Cuộc sống quanh ta

Từ vụ án Năm Cam nghĩ về người làm báo trong cuộc chiến chống lại cái xấu

Từ câu chuyện báo chí chống lại thế lực "xã hội đen" của 22 năm trước ...

Năm 1995, từ nguồn tin của trinh sát bên Tổng cục 2 (Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng) gửi tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt những thông tin hết sức đáng lo. Trong báo cáo nhanh này, họ cho biết, tại thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã hình thành những băng nhóm xã hội đen bảo kê cho các sòng bài, cho các phi vụ đâm thuê, chém mướn, đòi nợ... mà Năm Cam là một tay "trùm" khét tiếng. Nhưng y tồn tại và ngày càng lộng hành là bởi phía sau y còn có những người đang trực tiếp nắm trong tay quyền lực nhất định mà đó lại là lực lượng thực thi pháp luật . Nếu quả vậy thì thật sự là nhức nhối và gây bất an cho một thành phố đông dân bậc nhất nước ta. Ngay thời kỳ đó, báo Thanh niên cùng Tiền phong đã đeo bám vụ này và riêng Thanh niên chúng tôi cũng đã có loại bài dài 10 kỳ. Khi đó, trung tá Hữu Ngọc, Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự ( C14 ngày ấy), Bộ Công an là một nhân vật đầy bản lĩnh trước bọn tội phạm chuyên giết người, cướp của tàn bạo như vụ" Tin Palet" ở Nha Trang, Khánh Hoà , như vụ "Khánh trắng" ở chợ Đồng Xuân , Hà Nội... Ông hút thuốc lào bằng điếu cày, người thì lại lòng khòng còm nhom nên còn có tên khác mà giới giang hồ ngán ngẩm rỉ tai nhau, gọi ông là "Ngọc điếu". Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thấy dấu hiệu không bình thường nếu lực lượng trọng án của Bộ Công an "nhảy" vào vụ này. Nhiều khả năng sẽ vấp phải sự che đỡ của chính nội bộ ngành ở địa phương ( tp Hồ Chí Minh), ông Hữu Ngọc tìm đến báo Thanh niên đề nghị phối hợp điều tra và khi nào có thể thì cung cấp dần thông tin lên báo để nghe ngóng thái độ phản ứng của nhiều phía khác nhau... Ngoài Hà Nội, báo chúng tôi được Tướng Trịnh Thanh Thiệp, Tổng cục phó Cảnh sát đã trực tiếp xuống báo chúng tôi thăm, động viên và cử một nhóm trinh sát xuống báo hỗ trợ cả một thời gian dài để anh em yên tâm sau khi có dấu hiệu nghi ngờ có kẻ xấu theo dõi... Ngay sau đó, nhóm phóng viên chúng tôi ở TP.HCM được chỉ đạo thâm nhập những tụ tụ điểm của băng nhóm Năm Cam bảo kê như tài liệu của trinh sát cung cấp để viết, phản ánh trên mặt báo. Những tưởng sẽ có được kết luận điều tra thuận lợi cho việc truy tố sau này với Năm Cam, nào ngờ chứng cứ vụ việc vẫn không đủ để đi tới mục đích đề ra. Vậy là Năm Cam, dù đã bị bắt nhưng cũng chỉ bị đưa đi cải tạo lao động mà không tài nào kết án nổi y bởi vỏ bọc của y đặc biệt tinh vi dù đàn em thì cũng đã bị tóm và kết án không hề ít. Vì thế, vào khoảng năm 1997, Năm Cam đã được trở về địa phương. Sau này, khi Bộ Công an quyết định bắt y lần thứ hai (2001) chúng ta mới hiểu ra nhiều điều, vì sao y không bị tù mà còn được thả sớm là có những ai đứng phía sau giúp y. Đó chính là hàng loạt cán bộ nhà nước, trong đó có ngành pháp luật. Với 21 bài đăng trên Thanh niên dịp đó, chân tướng trùm Năm Cam và tay chân dần lộ diện sau khi được ra khỏi trại cải tạo. Điều đáng mừng nhất là những người có thế lực trong bộ máy nhà nước đứng phía sau y đã bị cơ quan điều tra bóc gỡ và đã "lộ sáng" nhờ vào chính những người chỉ huy trung