Khách mời văn hóa

CP TPP & EVFTA sẽ đưa Việt Nam vào sâu trong nền kinh tế thị trường hiện đại

Lời tòa soạn: Câu chuyện về hội nhập của Việt Nam là câu chuyện dài, ý kiến về vấn đề này cũng còn khác nhau với những góc nhìn khác nhau, và độ nhận thức sâu rộng khác nhau. Tiếp theo bài "BTA đưa Việt Nam rời khỏi bao cấp" Văn hóa Nghệ An tiếp tục giới thiệu góc nhìn của ông Nguyễn Đình Lương về những vấn đề hội nhập Việt Nam với bài "CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Mậu dịch tự do Eu - Việt Nam) sẽ đưa Việt Nam vào sâu trong nền kinh tế thị trường hiện đại".

Phan Văn ThắngCuộc đàm phán BTA (Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ) diễn ra quá vất vả. Sau BTA có cuộc đàm phán WTO hình như cũng vất vả khó khăn và cũng kéo dài đến 5 năm mới kết thúc được và khi đó Việt Nam mới trở thành thành viên của WTO. Hội nhập của Việt Nam sao lại khó khăn thế, thưa ông?

Nguyễn Đình Lương: Sau BTA tôi không tham gia đàm phán WTO cũng như các cuộc đàm phán tiếp theo. Đàm phán WTO do ông Lương Văn Tự làm trưởng đoàn và ông Trương Đình Tuyển chỉ đạo. Tôi chỉ theo dõi thông tin qua báo, đài.

Hai cuộc đàm phán BTA và WTO có vai trò và nội dung khác nhau, nhưng cùng một mục tiêu là Việt Nam vào WTO. Nếu như ở BTA Việt Nam chấp nhận luật chơi WTO rồi tự bổ sung, sửa đổi pháp luật của mình để đưa nền kinh tế Việt Nam vào đường ray kinh tế thị trường, tạo tiền đề cho việc gia nhập WTO thì tại cuộc đàm phán WTO Việt Nam mặc nhiên chấp nhận toàn bộ luật cho WTO và Việt Nam cùng WTO rà soát toàn bộ hệ thống luật lệ Việt Nam…

Cuộc đàm phán này có hai khối lượng công việc lớn là: Tổng rà soát luật pháp và giảm thuế xuất nhập khẩu.

Thứ nhất là tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam về kinh tế, thương mại và đối chiếu với WTO. Đây là cuộc tổng rà soát chưa từng có trong lịch sử xây dựng pháp luật của Việt Nam, Một cuộc tổng rà soát trên phạm vi quốc tế do WTO chủ trì.

Việt Nam phải dịch ra tiếng Anh và cung cấp cho Tổ công tác WTO gần 200 văn bản quy phạm pháp luật, gồm luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư …

Trên cơ sở văn bản luật này, hai bên Việt Nam và WTO rà soát, từng văn bản, từng điều, từng khoản và đối chiếu với quy định, quy tắc của WTO rồi xác định Việt Nam phải làm gì, phái sửa đổi, bổ sung gì cho khớp với WTO để cuối cùng đưa ra được Văn kiện những cam kết của Việt Nam gia nhập WTO.

Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, không thể xử lý trong thời gian mấy ngày, mấy tháng mà phải từng bước xử lý hàng năm

Thứ hai, quan trọng trong cuộc đàm phán WTO là đàm phán giảm thuế xuất nhập khẩu.

Khi đàm phán BTA, lúc đầu phía Hoa Kỳ đòi giảm thuế nhiều vì theo họ có giảm thuế XNK thì Quốc hội Hoa Kỳ mới phê chuẩn Hiệp định. Chúng tôi giải thích: ở Mỹ thuế XNK chỉ chiếm 2% trong nguồn thu ngân sách. Thuế XNK ở Mỹ chỉ là công cụ để điều tiết chính sách thương mại. Ở Mỹ có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế bất động sản, thuế VAT.v.v…

Ở Việt Nam, cũng như ở các nước XHCN thời đó thuế XNK là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Việt Nam chưa có thuế bất động sản vì không ai có bất động sản, chưa có thuế thu nhập cá nhân vì cán bộ ngoài đồng lương để sống  chưa có gì để nộp thuế, chưa có thu nhập doanh nghiệp.v.v… Thuế XNK Việt Nam chiếm trên 20% nguồn thu ngân sách, không thể giảm vì ngân sách sẽ bị thiếu hụt… Cuối cùng hai bên thống nhất chỉ giảm thuế tượng trưng vài trăm dòng, hẹn đến ngày đàm phán WTO Việt Nam sẽ cải cách hệ thống thuế theo mô hình thế giới, khi đó Việt Nam sẽ đàm phán thuế XNK.

Khi đàm phán WTO Việt Nam đã phải đàm phán toàn bộ biểu thuế XNK trên 10 ngàn dòng thuế và phải cam kết giảm dần cho tới khung thuế phù hợp với WTO. Trong đàm phán mỗi nước đòi một khác tùy vào sức mạnh hàng hóa của mình nên đàm phán cũng lâu, cũng khó.

