Khách mời văn hóa

Truyền thông & nghệ sỹ

Lời Tòa Soạn: Chưa bao giờ thông tin về giới nghệ sỹ, nhất là nghệ sỹ biểu diễn trên truyền thông và báo chí lại nhiều, đa dạng, thậm chí phức tạp như hiện nay. Trong nhiều trường hợp có thể nói là đã có sự nhiễu loạn thông tin về giới nghệ sỹ. Đây không chỉ là một hiện tượng mà là một vấn đề xã hội không hề đơn giản. Có nhiều góc nhìn và đánh giá đa dạng về hiện tượng/vấn đề này. Văn Hóa Nghệ An giới thiệu một cách nhìn về thực trạng này của nhà nghên cứu văn học Bùi Việt Thắng đến từ Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội.

Đông Thái:Các loại hình báo chí hiện nay thường xuyên đăng tải thông tinvề giới nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam, theo ông,loại hình báo chí nào có thể giúp những thông tin này tiếp cận công chúng nhanh nhất? Tại sao?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Thời trước chỉ có báo giấy, sau rồi có báo hình, bây giờ thì có báo điện tử (online). Lại thêm một thế giới facebook, riêng tôi thấy, nó như con khủng long thời hiện đại, nó “ngoạm” rất to, rất nhanh thị phần thông tin. Báo mạng và các trang mạng xã hội đang làm đảo lộn hành vi ứng xử của con người. Con người thời hiện đại sống theo tinh thần “hiện sinh chủ nghĩa”. Họ cần cái tức thời, cái hiện hữu. Họ cần chiếm đoạt thời gian (vì với đời sống hiện đại yếu tố thời gian sống quan trọng hơn không gian sống). Thời đại internet đã tạo nên một “thế giới phẳng”. Tất cả phơi bày ra dưới thanh thiên bạch nhật.

Nói báo chí điện tử lên ngôi, đúng. Nhưng báo chí giấy cũng không vì thế mà thoái trào. Một số báo chí như Văn hóa Nghệ An, Tuổi trẻ, Công an Tp.HCM, An ninh thế giới, Đang yêu, Thanh Niên, Văn nghệ Công an, Tinh Hoa Việt…vẫn có số lượng phát hành lớn. Và vẫn rất bắt mắt khi thông tin về giới NSBD. Nhưng có chừng mực, có cái “ngưỡng” cần thiết. Vì thế chúng không bị xếp vào cái gọi là “lá cải”.

 

Đông Thái:Theo ông, thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam hiện nay trên các báo thường tập trung vào những vấn đề gì?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Thông tin về giới NSBD Việt Nam hiện nay trên báo chí , theo tôi, thường chỉ mới chú ý “săm soi” đời tư. Tất nhiên chú mục vào chỗ đó thì chuyện mới “màu mỡ riêu cua” như cách nói của dân gian (chuyện bỏ vợ bỏ chồng, chuyện ngoại tình, chuyện tay ba tay tư, chuyện đồng tính, chuyện chuyển giới, và đặc biệt là các scandal). Cũng vì sức ép của cơ chế thị trường nên khi “loan tin”, các báo thường giật tít (giật gân) để bán báo (báo giấy), để nhiều người đọc (báo điện tử). Người ta gọi là “câu view”.

Ít báo khi thông tin về giới NSBD chăm chút cho sự học, con đường khởi nghiệp, sự tiến bộ và nhất là cái căn cốt văn hóa của giới NSBD. Thậm chí là những tấm gương vượt lên số phận. Nghĩa là thông tin báo chí về giới NSBD chưa nói được cái tinh hoa văn hóa mà nghệ sỹ góp vào nền văn hóa dân tộc. Ở ta danh hiệu “nghệ sỹ” đang bị lạm dụng. Nói chính xác thì chỉ mới có người hát (âm nhạc), người diễn (sân khấu, điện ảnh), người múa. Nghệ sỹ là một phẩm chất cao. Nên dùng cách nói “người biểu diễn” thì chính xác hơn. Cũng như trong lĩnh vực văn chương có sự phân biệt “người viết văn” (viết ra tác phẩm) và “nhà văn” (tác phẩm và tác giả được xã hội công nhận), “tác gia” (nhà văn tài năng).

