Diễn đàn

Từ điển chính tả mà không chuẩn chính tả thì là gì, thưa Phó Giáo sư?

Thời gian gần đây, báo “Người lao động” đăng loạt bài phê bình, khảo cứu về "Từ điển chính tả" sai chính tả của tác giả Hoàng Tuấn Công.

Những kiến giải của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, tôi nghĩ là thỏa đáng, rất cần để nhóm tác giả biên soạn cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" (TĐCTTV) tiếp thu và đính chính nếu họ thực sự cầu thị.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hoàng Tuấn Công có những bài phản biện chính xác, khoa học trong lĩnh vực biên soạn từ điển tiếng Việt. Cuốn "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và Khảo cứu" của ông xuất bản năm 2017 đã phải tái bản ngay sau đó nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả lúc bấy giờ. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của dư luận về cuốn sách và tác giả của nó - một tiếng nói phản biện hiếm hoi trong lĩnh vực học thuật. Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng bình luận: “Hiện tượng Hoàng Tuấn Công là điều đáng mừng cho học thuật nước nhà”.[1]

Nói như thế để thấy, việc nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công tiếp tục công việc “phê bình và khảo cứu” -  mà bây giờ là cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” do PGS. TS Hà Quang Năng chủ biên - là điều rất đáng hoan nghênh, bởi trong giới nghiên cứu ngôn ngữ hình như chưa ai làm việc này và, nếu chúng ta thực tâm vì một nền học thuật chân chính, khoa học, vì sự trong sáng của tiếng Việt.

Tuy nhiên, sau khi loạt bài  "Từ điển chính tả" sai chính tả! được báo chí đăng tải, ngày 09/6/2020 trên báo Người lao động, trả lời phỏng vấn của phóng viên, PGS. TS Hà Quang Năng lại cho biết, ông không coi những cái đó (những mục từ do Hoàng Tuấn Công chỉ ra lỗi sai chính tả) là sai.[2]

PGS. TS Hà Quang Năng nêu quan điểm: “Muốn phán xét phải hiểu nguyên tắc, mục đích biên soạn của chúng tôi. Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi đã ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi đã tuyên bố rõ trong lời giới thiệu”.

Nội dung trả lời phỏng vấn của chủ biên cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” với báo chí khiến độc giả của bài báo hết sức ngạc nhiên. Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với cách lý giải cũng như quan điểm biên soạn từ điển chính tả của vị chủ biên. Người viết bài này vì sự tế nhị nên không tiện nêu ra nguyên văn, chỉ xin tóm lược ý kiến của độc giả trong mấy từ: Sai, ngụy biện, đánh tráo khái niệm, bó tay.[3]

Là một độc giả của bài báo, người viết bài này cũng xin mạo muội bày tỏ ý kiến của mình về nội dung trả lời báo chí của PGS.TS Hà Quang Năng.

Từ điển là loại sách đặc biệt, có tính định hướng xã hội trong việc sử dụng ngôn ngữ. Do đó, đặc trưng của từ điển là tính chuẩn mực. Chuẩn mực ở đây hiểu một cách đơn giản là từ vựng trong từ điển phải được giải thích đầy đủ, chính xác nghĩa và cách sử dụng. Đối với từ điển chính tả thì chuẩn mực chính tả là yếu tố quan trọng hàng đầu.

“Lời nói đầu” của cuốn TĐCTTV có đoạn: “TĐCTTV được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũngchỉ dẫn (trong trả lời phỏng vấn, PGS.TS Hà Quang Năng không nhắc đến từ này) những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”.

Tuy nhiên, trong TĐCTTV, tịnh không có một chỉ dẫn nào giúp người dùng nhận ra cách viết dạng a hay b của từ ngữ là chuẩn hay không chuẩn chính tả. Nhóm biên soạn chỉ đơn thuần làm việc “cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn”, tức là một mớ hổ lốn không phân biệt đúng/sai chính tả, nhằm đánh đố người dùng, trái với nguyên tắc (chỉ dẫn) đã đặt ra trong “Lời nói đầu”.

Đấy chính là lý do dẫn đến việc nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công liệt kê một loạt trường hợp sai về chính tả trong cuốn TĐCTTV

Tuy nhiên, điều khó hiểu là chủ biên cuốn TĐCTTV lại “không coi những cái đó là sai”. PGS.TS Hà Quang Năng nói: “Mục đích của tôi là chỉ cung cấp những từ ngữ ấy để mọi người đọc, hiểu và giúp cho những người biên soạn từ điển dựa vào đó để xây dựng bảng từ”. Thế thì đâu mới là cái đích thực sự của cuốn TĐCTTV?

Biện minh cho sự mập mờ này, PGS.TS Hà Quang Năng cho rằng, “rất nhiều trường hợp có nhiều cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia (người viết xin nhấn mạnh). Nhà nước chưa có một văn bản nào ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả mà chỉ những văn bản của các cơ quan cụ thể như NXB Giáo dục, NXB Từ điển Bách khoa, Văn phòng Chính phủ và mới nhất là quy định về chính tả của Bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam”.

