Diễn đàn

Điều ít biết về một di tích tiêu biểu cho phong trào Thiện đàn ở Nghệ An

 

Đền Đức Sơn (Hiếu Thiện đàn). Nguồn ảnh baonghean.vn                                                             

Đền Đức Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, là di tích Kiến trúc Nghệ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 5382/QĐ- BVHTTDL 29/12/2017. Nhưng ít ai biết rằng, nó nguyên là một thiện đàn với tên gọi Hiếu Thiện đàn - trung tâm cầu cơ, cầu tiên nổi tiếng của xứ Nghệ, góp phần không nhỏ vào việc chấn hưng văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, thức tỉnh lòng yêu nước, thương nòi của người dân xứ Nghệ nói chung và cả nước nói riêng ở đầu thế kỷ XX.

  Thiện đàn là tên gọi để chỉ một loại hình tín ngưỡng tâm linh độc đáo, gắn liền với các hiện vật đặc trưng như bút tiên (hay cầu tiên), ghế tiên, bàn tiên nhằm thực hiện hoạt động “cầu cơ”, “giáng bút” thông qua một người có năng lực đặc biệt, để nhận lời giáo huấn từ các vị Tiên, Thánh, Thần được dân chúng tôn thờ ở Thiện đàn. Ban đầu, các vị Tiên, Thánh, Thần chủ yếu nằm trong hệ thống của Đạo giáo như Tam Thanh (Ngọc Thanh Nguyễn Thủy Tiên TônThượng Thanh Linh Bảo Tiên Tôn, Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, tức là Thái Thượng lão Quân), Quan Thánh Đế Quân (Quan Công, Quan Vân Trường), Văn Xương Đế Quân, Bắc Cực Tử Vi Đại Đế... Về sau, do ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu, các vị Tiên, Thánh, Thần được mở rộng và có sự kết hợp giữa các thần linh của Đạo giáo và các thần linh có nguồn gốc Việt như Tam Tòa Thánh Mẫu, Hưng Đạo Vương, Nguyên Từ Quốc Mẫu, Mai Hắc Đế,...

Kết cấu kiến trúc của Thiện đàn cũng chịu sự chi phối của triết lý Đạo giáo dân gian. Đó là sự hài hòa âm dương, ngũ hành sinh khắc, hòa hợp với thiên nhiên. Một Thiện đàn hoàn chỉnh thường có những công trình sau: Nghi môn, Lầu ngũ dinh (thay thế tắc môn), Cột đăng (cửu tiêu đăng), Hạ điện, Hòn non bộ, Trung điện, Thượng điện, Tả vu, Hữu vu, nhà quy y, nhà trù...

Về bản chất, Thiện đàn chính là giáo đường (đạo quán) của Đạo giáo dân gian. Việc lập Thiện đàn để khuyến thiện vốn xuất hiện từ lâu trong xã hội phong kiến nước ta. Từ thời Lê đã có phái Nội Đạo Tràng, các đạo quán của phái này chính là tiền thân của các Thiện đàn sau này. Các Thiện đàn vừa có ý nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo, vừa có ý nghĩa chính trị. Các nhà yêu nước đã mượn tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền chính trị nhưng sau lại “bị tôn giáo hấp dẫn mà tác động trở lại khiến ý thức lợi dụng lúc đầu đã bị chìm ngập vào không khí tôn giáo thực, kèm theo ý nghĩa chính trị”[i]. Loại hình này phát triển mạnh ở thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước và chấn hưng văn hóa dân tộc.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh nhanh chóng bị thực dân Pháp và chính quyền phong kiến đàn áp, khủng bố, đặc biệt là từ năm 1908 trở đi, sau khi phong trào Duy Tân (Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục) thất bại, nước ta rơi vào khủng hoảng về đường lối cứu nước. Đứng trước tình cảnh nước mất nhà tan, xã hội loạn lạc, phong hóa bị suy đồi, con đường cứu nước còn mờ mịt, các sĩ phu yêu nước đã cầu viện đến “hồn thiêng sông núi, tinh anh dân tộc”, mượn lời thánh huấn, thánh giáo của các bậc tiên thánh để dạy đời, cứu dân, trước là để giữ gìn thuần phong mỹ tục, sau là để thức tỉnh nhân tâm. Đó là lý do phong trào Thiện đàn phát triển mạnh mẽ và lan rộng ở hầu khắp các tỉnh trong giai đoạn này, đặc biệt là miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Ở Nghệ An, phong trào Thiện đàn phát triển rất sôi nổi, bởi xứ Nghệ là nơi sản sinh ra nhiều nhà Nho yêu nước, là cái nôi của các phong trào chống Pháp như Cần Vương, Đông Du,... Đến nay, chưa có thống kê chính thức về số lượng thiện đàn ở Nghệ An nhưng chắc chắn con số đó phải lên đến hàng trăm đàn. Hầu như huyện nào cũng có một vài thiện đàn hoạt động như Hiếu Thiện đàn (Vân Diên - Nam Đàn), Cư Thiện đàn (Thị trấn Nam Đàn), Vi Thiện đàn, Tập Thiện đàn, Lạc Thiện đàn, Mộ Thiện đàn (Vĩnh Thành - Yên Thành), Lạc Thiện đàn (Hưng Thông - Hưng Nguyên), Giác Thiện đàn (Diễn Nguyên - Diễn Châu) …