THứ ba là các vấn đề khác, như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, thì trong BTA đã có cam kết, WTO có bổ sung. Riêng về đầu tư, trong BTA có chương Phát triển quan hệ đầu tư, cam kết cả lĩnh vực đầu tư, còn trong WTO chỉ có "các khía cạnh đầu tư liên quan đến thương mại".

Phan Văn ThắngTính đến nay Việt Nam đã và sẽ tham gia 16 Hiệp định Mậu dịch tự do ( HĐMDTD) trong đó có cả những Hiệp định MDTD thế hệ mới. Có người thì cho là cần thiết để phát triển, có người lại lo lắng là nhiều quá, không quản lý nổi. Ông có bình luận gì về tình trạng này thưa ông?

Nguyễn Đình Lương: Việt Nam đang thực thi một loạt cái gọi là Hiệp định MDTD song phương và khu vực như: HĐMDTD Việt Nam - Chi Lê, HĐMDTD Việt Nam - Hàn Quốc và HĐMDTD ASEAN với Trung Quốc, với Ấn Độ, với Australia, với Newzealand, Nhật Bản.v.v…

Các Hiệp định MDTD này cam kết mở cửa thị trường cho nhau chủ yếu bằng cách giảm thuế XNK. Các lĩnh vực khác như đầu tư, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ.v.v… chưa cam kết gì cụ thể, hoặc theo WTO. Các Hiệp định MDTD này chưa có cam kết gì về thể chế.,

Quan tâm nhất là các Hiệp định MDTD thế hệ mới, trong đó Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gồm 11 nước CPTPP (không có Mỹ) sắp ký vào ngày 8 tháng 3 năm nay, và Hiệp định Mậu dịch tự do Eu 28 nước với Việt Nam (EVAFTA) mà Việt Nam và Eu đang rà soát, chuẩn bị ký vào thời gian tới.

So với các HĐMDTD nó trên thì CPTPP và EVFTA có khác biệt cơ bản. Các Hiệp định này là một loại hình mới, là "luật chơi" mới, trình độ cao của thời đại toàn cầu hóa.

Phan Văn Thắng: Trên các phương tiện thông tin đại chúng đang bàn luận khá sôi nổi về cơ hội và thách thức của các Hiệp định MDTD thế hệ mới, và ý kiến cũng rất khác nhau. Ông có ý kiến gì về những vấn đề này?

Nguyễn Đình Lương: Hiện ý kiến khác nhau vì góc nhìn khác nhau, và độ hiểu biết nông sâu khác nhau, thậm chí có những người chưa đọc các Hiệp định cũng đua nhau "phán".

Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán và ông Trương Đình Tuyển cố vấn, chắc phải có bộ óc siêu việt mới nắm bắt hết được khối cam kết đồ sộ này.

Tôi còn nghiên cứu và sẽ còn phát biểu. Sơ bộ tôi cảm nhận được rằng các HĐMTDT thế hệ mới CPTPP và EVFTA sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn lao, một sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách điều hành và quản lý nền kinh tế Việt Nam. Đưa nền kinh tế Việt Nam vào đường ray của kinh tế thị trường hiện đại, tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam kết nối sâu rộng với kinh tế thế giới để phát triển.

Phan Văn Thắng: Và cụ thể là những cái gì, thưa ông?

Nguyễn Đình Lương: Hai Hiệp định gồm khoảng 3 ngàn trang, trong đó mỗi câu, mỗi chữ đều có nội hàm, đều có ý nghĩa, là quyền lợi, là nghĩa vụ không phải là những câu chữ "nói chơi". Đọc qua các văn bản Hiệp định tôi tạm hiểu:

Đó là một khung pháp lý để vận hành một nền kinh tế hiện đại. Đó là một bộ quy tắc chi tiết, để điều tiết và dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam vào một sân chơi bình đẳng với các nước phát triển.

Đó là một lộ trình thiết chế các quy tắc cho một nền kinh tế mở, thị trường mở theo những tiêu chí cao của thế giới, một môi trường kinh tế sạch và lành mạnh. Đó là một hệ thống những cam kết mạnh về nghĩa vụ và quyền lợi để tiến tới thực hiện một khu vực mậu dịch tự do trên phạm vi rộng.

Đó là một lộ trình từng bước nâng cao năng lực kinh tế của Việt Nam.

Phan Văn Thắng: Chắc là phải chuẩn bị nhiều thứ. Theo ông thì Nhà nước Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm gì để thực thi các Hiệp định MDTD thế hệ mới và quan trọng hơn là để khai thác được các lợi thế mà các Hiệp định này đưa lại?

Nguyễn Đình Lương: Trong Hiệp định đã ghi rất cụ thể. Có hàng ngàn, hàng vạn việc mà chính phủ Việt Nam phải làm và hỗ trợ cho doanh nghiệp làm.