Tôi không nghĩ một nhà nghiên cứu ngôn ngữ nổi tiếng như PGS.TS Hà Quang Năng lại phát biểu như vậy. Chuẩn chính tả tiếng Việt là vấn đề được các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đặt ra từ lâu, cách đây hơn nửa thế kỷ. Tuy chưa có văn bản pháp quy nào về chuẩn chính tả (và theo tôi, không thể có loại văn bản pháp quy này) nhưng không có nghĩa là người dùng tùy tiện trong việc chính tả tiếng Việt. Mấy chục năm nay, nhà trường dựa vào đâu để dạy chính tả cho học sinh? Các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật, quản lý hành chính, giao tiếp xã hội,… dựa vào đâu để đảm bảo chuẩn chính tả?  

Không thể phủ nhận thực tế trong tiếng Việt có một số trường hợp có nhiều cách viết khác nhau. Vấn đề là ở chỗ phải chỉ ra được nguyên nhân của những cách viết khác nhau. Nhiệm vụ đó thuộc về các nhà nghiên cứu, các nhà biên soạn từ điển. Họ là chỗ dựa đáng tin cậy cho người dùng khi gặp phải những trường hợp phân vân, khó xác định được cách viết chuẩn. Một cuốn từ điển, đặc biệt là từ điển chính tả mà không đáp ứng được điều này thì đó là một cuốn từ điển dở.

PGS.TS Hà Quang Năng còn cho rằng: “Một số hiện tượng chính tả có nhiều biến thể khác nhau mà không thể coi biến thể này là chuẩn hay biến thể kia là chuẩn”. Lạ nhỉ. Tầm của PGS.TS - một nhà ngôn ngữ học thuộc hàng gạo cội mà phải “bó tay chấm com” trước những hiện tượng chính tả có nhiều biến thể thì hàng vạn thầy cô dạy tiếng Việt ở bậc học phổ thông trong cả nước sẽ ứng xử ra sao?

Ngoài những từ ngữ sai chính tả mà ông Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra, trong bài trả lời phỏng vấn, PGS.TS Hà Quang Năng còn nêu thêm một vài dẫn chứng khiến độc giả bài báo không khỏi sửng sốt. Đó là trường hợp "xét sử". PGS.TS dẫn giải: “Ví dụ "xét sử", viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử”. Theo ông, “xét sử” tương tự các trường hợp viết tắt khác như Liên Xô (Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết), công sản (tài sản công), Bảo Việt (bảo hiểm Việt Nam).

Xin thưa PGS.TS, trong hàng trăm cụm từ viết tắt được cộng đồng chấp nhận, hoàn toàn không có cái gọi là “xét sử”. Tuy viết tắt là hiện tượng phổ biến ở các ngôn ngữ, không riêng gì tiếng Việt nhưng không phải bất cứ trường hợp viết tắt nào cũng được xã hội chấp nhận để rồi tồn tại như một thực thể từ. Tôi lấy ví dụ, không thể tùy tiện gộp Lao động - Thương binh và xã hội (tên một bộ) thành Lao - Thương - Xã. Đã từng có “cao - xà - lá” (nhà máy cao su - xà phòng - thuốc lá), “kỹ - chiến thuật” (kỹ thuật, chiến thuật),… nhưng rồi phải chết yểu vì tiếng Việt hiện đại không dung nạp, cộng đồng không chấp nhận.

Trong bài trả lời phỏng vấn, PGS.TS Hà Quang Năng còn tự mình mâu thuẫn với chính mình.

Mở đầu, ông không thừa nhận những trường hợp mà nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã liệt kê là sai. “Tôi không coi những cái đó là sai”, PGS.TS khẳng định. Thế nhưng phần cuối ông lại lấp lửng: “Trong quá trình viết sách, do có tới mấy chục vạn mục từ, cũng không phải đơn giản nên không thể nào đúng được 100%. Có thể có những sai sót”.

Khi phóng viên nhắc “Nhưng từ điển chính là chuẩn mực…”, thì PGS.TS bộc bạch: “Tôi tiếp thu các ý kiến góp ý chứ không phải khăng khăng mọi thứ mình đều đúng. Cái gì mình đúng thì nói đúng, cái gì sai thì tôi nhận sai”.

Và ông cho biết: “Sau này nếu có tái bản, chúng tôi sẽ bổ sung sửa chữa”. Thế nghĩa là, chủ biên TĐCTTV đã thừa nhận “Từ điển chính tả” sai chính tả. Giá như ông nói thẳng ngay từ đầu thì tôi nghĩ, chẳng thể có những lời nhận xét hết sức bức xúc của bạn đọc ở phần comment của bài báo.

Một chuyên gia ngôn ngữ học cho hay, bất kỳ công trình nào cũng khó tránh khỏi sai sót, nhưng từ điển thì phải được thực hiện nghiêm túc vì đây được coi là "khuôn vàng thước ngọc". Đã là dân ngôn ngữ thì không thể để những lỗi sai như thế được", vị chuyên gia này khẳng định.[4]

10-6-2020

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. https://nongnghiep.vn/tai-ban-sach-tu-dien-tieng-viet-cua-gs-nguyen-lan-phe-binh-va-khao-cuu-d226071.html

[2, 3, 4]. https://nld.com.vn/van-nghe/tu-dien-chinh-ta-sai-chinh-ta-chu-bien-sach-noi-do-la-muc-dich-bien-soan--20200608211055253.htm

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522537

Hôm nay

269

Hôm qua

2325

Tuần này

21311

Tháng này

220476

Tháng qua

121009

Tất cả

114522537