Đông Thái:Theo ông, vì sao thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam lại có sức hút lớn đối với công chúng như vậy?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Nói thông tin về giới NSBD có sức hút công chúng lớn, là một  cách nói quá, có tính chất thương mại. Ngày trước nghe trên đài một ca sỹ  thể hiện một bài hát hay là công chúng nghệ thuật rung động, ám ảnh (ví dụ như nghệ sỹ Tân Nhân hát “Xa khơi”, nghệ sỹ Quốc Hương hát “Hà Tây quê lụa”,…). Họ không cần biết đằng sau nghệ sỹ ấy có những chuyện gì. Chỉ biết đồng cảm và sáng tạo cùng cái đẹp mà tác phẩm mang lại. Ngày trước tôi nghe trên đĩa nữ nghệ sỹ Nga Pugachova hát, thấy hay và hấp dẫn (ví như bài “Triệu triệu bông hồng”). Hoàn toàn không biết bất cứ một thông tin cá nhân nào. Khi sang Liên-Xô công tác vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, một lần duy nhất tôi được nghe và nhìn ca sỹ lừng danh này hát ở  Sân vận động trung tâm Luznhiky (Matxcơva). Người Nga gọi Pugachova là “người đàn bà hát”. Tôi có tìm một số báo tiếng Nga để xem có thông tin nào thuộc về đời tư (cũng như những chuyện “giật gân”) của nữ nghệ sỹ. Nhưng đáng ngạc nhiên là gần như không có.

Nói thông tin về giới NSBD có sức hút lớn với công chúng, tôi nghĩ, rất có thể là vu khoát. Nếu người nghệ sỹ hát không hay, biểu diễn không giỏi thì những thông tin ấy chỉ là “ngoài lề”, “phụ gia”, chỉ là “đắp điếm”.

Nói công chúng, cũng không nên nói chung chung. Cần có sự phân loại công chúng nghệ thuật. Có công chúng tinh tuyển, tinh hoa (thì mới nghe được nhạc giao hưởng, mới xem được tranh của các danh họa vẽ tranh trừu tượng, hoặc tranh lập thể; mới đọc được các kiệt tác của những văn hào thế giới). Lại có công chúng phổ thông, bình dân. Họ thuộc về văn hóa đại chúng. Mỗi lớp công chúng có sự lựa chọn riêng phụ thuộc vào văn hóa, vào mỹ cảm, thậm chí vào túi tiền.

Đông Thái:Theo ông, những thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam này có hiệu quả không? (xét ở cả ba khía cạnh nhà báo, nghệ sĩ biểu diễn và công chúng).

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Hiệu quả của một công việc, như chị nói, xét từ cả ba góc độ (nhà báo – NSBD - công chúng). Nhưng cần phải xem đích tới của nghệ thuật là gì? Rõ ràng đích tới của nghệ thuật không phải là nhà báo, cũng không phải là NSBD, mà là công chúng nghệ thuật. Chân lý ấy giản dị không cần tranh luận. Nhưng vì một lí do nào đó mà cái đích đến của nghệ thuật, bây gờ bị người ta đánh tráo.

Vì vậy hiệu quả của thông tin nghệ thuật về giới NSBD, cao hay thấp, phải nhìn từ công chúng nghệ thuật (vì “khách hàng là Thượng Đế”). Đó phải là thông tin “sạch” (tín - đạt - nhã).