kiên, tận tuỵ vì dân trong ngành Kiểm tra Đảng, Nội chính, công an trên tinh thần bất luận họ là ai, ở cấp nào cũng đều phải truy xét, luận tội phân minh. Và dịp đó, Báo Thanh niên (trong năm 2002) đã đăng tiếp tục 65 bài viết, một con số rất lớn về một vụ án được đăng tải trên 1 tờ báo! Nhờ có chứng cứ Năm Cam sai khiến đàn em sát hại cảnh sát hình sự Phan Lê Sơn cũng như đã chỉ đạo đàn em bắn chết trùm xã hội đen Dung Hà, các cơ quan tố tụng khép tội nặng nhất với Năm Cam: tử hình y và nhiều đồng bọn với mức án cực kỳ nghiêm khắc. Một phiên toà hình sự xét xử bọn tội phạm giang hồ bảo kê nhà hàng, sòng bạc và đâm thuê chém mướn mà có đến 155 bị can phải ra hầu toà vào năm 2003. Trong đó cả đến cấp uỷ viên trung ương Đảng, cấp thứ trưởng Công an và phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao và nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên trung, cao cấp khác cũng bị vướng vòng lao lý. Với hệ thống chính trị của chúng ta, đó cũng là một tổn thất hết sức lớn, đầy đau xót vì mất quá nhiều cán bộ, thậm chí cả những anh hùng LLVT đã một thời với thành tích lẫy lừng trong đấu tranh với tội phạm. Đó là cái mất rất đáng tiếc, nhưng về đại cục, nó chẳng là gì nếu điều đó làm cho chế độ xã hội này ngày một tốt đẹp lên, vững chắc hơn. Chúng tôi thực hiện tiếp 35 bài trong thời gian xét xử Năm Cam và đồng bọn. Như vậy, để đi tới cùng một vụ đại án, từ năm 1995-2003, với 4 đợt bài vở, chúng tôi đã đăng cả thảy 133 bài viết. Có thời điểm, chúng tôi còn bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc vì để lộ bí mật chuyện nội bộ Đảng khi cho đăng bài liên quan đến một cán bộ cấp cao của Đảng. Cuối cùng, tập thể chi uỷ của báo chúng tôi cũng đã bị UBKTTW "phê bình nghiêm khắc", " rút kinh nghiệm sâu sắc"... Nhưng kết quả thì cũng đáng tự hào dù có lúc bị phê bình như vậy chứ không đến mức nặng như chúng tôi đã chủ động lường trước. Đó cũng là sự nhìn nhận công minh, sáng suốt của Đảng đối với những gì chúng tôi làm. Hành trình đi tới thắng lợi này , chúng tôi được sự trợ sức rất lớn trong cả một thời gian dài, từ khi ông Võ Văn Kiệt còn đang là Thủ tướng cho mãi tới lúc thành công thì ông cũng đã thôi cương vị trên( làm cố vấn cho BCH Trung ương Đảng) cùng các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ rất có trách nhiệm với dân, với nước . Thế nhưng trên lĩnh vự nghề nghiệp , 133 bài viết trên Thanh niên trong 4 giai đoạn đầy khó khăn cũng chỉ được Hội đồng chấm giải báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam tặng cho cái "giải Khuyến khích" tủi thân với... 500 ngàn đồng tiền thưởng. Có nhiều đồng nghiệp ngày đó đã đùa trêu chúng tôi rằng, các ông gửi dự thi như vậy là có ý làm khó Hội Nhà báo vì trong vụ này cũng có cả quan chức cao cấp trong Hội Nhà báo cũng dính tràm, bao che tội lõi cho trùm xã hội Năm Cam để rồi phải lĩnh án từ , mất cả ghế Trung ương uỷ viên lừng lững trong làng báo nước nhà... Cái được lớn nhất đối với những người làm báo chúng ta trong vụ này chính là đã góp phần nhỏ bé cùng các cơ quan pháp luật đưa vụ việc ra ánh sáng, giành lấy sự bình yên trong cuộc sống của người dân thành phố mang tên Bác. Đó chính là phần thưởng vô giá mà người làm báo chúng ta đã làm hết sực mình mới có được cái thành tích chung đó .