Ở đây tôi xin lấy một ví dụ nhỏ, như chương Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Thái độ của các quốc gia thành viên là phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho dù vai trò, vị trí doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mỗi nước một khác tùy quy mô kinh tế và trình độ phát triển.

Hiệp định quy định rất cụ thể (thí dụ trong CPTPP) Nhà nước phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1. Nhà nước phải lập hoặc duy trì trang thông tin công cộng chứa đựng các thông tin về Hiệp định, bao gồm:

(a) Nội dung Hiệp định bao gồm tất cả các phụ lục, biểu thuế, và quy tắc xuất xứ hàng hóa cụ thể.

(b) Tóm tắt bản Hiệp định và

(c) Thông tin được thiết kế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm:

(i) Mô tả các điều khoản trong Hiệp định mà các Bên cho rằng có liên quan tới doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(ii) Các thông tin bổ sung mà các Bên cho là hữu ích đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm tới lợi ích từ các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

2. Nhà nước đưa vào các trang thông tin điện tử của mình các đường linh dẫn tới:

(a) Các trang thông tin tương đương của những nước khác; và

(b) Các trang thông tin của các cơ quan chính phủ nước mình và các trang cung cấp thông tin mà Nhà nước cho rằng có lợi ích cho bất cứ người nào quan tâm tới mua, bán, đầu tư, hoặc kinh doanh trên lãnh thổ nước mình.

3. Trong phạm vi quy định và pháp luật của mỗi Bên, các nội dung mô tả trong khoản 2(b) có thể bao gồm các nội dung:

(a) Các quy định về thủ tục hải quan

(b) Các quy định về thủ tục liên quan đến SHTT

(c) Các quy định kỹ thuật, quy chuẩn và biện pháp vệ sinh và kiểm định liên quan tới xuất nhập khẩu.

(d) Các quy định về đầu tư nước ngoài.

(e) Các thủ tục đăng ký kinh doanh

(f) Các quy định về việc làm và

(g) Các thông tin về thuế

4. Mỗi bên cần thường xuyên xem xét các thông tin và đường dẫn các trang thông tin điện tử quy định ở khoản 1 và 2 để đảm bảo các thông tin được cập nhật và chính xác.

Trong CPTPP có cả Ủy ban DNVVN để kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ thực hiện những quy định này.

Phan Văn Thắng: Thưa ông, rõ ràng là các hiệp định thương mại đã và sẽ có tác động toàn diện đến mỗi bên tham gia hiệp định, đặc biệt là các nước đang phát triển không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, văn hóa. Tôi muốn được ông phân tích sâu hơn về tác động của nó đối với văn hóa trong trường hợp nước ta?

Nguyễn Đình Lương: Tất nhiên là có ảnh hưởng, ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống đất nước. Nhưng xin hẹn anh chúng ta sẽ trao đổi kỹ vào một dịp khác. 

Phan Văn Thắng: Thay đổi hệ thống luật pháp, ý thức luật pháp… cũng là những thay đổi về văn hóa vì nó làm thay đổi nề nếp tư duy và các hoạt động, không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, giúp cho chúng ta tiệm cận nhiều hơn với các giá trị hay là khuôn khổ có tính chất phổ biến, phổ quát của thế giới hiện đại. Ông có nhận xét gì về sự tác động và thay đổi này?

Nguyễn Đình Lương: Đúng vậy. Nhưng thay đổi như thế nào còn phụ thuộc vào “cơ địa” văn hóa và thể chế của mỗi quốc gia.

Phan Văn Thắng: Những sự sa sút về phương diện văn hóa, và đạo đức, ở nước ta trong thời gian vừa có phải là hậu quả của quá trình thị trường hóa nền kinh tế?

Nguyễn Đình Lương: Chỉ là một phần thôi. Tôi nghĩ vậy. Nhiều nước khác có nền kinh tế thị trường nhưng không rơi vào tình trạng này đấy thôi.

Phan Văn Thắng: Ông có nghĩ là ở nước ta, nhìn chung,  văn hóa, và nhiều lĩnh vực, phương diện khác, vẫn thay đổi chậm hơn so với kinh tế trong công cuộc toàn cầu hóa và ít hay nhiều làm “giảm tốc” quá trình thị trường hóa nền kinh tế?

Nguyễn Đình Lương: Bước đầu tôi đồng tình với ý kiến của anh nhưng tôi chưa nghiên cứu thật kỹ vấn đề này nên chưa thể trao đổi được gì nhiều. 

Phan Văn Thắng: Xin cám ơn ông. Câu chuyện Hội nhập của Việt Nam quả là còn dài. Mong được tiếp tục hợp tác với ông.

................................

* Mời xem thêm: http:// nguyendinhluong.com

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441735

Hôm nay

2135

Hôm qua

2317

Tuần này

21639

Tháng này

216909

Tháng qua

112676

Tất cả

114441735