 

Đông Thái:Nhiều bài viết đã khai thác quá sâu những tình tiết gây sốc, nhằm thu hút độc giả như: ăn mặc hở hang, phát ngôn gây sốc, chuyện đời tư, các mối quan hệ tình cảm,... Theo ông, những nội dung này về giới nghệ sĩ biểu diễn có phải là những nội dung mang tính “lá cải”, “thảm họa”, vi phạm đạo đức báo chí không? Vì sao?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Đúng là “lá cải”, đúng là “ thảm họa”, đúng là “vi phạm đạo đức” khi báo chí đưa thông tin về giới NSBD mà chỉ chăm chăm chuyện trang phục (kín hay hở), phát ngôn (tự nhiên chủ nghĩa, tự do vô lối, phản cảm), đời tư (vợ bé, chồng hờ) và các quan hệ tình cảm phức tạp (tay ba tay tư, đồng tính,…). Những nghệ sỹ lớn thường không chịu tai họa truyền thông kiểu này. Đặng Thái Sơn, nghệ sỹ piano quốc tế, là một ví dụ. Những nghệ sỹ “thường thường bậc trung” muốn lên hạng đôi khi phải ăn theo truyền thông một cách chủ động. Cái ấy người ta gọi là “lăng –xê”.

Nếu chúng ta theo dõi truyền thông nước ngoài về giới nghệ sỹ, thấy họ rất thận trọng khi đưa tin. Dĩ nhiên không tránh khỏi đây đó “giật gân”, “câu khách” (ví dụ xung quanh cuộc đời và cái chết của ca sỹ Mỹ lừng danh M. Jacson). Nhưng rất họa hoằn. Cũng bởi luật pháp ở nước họ rất nghiêm minh, nếu ai đó đưa tin “xằng bậy”, có thể bị kiện ra tòa và chịu án phạt rất nặng.

 

            Đông Thái:Nhiều người cho rằng thông tin tiêu cực về giới nghệ sĩ biểu diễn nhiều khi xuất phát từ nhu cầu chủ quan từ giới này, và nhà báo cũng như công chúng chỉ như con rối trong sự điều khiển của người nổi tiếng. Ông có nhận xét gì?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Khi nhà báo và công chúng trở nên như con rối trong sự giật giây của giới NSBD (nổi tiếng thì ít, tai tiếng thì nhiều), thì khi đó nhà báo và công chúng đều có thể xếp vào “hạng bét” (cuối). Ở ta, những nghệ sỹ nổi tiếng như Trà Giang (Điện ảnh), Quốc Hương (Âm nhạc), Chu Thúy Quỳnh (Múa), Nguyễn Tiến Thọ (Nghệ thuật tuồng), chẳng hạn, nhưng không thấy họ giật dây, điều khiển được nhà báo và công chúng nghệ thuật.

Cho nên ai đó bị  giật giây và bị điều khiển bới những người “nổi tiếng” (hay tai tiếng?!) thì chính họ cũng phải đào tạo lại. Vì trong hàng nghìn nhà báo có nhiều nhà báo kém, thậm chí “bẩn”. Vì công chúng nghệ thuật ngày nay phức tạp hơn, chia rẽ hơn, đáng phải đào tạo lại hơn.

 

Đông Thái:Theo ông, có đúng là công chúng thích và tò mò những thông tin hậu trường, bên lề (ăn mặc, phát ngôn, đời tư, scandal...) của giới nghệ sĩ biểu diễn hơn là những thông tin về hoạt động nghệ thuật của họ?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Nói công chúng nghệ thuật thích và tò mò những thông tin hậu trường về giới NSBD, là “vơ đũa cả nắm”, là vu khoát. Công chúng ấy chỉ là một bộ phận thôi. Công chúng đích thực vẫn rất quan tâm về những hoạt động nghệ thuật của giới NSBD. Mỗi nghệ sỹ có một con đường nghệ thuật và số phận riêng. Nếu là một nghệ sỹ tài năng đích thực thì mồ hôi, nước mắt họ đổ ra là không thể tính đếm để đi đến đến đỉnh cao vinh quang nghệ thuật. Truyền thông hãy vẽ ra con đường vinh quang và cay đắng của những nghệ sỹ lớn để công chúng có thêm những bài học quý báu về Chân - Thiện – Mỹ. Một đặc điểm tâm lý của con người là tính tò mò. Nhưng con người phát triển thì thaythế tò mò bằng quan tâm. Đã quan tâm thì ứng xử khác tò mò.

