỉnh sửa đổi Luật GDĐH để cơ chế tự chủ có thể đi vào thực tế và tạo ra kết quả tích cực cần phải được thực hiện dựa trên quan điểm cho rằng vấn đề tự chủ của các trường không thể tách rời cơ chế minh bạch thông tin và giải trình trách nhiệm, cũng như không thể tách rời với việc xác định rõ phạm vi và vai trò quản lý nhà nước của cơ quan chủ quản.  Đây là vấn đề cơ bản nhất của tự chủ ĐH, chứ không phải là vấn đề tự chủ như thế nào trong từng lĩnh vực cụ thể như tổ chức, tài chính, hay đào tạo. Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề cơ bản nói trên thì những vấn đề cụ thể của tự chủ cũng sẽ cứ luẩn quẩn, kéo chỗ này thì hụt chỗ khác, được cái này thì mất cái kia, cứ mãi lúng túng như gà mắc tóc.

Không nên quên rằng trường ĐH là một thực thể bao gồm nhiều bên khác nhau, trong đó nhận thức, lợi ích, và kỳ vọng của bên này có thể khác xa so với bên khác. Vì thế, một điểm rất quan trọng mà tôi mong các nhà làm luật lưu ý, là những quan điểm đặt nền tảng cho việc sửa đổi luật cần phải bao hàm được tiếng nói của các bên, chứ không phải chỉ dựa trên ý kiến của các nhà quản lý. Đã có người nêu ý kiến cho rằng nhóm soạn thảo cần phải có những người thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, như luật, tài chính, kinh tế, quản trị ĐH, hành chính công, v.v. Tôi hoàn toàn đồng ý, và nhấn mạnh rằng không chỉ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, mà là các bên liên quan khác nhau của GD ĐH cũng rất cần có tiếng nói: bên cạnh tiếng nói của giới quản lý, giới giảng viên, cần phải có tiếng nói của giới chuyên gia độc lập, đặc biệt là của những người chịu tác động cuối cùng về kết quả của những thay đổi ấy, tức là các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp, phụ huynh và người học.

PVT: Bà có nói rằng vấn đề khu vực tư và những cơ chế giúp ĐH tư phát triển lành mạnh cũng là một chủ đề quan trọng nên được chú ý? Trở lại vấn đề công bằng công tư, bà nghĩ như thế nào về các trường có vốn đầu tư nước ngoài?

PTL:Có nhiều vấn đề đáng phải đề cập chung quanh chủ đề này. Trong vấn đề công bằng công tư, tôi muốn nói rõ hơn về trường hợp các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Trường RMIT Việt Nam là cơ sở đào tạo ĐH vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam, vào thời điểm nó ra đời, khung pháp lý của Việt Nam chưa có các quy định về hình thức này, vì thế RMIT Việt Nam đã ra đời và hoạt động theo khuôn khổ của Luật Đầu tư. Nhờ mức độ tự chủ mà các trường trong nước nằm mơ cũng không có, RMIT Việt Nam đã đạt được những thành công nổi bật trong việc thu hút sinh viên và đào tạo chất lượng cao, với học phí không hề thấp. Hiện nay chúng ta có nhiều trường có yếu tố nước ngoài hơn, chẳng hạn American University in Vietnam ở Đà Nẵng, British Vietnam University ở Hà Nội, Fulbright Univeristy Vietnam ở TPHCM. Đó là chưa kể các trường “công” có yếu tố nước ngoài như Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật, v.v.

Với đà hội nhập hiện nay, giáo dục xuyên biên giới ngày càng phát triển, việc đưa đối tượng này vào Luật GDĐH để điều chỉnh là điều hoàn toàn đúng. Tuy nhiên tôi nghĩ mãi vẫn chưa hiểu vì sao phải có sự phân biệt (về mặt pháp lý) giữa các trường tư trong nước và các trường có vốn nước ngoài. Khoản 2 Điều 7 Luật GD ĐH năm 2012 đã quy định ba loại hình sau đây: (a) đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; (b) đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân, do tổ chức hay cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất; và  (c) Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này mở ra khả năng một mức độ tự chủ cao hơn nhiều dành cho các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Vì sao các trường tư có vốn đầu tư nước ngoài lại không chịu sự điều chỉnh giống như các trường tư trong nước?   Nhiều quy định chỉ áp dụng cho trường công, hoặc trường công và trường tư, nghĩa là, nói cách khác, có rất ít hạn chế được đặt ra đối với các trường có vốn đầu tư nước ngoài. Tự chủ thì tốt thôi, vấn đề là vì sao lại có hiện tượng “bảo hộ ngược” như vậy?

Một số nước có chính sách bảo hộ hàng hóa và dịch vụ trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nội địa. Trong trường hợp hội nhập sâu rộng dưới áp lực của toàn cầu hóa, doanh nghiệp nước ngoài có thể được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp nội địa. Trường hợp của GD ĐH, nếu nói ta cần ưu tiên cho loại hình trường có vốn nước ngoài nhằm thu hút đầu tư, thì không đủ để giải thích. Chúng ta đều biết một thực tế hiện nay, ai có tiền cũng nghĩ tới việc đưa con ra nước ngoài học, khiến một lượng lớn ngoại tệ chảy ra nước ngoài theo con đường này. Hơn bao giờ hết nhà nước cần hỗ trợ các trường trong nước để họ đủ sức vươn lên cạnh tranh với các trường ngoài nước. Thế mà chính sách lại dành cho các trường có vốn đầu tư nước ngoài một sự ưu đãi đặc biệt về quyền tự chủ, làm sao các trường trong nước có thể cạnh tranh nổi với họ, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp hơn, và thị phần là những đối tượng thu nhập thấp hơn?

PVT: Xin cảm ơn bà

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114503476

Hôm nay

2198

Hôm qua

2332

Tuần này

2946

Tháng này

220869

Tháng qua

120308

Tất cả

114503476