Trong số đó, Hiếu Thiện đàn ở Vân Diên là tiêu biểu nhất. Đây là một trung tâm cầu cơ, cầu tiên nổi tiếng không chỉ ở trong huyện mà còn vang ra khắp các huyện xung quanh như Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên... Hiện nay, ở Hiếu Thiện đàn còn lưu giữ được hơn 100 tấm mộc bản kinh khắc chữ hai mặt - kết quả của những lần “giáng bút” và một khối lượng lớn kinh sách, khuôn dấu, bút tiên, bàn tiên, ghế tiên và các hoành phi câu đối của thiện tín gần xa cung tiến về đàn. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho hoạt động sôi nổi của Hiếu Thiện đàn và ảnh hưởng của nó đối với người dân xứ Nghệ trong giai đoạn này.

Cầu tiên (hay còn gọi là bút tiên)

Các kinh giáng ở Hiếu Thiện đàn vừa có cả chữ Hán, vừa có cả chữ Nôm, bao gồm: kinh Chấp Trung, kinh Giác Mộng, kinh Linh Tiên, kinh Thọ Thế, kinh Minh Đạo, kinh Vĩnh Mệnh, kinh Tĩnh Tâm, kinh Cứu Tệ... Nội dung của các bản kinh đều khuyến khích con người hướng thiện, bỏ tâm tà ác, bỏ các thói hư, tật xấu, bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, trai giữ tam cương ngũ thường, gái giữ tam tòng tứ đức, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, khuyến khích tinh thần yêu nước, thương nòi...

Một mộc bản kinh mẫu lưu tại di tích

Hiện nay, đền Đức Sơn gồm có các công trình: Nghi môn, Lầu ngũ dinh, Cột đăng, Hạ điện, Hòn non bộ, Trung điện, Thượng điện, Tả vu, Hữu vu, nhà quy y. Đây là nơi bài trí thờ Quan Thánh Đế Quân, Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần, Nguyên Từ Quốc Mẫu. Như vậy, ngoại trừ sự thay đổi về tên gọi, thì di tích vẫn mang bản chất của một Thiện đàn. Hy vọng, trong tương lai không xa, Hiếu Thiện đàn sẽ được trả lại đúng vị trí, để nó phát huy vai trò của mình trong xã hội hiện đại./.

 

 


[i] Đào Duy Anh, Tìm hiểu về phong trào thiện đàn đối với cuộc vận động ái quốc, Kinh Đạo Nam, Nxb Lao Động, Hà Nội, 2007.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114523060

Hôm nay

246

Hôm qua

2264

Tuần này

21834

Tháng này

220999

Tháng qua

121009

Tất cả

114523060