 

Đông Thái:Nếu chia trình độ dân trí của công chúng thành 3 cấp độ: cao, thấp, trung bình, theo ông, phần lớn công chúng quan tâm tới thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn thuộc cấp độ nào?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Thực ra chia thành ba cấp độ công chúng, về hình thức thì có vẻ đúng, nhưng đôi khi trong mỗi cá nhân công chúng lại có sự “hòa âm”, “pha màu” của cả ba. Tôi lấy ví dụ, một nhà khoa họctự nhiêncó tiếng tôi quen, rất thích nghe nhạc giao hưởng, xem tranh trừu tượng, tranh lập thể nhưng lại cũng rất mê truyện trinh thám và phim hành động, thích nhạc bolero. Vậy thì xếp ôngấyvào cấp độ nào?

Nhưng nhìn xuyên suốt hơn thì, công chúng bình dân thuộc về văn hóa đại chúng, riêng thích được tiếp cận các thông tin “lề trái” về NSBD. Nhân đây tôi đề nghị không nên dùng khái niệm “công chúng dân trí thấp”. Nên phân ra “công chúng tinh hoa”, “công chúng bình dân” thôi. Bởi vì ngày trước có nhiều người không biết chữ nhưng lại thuộc làu “Truyện Kiều” (như là tinh hoa văn hóa Việt Nam), và  vịnh, lẩy, bói Kiều rất hay.

 

Đông Thái:Ông có nhận xét gì về thực trạng cóp nhặt lại tin bài giải trí từ các báo khác, dẫn tới việc khó kiểm soát về tính chính xác của thông tin?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Đây là vấn nạn hiện nay, có “phổ” rất rộng. Người ta gọi  là “đạo” văn, đạo chữ. Nói nhẹ nhàng như từ chị dùng là “cóp nhặt” lại tin bài giải trí từ các báo khác rồi “xào nấu”, “chế biến” thành của “chính hãng”, “chính chủ”. Đã thế thì còn ai, cơ quan chức năng nào kiểm soát được thông tin (như tôi biết thì hiện nay ở ta có hơn 800 đơn vị báo chí). Tôi gọi đó là “truyền thông bẩn”. Nhưng mà đâu chỉ có trong lĩnh vực truyền thông về giới NSBD. Trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, các học viện (cao học và nghiên cứu sinh) đang như tằm ăn rỗi sao chép  của người đi trước (từ sách, từ mạng). Đến giáo viên hướng dẫn và cả hội đồng đôi khi cũng mất quyền kiểm soát. Huống hồ báo giới. Nói chung tình trạng  mất kiểm soát diễn ra trên diện rộng hầu khắp các lĩnh vực.

 

Đông Thái:Theo ông, nhà báo nên xử lý như thế nào khi tiếp nhận một thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn, nhất là những thông tin dễ gây “sốc”, dễ có khả năng thu hút lượng lớn công chúng, có ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của người nghệ sĩ?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Nói ra một điều “cũ như trái đất” – nhà báo phải có tâm và tầm. Khi nhà báo tâm không sáng thì sẽ dễ chạy theo lợi ích cá nhân, hoặc lợi ích nhóm. Từ đó sẽ dễ sa vào “câu view”. Hoặc chạy theo thời thượng. Hoặc vì tư túi. Thiếu tầm nhà báo sẽ chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Sẽ rơi vào tiểu tiết, sẽ vì cái trước mắt, cục bộ mà quên cái lâu dài, toàn bộ. Cần bảo vệ danh dự của những nghệ sỹ lớn chứ không phải “che chắn” họ. Tài năng cần được phát hiện, nâng đỡ, bồi đắp, nhân lên. Ở ta còn quá hiếm những nhà báo có năng lực phát hiện tài năng nghệ sỹ. Cũng dễ hiểu thôi, con đường đến với nghề báo trên lĩnhvực nghệ thuật không có sự đào tạo cụ thể, đặc thù, căn bản ở các trường dạy nghề báo. Đôi khi nhà báo phải tự vùng vẫy, tự cứu mình trước khi Trời cứu.

 

Đông Thái:Nhiều thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn được cập nhật từ facebook cá nhân hoặc mạng xã hội. Điều này là đúng hay sai theo ông?