Đến việc tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong " xã hội đỏ" vốn là đồng chí với mình hôm nay.

Có lẽ không phải vô tình mà hôm 5/9 vừa rồi, tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khi nghe báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng( PCTN) năm 2017 của Thanh tra Chính phủ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ lại so sánh thật bất ngờ rằng : “Chúng ta đi thanh tra, kiểm tra ở đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ô tô, thậm chí có còi hú nhưng liệu có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Ta phải so sánh như thế về tính hiệu quả của công tác PCTN”. Lấy ví dụ trong báo cáo giám sát các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT của Ủy ban Kinh tế công bố vừa qua, ông Bộ nói Báo cáo này không chỉ ra trách nhiệm của Bộ ngành nào cả. Như vậy là mất thế trận lòng dân. "Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng”- ông Bộ nói. Từng giữ cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban trung ương MTTQ, ĐBQH Vũ Trọng Kim bình luận: "Tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường người ta cũng đếm được số người tham nhũng, nhưng xử lý thì ít quá". Rồi ông Kim nêu mấy ví dụ mà báo cáo của Thanh tra Chính phủ đề cập khiến không ít người ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình nữa. Ông nhận xét : Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017 chưa đạt yêu cầu. Theo ông, các con số về kê khai tài sản (hơn 1,1 triệu người) và tỉ lệ 99% đã kê khai, không có nhiều ý nghĩa. Theo ĐBQH Vũ Trọng Kim,"Điều mà Quốc hội, cử tri cần cập nhật vào báo cáo là các đại án ngàn tỉ, các dự án BOT có vấn đề, các quan chức có vấn đề đã bị xử lý… "Lò nóng" rồi mà không đưa củi vào thì lò cũng sẽ tắt" ... Trong khoảng hơn một năm qua, nếu báo chí không xới lên một số vụ việc nổi cộm như vụ Trịnh Xuân Thanh đi xe Lexus 570 biển xanh , thực chất là xe riêng đi làm để báo Thanh niên đặt dấu hỏi những khuất tất về một doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm mà anh ta lại lên chức, đơn vị được thưởng Huân chương và danh hiệu tập thể Anh hùng và bản thân anh ta thì nhờ thế mà thơm lây,được luân chuyển làm lãnh đạo tỉnh với mục đích đào tạo nguồn thứ trưởng cho tương lai thì làm sao Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan khác biết được dù trước đó họ đã vào cuộc không ít lần. Thế nhưng tất cả đều được che chắn và êm thấm . Nếu không có vụ việc nổi cộm này thì làm sao ông Vũ Huy Hoàng , người từng là bộ trưởng, bí thư Ban cán sự Đảng của bộ Công Thương rồi tiếp đó là bà thứ trưởng Hồ Kim Thoa do liên đới trách nhiệm nhiều chuyện mà đã bị " chết chùm" . Hoặc là từ vụ Hà Văn Thắm đổ bể trong kinh doanh tiền tệ trái nguyên tắc ở Oceanbank và PVC có nhiều sai phạm hé lộ , gây thất thoát nghiêm trọng mà dẫn đến cả Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia( PVN) dính đòn ; từ vụ "đề bạt thần tốc cậu ấm" 9x Vũ Minh Hoàng chỉ sau 17 tháng công tác, chưa hề ấm chỗ khi anh ta mới 26 tuổi ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ mà đã là vụ phó ,khiến cơ quan này bị kiểm tra đột xuất . Từ đó vỡ lở ra chuyện tham nhũng vặt đáng buồn, gửi kinh phí mua xang cả năm rồi đò lại không mua " toé loe" ra cả một nhóm lãnh đạo có hành vi tham nhũng vặt ( họ gửi tiền mua xăng dùng cả năm, lấy phiếu thu về quyết toán rồi lại đòi của hàng trả tiền mặt để họ chi tiêu , chia chác nội bộ .... Điều đáng nói là những chuyện này hầu như đâu phải từ Thanh tra Chính phủ hoặc các cơ quan tố tụng phát hiện ra ! Có thể nhìn nhận sơ bộ, hầu như các ví dụ trên đây nó đều bắt đầu từ báo chí đề cập. Hoặc là do trong quá trình điều tra, xét xử đã nảy sinh những tình tiết mới và từ đó lại bị tiếp tục bị vỡ lở thêm . Nhưng nếu nhìn nhận và phân tích ở góc độ sâu xa thì vẫn có phần quan trọng do báo chí khui ra . Đó mới là câu chuyện đáng bàn và đáng quan tâm. Phải chăng từ hàng loạt các vụ việc gần đây bị" lộ sáng" mà nội dung Nghị quyết Trung ương 4 Khoá 12 về các biểu hiệu của tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ cán bộ đảng viên có chức có quyền được thể hiện và trở thành những minh chứng thuyết phục. Nó đã góp thêm phần phong phú và sâu sắc , được nhiều cán bộ đảng viên tán đồng và tin tưởng Đảng hơn trước. + Chuyện buồn trong làng báo chỉ là cá biệt Làng báo nước nhà cũng là một bức tranh thu nhỏ của toàn xã hội. Nó cũng có mặt sáng,tối của nó. Tức là có mặt tích cực và cả tiêu cực, khó toàn bích. Thời gian gần đây có một số nhà báo bị khởi tố, bắt giam với nghi vấn tống tiền xảy ra dồn dập. Đó quả là điều đau xót và buồn lòng với chúng ta. Trước hết , với tôi một người đã mấy chục năm làm báo, nay nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục viết bài, vẫn sống trong đời sống báo chí thì hành vi tống tiền của một số “con sâu” trong làng báo đã làm hoen ố hình ảnh của chính họ, của cơ quan họ công tác và gây tác động xấu tới hình ảnh của người làm báo nói chung, một nghề nghiệp bấy lâu nay được nhân dân tin tưởng, gửi gắm kỳ vọng, và thực tế, chúng ta đã góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, thúc đẩy công khai hoá, dân chủ hoá mà tôi vừa nêu đôi chút. Nhìn về phía trước, trách nhiệm xã hội và sứ mệnh của báo chí trước Đảng và nhân dân là rất lớn lao. Không thể chỉ vì những "con sâu" đó mà phủ nhận sạch trơn những gì báo chí đã và đang chung sức đấu tranh bài trừ nó và đưa con người ta đến chỗ hướng thiện . Song, không ai khác, chính mỗi nhà báo đang cầm bút và chiến đấu trong cuộc chiến chống lại cái ác , cái xấu,cái tiêu cực ngoài xã hội bằng ngòi bút sẽ là cuộc chiến lâu dài, gian khó nên rất cần rèn rũa để bản lĩnh hơn và tiếp tục dấn thân nếu chấp nhận con đường mình đã chọn./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522543

Hôm nay

275

Hôm qua

2325

Tuần này

21317

Tháng này

220482

Tháng qua

121009

Tất cả

114522543