 

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Thông tin về giới NSBD nếu chủ yếu được khai thác từ Facebook cá nhân hoặc mạng xã hội, thường bị “nhiễu”, đôi khi là “ảo”.  Đó là cách làm việc, nếu có thể nói, là lười nhác của nhà báo. Chỉ nên dựa vào Facebook hay mạng xã hội một phần nhỏ thôi. Một phần lớn phải tiếp cận đối tượng. Tôi biết ở một tòa báo nọ phóng viên rất ít cọ xát với văn giới và đời sống văn chương. Nhưng báo họ ra đọc thấy vẫn “ngon lành”. Nhưng ai rành nghề, sẽ thấy “bịa” là nhiều. May mắn là bịa nhưng vô hại. Nhưng nhạt, vô bổ, vô vị. Vô thưởng vô phạt. Nếu phóng viên cứ làm việc theo nếp ấy, đà ấy thì làm sao phát triển được!

Ở ta, nhà báo, nhà văn không đi vào thực tế đời sống mà vẫn cứ viết đều là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nếu cứ như thế thì thì sự viết sẽ rơi vào hão huyền, hoang đường.

Đông Thái:Theo ông, giải pháp nào giúp cho việc đăng tải các thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam có hiệu quả hơn, tích cực hơn và mang tính văn hóa hơn?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Trước hết là trách nhiệm trực tiếp của Bộ Thông tin-Truyền thông. Bộ 4T này, như thiên hạ vẫn gọi, phải sát sườn hơn nữa để kiểm soát báo chí trong lĩnh vực nghệ thuật. Tiếp đến, trực tiếp nhất là trách nhiệm của các “chủ bút”. Ông “chủ bút” nào để báo chí mình quản lí vi phạm thì nên bị xử lí nghiêm. Nhưng rốt cục thì nhà báo mới là “nhân vật chính” của câu chuyện thú vị nhưng phức tạp này. Những người “tai tiếng” sẽ không được công chúng “nhòm ngó” nếu không có sự tiếp tay của các nhà báo kém. Công chúng cũng sẽ ít bị “ô nhiễm” nếu ít đi nhà báo kém (chưa kể là “bẩn”). Cuối cùng là công chúng. Không thể có một công chúng cứ tự nhiên nhi nhiên. Xã hội văn minh, dân trí cao, căn cốt văn hóa bền vững (như các nước phát triển) thì công chúng cũng luôn cần được giáo dục đến nơi đến chốn. Cần nói thêm, chúng ta tấn phong danh hiệu nghệ sỹ quá ư dễ dàng, hào phóng cho người làm nghề biểu diễn (ca hát, kịch trường, điện ảnh,…).

Đông Thái:Vai trò của các chủ thể (nhà báo, nghệ sĩ, công chúng) như thế nào trong quá trình tăng cường chất lượng thông tin về giới nghệ sĩ biểu diễn VN theo quan điểm của ông?

Nhà văn Bùi Việt Thắng:Một nền văn hóa, một nền nghệ thuật phát triển cao là kết quả của một tổng lực. Nếu có gì sai sót trong lĩnh vực chúng ta đang quan tâm và bàn luận, theo tôi, là trục trặc có tính hệ thống, là bệnh “ mãn tính”. Không nên chỉ trích một chủ thể riêng rẽ nào. Xây dựng một nền nghệ thuật mới có khi cần thời gian hàng trăm năm. Tâm lý sốt ruột, nóng vội diễn ra trong tất cả các lĩnh vực, không riêng gì nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật có quy luật đặc thù. Nó phụ thuộc vào lao động sáng tạo cá nhân. Vì thế khi một xã hội bao gồm những cá nhân tự do phát triển và cống hiến, may ra chúng ta có được những thay đổi lạc quan hơn hiện trạng bây giờ, nói riêng trong lĩnh vực nghệ thuật./.

                                                                                                                       

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443708

Hôm nay

2266

Hôm qua

2333

Tuần này

21521

Tháng này

218882

Tháng qua

112676

Tất cả

114443708